Tan làm, Đường Thận đợi ở điện Cần Chính một lúc, sau đó thì lên xe ngựa của Vương Trăn, hai người cùng xuất cung.
Thời cổ đại, quan lại cũng có khái niệm tăng ca và không tăng ca. Giống như thời hiện đại, các cấp lãnh đạo chả mấy khi phải tăng ca, Vương Trăn hiếm lắm mới có hôm phải làm việc thêm giờ. Nhưng Trung Thư xá nhân dạng như Đường Thận, đâu phải cứ hết việc là được tan làm, còn phải để ý xem cấp trên đã về chưa nữa.
Lãnh đạo còn ngồi đó, anh có dám về không?
May mà cấp trên của Đường Thận, Hữu thừa Từ Bí – Từ tướng công – là người cao tuổi, rất ít khi ở lại nha môn quá giờ, nên Đường Thận cũng thường xuyên thoát kiếp tăng ca.
Hai người xuất cung xong không đến Bách Bảo Các ngay mà ai về phủ nấy trước để thay quan bào.
Khi Vương Trăn đến phủ Thám hoa thì Đường Thận đã thay xong quần áo ra đường. Thấy kiệu của Vương Trăn, cậu hơi ngạc nhiên. Lên kiệu, Đường Thận thắc mắc: “Sư huynh, mình đang đi xe ngựa cơ mà, sao lại đổi thành kiệu thế này?”
Vương Trăn mặc bào gấm trắng tinh, phong thần tuấn nhã, tay cầm chiếc quạt. Chiếc quạt đang được gấp gọn lại, chàng gõ nhè nhẹ vào lòng bàn tay, khiến viên đá tiết gà màu đỏ thẫm treo dưới đuôi quạt khẽ đung đưa.
“Từ đây đến phố lớn Chính Dương Môn khá gần mà. Tiểu sư đệ, đệ không muốn đi kiệu à?”
Đường Thận: “Không phải đâu ạ.”
Thực ra là vì xe ngựa rộng hơn, hai người đàn ông ngồi rất thoải mái. Giờ đi kiệu thì chật hơn chút, khiến cậu và Vương Trăn cứ phải ngồi sát vào nhau. Đường Thận thầm than thở một hồi, chợt ánh mắt cậu bị thu hút bởi cây quạt trên tay Vương Trăn.
Vương Trăn thấy cậu để ý thì hỏi: “Muốn xem thử không?”
“Có ạ.”
Vương Trăn đưa quạt cho Đường Thận, Đường Thận chẳng buồn xòe nó ra mà chỉ nâng viên bảo thạch màu đỏ móc dưới chuôi quạt lên.
“Màu sắc như tiết gà, sáng bóng tựa ngọc quý. Chất ngọc trong, láng mượt, có thể xếp vào loại dương chi đống1.” Đường Thận ngẩng lên hỏi: “Sư huynh, đây có phải đá tiết gà Xương Hóa2 không?”
[1] Loại trong mờ và có màu trắng, cực kì quý trong các loại ĐTG [2] Xương Hóa (Chiết Giang) – một trong hai địa điểm khai thác duy nhất của ĐTG. Xem thêmVương Trăn bật cười.
Chàng thở dài nhè nhẹ, lấy lại cây quạt: “Đúng là đá tiết gà Xương Hóa.”
Đường Thận cười rất tự tin.
Về thời cổ đại đã được năm năm, từ khi Đường Thận bắt đầu kinh doanh, cậu bắt buộc phải tiếp xúc với một số loại đồ cổ quý báu và bảo thạch. Hồi trước, Đường Thận còn lâu mới nhận ra đá tiết gà nữa là đá tiết gà Xương Hóa! Nhưng gần đây do Bách Bảo Các đang có kế hoạch bày bán thêm các sản phẩm đá quý, Đường Thận bèn đọc thêm nhiều tạp thư để học hỏi chút đỉnh. Hôm nay vừa khéo được ứng dụng kiến thức, cậu khá là tự đắc.
