Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 149

Xưa nay Lý Cảnh Đức vẫn cho rằng các quan văn ở triều đình toàn người chân yếu tay mềm. Chẳng nói xa xôi đến việc cưỡi ngựa xung trận, cầm quân đánh giặc, chỉ cần đêm lạnh gặp trận gió rét vù vù thôi cũng cảm lên cảm xuống, ốm một cái là nằm bệt.

Ban đầu, Lý Cảnh Đức không biết Tô Ôn Duẫn đến đây với mục đích gì, chỉ cho rằng anh ta không có việc gấp nên cứ đuổi đi. Giờ biết chuyện liên quan đến nước Liêu, Lý Cảnh Đức hăng hái ngay. Hắn sai nhà bếp chuẩn bị một con dê tơ tươi ngon, quay sang bảo với Tô Ôn Duẫn: “Ngoài trời rét ghê. Đừng khinh người Liêu toàn kẻ tục tằn chỉ biết dăm ba con chữ, riêng khoản nướng thịt thì họ sành gấp mấy lần chúng ta đó.”

Tô Ôn Duẫn lườm nguýt hắn, thờ ơ hỏi: “Thì sao?”

Lý Cảnh Đức cười nhún nhường: “Giời lạnh được xơi miếng dê nướng thì phải gọi là ngon quên sầu nhân thế! Khốn nỗi, nướng thịt ngoài trời lúc rét có mà chết sun. Nướng trong nhà của chúng ta cũng không ổn, phải nướng trong lều của bọn họ mới ngon cơ.”

Ai mà tưởng tượng nổi trong phủ Chinh Tây nguyên soái còn có một cái lều.

Hai người nướng dê, ăn thịt trong lều. Tuy Lý Cảnh Đức bảo mình sẽ đích thân nướng cho Tô Ôn Duẫn, nhưng phần lớn vẫn do đầu bếp thực hiện.

Nói đến việc chính, cả hai đều cực kì nghiêm túc.

Tô Ôn Duẫn: “Bây giờ tuổi tác vua Liêu ngày một cao, dần dà rồi cũng bất lực với việc nước; chuyện tranh giành ngôi Thái tử là tất yếu. Vua Liêu có cả thảy bốn người con trai, nay chỉ còn hai người trụ lại thôi.”

Bộ râu quai nón rậm rì của Lý Cảnh Đức lem ít mỡ thịt nướng. Hắn cau mày nói: “Ý ngươi là bọn Gia Luật Xá Ca và Gia Luật Hàm ấy hả?”

Thấy râu Lý Cảnh Đức dính mỡ, Tô Ôn Duẫn quắc mắt, ngồi xích ra xa cho bõ ghét, đoạn nói: “Con người ai cũng có điểm yếu, nước Liêu ắt sẽ mất vì nội loạn. Điểm yếu của hai tên này rất đơn giản: Gia Luật Xá Ca kiêu căng tự phụ, bản chất lại là kẻ háo sắc; Gia Luật Hàm hữu dũng vô mưu, thích việc lớn hám công to. Khéo lợi dụng hai điểm này thì có thể khiến nước Liêu tự rối loạn. Chỉ khi nội loạn xảy ra ở Liêu, Đại Tống ta mới có cơ hội dốc kỵ binh lên miền Bắc, giành lại đất đai đã mất.”

Nghe thế, thoạt tiên Lý Cảnh Đức mừng rỡ lắm, nhưng rồi hắn thở dài than: “Dễ gì mà được như thế.”

Tô Ôn Duẫn mỉm cười: “Ai bảo không dễ? Những quân cờ gài vào nước Liêu hai năm nay không chỉ có mỗi nhiệm vụ truyền tin. Hai năm, cũng đến lúc bọn họ phát huy tác dụng rồi. Ta là quan văn, lại còn là quan kinh thành nên không có thế lực hùng hậu ở Tây Bắc. Song Lý Cảnh Đức ngươi thì khác. Thánh thượng chưa bao giờ nói phải giấu đại quân Tây Bắc chuyện mưu đánh nước Liêu.”

Nghe tới đây, Lý Cảnh Đức hồi hộp lắm nhưng vẫn tỏ ra cứng rắn. Hắn hỏi: “Ý ngươi là ngươi bằng lòng hợp tác với bản tướng quân?”

“Đây không phải là chuyện có bằng lòng hay không… Đường Cảnh Tắc từng nói với ta rằng, nửa năm trước cậu ta đã hứa với ngươi, nếu thời cơ đến, tất sẽ không phụ lòng mong mỏi của ngươi.” Ngừng lời trong giây lát, Tô Ôn Duẫn nói, “Thế nên, thời cơ đã đến rồi, Lý tướng quân ạ.”

