Lâm Thù Văn chăm chú nhìn đường, hơn nữa còn cố tình tránh đi tầm mắt của người khác, nên cậu không phát hiện Mạc Bố liên tục quay đầu lại nhìn mình.
Nói đến thôn Bát Bảo, phía trước là một số mẫu ruộng tốt, sông ngòi sung túc, sau này còn có rất nhiều mẫu đất chuyên để trồng cây, tất cả những điều này đều là Mạc Bố chủ động nói cho Lâm Thù Văn biết.
Mạc Bố nói: "Nhưng mà phạm vi vài dặm này đều không phải của chúng ta, càng không phải của quan, ngoại trừ một số người có ấn phân chia cho quan, còn lại đất này, nghe mấy ông lão trong thôn nói đều là của một vị đại địa chủ.
"Thôn dân vùng này chỉ cần đến phủ nha trên huyện ghi sổ đăng ký, dựa vào giấy khế, rồi tìm trưởng thôn xác minh, có thể thuận lợi thuê mấy thành đất của đại địa chủ này. Nhưng cây cối trồng ra đều phải đưa lại cho họ, giá tính theo tỷ lệ."
Mấy thôn dân xung quanh ngoại trừ xử lý đồng ruộng được phân cho mình, còn lại đều trồng cây. Sở dĩ họ nguyện ý làm tá điền thuê đất trồng cây của địa chủ, hoàn toàn là do có thu nhập cố định, dù sản lượng trồng được nhiều hay ít, địa chủ đều sẽ thu mua.
Dùng quan điền gieo trồng nông sản, thuế má phải nộp tương đối nhiều, nếu gặp phải thời tiết bất lợi, thu hoạch của quý đó sẽ bị ảnh hưởng.
Chỉ cần mưa to, sương lạnh hay bão tuyết, tất cả đều có khả năng khiến nhà đó trắng tay mấy tháng.
Dù cho tuyết rơi, gió thổi, đối với những cây sinh trưởng trong núi, rễ cắm vững chắc thì ảnh hưởng không lớn như vậy.
Mạc Bố chỉ về hướng núi rừng phía trước: "Nghe mấy ông lão nói có vài đầu gỗ rất đáng giá, chuyên môn cung cấp cho hoàng cung, chế tác đủ kiểu dáng vật dụng phòng ốc, hoặc là gia đình giàu có bỏ tiền mua, giá mỗi một cây gỗ chúng ta làm mười mấy năm cũng không đủ."
Nhưng mấy nông hộ đều giống nhau, ít có cơ hội có thể thu hoạch cây cối quý hiếm từ địa chủ, những thôn trang chung quanh, có thể trồng ra loại gỗ trung và thượng đẳng, đếm trên đều ngón tay cũng không hết.
Mạc Bố lại nói: "Mỗi năm có rất nhiều nông dân báo danh cho trưởng thôn, trưởng thôn sẽ đem danh sách giao cho quản sự quản lý thay cho địa chủ, hạt giống tốt sẽ phát cho các gia đình đã được tuyển chọn kỹ lượng, nhưng không phải năm nào cũng tuyển đủ."
"Ta còn nghe nói vị đại địa chủ đó rất có đầu óc, dù sao không riêng gì đất ở thôn chúng ta, nơi khác liên tục trồng được cây dược liệu, cây ăn quả, địa chủ là thương nhân lớn, sinh ý trải rộng khắp Lệ triều."
Lâm Thù Văn có hơi nghiêng tai phải, nghe Mạc Bố nói chuyện.
Giống Lâm gia, chỉ bằng cách cho thuê, vị địa chủ này trong miệng Mạc Bố, rốt cuộc giàu đến mức nào? Không chỉ thu tiền thuê đất, còn thu cả cây trồng, đến cả việc làm ăn trên danh nghĩa còn trải rộng Lệ triều?
Lâm Thù Văn bị gợi lên chút tò mò, muốn nói lại thôi.
Còn chưa kịp lên tiếng đã nghe Mạc Bố nói: "Sân phơi lúa ở đây, ta đi lấy bó cỏ khô cho ngươi."
Trước mắt có khoảng đất trống, trên mặt đất dùng dây thừng phân chia ranh giới, có mấy chỗ đang phơi cây trồng. Bên cạnh rải rác mấy tấm ván gỗ, ghế gỗ, khắp nơi đều phơi cỏ khô.
