Sau Khi Địa Chủ Nhỏ Bị Ép Về Quê

Chương 36

Nghiêm Dung Chi vừa nói vừa mang Lâm Thù Văn vào trong viện, thuận tay tiếp nhận mật ong trên tay thiếu niên.

Còn vài canh giờ nữa mới đến tối, nhưng Lâm Thù Văn tới, Nghiêm Dung Chi tự nhiên không định để cậu đi.

Hắn nói: "Mật ong này đêm này dùng để nướng thịt ăn, được không?"

Lâm Thù Văn: "Thịt nướng?"

Nghiêm Dung Chi căn dặn quản sự trước, quản sự đi xuống tiện thể nói mọi người chuẩn bị.

Hắn nói: "Ừ, nướng trong viện."

Lâm Thù Văn chưa từng trực tiếp ăn thịt được nướng trên giá bao giờ, dễ như trở bàn tay bị gợi lên vài phần tò mò.

Hơn nữa... Vừa rồi mới bị hỏi có một câu, vậy mà cứ thế đi qua.

Cậu cảm thấy hơi thấp thỏm, lại có chút mất mát.

Nghiêm Dung Chi nhìn bước chân thiếu niên không rời, đi theo mình, cười nhẹ nói: "Đồ vật vẫn chưa chuẩn bị xong, cùng ta đi xem dê trước, được không?"

Lâm Thù Văn nói: "Được."

Nghiêm trạch có vài tòa sân, dắt về mấy con dê, nuôi chúng trong một tòa gần phía sau núi.

Sân không có người ở, được bố trí rất nhiều cỏ xanh, vừa bước chân vào cửa, đã thấy ba bốn con dê đang tụ lại, cùng nhau gặm cỏ non xanh tươi, có người tới cũng không sợ, Lâm Thù Văn thậm chí còn đối diện với một con dê cái đang ngẩng đầu.

Cậu nói: "Chúng không sợ người."

Quả nhiên như lời Nghiêm Dung Chi nói, lông dê trắng tuyết, giống như từng đám mây trắng mềm mại, khiến người ta muốn chạm vào.

Thiếu niên bước chân nhẹ nhàng, chậm rãi tới gần, quay đầu lại nhìn vào mắt nam nhân, nhẹ giọng hỏi: "Ông chủ Nghiêm, ta có thể sờ chúng một chút không?"

Nghiêm Dung Chi gật đầu: "Cứ tự nhiên."

Lâm Thù Văn vươn tay, đánh giá con dê đang tới gần mình, tay chạm đến lông dê.

Khuôn mặt tuyết trắng của thiếu niên lộ ra chút vẻ thử thách, ngón tay không dám dùng nửa phần sức lực, nín thở ngưng thần, sau một lúc mới mở miệng: "Mây trên trời cũng có cảm giác như vậy sao?"

Dê cái dịu ngoan, bị người sờ cũng không có phản ứng gì, thần sắc dường như mềm như bông, Lâm Thù Văn nghiêng người đứng bên cạnh dê, con ngươi vừa ngước lên, ánh mắt vậy mà lại có hơi giống dê.

Hỏi xong tự mình thẹn thùng cười một cái.

Mây trôi trên trời, người không phải thần tiên, làm sao có thể biết được sờ lên mây có cảm giác gì?

Sờ qua dê cái, đút chúng nó ăn chút cỏ xanh trong chốc lát, Lâm Thù Văn đi theo Nghiêm Dung Chi vào một tòa sân khác.

Lò nướng dùng để nướng thịt đã được người đẩy vào trong đình hóng gió trong viện, lò được làm bằng đồng, có hình vuông, chia làm hai tầng trên và dưới, hai bên bếp lò có một đôi khe vuông, dùng để cắm que xiên thịt.

Đáy lò có những khía sâu, phần dưới được làm thấp với bốn chân đế đỡ, phần trên dùng để đựng than, bên dưới dùng để hứng tro than.

Trên bàn đá bày chỉnh tề mấy mâm thịt cùng đồ ăn, nước chấm đều được đựng trong bình. Bên cạnh còn có mấy đĩa trái cây mới rửa vẫn còn dính chút nước, trong chén là một phần sữa dê mới.

Quản sự cho người đưa than lửa tới, chậm rãi đặt than vào đáy lò nướng.

Mặt trời ngả về phía Tây, gió lạnh phất phơ.

Lâm Thù Văn ngồi trước giá sắt, những người khác đều lui xuống, để cậu ngồi cùng Nghiêm Dung Chi.

