Có thể một người dù ghét cuộc sống nào đó hơn, khi biết mình sắp rời khỏi, cũng sẽ sinh ra một chút quyến luyến như thích bị ngược đãi – huống chi Chử Hoàn không ghét tộc Ly Y chút nào.
Sau khi từ bên kia sông trở về, Chử Hoàn không còn chui vào rừng mỗi ngày nữa, và ngoại trừ Nam Sơn ra thì anh cũng chẳng thèm để ý đến ai, cảm giác tồn tại ở trước mặt mọi người bỗng nhiên cao hơn hẳn.
Trước kia, Chử Hoàn thật lòng không thích trẻ con và động vật nhỏ, nhìn thấy bọn nhãi là đi vòng, nghe thấy chúng líu ríu là đầu căng lên.
Nhưng một ngày nọ, khi anh đứng ở trước cửa sổ nhà mình, ngẩng đầu nhìn thấy một đàn nhãi con đu trên ngọn cây như dơi, còn thò đầu tự cho là đang rình mò, Chử Hoàn lại không cảm thấy phiền, cứ như kỳ tích vậy.
Anh không tự chủ được nhớ tới cái dáng vẻ mèo ghét chó chê của mình lúc nhỏ, nghĩ bụng: “Nếu mai mốt Tiểu Lộ sinh đôi thì nhà họ đời này còn ngày nào thanh tịnh không?”
Chử Hoàn giơ tay vẫy vẫy mấy trinh sát trên cây, một đám nhãi ranh thò dài cổ tức khắc từ bồ nông rụt lại thành rùa, ngượng nghịu mày đánh tao tao đạp mày đùn đẩy nhau, không chịu đi tới.
Cuối cùng, vẫn là Sư Cọ Mốc gương mẫu làm đầu, cậy giao tình của một cục kẹo, từ trên cây nhảy xuống.
Đội trinh sát lúc này mới rào rào nhảy xuống như thả sủi cảo, Chử Hoàn quay về nhà lấy một nắm kẹo, cho mỗi đứa một cục, đuổi hết cả lũ đi.
Đương nhiên, cũng có đứa không dễ đuổi, như Sư Cọ Mốc chẳng hạn.
Sư Cọ Mốc lòng tham không đáy nhai ngấu nghiến như rắn nuốt voi, ăn xong kẹo còn thèm người, đứng đó hết sức thận trọng suy nghĩ giây lát, quyết định da mặt dày mới là nền tảng hàng đầu để thành công, thế là không biết xấu hổ ở lì đó, giơ hai tay về hướng Chử Hoàn.
Chử Hoàn giật mình lui lại một bước: “Làm gì vậy? Không phải muốn bế chứ?”
Sư Cọ Mốc nghiệm chứng một cách rõ ràng cho ý nghĩ của anh: “Bế đi!”
Chử Hoàn như tránh địa lôi, thận trọng tiến nửa bước, duy trì khoảng cách an toàn với Sư Cọ Mốc, hạ thấp giọng, dùng tiếng dân tộc Ly Y bập bẹ thử nói lý lẽ với nó: “Một ông già hung mãnh u ám, đến một đứa trẻ tràn trề nhiệt tình, cách nhau rất là xa, cháu biết không hả? Xa như từ mặt đất lên đến mặt trời vậy, chú vừa mới cất bước, cháu phải cho chú thời gian chứ.”
Chẳng biết là anh phát âm không chính xác nói không rõ ràng hay là thế nào mà Sư Cọ Mốc vẫn chẳng thèm lung lay, cứ cố chấp giơ tay ra.
Chử Hoàn thấy lý lẽ thuyết phục không được, đành phải dùng tình cảm lay chuyển – lại đưa thêm một cục kẹo: “Ăn đi, ăn xong thì đi chơi, ngoan.”
Đường đường trẻ em dân tộc Ly Y như lợn rừng, đâu dễ mua chuộc như vậy? Sư Cọ Mốc cầm kẹo, chẳng những không rung rinh, còn triển khai đại chiêu với Chử Hoàn: ôm chặt đùi anh.
