Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 147

Tháng mười một năm Khai Bình thứ ba mươi ba, Thịnh Kinh đón trận tuyết lớn giữa mùa rét đậm.

Hoa tuyết li ti rơi dày như lông ngỗng, bay lả tả trong không trung, dát bạc lên khắp kinh thành. Trận tuyết kéo dài suốt ba ngày trời, tới ngày cuối cùng thì đường sá tắc nghẽn. Quan phủ yêu cầu tất cả người dân phải quét sạch tuyết tụ trên nóc nhà để phòng tránh nguy cơ sụp lún.

Năm ngoái, việc này thuộc trách nhiệm của bộ Công; bộ Công và quan phủ cùng hợp tác, giám sát chặt chẽ việc dọn dẹp tuyết đọng.

Năm nay, Đường Thận đã là Hữu thị lang bộ Công. Cậu gọi Viên ngoại lang phụ trách việc này đến, hỏi: “Thịnh Kinh có tổng cộng bao nhiêu hộ gia đình?”

Viên ngoại lang Lưu Sướng trả lời: “Theo đăng kí thì có tổng cộng chín mươi sáu nghìn hộ ạ.”

Thịnh Kinh là kinh đô của Đại Tống, Viên ngoại lang nói là “theo đăng kí”, nhưng thành Thịnh Kinh khổng lồ nhường này, kiểu gì cũng có các hộ cư trú bất hợp pháp. Người xưa thích đông con nhiều cháu, cứ tạm tính mỗi hộ năm người thì mới là năm trăm nghìn nhân khẩu thôi, trong khi trên thực tế, Thịnh Kinh có đến hơn một triệu người sinh sống.

Đường Thận dặn dò viên quan đó thật tỉ mỉ, yêu cầu kiểm tra sát sao việc dọn dẹp tuyết đọng năm nay. Đến lúc cậu tan làm về phủ Thượng thư thì tuyết đã ngừng rơi. Đường Thận về đến nhà, vẫn chưa thấy Vương Trăn đâu.

Gần đây bộ Công đang tất bật với việc xây dựng cung Thừa Khánh, ngày nào Đường Thận cũng bận tối mắt tối mũi. Tuy nhiên, trong triều đình hiện nay, ai cũng biết người bận rộn nhất phải là Thượng thư Tả bộc xạ Vương Trăn Vương đại nhân.

Vương Trăn quản lí hai ty Ngân Dẫn U Châu và Thịnh Kinh. Hoàng đế hạ chỉ chuyển đổi Ngân khế trang bộ Binh ở ba mươi sáu châu thành Ngân khế trang Đại Tống, từ giờ không chỉ phục vụ quân tướng trong bộ Binh mà còn phục vụ toàn thể dân chúng.

Mọi việc trên thế gian, hoàng đế chỉ cần ban thánh chỉ, thoạt nghe mới đơn giản làm sao. Tuy nhiên, để thực thi những điều viết trên thánh chỉ chẳng dễ gì cho cam.

Năm năm trước, ty Độ Chi để xảy ra án mạng, gương tày liếp hẵng còn đây. Ngày nay, ty Ngân Dẫn không chỉ phải tránh vết xe đổ ấy mà còn phải thực hiện mọi việc thật hoàn hảo. Kể cả có sự trợ giúp của toàn thể quan lại đi chăng nữa, Vương Trăn cũng phải dốc hết sức lực vào đây.

Giữa mùa đông khắc nghiệt, sắp đến thời điểm các quan được nghỉ Tết, phần lớn công việc của ty Ngân Dẫn cũng có thể gác lại sang năm.

Tả phó ngự sử ty Ngân Dẫn Dư Triều Sinh hiện giờ đang làm việc ở bộ Hình. Anh ta là Thượng thư bộ Hình; đến cuối năm, các ty Điển Ngục1 ở khắp Đại Tống đều gửi án mạng phát sinh trong năm nay đến Thịnh Kinh, nộp vào kho của bộ Hình để phục vụ việc lưu trữ, kiểm tra.

Ngày nào Dư Triều Sinh cũng bận bịu với công việc trong bộ. Ngày nọ, khi anh ta đang dặn dò mấy quan chủ sự trong bộ Hình thì có một quan sai tay giữ mũ, chân rảo bước tiến vào phòng. Dư Triều Sinh dừng nói, quay sang nhìn người đó. Quan sai quỳ một chân hành lễ, thưa: “Thượng thư Tả bộc xạ đại nhân đến.”

Tất cả mọi người trong phòng đều sửng sốt.

