Tam Quốc Diễn Nghĩa

Chương 58

HỒI 58

Mã Mạnh Khởi cất quân báo thù;

Tào A Man cắt râu, vứt áo.

Lại nói, người dâng kế là quan thị ngự sử Trần Quần tự Trường Vân.

Tháo hỏi:

- Trường Vân có kế gì hay?

Trần Quần thưa:

- Nay Lưu Bị, Tôn Quyền kết với nhau như môi với răng. Nếu Lưu Bị sang lấy Tây Xuyên, thừa tướng nên sai đại tướng đem quân ra hội với quân Hợp Phì, tắt sang đánh lấy Giang Nam. Tôn Quyền phải cầu với Lưu Bị. Lưu Bị mải lấy Tây Xuyên chắc không lòng nào cứu Tôn Quyền. Quyền không có cứu viện thì quân ít thế suy. Đất Giang Nam nhất định về tay thừa tướng. Giang Nam lấy xong, thì Kinh Châu chỉ một trận là phá được. Rồi ta sẽ dần dần lấy Tây Xuyên thế là thiên hạ bình định được cả.

Tháo nói:

- Ngươi nói hợp ý ta lắm!

Lập tức khởi ba mươi vạn đại quân, sang lấy Giang Nam, truyền cho Trương Liêu ở Hợp Phì, phải trữ sẵn lương thảo để cấp cho quân ăn.

Quân do thám báo tin cho Tôn Quyền. Quyền họp cả các tướng lại bàn bạc, Trương Chiêu nói:

- Nên sai Lỗ Túc đưa thư đến Kinh Châu, cầu cứu Huyền Đức, họp sức lại để chống nhau với Tào. Tử Kính đã làm ơn cho Huyền Đức, chắc Huyền Đức cũng phải nghe theo. Vả Huyền Đức lại là rể Đông Ngô, từ chối cũng khó. Nếu Huyền Đức giúp sức thì Giang Nam ta không lo gì nữa!

Quyền nghe lời, cho người đến bảo Lỗ Túc sang Kinh Châu cầu cứu. Túc vâng mệnh, viết thư đưa sang Huyền Đức. Huyền Đức xem xong giữ sứ giả nghỉ lại ở nhà khách và sai người ra Nam Quận mời Khổng Minh. Khổng Minh về đến nơi, Huyền Đức đem bức thư của Lỗ Túc cho xem. Xem xong Khổng Minh nói:

- Chẳng cần phải động đến quân Giang Nam, mà cũng chẳng cần phải động đến quân Kinh Châu, Tào Tháo tự nhiên không nhòm ngó đến miền đông nam nữa.

Nói đoạn, viết thư cho Lỗ Túc nói:

“Xin cứ việc nằm cao ngủ kĩ, không phải lo gì, nếu quân bắc đến xâm phạm. Hoàng thúc tôi tự khắc có kế đánh lui.”

Sứ giả đi rồi, Huyền Đức hỏi rằng:

- Tào Tháo cất ba mươi vạn đại quân hội với quân Hợp Phì rầm rộ kéo đến, tiên sinh có kế gì đánh lui được chúng?

Khổng Minh thưa:

- Xưa nay Tào Tháo chỉ lo quân Tây Lương, nay y giết mất Mã Đằng. Con Mã Đằng là Mã Siêu hiện đang thống lĩnh quân Tây Lương, tất nhiên căm tức Tào Tháo lắm. Chúa công nên viết một bức thư, kết liên với Mã Siêu, khiến hắn cất quân vào cửa ải thì Tháo còn thì giờ đâu mà sang đánh Giang Nam nữa?

Huyền Đức mừng lắm, viết thư sai người tin cậy mang đến Tây Lương.

Lại nói, Mã Siêu ở lại Tây Lương, đêm ngủ mơ thấy mình nằm trên vùng đất có tuyết, một đàn hổ đến ăn thịt, giật mình tỉnh dậy, trong bụng hồ nghi lắm, liền hợp cả tướng tá lại, nói rõ chuyện trong mộng. Có một tướng nói rằng:

- Mộng ấy là điềm dữ lắm!