Mạc Bố ôm một bó lên, định đưa cho thiếu niên thì dừng lại.
Hắn mỉm cười: "Lâm công tử, quần áo ngươi sạch sẽ, ôm trong ngực sẽ làm dơ mất.", rồi xung phong nhận việc, "Ta mang về giúp ngươi được không?"
Sao Lâm Thù Văn có thể không biết xấu hổ để người ta giúp mình hết mọi chuyện được? Thân nhân bằng hữu còn quan trọng lễ tiết, huống chi đối phương với cậu chỉ là người xa lạ.
Cậu nhẹ nhàng lắc đầu, duỗi tay nhận lấy bó cỏ khô nặng trĩu trong ngực Mạc Bố.
Đôi mắt thiếu niên sáng trong như hai viên đá quý, nhìn Mạc Bố: "Đa tạ."
Mạc Bố nhất thời quên cả chuyện đáp lại.
Lâm Thù Văn ôm chặt bó cỏ khô trong ngực đi vài bước, im lặng quay đầu lại, đối diện với đôi mắt ngẩn ngơ của Mạc Bố, nỗi lòng âm u mấy ngày nay bỗng nhẹ đi.
Thanh âm cậu nhẹ nhàng: "Mạc Bố, thật sự cảm ơn ngươi, ân tình này ta sẽ ghi nhớ."
Mạc Bố "A" một tiếng, muốn đuổi theo hỏi lại, Lâm Thù Văn nói: "Đừng gọi ta là Lâm công tử, cứ gọi Lâm Thù Văn là được."
Mạc Bố ngây ngô cười: "Được!"
*
Lâm Thù Văn ôm cỏ khô quay về nhà, một nửa để lên giường ván gỗ, nằm xuống sờ thử eo lưng đau nhức, rồi di chuyển xuống cuối giường, cởi áo khoác ngoài.
Lót cỏ khô ngủ vẫn thoải mái hơn nằm trên tấm ván gỗ lạnh như băng, Lâm Thù Văn đem cỏ khô còn lại xuống bếp, nhóm lửa, sau đó đun nóng nồi nước.
Cậu sợ buổi tối trời lạnh, đi ra ngoài sân, nhìn bốn phía rồi nhặt một ít cỏ dại và nhánh cây nhỏ.
Những ngày đông xuân, trời tối sớm, trong thôn cảm giác càng rõ hơn, bên ngoài cửa sổ trời đã nhanh tối đen.
Toàn bộ thôn trang im ắng, không giống trong thành phố hai bên sẽ treo đèn lồng chiếu sáng, trời tối chút nữa, xung quanh sẽ đen đến mức không thấy nỗi năm ngón tay.
Lâm Thù Văn uống mấy ngụm nước ấm, đem mấy nhánh cây khô tới cuối giường. Cậu dùng than lửa đang cháy để lên nắm cỏ khô, rồi dùng nhánh cây để lên đám cỏ đang cháy.
Ánh lửa ánh lên đôi mắt thiếu niên ngời sáng, cậu đơn giản rửa sạch tay chân, cởi giày rồi nằm trên giường.
Thiếu niên gầy yếu nhìn ra ngoài, hôm nay trời lại mưa, đêm nay ít ra có thể mượn đống lửa sưởi ấm.
Lâm Thù Văn không dám đi tiểu đêm, cho nên buổi tối uống ít nước.
Đôi mắt thiếu niên xuất thần nhìn chằm chằm đống lửa, từ từ khép lại.
Từ khi bắt đầu bị ép về quê ở đời trước, cho đến bây giờ, cảm giác mệt mỏi mãi không cách nào vơi đi, Lâm Thù Văn vừa nằm xuống giường một lát đã nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
Hôm sau, sau cơn mưa trời lại sáng.
Đống lửa trong nhà không biết tắt từ lúc nào, Lâm Thù Văn nhặt được không quá nhiều củi, đống lửa cháy không được bao lâu, lại trong hoàn cảnh đơn sơ ngủ một đêm, Lâm Thù Văn vừa tỉnh liền phát hiện mình nhiễm phong hàn.
Thôn Bát Bảo thích hợp trồng trọt, lượng mưa mỗi năm rất nhiều.