Dư Triều Sinh ngây ra mất một lúc rồi mới vội vàng đứng dậy, ra cửa nghênh đón, vừa đúng lúc Vương Trăn đi từ ngoài bộ Hình vào.

Dư Triều Sinh tiến tới vái chào: “Hạ quan Dư Triều Sinh bái kiến Vương tướng công.”

Vương Trăn mặc áo bào của quan nhất phẩm, trên tay phải chàng là chiếc quạt trắng. Tuy mấy ngày nay trời không tuyết, nhưng chẳng ai không dưng lại đi cầm quạt cho mang tiếng là học đòi làm sang. Nếu người khác làm thế, chắc hẳn đã bị cho là lố lăng, còn Vương Trăn cầm quạt thì cứ như thể trời sinh đã vậy, không hề tạo cảm giác ngược đời.

Các quan ở bộ Hình đều nhủ thầm “Vương đại nhân đúng là phi thường”, nhưng không ai thể hiện ra mặt.

Vương Trăn gấp quạt đánh soạt một tiếng, xoay cây quạt giữa những ngón tay thuôn dài, chĩa tay cầm về phía Dư Triều Sinh.

Giọng chàng thật hòa nhã: “Năm ngoái ở U Châu, Dư đại nhân đã nói rằng mình thích cây quạt này của bản quan, hôm nay bản quan mang nó đến đây cho riêng anh đấy, anh thích chứ?”

Dư Triều Sinh sửng sốt, mau chóng lục lại mẩu kí ức đã xếp xó này.  

Năm ngoái khi Vương Trăn và Dư Triều Sinh cùng đến U Châu công tác, tuy ai có xe riêng của người nấy, nhưng dọc đường họ luôn đồng hành với nhau. Đường từ Thịnh Kinh đến U Châu dài dằng dặc, Dư Triều Sinh với Vương Trăn lại chỉ quen biết sơ. Quen sơ, tức là chỉ nghe tiếng tăm nhau xưa nay thôi chứ chẳng hề qua lại, thành ra Dư Triều Sinh khá lúng túng. Một hôm, khi hai người cùng ăn cơm ở dịch quán, anh ta ngẫu nhiên khen Vương Trăn rằng: “Chiếc quạt này của Vương đại nhân tinh xảo quá, chữ trên quạt hình như do chính đại nhân viết nhỉ? Khí chất cương trực, cốt cách thanh tao, viết đẹp thật đấy.”

Đúng là có chuyện này thật! Dư Triều Sinh đành miễn cưỡng đưa tay nhận chiếc quạt có chữ của Vương Trăn, đã thế còn phải cảm ơn: “Không ngờ đại nhân còn nhớ rõ việc này, hạ quan hết sức cảm kích.”

Vương Trăn mỉm cười: “Ta vào nhà nói chuyện chứ?”

Dư Triều Sinh nghiêng mình: “Xin mời.”

Hai người vào gian phòng Thượng thư của Dư Triều Sinh. Các quan khác trong bộ Hình đều nhìn theo bọn họ, nhưng rốt cuộc không ai dám vào theo. Một lát sau, nghe tin Vương Trăn đến, Tả, Hữu thị lang bộ Hình đều sang chào hỏi ngay.

Trong chốc lát, gian phòng chỉ còn lại ba viên quan đứng đầu bộ Hình và Vương Trăn, cộng thêm một viên quan tứ phẩm không mấy tiếng tăm là Ty chính ty Ngân Dẫn – Lâm Hủ.

Dư Triều Sinh tự tay hãm trà cho Vương Trăn. Trong lòng anh ta có rất nhiều phỏng đoán, và cũng đã đoán được ý định của Vương Trăn khi đến đây.

Lạ thay, Vương Trăn tuyệt nhiên không đả động tới việc khác, chỉ bàn về thư pháp và món trà đang dùng. Dư Triều Sinh bắt đầu dao động, lòng đâm hoài nghi lẽ nào Vương Tử Phong đến đây chỉ để xã giao với mình?

Vương Trăn gạt nhẹ nước trà bằng nắp chén, đủng đỉnh nói: “Đã mười bốn năm rồi nhỉ?”

Dư Triều Sinh nghĩ một thoáng: “Đúng là đã mười bốn năm.”

Vương Trăn than: “Bãi bể nương dâu.”

Dư Triều Sinh nhấp trà, không đáp.

Vương Trăn: “Dư đại nhân còn nhớ hôm ấy, sau khi được vinh danh trên bảng vàng, chúng ta đã cùng nhau cưỡi ngựa dạo phố không?”

Dư Triều Sinh cười đáp: “Mười bốn năm trôi qua, kí ức của hạ quan đã phai mờ rồi.”