Mọi người trông xem ai, thì ra hiệu úy Bàng Đức, tự là Lệnh Minh.

Siêu hỏi:

- Lệnh Minh thấy thế nào?

Đức thưa:

- Đất tuyến gặp hổ, mộng triệu xấu lắm, có lẽ lão tướng quân ở Hứa Xương có việc gì chăng?

Đức nói chưa dứt lời, có một người tất tả chạy vào, khóc lăn xuống đất nói:

- Chú và các em bị hại cả rồi!

Siêu trông ra thì là Mã Đại, Siêu giật mình hỏi cớ làm sao?

Đại nói:

- Chú với quan thị lang là Hoàng Khuê mưu giết Tào Tháo, chẳng may chuyện lộ, đều bị chém đầu ngoài chợ. Hai em cũng bị hại cả, chỉ một mình tôi giả làm lái buôn, trốn được về đây!

Siêu nghe nói, khóc lăn xuống đất. Các tướng vực dậy, Siêu rít lưỡi nghiến răng lại, căm tức Tào Tháo vô cùng. Sực có tin báo Lưu hoàng thúc ở Kinh Châu sai người mang thư đến. Siêu mở ra xem, trong thư nói:

“Nhà Hán bất hạnh, Tào Tháo chuyên quyền, dối vua lừa trên, tàn hại nhân dân. Tôi là Lưu Bị, khi trước cùng với tiên quân bị Tào Tháo giết hại, thật là một mối thù không chung trời đất, không chung mặt trời mặt trăng của tướng quân đó. Nếu tướng quân cất quân Tây Lương đánh phía hữu, tôi xin cất quân Kinh Tương đánh vào trước mặt, thì có thể bắt được nghịch tặc Tào Tháo, rửa được thù nhục, khôi phục được nhà Hán. Thư nói không thể hết lời, mong chờ tin lại.”

Mã Siêu xem xong, gạt nước mắt, viết thư gửi sứ giả đem về trước, rồi cất cả quân mã Tây Lương sắp sửa kéo đi. Sực có quan thái thú Tây Lương là Hàn Toại sai người mời Mã Siêu đến chơi. Siêu đến phủ Hàn Toại, Toại đưa tờ thư của Tào Tháo cho xem, trong thư nói: “Hễ bắt được Mã Siêu nộp đến Hứa Đô thì phong cho Hàn làm Tây Lương hầu.”

Siêu lạy thụp xuống, nói:

- Xin chú trói cả hai anh em tôi lại, giải về Hứa Xương, khỏi phải đánh nhau khó nhọc!

Hàn Toại đỡ Siêu dậy, bảo rằng:

- Ta đã kết làm anh em với cha ngươi, nỡ nào hại người? Nếu người cất quân đi đánh báo thù, ta giúp sức cho!

Siêu lạy tạ. Hàn Toại sai chém ngay sứ giả của Tào Tháo, rồi điểm tám bộ quân mã, nhất tề kéo đi. Tướng tám bộ ấy là Hầu Tuyển, Trình Ngân, Lý Khâm, Trương Hoành, Lương Hưng, Thành Nghi, Mã Ngoạn và Dương Thu. Tám tướng theo Hàn Toại, họp với thủ hạ Mã Siêu là Bàng Đức, Mã Đại, quân sĩ cả thảy hai mươi vạn rầm rộ kéo đến Trường An.

