Sói Thảo Nguyên

Chương 5

Đây không phải nói về con người mà nhà trường, nền kinh tế quốc dân, sự thống kê vốn biết, cũng không nói về con người như hàng triệu kẻ đang ngược xuôi trên đường phố, chẳng khác cát trong biển cả hay những tia nước của ngọn sóng xô bờ; hơn kém vài triệu chẳng nghĩa lý gì, họ là vật liệu, thế thôi. Không, ở đây chúng ta nói về những con người theo nghĩa cao hơn, về mục đích của con đường trở thành người dài tít tắp, về những con người vương giả, về những kẻ bất tử. Bậc thiên tài không hiếm như chúng ta thường vẫn tưởng, tất nhiên cũng không quá sẵn như văn học sử và sử thế giới hoặc thậm chí báo chí hằng ngày vẫn nghĩ. Sói Thảo Nguyên Harry, theo chúng ta thấy, có lẽ đủ thiên tài để bạo dạn thử trở thành con người đích thực, thay vì mỗi khi gặp khó khăn lại than thở, viện cớ là con sói thảo nguyên ngu xuẩn.

Thật quá đỗi ngạc nhiên và nản chí khi những con người với khả năng như thế lại phải cầu cứu đến những con sói thảo nguyên cùng kiểu than van “Hai linh hồn, chao ơi!” như họ quá thường bày tỏ thứ luyến ái hèn nhát nọ với nếp sống trưởng giả. Một người có khả năng hiểu được Đức Phật, một người có được linh cảm về cõi trời và những vực thẳm của nhân loại không nên sống trong một thế giới ngự trị bởi lý trí của con người lành mạnh, chế độ dân chủ và nền giáo dục trưởng giả. Y sống trong đó chỉ vì hèn nhát và khi bị tầm cỡ của y thúc ép, khi căn phòng trưởng giả chật hẹp trở nên quá tù túng với y, y liền đổ lỗi cho phần “sói” chứ không chịu hiểu rằng đôi khi con sói là phần đáng quý nhất của mình. Y gọi tất cả những gì hoang dại trong bản thân là sói, coi đó là xấu xa, nguy hiểm, là con ngáo ộp của giới trưởng giả - nhưng mà y, tưởng mình là một nghệ sĩ và có nhận xét tinh tế, lại không nhận ra nổi rằng ngoài con sói, phía sau con sói, còn nhiều con vật khác sống trong y, rằng không phải hễ thứ gì cắn đều là sói cả, vì ở đó còn có cả chồn, rồng, cọp, khỉ và chim thiên đường(1) sống nữa. Hệt như y không thấy được rằng cả thế giới này, hết thảy các vườn địa đàng này với những hình thù xinh đẹp hoặc đáng sợ, lớn hay nhỏ, mạnh mẽ hay yểu điệu đều bị đè bẹp và giam hãm bởi câu chuyện ngụ ngôn về con sói, giống như con người đích thực trong y bị con người giả mạo - kẻ trưởng giả - đè bẹp và giam hãm.

1. Loại chim lông sặc sỡ ở một số rừng nhiệt đới Á châu.

Ta thử hình dung một khu vườn với hàng trăm loại cây, hàng nghìn loại hoa, hàng trăm loại trái, hàng trăm loại rau cỏ. Giả dụ người làm vườn chỉ phân biệt nổi chúng thành loại “ăn được” và “cỏ dại”, thì y sẽ chẳng biết nên làm gì với chín phần mười thửa vườn, y sẽ nhổ phăng những bông hoa tuyệt trần nhất, sẽ đốn trụi những cây quý nhất, hoặc sẽ ghét bỏ và lườm nguýt chúng. Sói Thảo Nguyên cũng cư xử y như thế với hàng nghìn đóa hoa trong tâm hồn hắn. Cái gì không thích hợp với phạm trù “con người” hoặc “sói” hắn đều không nhìn thấy. Và còn có gì mà hắn chẳng xếp vào cho “con người”! Tất cả những trò hèn nhát, ngớ ngẩn như khỉ, mọi trò ngu muội và bần tiện hắn đều gán cho “con người”, miễn không có vẻ sói, cũng như hắn quy cho con sói mọi thứ mạnh mẽ và cao quý, chỉ vì hắn chưa thành công trong việc làm chủ được nó.

