Bộ Lại cấp công văn phê chuẩn rất chóng vánh, Phó Hi Như từ quan về quê.
Phó Vị nán lại Thịnh Kinh một tháng, tụ họp với mấy người bạn chí cốt, cảm thấy không còn gì tiếc nuối nữa mới thu dọn đồ đạc để rời Thịnh Kinh.
“Chỉ tiếc rằng hai đứa học trò của ta còn đang ở U Châu chưa về.”
Vương Thuyên cười: “Ông về đến Xương Châu rồi, chẳng nhẽ Tử Phong xong việc lại không đến thăm ông? Cứ vô tư mà lên đường thôi, như ông là sướng đấy, nhẹ gánh chức vụ, tha hồ du sơn ngoạn thủy, làm Điêu Trùng trai chủ.”
Vương Thuyên nói rất đúng, Xương Châu ở ngay vùng Bắc Trực Lệ, rất gần với Thịnh Kinh. Vương Trăn, Đường Thận muốn đến thăm Phó Vị chẳng khó khăn chút nào.
Tuy nhiên, Phó Vị không trở lại Xương Châu ngay lập tức như ông nói.
Sau khi đi khỏi Thịnh Kinh, ông xuôi theo Đại Vận Hà xuống tuốt miền Nam, thăm thú danh sơn, rong chơi quần hà, nâng li đàm đạo với mấy tác gia ẩn cư chốn núi rừng. Phải sang tận tháng tư, ông mới cập bến Cô Tô.
Cô Tô là vùng đất địa linh nhân kiệt. Vừa lên bờ, Phó Vị đã cảm khái: “Khi ông đến Cô Tô sẽ thấy, nhiều nhà sàn như gối dòng sông1.” Trước mắt ông, kênh rạch lớn nhỏ dệt thành tấm lưới dày căng rộng, đúng là thành Cô Tô vừa bề thế vừa duyên dáng đây mà.
Vì đã từ quan, đương nhiên Phó Vị không làm phiền đến các quan lại Cô Tô trong thời gian thăm viếng nơi đây. Ông dẫn theo Ôn Thư đồng tử, Phủ Cầm đồng tử đi xe ngựa đến một ngôi nhà trang nhã và tĩnh mịch. Họ gõ cổng xong, người quản gia già ra mở cổng đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy Phó Vị. Mắt rưng rưng, người quản gia thốt lên: “Phó tướng công!”
Phó Vị cười đáp: “Lão phu đã từ quan lâu rồi, đâu còn là Phó tướng công nữa. Cứ gọi Điêu Trùng trai chủ thôi. Hồi trước, chẳng phải lão gia nhà ông cũng gọi ta thế còn gì?”
Người quản gia rối rít gật đầu, nghiêng người cho khách vào: “Mời ngài.”
Phó Vị cất bước vào Lương phủ.
Vợ Lương Tụng qua đời từ rất nhiều năm về trước, cũng không có mụn con nào. Trước khi Lương Tụng mất, đứa cháu trai độc nhất là Từ Tuệ đã đi sang vùng khác làm Huyện lệnh. Trong ngôi nhà của gia đình họ Lương chỉ còn quản gia và một vài người đầy tớ trung thành. Họ vẫn thường quét tước ngôi nhà lớn này thật sạch sẽ, từ thư phòng của chủ nhà đến buồng ngủ đều sạch bong bụi bặm, chẳng suy suyển gì so với sáu năm về trước.
Phó Vị đi thăm một lượt rồi đến thư phòng Lương Tụng. Ngắm nghía một hồi ông mới thấy một bức thư pháp treo trên tường, liền ngạc nhiên “Ồ” lên: “Đây chính là bức
Ngắm lầu Nhạc Dương mà Tọa Sơn tiên nhân vừa viết năm ngoái còn gì, hóa ra bản gốc ở đây à?”
Quản gia thưa: “Đúng là thủ bút của Tọa Sơn tiên nhân đấy ạ.”
Tọa Sơn tiên nhân là một nhà thư pháp vô cùng nổi tiếng trong triều đại này, hồi trẻ Phó Vị đã từng gặp ông một lần. Không phải bậc thầy nào cũng thích quy ẩn núi rừng, chẳng màng thế sự, vị Tọa Sơn tiên nhân này là một nhà buôn chính hiệu. Hằng năm, ông ta đều viết mấy bức thư pháp mang ra đấu giá. Thư pháp của ông vô cùng điêu luyện, cố nhiên cũng có giá rất cao.
