Trong thành Nhạn Hồi ở trấn nhỏ vùng biên thùy có một “dốc núi Tướng Quân”, tên nghe rõ là uy phong, nhưng kỳ thực chỉ là một đống đất be bé, nghển cổ lên là có thể nhìn qua đỉnh.
Dốc núi Tướng Quân vốn không phải là từ xưa đã có, mà nghe đâu là mười bốn năm trước, khi Huyền Thiết tam đại doanh đệ nhất thiết kỵ của Đại Lương Bắc phạt, dẹp yên mười tám bộ lạc man tộc, khải hoàn quay về theo đường Nhạn Hồi thành, đã xếp xó phế giáp ở đây, tạo thành một ngọn núi nhỏ, sau đó cát bụi phong sương, gió táp mưa sa, nó liền trở thành dốc núi Tướng Quân.
Dốc núi Tướng Quân là một dốc núi hoang, chẳng trồng trọt được gì, ngay cả cỏ dại cũng vắng bóng, yêu đương vụng trộm cũng không có cái che, trụi lủi tọa lạc nơi đây, chẳng biết có thể dùng làm gì. Các cụ già đều bảo đây là do Huyền Thiết doanh sát nghiệt quá nặng, lệ khí bức người mà ra. Lâu ngày, đám lưu manh vô công rồi nghề liền lấy đây làm nguyên mẫu, thêu dệt ra hàng loạt truyền thuyết ma quỷ ở biên thùy, rồi dần dà cũng chẳng còn ai dám tới đó nữa.
Xế chiều hôm nay, lại có hai đứa nhãi mười mấy tuổi chạy tới dưới dốc núi Tướng Quân.
Hai đứa này một cao gầy, một mập lùn, ghép lại y hệt như một đôi bát đũa biết đi vậy.
Đứa cao gầy ăn mặc theo kiểu bé gái, nhìn kỹ mới biết là bé trai, nhũ danh Tào Nương Tử. Do thầy tướng số nói nó vốn là mệnh nữ bị đầu thai nhầm, chỉ sợ ông trời còn muốn kêu về đầu thai lại, gia đình lo nó sống không lâu, nên vẫn nuôi như con gái.
Đứa mập lùn là tiểu nhi tử nhà Cát đồ tể, nhũ danh Cát Bàn Tiểu, người cũng như tên, được bao bọc bởi một lớp mỡ phú quý.
(Bàn là béo)Hai đứa cùng thò đầu dòm dốc núi Tướng Quân, có điều là sợ truyền thuyết ma quỷ lộng hành nên chẳng đứa nào dám đến gần.
Cát Bàn Tiểu tay cầm cái ống đồng “thiên lý nhãn”, thò đầu cố gắng nhìn về hướng dốc núi Tướng Quân, miệng lẩm bẩm: “Ngươi nói mặt trời cũng lặn rồi mà còn chưa chịu xuống núi, đại ca ta thật là… Đó gọi là gì nhỉ – à, là thượng điếu tích cốc!”
Tào Nương Tử: “Đó gọi là huyền lương thích cổ(1), đừng nói nhảm nữa, mau đưa thiên lý nhãn cho ta!”
Nha đầu dỏm này thường xuyên kịch giả làm thật, tiếc rằng phương hướng có chút vấn đề, khuê tú đâu chưa thấy, ngược lại y hệt mụ đàn bà chanh chua, đặc biệt khoái dùng đôi móng gà cào người ta.
Nó vừa thò tay thì lớp mỡ của Cát Bàn Tiểu liền nhức nhối, vội chắp tay dâng thiên lý nhãn, dặn đi dặn lại: “Ngươi nhớ cẩn thận, nếu làm hỏng, nhất định cha ta sẽ tẩn ta thành nhân bánh đó.”
“Thiên lý nhãn” là cái ống tròn làm bằng đồng, xung quanh khắc “ngũ bức”(2), bên trong có một mảnh lưu ly trong suốt, chụp lên mắt thì thỏ cách mười dặm hơn cũng có thể nhận ra đực cái.
Cái của Cát Bàn Tiểu khá tinh xảo, do tổ phụ từng làm lính trinh sát để lại.
Tào Nương Tử cầm món đồ mới mẻ trong tay cả buổi, giơ lên dòm sao trời: “Rõ thật!”
