Trong vườn nhà Vương Trăn, hai sư huynh đệ ngồi chơi trong ngôi đình ven hồ. Làn nước đêm thấp thoáng bóng trăng, gió lướt trên mặt hồ lăn tăn gợn sóng.
Đường Thận để hộp điểm tâm lên bàn, Vương Trăn vẫy tay ra hiệu cho cậu, bảo: “Ngồi đi.”
Đường Thận ngồi xuống băng ghế đá.
Xưa nay quân tử yêu văn thơ, mỹ nhân thạo cầm kì thi họa; song nói vậy không có nghĩa người quân tử thì không am hiểu cầm kì thi họa. Thời đại này có vô số tài tử vừa có tài vừa có nghệ, trong đó, tài tử lừng danh nhất đang yên vị ngay trước mặt Đường Thận đây. So đánh cờ, thư pháp, vẽ tranh, Đường Thận còn có thể nhại theo đôi chút, gọi là trông hồ lô vẽ gáo, bắt chước văn nhân, chứ riêng khoản chơi đàn thì cậu dốt đặc cán mai.
Về quá khứ năm năm nay, phần lớn thời gian cậu dồn cả vào việc học hành thi cử, còn đâu thì giờ mà học đánh đàn?
Thế nên, Đường Thận chỉ ngồi cạnh xem Vương Trăn lên dây đàn. Chỉnh âm xong, Vương Trăn hỏi: “Tiểu sư đệ muốn nghe khúc nào?”
Đường Thận buột miệng: “Cao sơn lưu thủy.”
Cái này không trách Đường Thận tai trâu được, bởi khúc
Cao sơn lưu thủy quá nổi tiếng ở thời hiện đại, đi vào cả thành ngữ ca dao. Đường Thận không nghe cổ cầm bao giờ, chỉ gọi tên được mỗi khúc nhạc này là đúng rồi.
Không hiểu sao câu trả lời ấy lại khiến Vương Trăn bật cười. Chàng thở dài: “
Cao sơn lưu thủy được chia làm hai khúc, một là
Cao sơn, hai là
Lưu thủy.”
Đường Thận: “Ủa, thế cơ ạ? Thế sư huynh có đàn được cả hai khúc ấy không?”
“Cầm phổ của khúc
Cao sơn lưu thủy đã bị thất truyền từ thời Thái tổ do chiến loạn. Bản được lưu giữ hiện giờ chỉ là tàn phổ thôi.”
Sau đó Vương Trăn cũng không hỏi lại Đường Thận nữa mà đàn khúc
Quảng Lăng tán.
Đường Thận dụi mũi, biết sư huynh đã rõ mình là đồ văn hóa lùn nên mới không thèm hỏi nữa kẻo cậu lại xấu hổ. Câu nghe khúc Quảng Lăng cũng chẳng hiểu gì mấy, chỉ thấy giai điệu cảm động ra phết. Là người hiện đại, Đường Thận hay nghe những bài hát thịnh hành thay vì nhạc cổ cầm trang nhã. Nói tóm lại, môn nghệ thuật này nằm ngoài tầm thưởng thức của cậu.
Nhưng khi ngắm phong thái chơi đàn của Vương Trăn dưới ánh trăng, Đường Thận dần dần ngộ ra đôi điều.
“Có lẽ khi lắng nghe âm nhạc, thứ mình thưởng thức không chỉ là khúc nhạc mà còn là người chơi đàn nữa.” Đường Thận kết luận thầm trong lòng.
Vẻ phong nhã, khoáng đạt của sư huynh nhà mình đã đạt đến tầm cao mới rồi!
Nếu bây giờ có một trận gió thổi quá, cậu nghĩ Vương Tử Phong có thể cưỡi gió vút bay, mọc cánh thành tiên luôn ấy chứ!
Gảy xong khúc Quảng Lăng, Vương Trăn sai thư đồng cất cổ cầm đi. Sư huynh đệ cùng nhau nhâm nhi ấm trà, thưởng thức đêm trăng. Vương Trăn hỏi: “Sao hôm nay tiểu sư đệ nổi hứng sang chơi phủ Thượng thư thế?”
