Sói Thảo Nguyên

Chương 8

nhiên chuyển từ vẻ nghiêm trang cùng tột sang vẻ vui đùa ngộ nghĩnh nhất mực và ngược lại, rất tự nhiên chứ không cường điệu, cứ như một đứa bé giàu năng khiếu. Giờ đây nàng vui nhộn một lúc, trêu chọc tôi về chuyện Foxtrott, thậm chí còn thúc nhẹ chân tôi, hăm hở khen ngơi món ăn, nhận xét tôi đã chịu khó trong việc ăn mặc, nhưng chê vẫn còn nhiều thiếu sót.

Trong lúc ấy tôi hỏi nàng: “Em làm cách nào mà đột nhiên trông như con trai khiến anh đoán được tên em vậy?”

“Ơ, chính anh làm những chuyện ấy mà. Chàng học giả ơi, chẳng lẽ anh không hiểu rằng em khiến anh được hài lòng và em quan trọng đối với anh, bởi vì em là một loại gương soi cho anh, vì trong em có cái gì đó cho anh lời giải đáp và hiểu anh? Đúng ra mọi người đều nên là tấm gương soi cho nhau, đáp ứng nhau như thế, nhưng những kẻ kỳ quái như anh đích thị là kỳ quặc và dễ sa vào ma lực, khiến không thể nhìn thấy hay đọc được gì hết trong mắt kẻ khác, thành thử chẳng có gì liên quan tới họ nữa. Và khi một kẻ kỳ quái như thế đột nhiên lại gặp được một khuôn mặt thật sự chăm chú nhìn mình, cảm thấy nơi khuôn mặt ấy có chút gì như một lời đáp lại và mang nét thân thuộc, thì lúc đó dĩ nhiên hắn sẽ vui mừng.”

“Em biết hết mọi thứ, Hermine ạ,” tôi sửng sốt kêu lên. “Quả đúng y như em nói. Nhưng em vẫn khác anh hoàn toàn! Em chính là sự tương phản của anh; em có tất cả những gì anh thiếu.”

“Anh thấy thế,” nàng nói vắn tắt, “tốt thôi.”

Giờ đây một áng mây nặng trĩu nghiêm trang lướt trên khuôn mặt nàng, đối với tôi nó quả thật giống như một tấm gương ảo thuật; đột nhiên trên cả khuôn mặt ấy chỉ còn nét nghiêm trang, chỉ còn nét bi thương, thăm thẳm như đôi mắt trống rỗng của một chiếc mặt nạ. Nàng chậm rãi thốt ra từng tiếng một, như miễn cưỡng:

“Anh này, chớ quên điều anh đã nói với em đấy! Anh đã bảo em phải sai khiến anh và anh sẽ vui sướng tuân theo mọi sai khiến của em. Anh chớ quên nhé! Harry thân mến ơi, anh phải biết rằng anh cảm thấy từ em như thế nào – khuôn mặt em cho anh lời giải đáp, cái gì đó trong em đáp ứng anh, khiến anh tin cậy – thì em cũng cảm thấy từ anh như thế. Hôm trước thấy anh bước vào quán Đại Bàng Đen, mệt mỏi và lơ đãng kinh khủng, em đã cảm thấy ngay: người này sẽ nghe lời mình đây, anh ta khát khao được mình sai khiến đây! Và em cũng sẽ làm, vì thế em đã bắt chuyện với anh và vì thế mình đã trở thành bạn bè.”

Nàng nói rất mực nghiêm trang như thế, dưới sự thúc giục gay gắt như thế của tâm hồn, khiến tôi không kịp hiểu hết, nên đã tìm cách trấn an nàng và lái sang chuyện khác. Nàng nhíu mày không hài lòng, rồi nhìn tôi với vẻ chế ngự, lạnh lùng nói tiếp: “Anh phải giữ lời, cưng ạ; em bảo rồi đấy, bằng không anh sẽ ân hận. Anh sẽ nhận được nhiều mệnh lệnh của em và sẽ làm theo, những mệnh lệnh hay ho, thú vị và anh sẽ thích thú tuân lời cho mà xem. Và rốt cuộc anh cũng hoàn thành mệnh lệnh cuối cùng của em đấy, Harry ạ.”

“Anh sẽ làm,” tôi nhu nhược đáp. “Mệnh lệnh cuối cùng em giao cho anh là cái gì?” Tôi hỏi, nhưng đã linh cảm thấy rồi, có Chúa biết tại sao.

Nàng lắc đầu như thể run run vì giá lạnh và có vẻ như đang dần tỉnh từ sự trầm ngâm. Nàng nhìn tôi chăm chắm, rồi chợt trở nên ủ dột hơn.

“Không cho anh biết thì em mới là khôn ngoan. Nhưng Harry ơi, em không muốn khôn ngoan, lần này không. Em muốn điều gì đấy khác hẳn. Anh lắng nghe nhé! Anh nghe, rồi anh sẽ quên, sẽ cười, sẽ khóc vì điều em sắp nói. Cưng ơi, chú ý nhé! Em muốn cùng anh chơi trò sống và chết, ông anh thân mến ạ, và em muốn lật cho anh thấy các quân bài của em ngay trước khi mình chơi.”

Khuôn mặt nàng mới đẹp sao, mới siêu phàm sao khi nàng nói điều ấy! Trong đôi mắt lạnh lùng và sáng kia bềnh bồng một nỗi buồn có ý thức; đôi mắt ấy dường như đã chịu đựng và chấp nhận mọi khổ đau mà người ta có thể hình dung. Nàng thốt ra thật khó khăn, ngọng nghịu, không khác người nói lúc khuôn mặt cứng đơ vì giá lạnh; nhưng giữa đôi môi và nơi khóe miệng nàng, ở sự nghịch ngợm của chót lưỡi hiếm khi hé lộ - trái ngược với ánh mắt và giọng nói – lại rào rạt nhục cảm ngọt ngào và những đòi hỏi thiết tha về lạc thú. Một lọn tóc ngắn lòa xòa trên vầng tráng phẳng phiu trầm lặng và từ đó, từ nơi góc trán vương lọn tóc ấy, làn sóng của vẻ nam tính, vẻ lưỡng tính ma thuật ở nàng thỉnh thoảng lại ùa tới như một làn hơi sinh động. Đầy sợ hãi, tôi lắng nghe nàng nói, nhưng nửa mê nửa tỉnh, như thể mụ mẫm.