Con rắn nhỏ thần kỳ kia không biết lại từ đâu chui ra, nhìn thấy tình cảnh này liền nắm chắc thời cơ quyết định quấy rối theo – nó nhanh chóng bò lên ống quần Chử Hoàn, cuốn nốt chân còn lại.
Chử Hoàn: “…”
Trên hai chân anh chịu tải sức nặng của “người và tự nhiên”, quả thật nhấc chân cũng khó.
Chử Hoàn đành phải dùng động tác ôm thuốc nổ, cẩn thận nâng Sư Cọ Mốc lên, đưa về cho cha mẹ nó.
Người mẹ hết sức xấu hổ vì hành vi của thằng con chuyên môn gây chuyện, trước mặt Chử Hoàn xách ngược Sư Cọ Mốc lên, đập cho một trận vào mông.
Chử Hoàn làm như không nhìn thấy, giả câm vờ điếc mà chuồn mất tăm, con rắn nhỏ trên vai anh nhô đầu ra, ném ánh mắt cảm thông về hướng đứa bé đang kêu cha gọi mẹ kia.
Cứ thế, Sư Cọ Mốc bình sinh lần đầu tiên nếm đủ thói đời nóng lạnh khi “người yêu là hạng cặn bã”, gào muốn đứt ruột đứt gan.
Lúc Chử Hoàn đi qua một dốc núi nhỏ, vừa vặn bắt gặp một đoàn các anh chàng chăn thả gia súc đang túm tụm chơi đùa, tiếng họ tán gẫu từ xa xa bị gió thổi vào tai anh.
Bất kể là đoàn thể chất phác thiện lương cỡ nào, cũng luôn có một hai kẻ xúi quẩy bình thường hay bị mọi người bắt nạt, hiển nhiên, trong đám con trai dân tộc Ly Y, Roi Ngựa chính là “Đậu Đậu” trong câu chuyện “Ăn ngủ đánh Đậu Đậu(1)” kia.
Mấy người vây Roi Ngựa vào giữa, Roi Ngựa đang ở đó đỏ mặt tía tai thanh minh: “Lúc ở bên kia sông, tao ở cùng đại vương đại vương bao nhiêu ngày, lúc tính sổ sách còn là tao tính giúp đấy! Anh ấy còn nói tao là anh em của mình.”
Những người khác giễu cợt: “Chỉ giỏi khoác lác!”
Một cậu chàng đấm ngực Roi Ngựa khiêu khích: “Mày nói ảnh là anh em của mày, vậy mày có dám kêu ảnh lại uống một ly không?”
Roi Ngựa: “Tao… tao…”
“Ê, tao thấy anh ấy rồi! Mày đi đi – không phải mày nói ảnh là anh em của mày hả, vẫy tay một cái là ảnh tới thôi!”
“Khoác lác tiếp đi!”
“Đúng thế, chỉ giỏi khoác lác, không phải cùng đi qua bên kia sông thôi sao? Đại Sơn cũng đi mà.”
“Bọn tao còn đi học với đại vương đại vương mỗi ngày, mày thì ngay cả tiếng của người ta cũng nói không được, còn anh với chả em.”
Roi Ngựa đỏ bừng mặt, giận dữ bỏ lại những người khác, cố lấy dũng khí sải bước về phía Chử Hoàn.
Nhưng dũng khí dọc đường cứ mất dần, chờ đến trước mặt Chử Hoàn thì trên cơ bản đã chả còn sót lại gì, cậu ta cúi đầu như sám hối đi đến trước mặt anh, đôi tay lem nhem căng thẳng vân vê ống quần, trên mặt đầy vẻ tuyệt vọng của học sinh trung học trượt môn ngoại ngữ đụng đầu giáo viên nước ngoài.
Chử Hoàn xấu xa tìm được một chút niềm vui “làm gương tốt” từ phản ứng của cậu ta – dù rằng anh cảm thấy mình giống một giáo viên chủ nhiệm hơn là giáo viên bộ môn.
Chử Hoàn: “Roi Ngựa, tìm tôi có việc gì à?”
Roi Ngựa lắp bắp, mặt đỏ như đèn giao thông ở ngã tư: “Tôi… tôi… uống… uống… uống chút rượu.”
… Cứ cảm thấy như cậu ta sắp òa khóc rồi.
