Tam Quốc Diễn Nghĩa

Chương 62

HỒI 62

Giữ Bổi Quan, Dương, Cao nộp mạng;

Đánh Lạc Thành, Hoàng, Ngụy tranh công.

Trương Chiêu dâng kế nói rằng:

- Chớ nên dộng binh vội, nếu ta cất quân đi, tất nhiên Tào Tháo lại đến. Chi bằng ta viết hai bức thư: Một bức đưa cho Lưu Chương, nói Lưu Bị kết với Đông Ngô để lấy Tây Xuyên, khiến Lưu Chương nghi sanh đánh Lưu Bị. Một bức đưa cho Trương Lỗ, xui cất quân sang lấy Kinh Châu, buộc Lưu Bị đầu đuôi không cứu được nhau. Rồi ta sẽ cất quân đến đánh, chắc là xong việc.

Quyền nghe lời, lập tức viết thư cho hai nơi.

Lại nói, Huyền Đức ở Hà Manh đã lâu, nhân dân yêu mến. Một hôm tiếp được thư của Khổng Minh, biết tin Tôn phu nhân đã về Đông Ngô, sau lại nghe Tào Tháo dẫn quân đến Nhu Tu, mới hỏi Bàng Thống rằng:

- Tào Tháo đánh Tôn Quyền, Tháo thắng tất đến lấy Kinh Châu, Quyền thắng sẽ cùng đến lấy Kinh Châu, ta nên nghĩ thế nào?

Thống thưa:

- Chúa công không lo. Có Khổng Minh ở nhà, Đông Ngô không dám động đến Kinh Châu. Nay chỉ nên đưa thư cho Lưu Chương, nói thực ra rằng: Tào Tháo đánh Tôn Quyền, Quyền sai người đến Kinh Châu cầu cứu. Ta với Tôn Quyền là hai nước như môi với răng, không thể cứu viện được. Còn Trương Lỗ ở đây chẳng qua là đám giặc chỉ biết giữ nhà đó thôi, quyết không dám xâm phạm đến nữa. Nay ta muốn quay về Kinh Châu hợp sức với Tôn Quyền đánh phá Tào Tháo, hiềm vì ít quân, thiếu lương. Mong rằng nghĩ đến tình nghĩa họ hàng, cấp ngay cho ba bốn vạn tinh binh và mười vạn hộc lương. Xin chớ để lỡ việc. Khi nào được quân lương rồi lại sẽ liệu.

Huyền Đức nghe lời, viết thư sai người đưa đến Thành Đô. Tướng giữ ải Bổi Quan là Dương Hoài và Cao Bái nghe tin ấy, liền để Cao Bái ở lại, còn Dương Hoài đi theo sứ giả vào Thành Đô, ra mắt Lưu Chương, trình dâng thư tín. Chương xem xong, hỏi Dương Hoài đến đây có việc gì?

Hoài thưa:

- Chỉ vì thư này đó. Lưu Bị tự khi vào Xuyên, làm điều nhân đức để thu lòng dân, ý ấy rất là bất lương. Nay lại cầu xin quân mã tiền lương, chớ có nên cho, nếu giúp cho y thì không khác gì vác củi đi chữa cháy.

Lưu Chương nói:

- Ta với Huyền Đức có tình anh em, lẽ nào không giúp nhau.

Một người bước ra nói:

- Lưu Bị là bậc kiêu hùng, cho ở mãi đây, đã là nuôi hổ trong nhà. Nay lại giúp thêm cho quân mã tiền lương, thì khác gì chắp thêm cánh cho hổ?

Mọi người nhìn xem ai, thì Lưu Ba, tự Tử Sơn quê ở Linh Lăng.

Lưu Chương nghe cha nói còn phân vân chưa quyết. Hoàng Quyền lại cố sức can mãi, Chương mới giúp cho bốn nghìn quân già yếu và một vạn hộc lương, sai người đưa thưa ra cho Huyền Đức và sai Dương Hoài, Cao Bái giữ vững lấy cửa ải.