“Anh thích em,” nàng nói tiếp, “vì cái lý do em đã nói với anh; em đã phá vỡ nỗi cô đơn của anh, em đã níu được anh ngay trước cổng địa ngục và làm anh tỉnh lại. Nhưng em muốn nhiều hơn ở anh, thật nhiều. Em muốn làm cho anh say mê em. Không, đừng phản đối, để em nói đã! Anh rất thích em, em cảm thấy mà, và anh biết ơn em, nhưng không say mê. Em muốn làm cho anh say mê em, nghề của em mà; em sống nhờ làm được cho đàn ông say mê em. Nhưng chú ý này, em làm thế không phải vì thấy anh đáng mê đâu nhé. Em không mê anh đâu, Harry ạ, giống như anh đối với em thôi. Nhưng em cần anh, như anh cần em vậy. Anh cần em, lúc này đây, vì anh đang tuyệt vọng và cần được đẩy xuống nước cho tỉnh lại. Anh cần em để học khiêu vũ, học cười, học sống. Còn em cần anh, không phải hôm nay, sau này cơ, cũng cho việc gì đấy thật quan trọng và thật đẹp. Khi anh mê đắm em rồi, em sẽ trao cho anh mệnh lệnh cuối cùng, anh sẽ tuân lời và điều ấy sẽ tốt đẹp cho cả anh lẫn em.”

Nàng nhẹ nâng một trong hai bông lan nâu tím, vân màu lục, cuối nhìn đăm đăm một lúc.

“Anh sẽ thấy chuyện ấy chẳng dễ dàng đâu, nhưng anh sẽ làm. Anh sẽ thực hiện mệnh lệnh của em và giết em. Thế đấy. Đừng hỏi thêm!”

Nàng nín lặng trong khi mắt vẫn không rời đóa lan, khuôn mặt dịu lại, như một nụ hoa nở bung dưới sức căng, và đột nhiên một nụ cười làm mê đắm rạng rỡ trên đôi môi, còn đôi mắt nàng vẫn đăm đăm nhìn một lúc như bị thôi miên. Đoạn nàng lắc cái đầu có những lọn tóc xoăn như một bé trai, hớp một ngụm nước, rồi sực nhớ ra chúng tôi đang dùng bữa, liền thích thú ăn uống ngon lành.

Tôi nghe rõ từng lời nói ghê gớm của nàng, thậm chí đoán được cả cái “mệnh lệnh cuối cùng” trước khi nàng nói ra, nên không kinh hoàng nữa về câu “Anh phải giết em.” Với tôi thì mọi điều nàng nói đều rất thuyết phục và là tiền định, nên tôi chấp nhận chứ không phản bác, tuy nhiên tôi vẫn thấy mọi điều ấy không hoàn toàn thực tế và nghiêm túc, dù nàng nói ra với vẻ nghiêm chỉnh đáng sợ. Một phần tâm hồn tôi nuốt và tin từng lời nàng nói, phần kia gật gù trấn an và ghi nhận rằng hóa ra cô nàng Hermine thông minh, khỏe mạnh, vững vàng nhường ấy cũng có những tưởng tượng và trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Nàng vừa dứt lời, một tấm màn của huyền ảo và bất lực phủ lên toàn cảnh.

Tuy nhiên tôi lại không thể nhảy ngược trở về với cõi khả thể và cõi thực dễ dàng như Hermine đi trên dây.

“Nghĩa là anh sẽ có lần giết em?” tôi hỏi, vẫn chưa hết mơ màng, trong khi nàng đã lại cười và hăm hở cắt miếng thịt vịt.

“Dĩ nhiên,” nàng gật đầu chiếu lệ, “nói thế đủ rồi, bây giờ là lúc mình ăn. Harry, làm ơn gọi cho em ít xa lát! Anh không thấy ngon miệng à? Em nghĩ trước hết anh phải học tất cả những gì mà đối với người khác là đương nhiên, thậm chí cả sự vui thú trong ăn uống. Cho nên cưng hãy nhìn nhé, đây là cái đùi vịt, khi ta lóc lớp thịt trắng ngon lành này khỏi xương thì đúng là một bữa tiệc, ta sẽ thấy thèm, tim ta sẽ căng thẳng và biết ơn như một kẻ si tình lần đầu được giúp người mình yêu cởi bỏ áo khoác[1]. Anh hiểu chứ? Không à? Anh đúng là ngố như cừu! Chú ý nhé, em cho anh một miếng của chiếc đùi vịt ngon lành này, anh sẽ thấy. Nào, há miệng ra! Anh thật đáng ghét! Lạy Chúa, chàng còn liếc qua những người khác, xem họ có nhìn khi chàng ăn một miếng từ cái nĩa của tôi không! Đừng lo, hỡi cậu con trai hoang toàng, em sẽ không bêu rếu anh đâu. Nhưng nếu anh phải xin phép người khác mới dám vui thú thì anh đúng là một gã ngố đáng thương!”

[1]:”Giúp(…)cởi bỏ áo khoác” chỉ là đỡ lấy chiếc áo khoác khi người phụ nữ mình quen biết nói chung(chứ không riêng người yêu) cởi ra. Đây là phép lịch sự thông thường của đàn ông sống ở phương Tây (chứ không riêng của đàn ông phương Tây).