Chử Hoàn vốn định làm khó Roi Ngựa một chút, nhưng thấy cậu ta quẫn bách như vậy cũng hơi ngại, vì thế đặt tay lên vai đối phương, thoải mái đồng ý, “Được, đi thôi.”
Roi Ngựa không ngờ là sẽ dễ dàng như vậy, kinh ngạc đứng đơ tại chỗ như tấm ván quan tài – không chỉ cậu ta, cả đám nhóc lớn đầu bên kia đều trợn tròn mắt theo, y như tập thể bị trúng pháp thuật định thân vậy.
Chử Hoàn sờ sờ mũi, không biết mình bình thường cao quý lãnh diễm đến mức nào.
Một đám trai trẻ ai cũng ngại nói chuyện với Chử Hoàn, đùn tới đẩy lui, cuối cùng nhất trí quyết định ném Roi Ngựa ra, Roi Ngựa lảo đảo hai bước chưa đứng vững, quỳ luôn một gối xuống.
Chử Hoàn ngồi trên sườn núi nhỏ, bắt chéo chân một cách tự nhiên, ung dung nói: “Cậu bé à, chưa đến Tết, có quỳ cũng không lì xì đâu.”
Roi Ngựa trong cơn căng thẳng căn bản không hiểu gì, cảm thấy mình bị bạn bè đẩy ra nướng trên lửa ngay giữa nơi đông người, trong đầu rối tinh rối mù.
Vò đầu bứt tai rất lâu, Roi Ngựa mới nghĩ ra một câu: “Đại… Đại vương đại vương, anh… anh ở nhà, vốn cũng chăn ngựa à?”
Chử Hoàn mặt không đổi sắc nói: “Tôi không chăn ngựa, tôi săn thú.”
Mọi người đều không hiểu, vội vàng nhỏ giọng hỏi xung quanh xem anh mới nói gì, thảo luận một hồi, biết rõ anh nói gì rồi, đều trưng ra vẻ mặt không tin.
Có một cậu trai la to: “Săn thú con thỏ à?”
Cậu nhóc nói chuyện mặt non choẹt, trông chỉ tầm mười sáu mười bảy tuổi, tên “Tiếng Sấm Kinh Thiên Động Địa”, Chử Hoàn liền đơn giản hóa, gọi cậu ta là “Pháo Kép”.
“Đó là ‘săn thỏ’, không phải ‘săn thú con thỏ’, trong tiếng Hán nên lược những chữ cần lược bớt.” Chử Hoàn đẩy kính, cảm thấy mình rất giống nhà giáo nhân dân, nói, “Tôi chủ yếu bắt chó hoang, tránh để chúng cắn người, có thể nói là chuyên môn bắt chó.”
Cậu nhóc Pháo Kép vừa rồi lay Roi Ngựa, khẽ dùng tiếng dân tộc Ly Y hỏi: “Không tin nói như thế nào?”
Roi Ngựa liền dạy: “Không xem mắt.”
Pháo Kép thấp giọng đọc hai lần, cảm thấy mình đã nắm được từ này, thế là vững dạ la to: “Không xem mắt!”
Chử Hoàn xấu xa liếc nhìn cậu ta, cười trêu ghẹo: “Xem mắt? Mới bằng này đã bắt đầu nhớ thương cô nào rồi, em đã thành niên chưa?”
Mấy cậu trai đi chăn gia súc vội vàng tạo thành tổ học tập ngôn ngữ lâm thời, bàn bạc thêm một lúc, mất chừng năm phút đồng hồ, ba cây chụm lại thảo luận ra ý của Chử Hoàn trong câu đó.
Chỉ thấy sắc mặt Pháo Kép từ mù mờ chuyển thành quẫn bách, cuối cùng hổn hển nhảy dựng lên, lôi Roi Ngựa đi đánh nhau.
Lúc Nam Sơn và trưởng giả từ đằng xa đi tới, nhìn thấy mọi người Đông Thi nhăn mày(2) học theo Chử Hoàn bắt chéo chân, bắt ra muôn hình vạn trạng, muôn sắc muôn màu – ngồi học thì đã đành, có cậu kia còn kỳ khôi hơn, một chân làm trụ, chân còn lại trầy trật giơ lên đầu gối, làm tư thế Kim kê độc lập.