Chúng ta tạm biệt Harry ở đây, để mặc hắn một mình đi tiếp con đường của hắn. Giả thử hắn tới được cõi những người bất tử rồi, giả thử hắn đã đạt đến đích mà con đường khó nhọc của hắn dường như hướng tới thì hắn sẽ kinh ngạc ra sao khi nhìn lại con đường quanh co khúc khuỷu mà hắn đã hết đi tới lại đi lui, lung tung, do dự và hắn sẽ động viên, trách mắng, cảm thông, cười cợt con sói ấy như thế nào!

Đọc xong, tôi sực nhớ mấy tuần trước có lần đã viết một bài thơ khá kỳ lạ cũng nói về Sói Thảo Nguyên, nên lục tìm trong đống giấy má trên cái bàn đầy nhóc. Thấy rồi tôi liền đọc:

Ta, Sói Thảo Nguyên, ruổi rong, rong ruổi

Thế gian đầy tuyết,

Từ cây bạch dương con quạ vỗ cánh bay lên,

Nhưng chẳng thấy đâu một bóng thỏ, một dáng nai!

Ta vốn khoái nai tơ,

Phải chi vớ được một con!

Ta sẽ ghì nó trong nanh, quặp nó trong chân,

Chẳng còn gì tuyệt vời hơn thế.

Ta sẽ hết lòng trân trọng con thú yêu kiều,

Ta bập thật sâu vào bắp chân mảnh khảnh,

Uống no nê dòng máu đỏ tươi,

Để rồi sau đó ta cô đơn tru suốt đêm trường.

Dù chỉ vớ được một con thỏ thôi, ta cũng hài lòng,

Trong đêm tối, thịt nó ấm nên vẫn ngọt.

Chao ơi, chẳng lẽ mọi thứ đều đã rời bỏ ta,

Những thứ khiến cuộc đời vui thêm chút ít?

Lông đuôi ta đã bạc rồi,

Mắt ta cũng không còn thật tinh tường nữa,

Vài năm trước vợ yêu của ta đã lìa đời.

Giờ đây ta lang thang và mơ đến những con nai,

Lang thang và mơ đến những con thỏ,

Nghe gió hú trong đêm đông,

Ta nuốt tuyết hầu làm dịu họng ta cháy bỏng,

Và mang cho quỷ dữ linh hồn khốn khổ của ta.

Thế là tôi có trong tay hai bức chân dung của chính mình, một bức tự họa qua những vần thơ nghe như chọc vào tai, buồn rầu và hãi sợ như bản thân tôi, bức kia lạnh lùng, mang vẻ hết sức khách quan của một kẻ ngoài cuộc, nhìn từ bên ngoài lẫn bên trên, viết do một người biết nhiều song lại ít hơn tôi biết về chính mình. Cả hai bức chân dung này, bài thơ u buồn, ấp a ấp úng của tôi lẫn bài khảo cứu sáng suốt của một kẻ ẩn danh, đều làm tôi đau đớn; cả hai bài đều chí lý, đều lột trần sự hiện hữu thê lương, đều vạch rõ tình trạng khôn kham và bất ổn của tôi. Gã Sói Thảo Nguyên này phải chết, hắn phải tự tay kết liễu sự hiện hữu đáng ghét của mình hoặc - do tan chảy trong lò lửa luyện ngục của sự tái chiêm nghiệm mình - hắn phải biến cải, gỡ bỏ mặt nạ và thực hiện công cuộc trở thành một Cái Tôi mới. Chao ơi, quy trình này nào phải mới mẻ hay xa lạ gì đối với tôi; tôi biết nó mà, tôi đã trải qua nhiều lần rồi, lần nào cũng đều trong những giai đoạn tuyệt vọng tột cùng. Lần nào Cái Tôi ở thời kỳ ấy cũng vỡ tan thành muôn mảnh, khi sự cố bị đào xới tàn tệ; lần nào nó cũng đều bị những sức mạnh sâu kín lung lay và hủy hoại, lần nào cũng có một khoảng đời được chăm chút và đặc biệt yêu dấu của tôi phản bội tôi, bỏ đi không tăm tích. Một lần tôi đã mất đi cái thanh danh trưởng giả cùng tài sản của mình và đã phải học khước từ lòng kính trọng của những kẻ cho đến lúc ấy vẫn ngả mũ chào tôi. Một lần khác, chỉ trong một đêm cuộc sống gia đình của tôi sụp đổ; người vợ bị bệnh tâm thần của tôi(1) đã xua đuổi tôi ra khỏi mái nhà êm ấm; tình yêu và lòng tin cậy đột nhiên biến thành thù hận và cãi nhau chí tử; láng giềng nhìn theo tôi thương hại và khinh bỉ. Sự cô đơn của tôi bắt đầu từ ngày ấy. Rồi sau nhiều năm, sau nhiều năm vô cùng cay đắng, trong sự cô đơn ghê gớm và kỷ luật tự giác gian khổ tôi xây dựng được cho mình một cuộc sống cùng lý tưởng khổ hạnh và trí thức mới, đời tôi đã lại đi lên và đạt một mức bình yên nào đấy, tôi say mê luyện tập suy nghĩ trừu tượng và nhập định theo quy tắc nghiêm ngặt, thì cung cách sống mới này cũng lại sụp đổ và đột nhiên mất đi ý nghĩa cao cả của nó; tôi lại bị lôi kéo vào những chuyến du lịch rất căng thẳng trên thế gian này, đau khổ mới và tội lỗi mới chất chồng. Và lần nào cũng thế, trước khi một mặt nạ bị lột bỏ, một lý tưởng sụp đổ, tôi đều phải trải qua tình trạng trống rỗng và thanh thản rùng rợn này, cái địa ngục hoang vu trống trải này của sự không có tình yêu và tuyệt vọng, như giờ đây tôi lại phải vượt qua.