Quang cảnh lúc này đây khiến khung cảnh trước đó càng trở nên như không có thật, không đáng tin, rằng mới vài phút trước thôi đôi mắt này còn nhìn trừng trừng, nặng nề và khủng khiếp. Hermine trong khung cảnh đó cũng như chính cuộc đời thôi: luôn chỉ là một khoảnh khắc, không bao giờ lường trước được. Giờ đây nàng đang ăn; đùi vịt và xa lát, bánh ngọt và rượu mùi được coi trọng, thành đối tượng của hân hoan và bình phẩm, của trò chuyện và tưởng tượng. Mỗi lần món cũ được dọn đi, món mới được bưng ra là bắt đầu một chương mới. Người đàn bà này, người đã thấu suốt tôi hoàn toàn, người dường như hiểu biết về cuộc đời hơn mọi nhà thông thái, lại như trẻ thơ chơi thật tuyệt vời trò chơi về cuộc đời trong khoảnh khắc ấy, khiến tôi chỉ đáng là học trò. Dù là thông tuệ cao vời hay thơ ngây nhất mực: ai biết cách sống khoảnh khắc ấy như thế, ai sống trong hiện tại như thế, ai ân cần và thân ái trân trọng từng bông hoa nhỏ trên đường, từng giá trị của khoảnh khắc chơi đùa nho nhỏ thì cuộc đời chẳng gây nổi thiệt hại gì cho họ. Và lẽ nào cô bé vui tươi đang ăn uống ngon lành kia với vẻ rất sành ẩm thực lại đồng thời là một kẻ mơ mộng, một kẻ loạn thần kinh ước ao được chết hoặc một kẻ tính toán chu đáo, mang trái tim lạnh lùng, cố ý làm tôi say mê và trở thành nô lệ của nàng? Không thể nào lại thế được. Không, nàng sống hết mình với khoảnh khắc của hiện tại, nên nàng mở lòng với mọi điều chợt nghĩ ra, dù vui hay chỉ thoáng qua như một thoáng rùng mình mơ hồ từ cõi xa xăm sâu thẳm của tâm hồn và cứ để mặc nó phát triển.

Cô nàng Hermine này, người mà hôm nay là lần thứ hai tôi gặp, đã biết hết tất cả về tôi và dường như tôi không thể giấu giếm nàng một điều gì. Có thể nàng không thấu hiểu hết được đời sống tinh thần của tôi; có thể nàng không theo nổi tôi trong quan hệ với âm nhạc, với Goethe, Novalis hay Baudelaire[2] – nhưng chính điều này cũng rất không chắc, có thể nàng chẳng gặp khó khăn gì. Mà dù đúng vậy chăng nữa thì “cuộc sống tinh thần” của tôi còn lại gì nào? Tất cả đều chẳng đã nát vụn và mất hết ý nghĩa rồi ư? Còn đối với những vấn đề khác của tôi, những chuyện riêng tư và những mong muốn của tôi, nàng sẽ hiểu được hết, tôi chắc chắn. Chẳng bao lâu nữa tôi sẽ nói với nàng về Sói Thảo Nguyên, về tập luận thuyết, về hết thảy mọi chuyện, những chuyện cho đến nay chỉ hiện hữu với riêng tôi và tôi chưa hề hé với ai một lời nào. Không thể cầm lòng được, tôi bắt đầu liền.

[2] Baudelaire (1821 – 1867): nhà thơ Pháp.

“Hermine này,” tôi nói, “mới đây anh gặp một chuyện khá ly kỳ. Một kẻ không quen biết đưa anh một quyển sách mỏng, giống tập quảng cáo về chợ phiên, trong đó viết chính xác toàn bộ câu chuyện của anh và mọi thứ liên quan đến anh. Em thấy có lạ kỳ không?”

“Quyển ấy tên gì?” nàng hỏi qua quýt.

“Tên là Luận thuyết về Sói Thảo Nguyên.”

“Ồ, Sói Thảo Nguyên thì tuyệt quá! Và anh là con Sói Thảo Nguyên ấy à? Nó viết về anh?”

“Phải, chính anh đấy. Anh là một kẻ nửa người nửa sói, hoặc giả anh tưởng thế.”

Nàng không đáp, nàng chăm chú nhìn vào mắt tôi, dò xét, ngó hai bàn tay tôi và trong một khoảnh khắc ánh mắt và khuôn mặt nàng trở lại vẻ nghiêm trang sâu lắng, cuồng nhiệt nhưng ảm đạm lúc nãy. Nếu tôi đoán không sai, thì nàng đang nghĩ không biết tôi có đủ là sói không để hoàn thành “mệnh lệnh cuối cùng” của nàng.

“Dĩ nhiên đó chỉ là một điều tưởng tượng của anh thôi,” nàng nói, tươi tỉnh trở lại, “hoặc, nếu anh muốn, một bài thơ. Nhưng cũng có chút gì đấy thật. Bữa nay anh không là sói, nhưng hôm trước, khi bước vào trong quán, anh cứ như từ mặt trăng rơi xuống; lúc ấy anh quả có hơi giống mãnh thú, chính điều ấy đã làm em thích.”

Nàng chợt ngừng, vì đột nhiên nảy ra một ý gì đấy, rồi nói tiếp như bị đụng chạm: “Những từ như ‘mãnh thú’ hay ‘thú dữ’ nghe mới ngớ ngẩn làm sao! Người ta không nên nói như thế về súc vật. Chúng thường gớm ghiếc thật đấy, nhưng vẫn hoàn hảo hơn con người nhiều.”

“Thế nào là ‘hoàn hảo’? Em muốn nói gì chứ?”

“Thế này nhé, anh cứ nhìn một con vật mà xem, con mèo, con chó, con chim hoặc thậm chí một trong những con to đẹp trong vườn thú, chẳng hạn con báo châu Mỹ hay con hươu cao cổ! Anh thấy là chúng đều hoàn hảo, không một con nào lúng túng hoặc không biết phải làm gì và phải cư xử thế nào. Chúng không muốn nịnh nọt anh, cũng không muốn làm anh thán phục. Chúng không đóng trò. Chúng thế nào thì chúng sống thế, như đá, như hoa hay như các tinh tú trên bầu trời. Anh hiểu chứ?”

Tôi hiểu.

