Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 126

Cuối tháng mười, Triệu Phụ lại đổ bệnh, các buổi triều tiếp tục bị hoãn.

Giám chính Khâm Thiên Giám Lý Tiêu Nhân và hòa thượng Thiện Thính ngày ngày cầu đảo cho hoàng đế trong cung Phúc Ninh. Trong hoàng cung, đâu đâu cũng thấy đạo sĩ tóc búi mũi trâu1 mặc đạo bào với hòa thượng đầu trọc lốc khoác tăng y.

Lần này do bệnh tình trầm trọng, ngoài các đại thần nhất phẩm ra, Triệu Phụ không gặp bất kì quan viên nào hết. Chớ kể tới Đường Thận, ngay cả Tô Ôn Duẫn cũng chưa được thấy mặt rồng.

Hôm đó, Đường Thận từ Ngự Sử đài về đến nhà thì thấy kế toán Lâm, Diêu Tam và Đường Hoàng đang đối chiếu sổ sách.

Thấy Đường Thận, ba người liền đưa sổ sách cho cậu kiểm tra. Lật bừa một hồi, Đường Thận ngạc nhiên khi phát hiện lợi nhuận quý này gần gấp đôi so với bình thường. Cậu bèn gọi Đường Hoàng vào thư phòng hỏi kĩ càng, mới biết chỗ lợi nhuận dôi ra đấy không đến từ tăng doanh thu mà đến từ giảm giá thành.

“Suy cho cùng, em nghĩ, sản nghiệp lớn nhất của nhà mình chính là Bách Bảo Các. Hiện giờ lầu Tế Hà đã có mặt ở Cô Tô, Kim Lăng và Thịnh Kinh, còn chuẩn bị mở thêm một chi nhánh nữa ở Thịnh Kinh. Nhưng Bách Bảo Khác không giống với lầu Tế Hà. Rất khó để triển khai Bách Bảo Các ở nơi khác, bởi chỉ ở thành Thịnh Kinh mới có nguồn khách hàng dồi dào cỡ này. Em cứ băn khoăn mãi xem làm thế nào mới giảm được chi phí, rồi em nghĩ không có gì hay hơn là cứ thuê thêm người làm.”

Đường Thận đã hiểu ý định của em gái mình, nhưng cậu vẫn hỏi: “Thuê thêm người làm, chẳng phải sẽ đội chi phí nhân công lên sao?”

Đường Hoàng: “Nhưng hiệu suất cũng cao hơn hẳn.” Con bé lấy một chiếc bàn tính, gảy lạch xạch mấy phát, minh họa cho Đường Thận xem: “Mình lấy xưởng ngọc lưu ly làm ví dụ nhé, bình thường chúng mình đã cố gắng chia nhỏ công việc hết mức có thể cho các thợ thủ công rồi. Giả sử mình để một người thợ chuyên môn điều chế nguyên vật liệu, hiển nhiên anh ta có thể điều chế ra rất nhiều, nhưng mỗi ngày chỉ có thể sản xuất tối đa một thùng nguyên vật liệu thôi. Nhưng nếu mình phân công một thợ mài đá Lăng Tử, một thợ khác pha trộn vật liệu, một thợ nữa chuyên phụ trách kiểm tra thành phẩm, thì trong một ngày ba người bọn họ có thể sản xuất ra ba thùng nguyên liệu. Lợi nhuận từ hiệu suất này sẽ cao hơn tiền công mình phải trả cho ba người thợ.”

Ở cái tuổi đôi tám, Đường Hoàng đã trổ mã thành thiếu nữ, chẳng còn bóng dáng cô nhóc thoăn thoắt, hùng hổ đánh đuổi bọn du côn, bảo vệ hàng nước quả hồi xưa ở thôn Triệu gia. Thế nhưng trong mắt Đường Thận, em gái mình đã trưởng thành, mạnh mẽ hơn cả trước.

Trầm ngâm hồi lâu, Đường Thận hỏi: “Thế có tìm được cái hồi trước mình nhờ Diêu đại ca tìm không?”

Đường Hoàng lắc đầu nuối tiếc: “Không ạ. Em sợ ở Đại Tống không có, hoặc chưa ai phát hiện ra. Phải sang Liêu tìm thử mới được.”

Hai anh em bàn bạc thêm một lúc, chúc nhau ngủ ngon rồi ai về phòng nấy.

Đường Thận đương nhiên sẽ không kể cho Đường Hoàng chuyện mình cắt đặt thám tử nằm vùng ở nước Liêu, dù rằng như thế chưa thể tính là lạm dụng của công để làm việc tư được. Kiều Cửu vốn là nhà buôn, nhờ hắn để ý tìm kiếm hộ bên Liêu không khó, nhưng Đường Thận không có ý định đấy.