Thái thú Trường An là Chung Do, phi báo với với Tào Tháo. Một mặt dẫn quân ra bày trận cự địch. Tướng tiên phong Tây Lương là Mã Đại, dẫn một vạn rưởi quân đông như kiến rầm rộ kéo đến. Chung Do ra ngựa hỏi chuyện. Mã Đại cầm thanh đao quý xông vào đánh, chưa đầy một hiệp Do đã thua to bỏ chạy. Đại vác đao đuổi theo. Mã Siêu và Hàn Toại cũng vừa dẫn đại quân đến, bao vây thành Trường An. Chung Do lên thành coi giữ. Trường An nguyên là kinh đô Tây Hán khi xưa, thành cao hào sâu, khó phá ngay được. Mã Siêu vây hơn mười hôm, đánh không núng chút nào. Bàng Đức dâng kế nói rằng:

- Trong thành này đất sỏi nước mặn, ăn uống khó khăn, củi lại không có, nay vây mười ngày, quân dân trong ấy đói khát. Chi bằng tạm rút quân về dùng một mẹo này... Thì thành này lấy được dễ như bỡn!

Mã Siêu nói:

- Kế ấy hay lắm!

Lập tức cho cờ lệnh truyền báo các đội rút lui. Mã Siêu đi đốc hậu.

Hôm sau Chung Do lên mặt thành đứng xem, thấy quân Mã Siêu rút hết cả. Do sợ có mưu kế gì, liền sai người đi thám, quả nhiên quân Siêu đã đi xa rồi, bấy giờ mới vững dạ, mở cửa thành cho quân dân ra kiếm củi gánh nước, kẻ đi người lại, rầm rập cả ngày.

Đến ngày thứ năm, quân Mã Siêu lại kéo đến, quân dân tranh nhau chạy vào thành, Chung Do lại đóng cửa thành giữ vững như trước.

Em Chung Do là Chung Tấn coi giữ cửa Tây, độ chừng canh ba bỗng thấy cửa thành có một đám lửa cháy. Tấn vội vàng lại cứu, bỗng có một người giơ đao xốc ngựa tới quát to lên rằng:

- Bàng Đức ở đây!

Chung Tấn chưa kịp trở tay, đã bị Bàng Đức chém lăn xuống ngựa, rồi đánh tan cả đám quân sĩ, chặt khóa, mở toang cửa thành cho quân Mã Siêu, Hàn Toại kéo vào. Chung Do bỏ thành theo cửa đông chạy trốn.

Mã Siêu và Hàn Toại lấy được thành trì, khao thưởng ba quân. Chung Do rút về giữ ải Đồng Quan, phi báo cho Tào Tháo. Tháo thấy mất Trường An, không dám bàn đến việc đánh miền Nam nữa, liền sai Tào Hồng, Từ Hoảng dẫn một vạn quân mã đi trước, và dặn rằng:

- Các ngươi ra thay cho Chung Do giữ cửa ải cho vững, trong mười ngày mà mất cửa ải sẽ bị chém cả; ngoài mười ngày thì không can gì đến các người, ta sẽ dẫn đại quân đi sau.

Hai tướng vâng mệnh cất quân đi ngay.

Tào Nhân can rằng:

- Tào Hồng tính nóng nảy lắm, tôi e lỡ việc mất.

Tháo hỏi:

- Ngươi tải lương thảo đi theo, ta đến sau tiếp ứng.

Tào Hồng, Từ Hoảng thay Chung Do giữ vững ải, nhất định không ra đánh. Mã Siêu dẫn quân đến dưới ải, hò cả từ tổ ba đời nhà Tào Tháo ra chửi mắng. Tào Hồng giận lắm, muốn đem quân ra đánh. Từ Hoảng can rằng:

- Đó là Mã Siêu cố trêu tức để tướng quân ra đánh nhau đấy. Ta chớ nên ra, đợi khi nào thừa tướng đến, tự khắc có kế hay.