“Phần lớn thú vật đều buồn bã,” nàng nói tiếp. “Khi một con người quá buồn, không phải do đau răng hay mất tiền, mà vì có một lần nào đấy trong vòng một giờ y cảm thấy hết thảy cuộc đời mình là như thế nào, lúc ấy y mới thật sự buồn, lúc ấy trông y luôn hao hao một con thú – lúc ấy trông y thảm não lắm, nhưng hoàn hảo hơn, đẹp hơn lúc thường. Thế đấy, và anh, con Sói Thảo Nguyên, đã trông như thế đấy, khi em gặp anh lần đầu.”

“Ờ, thế em nghĩ gì về tập sách miêu tả anh trong đó, hở Hermine?”

“Chậc, anh biết không, em không thích nghĩ ngợi hoài hoài. Mình sẽ nói về điều này một lần khác. Có thể lần nào đấy anh đưa nó cho em đọc. À không, nếu có lần nào đấy em nên đọc sách lại, hãy đưa em một trong những quyển sách do chính anh viết.”

Nàng gọi cà phê, rồi có vẻ lơ đãng, mơ màng một lúc; đột nhiên nàng rạng rỡ như vừa ngẫm nghĩ ra điều gì.

“Này,” nàng hớn hở reo lên, “em nghĩ ra rồi!”

“Chuyện gì thế?”

“Chuyện về điệu Foxtrott ấy, em nghĩ suốt từ nãy đến giờ. Cho em biết: anh có căn phòng nào mà thỉnh thoảng hai đứa mình khiêu vũ chừng một giờ được không? Nhỏ cũng được, chẳng sao, miễn không có ai ở ngay bên dưới, kẻo mỗi lần trần nhà rung chuyển sơ sơ họ lại lên làm toáng lên. Tốt, rất tốt! Vậy anh có thể học nhảy ở nhà được rồi.”

“Ừ,” tôi rụt rè, “càng tốt. Nhưng anh cứ tưởng phải có nhạc mới nhảy được.”

“Dĩ nhiên cần chứ. Thế này nhé, anh sẽ mua nhạc; tối đa chỉ bằng tiền anh học một khóa nhảy có cô giáo hướng dẫn thôi. Anh tiết kiệm được tiền trả cô giáo, vì em sẽ tự đảm nhiệm vai trò ấy. Thế là lúc nào mình muốn nhạc cũng có, lại còn lời thêm cái máy quay đĩa.”

“Máy quay đĩa à?”

“Đương nhiên. Anh sắm một cái nhỏ thôi và dăm đĩa hát nữa…”

“Tuyệt vời,” tôi reo lên, “và nếu em dạy anh khiêu vũ thật sự thành công, em sẽ được chiếc máy quay đĩa này như tiền thù lao. Đồng ý?”

Tôi nói ra vẻ cương quyết, nhưng lòng lại không nghĩ thế. Tôi không thể hình dung nổi trong căn phòng làm việc của mình với đầy sách vở lại có một cái máy mà mình không chút thiện cảm, cả cái chuyện nhảy nhót tôi cũng có lắm điều bất ưng. Thỉnh thoảng, tôi nghĩ thế, tập tành cũng được, tuy tin chắc rằng mình đã quá già, gân cốt cũng đơ, không học nổi nữa. Mà với tôi thì dồn dập kiểu này là hối hả quá và tôi cảm thấy trong người mình nhất loạt chống lại, như tôi – một kẻ già nua sành âm nhạc vẫn phản đối máy quay đĩa, Jazz và nhạc khiêu vũ tân thời. Bây giờ trong thư phòng này, nơi suy nghĩ và trú ẩn của tôi, bên cạnh Novalis và Jean Paul lại vang lên cả những bản nhạc bán chạy của Mỹ, còn tôi phải nhảy múa nữa thì đó quả là một đòi hỏi quá đáng mà người ta không thể chờ đợi ở tôi. Nhưng đó không phải là đòi hỏi của một kẻ bất kỳ nào, mà của Hermine, và nàng có quyền ra lệnh. Tôi tuân lời. Dĩ nhiên tôi tuân lời.

Xế trưa hôm sau chúng tôi gặp nhau trong một quán cà phê. Khi tôi đến, nàng đã ngồi ở đấy, uống trà và mỉm cười đưa tôi xem một tờ báo nàng phát hiện có tên tôi. Đó là một trong những tờ báo phản động ở đất nước tôi, chuyên kích động hận thù, thỉnh thoảng lại loan truyền một bài phỉ báng tôi kịch liệt. Trong thời chiến, tôi là kẻ chống chiến tranh; khi chiến tranh kết thúc, thỉnh thoảng tôi lại kêu gọi sự trầm tĩnh, nhẫn nại, lòng nhân đạo và tự phê phán, chống lại sự kích động mang đầu óc dân tộc ngày một thêm gay gắt, ngu xuẩn và điên rồ. Giờ đây tờ báo đó cũng lại có một bài công kích kiểu ấy, viết tồi, nửa của biên tập, nửa kia góp nhặt từ những bài tương tự của báo giới có quan điểm gần gũi với y. Mọi người đều biết không ai viết lách kém cỏi như những kẻ bảo vệ các ý thức hệ đã già cỗi, không ai hành nghề thiếu trong sạch và cẩu thả đến thế. Hermine đã đọc bài báo ấy, nên biết rằng Harry Haller là một phần tử nguy hại, một tên vô Tổ quốc và tất nhiên Tổ quốc của y sẽ không thể nào ngóc đầu lên nổi, chừng nào những bọn người như thế, những tư tưởng như thế được dung túng và thanh niên được giáo dục những ý tưởng nhân đạo ủy mị thay vì dùng chiến tranh phục hận kẻ thù truyền kiếp[3].

[3]: Suốt nhiều thế kỷ, Đức và Pháp coi nhau là “kẻ thù truyền kiếp”, cho đến tận Thế chiến II.

“Phải anh đây không?” Hermine chỉ vào tên tôi, hỏi. “Chà, Harry ơi, vậy là anh có khá nhiều kẻ thù rồi đấy nhé. Anh bực mình không?”