Đàn ông tộc Ly Y giống như đều quá thừa tinh thần, bất kể là đứng hay ngồi, đều phải thẳng như cán bút mà như thông như chuông.
Động tác ngồi uể oải, tùy tiện dựa vào đâu đó bắt chéo chân như Chử Hoàn, dân trong tộc vốn không hề có.
Họ vĩnh viễn không học nổi sự lờ đờ và lơ đãng khi “người ở đây mà hồn bay nơi khác” của Chử Hoàn.
Trưởng giả nhìn thoáng qua, nói với Nam Sơn: “Trước kia không phải cậu ta không hay đi chung với tộc nhân à?”
Trưởng giả là một ông cụ, mặc trang phục quái dị nom như yếm, trước ngực có một cái túi to, nhét đầy các loại trái cây, thành một bộ ngực khủng cúp G.
Ông này bình thường còn ru rú trong nhà xuất quỷ nhập thần hơn cả Chử Hoàn, phần lớn thời gian không gặp ai, ngay cả Người Thủ Sơn đến cũng không đích thân lộ diện, cuối cùng vẫn là Lỗ Cách trước khi đi tới chào.
Chử Hoàn đến tộc Ly Y mấy tháng, chỉ gặp ông già này được đúng một lần.
Thái độ của Nam Sơn với trưởng giả vẫn luôn là trong cung kính có thân cận, cậu nhìn theo ánh mắt trưởng giả, khóe miệng không tự chủ được hiển lộ nét cười: “Chắc tính hơi lầm lì.”
Trưởng giả lấy một quả trong cái túi trước ngực, bàn tay gầy đét bẻ nó ra làm đôi, dòm phần ruột đã thối, khóe miệng thành hình cầu vòm: “Sâu ăn mất rồi.”
Nam Sơn thu ánh mắt khỏi Chử Hoàn: “Dạ?”
Trưởng giả bóng gió nói: “Có một số thứ như cái quả này, nhìn thì đẹp, nhưng bẻ ra mới thấy, bên trong không phải căn bản chưa chín, thì là bị sâu ăn rồi.”
Nam Sơn cau mày: “Ông nói Chử Hoàn? Anh ấy không phải người như vậy.”
Trưởng giả vứt trái cây thối đi, lại móc trong yếm ra hai chùm dâu dại có mầm, ném một chùm cho Nam Sơn, tiện tay chùi qua rồi nhét vào miệng.
Trưởng giả ẩn ý nhìn cây kèn Harmonica bên hông Nam Sơn, ậm ừ nói: “Cháu dựa vào đâu mà biết? Vì cậu ta cho cháu mấy món đồ chơi, tặng cháu mấy quyển sách?”
Nam Sơn không đáp.
“Cháu qua lại với người bên ngoài được mấy lần? Ngay cả ba mình mà cháu cũng không nhớ nổi, ông ta năm đó, cũng là…”
“Cháu biết mà.” Nam Sơn chợt mở miệng cắt ngang trưởng giả.
Cậu bỗng phát hiện mình không thích người khác nghi ngờ Chử Hoàn, bất kể là Lỗ Cách hay trưởng giả, Nam Sơn quyết định kết thúc câu chuyện một cách đơn giản và thô lỗ, vì thế cậu nói: “Cháu giận rồi đấy.”
Nói xong, cậu cứ thế đi đến bên dòng nước, rửa sạch dâu, bỏ trưởng giả lại đó, bước về hướng Chử Hoàn, không hề e dè mượn hoa dâng Phật ngay trước mặt trưởng giả.
Mấy cậu trai kia thấy tộc trưởng đến thì lập tức giải tán sạch, Nam Sơn đưa dâu dại còn tươi nguyên cho Chử Hoàn: “Mời anh ăn.”
“Còn có thứ này cơ à?” Mắt Chử Hoàn sáng rỡ – không phải anh thích ăn trái cây, mà anh thích loại thực vật đỏ đến sáng rực, xanh đến mọng nước này, “Chỗ các cậu là phong thủy bảo địa, mùa đông không lạnh, mùa hè cũng không nóng nhỉ?”