“Soạt” một tiếng, Vương Trăn xòe chiếc quạt trắng muốt ra, buồn bã nói: “Ta cứ tưởng, tiểu sư đệ xin quạt vì muốn xem tranh vẽ và chữ viết trên mặt quạt cơ.”
“Ơ?” Đường Thận sửng sốt, quay sang nhìn chiếc quạt.
Trên mặt quạt trắng vẽ một bức tranh người đẹp thả mồi cho cá ăn, bên cạnh đề một dòng chữ.
“Trạm gửi hoa mai, cá đưa bức lụa, xây nỗi hận chất chồng vô số3.” Đường Thận đọc chữ trên mặt quạt.
Đóa hoa mai gửi tình nồng. Mẩu thư nho nhỏ ta lồng tương tư.
Đây còn là một bức mỹ nhân ôm nỗi khuê oán4 đang cho cá ăn nữa!
[3] Gửi hoa mai: nhung nhớ người phương xa; thư trong bụng cá: chỉ việc gửi thư từ.Đường Thận suy tính nhanh như chớp, khen lấy khen để: “Tranh và chữ của sư huynh, quả nhiên đã đạt tới đỉnh cao.”
Lạc khoản trên hàng chữ và bức họa kia đều là Vương Tử Phong.
Khóe môi Vương Trăn nhếch lên, chàng không nói thêm gì nữa.
Chẳng mấy chốc hai người đã đến Bách Bảo Các.
Có đủ mọi loại khách hàng ở Bách Bảo Các, phu nhân nhà quan, bình dân bách tính, bất kì đối tượng nào cũng có thể được tìm thấy ở tiệm. Thế nhưng khi Vương Trăn và Đường Thận bước vào cửa thì khá nhiều người phải ngoái nhìn họ vài lần. Đường Thận chỉ nghĩ rằng họ chú ý đến Vương Trăn, cậu khen nửa thật, nửa tâng bốc: “Dù mặc thường phục thì khí chất của sư huynh vẫn khác xa mọi người.”
Vương Trăn liếc xéo cậu: “Đệ tưởng họ chỉ nhìn mình ta đấy ư?”
Đường Thận ngẩn ra.
Vương Trăn tủm tỉm cười, đổi trọng tâm câu chuyện: “Giờ mình đã vào cửa hàng, xong làm thế nào nữa?”
Nhân viên trong cửa hàng đương nhiên nhận ra Đường Thận, có nhân viên định đến chào hỏi và hướng dẫn hai người, nhưng Đường Thận lắc đầu ngay, ý bảo cậu sẽ đích thân tiếp đãi vị khách này. Đường Thận nói: “Huynh lấy một cái làn, thấy thứ gì mình thích mua thì để vào đó, cuối cùng ra cửa còn lại để tính tiền là được.”
Vương Trăn xách một cái làn lên, động tác rất khoan thai, thoải mái.
Ấy thế mà Đường Thận lại nhướng mày. Vương Tử Phong quý phái cao sang xách cái làn đi chợ, trông thế nào cũng không vừa mắt cậu. Đường Thận bèn lấy cái làn Vương Trăn đang cầm: “Sư huynh đến đây là khách, để đệ xách làn cho.” Quả nhiên, vừa thoát khỏi cái làn đi chợ là Vương Trăn bay bổng tiên khí ngay.
Rất chuẩn.
Lòng riêng của Đường Thận sao giấu nổi Vương Trăn? Vương Trăn thầm nhủ, người đâu mà đáng yêu thế chứ lị, nhưng chàng không nhiều lời, chỉ nói: “Vậy mình đi thôi.”
Hai người liền dạo chơi trong Bách Bảo Các.
Tầng một của Bách Bảo Các phần lớn là các vật dụng sinh hoạt, vì thế khách mua hàng đều là dân thường trong thành Thịnh Kinh. Thấy Vương Trăn và Đường Thận vai kề vai, mọi người đều vô thức nhìn về phía họ. Đường Thận không biết, người dân không chỉ nhìn Vương Trăn mà còn chú ý đến cả cậu nữa.