Ánh mắt cậu đặt trên những miếng thịt đã được cắt hoàn chỉnh, xếp ngay ngắn trên dĩa đặt trên bàn sứ, thầm nghĩ phương pháp này hình như khác với cách đặt trực tiếp trên lửa để nướng.

Nghiêm Dung Chi cầm mấy xâu thịt, xếp các miếng thịt lên lưới sắt, than lửa vừa mới cháy, lập tức vang lên mấy tiếng "tách tách".

Lâm Thù Văn mở to mắt, Nghiêm Dung Chi nói: "Cách nướng thịt này tương đối thịnh hành ở kinh đô và Yển Thành, nhà bình thường đa số vẫn dùng lửa nướng."

Lại hỏi: "Muốn thử không?"

Nghe vậy, Lâm Thù Văn không biết nên đặt tay chỗ nào. Cậu liên tục gật đầu, nhỏ giọng nói: "Muốn."

Nghiêm Dung Chi bảo thiếu niên ngồi xuống ghế cạnh mình, rồi kêu cậu lấy mấy xâu thịt cùng đồ ăn muốn ăn.

Lâm Thù Văn cũng không chọn, cầm một chuỗi thịt, nhìn theo cách ban nãy Nghiêm Dung Chi làm, khéo léo xâu thịt lên lưới sắt, rồi đặt miếng thịt lên lửa.

Miếng thịt phát ra tiếng "tách", cùng với mấy xâu thịt bên cạnh đã được nướng trước đó tỏa ra hương thơm.

Nghiêm Dung Chi vừa lật xiên thịt, vừa khuấy nước chấm.

Dù không lật quá nhiều, nhưng lúc ngửi mùi lại rất thơm.

Trên thịt còn được phết một lớp mật ong mỏng, khi nướng sẽ có một màu vàng óng ánh như màu da cá trạch, thoạt nhìn ngon miệng vô cùng, khiến người ta thèm thuồng phải động đậy ngón tay.

Nghiêm Dung Chi nói: "Đặt ở một bên trước, chờ nguội rồi ăn."

Lâm Thù Văn tự mình nướng thịt, phát hiện một mặt hơi cháy, vội vàng quay sang nam nhân bên cạnh, nhìn hắn với ánh mắt xin giúp đỡ.

Nghiêm Dung Chi ra hiệu cậu không cần khẩn trương, cổ vũ cậu thử lại lần nữa.

Vì thế Lâm Thù Văn lại cầm mấy xâu thịt nướng thử, nhưng khi nướng xong đều không ra được tỉ lệ như mong muốn.

Nghiêm Dung Chi đưa cho cậu một mâm thịt được nướng xong đã để nguội bớt, rồi đặt một chén sữa dê vào tầm tay cậu.

Lâm Thù Văn ăn thịt nướng, rồi uống mấy ngụm sữa dê.

Cậu ăn uống ít, sau khi ăn mấy xâu thì chỉ uống sữa dê mà không ăn thịt nữa, nhai kỹ, nuốt chậm, ăn trái cây.

Nghiêm Dung Chi nhìn thiếu niên đã ngừng ăn, gió đêm thổi làm vài sợi tóc bên mặt đối phương khẽ bay. Cách ăn của cậu rất tao nhã và thanh lịch, khóe miệng không dính chút dầu mỡ nào, ăn uống ít, nhưng khi cậu dừng lại, Nghiêm Dung Chi cũng không ép cậu ăn thêm.

Ánh chiều dần tắt, màn đêm buông xuống bốn phía, trong viện thắp đèn, gió thổi qua hành lang mát lạnh thoải mái.

Sau khi ăn cơm no, Lâm Thù Văn mơ màng sắp ngủ, mí mắt có hơi nâng không nỗi.

Cậu miễn cưỡng lên tinh thần, trong lòng vẫn nhớ những lời vừa rồi.

"Ông chủ Nghiêm, ta... Ta không có đồng ý lời cầu thân từ Lý gia."

"Vương bà bà đột nhiên tới cửa nói những lời đó, ta cũng không hiểu nên đáp lại như thế nào, nhưng nếu muốn ta đồng ý hôn sự, thì chắc chắn không thể đồng ý."

Cậu hoảng hốt nói: "Nếu không phải lưỡng tình tương duyệt (*), sao có thể hứa hẹn chung thân đại sự."