Sứ giả đến Hà Manh, ra mắt Huyền Đức và đệ trình bức thư. Huyền Đức giận lắm, nói:

- Ta chống giặc đỡ cho ngươi, tốn sức nhọc lòng, thế mà lại bủn xỉn, sao cho quân sĩ cố gắng lên được?

Liền xé vụn bức thư, quát mắng ầm ĩ và đứng lên. Sứ giả phải trốn về Thành Đô.

Bàng Thống nói:

- Chúa công vốn trọng nhân nghĩa, hôm nay xé thư nổi giận, tình nghĩa từ trước đến giờ thế là vứt đi hết.

Huyền Đức hỏi:

- Nên làm thế nào bây giờ?

Bàng Thống nói:

- Tôi có ba mẹo này, xin chúa công hãy lựa chọn.

Huyền Đức hỏi:

- Ba mẹo ấy là gì?

Thống nói:

- Kén quân tinh binh, không kể ngày đêm, đánh úp lấy Thành Đô, đó là thượng sách. Quay binh về cửa ải Bổi Quan, giả tiếng về Kinh Châu, tướng giữ ải đó là Đương Hoài, Cao Bát, tất ra nghênh tiếp, ta bắt giết luôn, cướp lấy cửa ải, rồi sẽ tiến binh vào Thành Đô, đó là trung sách. Lui về thành Bạch Đế, liền rút quân về Kinh Châu, dần dần về sau lại liệu kế khác, đó là hạ sách. Nếu còn do dự, thì khốn đến nơi, khó lòng cứu nước.

Huyền Đức nói:

- Thượng sách của quân sư cấp bách quá, còn hạ sách thì lại trĩ hoãn quá, chỉ có trung sách không gấp mà cũng không hoãn, có thể theo được.

Huyền Đức bèn viết thư đưa cho Lưu Chương, nói thác ra rằng Tào Tháo sai Nhạc Tiến đem quân đến trấn Thanh Nỗ, các tướng không cự nổi, mình phải về cứu, không kịp họp mặt, nên phải viết thư từ biệt.

Thư gửi tới Thành Đô, Trương Tùng nghe tin Huyền Đức muốn về Kinh Châu, tưởng là sự thực, mới viết thư định sai người đưa thư cho Huyền Đức. Chợt đâu có người anh ruột là Trương Túc đến chơi. Túc hiện đang làm thái thú quận Quảng Lăng. Tùng thấy anh đến, vội vàng giấu thư vào trong tay áo rồi ngồi chơi trò chuyện, Túc thấy Tùng có vẻ lúng túng, trong bụng đâm nghi. Tùng mang rượu ra uống, trong khi mời mọc, không ngờ đánh rơi thư ấy xuống đất. Người nhà Túc bắt được. Khi tan tiệc, người nhà đưa thư cho Túc. Túc mở ra xem, trong thư đại ý viết:

“Trước đây tôi đã nói với hoàng thúc, không hề sai nhầm chút nào, cớ sao lần nữa không làm? Cướp lấy tuy là bất đắc dĩ, nhưng giữ được là thuận lẽ phải, đáng quý ở chỗ đó. Nay việc lớn sắp thành rồi, sao lại bỏ trở về Kinh Châu. Tôi được tin ấy, tôi xin làm nội ứng, chớ nên để lỡ việc!”

Túc giật mình, nói:

- Em ta dám làm việc hại cả họ thế này, ta phải đầu thú mới được.

Liền đem hôm ấy mang thư vào trình Lưu Chương. Chương giận lắm, nói rằng:

- Ta xưa nay có bạc đãi gì nó mà nó lại muốn phản ta?

Rồi hạ lệnh cả nhà Trương Tùng, đem chém ở ngoài chợ.

Người sau có thơ than rằng:

Thiên hạ thông minh được mấy người?

Thương thay gây vạ mảnh thư rơi!

Nào hay minh chúa nên cơ nghiệp?

Nước biếc non xanh luống ngậm ngùi!

Lưu Chương giết xong Trương Tùng, hội cả văn võ lại bàn rằng:

- Lưu Bị muốn cướp cơ nghiệp của ta, nên làm thế nào bây giờ?