Cát Bàn Tiểu nhìn theo tầm mắt nó, chỉ dạy: “Ta biết, đó gọi là sao Hôm, còn có tên khác là ‘sao Trường Canh’, giống tên đại ca ta, Thẩm tiên sinh từng dạy, ta vẫn còn nhớ đây.”
Tào Nương Tử bĩu môi: “Ai là ‘đại ca ngươi’? Ngươi xem người ta có thèm để ý tới ngươi không? Dày mặt đuổi theo người ta đòi nhận đại ca, thật đê tiện… Ôi, từ từ, ngươi xem kia có phải là y không?”
Cát Bàn Tiểu nhìn theo hướng ngón tay nó, thấy đúng thế thật.
Chỉ thấy một thiếu niên cầm kiếm cúi đầu chậm rãi từ trên dốc núi Tướng Quân đi xuống, Cát Bàn Tiểu lập tức giống như không sợ chuyện ma quỷ gì nữa, lao tới như một tia chớp(3): “Đại ca, đại ca!”
Nó chạy quá nhanh, đến chân dốc núi Tướng Quân thì bị vấp thứ gì đó, lăn lông lốc xuống dưới chân thiếu niên kia.
Cát Bàn Tiểu mặt đầy bụi đất ngẩng đầu lên, chưa thèm bò dậy, trước tiên nịnh nọt cười ngây ngô, nhăn nhó nói: “Hì hì, đại ca, đệ chờ huynh ở đây cả ngày rồi.”
Thiếu niên tên Trường Canh im lặng lùi về suýt nữa giẫm trúng chân Cát Bàn Tiểu.
Mỗi lần nhìn thấy Cát Bàn Tiểu là trong lòng y đều cảm thấy thật thần kỳ, cho rằng vị Cát đồ tể giết ngàn con heo kia trời sinh có Hỏa nhãn kim tinh, từng ấy năm mà vẫn chưa coi nhi tử như heo để làm thịt. Nhưng Trường Canh tính tình ổn trọng, miệng rất tích đức, bất kể trong lòng nghĩ gì, đều không mở miệng tổn thương người ta.
Trường Canh rất có phong thái đại ca đỡ Cát Bàn Tiểu dậy, lại phủi bụi đất giúp nó: “Chạy cái gì, coi chừng ngã đần ra giờ! Tìm ta có việc gì à?”
Cát Bàn Tiểu: “Trường Canh đại ca, ngày mai cha huynh và mọi người sẽ về rồi, chúng ta không đi học nữa, huynh đi cướp nhạn thực với bọn đệ đi! Nhất định có thể đánh bọn Lý tiểu hầu tử tè ra quần!”
Cha Trường Canh là Từ bách hộ(4) – không phải cha ruột.
Hồi mới hai ba tuổi, Trường Canh theo quả phụ Tú Nương đến nơi này nhờ vả thân thích, ai ngờ thân thích dọn nhà đi mất từ lâu, không tìm được. Vừa vặn gặp Từ bách hộ quan binh của Nhạn Hồi vợ cả mất sớm, không có con cái, ông ta thích Tú Nương, liền cưới về làm vợ kế.
Từ bách hộ dẫn người xuất quan, thu cống phẩm hàng năm của người man, chỉ một hai hôm nữa là sẽ về thành.
Biên thành bần khổ, trẻ nhỏ cũng không có quà vặt gì, các tướng sĩ mỗi lần nạp cống trở về đều thuận tay ném ít pho mát và thịt khô của người man ra ven đường, dẫn đến đám trẻ con tranh nhau cướp đoạt, đây gọi là “cướp nhạn thực”.
Đã là “cướp”, đám nhóc con khẳng định không tránh khỏi đánh nhau, nhưng chỉ cần chưa què cụt thì người lớn sẽ không quản, thế là chúng kéo bè kết đảng như đánh nhau thật.
Chuyện như vậy, nếu ai có thể kéo Trường Canh đến nhập bọn, thì tương đương với đứng trên thế bất bại.
Trường Canh từ nhỏ đã chăm chỉ tập võ – biên thùy nhiều quân hộ, hài đồng tập võ vốn không ít, chẳng qua luyện công phu phải chịu khổ, nên phần lớn tiểu hài đều luyện tùy tiện lơ là không đến nơi đến chốn, chỉ có Trường Canh kể từ khi bắt đầu học kiếm, ngày nào cũng một mình lên dốc núi Tướng Quân luyện tập, nhiều năm qua khổ luyện không ngừng, nghị lực kinh người.