(*) Lưỡng tình tương duyệt (两情相悦): hai trái tim hòa chung một nhịp, yêu thương nhau

Nhưng thế nào là lưỡng tình tương duyệt, dù Lâm Thù Văn đọc sách từ nhỏ, cũng không thể nói được nguyên do.

Nghiêm Dung Chi nhìn cậu: "Thù Văn có từng nghĩ mình sẽ thành thân với người như thế nào chưa?"

Nói thẳng ra như thế khiến Lâm Thù Văn lúng túng, đối diện với tầm mắt của nam nhân, càng thêm hoảng hốt.

Cậu nuốt khan, không nghĩ ra được cụ thể mình muốn thành thân với người có bộ dáng ra sao, nhưng nếu nói mình một mực không biết, thì cũng không phải thế.

Ít nhất cũng nên giống ông chủ Nghiêm...

Ý nghĩ vừa mới lóe lên, trái tim đập càng mạnh hơn, ngay cả đầu ngón tay cũng lặng lẽ run rẩy.

Cũng vì mơ thấy ông chủ Nghiêm mà cậu càng thêm chột dạ.

Đêm đến, sương mù dần tỏa ra, tiếng mưa rơi xung quanh càng thêm rõ ràng.

Lâm Thù Văn cảm thấy mệt, Nghiêm Dung Chi gọi người thu dọn phòng, nói: "Trời mưa không dễ đi, tối nay em cứ ở lại đây nghỉ ngơi, được không?"

Thiếu niên xoa xoa đôi mắt buồn ngủ, ngây ngốc nói: "Không về sao?"

Rồi chậm chạp gật đầu.

Lâm Thù Văn ấp úng, giấu đầu lòi đuôi lẩm bẩm: "Mệt quá."

Phòng cho khách đã được thu xếp xong, vốn thiếu niên còn định giả bộ ngủ để che giấu cõi lòng, nào ngờ cậu chìm vào giấc ngủ rất nhanh, dù có mấy tiếng sấm lớn cũng không thể đánh thức cậu ra khỏi giấc mộng.

Nghiêm Dung Chi đứng ngoài cửa thở dài, vừa vui mừng vì thiếu niên ngủ ngon, vừa vô cớ có hơi tiếc nuối.

Lâm Thù Văn không cần hắn ở cạnh.

******

Ngày tháng ở nông thôn trôi qua chậm, gần như toàn bộ thời gian Lâm Thù Văn đều ở trong nhà chuyên tâm mài giũa, điêu khắc trâm, hiếm khi ra khỏi nhà.

Có khi La Văn đến, cậu nhìn ra ngoài, nhịn không được hỏi: "Ông chủ Nghiêm đâu?"

La Văn cười nói: "Chủ tử ở trên núi."

Xung quanh, những vật liệu gỗ được vận chuyển liên tục ra ngoài, những khúc gỗ này đều được đưa vào kinh đô, cung cấp cho hoàng cung, cho nên Nghiêm Dung Chi đều tự mình giám sát, không cho phép có chút chậm trễ hay sơ suất nào.

Lâm Thù Văn đáp "ò" một tiếng, mời La Văn vào nhà uống trà lạnh.

La Văn chỉ ngồi một lát, chủ tử bận rộn, y càng không thể rảnh rỗi, vội vàng xua tay với Lâm Thù Văn, đứng dậy từ biệt.

Trong tiểu viện yên tĩnh, lúc trước Lâm Thù Văn cảm thấy như vậy rất tốt, nhưng không biết có phải do mấy ngày nay chẳng tiếp xúc ai hay không, thầm nghĩ bây giờ cảm thấy có chút quạnh quẽ.

Cha của Mạc Bố bắt được mấy con rắn cùng thỏ trong núi, muốn đem vào thành bán. Lâm Thù Văn liền cùng hai cha con Mạc Bố vào thành, cậu đi bộ đến cửa hàng trang sức lần trước bán trâm, vừa bước vào cửa, chưởng quầy đang cúi đầu tính sổ sách nhìn thấy cậu, đôi mắt lập tức phát sáng.

"Ngươi lại tới sao!"

Lần trước thái độ của chưởng quầy không có nhiệt tình như vậy, Lâm Thù Văn nghi hoặc.

Chưởng quầy nói: "Lần này mang theo bao nhiêu cây trâm? Chắc nhiều hơn lần trước nhỉ, mặc kệ có bao nhiêu cây, ta đều thu hết, còn nâng giá cho ngươi, tính 30 văn một cây, thế nào?"

