Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 160

Ngày mười sáu tháng Bảy năm Khai Bình thứ ba mươi sáu, Hữu thị lang bộ Công Đường Thận dâng thư lên điện Thùy Củng xin chỉ cho bộ Tạo cải chế tạo lung tương.

Lung tương là một thùng sắt kì lạ, nom giống như một toa xe nhưng phải rộng bằng ba căn phòng. Triệu Phụ chẳng thể hiểu “lung tương” là cái gì, sáng chế mới mẻ này quá mơ hồ đối với ông, ngay cả khi Đường Thận tốn tận hai canh giờ để giải thích trên điện Thùy Củng.

Hôm đó, hoàng đế cho vời Thượng thư bộ Công Viên Mục, Tả thị lang Lý Ngọc Đức và Chủ sự bộ Tạo cải Quý Mạnh Văn.

Đến tận lúc sẩm tối, Triệu Phụ mới phẩy tay: “Thôi thì cứ chế tạo cái lung tương ấy đi cho trẫm xem thử.”

Đường Thận chắp tay hành lễ: “Tuân chỉ.”

Ra khỏi điện Thùy Củng, ngoài Đường Thận và Quý Mạnh Văn – nhà thiết kế chính của lung tương, hai người còn vẫn chưa hiểu lung tương vận hành thế nào và có công dụng ra sao.

Thượng thư bộ Công Viên Mục chau mày: “Đường đại nhân, bản quan trước giờ không can thiệp vào việc của bộ Tạo cải, nhưng bây giờ Thánh thượng đã biết đến lung tương rồi. Ngươi đã tính toán xem việc dựng lung tương dự kiến tốn bao nhiêu thời gian chưa?”

Đường Thận: “Bẩm Thượng thư đại nhân, lung tương đã được hoàn thành và thử nghiệm rồi.” Đời nào cậu ra trận mà thiếu chuẩn bị chứ.

Viên Mục cũng đoán thế: “Đã vậy, sao lúc nãy ngươi không nhắc đến trong điện Thùy Củng để hôm nay đi xem tận mắt luôn?”

Đường Thận: “Tuy dùng được, lung tương vẫn chưa thể phát huy công dụng lớn nhất. Thần thiết tưởng, chỉ cần chế tạo ra cỗ máy phối hợp tốt với lung tương, Thánh thượng trông thấy thể nào cũng nhận ra sự ưu việt của nó ngay.”

Bốn người tạm thời chia hai ngả.

Viên Mục thở dài với người tâm phúc là Lý Ngọc Đức: “Rõ là, sóng Trường Giang lớp sau xô lớp trước.”

Lý Ngọc Đức đáp: “Chắc gì cái lung tương ấy đã hữu dụng như Đường Cảnh Tắc nói.”

Viên Mục: “Thế thì ngươi chưa biết hôm nay tin Tây Bắc đại thắng đã truyền về kinh rồi. Đường Cảnh Tắc gặp đúng dịp may, dù lung tương không có công dụng gì đáng kể thì hoàng thượng cũng thưởng cho cậu ta thôi!”

Trong lúc đó, Quý Mạnh Văn vẫn chưa thôi run rẩy lẩy bẩy, hồn vía lên mây.

Về đến bộ Tạo cải, Quý Mạnh Văn bỗng dưng quỳ huỵch xuống trước mặt Đường Thận, dập đầu đánh cộp. Đường Thận nheo mắt, quan sai đứng cạnh vội đỡ ông ta dậy. Đường Thận nói: “Quý đại nhân, quan Đại Tống không thể quỳ gối hành lễ, sao ngươi lại làm vậy.”

Giọng Quý Mạnh Văn khàn đi: “Hạ quan chỉ là người thợ thủ công nhỏ nhoi, chưa bao giờ dám mơ đến ngày vào cung diện thánh, hưởng may phúc nhường này. Đội ơn đại nhân cất nhắc, đại nhân có ơn tái tạo với tiểu nhân!”

Đường Thận: “Ngươi đã quên điều lệ mới sửa đổi của bộ Công rồi hay sao?”

“Dạ?”

“Chẳng cứ quan viên như ngươi, ngay cả một người thợ cũng chỉ có nhiệm vụ chế tạo thật tốt những thứ cần làm chứ không phải quỳ gối khắp nơi.”

Quý Mạnh Văn đớ lưỡi. Nhìn nét mặt bình thản tựa gió mây của Đường Thận, ông ta đột nhiên ý thức được mình là một viên quan chân chính.

Đường Thận: “Lung tương chế tạo đến đâu rồi?”

Quý Mạnh Văn chẳng còn thì giờ mà nghĩ vẩn nghĩ vơ nữa, vội dẫn Đường Thận sang bộ Tạo cải xem.

Quý Mạnh Văn: “Lung tương đã sẵn sàng đưa vào sử dụng bất cứ lúc nào, mỗi tội hạ quan không hiểu đại nhân nói thế với Thượng thư đại nhân nghĩa là sao.”