Vương Trăn nhìn anh ta đầy thâm thúy, mỉm cười.

Thấy chàng điềm nhiên đến vậy, một nỗi căm hận vì không thể xoay chuyển nổi tình thế bỗng dấy lên trong tim Dư Triều Sinh. Thế nhưng, đó là nỗi hận vì không xoay chuyển nổi, nó vừa yếu đuối, vừa bất lực, nó chỉ bùng lên trong nháy mắt đã bị chủ thể gạt đi.

Bởi lẽ trước giờ, đố kị là thứ cảm xúc vô dụng nhất.

Cách đây mười bốn năm, tức là vào năm Khai Bình thứ mười chín, Dư Triều Sinh đỗ Bảng nhãn khoa thi ấy, cưỡi ngựa dạo quanh phố phường cùng Trạng nguyên và Thám hoa.

Kí ức đã phai mờ ư?

Làm sao có thể phai mờ được!

Năm ấy, từ điện Tập Anh, ba người bọn họ đi theo long mạch ngọc trắng2 ra đến cổng lớn của hoàng cung. Đáng lẽ, giây phút đó phải là thời khắc huy hoàng nhất đời Dư Triều Sinh. Thế nhưng, trong mắt vị hoàng đế đã chọn anh làm Bảng nhãn, trong mắt dân chúng Thịnh Kinh đợi chờ suốt ngoài cổng cung, tuyệt nhiên không có bóng dáng của anh ta.

Tất cả bọn họ chỉ dõi theo vị Trạng Nguyên dẫn đầu đoàn. Tên của người đó, Dư Triều Sinh khắc thật sâu vào đáy lòng mình.  

Vương Trăn, Vương Tử Phong.

Giờ anh ta đã ở tuổi tứ tuần, vậy mà từng cảnh tượng năm xưa vẫn in hằn trong kí ức. Quên làm sao nổi!

Dư Triều Sinh cười nói: “Thế thì hạ quan với đại nhân coi như trò cùng khóa nhỉ. Tiếc là không lâu sau dịp dạo phố ấy, chỉ chưa đầy một năm, hạ quan đã rời khỏi Thịnh Kinh, nhiều năm sau mới quay lại.”

Vương Trăn: “Ta vẫn nhớ, Dư đại nhân đến Giang Nam làm chức Chỉ huy sứ.”

“Đại nhân còn nhớ kia à? Phải, đầu tiên ta làm Chỉ huy sứ ở Tiền Đường nửa năm, sau thì được điều sang Hình châu.”

“Đã bao lâu rồi Dư đại nhân không đến Giang Nam?”

“Hình như phải ba năm rồi đấy.”

“Thế thì sang năm nên đi một chuyến.”

Dư Triều Sinh ngây người, đưa mắt nhìn Vương Trăn.

Vương Trăn hòa nhã mỉm cười với Dư Triều Sinh. Ánh mắt thẳm sâu, chàng điềm đạm nói: “Phía ty Ngân Dẫn Giang Nam, chắc là vẫn đang chờ Dư đại nhân tới đấy.”

Môi Dư Triều Sinh mấp máy. Hồi lâu sau, anh ta nói: “Hạ quan biết chứ, hiềm nỗi bộ Hình bề bộn công việc, đầu xuân năm sau sợ là hơi gấp.”

“Gấp à?” Vương Trăn nhìn Tả, Hữu thị lang bộ hình ngồi phía dưới, tỏ vẻ quan tâm: “Gần đây bộ Hình bận lắm hả?”

Tả thị lang là tâm phúc của Dư Triều Sinh, bèn trả lời ngay: “Bẩm đại nhân, toàn bộ án kiện năm qua đều được nộp lên bộ Hình, bây giờ chúng tôi không ngơi ra được lúc nào.”

Vương Trăn: “Dám dồn việc thu gom hồ sơ đến tận sát cuối năm nên mới bù đầu thế chứ gì?”

Bấy giờ, Dư Triều Sinh và Tả thị lang mới phát hiện mình mắc bẫy Vương Tử Phong, nhưng họ chẳng thể phản bác, đành trơ mắt, thành thật đáp: “…Vâng.”

Vương Trăn cười: “Đã lâu Dư đại nhân không đến Giang Nam, chắc là nhớ lắm đây. Ta cũng từng đến Tiền Đường mấy lần, giờ ngài ghé thăm Kim Lăng thì hơn đấy. Kim Lăng với Tiền Đường mỗi nơi mỗi vẻ.”

Đoạn Vương Trăn dẫn Lâm Hủ đứng dậy ra về.