Quân Mã Siêu ngày đêm thay phiên nhau chửi bới. Tào Hồng chỉ muốn đánh, Từ Hoảng cố kìm lại không cho ra. Đến hôm thứ chín, Tào Hồng đứng trên cửa ải nhìn xem, thấy quân Tây Lương bỏ cả ngựa, ngồi chơi trên đám cỏ trước cửa ải, nhiều người mỏi mệt, nằm ngủ lăn cả ra đất. Tào Hồng liền dẫn ba nghìn quân kéo xuống. Quân Tây Lương bỏ cả ngựa, vất cả giáo mà chạy. Hồng đuổi theo. Bấy giờ Từ Hoảng đang đi kiểm soát xe lương trên ải, nghe tin Tào Hồng xuống đánh nhau, hoảng sợ vội vã dẫn quân theo xuống, gọi Tào Hồng trở về. Bỗng ở mé sau, tiếng reo nổi lên ầm ĩ. Mã Đại kéo quân đánh tới. Tào Hồng, Từ Hoảng vội vàng chạy về. Bỗng một hồi trống khua vang, rồi ở sau núi có hai toán quân ra chặn đường: tả thì Mã Siêu, hữu thì Bàng Đức. Tào Hồng cầm cự không nổi, mất hơn nửa quân, chọc thủng vòng vây, chạy về ải. Quân Tây Lương đuổi đánh rát quá, Hồng phải bỏ cửa ải chạy. Bàng Đức đuổi mãi ra khỏi ngoài cửa Đồng Quan, thì gặp quân mã Tào Nhân kéo đến, cứu được Tào Hồng. Mã Siêu tiếp ứng Bàng Đức về ải.

Tào Hồng mất Đồng Quan, chạy về ra mắt Tào Tháo. Tháo hỏi:

- Ta hẹn cho ngươi mười ngày, sao chín ngày đã để mất cửa ải?

Hồng thưa:

- Quân sĩ Tây Lương sỉ nhục trăm chiều, lại thấy quân nói mệt mỏi, thừa thế xuống đánh, không ngờ mắc phải kế gian.

Tháo nói:

- Hồng nó còn ít tuổi, nông nổi, Từ Hoảng, ngươi phải hiểu chứ!

Hoảng thưa:

- Tôi can mãi không được. Khi ấy tôi đang điểm xe lương trên ải, đến lúc biết tin thì Hồng đã xuống mất rồi. Tôi sợ sinh chuyện, vội vàng theo xuống, thì đã mắc mẹo!

Tháo nổi giận, quát sai đem Tào Hồng ra chém. Các tướng kêu van mãi Tháo mới tha. Hồng tạ tội lui ra.

Tháo tiến quân đến thẳng Đồng Quan. Tào Nhân nói rằng:

- Nên lập cho vững doanh trại đã, rồi sẽ đánh nhau!

Tháo nghe lời, sai chặt cây lập ra ba trại; trại tả thì Tào Nhân giữ, trại hữu thì Hạ Hầu Uyên giữ, còn Tào Tháo ở trại giữa.

Hôm sau, Tháo dẫn tướng sĩ ba trại đến trước cửa ải, vừa gặp quân mã Tây Lương cũng tới. Hai bên dàn trận. Tháo cưỡi ngựa đứng dưới cửa cờ, nhìn quân Tây Lương, người người hùng dũng, tướng tướng anh hùng; lại thấy Mã Siêu, mặt như nhồi phấn, môi tựa thoa son, lưng hổ, tay vượn, thế hùng lực mạnh, mình mặc áo giáp bạc, tay cầm ngọn giáo dài, cưỡi ngựa đứng trước cửa trận, bên tả có Bàng Đức, bên hữu có Mã Đại.

Tháo trong bụng khen thầm, xốc ngựa tới bảo Siêu rằng:

Ngươi là con cháu danh tướng nhà Hán, sao dám làm phản?

Siêu nghiến răng lại, quát mắng:

- Bớ giặc Tào! Mày dối vua lừa trên, tội đáng chết lắm! Mày hại cha ta và em ta, thù này chẳng đội trời chung! Ta quyết bắt sống mày, nhai tươi thịt mày mới hả!