Hoàng Quyền thưa rằng:

- Việc ấy không nên để lâu, phải sai người đi truyền báo cho các quan ải, coi giữ cẩn mật, không được cho một người Kinh Châu nào vào cả.

Chương nghe lời, ngày đêm hôm ấy truyền hịch đi khắp các nơi.

Huyền Đức khi dẫn quân về Bồi Thành, sai người vào báo cho tướng giữ ải Bồi Thủy là Dương Hoài, Cao Bái biết, để ra thành biệt nhau. Hai tướng nghe báo, liền cùng nhau bàn định rằng:

- Huyền Đức chuyến này về đây, quả thực là số đáng chết. Hai chúng ta, mỗi người giắt một con dao gâm, giả vờ ra tiễn, rồi giết quách đi, trừ mối lo cho chủ ta.

Dương Hoài nói:

- Kế ấy hay lắm! Hay lắm!

Hai người bàn định đâu đấy, dẫn hai trăm quân ra ải tiễn đưa, còn bao nhiêu ở nhà giữ ải.

Huyền Đức dẫn quân đến sông Bồi Thủy, Bàng Thống ngồi trên ngựa nói với Huyền Đức rằng:

- Nếu Dương Hoài, Cao Bái có ý vui mừng đến đón, thì ta phải giữ gìn. Nhược bằng không đến, thì tiến quân lấy phăng ngay cửa ải chớ để chậm trễ.

Đang trò chuyện, bỗng dưng một con gió lốc nổi lên làm đổ lá cờ Súy. Huyền Đức hỏi:

- Đó là điềm gì?

Thống thưa:

Đây là điềm báo trước Dương Hoài, Cao Bái có ý muốn hành thích phải phòng bị cẩn thận mới được.

Huyền Đức liền mặc hai lần áo giáp và đeo thanh bảo kiếm hộ thân. Chợt có tin báo rằng Dương Cao hai tướng đến tiễn hành. Huyền Đức sai đóng quân lại. Bàng Thống dặn Hoàng Trung, Ngụy Diên:

- Bao nhiêu quân sĩ cửa quan đến đây, phải bắt cho hết, không được để tên nào chạy thoát.

Hai tướng vâng lệnh trở ra.

Nói về Dương Hoài, Cao Bái mỗi người giắt một con dao găm trong mình, dẫn hai trăm quân, khiêng rượu dắt dê, đến thẳng trại quân Huyền Đức, thấy không có phòng bị gì, đã mừng thầm, chắc là Huyền Đức mắc mẹo. Khi vào đến trong trướng, thấy Huyền Đức đang ngồi với Bàng Thống, hai tướng bẩm rằng:

- Chúng tôi nghe tin hoàng thúc sắp về Kinh Châu, gọi là có một chút lễ mọn kinh tiễn hoàng thúc.

Nói rồi rót rượu dâng lên.

Huyền Đức nói:

- Hai tướng giữ ải khó nhọc lắm nên uống trước đi!

Hai người uống xong, Huyền Đức nói:

- Ta có việc bí mật bàn với hai tướng quân, người không có phận sự phải lui ra hết.

Nói đoạn liền bảo bọn hai trăm người đi theo lui cả ra ngoài.

Huyền Đức quát lên rằng:

- Tả hữu đâu, trói hai thằng giặc lại cho ta!

Lưu Phong, Quan Bình ở sau trướng, dạ một tiếng chạy ra. Hai tướng kia chực chống cự thì đã bị Lưu Phong, Quan Bình trói lại rồi.

Huyền Đức thét lên rằng:

- Ta với chủ mi là anh em một họ với nhau, sao các ngươi dám mưu mô chia rẽ thân tình anh em ta?

Bàng Thống sai tả hữu khám trong mình hai người, quả nhiên mỗi người có giắt một con dao găm cực sắc. Thống quát sai đem chém. Huyền Đức còn phân vân, Thống nói:

- Hai thằng này, cố ý muốn hại chúa ta, phải giết đi mới được!

Lập tức sai quân đao phủ chém chết ngay trước trướng.