1. Năm 1919, người vợ đầu của Hesse bị bệnh tâm thần phân liệt.

Không thể phủ nhận là cứ mỗi khi cuộc đời mình bị chấn động như thế thì rốt cục tôi cũng đều đã đạt được chút gì đấy, một chút tự do, trí tuệ, thâm trầm, cả sự cô quạnh nữa, cả tình trạng không ai hiểu mình và sự nguội lạnh. Nhìn từ phía kẻ trưởng giả thì cuộc đời tôi sa sút không ngừng, từ lần chấn động này qua lần chấn động khác, ngày càng cách xa cái bình thường, cái được phép, cái lành mạnh. Suốt nhiều năm tôi trở thành kẻ vô nghề nghiệp, không gia đình, không quê hương, sống bên ngoài mọi phe nhóm, mọi giới xã hội, đơn độc, chẳng ai yêu thương, bị nhiều kẻ nghi ngờ, không ngừng xung đột gay gắt với công luận cùng đạo đức và mặc dù vẫn sống trong khuôn khổ trưởng giả, tôi vẫn là kẻ xa lạ ngay giữa thế giới này do tất cả cách rung cảm và suy nghĩ của mình. Tôn giáo, Tổ quốc, gia đình, Nhà nước đều đã mất giá trị đối với tôi và chẳng liên quan gì tới tôi nữa; sự quan trọng hóa của khoa học, của những phường hội, của các nghệ thuật làm tôi ghê tởm; những quan điểm của tôi, những thị hiếu, mọi suy nghĩ của tôi, những điều ngày trước từng khiến tôi nổi bật là một kẻ tài hoa và được hâm mộ, nay bị nghi ngờ, trở nên tàn lụi. Cứ cho là tôi đã gặt hái được một điều gì vô hình và không thể cân đong qua mọi cuộc hóa thân đau khổ đến thế của mình, thì tôi cũng đã phải trả giá đắt và cuộc đời tôi càng trở nên gian khổ hơn, khó khăn hơn, cô đơn hơn và hiểm nghèo hơn từ lần này qua lần khác. Thật ra tôi chẳng có lý do gì để ước mong tiếp tục theo con đường này, nó chỉ dẫn tôi tới những bầu không khí loãng hơn, giống như làn khói trong bài thơ Herbstlied - Ca khúc mùa thu của Nietzsche.