Đường Thận: “Ta nhớ tổ tiên nhà ngươi vốn làm nghề rèn sắt đúng không?”

“Chính thế ạ.”

“Đã thế, hãy biến lung tương thành công cụ rèn sắt đi!”

Suốt tháng bảy, triều đình và dân chúng cả nước cùng tưng bừng với chiến thắng lẫy lừng ở Tây Bắc.

Tuy việc Đại Tống thắng Liêu không phải bất khả thi, nhưng đây là lần đầu tiên họ thắng to đến vậy. Ấy là chưa kể quân Tống còn làm cỏ ba vạn quân Sói Đen! Chính quân Sói Đen – nanh vuốt của nước Liêu đó! Hoàng đế mừng rỡ khao thưởng ba quân, ban ngay cho Chinh Tây nguyên soái Lý Cảnh Đức tước Hộ quốc công nhất phẩm, cha truyền con nối ba đời.

Thắng lợi vẻ vang này đã thổi bùng lên sĩ khí của quân Tống và đập tan ý chí quân Liêu.

Phó tướng quân Sói Đen Cổn Trát Nhĩ trúng tên lạc, bỏ xác trong đỉnh Chướng Hổ. Tham mưu theo đoàn Gia Luật Cần may mắn sống sót nhưng bị trúng tên ở đùi phải. Khi rút về đến phủ Đại Đồng, ông ta phải cưa cụt cái chân đó mới giữ được mạng sống.

Sau trận đánh ấy, người Tống thì hân hoan mừng rỡ, người Liêu thì khiếp đảm tột cùng.

Ở Thượng Kinh Lâm Hoàng phủ, Tam hoàng tử nước Liêu Gia Luật Hàm bàng hoàng thốt lên: “Thái sư, đó là quân Sói Đen kia mà, làm sao ba vạn quân Sói Đen phe ta trúng mai phục của người Tống để rồi tử trận đơn giản như vậy được? Chuyện này quá vô lí! Nhất định Gia Luật Xá Ca đã ngấm ngầm giở trò!”

Vẻ mặt của Vương tử Thái sư lúc này thật âm u khó đoán.

Gia Luật Hàm nhè đầu Gia Luật Xá Ca cách đó ngàn dặm mà chửi xối xả, thình lình bị Gia Luật Định quát cho một câu lạnh ngắt: “Đủ rồi, câm mồm vào!”

Gã im bặt tức thì, nhưng trông ánh mắt là đủ biết Gia Luật Hàm bất mãn ra trò.

Gia Luật Định nói: “Ngươi ra ngoài trước đi.”

Gia Luật Hàm nghiến răng thi lễ rồi rời khỏi tẩm cung hoàng đế.

Trên giường rồng, hoàng đế nước Liêu với khuôn mặt xanh xao và thân hình còm cõi đã nằm mê man suốt bao ngày nay. Thật ra, kẻ chủ mưu làm vua Liêu bị thương trong lúc đi săn không phải Gia Luật Định và Gia Luật Hàm, nhưng người khiến ông hôn mê ròng rã đúng là Gia Luật Định.

Bên giường rồng của hoàng đế, vị Vương tử Thái sư đường bệ quyền uy cúi nhìn nhà vua sắp rời xa cõi tạm. Rất lâu sau, ông mới đưa tay bảo: “Bê bát thuốc ra đây.”

Cung nga sợ sệt để bát thuốc màu nâu lên tay Gia Luật Định.

Gia Luật Định nhìn nước thuốc nâu sậm, ngồi xuống mé giường, rồi ra lệnh cho cung nữ, thái giám trong điện: “Các ngươi lui hết cả đi.”

Rõ ràng ông ta chỉ là Vương tử Thái sư, nhưng dưới mệnh lệnh của ông ta, người hầu kẻ hạ đều ra khỏi tẩm điện hết.

Trong khoảnh khắc, tẩm cung khổng lồ của vua Liêu chỉ còn mỗi Gia Luật Định và nhà vua đang chìm trong cơn mê.

Gia Luật Định múc từng thìa thuốc, giọng ông khỏe khoắn trầm vang, rất đỗi bình tĩnh: “Bệ hạ bị thương ra sao, đến giờ thần vẫn không hề hay biết. Hôm đó ngoài thuộc hạ của Nhị hoàng tử ra thì chỉ còn người của lão thần có cơ hội hạ thủ. Trên đời này, người mong ngài băng hà nhất chính là lão thần đây, nhưng chuyện lần này… không phải do thần làm. Chỉ có thể là Gia Luật Xá Ca mà thôi.”

“Bệ hạ ơi, cả đời ngài oai phong thần võ, có ngờ đâu đứa con trai ngài thương yêu nhất lại muốn ngài chết.”

