Sicily Miền Đất Dữ

Chương 26

Sau bảy năm vùng vẫy ngoài vòng.pháp luật, Turi Guiliano biết là đã đến lúc hắn phải rời bỏ "giang sơn" của mình để bay sang Mỹ, nơi hắn được thành hình trong bụng mẹ, nơi mà ông bà già nó thường nhắc tới như một vùng "đất hứa", nơi mà "sữa và mật ong" chảy tràn trề ngoài đường lộ. Ôi, cái vùng đất hoang đường ấy! Nơi mà người nghèo cũng được hưởng công lý. Nơi mà nhà nước không phải là tôi tớ của bọn người có cửa. Nơi mà những tên Sicilian khố rách áo ôm, không một xu dính túi, tiếng Anh không đủ để làm một thằng ăn mày... mà vẫn cứ thành một anh nhà giàu, nếu biết chí thú làm ăn!

Để tỏ ra thuỷ chung với bạn bè, ông Trùm Croce đã cho Guiliano biết mình đã tiếp xúc với Bố Già Corleone bên Hoa Kỳ để giải cứu Guiliano khỏi vòng tay của đại tá Luca, và Bố Già - chiếu cố tình xưa cũ với ông già ruột của Guiliano - cũng đã hoan hỉ dành cho hắn một chốn dung thân bên đó. Guìliano có lạ đếch gì cái thâm ý của thằng cha già "lựu đạn" hiểm độc đó. Hắn biết mình cũng không có nhiều giải pháp để chọn lựa. Quyền lực đã bắt đầu tuột khỏi tay hắn rồi.

Đêm nay, hắn sẽ phải đi gặp Aspanu Pisciotta. Hắn sẽ phải phó thác sinh mệnh mình cho một thằng Mỹ nào đó tên là Michael Corleone. Phải rời bỏ vùng núi non Sicily, chốn dung thân hào phóng của hắn trong suốt bảy năm qua. Phải lìa bỏ "giang sơn” quyền lực, gia đình, bạn bè! "Quân lực" của hắn rã rời. Núi non của hắn đã bị lính của đại tá Luca quậy nát. Lực lượng bảo trợ của hắn - đám nông dân khố rách Sicilian nghèo mạt - đã bị lực lượng đặc biệt của Luca nghiền nát. Nếu còn ở lại, hắn cũng có thể chơi được vài keo nữa. Nhưng thất bại cuối cùng cũng vẫn về phần hắn. Chắc chắn. Bởi vậy, chỉ còn chước thứ ba mươi sáu. Đào vi thượng sách.

Turi khoác lên vai khẩu lupara, tay cầm súng lục, đi về hướng Palermo. Áo sơ-mi trắng. Áo ja-ket túi trên, túi dưới, túi trong, túi ngoài tùm lum. Túi nào cũng đầy ắp đạn. Hắn rảo bước. Kim đồng hồ chỉ chín giờ, tức là hai mốt giờ chiều. Trên trời vẫn còn vài tia nắng quái. Nhưng mặt trăng đã rụt rè ló lên. Những toán tuần tiễu của lực lượng đặc biệt tiễu phỉ giăng giăng ngang dọc như mắc cửi. Mỗi bước đi là mỗi hung hiểm. Nhưng Guiliano tỉnh bơ, chẳng sợ hãi gì. Mấy hôm qua, hắn đã khéo ngụy trang đến mức tưởng như có phép tàng hình. Dân trong vùng ai nấy đều sẵn lòng che giấu cho hắn. Có toán tuần tiễu, họ báo. Nếu hắn gặp nguy, họ lăn xả vào bảo vệ, giấu hắn trong nhà. Hắn bị tấn công thì đám nông dân và đám chăn cừu tụ lại tiếp cứu. Không bao giờ họ phản bội người đã bảo trợ họ.