Sau một thoáng sững sờ, Lý Cảnh Đức cười phá lên. Hắn gọi người hầu: “Ta nhớ trong phủ còn con bò tơ đấy.”

Người hầu ngớ ra.

Lý Cảnh Đức vung tay: “Lôi ra nướng, mời Tô đại nhân nếm thử cho tươi.”

Tô Ôn Duẫn nghĩ thầm: Ngươi coi họ Tô nhà ta là hạng tôm tép nào mà nghĩ Tô Ôn Duẫn này chưa ăn thịt bò bao giờ?

Ấy thế mà trước bộ dạng tràn trề vui sướng của Lý Cảnh Đức, lần đầu tiên, anh ta không móc mỉa hắn, chỉ lặng lẽ cắn một miếng dê nướng.

Cùng là tâm phúc của hoàng đế, Tô Ôn Duẫn đã biết Lý Cảnh Đức được tám năm.

Quy chính nhân không thể lọt vào hai giáp đầu trong kì thi Đình, quy chính nhân không thể làm quan từ tứ phẩm trở lên.

Nhưng Lý Cảnh Đức chưa bao giờ tiến thân bằng con đường thi cử. Hắn đã chiến đấu trên sa trường để giành lấy chức Chinh Tây nguyên soái nhị phẩm.

Lần đầu tiên họ gặp nhau thực ra cũng không phải gặp mặt trực tiếp, mà chỉ là lúc Tô Ôn Duẫn đứng ngoài thành Thịnh Kinh trông thấy Lý Cảnh Đức ở phía đằng xa. Khi đó là thời điểm Chu Thái sư khải hoàn về triều sau chiến thắng chống Liêu, Triệu Phụ đặc cách dẫn bá quan văn võ ra ngoài thành nghênh đón. Lúc ấy, Tô Ôn Duẫn mới chỉ là một viên Hàn Lâm biên soạn ngũ phẩm mờ nhạt, đứng lẫn trong hàng ngũ các quan.

Lý Cảnh Đức là một viên tướng nhỏ cạnh Chu Thái sư, đang độ bừng bừng nhiệt huyết. Tiếc rằng trên trán hắn lại buộc một chiếc khăn đen. Một viên quan đi cùng trong viện Hàn Lâm nhìn thấy cái khăn đen thì nói: “Tiếc thật, hóa ra lại là quy chính nhân.”

Người trần ai cũng có nỗi khổ, chẳng ai hiểu được hoàn cảnh của ai.

Ngày hai mươi sáu tháng Chạp, toàn bộ quan lại được nghỉ lễ.

Năm nay, Đường Hoàng, Diêu Tam và Diêu đại nương phải về thăm nom cửa hàng dưới Giang Nam nên đã đi từ sớm, tiện thể ăn Tết ở phủ Cô Tô luôn. Về phần mình, Đường Thận ở hẳn bên phủ Thượng thư. Đêm trước giao thừa, hai người cùng vào cung dự tiệc.

Trong các Yến Xuân, năm nay ba vị hoàng tử vẫn không về kinh, còn Triệu Phụ thì khá là hứng trí. Năm nay vừa khéo là năm mở khoa thi, ông ta cho vời cả ba người đỗ đệ nhất giáp đến dự tiệc, trò chuyện với bọn họ một hồi.

Sang hôm sau, đêm ba mươi, Đường Thận và Vương Trăn đến tiểu viện Lưu Kỳ.

Bình thường hay viết chữ hoặc đánh cờ, nhưng thú chơi của người xưa thật quá ít ỏi nên Đường Thận thấy hơi nhàm. Cậu gợi ý: “Chi bằng chúng mình chơi bài đi.”

Vương Trăn nhướng một bên mày: “Chơi bài thì ta…”

Đường Thận: “Biết huynh không biết rồi, thế nên ta sẽ cho huynh chơi loại bài mới.”

“Ta không biết bao giờ?” Vương Trăn ngạc nhiên.

Đường Thận ngơ ngác: “Hả?”

Vương đại nhân mỉm cười: “Câu ta nói vừa xong không phải phủ định đâu1. Tiểu sư đệ, ta vừa nói rằng… Chơi bài thì ta biết đấy.”

Đường Thận: “…”

Huynh nói xem, có còn cái gì mà huynh không biết làm không?

Vương Trăn biết chơi bài thật, chẳng qua chàng không thích chơi thôi. Đường Thận thì muốn chơi trò gì mới mẻ một tí. Vương Trăn suy nghĩ một lát bèn đề nghị: “Hay là mình cá cược đi?”

“Cược gì mới được chứ?”

“Thì cược tối nay em… Ối ối, ha ha ha chính em bảo ta nói đấy nhé, sao lại trách ta.”