Phó Vị chiêm ngưỡng một hồi, vân vê chòm râu, mỉm cười: “Cảnh Tắc có bức thư pháp này, chẳng chịu đưa cho lão phu thưởng thức trước đã treo luôn ở đây hử?”
Quản gia giật mình, cúi đầu làm thinh.
Quản gia chưa hề đọc thư Lương Tụng viết, ông chỉ biết sáu năm trước Đường Thận lên Thịnh Kinh bái Phó Vị làm thầy. Vài năm gần đây, mỗi lần về Cô Tô, Đường Thận đều ghé thăm Lương phủ. Kể cả khi cậu không về thì cũng có Đường phu nhân quán xuyến việc hai nhà. Bằng không, chỉ mấy người tôi tớ như bọn họ làm sao mà trông nom được Lương phủ rộng lớn này?
Song quản gia không rõ rốt cuộc Phó Vị biết được đến đâu. Nếu để Phó Vị hiểu lầm mục đích Đường Thận bái ông làm thầy, không khéo sẽ làm hỏng việc quan trọng của Đường Thận mất.
May mà Phó Vị không nói nhiều, ông hỏi: “Lương Bác Văn được chôn cất ở đâu?”
Quản gia lập tức phái mấy người tùy tùng đánh xe đưa Phó Vị ra mộ Lương Tụng.
Phó Vị sai Ôn Thư đồng tử chuẩn bị một bầu rượu ngon, lại sai Phủ Cầm đồng tử cầm theo một bức thư họa2. Ông vẩy rượu xuống trước bia mộ Lương Tụng, đặt bức thư họa xuống, châm một mồi lửa3. Chẳng ai biết ông hóa bức tranh nào, nhưng đốt dứt khoát thế thì có lẽ chẳng phải bức nào nổi tiếng và quý giá.
Phó Vị lấy một phiến lá bạc từ trong ngực áo, chôn xuống trước mộ Lương Tụng.
“Lương Bác Văn ơi là Lương Bác Văn, ông dụng công mưu tính thật. Năm xưa lão phu quên mỗi cái túi tiền, ăn của ông một bữa cơm với rượu, ông lại bắt lão phu nhận một đứa học trò của ông. Vụ này lỗ quá đi mất, bao giờ tái ngộ trên cầu Nại Hà, ông mà không mời ta mấy chầu thì cứ liệu hồn!”
Phó Vị nói thêm một hồi rồi dẫn hai đứa thư đồng ra về.
Ở chơi phủ Cô Tô hai hôm, Phó Vị tiếp tục đi thuyền lên phía Bắc thăm Kim Lăng.
Phải ba ngày sau, nhà họ Đường mới biết chuyện Phó Vị đến phủ Cô Tô. Đường phu nhân lập tức sai người tìm ông, nhưng Phó Vị đã đi mất rồi. Đường Vân nói: “Mẹ à, Phó đại nhân là thầy của em Cảnh Tắc, ngài ấy đến Cô Tô, đáng ra nhà mình phải tiếp đãi trọng thể. Giờ ngài ấy đi mất rồi mình mới hay tin, biết tính sao cho ổn thỏa đây?”
Đường phu nhân cũng trăn trở lắm, nhưng sau một hồi suy nghĩ, bà nói: “Nếu Phó đại nhân không muốn phô trương thì mình cũng vờ như không biết vậy. Nhưng con cứ gửi thư cho Đường Thận, báo với em chuyện Phó đại nhân đến Cô Tô.”
“Vâng.”
Tin Phó Vị đi khắp nơi du ngoạn vẫn chưa truyền tới U Châu.
Sang tháng tư, như mọi khi, U Châu vẫn chưa thấy sắc xuân về, thật đúng là “gió xuân có tới Ngọc Môn đâu nào4”.
Trong hai tháng này, nước Liêu phát sinh một vụ việc lớn.