Trâm Lâm Thù Văn làm rất được hoan nghênh, bất kỳ chi tiết nào cũng trông rất sinh động và tinh xảo, vừa mang ra cửa hàng bán, không đến hai ngày đã bán hết.

Còn có mấy thiên kim con nhà quyền quý cũng đã đặt hàng trước với chưởng quầy. Chưởng quầy ngày ngày mong ngóng, lúc nào cũng chờ mong, mắt thấy đã qua hơn mười ngày, mới đợi được Lâm Thù Văn.

Lâm Thù Văn nói: "Chỉ làm một ít trâm thôi."

Cậu mở khăn vải ra, chưởng quầy vội vàng lại gần nhìn, tiếc nuối nói: "Chỉ có sáu cây à."

Lâm Thù Văn: "Đã cố gắng lắm rồi."

Gần đây, cậu không thể làm đến khuya nữa, nếu lại bị bệnh thì sẽ làm phiền Nghiêm Dung Chi, mấy ngày nay đối phương đang vội vàng vận chuyển vật liệu gỗ, Lâm Thù Văn không định khiến người ta nhọc lòng vì mình.

Bán hết toàn bộ trâm cho chưởng quầy, Lâm Thù Văn được tổng cộng 180 văn. Tiền cậu mua gỗ cũng chỉ tốn mười mấy, hai mươi văn. Nếu chuyên tâm bỏ công sức phát triển việc này, thì thật ra đây cũng là một cách kiếm tiền không tệ.

Cầm tiền xong, Lâm Thù Văn hội họp với nhà Mạc Bố. Lần trước đã nhận mật ong tốt từ nhóm người Mạc Bố, cậu đến cửa hàng điểm tâm mua đậu phộng rang, hạt dưa, khoai lang sấy, còn có một túi kẹo bí đao, hết 40 văn.

Giá hạt dưa cùng đậu phộng rẻ, chỉ có kẹo bí đao tốn gần 30 văn.

Đồ vật được chia thành mấy phần, Lâm Thù Văn giao hết cho Mạc Bố, để nó mang cho mấy tiểu tử lần trước.

Lâm Thù Văn còn suy nghĩ để lại hai khối kẹo bí đao, đi đến Nghiêm trạch. Quản sự báo: "Chủ tử còn ở trên núi."

Cậu ngước mắt, nhìn trời đang dần chuyển đen, cầm theo cây dù, đi được nửa đường, mưa gió nổi lên bốn phía, cậu bỗng tự hỏi: Mình thật sự muốn lên núi tìm Nghiêm Dung Chi sao?

Trong mưa có người gọi cậu: "Thù Văn."

Bên trong u ám, áo ngoài Nghiêm Dung Chi ướt một nửa, hắn đi đến trước mặt thiếu niên đứng bất động ở ven đường: "Trời mưa sao lại ra đây?"

Mưa quá lớn, Nghiêm Dung Chi nâng tay lên, dùng tay áo chắn cho đối phương.

Lỗ tai cùng cổ Lâm Thù Văn chợt lạnh, theo bản năng nắm chặt hai khối kẹo bí đao trong lòng bàn tay, lẩm bẩm nói: "Ta, ta mua đường, mưa lớn như vậy... lo lắng nên tới đây..."

Nghiêm Dung Chi nói: "Lo lắng cái gì?"

Lâm Thù Văn cúi đầu.

Mưa bay lất phất, tạt vào trong dù, không phải lúc thích hợp để nói chuyện. Nghiêm Dung Chi kéo Lâm Thù Văn vào sát cán dù, lòng bàn tay áp nhẹ, che sau đầu cậu.

"Về trước đã."

Lâm Thù Văn đi theo Nghiêm Dung Chi, đến chân núi, liếc thấy hơi nước bao phủ xung quanh, bốn phía xám xịt, nói: "Ngươi..."

Nghiêm Dung Chi không nghe rõ.

Lâm Thù Văn nhẹ giọng nói: "Lo lắng cho ông chủ Nghiêm nên mới tới đây."

Giọt nước bắn lên lỗ tai đã nóng rát, tựa như băng và lửa đan xen nhau.

Cậu không xác định được đối phương có nghe thấy không, chỉ biết co mình trong lòng ng.ực rộng lớn của nam nhân để tránh mưa, tựa như sợ sấm, nhưng tiếng sấm cũng không vang dội bằng nhịp tim của cậu.

Bình Luận (0)
Comment