Hiện giờ tính cả tuổi mụ còn chưa đầy mười bốn, mà Trường Canh đã có thể dùng một tay cầm trọng kiếm hơn sáu mươi cân, tuy rằng trong lòng có chừng mực, chưa từng tham dự các cuộc ẩu đả của bọn nhãi ranh, nhưng mấy đứa này vẫn đều hơi sợ y.
Trường Canh nghe xong chẳng để tâm, cười nói: “Ta bao nhiêu tuổi rồi mà còn giành giật nhạn thực gì đó?”
Cát Bàn Tiểu chưa chịu buông tha: “Đệ đã nói với Thẩm tiên sinh rồi, Thẩm tiên sinh cũng đã gật đầu, mấy ngày này cho chúng ta nghỉ.”
Trường Canh chắp tay sau lưng thong thả bước đi, trọng kiếm thi thoảng đập vào cẳng chân, không để ý tới mấy lời con nít của Cát Bàn Tiểu.
Y đọc sách hay không, luyện kiếm hay không đều quyết định bởi chính y, chẳng liên quan đến việc tiên sinh cho nghỉ hay chăng.
Cát Bàn Tiểu: “Hơn nữa, Thẩm tiên sinh nói mình phải đổi thuốc cho Thập Lục thúc, mấy ngày tới có thể cũng phải đi xa chọn mua thảo dược, không có ở nhà. Huynh đâu có chỗ đi, chi bằng đi theo bọn ta, chứ cả ngày luyện kiếm có gì vui đâu?”
Câu này rốt cuộc lọt vào lòng Trường Canh, y lập tức khựng lại, hỏi: “Thập Lục không phải mới từ Trường Dương quan trở về à, sao lại bị bệnh rồi?”
Cát Bàn Tiểu: “A… hình như vậy, y đó giờ đâu khỏe mạnh gì.”
“Thế ta đi thăm y,” Trường Canh phất tay đuổi hai cái đuôi nhỏ, “Mau về nhà đi, sắp tối rồi, trễ giờ cơm coi chừng cha ngươi lại đánh cho.”
Cát Bàn Tiểu: “Ôi, đại ca, việc kia…”
Trường Canh chẳng có hứng thú nghe nó lải nhải “việc này” “việc kia” không thôi. Nam hài tử tuổi này, hơn một tuổi cũng là hơn, đầu óc và suy nghĩ khác nhau rất nhiều, nên Trường Canh đã không thể chơi với bọn Cát Bàn Tiểu nữa.
Y cậy mình vóc cao chân dài, chớp mắt đã đi xa.
Tiểu Bàn Tử uổng công một chuyến, không mời được người, thất vọng thở dài, quay đầu lại trừng mắt nhìn Tào Nương Tử: “Ngươi không chịu nói gì hết!”
Tào Nương Tử khuôn mặt đỏ bừng, ánh mắt mơ màng, bộ dáng vênh mặt hất hàm sai khiến Cát Bàn Tiểu ban nãy đã sớm mất sạch, ôm ngực như thiếu nữ hoài xuân: “Trường Canh đại ca của ta đi lại nhìn cũng đẹp hơn người khác.”
Cát Bàn Tiểu: “…”
Không bao giờ có thể dẫn tên mất mặt này ra ngoài nữa.
“Thẩm tiên sinh” và “Thập Lục thúc” mà Cát Bàn Tiểu nói là một đôi huynh đệ, rất có uyên nguyên với Trường Canh.
Hai năm trước, Trường Canh còn nhỏ, một mình trốn ra ngoài thành chơi, không cẩn thận lạc đường gặp đàn sói, suýt nữa bị tha đi, may gặp huynh đệ Thẩm thị du lịch đến đây.
Thẩm tiên sinh dùng thuốc bột đuổi bầy sói đói, cứu cái mạng nhỏ của y. Sau đó hai huynh đệ ở lại Nhạn Hồi tiểu trấn, Từ bách hộ cho họ thuê khu viện để trống của nhà mình, cảm động trước ân cứu mạng nên không lấy tiền.
Huynh trưởng tên Thẩm Dịch, là một thư sinh thi mãi chẳng đỗ, tuy chưa già nhưng tâm sĩ đồ đã tuyệt, an phận thủ thường làm ẩn sĩ ở cái vùng khỉ ho cò gáy này, láng giềng đều khách khí gọi y là “Thẩm tiên sinh”.