“Gia Luật Xá Ca là đứa khôn ngoan có nọc1. Lão thần không hiểu nổi vì sao y hành động như thế, nhưng rốt lại thì y đã làm rồi. Ba vạn quân Sói Đen cũng bị y chôn sống cả. Lão thần chưa từng nghĩ đến việc giết vua soán vị, kể cả chuyện đầu độc sát hại ngài lão thần cũng chẳng tính tới. Ngay cả thứ thuốc này cũng chỉ khiến ngài mê man bất tỉnh, thực lòng lão thần chưa bao giờ mong ngài mất!”

[1] Gốc: 阴狠狡诈 (âm ngoan giảo trá). “Khôn ngoan có nọc”, hoặc “khôn có nọc” là kiểu khôn ngoan thâm độc, ranh ma xảo quyệt ấy.

Tiếng nói ngưng lại trong thoáng chốc, tẩm cung vua Liêu chìm trong im lìm tĩnh mịch.

“Nhớ khi xưa ngài phóng ngựa ra trận, ngự giá thân chinh, vua tôi chúng ta trên dưới một lòng, dẫn dắt kỵ binh Đại Liêu tung hoành khắp thảo nguyên.”

“Ngài của thuở ấy là đại bàng dũng mãnh trên đồng cỏ, là sói lớn gầm thét của Đại Liêu ta.”

“Thần chưa bao giờ lãng quên điều ấy!”

Tiếng than xé lòng như tiếng rú, dội oang oang trong tẩm cung.

Khoảng lặng sau đó dài như vô tận.

Chợt có tiếng “cộp” vang lên, bát thuốc bằng sứ trắng bị Thái sư đặt xuống chiếc bàn dài kế bên. Vị Thái sư già cỗi nhưng oai hùng bước từng bước về giường vua Liêu. Ông cúi nhìn vị vua trên giường rồng, bình tĩnh đưa tay bít miệng mũi nhà vua – tự nhiên, dễ dàng chỉ như đang hít thở.

Nửa canh giờ sau, Vương tử Thái sư rời tẩm cung hoàng đế, tới điện Tam hoàng tử.

Gia Luật Hàm vội vã chạy ra: “Bái kiến Thái sư đại nhân.”

Gia Luật Định cho tả hữu lui hết rồi nhìn về phía Gia Luật Hàm, hờ hững bảo: “Bệ hạ băng hà rồi.”

Gia Luật Hàm đứng sững như trời trồng, lảo đảo lùi ra sau một bước. Dù có đần độn hơn nữa, gã cũng hiểu ngay ý Gia Luật Định. Gã ngước nhìn Vương tử Thái sư như thể không dám tin vào tai mình.

Gia Luật Định lạnh lùng nói: “Tạm thời đừng công bố vội. Nhị điện hạ đã muốn đồng hành với quân Sói Đen đến phủ Đại Đồng thì cứ để y đi. Dĩ nhiên, y không việc gì phải trở lại.”

Giờ phút ấy, trên cõi đời này chỉ có cung nga thái giám trong tẩm cung Liêu đế biết rằng ông ta đã chết. Ngoài họ ra, người biết chuyện chẳng còn ai khác ngoài Vương tử Thái sư Gia Luật Định và Tam hoàng tử Gia Luật Hàm.

Tây Bắc thắng to, ở Đại Tống đâu đâu cũng thấy cảnh rộn ràng hoan hỉ.

Chu Thái sư và Lý Cảnh Đức phải canh giữ U châu không thể rời vị trí, hoàng đế bèn triệu Phiêu kỵ tướng quân Ngụy Suất và Giám sát sứ Dư Triều Sinh về kinh.

Đã sang tháng Tám. U châu ở miền Tây Bắc, cứ đến mùa đông là tuyết phủ kín thành, cực kì lạnh lẽo, còn bây giờ, thời tiết ở đây đương lúc nóng bức ngột ngạt, cát vàng mù mịt khắp nơi. Lúc Dư Triều Sinh ra khỏi phủ cũng phải đội vải xô để chắn bớt gió cát hoành hành trong thành. Anh ta nhận được thánh chỉ triệu về kinh nên hôm nay phải đến đại doanh Tây Bắc bàn giao công việc.

Bái kiến Chu Thái sư xong, đến tận tối Dư Triều Sinh mới trở lại thành U châu.

Trong màn đêm yên tĩnh, một nhóm quan sai tỏa đi khắp nơi trong thành nhanh như chớp, bắt liền mấy viên quan đang say giấc nồng.

Vụ bắt bớ diễn ra vừa kín kẽ vừa tốc độ, gần như không ai kịp phản ứng giữa đêm khuya. Sáng hôm sau, Dư Triều Sinh áp giải toàn bộ người bị bắt rình rang về Thịnh Kinh.

Phiêu kỵ tướng quân Ngụy Suất thấy Dư Triều Sinh bắt người về theo thì ngạc nhiên lắm: “Dư đại nhân, những người này là ai thế?”

Dư Triều Sinh: “Thưa tướng quân, họ là quan có tội cả đấy.”

Ngụy Suất là hạng võ biền xuất thân võ cử2, hoàn toàn không giải mã nổi cách nói úp úp mở mở của quan văn.