Làm quan ba năm, sự tích lũy trải nghiệm đã hun đúc nên uy thế của một vị quan ở Đường Thận.
Bên cạnh đó, tuy Đường Thận không để ý, nhưng ngày qua ngày bầu bạn với Vương Tử Phong, con người cậu đã dần dần thay đổi dưới ảnh hưởng của sư huynh. Giờ mỗi hành động của Đường Thận đều có phong phạm của công tử quyền thế. Tuy khí chất của cậu không xuất phát trên cơ sở được rèn giũa từ bé, nhưng thế cũng đủ để khác xa người thường rồi.
Người ta hay nói gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Hay lêu lổng đầu đường xó chợ thì dễ nhiễm thói lưu manh. Chăm đọc sách luyện chữ, sẽ rèn nên khí phách của người quân tử.
Vương Trăn hôm nay cực kì kiên nhẫn, chàng đi dạo hết tầng một xong mới lên tầng hai.
Hai người lên tầng hai, ngắm nghía từng gian hàng rồi mới đến gian bán gương. Hai ngày hôm trước lúc Bách Bảo Các mới khai trương, có rất nhiều khách hàng có nhu cầu mua gương, kéo đến chật kín cửa hàng. Hôm nay thì thoáng đãng hơn hẳn vì những người muốn mua gương đã mua hết cả rồi, còn những ai không mua nổi cũng không đến xem nữa.
Hiếm lắm mới có dịp Vương Trăn phải tỏ ra ngạc nhiên. Chàng ngắm nghía một hồi, nhận xét: “Rõ nét hơn gương bạc nhiều đấy.”
Đường Thận cười toe.
Gương thời cổ đại chia làm hai loại là gương đồng và gương bạc.
Với người dân bình thường, có một chiếc gương đồng đã là khá tốt rồi. Thường thì họ không đủ tiền mua gương đồng chất lượng cao, nên hình ảnh trong gương khá mờ mịt. Gương đồng loại tốt nhất có thể soi rõ được gương mặt người soi. Riêng gương bạc thì chỉ các nhà giàu sang mới đủ điều kiện sắm. Để chế tạo ra một chiếc gương bạc rất đắt đỏ, mức độ tinh xảo vượt trội, hình ảnh cũng rất sắc nét, không mấy chênh lệch so với gương thủy tinh. Nhưng dù gì đi chăng nữa thì gương bạc vẫn không đạt được độ trong như gương thủy tinh và không rẻ bằng. Chính vì thế, khi gương thủy tinh vừa xuất hiện ở Bách Bảo Các, nữ giới quyền quý ở Thịnh Kinh đã tức tốc mua thật nhiều cho nhà mình.
Đường Thận nói: “Cái này khó chế tạo nhất vì nó là ngọc lưu ly. Sau này, Bách Bảo Các sẽ sản xuất ra những loại gương đơn giản hơn để dưới tầng một, sao cho bình dân cũng có thể mua được.
Đến lúc hai người chuẩn bị ra về, Đường Thận nháy mắt với nhân viên một cái, nhân viên của cậu lập tức bê một tấm gương cao bằng người thật đến.
Chiếc gương phản chiếu sắc nét hình ảnh của Đường Thận và Vương Trăn. Vương Trăn ngỡ ngàng nhìn cậu. Đường Thận cười: “Tấm gương này là để tặng sư huynh đây. Sư huynh cũng biết, thánh thượng ra lệnh cho Đường gia của đệ thay hết cửa sổ điện Thùy Củng thành lưu ly. Công nhân xưởng làm đi làm lại bao nhiêu lần mới cho ra lò được tấm ngọc lưu ly vừa to vừa rộng cỡ này. Sau khi làm ra loại lưu ly ấy, đệ lại chế tạo thành ba chiếc gương lớn.