Đường Thận thúc cùi chỏ vào vai Vương Trăn, song cú thúc ấy chẳng khiến chàng đau tí nào, chỉ làm chàng cười tươi rói.

Cuối cùng Đường Thận cũng không được chơi bài như mong muốn.

Ngày Tết tuy là kì nghỉ của quan lại nhưng không phải ai cũng được nghỉ. Sau hai ngày thảnh thơi ở nhà, sang mùng hai, Vương Trăn đã lên nha môn làm việc. Công việc của ty Ngân Dẫn không thể trì hoãn thêm một giây nào nữa; hoàng đế hạ chỉ từ tháng mười một nhưng vì vướng Tết nên không thể thực thi ngay. Vừa sang năm mới, ngân khế trang Đại Tống được thành lập ồ ạt.

Vương Trăn bận không ngơi tay, Đường Thận đáng lẽ nghỉ ở nhà nhưng cũng chán, bèn đến nha môn bộ Công.

Quan có kì nghỉ còn thợ thì không.

Nha dịch dẫn Đường Thận đi kiểm tra các kho. Vừa thấy Đường Thận, thợ thủ công ai nấy đều hốt hoảng, quỳ sụp xuống hành lễ với cậu. Đường Thận vội đỡ người thợ gần nhất dậy, người ấy sợ sệt cúi gằm mặt, run như cầy sấy, không nói nổi câu nào. Đường Thận sững người, lại nhìn xung quanh, không có người thợ nào là không khiếp đảm trước cậu.

Đường Thận mấp máy môi, nhưng cuối cùng cậu chỉ buông một câu “Lần sau gặp ta không cần phải làm thế này”, rồi quay lưng ra về.

Đến mùng mười tháng giêng, Đường Thận viết tấu gửi vào hoàng cung, hôm sau thì được Triệu Phụ triệu kiến.

Khi Đường Thận tới điện Thùy Củng thì Triệu Phụ đang viết thư pháp. Sau khi viết xong, ông ta ngắm nghía cẩn thận một hồi, gật đầu ra chiều vừa ý lắm. Tiếp đó, Triệu Phụ mới ngẩng lên nhìn Đường Thận, vẫy tay: “Cảnh Tắc, lại đây.”

Đường Thận kính cẩn bước tới.

“Ngươi hãy xem năm chữ này đi.”

Đường Thận ngắm nghía kĩ càng rồi đọc dòng chữ lên: “Nơi cái đẹp hiện hữu.”

Triệu Phụ cười ha hả: “Cảm nhận của ngươi thế nào?”

Nét mặt Đường Thận bình tĩnh, cậu nghiêm chỉnh phân tích: “Nơi cái đẹp hiện hữu, dẫu bị chà đạp, người đời cũng không khinh. Nơi cái xấu tồn tại, dẫu được tôn vinh, người đời cũng không quý. Câu này ở trong sách Hoài Nam tử, nói rằng phải kiên trì với chính kiến của mình, không được bắt chước thói hư tật xấu, để người ta tùy tiện chi phối. Chữ của bệ hạ ung dung uyển chuyển, như rồng dài lượn giữa tầng mây, giống hệt phong thái phóng khoáng của Hoài Nam vương2.”

Triệu Phụ cười một hồi, nói với Quý Phúc: “Đường Cảnh Tắc đúng là biết nói khéo để làm trẫm vui, ngươi phải học hỏi thêm đấy.”

Quý Phúc cười khúm núm: “Nô gia đâu dám sánh với Đường đại nhân.”

Triệu Phụ bảo Đường Thận: “Bản tấu của ngươi trẫm đã đọc rồi, sao tự dưng lại tâu việc này?”

Đường Thận do dự một thoáng, rồi bỗng dưng lùi ba bước, chắp tay cúi rạp mình, trang trọng nói: “Thần có đôi lời, xin bệ hạ xá tội.”

Lông mày Triệu Phụ máy nhẹ, ông ta buông bút, nói giọng hiền lành: “Cứ nói đi đừng ngại.”

“Vì sao bệ hạ lại bổ nhiệm thần làm Hữu thị lang bộ Công ạ?”

Vừa nghe thế, Quý Phúc nghĩ bụng, thôi xong! Sao Đường Cảnh Tắc lại hồ đồ thế? Hoàng đế muốn cậu ta làm gì, cậu ta có quyền hỏi ư? Trăm quan trong thiên hạ có ai không phải bề tôi của Triệu Phụ? Triệu Phụ muốn cậu ta làm gì thì cậu ta phải làm cái đó, thắc mắc đâu ra mà lắm vậy?