[2] Kì thi võ tương ứng với kì thi văn. Đọc thêm

Cùm tay cả nút thế kia, chẳng quan có tội chẳng hóa bề tôi có công à?

Ngụy Suất gãi đầu, nói thẳng đuột: “Hầy, dĩ nhiên ta biết họ là tội quan chứ. Nhưng mấy người này phạm phải tội gì hả Dư đại nhân? Chúng ta ở U châu yên lành bao lâu, tại sao đến lúc đi ngài lại bí mật bắt nhiều người vậy?”

Dư Triều Sinh cười đáp: “Chủ yếu là quan lại ty Ngân dẫn thôi.”

Ngụy Suất sửng sốt lắm, ông ta biết Dư Triều Sinh là một trong các Chỉ huy sứ của ty Ngân dẫn. Giờ quan lại của ty bị bắt giữ, cớ sao anh ta lại cười hả hê đến vậy?

Dư Triều Sinh không hề sai thám báo tâu với triều đình về vụ bắt giữ chớp nhoáng. Ý đồ của anh ta là trở lại kinh thành rồi mới đích thân bẩm báo lên hoàng đế. Thế nhưng ở thành U Châu, Tô Ôn Duẫn vừa nghe tin đã tức tốc tìm hiểu lai lịch nhóm quan bị bắt. Kết quả dò la khiến anh ta tái mặt.

Ngay đêm đó, Tô Ôn Duẫn viết một lá thư mật, sai người quất ngựa hết tốc lực gửi về Thịnh Kinh.

“Vương Tử Phong mi có chết cũng chả ai thèm tiếc, nhưng nhà mi đừng hòng phá bĩnh đại sự của ta!”

Xe ngựa của Dư Triều Sinh đi không nhanh. Sang đến ngày thứ tư, khi mật thư của Tô Ôn Duẫn gửi về đến Thịnh Kinh thì họ mới đến giữa đường.

Mật thư được gửi thẳng cho Hữu tướng Vương Thuyên. Sau khi xem xong tin báo, ánh mắt ông không giấu nổi buồn lo. Ông trầm tư suy ngẫm trong thư phòng suốt cả buổi chiều rồi mới gọi tâm phúc của mình đến. Hôm sau, mắt xích then chốt trong vụ án Hình châu là Tôn Thượng Đức đập đầu tự tử trong nhà lao Đại lý tự vì không chịu nổi cực hình.

Ngày kế, Đại lý tự thiếu khanh liền bẩm báo chuyện này lên hoàng đế trên triều.

Chiến thắng Tây Bắc oanh liệt đã khiến Triệu Phụ lơ là vụ án Hình châu mấy ngày nay. Giờ đột ngột nghe tin này, mặt ông đanh lại, cặp mắt lia xuống dò xét từng bầy tôi như thể muốn nhìn thấu khuôn mặt họ.

Người mong Tôn Thượng Đức chết nhất trên đời, chỉ có thể là những kẻ dính líu đến vụ án Hình châu.

Triệu Phụ trầm mặc rất lâu, đoạn ông nhẹ nhàng hỏi: “Tả tướng thấy thế nào?”

Tả tướng Từ Bí tiến lên một bước, cúi đầu thưa: “Lão thần cho rằng đã có kẻ xúi giục, uy hiếp khiến tội quan Tôn Thượng Đức sợ tội tự sát, nhưng vụ án này vẫn có thể tiếp tục điều tra.”

Triệu Phụ chăm chú nhìn ông ta một đỗi rồi lại hỏi: “Còn Hữu tướng nghĩ sao?”

Hữu tướng Vương Thuyên bước lên một bước: “Vụ án này do Đại lý tự và bộ Hình cùng thẩm tra, thần cho rằng hai bộ đã sớm có kết luận.”

Triệu Phụ không nói thêm gì nữa.

Sau khi tan triều, Từ Bí và Vương Thuyên cùng đi về một hướng. Hai vị tướng công quyền uy nhất triều đình đều cầm hốt ngọc, bước về cổng Tuyền Vũ một cách khoan thai nhưng vững vàng.

Từ Bí cảm khái: “Cực hình trong nhà lao Đại lý tự đúng là thứ người thường không chịu nổi. Không ngờ Tôn Thượng Đức cố được ba tháng, cuối cùng vẫn thất bại.”

Vương Thuyên cũng thở dài theo: “Tuy chưa vào thiên lao Đại lý tự bao giờ, nhưng lão phu vẫn thường nghe, bất cứ ai vào đó cũng phải trầy một lớp da mới ra ngoài được. Nhưng phần đông bọn họ chẳng còn cơ hội thấy ánh mặt trời.”

Từ Bí mỉm cười, khẽ cúi mình hành lễ.

Vương Thuyên cũng đáp lễ ngay.

Từ Bí: “Vương tướng đi đâu thế?”

“Điện Cần Chính.”

“Thế thì không cùng đường rồi, ta từ biệt ở đây nhé.”

“Từ tướng đi thong thả.”

“Vương tướng khỏi tiễn xa.”