Tôi đọc lướt vài hàng, toàn thứ quen thuộc; từ nhiều năm nay tôi đã quá quen đến thành chán ngấy từng lời phỉ báng sao chép vụng về kiểu ấy.

“Không,” tôi đáp, “anh không bực mình, anh quá quen những thứ này rồi. Đã đôi lần anh nói lên suy nghĩ của mình, rằng mỗi dân tộc, thậm chí mỗi người, thay vì tự ru ngủ với những ‘câu hỏi về lỗi lầm’ nhuốm sự giả trá chính trị, cần tìm hiểu ngay chính dân tộc mình, bản thân mình để xem chính nó có lỗi tới đâu trong cuộc chiến tranh ấy cùng mọi thống khổ khác trên thế giới, do sai lầm, sơ suất và tập quán xấu xa; đó là phương cách duy nhất ngõ hầu tránh được cuộc chiến tranh sắp tới. Họ không tha thứ cho anh điều ấy, vì dĩ nhiên họ đều tự cho là vô tội: Hoàng đế, tướng tá, giới đại kỹ nghệ gia, các chính trị gia, các tờ báo - chẳng ai thấy mình có chút gì đáng trách, chẳng ai có lỗi lầm nào hết thảy! Người ta có thể nghĩ rằng thế gian này thật là tuyệt vời, chỉ phải cái có cả chục triệu người bị giết vùi thây trong lòng đất thôi. Và Hermine ơi, dù những bài báo phỉ báng kiểu này không thể khiến anh bực bội nữa, nhưng đôi khi quả có làm anh buồn rầu. Hai phần ba đồng bào anh đọc những loại báo này, sáng nào, tối nào cũng đọc những giọng điệu này, ngày nào họ cũng bị nhào nặn, hiệu triệu, kích động, biến thành bất mãn và căm hận; mục đích và cứu cánh của tất cả những việc này lại là chiến tranh, là cuộc chiến tranh sắp tới, hẳn sẽ kinh tởm hơn cuộc chiến tranh vừa qua. Tất cả những điều này đều rõ ràng và đơn giản, ai cũng có thể nhận thấy được, ai cũng có thể rút ra cùng một kết luận ấy sau chỉ một giờ suy ngẫm. Nhưng không ai muốn cả, không ai muốn ngăn ngừa cuộc chiến tranh sắp tới, không ai muốn tránh cho bản thân và con cái mình hàng triệu cuộc tàn sát sắp tới, nếu họ không thể trả một giá rẻ hơn. Để ra một giờ ngẫm nghĩ, quán chiếu mình một lúc và tự hỏi rằng chính mình đã tham gia và chịu trách nhiệm tới mức nào về sự hỗn loạn và độc ác trên thế gian này - em thấy đấy, chẳng ai muốn cả! Thành ra mọi chuyện sẽ cứ tiếp diễn như vậy và cuộc chiến tranh sắp tới đang ngày ngày được hàng nghìn, hàng vạn người hăm hở chuẩn bị. Từ khi nhận biết điều này, anh như bị tê liệt và tuyệt vọng; anh không còn ‘Tổ quốc’, không còn lý tưởng nữa, tất cả chỉ còn là vật trang trí cho những ngài đang chuẩn bị cuộc chém giết sắp tới. Ngẫm nghĩ, nói hoặc viết một điều gì nhân bản thì thật là vô nghĩa, đầu óc bận bịu với những tư tưởng tốt lanh thì thật là vô nghĩa - trong lúc hai, ba người làm những chuyện này thì ngày ngày có tới cả nghìn tờ báo, tạp chí, diễn văn, những buổi họp công khai hoặc bí mật, ra sức hướng tới điều ngược lại và chúng sẽ thành công.”

Hermine lắng nghe với vẻ cảm thông.

“Vâng,” nàng nói, “anh có lý đấy. Dĩ nhiên sẽ xảy ra cuộc chiến tranh mới, không cần đọc báo cũng biết. Tất nhiên người ta có thể vì thế mà buồn phiền, nhưng đâu được gì. Chẳng khác một người rầu rĩ vì nhất định sẽ có ngày phải chết, dù ông ta làm đủ cách nhằm cưỡng lại. Harry yêu quý ơi, cuộc chiến chống lại chết chóc luôn luôn là một hành động đẹp đẽ, cao quý, tuyệt vời và đáng kính, cuộc chiến chống lại chiến tranh cũng thế. Nhưng nó cũng luôn là một hành động hào hiệp viển vông vô vọng, kiểu Don Quichotte thôi.”

“Điều đó có thể đúng,” tôi gay gắt kêu lên, “nhưng viện ra những chân lý kiểu chẳng bao lâu nữa chúng ta đều phải chết để rồi làm ngơ trước mọi chuyện sẽ khiến cả cuộc sống trở thành tẻ nhạt và ngớ ngẩn. Vậy chúng ta nên quẳng hết mọi thứ, từ bỏ mọi suy nghĩ, mọi phấn đấu, mọi hanh động nhân đạo, để mặc cho tham vọng cùng tiền tái tiếp tục thống trị, ung dung uống bia chờ cuộc tổng động viên sắp tới ư?”

Ánh mắt Hermine nhìn tôi lúc ấy mới lạ lùng sao, một ánh mắt ranh mãnh, đầy thích thú, đầy giễu cợt và đầy cảm thông của tình bạn, đồng thời cũng rất nặng nề, am hiểu và hết sức nghiêm chỉnh!

