Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 19

Phủ Cô Tô có hăm ba phường, mười sáu phố, chằng chịt dọc ngang. Hai mươi ba phường là nơi cư trú của hơn mười vạn hộ gia đình. Phần lớn các phường được quy hoạch men theo bờ con hào bảo vệ thành. Đan xen giữa các phường là hơn ba trăm nhánh sông nhỏ, tạo nên địa hình đặc trưng của vùng Giang Nam sông nước. Mười sáu con phố hầu hết là khu vực chuyển giao từ phường nọ sang phường kia.

Đại Tống không quản lí nghiêm ngặt phố phường như các triều đại trước. Ở trong phường cũng có thể mở hàng quán, nhưng cần phải có giấy phép của nha môn và phải nộp thuế cao hơn.

Đường Thận muốn có giấy phép của nha môn thì chỉ cần đến mè nheo thầy hai câu là tiết kiệm được ối thì giờ xếp hàng. Còn về đống thuế chưa nộp, kế toán Lâm sắp bứt trụi cả đầu rồi, nhưng ông khuyên mãi Đường Thận vẫn không chịu đổi ý.

“Tiểu đông gia, cứ thế này mình sẽ mất cả chì lẫn chài đấy!”

“Không vội, cứ từ từ rồi đâu sẽ có đó.”

Trong một đêm, Hậu cần Đường thị mở trạm ở khắp hai mươi ba phường và mười sáu phố. Trạm khá đơn sơ, chỉ kê một chiếc bàn gỗ và một cái giá, với một cây gậy gỗ treo lá cờ đỏ đề bốn đại tự màu đen: Hậu cần Đường thị. Mỗi sạp có một ông cụ dáng dấp thư sinh ngồi trực, trông rất đáng tin cậy.

Mười ngày nay, bách tính Cô Tô đã quen với công việc chuyển phát đồ của các nhân viên hậu cần. Sau ba ngày chờ đợi, Hậu cần Đường thị cũng quay lại phục vụ người dân. Trong hẻm Trách Môn, có anh thư sinh nọ gọi một nhân viên chuyển phát lại: “Anh giúp tôi chuyển hai cuốn sách này đến Toái Cẩm Nhai nhé?”

Người nhân viên đáp: “Được thôi, phiền tiên sinh ra trạm viết giúp tôi cái đơn, ghi rõ cần giao hàng gì.”

Anh thư sinh ngạc nhiên: “Đơn? Ý anh là sao?”

“Tiên sinh không thấy thông báo của Hậu cần Đường thị mấy hôm trước sao? Từ giờ, nếu anh đặt chuyển phát thì phải viết rõ địa chỉ nhận hàng và tên mặt hàng. Tiên sinh đừng lo, ở hẻm Trách Môn có một trạm dành riêng cho việc điền đơn. Chỉ cách đây mười mét thôi, để tôi dẫn anh đi.” (*)

Ở khắp phủ Cô Tô đều diễn ra sự việc tương tự.

Lúc đầu, người dân cảm thấy Hậu cần Đường thị là quá phiền phức và mất thời gian. Nhưng chỉ một vài hôm sau họ đã nhận ra rằng có hóa đơn trong tay, nếu như hàng bị thất lạc thì sẽ có bằng chứng để khiếu nại Hậu cần Đường thị. Sự xuất hiện của tờ hóa đơn khiến họ an tâm hơn nhiều, tùy phiền hơn đôi chút, nhưng độ tin cậy của dịch vụ cao hơn hẳn, khiến ai nấy đều bớt lo ngại.

Hậu cần Đường thị càng ngày càng nhiều mối làm ăn hơn, những người thích sử dụng dịch vụ cũng trở thành khách hàng thường xuyên, dần dà quen mặt các nhân viên hết.

Hôm đó trên Toái Cẩm Nhai, chủ một cửa hàng may nhờ nhân viên Hậu cần Đường thị giao quần áo đặt may cho khách của ông ta. Hai người đã biết nhau, người nhân viên bèn nói: “Ông chủ Vương à, cuối tháng này dịch vụ chuyển phát của chúng tôi sẽ tăng giá đó. Ông là khách quen, thường ngày vẫn tạo điều kiện cho công việc của tôi, nên tôi báo sớm cho ông hay.”