Hai người khách sáo với nhau mấy câu rồi cùng quay lưng, ai đi đường nấy.

Vương Thuyên đến điện Cần Chính, vừa vào nhà cho Hữu tướng đã thấy có bóng người cao ráo đĩnh đạc đương cúi mình ngắm một bông nguyệt quý trong sân. Bộ quan bào đỏ thẫm vốn rất đỗi bình thường trên người quan viên khác bỗng mang dáng vẻ đẹp đẽ rạng ngời và thanh tao khác lạ khi được Vương Tử Phong khoác trên mình.

Trời phú cho cháu ông tướng mạo hơn người, có mặc gì cũng tuấn tú và cao nhã tột bậc.

Vương Thuyên: “Sao lại sang đây thế?”

Vương Trăn quay ra hành lễ: “Hạ quan bái kiến Hữu tướng.”

Vương Thuyên dở khóc dở cười: “Con thái quá thật đấy. Chú cháu mình đều là quan nhất phẩm, giờ con vái ta, chẳng hóa ta cũng phải vái lại con à?”

Vương Trăn nghiêm nghị nói: “Người đang bái kiến Hữu tướng đại nhân lúc này là Thượng thư bộ Hộ Vương Trăn.”

Vương Thuyên nhướng mày: “Ồ, thế Thượng thư bộ Hộ tìm bản tướng có việc gì?”

Vương Trăn nhíu mày, tỏ vẻ nghi hoặc: “Đúng có việc này hạ quan nghĩ mãi mà không hiểu, đành phải đến cầu xin Hữu tướng giải đáp hộ hạ quan.”

“Chuyện gì?”

“Tại sao Tôn Thượng Đức lại chết?”

Vương Thuyên dừng bước, ngẩng đầu nhìn cháu mình: “Người muốn xóa sổ kẻ đó nhất trên đời chính là Từ tướng.”

Vương Trăn cười: “Hữu tướng vẫn chưa trả lời hạ quan, vì sao Tôn Thượng Đức lại chết?”

Vương Thuyên lẳng lặng nhìn chàng: “Không thể vì Tả tướng muốn diệt khẩu y được à?”

Vương Trăn thở dài: “Vì sao thúc tổ phải lấy mạng Tôn Thượng Đức?”

Vương Thuyên biết mình không gạt nổi đứa cháu khôn ngoan lõi đời này, đành phải bảo: “Vào nhà rồi nói!”

Sau khi vào nhà, Vương Thuyên đưa mật thư của Tô Ôn Duẫn cho Vương Trăn. Vương Trăn xem xong cũng sững sờ một lúc lâu. Chàng thở dài: “Thì ra cơ sự là thế. Chẳng phải Phong không hiểu điều thúc tổ làm, nhưng thúc tổ có biết dẫu làm thế cũng chẳng ích gì không? Tôn Thượng Đức chết rồi thì sao? Đại lý tự chỉ có hai cách kết án khi nhân chứng chủ chốt đã chết. Một là chết không đối chứng, kết thúc vội vàng; hai là chết không đối chứng, hết đường biện bạch!”

Vương Thuyên: “Tôn Thượng Đức chết rồi chẳng nhẽ chưa đủ hay sao?”

Vương Trăn: “Nếu là người bình thường, chỉ nhường ấy là đủ thể hiện thành ý của chúng ta rồi. Nhưng với Từ tướng mà nói thì như vậy chẳng thấm vào đâu! Từ tướng làm sao có thể tin cái chết của Tôn Thượng Đức sẽ khiến vụ án nhanh chóng khép lại thay vì hết đường chối cãi!”

Vương Thuyên há lại không biết chuyện này, nhưng ông chẳng còn kế nào khác để cứu Vương Trăn.

Song Vương Trăn lại bảo: “Huống hồ, con chưa từng có ý định kết thúc vụ án này một cách vội vàng.” Chàng cười thật nhã nhặn, “Chết hóa lại hay, sau này có trăm cái miệng cũng chẳng chối được, chết không đối chứng rồi còn gì.”

Vương Thuyên kinh ngạc quá chừng: “Con…”

Cùng lúc đó, Đường Thận vừa thí nghiệm xong công dụng mới của lung tương. Sau cả một ngày bận bịu, cậu tất tả rời bộ Công về phủ. Vừa về đến phủ Hữu thị lang, Phụng Bút đã đưa một lá thư cho Đường Thận: “Thư từ U châu gửi đến chiều nay ạ.”

Đường Thận sửng sốt: “U châu à?”

Thoạt tiên, cậu nghĩ ngay đến Vương Tiêu.

Từ khi Đường Thận thôi giữ chức Hữu phó ngự sử ty Ngân dẫn, thỉnh thoảng Vương Tiêu và Mai Thắng Trạch vẫn bí mật viết thư kể cho cậu đôi chút về tình hình nước Liêu. Đường Thận bóc thư ra đọc xong thì càng sửng sốt hơn…

Người viết thư hóa ra là Lý Cảnh Đức!