Hồi tháng ba, vua Liêu đi săn ở Nam Kinh Tích Tân phủ, đáng lí ra đây phải là dịp vui cho cả quân lẫn thần. Ngờ đâu giữa buổi tiệc mừng công, Đại hoàng tử Gia Luật Triển lại khiến hoàng đế tức giận. Vua Liêu nổi trận lôi đình, sai người áp tải Đại hoàng tử về phủ Đại Định, giam lỏng tại phủ kiểm điểm bản thân, không được phép ra ngoài.
Lúc tin này đến tai triều đình Đại Tống, rất nhiều quan viên đều hiểu đây chỉ đơn thuần là cuộc đấu đá giữa Nhị hoàng tử Gia Luật Xá Ca và Tam hoàng tử Gia Luật Hàm thôi, còn Đại hoàng tử là người bị liên lụy. Đại hoàng tử chưa bao giờ là ứng cử viên cho ngôi vị Thái tử nước Liêu; giờ đây, việc anh ta bị mưu hại và loại khỏi cuộc đua giống Tứ hoàng tử hiển nhiên không nằm ngoài dự liệu.
Tuy nhiên, Đường Thận lại viết một bức mật thư gửi về Thịnh Kinh.
Tô Ôn Duẫn nhận được mật thư thì biến sắc, vào cung diện thánh ngay trong hôm đó.
Nghe Tô Ôn Duẫn tâu trình xong, Triệu Phụ tỏ vẻ thích thú hiếm hoi. Ông ta vừa uống trà sâm, vừa cười hòa nhã: “Còn có chuyện này ư? Phỉ Nhiên mau kể tường tận cho trẫm nghe xem nào.”
Tô Ôn Duẫn cung kính hành lễ: “Vâng.”
Anh ta thuật lại đầu đuôi chuyến săn bắn ở phủ Tích Tân.
Đại hoàng tử nước Liêu Gia Luật Triển vốn là một gã thô kệch, đầu óc rỗng tuếch nhưng lại thích học đòi, đánh bạn với văn nhân. Người Liêu đều tôn sùng văn hóa Tống, giới quý tộc đua nhau học theo lễ nghi văn hóa của người Tống. Trong số đó, Nhị hoàng tử Gia Luật Xá Ca là người xuất sắc nhất, chẳng những đọc rộng Thi Thư mà còn phong nhã ung dung, là tài tử lừng danh trong chốn cung đình nước Liêu.
Gia Luật Triển cũng muốn bắt chước em trai mình làm một văn nhân nho nhã. Nhưng vẽ hổ chẳng xong thành ra vẽ chó, vừa không bắt chước được phong thái quân tử thanh lịch, vừa chẳng làm được gì nên hồn. Hơn nữa vì xuất thân tầm thường, xưa nay Gia Luật Triển không bao giờ được nhắm làm người kế vị.
Tuy dốt nát là thế nhưng Gia Luật Triển không phải đứa đần độn. Kể từ hồi Tứ hoàng tử Gia Luật Long Chân bị bắt quả tang thông dâm với công chúa An Định, gã ăn không ngon ngủ không yên, lo lắng đến nỗi hôm nào cũng trong tình trạng mặt mũi bơ phờ, chỉ sợ mình sẽ thành Gia Luật Long Chân thứ hai. Thế nên, trong cơn khủng hoảng mất ăn mất ngủ đó, Gia Luật Triển đã hạ quyết tâm không tranh giành ngôi hoàng đế nữa, gã chỉ muốn sống, chỉ muốn giàu sang hết phần đời còn lại thôi.
Thế là gã đến gặp Vương tử Thái sư Gia Luật Định để bày tỏ lòng trung thành.
Đại hoàng tử chủ động rút lui, bằng lòng hỗ trợ, làm vây cánh cho Tam hoàng tử, quả là việc đáng mừng.
Trên đời chẳng có bức tường nào không kẽ hở, việc này đến tai Gia Luật Xá Ca, y phải ngậm bồ hòn làm ngọt, hậm hực không để đâu cho hết. Hôm sau, có thằng hầu mặt mũi xinh xẻo trong phủ Nhị hoàng tử mắc bệnh, người ta cuốn nó vào manh chiếu rồi quẳng ra ngoài thành.
Vốn dĩ Gia Luật Xá Ca muốn tổ chức chuyến săn bắn ở phủ Tích Tân thật suôn sẻ để làm vui lòng vua Liêu. Nhưng vì có sự kiện này, y bèn họp với bọn Gia Luật Cần, sắp đặt mưu mới.