Ngay từ ban đầu, Dư Triều Sinh đã không có ý định đến ty Ngân Dẫn Giang Nam làm việc. Chí ít, anh ta muốn câu giờ để cản trở Vương Trăn, đây là điều anh ta đã bàn trước với thầy mình là Từ Bí. Nếu việc thành lập Ngân khế trang Đại Tống là kết cục không thể xoay chuyển được, vậy thì cứ kéo dài được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Từ Bí nói với anh ta: “Trì hoãn ắt sinh biến, lúc nào chẳng có người không muốn ngân khế trang Đại Tống xuất hiện.”

Nghĩ tới đây, Dư Triều Sinh đứng dậy, gọi theo vội vã: “Đại nhân…”

“Dư đại nhân.” Vương Trăn dừng bước, chàng xoay người, ánh mắt lạnh tanh, “Còn việc gì à?”

Dư Triều Sinh mấp máy môi, xong cũng chẳng nói được chữ nào.

Vương Trăn cười: “Hiến Chi, anh với ta là tiến sĩ cùng khóa, suốt bao năm nay chúng ta chưa có dịp trò chuyện thân mật với nhau. Chờ xuân sang năm, anh đi Giang Nam về, chúng ta cùng ăn một bữa nhé?”

“Vâng.”

Vương Trăn cứ như một mình một ngựa, dẫn thuộc hạ rời khỏi bộ Hình.

Thấm thoắt đã sang tháng chạp.

Mùng chín tháng chạp, chỉ ít ngày nữa đến dịp nghỉ lễ của các quan. Đường Thận vừa phải khẩn trương làm xong cung Thừa Khánh trước Tết, vừa phải gấp rút dọn sạch tuyết đọng trên nóc nhà. Còn Vương Trăn thì bận hơn cả cậu. Chàng thường xuyên về nhà vào lúc nửa đêm, thậm chí còn ngủ luôn tại nha môn.

Ngày mười sáu tháng chạp, sau bốn ngày xa cách, cuối cùng Đường Thận cũng gặp lại sư huynh nhà mình.

Lòng Đường Thận se lại, cậu chưa kịp mở lời, Vương Trăn đã ghì cậu vào lòng.

“Đừng nói gì hết, muộn rồi, mình đi nghỉ thôi.”

“…Vâng.”

Vừa đặt lưng xuống giường, Vương Trăn đã chìm vào giấc ngủ. Đường Thận ngắm gương mặt điển trai thanh nhã của chàng, lòng thoáng xót xa. Năm năm trước, khi kể cho Vương Tử Phong nghe về quyển tấu chương ấy, cậu đâu nghĩ sẽ có ngày hôm nay.

Sư huynh của cậu dồn hết tâm huyết vào ty Ngân Dẫn, đây là việc lớn lao nhất mà chàng làm cho hoàng đế, cũng là điều vĩ đại nhất mà chàng làm cho Đại Tống. Chàng làm vì muôn đời sau, vì ấm no bền lâu cho trăm họ.

Đường Thận trút tiếng thở dài, rồi cũng thiếp đi.

Sau buổi chầu sáng ngày hôm sau, Vương Trăn tiếp tục bận rộn, Đường Thận cũng đến bộ Công. Cậu tới nơi chưa được bao lâu, quan sai đã báo rằng có người quen cũ đến xin gặp.

Đường Thận nhướng một bên mày: “Người quen cũ à? Từ đâu đến?”

Quan sai tâu: “Bẩm Hữu thị lang đại nhân, người đó đến từ Tần Châu, hình như làm chức Kiêu kỵ úy.”

Đường Thận thầm kinh ngạc: Kiêu kỵ úy Tần Châu? Cậu mà lại quen người này ư?

Kiêu kỵ úy là một chức quan võ lục phẩm ở địa phương.

Đường Thận: “Dẫn người đó vào đây.”

“Vâng.”

Lát sau, quan sai đưa một người đàn ông trung niên vào. Người đó cứ cụp mắt nhìn xuống đất nên Đường Thận không thấy rõ mặt anh ta. Đường Thận trông người ấy có vẻ quen quen, cậu hỏi: “Ngươi là ai, ngẩng đầu lên.”

Bấy giờ, viên Kiêu kỵ úy mới dám ngẩng mặt lên.

Hai người nhìn nhau, Đường Thận ngỡ ngàng thốt lên: “Từ Tuệ?”

Từ Tuệ cười gượng gạo, nói: “Hạ quan Kiêu kỵ úy Tần Châu Từ Tuệ, xin bái kiến Đường đại nhân.”
Bình Luận (0)
Comment