Trang thư càng đọc càng khiến tim Đường Thận chùng xuống.

Đọc xong cả lá thư, Đường Thận thẫn thờ ngồi trong nhà suốt một lúc lâu. Cậu kề lá thư vào ngọn nến, nhìn trang giấy hóa thành tro đen.

Đường Thận tức tốc thay thường phục đi sang phủ Thượng thư.

Vương Trăn chưa về nhà.

Chờ tới giờ Tuất một khắc, Vương Trăn mới về đến cửa. Nghe quản gia báo Đường Thận ghé nhà, chàng có phần ngạc nhiên, bèn vui vẻ đi vào phòng khách, hỏi: “Sao tự dưng lại sang thế? Ta tưởng em bảo dạo này bộ Công nhiều việc nên tạm thời không đến được mà? Em ăn tối chưa?”

Quản gia đứng bên nói: “Công tử đến từ một canh giờ trước.”

Vương Trăn nhíu mày: “Thế thì đã ăn uống gì đâu. Ngươi hầu hạ kiểu gì mà không dâng cơm nước lên cho công tử?”

Quản gia: “Tiểu nhân biết lỗi rồi.”

Vương Trăn: “Làm thêm một đĩa cá giấm Tây Hồ và viên chiên chay đi.” Toàn những món khoái khẩu của Đường Thận.

Vương Trăn dắt tay Đường Thận cùng ngồi vào bàn.

Đường Thận nhìn chàng mà rối ruột rối gan. Cậu không rõ Vương Trăn đã biết chuyện gì xảy ra chưa. Chàng biết thì cậu sẽ nói một kiểu, còn nếu chưa thì cậu sẽ lựa cách khác.

Ngẫm nghĩ một lát, Đường Thận hỏi: “Sư huynh đi đâu mà giờ này mới về?”

Vương Trăn liếc nhìn Đường Thận, pha trà cho cậu: “Ở bên phủ thúc tổ về đấy. Công việc ở bộ Công thế nào rồi?”

Đường Thận thong thả nói: “Lung tương đã chế tạo xong, ngày mai là có thể đem trình Thánh thượng. Sư huynh cũng sẽ được chiêm ngưỡng đó.”

Chẳng mấy chốc, thức ăn đã được dọn lên đầy đủ.

Vương Trăn gắp thịt cá cho Đường Thận: “Xa nhau bấy nay, tiểu sư đệ ốm đi nhiều đấy.”

Đường Thận ăn miếng cá, rồi cứ thế chống cằm chẳng ăn uống gì, chỉ chờ Vương Trăn đút. Mới đầu Vương Trăn còn thấy bình thường, nhưng sau khi đút thêm mấy miếng, chàng bèn để đũa xuống, quay sang nhìn Đường Thận. Sóng mắt cậu in nét cười, dung nhan ngời sáng tươi nhuận càng ung dung, dịu ngoan hơn nhờ ánh nến.

“Chờ ta đút cho em hửm?”

Đường Thận lí luận: “Ai đến chơi người đó là khách, ân cần với khách chẳng phải điều nên làm hay sao?”

Vương Trăn cười: “Nên, nên lắm chứ.” Chàng quay ra bảo quản gia, “Đường công tử là khách, bây giờ Đường công tử không buồn động đũa thì chắc chắn tại nhà bếp nấu chưa đủ ngon rồi. Hôm nay ai đứng bếp hãy nghỉ việc đi. Phủ Hữu tướng có đầu bếp từng làm ngự trù, ngươi hãy mời người ấy sang đây nấu lại mâm khác cho Đường công tử.”

Quản gia vuốt mồ hôi trán, chưa kịp trả lời thì Đường Thận đã nói: “Nhờ huynh gắp cho ta mấy miếng mà huynh chẳng bằng lòng ư?”

Vương Trăn: “Đút cho nương tử… Khụ, đút cho phu quân thì Tử Phong lấy làm vui lắm. Còn đút cho khách thì Vương Tử Phong này xin chịu.”

Đường Thận cất cái lườm lạnh băng đi, nói: “Thế thì đút tiếp đi.”

Vương Trăn âu yếm đáp: “Ừ, đút cả đời cũng được.”

Đường Thận buột mồm: “Gặp nhau còn khó, đâu ra cả đời.”

Vương Trăn biến sắc. Chàng ngồi lặng thinh rất lâu, đoạn nghiêm túc nói: “Ta đã hứa bên em trọn kiếp này.”

Trong thâm tâm Đường Thận cũng biết mình nói dại. Trình độ EQ của cậu chủ yếu nhờ Vương Tử Phong, Triệu Phụ rèn giũa mà nên, song vẫn kém xa bọn họ, cho nên thỉnh thoảng cậu sẽ vô tình nói lỡ. Nhất là đối với Vương Trăn, chính vì thoải mái với nhau quá nên càng dễ lỡ miệng.

Đường Thận kéo tay áo Vương Trăn: “Sư huynh đừng giận.”