Một tháng sau ngày cưới của Guiliano, có nhiều cuộc đụng độ lớn giữa bộ hạ của Guiliano và Lực lượng đặc biệt tiễu phỉ của đại tá Luca. Ngài đại tá thừa ranh mãnh để thủ lợi và khai thác cái chết của Passatempo. Báo chí chạy tít lớn trên trang nhất "thành tích" của đại tá: "Đại tá Ugo Luca đã chặt đứt một cánh tay của Guiliano" - "Hung thần của Guiliano đã bị đại tá Luca quất sụm” - "Passatempo, tiểu tướng hung bạo nhất của Guiliano đã bị đại tá Luca bắn hạ"... Dưới những hàng tít giật gân ấy là những bài tường thuật trận đánh ác liệt giữa Lực lượng đặc biệt tiễu phỉ và quân của Guiliano. Có báo còn tường thuật những giây phút cuối cùng của Passatempo khi bị quân đại tá vây hãm và bắn gục. Cứ như thể chính phóng viên đó đã có mặt tại trận. Chẳng những không dại gì tiết lộ mảnh giấy ghim trên ngực thằng cô hồn Passatempo, các sĩ quan báo chí của đại tá còn cung cấp thêm "mắm muối để mấy anh nhà

báo "xào nấu cho thêm phần hấp dẫn và làm cho hào quang của ngài đại tá chói sáng thêm. Nhưng, cớm chúa Velardi đã báo cho ông Trùm Croce biết. Thằng già "lựu đạn" này hiểu là sự thật của vụ Portella đã bị Guiliano phát hiện. Lão mỉm cười tự khen mình: Guiliano đã không còn khả năng và cơ hội để vạch trần sự thật đặng thanh minh, đồng thời lại tự chặt tay mình. Trong cuộc đấu trí này, Guiliano dưới "cơ” thấy rõ.

Với năm ngàn lính của Lực lượng đặc biệt tiễu phỉ, ngài đại tá gây sức ép tối đa lên băng của Guiliano. Hắn hết dám lượn lờ khơi khơi ngay tại thủ phủ Palermo để mua sắm. Và, muốn lẻn về Montelepre thăm bà già, và nhất là Justina, mà cũng không dám. Nhiều thuộc hạ của hắn bị phản thùng và bị đốn ngã. Nhiều tên chạy vắt giò lên cổ sang Tunisie hoặc Algérie. Những tên khác lặn kỹ hết dám ngo ngoe. Lúc này, đám người anh em của Croce và các tay em của sáu sếp mafia bị Guiliano làm thịt độ nọ ra mặt chơi lại băng của Guiliano. Được "Người anh em" chỉ điểm, đại tá Luca như có kính chiếu yêu, đã lần lượt khui được những tay em bí mật của Guiliano "chui" vào đầu quân cho ngài.

Guiliano lãnh thêm một đòn bái xái nữa: Terranova gặp xui bị tiêu tùng. Điều trớ trêu là chỉ vì lòng tốt mà Terranova bị bẫy. Terranova không tàn bạo, dã thú như Passatempo, không khôn ranh quỷ quái như Pisciotta, không cô hồn hắc ám như Andolini. Phải cái tội "hảo ngọt". Gã thông minh nhưng lại đa cảm. Bởi vậy, gã vẫn được Guiliano phân công cho làm "bạn" với các "khách mời” và đem tiền đến giúp đỡ những người nghèo. Chính gã và các thuộc hạ vẫn thường đêm đi dán áp - phích, rải truyền đơn của Guiliano tại thủ phủ Palermo. Ít khi gã phải tham gia các vụ chém giết. Gã, tướng cướp bất đắc dĩ, do đó không dằn được nỗi khát khao một tình yêu, một mái ấm gia đình. Mấy năm trước đó - theo lệnh của Guiliano - gã đem tiền đến giúp một mụ gần có ba con. Lòng trắc ẩn đã biến thành tình yêu. Gã vui vẻ "hốt ổ”. Mụ kia đâu biết gã là tướng cướp. Cứ tưởng đâu là một ông lớn nào ở Rome lâu lâu qua Sicily công cán. Gã chi "sộp" lắm. Mụ mê gã vì tiền. Bầy nhóc của mụ khoái gã vì những món quà, những đồ chơi đắt giá. Gã cũng nói rõ cho mụ biết là tuy không phải chuyện bậy bạ qua đường nhưng chỉ có thể vụng trộm, chứ cưới hỏi đàng hoàng thì khỏi, không thể. Mụ cũng "ô-kê". Gã vung bạc quá mà. Được cái, mụ không chỉ biết moi tiền, mụ cũng khá "sòng phẳng” với gã. Mỗi khi tới, gã đã được mụ cung phụng đúng như vợ hiền cung phụng ông chồng. Nấu những món ăn thật ngon. Giặt quần, giặt áo. Và cái "khoản kia”, chẳng những mụ cung phụng đầy đủ, mà còn cung phụng với một sự tự nguyện rất chi là nhiệt tình và hào hứng. Với kinh nghiệm của một người đàn bà ba con, mụ đã cho gã hưởng những cảm giác khoái lạc nhục thể tới nơi tới chốn. Mối liên hệ tuy vụng trộm, nhưng làm sao qua mắt được đám "Người anh em". Ông Trùm biết, nhưng vẫn để dành đó. Phòng khi hữu sự.