Đêm qua trời có mưa, Lâm Thù Văn tuy đã đốt lửa nhưng bệnh lại càng nặng thêm, ngực và mũi tắc nghẽn, hít thở không thông.
Cậu dùng sức xoa chóp mũi đỏ bừng, đầu óc ong ong nặng nề.
Sau khi bệnh dễ mệt mỏi, Lâm Thù Văn từ ba khối bánh còn lại lấy ra một khối, sau đó uống nước nhai chậm nuốt kỹ.
Đã quen sống trong nhung lụa, lúc bệnh luôn có người kề bên hầu hạ.
Giờ bên người chẳng còn ai, Lâm Thù Văn cố nén hốc mắt ướt át, đôi mắt đã đỏ bừng, cậu vội chớp vài cái, nuốt miếng bánh chẳng rõ vị gì trong miệng, tựa như nhai sáp.
Lúc này chẳng thể bắt bẻ gì, bình thường cậu thiếu ăn, sợ lát nữa đói bụng, cố gắng há miệng nuốt hết nửa khối bánh mới dừng.
Ít nhất, sống lại một lần, cậu không nên để mình chết trên đường kiếm ăn lần nữa.
Lâm Thù Văn hít sâu vài lần, ổn định tâm trạng dọn dẹp tro tàn từ đống lửa đêm qua, chuẩn bị ra bờ sông lấy nước về nấu.
Mấy ngày không tắm gội, lúc này cậu định dùng nước ấm lau mình.
Ngoài phòng, đang có người nói chuyện với nhau.
Lâm Thù Văn nghiêng tai lắng nghe, chần chờ giây lát, đứng sau khe hở của cửa thấy Mạc Bố.
Mạc Bố đang nói chuyện cùng thôn dân xung quanh, trên mặt cười ha hả, hắn tiễn thôn dân đi rồi đứng ngoài rào tre của nhà cũ Lâm gia nhìn xung quanh.
Lâm Thù Văn đứng trong viện, nói lớn: "Mạc Bố, sao lại là ngươi, có chuyện gì sao?"
Mạc Bố cào cào lỗ tai, hắn nghe âm thanh thiếu niên nỗ lực nói lớn như tiếng mèo kêu, giọng điệu nhẹ nhàng, nghe xong trong lòng còn ngưa ngứa.
Hắn ngây ngô cười một tiếng: "Trời vừa hửng sáng ta liền cùng cha xuống đồng làm việc, đường đi ngang đây nên tới thăm ngươi một chút."
Lâm Thù Văn nhìn chằm chằm mũi chân, bước chậm vài bước đến trước hàng rào tre.
Cậu hỏi: "Mạc Bố, ngươi biết gần đây có nơi nào có thể nhặt được nhiều củi đốt không?"
Mạc Bố nghe tiếng nói rầu rĩ của thiếu niên, không khỏi quan tâm: "Ban đêm cảm lạnh hả?"
Cậu nhóc da ngăm nhìn chằm chằm vào hàng rào tre đã hỏng của Lâm gia, thấy gương mặt Lâm Thù Văn tiều tụy, trong lòng lo lắng.
"Ta đi tìm củi lửa cho người."
Nhà cũ đơn sơ, nhìn qua khắp nơi lọt gió, Mạc Bố mới đầu còn lắp bắp, giờ phút này nôn nóng, tốc độ nói cũng nhanh hơn.
"Ta về nhà dọn mấy bó củi lại đây, quần áo ngươi mỏng, áo bông của ta tuy rằng thô dày nhưng mặc vào cũng ấm, ngươi..."
Lâm Thù Văn cắt ngang lời đối phương: "Ta muốn một chút củi lửa là đủ rồi, cảm ơn ngươi, Mạc Bố."
Mạc Bố đáp "Được.", lại mở miệng: "Nhà này có chút vấn đề, chờ khí hậu tốt chút tìm người tới sửa đi, trong sân mọc nhiều cỏ dại, nếu ngươi cần giúp đỡ, cứ việc tìm ta, ngươi một thân một mình ở đây cũng không dễ dàng gì."
Lâm Thù Văn: "Cảm ơn..."
Mạc Bố: "Đừng khách sáo.", nói rồi li.ếm khóe môi, nhịn không được hỏi: "Lúc người đi, trong nhà không cho ngươi tiền hả?"
Lâm Thù Văn: "Có, là ta sơ ý, đánh mất trên đường rồi."