Nói xong, Siêu vác giáo xông tới. Vu Cấm ở sau lưng Tào Tháo nhảy ra. Hai ngựa giao nhau, độ tám chín hiệp, Vu Cấm địch không nổi chạy về. Trương Cáp ra đánh, được hai mươi hiệp cũng thua chạy. Tiếp đến Lý Thông, Siêu gắng sức đánh, được vài hiệp, Siêu đâm Thông chết lăn xuống ngựa. Siêu vẫy ngọn giáo một cái, quân Tây Lương kéo ùa cả ra, quân Tào thua liểng xiểng, các tướng tá cũng không sao địch nổi. Mã Siêu, Bàng Đức, Mã Đại dẫn hơn trăm kị binh xông vào trung quân bắt Tào Tháo, Tháo ở trong đám loạn quân, nghe thấy quân Tây Lương hô rằng:

- Thằng mặc áo bào đỏ, chính là Tào Tháo đấy!

Tháo vội cầm thanh gươm cắt trụi cả râu. Có người biết, báo với Mã Siêu, Siêu lại sai người hô:

- Thằng nào trụi râu, đó là Tào Tháo, cứ thằng ấy mà bắt!

Tháo luống cuống không biết làm thế nào, xé ngay miếng vải cờ, quấn bịt kín cằm chạy trốn.

Đời sau có thơ rằng:

Đồng Quan thua trận chạy lao đao.

Mạnh Đức hồn bay quẳng áo bào.

Ngân nỗi râu ria đều cắt trụi,

Mã Siêu nổi tiếng bậc tài cao!

Tào Tháo đang chạy bỗng sau lưng có một người cưỡi ngựa đuổi tới. Tháo ngoảnh nhìn lại, thì chính là Mã Siêu, Tháo rụng rời hồn vía. Các tướng tá thấy Mã Siêu, ai cũng bỏ chạy thoát thân, chỉ còn trơ một mình Tào Tháo. Siêu quát lên rằng:

- Tào Tháo chớ chạy nữa!

Tháo run sợ quá tuột cả roi ngựa xuống đất. Siêu đuổi đến nơi, phóng một ngọn giáo, nhưng vì Tháo chạy vòng quanh một gốc cây, nên mũi giáo trúng vào thân cây. Khi Siêu rút được giáo ra, thì Tào Tháo đã chạy xa rồi. Siêu tế ngựa đuổi gấp. Bỗng ở sườn núi có một tướng nhảy xổ ra, thét to lên rằng:

- Chớ được hại chủ ta! Có Tào Hồng ở đây!

Nói đoạn, vác dao xông vào chặn đánh Mã Siêu. Tháo nhân đó chạy thoát.

Tào Hồng đánh nhau với Mã Siêu bốn mươi hiệp. Đường đao Tào Hồng dần dần rối loạn, khí lực suy kiệt, may có Hạ Hầu Uyên dẫn vài chục kị binh đến cứu. Mã Siêu chỉ có một mình, sợ không đương nổi, liền quay ngựa trở về. Hạ Hầu Uyên cũng không đuổi theo nữa.

Tháo về đến trại, nhờ có Tào Nhân cố chết giữ vững nên không thiệt mấy quân. Tháo vào trướng, than rằng:

- Nếu ta giết mất Tào Hồng thì hôm nay tất chết về tay Mã Siêu rồi!

Liền trọng thưởng cho Tào Hồng, rồi thu thập quân mã, cố giữ doanh trại, không ra đánh nữa.

Siêu ngày nào cũng dẫn quân đến trước trại, chửi mắng thách đánh. Tháo truyền lệnh cho tướng sĩ, cấm ra khỏi trại, nếu không tuân lệnh thì chém.

Các tướng bẩm rằng:

- Quân Tây Lương dùng giáo dài cả, ta nên dùng cung nỏ để chống lại.

Tháo mắng rằng:

- Đánh hay không đánh là do ta định đoạt chớ không tại giặc. Giặc tuy có giáo dài, dễ đã đâm ngay được ta chăng? Các ngươi cứ giữ gìn cho vững, tự giặc phải lui.

Các tướng nói vụng với nhau rằng:

- Thừa tướng từ trước đến giờ mỗi lần đi trận, đều xông lên đầu, thế mà hôm nay mới bị thua Mã Siêu đã nhát làm vậy?