Ông chủ Vương ngạc nhiên lắm, ngẩn mặt hỏi: “Tăng giá hả? Có tăng nhiều không?”

“Ông cứ yên tâm, tiểu đông gia của chúng tôi bảo sẽ không tăng nhiều đâu. Tôi nghe đồn là chỉ tăng thêm một đồng thôi. Hậu cần Đường thị hướng đến bình dân, cũng nhằm hỗ trợ những nạn dân chúng tôi được có nơi ăn chốn ở. Tiểu đông gia chỉ mong giúp đỡ những người cùng khổ chúng tôi được ăn no mặc ấm, có cơ hội sống sót, lợi nhuận là phụ, cứu dân mới là mục đích chính.”

“Đúng lắm, ông chủ các cậu hình như là họ hàng của Đường cử nhân khu Tây, nghe đồn còn là học trò của Lương đại nhân nữa. Tôi tín nhiệm Hậu cần Đường thị các cậu cũng vì nghĩ ông chủ các cậu là người đàng hoàng. Tăng thêm một đồng không đáng là bao, chúng tôi vẫn lời chán!”

Người nhân viên nói thêm dăm ba câu, rồi tươi cười từ biệt ông chủ Vương.

Ông chủ Vương cũng thấy hai đồng một lần gửi đồ cũng chẳng đắt, thậm chí còn quá rẻ là đằng khác.

Phần lớn khách hàng của Hậu cần Đường thị ở phủ Cô Tô, ngoài dân thường ra thì là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ như bọn họ. Ông chủ Vương tuy mở nhà may ở Toái Cẩm Nhai, nghe thì có vẻ hoành tráng, nhưng trong tiệm chỉ có một nhân viên mà thôi. Nếu khách cần giao hàng thì không có ai làm cả, nên ông chủ Vương bình thường đều gửi hàng bằng Hậu cần Đường thị.

Tiền chi trả cho dịch vụ chuyển phát mỗi ngày rẻ hơn thuê thêm một nhân viên nhiều.

Nhưng ông không biết, người nhân viên chuyển phát kia không tự nhiên mà làm thân với mình.

Cách đây ba ngày, Đường Thận đã đích thân đến đại viện – hiện tại đã trở thành khu ở tập thể và nơi tập huấn của các nhân viên Hậu cần Đường thị.

Đường Thận: “Tháng sau, tôi sẽ tuyển thêm năm mươi người nữa, như vậy ở phủ Cô Tô sẽ có tổng cộng một trăm nhân viên của chúng ta. Tuyết sẽ sớm ngừng, rất nhiều người trong số các vị sẽ muốn trở về quê hương, tôi tôn trọng ý muốn đấy. Chúng ta tuy bèo nước gặp nhau, nhưng nếu mọi người đi về thì hãy gặp kế toán Lâm nhận một khoản tiền làm lộ phí đi đường.”

Có người lớn tiếng nói ngay: “Chúng tôi về cũng không có kế sinh nhai, tôi xin được ở lại phủ Cô Tô, làm việc cho tiểu đông gia.”

Đường Thận nói: “Được, mọi người đi hay ở tôi không cản. Nhưng tôi nói rõ trước, cuối tháng tôi sẽ tăng giá chuyển phát, và chia lợi nhuận cho mọi người.”

Các nhân viên xôn xao.

Đường Thận: “Kể từ cuối tháng này, giá cơ bản của mỗi chuyến hàng sẽ tăng lên thành hai đồng một lần, sau đó tùy vào khoảng cách, khối lượng và kích thước hàng hóa mà cộng thêm chi phí gửi hàng, cụ thế ra sao kế toán Lâm sẽ giải thích cho mọi người hiểu. Sau khi ra thông báo này, chắc chắn sẽ có nhiều khách hàng không sử dụng dịch vụ của chúng ta nữa. Tuy nhiên, mọi người sẽ nhận được hoa hồng từ việc giao hàng. Kể từ cuối tháng này, trừ tiền ăn ở đã miễn phí ra, tôi sẽ trích một phần doanh thu cho từng người dựa trên số đơn hàng của mỗi cá nhân.”