Trừ làm ẩn sĩ, Thẩm tiên sinh còn kiêm nhiệm các chức như đại phu, viết hộ thư từ câu đối, tây tịch tiên sinh(5) cùng “Trường Tý sư”. Y hết sức đa tài đa nghệ, biết trị thương cho người, còn biết đỡ đẻ cho ngựa, ban ngày ở nhà mở tư thục, dạy đám thiếu niên học hành, buổi tối đuổi các học trò đi, là có thể xắn tay áo sửa chữa máy móc động cơ hơi nước, cương giáp và đủ các loại khôi lỗi(6), thêm vào chi phí sinh hoạt, lánh đời mà bận thấy sợ. Thẩm tiên sinh cái gì cũng biết, vừa biết kiếm tiền vừa giỏi lo cho gia đình, nhóm lửa nấu cơm cũng rất có nghề, giỏi giang cực kỳ, bởi vậy huynh đệ kia không có việc làm, đành phải chuyên môn phụ trách phá của – huynh đệ của Thẩm tiên sinh tên là “Thẩm Thập Lục”, nghe nói là từ nhỏ thân thể không khỏe, gia đình chỉ sợ nuôi không nổi, bởi thế không đặt tên cho, do đẻ ngày mười sáu tháng Giêng nên bèn lấy “Thập Lục” làm tên luôn.
Thẩm Thập Lục từ sáng đến tối không học hành cũng chẳng làm việc, lọ dầu đổ không biết dựng lên, ngay cả nước cũng chưa bao giờ thấy gánh, không phải đi lang thang thì là uống rượu, không học vấn không nghề nghiệp, cơ hồ chẳng có một chút ưu điểm nào.
Trừ ngoại hình đẹp.
Ngoại hình thật sự rất đẹp, lão thọ tinh trong trấn chính miệng giám định, nói ông ta sống sắp chín mươi tuổi rồi mà chưa từng thấy nam nhân nào chỉn chu như vậy.
Đáng tiếc dù đẹp hơn cũng vô dụng – Thẩm Thập Lục hồi nhỏ từng một lần bị bệnh nặng, sốt hỏng cả người ra, mắt chắc cũng chỉ có thể thấy rõ trong vòng hai thước, cách mười bước thì ngay cả nam nữ cũng không phân biệt nổi. Y lại còn nặng tai, nói với y một câu cũng phải đứng sát mà gào lên, ngày ngày đi qua cửa nhà Thẩm gia, cách một bức tường cũng có thể nghe thấy Thẩm tiên sinh nho nhã lễ độ kia gào thét như chó điên.
Nói tóm lại, Thẩm Thập Lục là một con ma ốm vừa điếc vừa mù.
Với điều kiện của y, vốn nên là một tiểu bạch kiểm được trời ưu ái, tiếc thay ở trấn nhỏ biên thùy này không phải quỷ nghèo thì là thần nghèo, cho dù thiên tiên tới cũng chẳng ai bao nuôi nổi.
Theo phong tục địa phương, lúc đại ân đại đức không gì báo đáp được, sẽ kết nghĩa nhận người thân, có con cháu thì con cháu nhận, không có con cháu thì tự mình nhận.
Huynh đệ Thẩm thị cứu Trường Canh khỏi miệng sói, là ân nhân cứu mạng, Trường Canh như một lẽ đương nhiên nhận một trong hai người làm nghĩa phụ.
Thẩm tiên sinh học hành đến hỏng cả đầu óc, một mực nói không hợp lý cũng không hợp pháp, không dám nhận, ngược lại là huynh đệ y Thập Lục gia thống khoái, đương trường đổi giọng gọi “nhi tử” luôn.
Cứ thế, tên Thẩm Thập Lục vô công rồi nghề chiếm được món lợi to, nếu mai kia con ma ốm chơi bời lêu lổng này nghèo khổ, Trường Canh sẽ phải dưỡng già và lo tang ma cho.
Trường Canh quen đường băng qua viện của mình, từ cửa hông ra ngoài rẽ một chỗ là đến nhà Thẩm tiên sinh.
Thẩm gia tổng cộng hai tên đàn ông độc thân, ngay cả con gà mái cũng không có, đương nhiên chẳng cần kiêng dè ai. Y trước nay đến đi tùy tiện, cửa cũng không cần gõ.
Vừa vào viện, mùi thuốc và tiếng huyên thều thào liền đập thẳng vào mặt.