Suy cho cùng, Quý Phúc chỉ là thái giám mà thôi. Lão theo Triệu Phụ nhiều năm đến thế, vẫn chỉ là một hoạn quan hiểu mưu vặt chứ không hiểu những toan tính lớn lao.

Triệu Phụ nghe Đường Thận nói xong cũng không hề nổi giận. Ông ta lẳng lặng nhìn Đường Thận một lúc lâu, cười nói: “Cảnh Tắc nghĩ sao?”

“Thần không biết. Tuy nhiên, năm ngoái, khi đến Ký Châu khắc phục nạn lụt thần đã hiểu, quan bộ Công là quan chứ không phải người thợ thủ công tài cán. Kinh nghiệm trị thủy của thần chưa bao giờ là điều bệ hạ cần, bởi người thực sự hiểu việc trị thủy là Thủy bộ lang trung dưới quyền của thần. Chính vì vậy, thần mới suy ngẫm xem với tư cách là Hữu thị lang bộ Công, rốt cuộc thần có thể làm gì cho bệ hạ, làm gì cho Đại Tống ta.”

Mắt Triệu Phụ ngời sáng, ông ta rướn tới sát bàn, hỏi: “Thế ngươi định làm gì?”

Đường Thận giơ cao hai tay, nghiêm túc nói: “Vì bệ hạ, thần muốn thay đổi diện mạo của Đại Tống ta.”

“Bằng cách nào?” Giọng Triệu Phụ trở nên gấp gáp.

Đường Thận đáp rất lễ độ: “Trọng dụng người đáng trọng dụng, làm việc đáng làm.”

“Đây cũng là điều ngươi nêu ra trong tấu chương ư? Nhưng đẳng cấp của quan và dân vốn chênh lệch. Một người hạ mình thì đó là việc của riêng ngươi. Muốn bá quan cùng làm tương tự, há lại đơn giản thế? Hơn nữa, làm vậy có thực sự hiệu quả không? Có thật là ngươi sẽ thực hiện nổi điều mình nói không? Làm thế nào để trẫm tin ngươi đây?”

Đường Thận ngẩng đầu, ánh mắt kiên định: “Người đời ai cũng có niềm tin. Thần vào triều làm quan chưa đầy tám năm, nhưng thần đã gặp rất nhiều người có lòng tin. Thần biết năm ngoái Tham tri chính sự Tô đại nhân đến U Châu là bởi anh ta có lòng tin, anh ta một lòng phụng sự bệ hạ, dù con đường phía trước có chông gai đến mấy cũng không nề hà. Thần cũng biết Chinh Tây nguyên soái Lý tướng quân vẫn giữ một niềm tin hơn hai mươi năm nay chưa từng lay chuyển, thế nên anh ta mới có được sự tin tưởng sâu sắc của bệ hạ.”

Triệu Phụ yên lặng nhìn cậu.

Đường Thận nói tiếp: “Chẳng phải Vương Trăn Vương đại nhân cũng có lòng tin đấy ư? Thần tự biết không giấu được bệ hạ, thần là người đầu tiên đọc bản tấu chương đất Thục, cũng chính thần đã nói cho Vương đại nhân biết về bản tấu đó. Tuy thế, việc ấy nói thì dễ, làm thì khó vô cùng. Ấy vậy mà sáu năm qua, Vương đại nhân đã làm được đến như ngày hôm nay, huynh ấy làm vì bệ hạ, và vì ngàn vạn lê dân Đại Tống ta. Huynh ấy cũng có niềm tin.”

“Thần chẳng có gì trong tay, cũng không dám đảm bảo điều gì, nhưng niềm tin của thân vẫn vẹn nguyên như thuở ban sơ, quyết tiến không lùi.”

Triệu Phụ nhìn Đường Thận đăm đăm.

Đường Thận chắp tay cúi đầu, dáng đứng thẳng tắp như cây tùng xanh sừng sững, vươn mình trên đá cứng.

Hồi lâu sau, Triệu Phụ bật cười khoan khoái. Ông ta đứng dậy đi vòng qua bàn tới trước mặt Đường Thận, nắm lấy tay cậu. Đường Thận ngẩng đầu, cậu thấy Triệu Phụ nhìn mình bằng cặp mắt già nua nhưng vẫn ngời sáng, giọng ông ôn tồn: “Câu này trẫm đã từng nói với Tử Phong, với Phỉ Nhiên và cả Cảnh Đức. Đây là lời mà Chu Thái sư từng bảo với trẫm, hôm nay trẫm cũng nói lại cho ngươi.”

“Cảnh Tắc à, trước mắt ngươi là đại dương mênh mông, còn trẫm, mãi mãi là chiếc thuyền nhỏ phía sau các ngươi.”
Bình Luận (0)
Comment