Có vài lần Justina lén lên núi thăm Guiliano. Chính Terranova đã hộ tống các chuyến đi, về. Sắc đẹp của Justina đã làm hắn động lòng nhớ nhung đến mụ nạ dòng. Gã quyết định liều đi thăm mụ. Trong tình hình dầu sôi lửa bỏng, cạm bẫy, gián điệp dăng dăng, cớm chìm, cớm nổi lúc nhúc ở Palermo mà quyết định như vậy - gã biết - là liều lĩnh, không khôn ngoan. Nhưng có lẽ sự thôi thúc của cái "khoản kia" cũng không kém mạnh mẽ. Vả lại, cũng do lòng nhân hậu, không biết mình sống chết lúc nào, nên gã muốn cho mụ và lũ nhỏ một món lớn, đặng lỡ gã có mệnh hệ nào bất ngờ, "mẹ con nó” cũng có phương tiện sinh nhai lâu dài.

Đêm đó, một mình gã lẻn về Palermo. Gã cho mụ một món tiền lớn và nói có thể còn lâu lắm, may ra gã mới có thể gặp lại. Mụ khóc và không nhận tiền. Cuối cùng, gã đã tiết lộ lai lịch của mình. Mụ kinh ngạc. Mà, kinh ngạc là phải. Cử chỉ điềm đạm, tính tình hiền hậu, nói năng lịch sự, vậy mà lại là một trong những tiểu tướng thân tín của Guiliano, tướng cướp lừng danh? Không hiểu có phải vì gã nói còn lâu mới gặp lại hay sao mà đêm nay mụ lại rất "tích cực" ân ái với gã. Buổi chiều trước khi đi ngủ, họ và mấy ông nhóc như một gia đình rất đầm ấm, hạnh phúc. Gã dạy mấy ông nhóc chơi bài. Và lần này, khi thua gã "thua" hoài - hắn trả bằng tiền thật, làm mấy ông nhóc khoái chí.

Sau khi mấy nhóc đi ngủ, gã và mụ tiếp tục ân ái dài dài cho đến lúc rạng đông. Terranova sửa soạn ra đi. Họ ôm nhau, hôn nhau mùi mẫn, lần chót. Terranova vội vã rảo bước trên phố và đi về hướng nhà thờ chánh toà ân ái suốt đêm qua, gã thấy "đã", nhưng mệt mỏi, gã thấy tâm hồn an toàn, bình thản, không thấp thỏm, không dáo dác mắt trước mắt sau cảnh giác.

Bỗng tiếng động cơ xe hơi vang động trong không khí ban mai. Ba chiếc xe đen sì, đầy nhóc cớm, xả hết tốc lực dồn về phía gã. Cũng ngay lúc đó, từ khắp xó xỉnh, lũ cớm, tay lăm lăm súng đổ xô ra. Cớm từ trên xe nhảy xuống. Tiếng hô lớn: "Đứng lại, cấm nhúc nhích, giơ tay lên".