“Anh đâu cần phải thế,” nàng dịu dàng như một bà mẹ. “Không phải vì anh biết cuộc chiến đấu của mình chẳng đạt kết quả gì mà đời anh thành tẻ nhạt và ngớ ngẩn. Harry ơi, nó sẽ tẻ nhạt hơn nhiều, nếu anh tranh đấu cho điều gì đấy tốt đẹp và lý tưởng với ý nghĩ phải đạt cho bằng được. Lý tưởng là để đạt đến ư? Chẳng lẽ chúng ta, con người, sống để triệt bỏ cái chết ư? Không, chúng ta sống để hãi sợ nó, nhưng rồi lại yêu nó và chính vì nó mà thỉnh thoảng cuộc đời ngắn ngủi bừng lên được một giờ thật huy hoàng. Harry ơi, anh là một đứa trẻ con. Bây giờ hãy ngoan ngoãn đi với em; bữa nay mình có nhiều việc phải làm. Hôm nay em không bận tâm đến chiến tranh và báo chí nữa. Thế còn anh?”

Ờ không, cả tôi cũng không muốn bận tâm nữa.

Chúng tôi cùng đi - đây là lần đầu tiên chúng tôi đi với nhau trong phố - đến một cửa hàng nhạc cụ, ngắm nghía các máy quay đĩa, mở ra đóng vào, vặn dây cót[4] nghe thử, rồi khi tìm được một cái rất thích hợp, giá phải chăng, tôi muốn mua liền, nhưng Hermine chưa chịu ngay. Nàng bảo hãy thư thả, rồi tôi phải cùng với nàng vào một cửa hàng thứ hai, xem và nghe đủ mọi loại lớn nhỏ, từ đắt nhất đến rẻ nhất, lúc ấy nàng mới đồng ý quay lại tiệm đầu tiên để mua chiếc máy chúng tôi đã tìm thấy ở đó.

[4] Máy hát đĩa ngày xưa có một tay quay để lên dây cót.

“Em thấy chưa,” tôi nói, “lẽ ra mình không cần mất công đi tới đi lui như thế này.”

“Anh nghĩ vậy à? Nhỡ đâu ngày mai mình lại tìm thấy cũng cái máy này ở tủ kính trưng bày của một cửa hàng khác, rẻ hơn hai mươi franc[5]. Hơn nữa mua sắm thế mới vui, cái gì vui thì mình phải tận hưởng. Anh còn phải học nhiều.”

[5] Franc: ở đây là tiền Thụy Sĩ. Tại quán Đại Bàng Đen, Hermine xin Harry vài mark (tiền Đức).

Một người giao hàng mang giúp món chúng tôi vừa sắm này đi theo về căn hộ của tôi.

Hermine quan sát kỹ càng phòng khách của tôi, ngợi khen lò sưởi và chiếc đi văng; nàng ngồi thử mấy chiếc ghế, cầm lên vài quyển sách, dừng lại một lúc lâu trước tấm ảnh người yêu của tôi. Chúng tôi đặt chiếc máy quay đĩa trên nóc tủ, giữa những chồng sách. Và giờ đây bắt đầu bài học của tôi. Nàng cho chạy một điệu Foxtrott, biểu diễn vài bước, rồi nắm tay tôi, hướng dẫn. Tôi ngoan ngoãn bước theo, va vào mấy cái ghế; tôi làm theo lệnh nàng, nhưng không hiểu, nên đã giẫn lên chân nàng, đúng là vừa mẫn cán vừa vụng về. Sau bài thứ hai, nàng gieo người lên đi văng, cười rũ rượi như một đứa trẻ.

“Trời ạ, sao mà người anh cứng đơ thế! Anh hãy bước bình thường như đi dạo vậy! Không cần phải gồng! Em nghĩ anh đã nóng người rồi chứ gì? Vậy mình nghỉ năm phút! Anh thấy đấy, nếu rành rẽ thì khiêu vũ cũng đơn giản như suy nghĩ tôi, thậm chí dễ hơn nhiều. Giờ đây anh sẽ bớt nóng nảy khi thấy người ta không muốn tập thói quen ngẫm nghĩ, mà thích gọi ông Haller là một kẻ bán nước hơn và bình thản chờ cuộc chiến tranh sắp tới.”

Một giờ sau nàng từ giã, cả quyết rằng lần tới tôi sẽ khá hơn. Tôi lại nghĩ khác, nên rất thất vọng về sự ngu dốt và vụng về của mình; tôi cho rằng trong một giờ này tôi chẳng học được gì sất và không tin lần tới sẽ khá hơn. Không, để khiêu vũ người ta phải sẵn có những khả năng mà tôi hoàn toàn thiếu: vui vẻ, tự nhiên, vô tư, hào hứng. Ờ thì, tôi đã nghĩ thế từ lâu rồi mà.

Nhưng xem kìa, lần thứ nhì quả thật có khá hơn, thậm chí tôi còn bắt đầu thấy thích thú nữa; cuối giờ học Hermine quả quyết tôi nhảy Foxtrott được rồi. Nhưng khi nàng suy diễn tiếp rằng ngày mai tôi phải tới một quán ăn để nhảy với nàng thì tôi hết cả hồn vía, cực lực phản đối. Nàng lạnh lùng nhắc nhở tôi đã thề tuân lệnh và hẹn tôi ngày mai tới dùng trà tại khách sạn Cung Thiên Bình.

Buổi tối ấy tôi ngồi ở nhà, muốn đọc sách mà không nổi. Tôi sợ ngày mai; tôi kinh hoàng khi nghĩ rằng mình, một kẻ kỳ quặc già nua, nhút nhát và nhạy cảm, không chỉ đến một trong những trà đình, đồng thời là vũ trường, tân thời và chán ngắt với nhạc Jazz, lại còn phải chứng tỏ mình là một vũ nam giữa những kẻ lạ hoắc, ngoài ra chẳng biết gì thêm. Tôi thú nhận đã tự cười thầm và xấu hổ, khi một mình quay máy đĩa rồi đôi chân đi vớ nhẹ nhàng tập lại những bước nhảy của bài Fox trong căn phòng im ắng.

Hôm sau có một ban nhạc nhỏ chơi tại khách sạn Cung Thiên Bình; người ta bưng trà và Whisky ra cho khách. Tôi tìm cách dụ khị Hermine, đặt bánh ngọt trước mặt nàng, đề nghị gọi một chai vang ngon, nhưng nàng không nhân nhượng.