Gia Luật Triển là tên háo sắc. Trong lúc đi săn, hoàng tử nước Liêu được phép dẫn theo một cô gái để thị tẩm. Gia Luật Xá Ca bèn bố trí đưa người thị thiếp của Gia Luật Triển sang lều của một viên quan. Viên quan này chẳng dám mó tay vào một người con gái xa lạ ăn vận sang trọng, nhưng đúng lúc đó thì Gia Luật Triển lùng đến nơi. Gã chẳng nói chẳng rằng, xông vào nện cho viên quan kia một trận, xong xuôi thì dỗ dành nàng thiếp yêu nước mắt ngắn nước mắt dài, thành ra mới trễ buổi tiệc mừng công.
Đây vốn chẳng phải chuyện to tát, nhưng xưa nay vua Liêu vẫn đứng về phía Gia Luật Xá Ca.
Gia Luật Xá Ca vin vào cớ này để gây khó dễ, đàng hoàng chất vấn Đại hoàng tử đi đâu để đến muộn như thế. Đại hoàng tử không dám khi quân, đành phải tâu lên hết sự thật. Gia Luật Xá Ca thở dài: “Đại ca, chung quy chỉ là một con đàn bà, tiệc mừng công quan trọng như thế, sao anh lại để lỡ được chứ?”
Gia Luật Triển nghĩ thầm: Mày có thích đàn bà quái đâu, biết cóc gì.
Nhưng gã không dám nói, chỉ đành nuốt cục tức vào lòng.
Thấy thế, Gia Luật Hàm bèn chớp thời cơ đâm thọc Gia Luật Xá Ca ngay: “Nghe nói chuyến này đi săn ở Tích Tân, nhị ca chẳng dẫn theo ái thiếp nào. À đâu, thật ra trong lều nhị ca có một đứa thái giám diện mạo tuấn tú mà nhỉ, phải thư đồng mà nhị ca mới tuyển không?”
Đến đây thì Gia Luật Xá Ca biến sắc mà vua Liêu cũng nổi giận.
Tuy bực Gia Luật Xá Ca nhưng vua Liêu không muốn trừng phạt đứa con trai mình sủng ái nhất, thành ra Gia Luật Triển phải giơ đầu chịu báng. Lần này đúng là Gia Luật Triển bị vạ lây, oan ức không để đâu cho hết.
Sau đó vua Liêu gọi riêng Gia Luật Xá Ca đến. Vị vua đã từng kinh qua trận mạc của nước Liêu lạnh lùng tra hỏi y: “Thái giám kiểu gì?”
Gia Luật Xá Ca cung kính thưa: “Chỉ để ấm giường thôi ạ.”
“Giết đi.”
“…Vâng.”
Ra khỏi lều của vua Liêu, Gia Luật Xá Ca thở phào nhẹ nhõm, trên môi y là nụ cười rất nhạt.
Thí ba ngàn quân ta, giết cả vạn quân địch. Tuy vua Liêu nổi giận với y nhưng tóm lại chỉ là một đứa nam sủng mà thôi, chuyện vặt, ngay đến vua Liêu hồi xưa cũng có mấy đứa thái giám làm ấm giường kia mà. Đàn ông chơi bời tí chút, miễn là không phải thật thì chẳng có gì mà phải ngại.
Vua Liêu vẫn tưởng Gia Luật Xá Ca chỉ thích chơi đàn ông chứ không phải chỉ thích mỗi đàn ông. Để che mắt bịt tai thiên hạ, phủ của y có rất nhiều cơ thiếp.
Nếu là chơi bời thì không ảnh hưởng đến toàn cục, còn không có ham muốn với đàn bà thì mới thành to chuyện.
Việc này qua đi, vua Liêu chỉ hơi bực y vì chuyện nam sủng chứ không phát hiện ra chính y đã gài bẫy Gia Luật Triển.
Tiếc là tên thái giám kia rất đẹp, có vài nét giống với một người Tống mà y ưng mắt; y chưa chơi được tí nào đã phải tiễn nó về chầu ông bà rồi.
Tiếc nuối thoáng qua, Gia Luật Xá Ca gọi thị vệ tâm phúc của mình đến, dưng dửng ra lệnh: “Giết xong, kiếm góc rừng nào hẻo lánh mà vứt xác.”
“Vâng.”