Terranova đưa mắt nhìn lần chót ngôi nhà thờ, tượng chư thánh đứng dài dài trên các bệ thờ bên ngoài tường nhà thờ, những ban-công quét vôi vàng của những ngôi nhà nổi bật trên nền trời trong xanh, mặt trời chưa hé mà phương đông đã rực rỡ. Gã biết, đây là lần chót gã được nhìn thấy những cảnh vật tuyệt vời ấy. Chỉ còn một động tác chót phải làm: thình lình, gã nhảy một phát thật mạnh vào cửa nhà thờ, như thể muốn nhảy qua đầu thần chết để lao mình vào một thế giới an toàn. Khi chân vừa chạm đất, thì tay cũng vừa kịp rút khẩu súng lục ra. Nhưng cùng lúc đó thì hàng trăm viên đạn đã xé nát xương thịt gã thành một đống bầy nhầy.

Xét ở một khía cạnh, thế là may cho hắn: sự việc xảy ra quá bất ngờ và nhanh đến nỗi hắn không có thì giờ để kịp tự hỏi phải chăng con mụ nạ dòng đêm qua đã khóc lóc, đã tưng bừng ráo riết làm tình với hắn, thế mà đã phản bội hắn!

Cũng là đặc điểm của Sicilian!

Cái chết của tiểu tướng Terranova đã khiến cho Guiliano hiểu đời hắn đã đến hồi mạt vận. Sự thống ngự của hắn đã đến hồi kết thúc. Băng của hắn tan rã. Không thể phản công hữu hiệu đã đành, mà lẩn trốn trên núi cũng không được nữa. Nhưng, hắn vẫn nghĩ, bản thân hắn và các tiểu tướng của hắn vẫn còn cơ may thoát hiểm, mặc dù chúng đang bước nhanh ra nghĩa địa. Guiliano biết mình không còn nhiều thì giờ. Còn một điều nữa hắn vẫn muốn làm. Guiliano cho gọi thầy cai Canio Sylvestro:

- Anh em mình đến hồi mạt vận rồi. Đã có lần anh nói với tôi, anh có một thằng bạn bên nước Anh có thể che chở cho anh được. Bây giờ đã đến lúc anh phải đi tới đó. Tôi cho phép.

Thầy cai lắc đầu:

- Tôi chỉ rời khỏi nơi này, khi anh đã an toàn trên đất Mỹ. Hiện giờ, tôi vẫn còn có ích cho anh. Anh đã biết chắc là không bao giờ tôi phản bội anh.

- Tôi biết chứ. Và anh cũng đã rõ tình cảm tôi dành cho anh là như thế nào. Nói thiệt, không bao giờ anh có thể làm một thằng ăn cướp thứ thiệt, thứ chuyên nghiệp được. Trong thâm tâm, anh vẫn tôn trọng pháp luật. Anh chỉ là một thằng ăn cướp bất đắc dĩ, cực chẳng đã mà phải sống ngoài vòng pháp luật. Khi lối sống như hiện nay chấm dứt, khác với tụi tôi, anh vẫn có thể "làm lại cuộc đời”. Tụi tôi dường như không thể, không được phép. Có lẽ định mệnh đã dành cho tụi tôi cái số phận của những thằng lục lâm.

- Không bao giờ tôi nghĩ anh là một thằng lục lâm!

- Trong thâm tâm, tôi cũng nghĩ vậy. Bảy năm nay, tôi đã làm gì, để sống như thế nào. Tôi cho rằng tôi đã chiến đấu cho công lý. Tôi đã cố gắng giúp đỡ người nghèo khổ, kẻ bị áp bức, bóc lột. Tôi muốn đem lại tự do cho Sicily. Tôi muốn sống lương thiện. Nhưng, bây giờ tôi mới hiểu đã chiến đấu cho những cái đó, đã muốn những cái đó không phải lúc, và nhất là không phải cách. Sicily chưa sẵn sàng để đón nhận những cái đó. Bởi vậy, anh phải sang nước Anh. Tôi rất sung sướng nếu biết anh được bình yên ở đó. - Guiliano ôm hôn Canio: - Anh đã là người bạn chân thành của tôi. Anh phải đi. Đó là lệnh của tôi mà anh phải thi hành.