À vâng, tôi biết những sự kiện này, những sự hóa thân này, những thứ mà định mệnh dành cho bầy con đã gây cho nó nhiều lo âu, bầy con khó nuôi của nó, tôi biết chúng rõ lắm. Tôi biết chúng như một kẻ đi săn, đầy tham vọng nhưng thất bại, có thể biết về những chặng đường của cuộc săn, như một người chơi chứng khoán lão luyện có thể biết về những giai đoạn của việc đầu cơ, của lợi nhuận, của thị trường bất ổn, của biến động giá cả và của sự phá sản. Tôi có nên thực sự trải qua một lần nữa mọi điều ấy không? Lại trải qua mọi giày vò ấy, mọi cùng quẫn kinh hoàng ấy, mọi điều trông thấy về sự thấp hèn và vô tích sự của bản ngã tôi, mọi khủng khiếp trước sự thua cuộc, mọi sợ hãi trước cái chết? Chẳng phải là khôn ngoan và đơn giản hơn ư, khi ta lẩn tránh? Hẳn rồi, như thế là khôn ngoan và đơn giản hơn. Mặc cho những điều viết về những “kẻ tự sát” trong tập sách mỏng về Sói Thảo Nguyên đúng hay sai, không ai có thể ngăn cản tôi thú vui dùng thán khí, dao cạo hay súng ngắn để khỏi phải lập lại một quy trình mà quả thật tôi đã phải nếm trải quá thường và quá nhiều sự giày vò cay đắng của nó. Không, quỷ thần ơi, chẳng thế lực nào trên thế gian này có thể đòi hỏi tôi phải chịu đựng thêm lần nữa những ớn lạnh chết người của cuộc gặp gỡ chính mình, thêm một lần tái tạo mới, một sự đầu thai mới mà mục tiêu và cứu cánh của nó không phải là yên bình và thư thái, mà luôn chỉ là sự tự hủy diệt mới, luôn chỉ là sự tự tạo dựng mới! Mặc cho việc tự sát là ngu xuẩn, hèn nhát và đáng khinh, mặc cho nó là một lối thoát không vẻ vang và đầy nhục nhã, để ra khỏi luyện ngục của sự đau khổ này thì mọi lối thoát, dù hèn hạ nhất cũng đáng được tha thiết ước ao; nơi đây không còn chỗ nào nữa cho vở kịch mang tính hào hiệp cao thượng và chủ nghĩa anh hùng, nơi đây tôi bị đặt trước một chọn lựa đơn giản giữa sự đau đớn nhỏ nhoi, thoáng qua và nỗi khổ đau vô hạn, nóng bỏng không tưởng tượng nổi. Trong cuộc đời gian khổ và cuồng điên đến thế của mình tôi đã quá thường đóng vai Don Quichotte(1) cao quý, đã chuộng danh dự hơn thoải mái, chủ nghĩa anh hùng hơn lý trí. Đủ rồi và phải chấm dứt thôi!

1. Nhân vật chính trong tiểu thuyết cùng tên nổi tiếng của nhà văn Tây Ban Nha Miguel de Cervantes Saavedra (1574-1616).

Cuối cùng, khi tôi đi nằm, buổi sáng đã lấp ló qua khung kính cửa sổ, cái buổi sáng màu chì, đáng nguyền rủa của một ngày mưa gió mùa đông. Tôi mang theo vào giường điều quyết định của mình. Nhưng tệ hại thay, đúng lúc tôi vừa thiếp đi, thì ở ranh giới cuối cùng của ý thức, cái đoạn lạ lùng nói về “những kẻ bất tử” chợt lóe lên một tích tắc trong tôi, khiến tôi nhớ lại trong chớp mắt rằng thỉnh thoảng - và vừa mới đây thôi - tôi cảm thấy đã đủ gần những kẻ bất tử để cùng thưởng thức trong một nhịp của khúc nhạc cổ điển tất cả sự thông tuệ lạnh lùng, sáng láng cùng nụ cười khắt khe của họ. Điều tôi nhớ lại ấy hiện ra, ngời sáng, rồi tắt ngấm và giấc ngủ đè lên trán tôi như một quả núi nặng nề.