Hoàng Trung, Ngụy Diên ở ngoài đã bắt gọn cả hai trăm quân đi theo, không sót một tên nào. Huyền Đức gọi vào, cho mỗi người uống một chén rượu cho khỏi sợ, rồi bảo rằng:

- Dương Hoài, Cao Bái chia rẽ thân tình anh em ta, lại giắt dao sắc định đâm ta, nên phải giết đi. Các ngươi không có tội, không có việc gì mà sợ hãi.

Chúng đều lạy tạ.

Bàng Thống lại bảo rằng:

- Ta muốn dùng các ngươi dẫn đường cho quân ta vào lấy cửa ải, sẽ có trọng thưởng.

Chúng dạ xin vâng lời.

Đêm hôm ấy, Huyền Đức sai hai trăm quân hàng đi trước, đại quân kéo theo sau. Tiền quân đến dưới ải gọi cửa nói là có việc cần kíp. Quân trên cửa ải thấy quân nhà trở về, vội vàng ra mở cửa. Quân Huyền Đức kéo ùa cả vào, chẳng phải đánh chác gì, lấy ngay được Bồi Thành. Quân Thục xin hàng hết cả, Huyền Đức thưởng cho, rồi chia quân ra giữ các nơi.

Hôm sau Huyền Đức khao quân, mở tiệc yến ở trên công đường. Huyền Đức say rượu, bảo với Bàng Thống rằng:

- Tiệc hôm nay có vui vẻ không?

Bàng Thống nói:

- Đánh lấy nước của người ta mà cho là vui, thật không đáng là quân của bậc nhân giả.

Huyền Đức nói:

- Ngày xưa vua Võ Vương đánh Trụ, đặt ra khúc nhạc để nêu công lao của mình, đó không phải là quân của bậc nhân giả ư! Sao ngươi nói không hợp lẽ thế, nên bước ngay đi!

Bàng Thống cười ầm lên rồi đứng dậy, Tả hữu vực Huyền Đức vào nghỉ nhà nhà trong. Đến nửa đêm, Huyền Đức mới tỉnh rượu. Tả hữu thuật lại chuyện đuổi Bàng Thống. Huyền Đức hối hận lắm. Đến sáng, Huyền Đức mặc áo đội mũ tử tế, mời Bàng Thống vào tạ rằng:

- Hôm qua tôi say rượu, lỡ lời nói quá, xin đừng chấp làm gì.

Bàng Thống cười như không. Huyền Đức nói:

- Lời nói hôm qua, lỗi về phần tôi chịu cả.

Bàng Thống nói:

- Vua tôi cũng lỡ làng cả, căn cứ gì một mình chúa công!

Huyền Đức cũng cười ầm lên, rồi lại vui vẻ như trước.

Nói về Lưu Chương, nghe tin Huyền Đức giết mất hai tướng và cướp mất cửa ải Bồi Thủy, thất kinh nói rằng:

- Không ngờ bây giờ xảy ra việc thế này!

Liền hội các văn vũ bàn bạc. Hoàng Quyền nói rằng:

- Nên sai ngay đại tướng mang quân ra đóng ở Lạc Huyện, chặn giữ con đường yết hầu đó. Lưu Bị dù có tinh binh mãnh tướng, cũng không tài gì qua được.

Chương sai ngay Lưu Hội, Lãnh Bào, Trương Nhiệm và Đặng Hiền, điều năm vạn quân, đi gấp ra giữ thành Lạc Huyện, để cự nhau với Lưu Bị.

Bốn tướng lĩnh mệnh, đem quân đi, Lưu Hội nói:

- Tôi nghe ở núi Cẩm Linh có một dị nhân, đạo hiệu là Tử Hư thượng nhân, biết trước được số sinh, tử, quý, tiện cho người ta. Chúng ta hành quân qua đường núi ấy, nên đến hỏi xem ra làm sao.

Trương Nhiệm nói:

- Đại trượng phu đã mang quân đi đánh giặc, can gì phải hỏi đến những người ở nơi sơn dã!

Hội nói:

- Không được! Thánh nhân có dạy rằng: “Đạo bậc chí thành, có thể điều gì cũng biết trước”. Chúng ta hỏi người cao minh, để theo điều hay, tránh điều dở thì có làm sao?