Vương Trăn bình tĩnh nuốt cơm: “Ta không giận, chẳng qua thương tâm quá nên bệnh tim cũ tái phát thôi.”

Đường Thận: “…”

Nói như thể hôm nào ta cũng chọc huynh phát tức ấy nhở!

Đường Thận dứt khoát mặt dày gác cằm lên vai Vương Trăn, ghé tai chàng dịu giọng thủ thỉ: “Huynh cứ đau lòng hoài làm ta cũng xót ruột theo này. Đừng giận nữa mà, cùng lắm thì huynh muốn thế nào ta chiều thế nấy, được không?”

Mắt Vương Trăn lóe sáng, song vẫn vờ như chẳng hề xao động. Chàng thủng thẳng nói: “Lần sau đừng nói thế biết chưa. Tương lai của tiểu sư đệ và ta còn dài lắm, làm sao em biết mai này mình gặp nhau thôi cũng khó khăn?”

Đường Thận nghe thế thì tái mặt, mãi không trả lời được. Nhưng cậu cũng phản ứng nhanh, bảo: “Rồi rồi rồi, sau này ta sẽ uốn lưỡi bảy lần trước khi nói.”

Vương Trăn sửng sốt trong phút chốc, chàng không hề bỏ lỡ thoáng giật mình của Đường Thận.

Họ nhìn nhau một đỗi, Vương Trăn hỏi: “Em biết rồi à?”

Đường Thận: “…”

Vương Trăn: “Từ bao giờ em thân với Tô Ôn Duẫn như thế?”

Đường Thận ngạc nhiên: “Tô Ôn Duẫn? Chuyện này thì liên quan gì đến y?”

“Thế thì ai đã nói cho em?”

Đường Thận tự biết không giấu được Vương Trăn, bèn ngoan ngoãn kể cho chàng: “Lý Cảnh Đức phái người báo cho ta đấy. Lý Cảnh Đức bảo, tuy ta đã thôi chức Hữu phó ngự sử ty Ngân dẫn từ lâu, không còn dính dáng đến vụ đánh Liêu lần này nữa, nhưng hắn biết ta góp sức rất nhiều, đến nỗi suýt thì mất cả mạng, cho nên hắn cảm thấy hắn nợ ơn ta.”

Vương Trăn tự giễu: “Tô Ôn Duẫn thì viết thư cho thúc tổ, Lý Cảnh Đức thì viết thư cho em, thế mà chẳng thấy ai viết thư cho người trong cuộc là ta đây. Hóa ra quan hệ của Vương Tử Phong với mọi người trong triều tệ hại đến mức ấy.”

Đường Thận đến bó tay với chàng: “Nói chuyện nghiêm chỉnh đi nào. Hầy, sư huynh định thế nào đây? Huynh giật dây cho Tôn Thượng Đức chết đấy?”

Vương Trăn ra chiều chính trực: “Trong lòng tiểu sư đệ, ta là loại gian thần như thế đấy à?”

Đường Thận quả quyết gật đầu: “Đúng rồi.”

Vương Trăn buồn cười quá, ôm ghì cậu vào lòng: “Trên đời này chỉ mỗi mình em được mắng ta mà ta còn phải khen là mắng thiệt đúng, chửi thiệt hay đó biết không?”

Đường Thận chẳng còn lòng dạ nào mà nói chuyện ngoài lề, cậu hỏi lần nữa: “Sư huynh tính thế nào?”

“Sự tình chưa hẳn đã tệ như em và thúc tổ nghĩ.”

“Hả?”

“Trước khi tới đây, em đã dự định làm thế nào nếu như ta không biết chuyện này hửm?”

Đường Thận không ngờ tự dưng chàng lại hỏi thế, cậu im lặng một chốc mới đáp: “Ta chẳng có dự định gì hết.”

Vương Trăn: “Giờ mới nhớ ra, mỗi lần ta nói dối đều phải hôn tiểu sư đệ một cái, còn em nói dối thì chẳng phải làm gì. Nghĩ sao cũng thấy lợi cho em mà thiệt cho ta quá. Từ rày Cảnh Tắc mà dối ta thì cũng phải hôn ta một cái đã, chịu không nào?”

Đường Thận thầm bĩu môi, nghĩ bụng: Chuyện này lại cần ta hôn huynh chắc? Vương Tử Phong huynh là ai cơ chứ, ta chỉ nói ba chữ là huynh biết tỏng ta nói dối rồi, thế mà cũng đòi hôn à?!

Vương Trăn giải thích: “Nếu chẳng tính toán gì, em đã không dò xét ta bằng mọi cách mà sẽ nói với ta ngay từ đầu để chúng mình cùng tính hướng giải quyết. Nhưng em vừa không nói, vừa dò hỏi ta có biết hay không, chứng tỏ nếu ta không biết thì em sẽ tự xử lí việc này. Em định giải quyết bằng cách nào?” Nói đến đây Vương Trăn bỗng ngưng bặt. Chàng trợn tròn mắt, sững sờ cúi nhìn Đường Thận: “Em định ôm hết tội lỗi để chịu phạt thay ta đấy à?”