Đường Thận nghĩ thầm, huynh lại chẳng biết quá còn gì. Huống hồ ngay từ lúc đến đây ta đã nói rằng mình nhận được quà của huynh, tức đã biết huynh đưa lọ tinh dầu thủy tinh cho hoàng đế và xin cho ta danh hiệu hoàng thương rồi. Anh chàng Vương Tử Phong này là chúa vòng vo tam quốc! Lắm lúc nói một câu là xong cả chuyện mà anh ta không nói đâu, cứ thích bắt người khác phải trình bày củ tỉ âm ti cho mình nghe mới chịu.
Những điều ấy Đường Thận chỉ có thể than thở trong lòng chứ nào dám nói ra miệng. Cậu tỏ thái độ kính ngưỡng với Vương Trăn: “Hôm nay thánh thượng đã vời đệ vào điện Thùy Củng và cho xem bình lưu ly.”
Vương Trăn thở dài: “Hôm đó cũng tình cờ bị thánh thượng bắt gặp thôi. Bệ hạ thích quá nên ta đành phải tặng người. Tiểu sư đệ, đệ không trách ta đấy chứ?”
Đường Thận: “…”
Cái đuôi bự đã lòi ra rồi mà con sói này còn ỡm à ỡm ờ!
Đường Thận lập tức đáp: “Đương nhiên là không rồi, đệ cảm ơn sư huynh còn chưa đủ nữa là. Thánh thượng ra lệnh cho đệ thay hết cửa sổ điện Thùy Củng bằng ngọc lưu ly trong suốt. Từ giờ việc cung cấp ngọc lưu ly hoàn toàn thuộc về Đường gia.”
Vương Trăn cười, tự châm trà cho bản thân rồi hất cằm hỏi Đường Thận, Đường Thận đẩy chén của mình sang.
Đường Thận: “Có điều đệ cứ băn khoăn mãi… rốt cuộc sư huynh đã làm thế nào vậy?”
“Tiểu sư đệ quên ta là ai rồi sao?”
Đường Thận ngạc nhiên: “Dạ, sư huynh?”
Vương Trăn thưởng thức trà, khoan thai nói: “Ta là Thượng thư bộ Hộ đó, tiểu sư đệ ơi.”
Đường Thận bấy giờ mới bừng tỉnh.
Việc sắp đặt cho Đường gia lọt vào mắt xanh của hoàng đế rồi trở thành hoàng thương không hề dễ dàng đối với người khác. Còn đối với Vương Trăn thì việc này hoàn toàn thuộc thẩm quyền của chàng, chàng thực hiện nó là điều chẳng ai có thể dị nghị. Song Vương Trăn nói nhẹ nhàng thế thôi, với cái thói đa nghi của Triệu Phụ, muốn vận động cho thủy tinh của Đường gia thành hoàng thương, ắt hẳn chàng đã phải vận dụng nhiều thủ đoạn tinh vi mà Đường Thận không tưởng tượng nổi.
Hai tháng dày công mưu kế làm sao lấp nổi chỉ bằng một câu “Thượng thư bộ Hộ”?
Nhưng dù Đường Thận có gặng hỏi thì Vương Trăn cũng không nói hơn đâu.
Đường Thận suy tư một hồi thì cũng hiểu ý của Vương Trăn. Cậu tặng cho chàng lọ tinh dầu lưu ly, chàng lại đáp lễ cậu nhiều như thế, vốn sẵn lòng cảm kích, cậu nhất định sẽ càng biết ơn Vương Trăn hơn. Hoàng đế chú trọng việc thị uy kết hợp ban ơn, quyền thần đương nhiên cũng vậy. Thủ đoạn quan trường của Vương Tử Phong quá tinh tế, không hổ là người mà Lương Tụng phải khen là dễ làm quan và có tài làm quan nhất trên đời.
Nhưng dù Đường Thận hiểu rõ điều ấy đi chăng nữa, cậu vẫn hàm ơn Vương Trăn vô cùng.
Thu phục lòng người chẳng qua chỉ là một mục đích của Vương Trăn. Đường Thận có thể nhận ra rằng Vương Trăn tử tế với mình thật. Nếu chỉ để mua chuộc lòng thành của một viên quan tứ phẩm, Vương Trăn việc gì phải làm nhiều thế? Chàng vắt óc bày mưu, phần nhiều là bởi chàng thực lòng xem mình là sư đệ.
Đường Thận nói: “Bình Hoàng Kim Lũ đã vào tay bệ hạ rồi, e là không lấy lại được. Đệ làm cho sư huynh một bình khác nhé, được không?”
Đôi mắt Vương Trăn ngậm cười, chàng chỉ chờ câu này của Đường Thận thôi: “Được.”