Kế toán Lâm giải thích thêm: “Nói cách khác, giả sử một người giao được năm đơn hàng, mỗi đơn trị giá hai đồng, thì được thưởng một đồng, giao được càng nhiều hàng thì thưởng càng cao.”

Đến đây coi như đã rõ, người nhân viên kia không vì tình cảm thân thiết với ông chủ Vương mà báo cho ông ta chuyện tăng giá.

Anh ta chỉ muốn lấy lòng ông chủ Vương, xây dựng quan hệ để sau này có nguồn đơn hàng dồi dào mà chạy thôi!

Việc làm ăn nhìn chung khá thuận lợi, trừ việc kế toán Lâm mỗi ngày đều than thở với Đường Thận là hôm nay lỗ ít hay lỗ nhiều.

Cuối tháng Giêng, dịch vụ hậu cần đã vận hành được gần một tháng.

Đường Thận: “Không lỗ nhiều chứ?”

Kế toán Lâm chán chường: “Thế thì phải trừ cái khoản đông gia mua căn nhà kia, với thuế đóng cho phủ nha hàng tháng. Nếu chỉ tính tiền ăn ở của các nhân viên và tiền thuê người ghi đơn thì không lỗ, nhưng cũng chẳng lãi!”

Đường Thận trầm trồ: “Chỉ chưa đến một tháng mà doanh thu đã ngang với chi phí biến đổi rồi1! Dân Cô Tô giàu hơn cháu tưởng đấy! Giàu phát khiếp lên được.”

Kế toán Lâm: “Hở?”

Đường Thận xoa cằm: “Dân Cô Tô lắm tiền quá, không được, cháu phải nghĩ thêm cách, để họ tiếp tục xòe tiền ra cho mình.”

Kế toán Lâm ngơ ngơ ngác ngác, chợt nhớ đến câu Diêu Tam vẫn hay nói với mình.

“Tiểu đông gia nhà chúng ta ấy à, thỉnh thoảng… hơi có vấn đề về… đầu óc.”

Đúng thật là bị dở hơi rồi!

Người ngoài có thể không biết, nhưng kế toán Lâm biết tỏng Đường Thận hiện tại có bao nhiêu tiền.

Tuy không xuất thân nhà phú hào, nhưng mới bấy nhiêu tuổi, Đường Thận đã lập nghiệp từ hai bàn tay trắng. Khắp phủ Cô Tô chỉ có duy nhất một thiếu niên như cậu thôi!

Đường Thận: “Bao giờ thì bắt đầu bán xà phòng nhỉ?”

Kế toán Lâm không nghĩ vẩn vơ nữa, đáp: “Theo lời quản lí cửa hàng thì năm ngày nữa. Hôm đó Đường phu nhân sẽ mời các danh môn phu nhân đến Trân Bảo Các dự, phu nhân bảo là phải làm một lễ mở hàng hoành tráng dành riêng cho xà phòng.”

Đường Thận ngạc nhiên lắm, dở khóc dở cười: “Đại bá mẫu của cháu cũng thật cao tay, cháu nói một hai ba, bác ấy đã làm đến bốn năm sáu rồi. Lễ mở hàng cơ đấy? Cháu chưa nghĩ nổi đến đó.”

Người giỏi giang như Đường phu nhân, ở thời hiện đại hẳn đã là giám đốc bán hàng của một doanh nghiệp lớn rồi!

(Bản edit phi lợi nhuận chỉ được up tại makyo0117.wordpress.com; hãy mua chương cho tác giả trên Tấn Giang nếu có thể.)

Năm ngày sau, Đường Thận đến Trân Bảo Các, góp mặt còn có mấy phu nhân, công tử ăn mặc sang trọng. 