Lúc sẩm tối, Tua Guiliano rời khỏi sào huyệt và đi về phía tu viện của dòng khổ tu Phranxixcô, ở ngay bên ngoài vùng biên thủ phủ Palermo. Tại đó, hắn đợi tin tức của Aspanu Pisciotta. Một trong những thầy dòng của tu viện này là đồng đảng bí mật của Guiliano. Ông ta được phân công phụ trách khu hầm mộ (crypte) của tu viện. Trong hầm mộ này có hàng trăm xác ướp.

Từ một thế kỷ trở về trước, những gia đình quyền quí, giàu có của Sicily vẫn có tục lệ treo sẵn trên tường khu hầm mộ những kiểu quần áo mà họ muốn mặc sau khi chết. Sau khi ma chay xong, xác của họ được đưa vào hầm mộ của tu viện. Tại đây các thầy dòng ướp xác cho họ bằng cách sấy khô từ từ, liền trong sáu tháng, làm cho những phần mềm trong cơ thể lần lần teo quắt lại. Khi đó, da trở lên nhăn nheo, khuôn mặt nhăn nhúm. Có người nom nhưđang sợ hãi. Có người nom như đang cười. Nhưng dù là gì đi nữa thì xác ướp nào trông cũng phát khiếp. Sau đó, xác ấy được mặc những bộ quần áo họ đã chọn lúc còn sống và đặt vào hòm kính theo những thế đứng, ngồi, nằm khác nhau. Nom như những con búp-bê xấu xí.

Guiliano nằm trên sàn đá lát ẩm ướt trong hầm mộ và tựa đầu vào một hòm kính. Hắn chăm chú nhìn những nhà quyền quí, giàu có người Sicilian đã chết cách đó cả trăm năm. Có xác là một hiệp sĩ của triều đình, mặc bộ đồ bằng lụa xanh, đầu đội mũ sắt, tay cầm gươm. Có xác là một triều thần, ăn mặc theo kiểu người Pháp, đầu mang tóc giả màu trắng, chân mang giày đế cao. Cũng có vị Hồng y, mặc áo đỏ, đầu đội lễ miện. Có xác phụ nữ mặc áo dài nạm vàng phồng lên nom như con nhện bám trên cái xác khô teo nhăn nhúm. Nhìn vào bộ quần áo và cái xác ấy, người ta có cảm tưởng như nó đang bay. Có xác cô nương, tay mang găng trắng, áo dài xếp li.

Guiliano đã ở đấy hai ngày rồi. Và hai đêm rồi, nó cảm thấy khó ngủ, không phải vì sợ, mà vì những ý nghĩ mien man. Nhìn các xác ướp, Guiliano tư lự, trầm mặc như một triết nhân. "Ở đời, ai mà chẳng vậy. Các ông cả bà lớn cao sang quyền quí của Sicily sống cách đây cả bốn, năm thế kỷ đã nghĩ rằng xác ướp đã giúp cho thân thể họ khỏi làm mồi cho giòi bọ. A, cái ý nghĩ đỏm dáng và kiêu hãnh của bọn giàu sang quyền quí - những con cưng của số mệnh -

thật dễ ghét. Chẳng thà chết banh xác ngoài đường như thằng chồng của La Venera có khi lại hay”.

Cái làm cho Guiliano không ngủ được không phải là khung cảnh âm u chết chóc này mà là một thắc mắc nó không sao giải đoán được. Tại sao tuần vừa rồi thằng già dịch Croce kia lại thoát chết? Rõ ràng là cuộc mưu sát ấy đã được Guiliano hoạch định một cách rất chính xác và tỉ mỉ. Nó đã nghiền ngẫm hoạch định kế hoạch này kể từ lúc nó biết chắc được sự thật bí ẩn của vụ Portella del Ginestra. Thằng già "lựu đạn" ấy bố trí canh gác cho lão kỹ đến cái mức con muỗi chui cũng không lọt. Lão yên trí là phương án ấy đủ đảm bảo an ninh thân thể cho lão. Nhưng kế hoạch của Guiliano lại chọn chính chỗ đó làm điểm bất ngờ chết người để hoạch định kế hoạch. Guiliano quyết định thử thời vận của mình ngay ở chỗ lão tưởng mình được bảo vệ cẩn mật tối đa trong cái hang hùm của lão, tức là "khách sạn" Umberto. Gián điệp của Guiliano tại hang hùm này là một anh bồi. Y đã cung cấp rất chính xác, thời gian biểu làm việc của thằng cha già "lựu đạn" kia, cũng như cách thức thay đổi phiên gác của đám cận vệ. Từ thông minh, đầu óc chiến lược gia của Guiliano đã vạch ra được một kế hoạch rất táo bạo và chắc ăn.