Hai người tán gẫu một hồi thì trời cũng đã tối, ngày mai còn phải lên triều. Người hầu đi vào đình dọn điểm tâm và trà nước trên bàn.
Vương Trăn: “Tuy trễ hai tháng, nhưng tiểu sư đệ có thích món quà Tết này của ta không?”
Ơ kìa? Giờ không vờ vĩnh nữa à?
Đường Thận chả biết Vương Trăn giở tiếp bài gì, cậu nghĩ một lát, quyết định nói thật lòng: “Thích ạ!”
Vương Trăn cười tươi: “Thích là tốt.”
Ngoài dự kiến của Vương Trăn, Đường Thận không về ngay. Cậu theo Vương Trăn vào thư phòng, nói: “Bút lực của sư huynh hùng tráng mạnh mẽ, hạ bút là như phượng múa rồng bay. Tuy đệ học theo nét chữ của sư huynh, nhưng còn xa mới đuổi kịp. Đệ muốn xin sư huynh ba chữ đại tự.”
Vương Trăn nhướng mày: “Ba chữ gì?”
“Bách Bảo Các.”
Vương Trăn liếc Đường Thận đầy thâm thúy, rồi chàng rút cây bút lông sói, chấm mực, múa bút viết ba chữ “Bách Bảo Các”.
Đường Thận ngắm nghía, viết đẹp quá đi thôi. Chờ mực khô, cậu nhanh nhẹn xin bức thư pháp.
Gần về, Đường Thận rút một hộp gấm nhỏ rất đẹp ra từ trong tay áo, nhét vào tay Vương Trăn. Vương Trăn ngạc nhiên, Đường Thận nói: “Tặng sư huynh chút quà mọn nè.”
Vương Trăn mỉm cười: “Tiểu sư đệ suốt ngày quà cáp mà cứ chối là không hối lộ, buộc ta đáp lễ hoài. Xem ra đêm nay ta lại phải trằn trọc thao thức, động não xem nên tặng sư đệ cái gì rồi.”
“Sư huynh vừa tặng quà cho đệ đấy thôi.”
“Hả?”
Đường Thận phe phẩy cuộn thư pháp trên tay, nói: “Mai lên triều rồi mình gặp nhau nhé, sư huynh không phải tiễn đâu.”
Dõi mắt nhìn theo bóng lưng Đường Thận xa dần, chờ cậu đi khuất hẳn, Vương Trăn mới trở lại phủ Thượng thư. Chàng thay quần áo, rửa mặt sạch sẽ rồi ngồi xuống án thư, mở hộp gấm Đường Thận nhét vào tay mình hồi nãy. Hộp mở ra, Vương Trăn giật mình ngỡ ngàng hồi lâu. Chàng thở dài: “Mình còn tưởng là ngọc bội hay túi hương, hóa ra là khế ước.”
Cứ thế, khế ước cổ phần của của Bách Bảo Các bị Vương Tử Phong để nguyên trên bàn, đến tận trước lúc lên giường chàng mới cất nó vào hốc bí mật ở trong phòng ngủ.
Ở phủ Thám hoa, Đường Thận đã về nhà, nhưng chẳng tài nào ngủ được.
Cậu nằm thao thức mãi trên giường, trở mình qua lại.
Hôm nay cậu tặng Vương Trăn một món quá lớn: Cổ phần của Bách Bảo Các!
Người khác có thể không rõ khoản cổ phần này đại diện cho cái gì, ngay cả Vương Trăn có khi cũng không biết số cổ phần ấy trị giá bao nhiêu tiền, nhưng Đường Thận cho đi thật đơn giản. Cậu không hề tiếc số tiền ấy, bởi thứ nhất, tặng cổ phần Bách Bảo Các cho Vương Trăn là cách cậu thể hiện lòng biết ơn của cậu với chàng. Cậu biết Vương Tử Phong ưu ái mình hết mực, song vì không có cách nào báo đáp nên cậu đành tặng chàng cổ phần. Thứ hai, ở Thịnh Kinh, Vương Trăn là người quyền cao chức trọng, là Thượng thư bộ Hộ chuyên quản lí thương nghiệp. Có được sự hậu thuẫn của chàng, Bách Bảo Các nhất định sẽ đánh đâu thắng đó, không gì cản nổi.
Nhưng thực ra, điều khiến Đường Thận thao thức mãi lại là dáng vẻ của Vương Tử Phong khi gảy đàn tối nay.