“Bữa nay anh đến đây không phải để tiêu khiển. Mà đây là giờ học khiêu vũ.”

Tôi phải nhảy với nàng hai, ba lần và trong lúc nghỉ giải lao nàng giới thiệu tôi với anh chàng thổi kèn saxophone, một thanh niên đẹp trai, da nâu, gốc Tây Ban Nha hay Nam Mỹ gì đấy, chơi được mọi nhạc cụ, nàng bảo thế, và nói được mọi thứ tiếng trên thế giới. Senõr[6] này có vẻ rất thân quen với Hermine; trước mặt y có hai cây kèn saxophone kích cỡ khác nhau mà y dùng thay đổi, trong lúc đôi mắt đen nhánh của y chăm chú thú vị ngắm nhìn người ta khiêu vũ. Tôi sửng sốt khi cảm thấy lòng mình có gì đấy như thể ghen tuông với tay nhạc công bảnh trai, vô hại này; không phải ghen vì yêu đương, bởi giữa tôi và Hermine làm gì có chuyện ấy, nhưng ghen về tình bạn của họ thì đúng hơn, vì tôi thấy y không thật xứng đáng với lòng quan tâm, sự đề cao khác thường, phải nói là ngưỡng mộ, mà nàng dành cho y. Mình phải làm quen với những hạng người kỳ quái, tôi bực bội nghĩ.

[6] Senõr (tiếng Tây Ban Nha trong nguyên tác): ông.

Rồi Hermine được mời nhảy hết bài này đến bài khác, còn tôi ngồi một mình bên ly trà, nghe nhạc, một loại nhạc xưa nay tôi không ưa nổi. Chúa ơi, tôi thầm nghĩ, thế là giờ đây tôi được hướng dẫn vào - và để trở thành quen thuộc - với một thế giới mà mình lạ lẫm, ghê tởm, khinh bỉ xiết bao và cho đến nay vẫn thận trọng lánh xa, thế giới của bọn la cà trác táng, thế giới của những cái bàn cẩm thạch bóng láng sao chép vụng về, của nhạc Jazz, của gái điếm thượng lưu, của đám lái thương lưu động! Tôi rầu rĩ nhấp trà, đăm đăm nhìn đám người thanh lịch nửa vời. Hai cô gái đẹp thu hút ánh mắt tôi, cả hai đều nhảy giỏi, tôi khâm phục và ganh tị dõi theo; bước nhảy của họ mới dẻo, đẹp, tươi và vững làm sao.

Rồi Hermine lại xuất hiện, không hài lòng về tôi. Nàng xỉ vả rằng tôi đến đây đâu phải để mang bộ mặt như thế và ngồi xụi lơ ở bàn uống trà, mà hãy vui lòng mạnh dạn khiêu vũ. Sao cơ, tôi không quen ai à? Cần gì. Chẳng lẽ không có cô gái nào làm tôi thích ư?

Tôi chỉ cho nàng cái cô đẹp nhất vừa đứng gần chúng tôi, thật dễ thương trong chiếc váy nhung xinh xắn, mái tóc vàng ngắn và dày, đôi cánh tay tròn lẳn rất đàn bà. Hermine dứt khoát đòi tôi phải tới mời cô nàng đó nhảy. Tôi tuyệt vọng phản đối.

“Anh không thể!” tôi khổ sở nói. “Ừ, phải chi anh là một gã xinh trai trẻ trung! Đằng này lại là một lão già ngu ngốc cứng đờ, không hề biết nhảy - cô ta sẽ cười anh trẹo quai hàm mất!”

Hermine khinh miệt nhìn tôi.

“Còn em cười anh thì dĩ nhiên anh mặc kệ chứ gì. Anh thật hèn! Ai lân la làm quen với đàn bà con gái cũng đều mạo hiểm, vì có thể bị cười; đó là cái giá phải trả. Harry ơi, hãy liều đi, cùng lắm thì anh chịu bị cười thôi - bằng không em hết tin rằng anh tuân lời em.”

Nàng không nhân nhượng. Tôi bối rối đứng lên, bước tới chỗ cô gái xinh đẹp nọ, đúng lúc nhạc lại vừa trỗi lên.

“Đúng ra có người mời em bài này rồi,” nàng nói và tò mò nhìn tôi với đôi mắt to linh lợi, “nhưng người bạn nhảy của em chừng như đã mọc rễ luôn nơi quầy rượu đàng kia. Nào, mời ông!”

Tôi ôm nàng, đi những bước đầu tiên, lòng còn đang ngạc nhiên vì không bị nàng từ chối, thì nàng đã nhận ra trình độ nhảy của tôi, liền đảm trách việc hướng dẫn. Nàng nhảy thật tuyệt vời, dìu tôi theo; trong giây lát tôi quên bẵng mọi chuyện mình phải làm cũng những quy tắc khi khiêu vũ, tôi cứ việc bơi theo, cảm thấy đôi hông căng, đôi đầu gối mềm mại nhanh nhẹn của nàng; tôi nhìn vào khuôn mặt trẻ trung, rạng rỡ của nàng, thú thật với nàng hôm nay là lần đầu tiên tôi khiêu vũ trong đời. Nàng mỉm cười, khuyến khích tôi, khôn ngoan đáp lại ánh mắt hân hoan cùng những lời tán tỉnh của tôi không phải bằng lời nói, mà qua những động tác nhẹ nhàng, khiến chúng tôi thêm gần gũi và say đắm. Tay phải tôi ôm chặt eo nàng, sung sướng và hăm hở theo những động tác của đôi chân, đôi tay, đôi vai nàng; tôi sửng sốt vì không một lần giẫm lên chân nàng, rồi khi tiếng nhạc chấm dứt, hai chúng tôi đứng lại, vỗ tay cho đến khi bản nhạc được chơi lại và một lần nữa tôi hăm hở, kính ngưỡng, say mê hoàn tất nghi thức.

Khi bài khiêu vũ chấm dứt, theo tôi là quá sớm, cô gái váy nhung ấy rút lui và Hermine - từ nãy vẫn nhìn chúng tôi - đột nhiên xuất hiện bên cạnh tôi.