Quãng gần trưa tôi thức dậy thì cái tình trạng đã được làm sáng tỏ kia lại ập ngay đến với tôi; tập sách nhỏ cùng với bài thơ của tôi nằm trên chiếc bàn ngủ; cái quyết định - đã định hình trọn vẹn và chắc chắn trong giấc ngủ hồi đêm - vui vẻ và điềm tĩnh nhìn tôi từ sự hỗn loạn trong cuộc sống mới đây của tôi. Gấp gáp nhưng không vội vàng! Quyết định tự sát của tôi không phải chuyện bốc đồng trong một giờ, mà là một trái chín, để lâu được; nó lớn từ từ và nặng dần, khẽ đung đưa theo ngọn gió định mệnh và sẽ rụng rơi trong làn gió sắp tới.

Tôi có trong túi thuốc du lịch một phương tiện tuyệt vời để làm dịu đớn đau: thuốc phiện được pha chế cực mạnh mà tôi thường giữ cả tháng, rất hiếm khi dám đụng tới; tôi chỉ dùng thứ thuốc gây mê nặng này khi bị những đau đớn thể xác hành hạ tới mức chịu không nổi. Nhưng tiếc thay nó lại không thích hợp để tự tử; nhiều năm trước tôi đã có lần thử rồi. Hồi đó, khi lại bị tuyệt vọng bủa vây, tôi đã nuốt một lượng kha khá, đủ để giết sáu người, thế mà nó chẳng giết được tôi. Tuy tôi có thiếp đi và hoàn toàn mê man trong nhiều giờ, nhưng cực kỳ thất vọng khi mơ màng tỉnh dậy vì bao tử quặn thắt dữ dội, tôi nôn ra hết thứ thuốc độc kia, song không tỉnh hoàn toàn và lại thiếp đi; mãi trưa hôm sau mới tỉnh hẳn, tỉnh táo khủng khiếp, đầu óc trống rỗng, cháy rụi và hầu như mất sạch trí nhớ. Nhưng chất độc này chẳng để lại di chứng nào, trừ một thời kỳ tôi bị mất ngủ và những cơn đau bao tử làm tình làm tội.

Nghĩa là không thể dùng thứ thuốc ấy được rồi. Nhưng bây giờ tôi quyết định cụ thể như sau: ngay khi lại xảy ra tình trạng khiến phải dùng đến thứ thuốc chế biến từ nha phiến này, thì thay vì một sự giải thoát ngắn ngủi tôi sẽ cho phép mình nhâm nhi sự giải thoát lớn, chắc chắn, bằng một viên đạn hay lưỡi dao cạo. Như thế tình trạng đã sáng tỏ! Phải chờ đến sinh nhật thứ năm mươi của mình, theo cái cách kỳ dị của tập sách về Sói Thảo Nguyên, tôi thấy thật quá lâu, còn những hai năm nữa! Dù thực hiện quyết định này trong một năm, trong một tháng hay ngay ngày mai thì cánh cửa cũng đã rộng mở rồi!

Tôi không thể nói rằng “quyết định” này đã thay đổi nhiều cuộc đời mình. Nó khiến tôi thờ ơ hơn đôi chút trước những đau đớn, bệnh tật, ít ưu tư hơn khi dùng thuốc phiện và rượu, tò mò hơn một chút về giới hạn của sự chịu đựng, tất cả chỉ có thế. Những sự kiện khác tôi đã trải qua buổi tối hôm ấy mới thật có hậu quả mạnh hơn. Thỉnh thoảng tôi vẫn đọc lại hết tập luận thuyết về Sói Thảo Nguyên, khi thì say mê và với lòng hàm ơn như thể biết có một nhà ảo thuật vô hình hướng dẫn định mệnh của tôi một cách sáng suốt, lúc lại chế giễu và khinh miệt sự nhạt nhẽo của tập luận thuyết mà theo tôi nó dường như không hiểu tâm trạng và căng thẳng đặc biệt của tôi. Những điều viết trong ấy về lũ sói thảo nguyên và những kẻ tự sát có thể rất hay ho và sáng suốt đấy, đúng cho chủng loại đó, mẫu người đó, quả là một sự trừu tượng đặc sắc; còn ngược lại, theo tôi thấy, cái lưới thưa như thế thật khó chụp bắt nổi cá nhân tôi, tâm hồn thật sự cùng số phận độc nhất cá biệt của tôi.