Trăng sáng trong ngần, áo xanh mão ngọc.
Ví bằng tất cả mọi người trên đời đều khen Vương Tử Phong là người đàn ông xuất sắc, diện mạo xuất chúng, khí chất phi phàm, Đường Thận nhất định sẽ tán thành hai tay hai chân: sư huynh nhà cậu sắp thành tiên đến nơi rồi, những kẻ phàm phu tục tử khác làm sao sánh nổi? Nhưng dường như tối nay Vương Tử Phong đã đạt đến cảnh giới mới.
“Chơi đàn đúng là vũ khí làm màu tối thượng, sau này mình có nên đi học đàn không nhỉ?”
Đường Thận nghĩ ngợi một hồi, bèn phủi ngay ý định viển vông ấy đi.
Tài đàn của Vương Tử Phong được ví như nhạc tiên, cậu mà rớ vào đàn khéo lại thành bật bông ấy chứ, thôi thôi hãy quên đi cho lành.
Nghĩ vẩn nghĩ vơ gần nửa canh giờ, Đường Thận mới ngủ được.
Đầu tháng ba, trên phố lớn Chính Dương Môn, có một người bí ẩn mua liên tiếp ba cửa hàng liền kề nhau, đóng cửa sửa sang.
Thịnh Kinh là trung tâm chính trị, văn hóa và kinh tế của Đại Tống, sự phồn hoa của phố lớn Chính Dương vượt quá sức tưởng tượng của người bình thường. Mặc dù vậy, kể cả trên phố lớn Chính Dương Môn thì cũng hiếm khi người ta thấy nhà nào mua đứt ba cửa hàng liên tiếp để gộp làm một tiệm.
“Mặt tiền lớn thế, chả biết bán cái gì nhỉ?”
Nhân viên một tửu lầu chênh chếch ở phía đối diện nghĩ thầm: “Có khi định mở phường nhuộm vải cũng nên?”
Quản lí bó tay: “Ai lại đi mở phường nhuộm ở đường Chính Dương Môn hả cái thằng này? Ở đây tấc đất tấc vàng, người ta có bị lừa sút vào đầu cũng không mở xưởng ở đây!”
Tay nhân viên cười hềnh hệch: “Quản lí, vậy ngài bảo người ta định bán gì đây? Mua đứt mặt tiền cả ba cửa hàng, tóm lại họ làm gì mà kinh thế?”
Quản lí nói: “Làm gì thì cũng chẳng can hệ đến nhà ta. Khu Chính Dương Môn này bao nhiêu là tửu lầu, ngay cả lầu Thiên Lý cũng chẳng dám mở quán to thế. Chắc họ không làm tửu lầu đâu, kệ xác bọn họ.”
Người dân Thịnh Kinh đi ngang qua phố lớn Chính Dương Môn đều thấy cảnh ba cửa hàng đang sửa sang tu bổ. Quản lí và nhân viên tửu lầu sinh lòng hiếu kỳ thì những người đi đường đương nhiên cũng thế. Nhưng mãi nửa tháng mà không thấy cửa hàng ba gian đó có động tĩnh gì.
Đến mùng hai tháng tư, có người thấy quản lý Lục của lầu Tế Hà đi vào khu nhà ấy.
“Ô, chẳng phải quản lý Lục của lầu Tế Hà đó sao? Lẽ nào, ông ta sắp mở tửu lầu bán bát hà cung trên phố lớn Chính Dương Môn?”
“Làm sao mà được. Sau khi lầu Tế Hà xuất hiện đã có mấy nhà khác ăn theo, kinh doanh tửu lầu chuyên bát hà cung. Tuy hương vị không ngon như lầu Tế Hà, cung cách phục vụ của tiểu nhị cũng kém xa, nhưng ở Thịnh Kinh chẳng thiếu tửu lầu bán bát hà cung. Quản lí Lục hơi đâu mà mở một tửu lầu to đùng ngã ngửa thế!”
“Vậy rốt cuộc ông ta định làm gì?”
Rốt cuộc Lầu Tế Hà định làm gì đây?
Hay nói đúng hơn, rốt cuộc Đường Thận sẽ đi nước cờ nào?
Vương Trăn cầm khế ước cổ phần Bách Bảo Các trong tay mà lòng tràn trề hưng phấn, chính chàng cũng thấy tò mò đến lạ.