“Anh thấy gì chưa?” nàng cười khen ngợi. “Anh phát hiện chân cẳng đàn bà không phải là chân bàn rồi chứ? Hoan hô! Anh nhảy Fox được rồi đấy, đội ơn Chúa, mai mình sẽ tập điệu Boston; ba tuần nữa sẽ có khiêu vũ hóa trang tại sảnh đường Địa Cầu.”

Lúc đó nghỉ xả hơi, chúng tôi ngồi vào bàn; tay Pablo đẹp trai, trẻ trung, cái gã thổi kèn saxophone ấy, tới gật đầu chào rồi ngồi xuống cạnh Hermine. Xem ra y rất thân mật với nàng. Còn tôi, xin thú nhận, hoàn toàn chẳng chút thích thú trong lần đầu gặp gỡ này. Không thể chối cãi rằng y tốt mã, thân hình đẹp, bảnh trai, ngoài ra tôi chẳng phát hiện thêm điểm nào hơn người ở y. Về mặt thông thạo nhiều thứ tiếng thì y chẳng hề gặp khó khăn, vì y có nói năng gì đâu, ngoài những từ như không dám, cám ơn, đúng vậy, hẳn rồi, hallo và đại loại mà tất nhiên y có thể nói những từ ấy bằng nhiều thứ ngôn ngữ. Không, Senõr Pablo này chẳng nói năng gì sất và y, tay caballero[7] điển trai này, dường như cũng không suy nghĩ nhiều nữa cơ. Công việc của y là thổi kèn saxophone trong dàn nhạc Jazz và dường như y nhiệt thành say mê nghề ấy, nên đôi khi đang chơi nhạc y đột nhiên vỗ tay hoặc tự cho phép lớn tiếng bật ra như thể ca hát những âm thanh bày tỏ lòng hâm mộ: “Ô ô ô ô, ha ha, hallo!” Ngoài ra, rõ ràng y chẳng có nhiệm vụ gì khác trên thế gian này hơn là đẹp trai, làm cho phụ nữ hài lòng, đeo cổ cồn cùng ca vát kiểu mới nhất và mang thật nhiều nhẫn. Y giúp vui bằng cách ngồi vào bàn chúng tôi, mỉm cười với chúng tôi, nhìn đồng hồ đeo tay và vấn thuốc lá, việc mà y rất khéo. Đôi mắt đẹp sẫm màu của người Creole[8], mái tóc xoăn đen chẳng cho thấy y có được chút lãng mạn hay ưu tư hoặc suy nghĩ gì - nhìn gần thì tay á thánh đẹp trai có sức quyến rũ đặc biệt này chẳng qua chỉ là một thanh niên vui nhộn, hơi được nuông chiều, biết cách cư xử, thế thôi. Tôi nói với y về thứ nhạc cụ y đang sử dụng và về những âm điệu trong nhạc Jazz, để y biết là đang đụng phải một kẻ thưởng thức lão luyện và am hiểu về những chuyện liên quan đến âm nhạc. Nhưng y không đi vào những chuyện ấy; rồi trong lúc vì lịch sự tôi nói gì đấy với y, đúng ra với Hermine, như thể biện minh về mặt lý thuyết cho nhạc Jazz, y chỉ mỉm cười vô thưởng vô phạt, chẳng ăn nhập gì đến tôi cũng những nỗ lực của tôi, chừng như y hoàn toàn không biết rằng trước khi có nhạc Jazz và ngoài nó ra còn có vài ba thứ nhạc khác nữa. Y khả ái, khả ái và nhã nhặn, mỉm cười dễ thương từ đôi mắt to chẳng chứa đựng gì; nhưng giữa y và tôi dường như không có điều gì chung - chẳng điều gì quan trọng và thiêng liêng đối với tôi, chúng tôi sinh ra từ những vùng đất đối nghịch, ngôn ngữ không có được một từ giống nhau. (Nhưng về sau Hermine kể tôi nghe một điều khác thường. Nàng cho biết sau buổi trò chuyện này Pablo bảo nàng cần đối xử ân cần với tôi, vì tôi thật rất bất hạnh. Khi nàng hỏi y căn cứ vào đâu, y đáp: “Ông ấy là một con người khốn khổ. Cứ nhìn vào mắt ông ấy khắc rõ! Ông ấy không biết cười.”)

[7] Caballero (tiếng Tây Ban Nha trong nguyên tác): con người hào hoa.

[8] Con cháu những người lai Âu - Phi ở Trung và Nam Mỹ.

Khi gã mắt đen này cáo biệt chúng tôi và nhạc lại trỗi lên, Hermine đứng dậy. “Harry, bây giờ anh lại có thể nhảy với em đấy. Hay anh không uốn nữa?”

Ngay cả với nàng giờ đây tôi nhảy cũng dễ dàng hơn, phóng khoáng và vui vẻ hơn, tuy không thật thoải mái và đắm say như với cô gái nọ. Hermine để tôi dịu đi, nàng theo bước chân tôi, mềm mại và nhẹ nhàng như một cánh hoa; rồi tôi cũng cảm thấy cả ở nàng những vẻ duyên dáng lúc sát lại gần, lúc rời xa, cả nàng cũng tỏa mùi hương đàn bà và tình yêu, cả lối khiêu vũ của nàng cũng trìu mến và tha thiết hát lên bài ca thanh nhã và quyến rũ của giới tính - thế mà tôi lại không thể hoàn toàn tự do, hân hoan đáp lại tất cả những điều ấy, không thể toàn tâm dâng hiên. Hermine quá gần gũi với tôi; nàng là bạn học, là em gái, nàng tương tự tôi, giống tôi và giống Hermann, người bạn thuở thiếu thời của tôi, kẻ say mê nhiệt thành, nhà thơ, bạn đồng hành sôi nổi trong những đeo đuổi về tình thần và những thái quá của tôi.
Bình Luận (0)
Comment