Tuy vậy, Đường Thận không ngờ rằng cậu và Đường Hoàng chỉ mới nhắc đến nước Liêu tối đó, thì sáng sớm hôm sau đã có mật báo khẩn vượt tám trăm dặm gửi về Thịnh Kinh.

Chết mất hai con ngựa thần tốc, quan sai truyền tin mới mang được mật báo đến hoàng cung trong tình trạng kiệt sức. Đầu giờ chiều, Đường Thận và Tô Ôn Duẫn nhận được mật hàm của Vương Tiêu. Trong mật hàm chỉ vẻn vẹn một câu ngắn ngủn, nhưng hai người bọn họ đọc xong thì bàng hoàng, nhìn nhau mà không dám tin.

Ngày tiếp theo, giấy đã không còn gói nổi lửa.

Ba ngày trước, tại Thượng Kinh Lâm Hoàng phủ, vua Liêu bắt quả tang công chúa An Định thông dâm với Tứ hoàng tử Gia Luật Long Chân. Gia Luật Long Chân bị biếm khỏi hoàng cung. Công chúa An Định bị vua Liêu sai người đánh một trăm roi, tan xương nát thịt. Sau đó, vua Liêu phái sứ đoàn đến chất vấn Đại Tống, chỉ dăm hôm nữa sẽ tới thành Thịnh Kinh.

Công chúa An Định chính là nàng công Triệu Phụ gả sang nước Liêu vì mục đích hòa thân một năm về trước.

Cửu vương gia qua đời từ lâu, quận chúa ở vương phủ chẳng bao giờ được Triệu Phụ ngó ngàng tới. Lần duy nhất được vua nhớ tới thì nàng bị bắt làm dâu nước Liêu. Triệu Phụ phong nàng làm công chúa, ban phong hiệu là “An Định”. Nào ngờ “an định” đâu chưa thấy, họa lớn đã ập lên đầu.

Triệu Phụ đang ốm bệnh không thể lên triều, nhưng ông ta cho vời các tướng công vào cung, bàn bạc trong cung Phúc Ninh rất lâu.

Bước ra khỏi cổng cung Phúc Ninh, Tả tướng Kỷ Ông Tập đứng lặng trước cửa điện, ngẩng đầu, chăm chú ngước nhìn bầu trời xanh bao la bát ngát. Hữu tướng Vương Thuyên đi ngang qua bèn dừng bước, hỏi: “Kỷ tướng đang ngắm gì thế?”

Kỷ Ông Tập thu ánh mắt: “Chỉ nhìn vu vơ thôi, Vương tướng đừng để ý.”

Sau lưng hai người, Trần Lăng Hải, Từ Bí cũng đi ra khỏi điện.

Kỷ Ông Tập thở dài thườn thượt, phất tay áo ra về.

Màn đêm buông xuống, Đường Thận và Tô Ôn Duẫn cùng tiến cung, báo cáo thực hư chuyện công chúa An Định dâm loạn hậu cung nước Liêu.

Triệu Phụ nằm ngả người trên gối dựa, mắt lim dim lắng nghe Đường Thận trình bày.

Chờ Đường Thận nói xong hết, giọng nói khào khào ốm yếu của ông ta mới cất lên: “Theo ý Cảnh Tắc thì thật ra cháu gái trẫm chưa chắc đã mắc tội gì; những kẻ rắp tâm gắp lửa bỏ tay người thì cớ nào chúng cũng viện ra được. Cháu gái trẫm chỉ là cái cớ để một số kẻ diệt trừ Tứ hoàng tử nước Liêu thôi phải không?”

Đường Thận im thít, không hề hé môi.

Triệu Phụ: “Phỉ Nhiên, ngươi nói xem?”

Đôi mắt hoa đào diễm lệ liếc xuống, Tô Ôn Duẫn cúi đầu hành lễ, thẳng thắn tâu: “Công chúa An Định là công chúa của Đại Tống ta. Việc công chúa có phạm phải điều cấm thật hay không, ngoài bản thân công chúa đã mất và thị nữ bị ban chết theo thì chỉ còn Tứ hoàng tử bị biếm làm thứ nhân biết rõ. Thực hư giờ đã vô nghĩa, thần cho rằng việc trọng yếu nhất hiện nay là hai ngày nữa, sứ Liêu sẽ có mặt ở kinh thành.”

Triệu Phụ khép hàng mi, nhẹ nhàng nói: “Hoàng đế nước Liêu có bốn hoàng tử, giờ mất một, chỉ còn lại ba. Thế là lại giống trẫm.”

Đường Thận và Tô Ôn Duẫn cúi đầu im re.