“Đó là do còn chưa tới mùa đông.” Nam Sơn nói, “Anh thích chỗ chúng tôi à?”
Chử Hoàn gật đầu không chút do dự.
Nam Sơn hỏi tiếp: “Thích tôi không?”
Chử Hoàn: “…”
Tuy anh biết Nam Sơn chỉ là do ngôn ngữ văn hóa khác biệt, thỉnh thoảng nhầm lẫn dẫn đến nói năng không e dè, nhưng vì trong lòng có ý nghĩ xấu xa, anh vẫn không tránh khỏi chột dạ, suýt nữa mắc nghẹn.
Thấy anh không trả lời, Nam Sơn đột nhiên hơi hồi hộp, tấm lưng vốn thẳng như lính càng thẳng hơn.
Chử Hoàn dừng một chút, lại không tự chủ được lảng tránh mâu thuẫn chủ yếu, vòng vo: “Cậu dễ mến như thế, hỏi ai mà không thích?”
Nam Sơn nghe ra sự miễn cưỡng, trong lòng chớp mắt liền có cảm giác mất mát.
Trầm mặc hồi lâu, cậu rầu rĩ hỏi: “Đã thích, thì vì sao không ở lại?”
Chử Hoàn nghiêng đầu nhìn cậu: “Nếu tôi phải đi, cậu có muốn đi theo tôi không?”
“Muốn,” Nam Sơn thản nhiên trả lời, “Nhưng tôi không thể đi được.”
Chử Hoàn nhón một lọn tóc cậu, kẹp ngọn tóc mân mê trên đầu ngón tay: “Tôi cũng tương tự vậy đấy – dù rằng ở chỗ chúng tôi, tôi chỉ là một nhân vật nhỏ, không có ảnh hưởng lớn như cậu, nhưng nếu có chuyện gì cần đến tôi, tôi vẫn phải lập tức đi ngay, cậu hiểu chứ?”
Nam Sơn nhìn thật sâu vào mắt anh.
Chử Hoàn vỗ vỗ vai cậu, đứng dậy, chỉ cây kèn Harmonica bên hông cậu mà nói: “Đừng đeo cái đó trên thắt lưng, có ngốc không vậy? Quần sắp tụt rồi kìa.”
Nam Sơn đè bàn tay Chử Hoàn đặt trên vai mình.
“Anh… nếu anh muốn đi…” Giọng Nam Sơn hơi khàn khàn, “Nhất định phải đi trước mùa đông, vì mùa đông chúng tôi phong sơn, anh sẽ không đi được nữa.”
(Phong sơn là chặn hết các con đường, ngăn mọi người lên xuống núi)—
Ăn ngủ đánh Đậu Đậu là một câu chuyện cười phổ biến trên mạng, nội dung đại khái như sau:Có một phóng viên đến Nam Cực phỏng vấn một đàn chim cánh cụt, anh ta hỏi con đầu tiên: “Thường ngày mày làm những gì?”Chim cánh cụt đáp: “Ăn, ngủ, đánh Đậu Đậu!”Tiếp theo lại hỏi con chim cánh cụt thứ hai, con đó vẫn đáp: “Ăn, ngủ, đánh Đậu Đậu!” Phóng viên vẻ mặt hoang mang hỏi lũ chim cánh cụt khác, đáp án đều giống nhau, cứ thế hỏi hết 99 con.Khi đi đến bên cạnh con chim cánh cụt thứ 100, phóng viên tiến lại hỏi: Thường ngày mày làm những gì?Con chim cánh cụt nọ trả lời: “Ăn, ngủ.”Anh ta ngạc nhiên hỏi tiếp: “Sao mày không đánh Đậu Đậu?”Chim cánh cụt xị mặt, trừng mắt nhìn tay phóng viên một cái nói: “Tôi chính là Đậu Đậu!!!!”Tây Thi nhăn mày vẫn được khen là xinh đẹp, nàng Đông Thi xấu xí thấy vậy tưởng cứ nhăn mày là đẹp, bèn học theo, rốt cuộc lại bị chế giễu. Câu này đại khái chê cười kẻ bắt chước mù quáng dẫn đến kết quả ngược lại.