Mạc Bố: "Tiền mà cũng làm mất được hả?", hắn nhìn bộ dáng yếu đuối của thiếu niên trước mặt, nói: "Chẳng lẽ là có người trộm?"
Lâm Thù Văn: "..."
Mạc Bố cắn răng: "Tên trộm đồ đúng là đáng giận, vậy ngươi tính sao? Nếu không chê phiền thì đi huyện nha đăng ký nơi ở, có thể lãnh một khối đất, chỉ là đợi đồng ruộng thu hoạch cũng mất nhiều ngày, nếu không ta đi tìm mẹ ta cho ngươi mượn chút tiền."
Lâm Thù Văn lắc đầu: "Không cần, ngươi đã giúp ta nhiều lắm rồi."
Mạc Bố hô lên: "Nhưng không thể để đói bụng chết trong phòng được."
Trên mặt Lâm Thù Văn có hơi u sầu.
"Ta, vai ta không thể khiêng, tay không thể xách, sức lực không thể so với các người", nói rồi nở nụ cười gượng gạo, "Nói tóm lại một câu, là một thư sinh vô dụng..."
Mạc Bố: "Ý, ngươi biết viết chữ hả?"
Lâm Thù Văn: "...Biết"
Mạc Bố: "Ta có ý này, ngươi có thể giúp người trong thôn chúng ta viết thư, năm văn tiền một bức."
"Thôn Bát Bảo không có ai biết chữ, nếu muốn viết thư cho người thân bạn bè bên ngoài, phải đi thôn Hạnh Hoa bên cạnh tìm Phùng tiên sinh, có điều người muốn viết thư không nhiều lắm."
Lâm Thù Văn lẩm bẩm: "Năm văn tiền..."
Cậu hỏi: "Năm văn tiền có thể mua cái gì ăn? Màn thầu? Bánh bao?"
Mạc Bố nhìn thiếu niên ngây thơ trước mặt, cười nói: "Một văn tiền có thể mua một cái màn thầu, ba văn một cái bánh bao thịt."
Lâm Thù Văn sờ bụng, nghĩ thầm nếu có thể kiếm năm văn tiền cũng tốt, mua năm cái màn thầu, ít nhất đủ cho cậu ăn mấy ngày.
Lúc tới đây cậu có chút giấy cùng bút mực, xa phu trộm túi tiền đi mất, nhưng đồ vật vẫn còn.
Cậu nhìn về phía Mạc Bố, giọng điệu lộ ra sự khẩn trương: "Làm sao để ta làm người viết thư trong thôn?"
Mạc Bố nói: "Ta sẽ đi hỏi giùm ngươi một chút."
Lâm Thù Văn giữ cửa mở, nhìn Mạc Bố, con người ướt át sáng ngời, "Cảm ơn ngươi, Mạc Bố."
Mạc Bố chưa bao giờ nghĩ đến người khác gọi tên mình lại có thể dễ nghe như vậy, khẩu âm của Lâm Thù Văn không giống họ, đọc từng chữ dịu dàng trong trẻo, hắn ngây ngô bật cười thành tiếng.
*
Vì bị bệnh, sau giờ ngọ (11-13h), Lâm Thù Văn liền vào phòng ngủ, mấy ngày ngắn ngủi, dáng người vốn đã mảnh khảnh giờ lại gầy yếu thêm.
Mạc Bố ở ngoài ruộng làm việc, người dân ra đồng rất nhiều, Mạc Bố gặp ai cũng hỏi, cuối cùng có hai người tính hai ngày nữa đi thôn Hạnh Hoa tìm Phùng tiên sinh viết thư.
Mạc Bố nói: "Đừng đi thôn Hạnh Hoa nữa, thôn Bát Bảo chúng ta cũng có người biết chữ."
Nông dân đang làm việc ngẩng đầu: "Ai hả, ở trong thôn còn biết chữ, sao bọn ta không biết."
Mạc Bố: "Chính là Lâm Thù Văn mới dọn về đó."
"Lâm Thù Văn là ai?"
"Là đứa con của Lâm Đại Thành bị ép quay về từ trong thành, đứa trước đây trong thôn hóa ra là con của địa chủ huyện Phong Dương."
"Nó ở một mình hả?"
"Lâm Đại Thành cùng vợ hắn đều đã chết, có thể ở cùng ai được?"