Hai ngày sau, sứ thần nước Liêu tới kinh thành.

Triệu Phụ vẫn không lên triều được, nhiệm vụ tiếp sứ lại đặt lên vai Thượng thư bộ Lễ Mạnh Lãng. May mà lần này vua Liêu không phái hoàng tử nào đi theo, nên ba hoàng tử Đại Tống đang vắng mặt không cần về kinh gấp để tiếp sứ giả.

Đường Thận dĩ nhiên cũng bị Triệu Phụ gài vào đoàn đón sứ. Còn Tô Ôn Duẫn, vì từng lộ mặt ở nước Liêu nên hôm sứ Liêu vào kinh thành, anh ta cáo ốm ở nhà, không bước chân ra khỏi cửa.

Sứ giả nước Liêu đến kinh đô Đại Tống lần này còn kênh kiệu, phách lối gấp mấy lần một năm về trước.

Cách đây một năm, nước Liêu cậy binh hùng tướng mạnh, chủ động tấn công thành U Châu rồi ngang nhiên quy kết toàn bộ trách nhiệm cho Đại Tống. Lần đó, phía Liêu danh bất chính, ngôn bất thuận; song lần này, sứ Liêu đã có lí do thích đáng. Hành vi của công chúa An Định khiến vua Liêu nổi trận lôi đình; các sứ giả nước Liêu vừa trông thấy Mạnh Lãng đã bừng bừng phẫn nộ: “Lũ người Tống chúng bay tạ lỗi thế đấy hả? Hèn chi có cô công chúa dâm đãng quá thể! Hành vi của người Tống thật đáng phỉ nhổ!”

Các quan nước Tống nghe thế, có ai lại không giận sôi gan ứa mề? Nhưng sứ Liêu ngạo mạn quá, đến Mạnh Lãng cũng không có cách nào trị họ.

Mạnh Lãng ra sức vỗ về cho sứ Liêu nguôi giận, chỉ chờ long thể Triệu Phụ khá hơn rồi vấn an ông ta, đặng hỏi xem nên giải quyết việc này thế nào.

Hôm đó, tiễn sứ Liêu xỉ vả không ngớt miệng xong, Mạnh Lãng về điện Cần Chính, thở vắn than dài: “Biết tính sao bây giờ!”

Đường Thận đi theo sau ông ta, chỉ biết cúi đầu, trong lòng cũng cảm thấy hết sức nan giải.

Ngày kế, Đường Thận không rỗi rãi, cậu tiếp tục đi theo Mạnh Lãng đến dịch quán tiếp đón sứ Liêu.

Lần này đoàn sứ nước Liêu sang Tống không có mặt Gia Luật Cần, thay vào đó là một viên quan miền Nam tên là Tiêu Chương. Tiêu Chương ăn nói rất xấc xược với Mạnh Lãng, không thèm coi quan lớn như Mạnh Lãng ra gì. Mạnh Lãng căm tức đã lâu, sau khi Tiêu Chương chất vấn đến lần thứ hai thì Mạnh Lãng mỉm cười, chắp tay nói: “Xin hỏi sứ Liêu, công chúa An Định của Đại Tống ta hiện ở nơi nào?”

Tiêu Chương sững người, nói: “Công chúa dâm loạn hậu cung, dĩ nhiên phải bị hoàng đế Đại Liêu ta đánh chết, quẳng thây ra khỏi cung từ lâu rồi.”

Mạnh Lãng dấn lên một bước, cả giận: “Công chúa của Đại Tống ta há có thể để người khác tùy ý trừng phạt? Kể cả đã làm dâu nước Liêu, công chúa phạm trọng tội cũng phải giao cho bộ Hình Đại Tống điều tra xét xử. Dù tình huống xấu đến mấy đi chăng nữa, tại sao tiên thể của công chúa lại không còn? Nghe tiếng mà không thấy người, chết mà chẳng thấy xác, chỉ dựa vào mỗi câu ‘công chúa dâm loạn hậu cung’ của vua Liêu mà đòi lấp liếm cho qua chuyện? Thế gian làm gì có đạo lí đấy!”

Tiêu Chương: “Ngươi…!”

Mạnh Lãng nói: “Bản quan xin cáo từ trước, mong rằng ngày mai, sứ Liêu có thể giải thích tường tận sự tình.” Nói xong, ông ta phẩy tay áo ra về.

Các quan Tống cũng theo Mạnh Lãng rời khỏi dịch quán, lúc đi còn quắc mắt lườm sứ Liêu cho hả mối căm hờn.