Thẩm tiên sinh đang ở trong viện cau mày sắc thuốc. Y là một thanh niên bộ dáng thư sinh, mặc trường sam cũ, chưa già, nhưng luôn cau mày, có một thân thanh hàn nồng nặc mùi khói lửa.
Tiếng huyên từ trong nhà vẳng ra, cái bóng cao ráo của người thổi huyên bị ngọn đèn u ám chiếu lên khung cửa bằng giấy, hiển nhiên người này tài nghệ chẳng ra sao, cũng không nghe ra là điệu gì, thường xuyên có một hai âm thổi không kêu, tiếng huyên tậm tịt, đượm nỗi thê lương và mệt mỏi kỳ dị.
Nói đây là tiếng nhạc thì có thể hơi gượng ép, Trường Canh lắng tai thưởng thức một chút, cảm thấy nếu nhất định phải khen, thì chỉ có thể khen là y khóc tang rất du dương.
Thẩm Dịch nghe thấy tiếng bước chân liền cười với Trường Canh, sau đó quát người trong buồng: “Tổ tông, hạ miệng lưu tình đi, nghe mắc đái quá, Trường Canh đến rồi!”
Vị thổi huyên kia nhắm mắt bịt tai, mà với thính lực của y, có khả năng là thật sự không nghe thấy đâu.
Thẩm tiên sinh mặt mày xanh xám.
Trường Canh cảm thấy người thổi huyên vẫn rất khỏe mạnh, không như bị bệnh, liền hơi yên tâm, hỏi: “Ta nghe Cát Bàn Tiểu nói tiên sinh đổi thuốc cho Thập Lục, y sao vậy?”
Thẩm tiên sinh nhìn màu thuốc, tức giận nói: “Không sao, đổi mùa thôi, bốn mùa dùng các loại thuốc khác nhau, con ma ốm này yểu điệu khó chiều lắm – A đúng rồi, ngươi tới vừa khéo, hôm nay không biết y kiếm đâu ra một món đồ chơi, còn tính sáng mai đưa qua cho ngươi đấy, mau vào xem thử đi.”
—
Huyền lương là treo lên xà nhà. Thời Đông Hán, có một chàng trai trẻ tên Tôn Kính, chăm chỉ hiếu học, luôn đóng cửa học hành từ sớm đến khuya rất ít nghỉ ngơi, có khi đến nửa đêm rất dễ ngủ gật. Để không ảnh hưởng việc học tập, Tôn Kính đã nghĩ ra một cách, chàng tìm một sợi dây thừng, một đầu cột vào tóc mình, đầu kia cột lên xà nhà, như vậy lúc đọc sách mệt ngủ gật chỉ cần cúi đầu là dây thừng sẽ kéo tóc làm đau da đầu, chàng sẽ do đau đớn mà tỉnh táo học tiếp, sau đó chàng rốt cuộc trở thành chính trị gia tiếng tăm lừng lẫy.Thích cổ là đâm vào đùi. Tô Tần thời Chiến quốc là một chính trị gia nổi danh, nhưng lúc trẻ học vấn không cao, đến rất nhiều nơi cũng chẳng ai để ý, cho dù có hùng tâm tráng chí cũng không được trọng dụng, vì thế ông ta hạ quyết tâm phấn đấu học hành. Do thường xuyên đọc sách đến đêm khuya, lúc mệt mỏi buồn ngủ sẽ dùng cái dùi chuẩn bị sẵn đâm vào đùi, như vậy cảm giác đau đột nhiên xảy đến sẽ khiến ông ta tỉnh táo, tiếp tục học bài.Cả câu này dùng để hình dung khắc khổ học tập. Tuy nhiên Cát Bàn Tiểu lại nói là thượng điếu (treo cổ) và tích cốc (tức không ăn ngũ cốc, một cách dưỡng sinh của người xưa).Ngũ bức là họa tiết hình 5 con dơi.Nguyên gốc tác giả dùng cổn địa lôi, tức một tia chớp hình tròn.Bách hộ là một chức trong quân đội, trên là thiên hộ và vạn hộ.Tây tịch chỉ gia sư, còn Trường Tý sư sẽ được giải thích rõ hơn trong chương 3.Khôi lỗi là con rối, tuy nhiên trong truyện này dịch là rối thì cũng không đúng lắm. Thôi thì đành để nguyên vậy, các bạn đọc từ từ sẽ hình dung ra thôi.