Tôn Nhạc đi theo mẹ là Tôn phu nhân đến chơi, gặp Đường Thận ở đây thì ngạc nhiên lắm, chạy lại ôm vai bá cổ ngay: “Hóa ra Đường phu nhân là họ hàng của cậu à? Tớ nghe các bạn trong học viện đồn suốt, không ngờ là thật. Cậu ghê thiệt nha, hồi mới quen, lúc tớ khoe khoang Hoàng Kim Lũ dùng thích thế nào, sao cậu không bảo cậu là cháu Đường phu nhân? Cậu là người nhà họ Đường, sao mà không có Hoàng Kim Lũ được?”

Đường Thận tỉnh queo: “Thì tớ có bảo tớ không quen Đường phu nhân đâu?”

Tôn Nhạc: “Ờ, đúng.”

“Cậu cũng chẳng bao giờ hỏi xem tớ có họ hàng với Đường phu nhân không.”

“… Cũng phải.”

“Vậy cậu bảo tớ phải nói sao, tớ họ Đường mà.”

Tôn Nhạc: “…”

Lát sau chú béo mới ngộ ra, túm lấy Đường Thận liến thoắng: “Á à Đường Thận cậu dám lừa tớ, cậu họ Đường thì sao, họ Đường thì cứ phải là cháu trai Đường phu nhân à? Thế nếu cậu họ Lương, chẳng hóa cậu là con đẻ của Lương đại nhân – Lương Bác Văn hay sao?”

Đường Thận nhủ thầm: Tớ không phải con đẻ của Lương Bác Văn, tớ là đệ tử ruột của ổng.

Tôn Nhạc chỉ chí chóe với Đường Thận mấy câu chứ không giận thật, hai đứa dính lấy nhau chờ xem lễ mở hàng. Chẳng ngờ sau khi một cái giá cao phủ vải đỏ được di chuyển vào sảnh chính của Trân Bảo Các, Đường phu nhân nhìn quanh quất một hồi, vẫy Đường Thận lại. Đường Thận không rõ có việc gì, bèn đi qua chỗ bà. Tôn Nhạc lại linh cảm có điều úp mở gì đó, lầm bầm: “Cái thằng Đường Thận này còn giấu mình cái gì nữa không biết?”

Đường phu nhân nói: “Thận nhi, hôm nay bác cháu ta cũng giới thiệu xà phòng với mọi người nhé.”

Đường Thận quá đỗi ngạc nhiên, nhưng nhanh chóng bình tĩnh lại. Thì ra Đường phu nhân có ý định thừa nhận cậu là người của Đường gia với toàn phủ Cô Tô, khiến Đường gia trở thành chỗ dựa vững chắc của cậu. Đồng thời thông báo cho toàn phủ Cô Tô biết, địa vị của Đường Thận ở nhà họ Đường là rất quan trọng.

Đường Thận và Đường phu nhân cùng nhau nhấc vải đỏ lên, tất cả quan khách đều tưởng sẽ thấy một sản phẩm hiếm lạ như Hoàng Kim Lũ, ai ngờ vật này y chang như xà phòng thơm, thậm chí còn chẳng có hương thơm tuyệt hảo nữa.

Đường phu nhân giới thiệu: “Sản phẩm này tên là xà phòng, có công dụng hoàn toàn giống với xà phòng thơm, giá chỉ năm đồng, với nhu cầu phổ thông thì một bánh xà phòng có thể dùng trong khoảng nửa tháng.”

Thế mà chỉ có giá năm đồng!

Các quan khách bây giờ mới vỡ lẽ vì sao Đường phu nhân cố tình chuẩn bị hẳn một lễ mở bán. Về mặt tiếng tăm và hình ảnh, Hoàng Kim Lũ chắc chắn là bảo vật trấn điếm của Trân Bảo Các nhà họ Đường. Nhưng về doanh thu, chính những bánh xà phòng này mới là con át chủ bài thực sự của Trân Bảo Các!

Đường gia Trân Bảo Các lần này đã vượt xa kì vọng của tất cả mọi người ở Cô Tô rồi!
Bình Luận (0)
Comment