Qua vài hôm, có quân thám về báo rằng:

- Mã Siêu mời thêm hai vạn quân tinh nhuệ đến, toàn là bộ lạc người Khương cả.

Tháo nghe tin, mừng lắm. Các tướng hỏi:

- Mã Siêu thêm quân, thừa tướng lại mừng là cớ làm sao?

Tháo nói:

- Để khi nào phá xong Mã Siêu, ta sẽ nói cho các ngươi hay.

Sau ba hôm sau, có tin báo trên ải lại thêm quân mã. Tháo càng hớn hở mừng rỡ, mở tiệc ăn mừng ở trong trại. Các tướng đều cười thầm.

Tháo hỏi:

- Các người cười ta không có kế hoạch gì phá được Mã Siêu, vậy các ngươi có kế gì hay không?

Từ Hoảng thưa rằng:

- Nay thừa tướng đóng đại quân ở đây, quân giặc cũng đóng toàn quân trên cửa ải. Ở mé tây Vị Hà, tất không có người phòng giữ. Nên cho một đạo quân đi tắt lẻn sang bến Bồ Bản, chặn đường về của giặc; thừa tướng thì đem quân sang phía bắc sông mà đánh. Giặc trước sau không cứu ứng được nhau, chắc sẽ nguy khốn!

Tháo nói:

- Lời Công Minh chính hợp ý ta!

Liền sai ngay Từ Hoảng dẫn bốn nghìn tinh binh cùng Chu Lĩnh sang đánh úp phía tây Hoàng Hà, phục ở trong hang núi, đợi quân Tào sang phía bắc sông, sẽ cùng đánh luôn một thể.

Hai tướng lĩnh mệnh dẫn quân đi. Tháo lại sai Tào Hồng ra bến Bồ Bàn trước sắm sửa thuyền bè, để Tào Nhân ở lại giữ trại, còn mình thì dẫn đại quân sang qua Vị Hà.

Quân thám báo tin cho Mã Siêu biết. Siêu nói rằng:

- Tào Tháo không đánh mặt Đồng Quan, mà sắm sửa thuyền bè, muốn sang mé bắc Vị Hà, tất là chặn đường của ta. Tôi dẫn quân đến giữ bờ bắc. Tháo không sang được, nội trong hai mươi ngày, lương ở mé bờ đông hết, quân Tháo tất loạn, lúc ấy ta sẽ men bờ sông phía nam đuổi đánh, chắc bắt sống được Tháo.

Hàn Toại nói:

- Không cần phải làm thế! Cháu không nghe trong binh pháp có câu: “Quân giặc sang sông đến nửa chừng sẽ đánh” đó ư? Đợi khi quân Tào ra đến giữa sông, cháu sẽ tự mé nam đánh ập đến. Quân Tháo tất nhiên chết đuối cả.

Siêu nói:

- Lời chú hay lắm!

Liền sai người đi dò giờ giấc Tào Tháo sang sông.

Lại nói, Tào Tháo chỉnh đốn hàng ngũ, chia làm ba toán, lần lượt qua Vị Hà. Khi đến cửa sông, thì mặt trời mới mọc. Tháo cho quân tinh binh sang trước lập dinh trại, còn mình thì cùng với hơn một trăm tướng tá hộ vệ, gươm tuốt cầm tay, ngồi xem quân sĩ sang đò. Chợt có tin báo rằng:

- Ở mé sau, có tướng mặc áo bào trắng xông đến.

Quân sĩ biết là Mã Siêu, liền ùa xuống cả thuyền, tranh giành cãi cọ ầm ĩ. Tháo vẫn ngồi yên trỏ gươm quát quân sĩ không được ồn ào. Bỗng thấy người reo ngựa hí sầm sập kéo đến. Dưới thuyền có một tướng nhảy vọt lên bờ, kêu lên rằng:

- Giặc đến nơi rồi! Xin thừa tướng xuống thuyền ngay!

Tháo nhìn xem ai thì là Hứa Chử. Tháo còn nói cứng:

- Giặc đến thì mặc nó, việc gì mà sợ?