Guiliano đã chọn ba chục tay em tin cẩn ở Palermo. Hắn cũng được cho biết việc Michael Corleone gặp và ăn trưa với lão. Hắn đã đợi cho Michael vừa ra khỏi là ra tay đột kích. Hai chục tay em tấn công trực diện và dụ đám vệ sĩ ra khỏi vườn. Vài phút sau, hắn và mười tay em khác đặt mìn phá tường, lọt vào. Trong vườn chỉ còn năm vệ sĩ của ông Trùm. Một tên bị bắn hạ, bốn tên khác hoảng quá, "vắt giò", chạy. Guiliano và các tay em lục soát khắp trong phòng không thấy tăm hơi thằng già dịch đâu. Các phòng đều rỗng. Cái thân hình bồ tượng của lão đâu có dễ ẩn núp chỗ nào, đâu có dễ vọt nhanh như vậy. Vậy chỉ còn một giả thuyết: chỉ ít phút sau khi Michael rời khỏi thì lão cũng dông luôn. Kể từ ngày sống ngoài pháp luật, đây là lần đầu tiên hắn vồ hụt con mồi. Mà lại là con mồi quan trọng nhất, vào lúc quyết định nhất. Chỉ có thể là chính thằng già lựu đạn đã được báo trước cho biết cuộc đột kích. Kẻ đó là ai?

Guiliano ngẫm nghĩ: "Đáng tiếc? Ngoài việc loại được một kẻ thù hung hiểm nhất, đây lẽ ra là trận đánh chót, xuất sắc, vẻ vang. Không hiểu sau này các bài tụng ca dân gian sẽ nói thế nào nếu Guiliano vồ được ông Trùm tại vườn của lão. Có thể thua keo này bày keo khác được không? Kết có thể, vào một ngày nào đó... Miễn là thằng già dịch còn sống đến ngày đó. Ta đâu chịu ở lì bên Mỹ. Sẽ có ngày trở về. Ngày ấy, chắc sẽ không thể vồ hụt được nữa.

Ngày thứ ba, Guiliano ở tại hầm một ông thầy dòng, người của hắn - mặt mũi, da dẻ ông ta nhăn nheo chẳng khác mấy cái xác ướp - đã đưa tin của Pisciotta đến cho hắn. Chỉ vỏn vẹn có dòng chữ "Tại hoàng cung Charlemagne đại đế”. Guiliano hiểu liền.

Zu Peppino, sếp sòng các xà ích đánh xe lừa ở thị xã Castelvetrano, người đã giúp Guiliano chặn cướp xe lương thực của ông Trùm khi hắn mới "vào nghề” đã là thành viên bí mật của hắn từ hồi đó. Lão có ba cái xe và sáu con lừa. Cả ba xe của lão đều vẽ hình theo sự tích Charlemagne và các hiệp sĩ Roland và Olivier: Bởi vậy, lúc còn nhỏ, Guiliano và Aspanu thường gọi nhà của lão là "hoàng cung của Charlemagne đại đế”. Thời gian hẹn thì đã định sẵn rồi.