Đường Thận cũng bắt chước họ, cậu vờ như trút căm giận, lườm một lượt đoàn sứ Liêu hơn mười người. Ánh mắt cậu thoáng chững lại ở một người đàn ông trẻ tuổi đứng đằng sau Tiêu Chương. Chỉ thấy sau khi Mạnh Lãng phẩy tay áo bỏ đi, Tiêu Chương đã cúi đầu thì thầm gì đó bên tai người thanh niên kia.

Tuy không có gì kì lạ, nhưng Đường Thận cứ có cảm giác Tiêu Chương đang hỏi ý kiến người đó.

Tình huống này vô cùng quen thuộc, sau khi về nhà vắt óc suy ngẫm, linh quang bỗng lóe lên trong đầu Đường Thận…

Nửa năm trước lúc cậu bí mật xâm nhập nước Liêu, Kiều Cửu nói chuyện với cậu y hệt thế mà!

Một ý nghĩ chợt nảy ra trong đầu Đường Thận. Trời tối, cậu bí mật đến phủ Tô Ôn Duẫn. Tô Ôn Duẫn thấy cậu thì phải cạnh khóe ngay mới chịu: “Đường đại nhân ghé thăm hàn xá, thật là vinh hạnh cho bản quan biết mấy. Có việc gì mà rồng phải đến nhà tôm thế này?”

Đường Thận không vòng vo, kể luôn về người thanh niên bắt gặp ở dịch quán và suy đoán của mình.

Tô Ôn Duẫn biến sắc, anh ta trầm ngâm một chốc mới nói: “Nước Liêu hiếm quan lớn còn trẻ lắm. Ở nước Liêu, viên sứ giả Tiêu Chương đã ngang hàng với đại quan tam phẩm rồi. Không một quan Liêu nào có phẩm cấp cao hơn ông ta mà dưới tuổi ba mươi cả. Kẻ đó ắt không phải quan Liêu.”

Hai người liếc nhau.

Đường Thận: “Thế là hoàng tử nào đây?”

Tô Ôn Duẫn: “Ngươi mô tả tướng mạo của y cho ta coi.”

Đường Thận: “Da dẻ trắng trẻo, diện mạo thanh tú sáng sủa, không vạm vỡ, dũng mãnh như các quan người Liêu khác mà hơi giống thư sinh Đại Tống chúng ta. Nhưng khí chất người này âm u quỷ quyệt, trông hai đầu mày lồ lộ vẻ tàn ác, có lẽ tay đã vấy nhiều máu đây.”

Tô Ôn Duẫn sửng sốt, cười giễu cợt: “Thế thì dễ là Nhị hoàng tử nước Liêu Gia Luật Xá Ca rồi!”

Đường Thận gấp gáp hỏi: “Tại sao y lại tới đây?”

Tô Ôn Duẫn im lặng suy nghĩ rất lâu rồi mới ngẩng lên hỏi: “Lúc nãy ngươi nói, sứ Liêu đến kinh đô để hỏi tội Đại Tống chuyện công chúa An Định. Ngoài ra, họ còn yêu sách gì khác không?”

“Cũng chỉ loanh quanh chuyện cắt đất đền tiền. Cắt đất thì không đời nào, đền tiền hẵng còn đang bàn thảo. Ngoài những việc đó ra…” Ngừng một thoáng, Đường Thận thốt lên: “Nước Liêu còn muốn cưới thêm một công chúa?”

Gia Luật Xá Ca bí mật đến Thịnh Kinh, chẳng nhẽ lại vì vua Liêu muốn cưới thêm công chúa?

Đường Thận nghĩ mãi mà không ra lời giải đáp, Tô Ôn Duẫn cũng bế tắc.

Nhưng khi Đường Thận chuẩn bị về, Tô Ôn Duẫn hỏi: “À, Đường đại nhân, hôm nay ở dịch quán, có phải Mạnh đại nhân ra oai rất hùng hồn, không thèm e sợ sứ Liêu nữa không?”

Đường Thận cả kinh. Vừa nãy trong lúc nói chuyện với Tô Ôn Duẫn, cậu không hề đề cập đến tình hình ở dịch quán hôm nay.

Tô Ôn Duẫn thấy Đường Thận lặng thinh là biết đáp án. Anh ta nói bằng giọng khinh khỉnh: “Ngươi không tò mò xem tại sao à?”

Đường Thận: “Tại sao thế?”

“Một năm trước, Mạnh Lãng đột nhiên được tiếp sức là vì có người lén lút về Thịnh Kinh làm chỗ dựa cho ông ta. Bây giờ chẳng nhẽ còn lí do nào khác?” Tô Ôn Duẫn khinh bỉ hừ một tiếng, “Gã đó lại lẻn về đây rồi chứ còn gì.”
Bình Luận (0)
Comment