Nhưng điều khiến tôi bận tâm trí hơn mọi điều khác là cái ảo giác trên bức tường ngôi nhà thờ nọ, là lời tuyên cáo đầy dự báo của những chữ bằng ánh sáng nhảy nhót lung linh phù hợp với những ám dụ của tập luận thuyết. Ở đó tôi đã được hứa hẹn nhiều, những giọng nói của cái thế giới xa lạ nọ đã khơi dậy mãnh liệt trí tò mò của tôi, tôi thường đắm chìm hàng giờ ngẫm nghĩ về nó. Và lời cảnh báo của hàng chữ ấy không ngớt nói với tôi mỗi lúc một rõ ràng hơn: “Không phải ai muốn vào xem cũng được!” và “Chỉ dành cho những người điên!” Nghĩa là tôi phải điên và khác biệt hẳn “bất cứ ai” nếu những tiếng nọ đến được với tôi và những thế giới nọ nói được cùng tôi. Chúa ơi, chẳng lẽ tôi chưa xa cách đủ với đời sống của mọi người, với sự hiện hữu và tư duy của những kẻ bình thường từ lâu rồi ư, chẳng lẽ tôi chưa tách biệt và quá điên rồ từ lâu rồi ư? Vậy mà tôi hiểu rất rõ trong tận đáy lòng lời kêu gọi kia, lời đòi hỏi trở thành kẻ điên, vất bỏ lý trí, ngần ngại, lối sống trưởng giả, hiến mình cho thế giới buông thả không bị kềm tỏa của tâm hồn, của trí tưởng tượng.

Một ngày nọ, sau khi uổng công thêm một lần nữa lùng khắp các đường phố cùng quảng trường tìm kiếm người đàn ông vác thanh gỗ gắn tấm bích chương, sau nhiều lần tạt qua bức tường với cái cổng vô hình và để ý rình, tôi gặp ở khu ngoại ô St.Martin một đám ma. Khi quan sát những gương mặt của tang chúng lê bước sau chiếc xa hòm, tôi nghĩ: “Trong thành phố này, trong thế gian này, đâu là kẻ mà cái chết của người ấy sẽ là một mất mát đối với ta? Và đâu là kẻ mà cái chết của ta sẽ có chút ý nghĩa nào đấy với người đó?” Ờ thì, có Erika đấy, người tình của tôi, nhưng từ lâu rồi chúng tôi sống trong mối quan hệ rất hời hợt, hiếm khi gặp nhau mà không cãi vã và bây giờ tôi chẳng biết đến cả nàng đang ở đâu. Thỉnh thoảng nàng tìm đến tôi, hoặc tôi tới với nàng và vì hai chúng tôi đều là người cô đơn và khó tính, trong tâm hồn và trong tâm bệnh thoảng có chút gì giống nhau, nên tuy vậy vẫn còn giữ được sự gắn bó. Nhưng có thể nào nàng không thở dài nhẹ nhõm khi được tin tôi chết chăng? Tôi không biết, cũng chẳng rõ cảm nhận của mình có đáng tin cậy không. Người ta phải sống trong trạng thái bình thường và khả thể mới mong biết gì đấy về những điều này.