Nói đoạn, ngoảnh lại đã thấy Mã Siêu chỉ còn cách độ trăm bước. Hứa Chử vội vàng cõng Tào Tháo xuống thuyền thì thuyền còn cách bờ những hơn một trượng. Chử nhảy vọt một cái đến được. Các tướng sĩ thì nhảy cả xuống nước, níu lấy mạn thuyền, tranh nhau trèo lên; thuyền nhỏ trành đi, sắp ụp. Chử rút gươm chém lia lịa vào mạn thuyền, cánh tay rơi xuống nước rào rào, rồi sai bơi thuyền đi cho mau. Chử đứng trên mũi thuyền, cầm sào đẩy. Tháo ngồi thụp ở cạnh chân Hứa Chử. Khi Mã Siêu đến nơi, thì thuyền Tháo đã ra xa rồi, Siêu giương cung đặt tên, và sai các tướng cùng bắn ra ào ào. Chử sợ Tháo bị thương, liền dùng tay trái cầm yên ngựa che đỡ cho Tháo.

Mã Siêu xưa nay bắn không sai phát nào, mấy chục người chở thuyền đều bị chết lăn xuống sông. Thuyền tròng trành, loanh quanh ở trong dòng nước chảy xiết. Chử một mình ra sức, hai đùi kẹp lấy bánh lái mà lái, còn một tay đẩy sào, một tay thì che cho Tào Tháo.

Bấy giờ có tri huyện Vị Nam là Đinh Phỉ ở trên Nam Sơn, thấy Mã Siêu đuổi Tào Tháo gấp lắm, sợ Siêu hại mất Tào Tháo, liền thả cả trâu ngựa trong trại ra. Ngoài đồng, trên núi, nhan nhản những trâu cùng ngựa. Quân Tây Lương thấy vậy đều quay lại tranh nhau bắt trâu ngựa, không nghĩ đến đuổi bắt Tào Tháo nữa, vì thế Tháo được thoát nạn. Khi sang đến bên kia sông, các tướng nghe tin Tào Tháo chạy nạn, vội vàng đến cứu, thì Tháo đã lên bờ rồi. Hứa Chử mặc hai áo giáp, tên cắm chi chít.

Các tướng rước Tháo vào trại, rồi sụp lạy vấn an.

Tháo cười, nói:

- Suýt nữa ta chết về tay thằng giặc ranh con!

Hứa Chử nói:

- Giá không có người thả trâu bò để dử giặc, thì thế nào giặc cũng qua sông đuổi theo.

Tháo hỏi người đó là ai. Có người biết là Đinh Phỉ, thưa với Tháo. Một lát Đinh Phỉ vào ra mắt, Tháo tạ ơn nói:

- Nếu không có mưu hay của ông thì tôi đã bị giặc bắt rồi.

Liền phong cho Phỉ làm điển phong hiệu uý.

Phỉ nói:

- Giặc tuy tạm lui, nhưng thế nào ngày mai cũng còn đến, thừa tướng nên tìm kế chống cự.

Tháo nói:

- Ta đã chuẩn bị đâu đấy cả rồi!

Lập tức sai các tướng đắp một con rạch ở bờ sông tạm làm chân trại. Khi giặc kéo đến, sẽ dàn quân ra ngoài con trạch, bên trong cắm đầy cờ quạt làm nghi binh. Lại đào rãnh sâu ven sông, trên che phên kín, rồi đem quân ra dử giặc. Giặc xô đến tất bị sa hố, tiêu diệt rất dễ.

Mã Siêu về nói chuyện với Hàn Toại rằng:

- Tôi sắp sửa tóm được Tào Tháo thì có một tướng cố sức cõng Tháo nhảy xuống thuyền, không biết là ai?