Đoạn bốn tướng dẫn năm sáu tên kị mã, đến dưới núi, hỏi thăm đường người tiều phu. Tiều phu chỉ mãi lên đỉnh núi cao ngất, thấy có một cái am. Bốn người vừa đến cửa am, thì một tiểu đồng ra đón, hỏi tên rồi dẫn vào. Tử Hư thượng nhân ngồi trên cỏ bồ, bốn tướng chào lạy, cầu hỏi điều hay dở về sau.

Tử Hư nói:

- Bần đạo chẳng qua là một người vô dụng ở xó rừng núi sâu này, biết đâu chuyện hay dở mà nói.

Lưu Hội cầu khẩn hai ba lần, Tử Hư mới sai tiểu đồng đem giấy bút ra, vội viết tám câu như sau này:

Bên rồng bên phượng, bay về Tây Thục,

Phượng sa xuống đất, rồng lên thẳng đến trời.

Một hay một dở, số mệnh đã định,

Liệu cơ mà xử, chớ để chết hoài!

Lưu Hội lại hỏi:

- Còn số phận bọn chúng tôi thế nào?

Tử Hư nói:

- Số trời đã định, không sao tránh được, hỏi chi cho lắm!

Hội vừa muốn hỏi thêm thì Tử Hư đã nhắm nghiền đôi mắt, hình như ngủ, chẳng nói chẳng rằng. Bốn người xuống núi. Hội nói:

- Thần tiên đã dạy thế, phải tin mới được.

Trương Nhiệm nói:

- Đó là người điên, tin làm gì!

Liền lên ngựa đến Lạc Huyện, sắp đặt quân sĩ, giữ vững các cửa ải.

Lưu Hội nói:

- Lạc Thành này là một bức tường che chở Thành Đô, nếu mất chỗ này thì Thành Đô cũng khó giữ được. Bốn chúng ta phải chia làm hai cánh: Hai người ở nhà giữ thành, hai người phải ra mặt trước Lạc Huyện, tìm chỗ nào rừng núi hiểm trở, lập lấy hai cái trại mà giữ, chớ để cho giặc đến gần thành.

Lãnh Bào, Đặng Hiền nói:

- Chúng tôi xin ra ngoài lập trại.

Lưu Hội mừng lắm, chia ra cho hai vạn quân, ra khỏi thành sáu mươi dặm hạ trại. Lưu Hội, Trương Nhiệm ở nhà giữ thành.

Lại nói, Huyền Đức từ khi lấy được cửa ải Bồi Thủy, bàn với Bàng Thống, tiến binh đến lấy Lạc Thành. Chợt có tin báo rằng Lưu Chương sai Lãnh Bào, Đặng Hiền dẫn hai vạn quân ra khỏi thành sáu mươi dặm, hạ hai cái trại. Huyền Đức họp các tướng lại hỏi rằng:

- Có ai dám lập công đầu, đánh lấy hai trại không?

Lão tướng là Hoàng Trung dạ xin đi.

Huyền Đức nói:

- Lão tướng dẫn quân bảo hộ đến Lạc Thành, nên lấy được hai trại, ta sẽ trọng thưởng cho.

Hoàng Trung mừng rỡ lĩnh mệnh sắp đi, bỗng dưới trướng một người tiến lên nói:

- Lão tướng quân tuổi già, đi làm sao được, để tiểu tướng xin đi thay cho.

Huyền Đức trông ra thì Ngụy Diên. Hoàng Trung nói:

- Ta đã phụng mệnh rồi, ngươi lại dám tranh ta chăng?

Ngụy Diện nói:

- Tôi nghe Lãnh Bào, Đặng Hiền là danh tướng nước Thục sức vóc còn mạnh. Lão tướng gân sức đã kém đọ sức thế nào được họ. Để khỏi hỏng việc lớn bởi thế tôi xin đi đỡ tướng quân, đó là lòng tốt đấy thôi.

Hoàng Trung cả giận, nói:

- Ngươi bảo ta già, có dám đọ tài võ nghệ với ta không?

Ngụy Diên nói:

- Xin thi ngay tại trước mặt chúa công, hễ ai được thì đi nhé?