Trong lúc đó, chiều theo tính bốc đồng, tôi nhập vào đám tang và lững thững theo sau những người đang đau buồn nọ tới nơi chôn cất, một nghĩa trang hiện đại, tráng xi măng, được phép có lò thiêu cùng mọi thứ tiện nghi khác. Nhưng họ không thiêu kẻ quá vãng này mà quan tài được hạ xuống trước một cái huyệt đơn sơ; tôi quan sát ông mục sư cùng những kẻ kiếm ăn trên xác chết - các nhân viên của một xí nghiệp mai táng - cử hành nghi lễ; vì cố nặn ra một vẻ thật trang trọng và sầu thảm, nên họ đã ra sức đóng kịch; sự lúng túng và vẻ giả dối khiến họ đâm ra khôi hài; tôi thấy những nếp gấp trên bộ đồng phục đen của họ chảy xuống và họ cố tạo một bầu không khí buồn rầu để buộc những người đưa đám phải khấu đầu trước vẻ uy nghi lẫm liệt của thần Chết. Nhưng chỉ hoài công, chẳng ai thương khóc, dường như tất cả đều không thấy thiếu vắng người đã khuất. Cũng chẳng thuyết phục được ai nảy chút lòng sùng tín, nên khi ông mục sư luôn miệng “thưa các tín hữu Cơ Đốc giáo quý mến,” mọi khuôn mặt kinh doanh lầm lì của những thương gia, của những chủ lò bánh mì cùng các bà vợ đều cúi gằm, cố nặn vẻ nghiêm trang, những bối rối và giả trá; chẳng có gì khiến những khuôn mặt ấy lộ nét cảm kích hơn là buổi lễ tang không chút thoải mái này chấm dứt sớm. Khi tang lễ kết thúc, hai người đứng hàng đầu trong số các tín hữu Cơ Đốc giáo bắt tay ông mục sư, rồi họ tới vệ cỏ gần đó cọ giày cho sạch lớp bùn nhão nhoét, thứ bùn mà họ đã chôn người chết; gương mặt họ tức thì trở lại bình thường, ra dáng con người. Chợt thôi thấy một người trong đám ấy có vẻ quen quen, dường như đó là người đàn ông ngày nọ đã vác tấm bích chương và ấn vào tay tôi tập sách mỏng kia.

Đúng lúc tôi ngỡ là nhận ra ông ta, thì ông ta quay người, cúi xuống kiểu cách xắn chiếc quần đen lên khỏi giày rồi nhanh nhẹn bước đi, cây dù kẹp dưới nách. Tôi chạy theo, bắt kịp, gật đầu chào, nhưng dường như ông ta không nhận ra tôi.

“Hôm nay không có giải trí buổi tối à?” tôi vừa hỏi vừa nháy mắt, giống những kẻ đồng lõa biết được điều bí mật vẫn làm với nhau. Nhưng đã lâu lắm rồi, từ cái thời tôi rành rẽ lối ra hiệu bằng điệu bộ và nét mặt, lối sống của tôi đã khiến tôi gần như quên mất thế nào là nói năng và trò chuyện, thành ra chính tôi cũng cảm thấy mình chỉ nặn được một vẻ mặt nhăn nhó ngớ ngẩn.

“Giải trí buổi tối à?” người đàn ông vừa lầu bầu vừa nhìn tôi như một kẻ lạ hoắc. “Cha nội ơi, nếu có nhu cầu thì cứ đến quán Đại Bàng Đen.”

Quả thật tôi không còn dám chắc ông ta chính là người mình muốn tìm. Tôi thất vọng tiếp tục đi, chẳng rõ tới đâu, không mục đích, nỗ lực hay nhiệm vụ nào. Cuộc đời cay đắng đến ghê tởm; tôi cảm thấy sự chán ghét ngày một tăng đã từ lâu nay đạt tới cao điểm và cuộc đời xua đuổi, ruồng bỏ tôi như thế nào. Tôi giận dữ chạy qua thành phố xám xịt, thấy mọi thứ dường như toát ra mùi đất ẩm ướt và mùi mai táng. Không, ngày chôn cất tôi sẽ không một con chim báo tử khoác áo thụng thầy tu nào lảm nhảm những lời ủy mị với tín hữu Cơ Đốc giáo được phép đứng bên huyệt của tôi! Chao ơi, mặc lòng tôi nhìn về đâu, mặc lòng tôi hướng suy nghĩ về đâu, chẳng nơi nào chờ đợi tôi với niềm vui, không nơi nào vẫy gọi tôi, không nơi nào thoảng chút hơi hướm của sự dụ dỗ; tất cả đều nồng nặc mùi hao mòn thối rữa, mùi thỏa mãn tạm bợ hôi rình, tất cả đều củ mèm, tàn tạ, xám ngoét, bơ phờ, kiệt quệ. Chúa ơi, sao lại thế được? Sao tôi lại có thể lâm vào một hoàn cảnh như thế được - tôi, gã thanh niên được chắp cánh, thi sĩ, bạn của những nữ thần thơ ca, kẻ ngao du khắp thế gian, kẻ mộng mơ cuồng nhiệt? Làm thế nào mà nó luồn vào tôi từ từ như thế được, cái sự tê liệt ấy, niềm thù hận ấy đối với bản thân tôi và tất cả, sự tắc nghẽn ấy của mọi cảm giác, sự bất mãn sâu xa cay độc ấy, cái địa ngục bẩn thỉu ấy của trái tim trống rỗng và niềm tuyệt vọng?