Nói đến đây, Đường Thận “e hèm” hai tiếng: “Một chiếc dâng lên Thánh Thượng, hai chiếc còn lại tặng sư huynh và biếu tiên sinh. Hai chiếc gương này được chế tạo lần đầu nên còn khá thô sơ, và cũng do đệ thiết kế lần đầu nên kiểu dáng hoa văn chưa được đẹp lắm.”
Vương Trăn lặng thinh. Giây lát sau, chàng cười khẽ: “Tấm gương này tuyệt lắm.”
Đường Thận nghĩ thầm: Vậy lần tặng quà này của mình xem như trót lọt ha?
Buổi đi siêu thị hôm nay, cả khách lẫn chủ đều tràn trề niềm vui.
Chẳng biết từ bao giờ, Đường Thận đã hình thành thói quen tặng quà cho Vương Trăn. Ban đầu thì chỉ nhằm mục đích vuốt mông ngựa tranh thủ tình cảm, nhưng dần dà, mỗi khi thấy Vương Trăn sung sướng vì món quà mình tặng, tâm hồn Đường Thận cũng phơi phới theo.
Vương Tử Phong tử tế với cậu lắm, nên cậu rất muốn đền đáp chàng. Tặng quà chính là một cách tốt.
Đêm đó, Đường Thận nằm mơ đẹp ơi là đẹp, đến khi tỉnh mộng lại quên mất tiêu, chỉ nhớ giấc mơ ấy êm đềm khôn tả.
Cuối tháng tư, Đường gia xuất xưởng hơn mười tấm thủy tinh lớn, chuyển vào hoàng cung để thay cửa sổ cho điện Thùy Củng.
Triệu Phụ vốn chỉ nhờ Đường Thận thay cửa sổ lấy lệ, cốt là để có lý do ban thưởng cho cậu qua việc cất nhắc Đường gia lên thành hoàng thương. Ai ngờ sau khi thay cửa sổ kính xong, Triệu Phụ thích quá, vung bút rồng viết luôn một bức hoành mới treo trong nội điện của điện Thùy Củng.
『Tiên ly động thiên』!
Tất cả cửa sổ đều làm từ ngọc lưu ly, kể cả trên thiên đình nơi thần tiên ơ đi chăng nữa cũng chỉ tráng lệ đến thế là cùng!
Triệu Phụ cực kì đẹp lòng, ban thưởng cho Đường Thận không biết bao nhiêu thứ, đồng thời giao thêm một nhiệm vụ: “Cảnh Tắc, hoàng cung của trẫm còn điện Tử Thần, điện Đại Khánh,… khanh hãy đổi hết thành cửa sổ lưu ly đi!”
Đường Thận kêu rầm rĩ trong lòng nhưng ngoài mặt phải nói: “Thần quá đỗi vinh hạnh, quyết không phụ sự giao phó của bệ hạ!”
Thủy tinh cỡ lớn cực kì khó chế tạo, xưởng Đường gia lại phải tăng giờ làm.
Hoạt động của Bách Bảo Các dần dần đi vào ổn định, Đường Thận cũng từ từ chuyển giao việc làm ăn cho Đường Hoàng và quản lí Lục.
Hạ tuần tháng năm, Đường Thận đang thẩm duyệt tấu chương trong điện Cần Chính. Cậu mở một bản tấu từ ngoại tỉnh gửi đến. Càng đọc, Đường Thận càng bị thu hút bởi nội dung của bản tấu. Đọc đến hết, cậu lại đọc thêm một lần nữa từ đầu.
Suy tư hồi lâu, Đường Thận quyết định cầm bản tấu ấy đến phòng Từ Bí.
Đường Thận thi lễ trước rồi mới thưa: “Từ tướng công, hạ quan Đường Thận xin bẩm báo. Hôm nay hạ quan bắt gặp bản tấu này, thiết nghĩ nên trình lên đại nhân trước rồi mới tóm tắt.”
Từ Bí đặt cuốn sách đang cầm xuống: “Ồ? Tấu chương gì thế, đưa đây ta xem.”
Đường Thận cung kính dâng cuốn sổ lên cho ông.