Đêm đó, đêm sau cùng của Guiliano trên đất Sicily. Hắn đi bộ từ hầm mộ của tu viện đến Castelvetrano. Nó chọn vài anh chăn cừu là thành viên bí mật để làm vệ sĩ trong cuộc hành trình. Cả bọn đi tới Castelvetrano - suốt dọc đường - dễ dàng, không gặp trở ngại gì, đến nỗi Guiliano phải nghi ngờ một hiện tượng bất thường. Thị trấn như bỏ ngỏ, không một bóng dáng của toán tuần tiễu mọi khi nườm nượp như mắc cửi. Guiliano cho các vệ sĩ nghỉ tại thị trấn. Một mình hắn lầm lũi lần tới một ngôi nhà nhỏ nằm bên ngoài thị trấn. Ngôi nhà có tường xây bằng đá. Trước sân có ba chiếc xe lừa. Tranh vẽ trên xe bây giờ không phải là sự tích Charlemague nữa mà là dựa theo những huyền thoại về Guiliano. Đó là nhà của Zu Peppino.

Lão Zu không ngạc nhiên khi thấy Guiliano. Đặt cây bút đang sơn xe xuống, đóng cửa lại, lão nói với hắn:

- Em đến đây là gây tai hoạ lớn cho già rồi đấy. Xác con lừa chết thu hút ruồi nhặng thế nào, thì em cũng thu hút bọn cớm chìm cớm nổi y như vậy. Ấy, nói vậy chớ không phải là đuổi em đi khỏi đây đâu.

Guiliano cảm thấy nhói trong lồng ngực.

- Bộ có lính của thằng cha Lu ca hả, già?

- Ừa, nhưng tụi nó núp kỹ lắm. Khỏi có thấy được. Em có để ý không, trong thị trấn không có lấy bóng của một tháng cớm nào. Già cũng nom thấy một vài xe của chúng trên đường già đi làm về. Già nghĩ rằng nó đang dăng bẫy chụp người của mình. Nhưng già không dè đó lại là em. Lẽ ra em không nên đi quá xa về phía nam, quá xa sào huyệt của em như thế này.

Guiliano tự hỏi tại sao bọn cớm lại biết điểm hẹn này? Chúng đã theo Aspanu? Hay là Michael hoặc người của hắn đã không kín đáo? Hay là bọn cớm có chỉ điểm trong số người của mình? Trong tình hình này thì sao, nó cũng không nên gặp Aspanu tại Castelvetrano. Nếu vì một lý do nào đó, một trong hai đứa không đến điểm hẹn "chính thức" chúng sẽ cùng đến điểm hẹn "dự phòng”.

- Cám ơn già đã cho biết tin. Già để ý xem có thấy Aspanu thì già nói cho nó biết. Khi nào già có dịp đánh xe qua Montelepre, thì làm ơn nói lại với ông bà già là con đã sang Mỹ bình an rồi.

- Để già này được ôm hôn em một lần, - lão ôm và hôn lên má Guiliano, - già nói thật, em đừng buồn, không bao giờ già tin em có thể giúp ích gì cho cái xứ Sicily này đâu. Bởi lẽ giản dị là không bao giờ có ai có thể làm được điều đó. Kể cả Garibaldi. Kể cả thằng bẻm mép Mussolini. Nếu em muốn thì để già đánh xe chở em đến nơi em cần.

Giờ hẹn với Pisciotta là vào nửa đêm. Bây giờ mới là mười giờ đêm. Hắn có ý đến sớm để thăm dò đường đất trước. Hắn cũng biết giờ hẹn với Michael Corleone là vào lúc rạng đông. Điểm hẹn dự phòng - rất bí mật - ở cách Castelvetrano ít ra cũng hai giờ đi bộ. Guiliano nghĩ là nên đi bộ tới một mình hơn là dùng xe của Peppino. Hắn cảm ơn và lẩn vào đêm tối.

Điểm hẹn dự phòng là vệ thành của Selinus, một phế tích nổi tiếng của người Hy Lạp cổ tại Sicily. Nằm về hướng nam thị trấn Castelvetrano, gần Mazara del Vallo. Phế tích đứng trơ vơ trên rìa cánh đồng rộng, nơi vách đá của bờ biển bắt đầu nhô lên cao. Từ trước công nguyên, vệ thành đã bị sụp đổ sau một trận động đất. Nhưng hàng cột vẫn đứng vững. Nói đúng ra thì chính các nhà khảo cổ đã dựng lại hàng cột đó. Người ta vẫn có thể nhìn ra những giao thông hào, mặc dù ngày nay đã bị những mảnh đổ vỡ của phế tích lấp kín. Một đền thờ khác, mái bị dây nho dại phủ kín, dưới ánh trăng, nom như những cái đầu lâu khổng lồ. Những hàng cột đá vươn lên sừng sững, trơ gan cùng tuế nguyệt. Vệ thành là khu trung tâm của một đô thị Hy Lạp cổ và thường được xây trên một cao điểm. Từ cao điểm đó, người ta có thể bao quát, chế ngự đô thị phía dưới, đồng thời dễ phòng thủ.