Ngày mùa các thôn dân vừa làm việc vừa mồm năm miệng mười tám chuyện, lời nói đều xoay quanh tin đồn về Lâm Thù Văn.
Trước khi chạng vạng, Mạc Bố mang theo hai người muốn viết thư đi tìm Lâm Thù Văn, cách hàng rào tre gọi cậu.
Lâm Thù Văn tỉnh ngủ không lâu, đang ngồi cuối giường phát ngốc, tai phải mơ hồ nghe được tiếng kêu, ra ngoài mở cửa, thấy hai thôn dân xa lạ theo bản năng cúi đầu.
Mạc Bố giới thiệu đơn giản mục đích của hai thôn dân, hai ngón tay trắng như bạch ngọc của Lâm Thù Văn xoa lỗ tai hơi run, nhẹ giọng đáp: "Được, ta viết ngay."
Cậu tự biết nhà cũ đơn sơ, không thể mời người ta vào chờ.
Thôn dân nói lại nội dung muốn viết cho cậu, Lâm Thù Văn ghi nhớ, nhanh chóng chạy chậm vào nhà.
Thôn dân nói: "Con của Lâm Đại Thành sợ người lạ hả? Đúng là xinh đẹp, trách không được Mạc Bố muốn giúp người ta, thằng nhóc ngươi —"
Một người khác đáp lời: "Không phải là coi trọng người ta đó chứ?! Đứa nhỏ của Lâm Đại Thành vừa thấy liền biết là ca nhi, eo buộc đai lưng nhỏ như vậy!"
Lâm Thù Văn không biết sao thôn dân bên ngoài lại trêu chọc Mạc Bố và mình, cậu nhanh chóng viết nội dung ban nãy vừa nghe, sau khi xong liền chạy ra giao cho hai người.
Lâm Thù Văn nhận đến mười văn tiền, định chia một nửa cho Mạc Bố.
Mạc Bố vội giấu tay sau lưng, lắc đầu: "Ta không nhận đâu, giờ ngươi cũng không dễ dàng gì, để tiền xài đi."
Chạng vạng, khói bếp lượn lờ, mỗi nhà mỗi hộ đều đang nấu cơm.
Lâm Thù Văn so với mèo còn sợ người lạ hơn, đơn giản dùng ba văn tiền đến nhà Mạc Bố mua ba cái màn thầu vừa mới ra lò.
Mạc Bố đưa màn thầu cho cậu, tiện tay cầm mấy nhánh cây thô có thể đốt làm củi đốt qua đêm cho cậu.
"Nhà ta vừa rồi cần dùng nên chẻ nhiều thêm mấy cái."
Hốc mắt Lâm Thù Văn ửng đỏ, Mạc Bố lúng túng nhìn con ngươi ướt nước của thiếu niên, trái tim không khỏi đập nhanh.
"Đừng, đừng khóc mà. Củi lửa khắp nơi chỗ nào cũng có, không đáng tiền, hơn nữa ngươi đến nhà ta mua màn thầu, mẹ ta có tiền trong lòng cũng vui, hỏi ngươi ngày mai mua nữa không."
Dân trong thôn chủ yếu là tự cung tự cấp, thuế đất nhiều, bọn họ không dựa hoàn toàn vào việc canh tác trên đồng ruộng để kiếm tiền.
Ở đây mỗi nhà đều chẳng thiếu màn thầu, cho nên việc bán bánh bao màn thầu xung quanh mấy thôn này không thể phát triển được.
Lâm Thù Văn hé môi, rụt rè cười: "Ta ăn xong sẽ đến mua màn thầu của Mạc thẩm."
Mạc Bố cười nói: "Được!"
Buổi tối Lâm Thù Văn ăn cái màn thầu nóng hầm hập, ánh lửa ánh lên ý cười ít khi xuất hiện trên thần sắc tiều tụy ốm yếu của cậu.
Trước khi sống lại, cuộc sống của Lâm Thù Văn tẻ nhạt vô vị, nhưng chưa bao giờ cậu cảm thấy màn thầu không có mùi vị gì lại ăn ngon như vậy, chỗ ở đơn sơ cũng nhờ có củi đốt qua đêm mà có vẻ ấm áp hơn rất nhiều.
Tác giả có lời muốn nói:
Phu quân sống trong truyền thuyết mấy chương nữa sẽ xuất hiện.