Từ Bí giở ra đọc, đọc xong, ông cười: “Không ngờ xứ Thục5 có chuyện lí thú đến vậy. Dùng giấy làm tiền tệ, đúng là một ý tưởng hay đấy. Đất Thục đường xá khúc khuỷu, giao thông khó khăn, từ xưa đến nay ít khi liên lạc với bên ngoài, chẳng khác nào một vương quốc nhỏ với quyền tự trị.” Từ Bí dừng một lát rồi mới nói tiếp: “Câu ấy chỉ nói giữa hai chúng ta, và chỉ trong căn phòng này thôi nhé.”
Đường Thận hơi hoảng, nói ngay: “Vâng.”
Từ Bí: “Việc lưu hành tiền giấy mà phát sinh ở địa phương khác thì có vẻ kì lạ, nhưng ở vùng Thục thì hết sức bình thường. Bản tấu này cũng thú vị đấy, cứ để ở chỗ ta đi, hôm nay ta sẽ tự tay trình lên thánh thượng. Cho ngươi lui.”
“Dạ.”
Đường Thận ra khỏi chỗ Từ Bí mà lòng đầy bối rối, không thể bình tĩnh được.
Tiền giấy xuất hiện ở đất Thục thuộc Đại Tống vào thời khắc này không hề giống với “Giao tử” trong trí nhớ của Đường Thận, nó còn không có tên. Nhưng Đường Thận biết, việc tiền giấy thay thế tiền đồng, tiền bạc là xu thế tất yếu của lịch sử. Nếu có thể thúc đẩy sự thay đổi nay thì nhất định sẽ làm nên nghiệp lớn, thậm chí là mở ra một thời kì mới cho sự phồn vinh của nền kinh tế Đại Tống!
Dựa theo lịch sử thế giới cậu từng học ở thời hiện đại, việc mở rộng giao tử ra phạm vi toàn quốc không thể xảy ra chỉ trong ngày một ngày hai. Ít nhất là bất khả thi dưới thời Triệu Phụ. Thậm chí đến khi Đường Thận qua đời chuyện ấy cũng chưa chắc đã hoàn thành.
Làm sao để tăng tốc quá trình phổ biến tiền giấy trên phạm vi toàn quốc đây?
Nhờ Từ Bí ư?
Từ tướng công tuy từng có hùng tài vĩ lược, nhưng những năm gần đây ông đã lui về tuyến hai, trước giờ không tranh với đời, hiếm khi phát biểu ý kiến trên triều đình. Giờ ông chỉ quan tâm đến việc làm sao cho công việc chỉn chu, không sai sót, chứ không còn tham vọng đột phá nữa. Nếu thương lượng chuyện này với ông, ông sẽ chẳng mấy quan tâm.
Đường Thận nghĩ Tần nghĩ Sở một hồi, cậu không về khu nhà làm việc của quan tứ phẩm ngay mà đi sang chỗ làm chung của Thượng thư bộ Hộ và Thượng thư bộ Lễ.
Thượng thư bộ Lễ Mạnh Lãng đang dặn dò cấp dưới để chuẩn bị cho nghi thức thờ cúng cuối tháng này. Bỗng dưng thấy Đường Thận đến, ông ta liền nhướng mày.
Đường Thận gõ cửa trước, Vương Trăn thấy cậu cũng hết sức ngạc nhiên.
Vương Trăn: “Vào đi.”
Đường Thận bước đến trước bàn Vương Trăn, hành lễ: “Hạ quan Đường Thận có việc xin thưa. Hạ quan chợt nhớ tối hôm qua quên chưa nói cho Thượng thư đại nhân một chuyện, không biết hiện giờ Thượng thư đại nhân có thể bớt chút thời gian không ạ?”
Mạnh Thượng thư cố ý cười ra tiếng: “Ta thấy quan phục của ngươi hình như là Trung thư xá nhân tứ phẩm chứ có phải quan bộ Hộ đâu. Sao ngươi lại có việc cần tìm Thượng thư bộ Hộ thế hả?