Ngọn gió Siroco, ngọn gió nóng, khô rất khủng khiếp từ sa mạc suốt ngày thổi tới. Ban đêm, do ở gần biển nên toà vệ thành bị sương mù che khuất.

Mệt nhừ sau mấy giờ đi bộ. Guiliano vẫn cố leo lên mỏm đá cao để từ đó nhìn xuống xung quanh. Quang cảnh đẹp đến nỗi có lúc hắn quên hàng mối hiểm nguy đang rình rập. Ngôi đền thời thần Appolo đã sụp đổ. Rải rác quanh đó còn có những ngôi đền khác chập chờn trong sương mù và ánh trăng. Có ngôi chỉ còn là những hàng cột tua tủa vươn lên. Có ngôi, mái đã sụp, xiêu vẹo, chỉ còn bức tường lỗ chỗ cửa sổ đã mất hết chấn song. Trên phần đồng bằng phía dưới vệ thành, xưa kia là đô thị sầm uất, nay, ở giữa đồng đổ nát, chỉ còn một trụ đá lớn vượt lên cao. Sừng sững. Thách thức. Trụ đá ấy mang tên là "cây kim của mụ già". Dân Sicilian đã quá quen thuộc với vô số những phế tích rải rác trên khắp đảo, nên, tuy không coi thường, nhưng cũng không trầm trồ ngưỡng mộ như những du khách ngoại quốc đến đây.

Guiliano ngồi xuống bậc thềm, tựa lưng vào chân cột đá, vũ khí để ở bậc thềm phía dưới, trong tầm tay. Tiếng côn trùng rù rì. Tiếng cóc nghiến răng trong đống đá hoang phế. Nhưng, nếu có tiếng bước chân lại gần hắn vẫn có thể phát hiện ra ngay. Nghĩa là hắn sẽ phát hiện ra kẻ thù - nếu có - trước khi kẻ thủ phát hiện ra hắn.

Tựa lưng vào chân cột đá, cơ thể mệt mỏi, rã rời Guiliano cảm thấy gân cốt giãn ra như được xả hơi. Trăng tháng Bảy rọi trên hàng cột trắng xám đứng đối diện với bờ vách đá và biển cả. Bên kia bờ đại dương là nước Mỹ, nơi Justina đang ở, nơi đứa con của hai người sẽ ra chào đời. Và bản thân Guiliano cũng sắp sống an toàn ở đó. Bảy năm trời vùng vẫy ngoài vòng pháp luật - bảy năm - trôi qua. Nhanh như một giấc mơ. Có lúc hắn đã nghĩ: ở ngay trên đất Sicily này mà hắn còn không được hưởng hạnh phúc, thì trên đất Mỹ, chắc gì đã được hưởng. Và, ở đó hắn sẽ ra sao? Guiliano mỉm cười, tưởng tượng ra ngày hắn thình lình quay về. Và hắn hình dung ra khuôn mặt kinh ngạc, hãi hùng của kẻ thù vì sự bất ngờ đó. Hắn thở dài, mệt mỏi, tháo giày và tất, chà hai chân không vào nhau. Hai bàn chân không đặt trên nền đó mát lạnh, hắn cảm thấy dễ chịu. Hắn thò tay vào túi lấy ra hai trái lê dại. Vị nước ngọt, mát của trái lê làm dịu cơn khát.

Một tay cầm trái lê, một tay đặt trên khẩu súng lục, Guiliano ngồi chờ Aspanu Pisciotta.
Bình Luận (0)
Comment