Toại nói:

- Ta nghe Tào Tháo kén người cực khỏe cho làm thị vệ dưới trướng, gọi là hổ vệ quân; có kiêu tướng là Điển Vi, Hứa Chử lĩnh quân ấy. Điển Vi đã chết rồi, nay cứu Tào Tháo hẳn là Hứa Chử. Người ấy khỏe mạnh lạ thường, ai cũng gọi là con hổ đại, nếu gặp hắn chớ nên khinh địch.

Siêu nói:

- Tôi cũng nghe tiếng hắn đã lâu!

Toại nói:

- Tào Tháo sang sông, tất đánh mé sau ta, ta nên đánh cho nhanh, chớ để thành lập thành doanh trại thì khó trừ được.

Siêu nói:

- Cứ như ý cháu, chỉ nên giữ gìn mặt bắc không cho chúng sang sông là hay hơn cả.

Toại nói:

- Có phải thế thì cháu ở lại giữ trại, để ta dẫn quân men theo bờ sông đến đánh Tào Tháo, ý cháu thế nào?

Siêu nói:

- Xin cho Bàng Đức làm tiên phong, đi theo với chú.

Hàn Toại dẫn Bàng Đức và năm vạn quân, đến thẳng Vị Nam, Tháo sai các tướng ra ngoài đường con trạch dử giặc. Bàng Đức dẫn một nghìn thiết kị xông vào, tiếng hò reo nổi lên, cả người lẫn ngựa đều sa xuống hố, Bàng Đức nhảy vọt một cái, lên khỏi hố, giết được mấy người, đánh ra được ngoài vòng vây. Hàn Toại bị vây chặt, Đức lại đi bộ đánh vào cứu Hàn Toại. đang đánh, gặp bộ tướng của Tào Nhân là Tào Vinh, Đức chém một nhát chết luôn, rồi cướp ngay lấy ngựa, đánh mở một đường máu, cứu được Hàn Toại, chạy về phía nam. Sau lưng, quân Tào đuổi đánh, Mã Siêu dẫn quân ra tiếp ứng, phá tan quân Tào, cứu được hơn một nửa quân mã nữa. Đánh mãi đến chiều, mới thu quân về, kiểm điểm lại, thì mất hai tướng là Trình Ngân, Trương Hoành và hơn hai trăm người chết ở dưới hố.

Mã Siêu bàn với Hàn Toại rằng:

- Nếu để lôi thôi lâu ngày, Tào Tháo lập xong dinh trại ở Hà Bắc, thì khó lòng đánh được nữa. Chi bằng đêm nay dẫn quân đến cướp trại.

Toại nói:

- Nên chia quân làm hai cánh, cánh đi trước, cánh đi sau, để cứu ứng lẫn nhau.

Siêu tự mình làm tiền đội, sai Bàng Đức, Mã Đại làm hậu ứng, đêm hôm ấy cất quân đi.

Tào Tháo thu quân về đóng ở mé bắc sông Vị, gọi các tướng lại bảo rằng:

- Giặc thấy ta chưa lập xong doanh trại, tất đến đánh cướp. Ta nên phục quân bốn mặt, bỏ trống ở giữa, đợi khi nào giặc kéo vào, ta nổi hiệu pháo lên, bốn mặt đổ ra mà đánh, chắc là bắt được.

Các tướng vâng lệnh, bố trí đâu vào đấy cả.

Đêm hôm ấy, Mã Siêu sai Thành Nghi dẫn ba mươi kị binh đi trước do thám, Thành Nghi thấy không có quân mã ngăn cản, liền xông thẳng vào giữa trại. Quân Tào thấy quân Tây Lương đến, nổi hiệu pháo lên, quân phục bốn mặt đổ ra, nhưng chỉ vây được ba mươi tên lính kị. Thành Nghi bị Hạ Hầu Đôn giết. Mã Siêu từ mé sau, cùng với Bàng Đức, Mã Đại, chia quân làm hai đường rầm rộ kéo đến.

Đó là:

Dẫu có phục binh rình giặc trước.

Cự sao tướng khỏe kép ùa vào?

Chưa biết được thua thế nào, xem hồi sau sẽ rõ.

Bình Luận (0)
Comment