Lúc đi ngang qua thư viện, tôi gặp một ông giáo sư trẻ mà trước đây tôi thỉnh thoảng vẫn trò chuyện, thậm chí vài năm trước, trong lần cuối cùng cư ngụ tại thành phố này, tôi từng nhiều lần đến tận nhà thăm, cùng ông mạn đàm về thần thoại phương Đông, một lĩnh vực tôi rất quan tâm hồi đó. Đi ngược chiều tôi, nhà học giả dáng người cứng đơ và cận thị khá nặng, chỉ kịp nhận ra tôi khi tôi sắp đi qua khỏi. Ông nhảy bổ vào tôi với cả tấm chân tình, còn tôi nửa vui nửa không vì lòng đang rầu rĩ. Ông mừng rỡ, sôi nổi hẳn lên, nhắc lại những chi tiết từ các buổi mạn đàm ngày trước của chúng tôi, đoan chắc rằng ông rất hàm ơn những gợi ý của tôi và vẫn thường nhớ đến tôi; kể từ dạo ấy ông ít khi có được những buổi tranh luận hào hứng và phong phú đến thế với các đồng nghiệp. Ông hỏi tôi tới thành phố này bao lâu rồi (tôi nói dối: mới vài ngày) và sao không đến thăm ông. Tôi nhìn vào khuôn mặt học giả hiền lành của con người dễ mến ấy, thấy khung cảnh hơi nực cười, nước dãi ứa đầy vòm họng khô khốc, tình cảm khiến hắn mềm lòng dù hắn không muốn. Đúng thế, cho nên tôi mồm năm miệng mười nói dối rằng chỉ ở tạm đây thôi, vì chuyện nghiên cứu, và tại trong người không khỏe, bằng không tất nhiên thế nào tôi cũng đến thăm ông chứ. Rồi khi ông chân thành mời tôi thế nào cũng phải đến chơi ngay buổi tối ấy, tôi liền cám ơn nhận lời và nhờ ông chuyển lời chào đến bà vợ; việc nói cười hăm hở này khiến hai bên má tôi đau dần, vì chúng không còn quen phải gắng sức như thế nữa. Và trong lúc tôi, Harry Haller này, đứng đấy trên đường phố, hoàn toàn bất ngờ vì được tâng bốc nên đã lễ độ và vồn vã mỉm cười với khuôn mặt hiền lành cận thị của con người dễ mến này, thì gã Harry kia đứng ngay bên cạnh cũng cười luôn, gã vừa đứng vừa cười, nghĩ tôi đúng là một thứ anh em quái gở, lươn lẹo và dối trá; mới hai phút trước tôi còn nhe răng phẫn nộ với cả thế gian khốn kiếp, thế mà giờ đây chỉ nghe một tiếng gọi, một lời chào hỏi vô thưởng vô phạt của một kẻ trưởng giả thật thà đáng trọng đã liền cảm kích, hăm hở đồng tình và tận hưởng chút thiện cảm, sự trọng thị và vẻ ân cần chẳng khác một con heo sữa đằm mình trong bùn. Hai gã Harry này, hai nhân vật cực kỳ mất thiện cảm, đứng đối diện như thế đấy với ông giáo sư lịch thiệp; chúng chế giễu nhau, xét nét nhau, nhổ toẹt trước mặt nhau và một lần nữa tự hỏi, như từng luôn xảy ra trong những hoàn cảnh tương tự, rằng đó đơn thuần là sự ngu muội và nhu nhược của con người, số phận con người nói chung, hay tính ích kỷ ủy mị này, sự thiếu cá tính này, tính không nghiêm chỉnh và lá mặt lá trái này của cảm giác chỉ là một khí chất riêng của lũ sói thảo nguyên. Nếu thứ đê tiện này là của con người nói chung thì lòng khinh bỉ thế giới của tôi có thể nhào lên nó với một sức mạnh mới; còn nếu đó chỉ là sự hèn mọn của riêng tôi, thì đấy sẽ là dịp để tôi mặc sức tự khinh bỉ mình.
Bình Luận (0)
Comment