Giọng Đường Thận rầu rầu: “Lung tương đã chế tạo xong, bộ Tạo Cải cũng đi vào nề nếp rồi. Những gì ta có thể đóng góp vốn có hạn, có đi hay ở lại bộ Công cũng chẳng thay đổi là bao. Còn sư huynh thì khác, việc ty Ngân Dẫn chỉ vừa mới bắt đầu, ty Ngân Dẫn không thể thiếu huynh.”

Tim Vương Trăn hẫng một nhịp, không thốt nổi nên lời nữa. Mãi sau, chàng mới ôm siết lấy người trong lòng, bảo: “Nhưng ta cũng đâu thể thiếu em được!”

Đường Thận ngước nhìn chàng.

Vương Trăn cười chua chát: “Chuyện này xảy ra, nguyên nhân sâu xa vẫn do ta quá tham quyền cố vị, vươn tay quá dài, xía cả vào những chuyện không nên quản. Bệ hạ đa nghi hơn hẳn hoàng đế bình thường. Đến giờ ta cũng không biết mọi chuyện sẽ ra sao một khi Dư Triều Sinh giải người về kinh.” Vừa nói, Vương Trăn vừa cúi xuống hôn lên đuôi mày Đường Thận, “Bây giờ đang lúc rối ren, ta chưa nghĩ ra chước nào giải vây hết, nhưng có tấm lòng này của em, kiếp này Vương Tử Phong chẳng còn hối tiếc gì.”

“Cảnh Tắc, trọn kiếp này ta chỉ có mình em, dẫu chông gai hiểm trở đến mấy, ta quyết không để em phải gánh vác thay ta đâu.”

“Em nhớ lấy, không được hành động thiếu suy nghĩ.”

Dưới ánh nến và trăng, nét mặt Vương Tử Phong vô cùng nghiêm nghị. Hiếm có khi nào chàng nghiêm trang đến vậy, mỗi chữ nói ra đều là lời gan ruột. Đường Thận cảm động quá đỗi, đồng thời cậu cũng thầm nhủ nếu chuyện đến nước ấy, nhất định cậu sẽ gánh hết tội lỗi cho Vương Trăn. Những việc ở bộ Công đều không do chính tay cậu làm, huống hồ cậu đã làm xong nhiệm vụ khởi xướng, mai sau phát triển ra sao hoàn toàn không phụ thuộc vào mình cậu, mà phụ thuộc vào mười vạn thợ thủ công của thời đại này.

Dư Triều Sinh muốn tố cáo Vương Trăn nhúng tay vào việc do thám, cài người của mình vào nằm vùng ở nước Liêu.

Chuyện này thật ra có thể xé ra to mà cũng có thể ém gọn lại, bởi việc do thám nước Liêu vốn là nhiệm vụ Triệu Phụ giao cho Đường Thận và Tô Ôn Duẫn, có sự cho phép của ông. Nhưng bây giờ Triệu Phụ đã già lắm rồi, càng ngày càng hay nghi kị. Vị hoàng đế này vốn thích cân đối triều đình, ghét nhất một phe độc đoán. Sự can thiệp của Vương Trăn bề ngoài thì có vẻ như hợp lí vì chàng là Chỉ huy sứ ty Ngân dẫn, Đường Thận và Tô Ôn Duẫn khó lòng qua mắt Vương Trăn khi sử dụng nhân sự và danh tiếng ty Ngân Dẫn để do thám.

Nhưng một khi hoàng đế đã không muốn anh nhúng tay vào thì anh tuyệt đối không được phép tham dự.

Vương Trăn dính vào đồng nghĩa với việc quyền lực của chàng quá lớn.

Nhúng mũi cả vào chuyện ngoài phận sự, còn can thiệp sâu như thế.

Không thể biết trước Triệu Phụ sẽ nghĩ về điều ấy như thế nào, nhưng chắc chắn việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến Vương Trăn.

Thế nên Đường Thận mới muốn chịu trách nhiệm vụ này. Vương Tiêu và Mai Thắng Trạch đều đã bị Dư Triều Sinh bắt về Thịnh Kinh. Vì sao nguồn cơn mọi chuyện không phải Đường Cảnh Tắc cậu từ chức rồi nhưng vẫn sai tâm phúc ngấm ngầm gây rối?

Bọn họ chưa chắc bị phạt nặng vì chuyện này, nhưng ai đứng ra đảm trách lại là vấn đề lớn.

Thời khắc này, lòng Đường Thận nặng trĩu tâm sự, thế nên cậu không phát giác rằng trong lúc nói chuyện, Vương Trăn đã bất chợt hôn cậu một cái. Cử chỉ ấy vô cùng tự nhiên, cứ như cảm xúc dâng trào đưa lối mà thôi, nhưng mãi sau này Đường Thận mới hiểu…

Ngay cả chấm câu trong lời Vương Tử Phong bạn cũng chớ dại mà tin!
Bình Luận (0)
Comment