Hoàng Trung bước rảo ngay xuống dưới thềm, gọi lính:

- Đem đao lại đây, mau!

Huyền Đức vội ngăn lại, nói:

- Không được, phen này ta dẫn quân vào lấy Tây Xuyên, toan là nhờ vào sức của hai người. Nay hai hổ chọi nhau, tất có một con bị thương, chẳng lỡ mất việc của ta ư? Ta khuyên hai người đừng tranh nhau nữa.

Bàng Thống nói:

- Hai người không phải tranh nhau. Hiện nay Lãnh Bào, Đặng Hiền hạ hai cái trại, mỗi người đem quân đánh một trại, ai cướp được trước thì là công đầu.

Hai người vâng mệnh dẫn quân đi. Hoàng Trung đánh trại Lãnh Bào, Ngụy Diên đánh trại Đặng Hiền.

Bàng Thống nói:

- Hai người này đi đường, sợ lại tranh giành nhau, chúa công nên dẫn quân đi làm hậu ứng cho họ.

Huyền Đức để Bàng Thống ở lại giữ Bồi Thành, còn mình thì giữ Lưu Phong, Quan Bình đi sau tiếp ứng.

Đến nói Hoàng Trung về trại, truyền lệnh cho quân canh tư đêm hôm ấy thổi cơm ăn, canh năm nai nịt cho gọn ghẽ, sáng rõ kéo quân đi, mang theo mé tả hang núi mà tiến.

Ngụy Diên cho người do thám, biết được thì giờ cất quân Hoàng Trung, truyền ngay cho quân mình canh hai thổi cơm ăn, canh ba cất quân đi, canh năm phải tới trại Đặng Hiền.

Quân sĩ được lệnh, ăn uống thật no, rồi thì ngựa tháo nhạc, người ngậm tăm, cuốn cờ bò giáp, im lặng kéo quân đi. Khoảng canh ba, đi được độ nửa chừng, Diên ngồi trên ngựa lại nghĩ rằng:

- Nếu ta chỉ đánh một trại Đặng Hiền, thì sao tỏ rõ được tài của ta, chi bằng ta hãy đi đánh trại Lãnh Bào trước, rồi dẫn quân thắng trận đến đánh trại Đặng Hiền, thế thì công lao hai trại về tay mình cả!

Rồi truyền ngay cho quân sĩ đi rẽ sang đường bên tả hang núi.

Trời sáng rõ thì gần đến trại Lãnh Bào, Diên cho quân nghỉ ngơi một lúc, rồi sắp bày chiêng trống, cờ quạt, gươm giáo, khí giới.

Quân canh đường báo tin về trại. Lãnh Bào đã kịp phòng bị đâu vào đấy cả. Một hiệu pháo nổi lên, ba quân lên ngựa đánh ùa ra. Ngụy Diên múa đao lại đánh nhau với Lãnh Bào, được độ ba mươi hiệp, quân Xuyên chia làm hai đường đánh dồn lại. Quân Hán đi cả đêm, người ngựa mệt mỏi, không sao địch lại được, rút lui trốn chạy. Ngụy Diên thấy quân mình xốn xáo, cũng phải bỏ Lãnh Bào mà chạy. Quân Xuyên đuổi rát, quân Hán thua trong. Chạy được vài dặm, ở sau núi lại có một toán quân kép ra, tướng đi đầu là Đặng Hiền gọi to lên rằng:

- Ngụy Diên mau mau xuống ngựa đầu hàng!

Ngụy Diên vội vàng tế ngựa chạy, không ngờ ngựa ngã gục hai chân trước, hất Diên xuống đất. Đặng Hiền xốc ngựa lại đâm Ngụy Diên. Nhưng mũi giáo chưa kịp lao tới thì tiếng, Đặng Hiền ngã nhào xuống ngựa. Lãnh Bào ở mé sau thấy vậy, vội vàng lại cứu, thì có một tướng ở trên sườn núi té ngựa xuống, quát trong lên rằng:

- Lão tướng Hoàng Trung đã đến đây!

Nói đoạn, múa đao chém Lãnh Bào. Bào không địch nổi, quay ngựa chạy mất. Hoàng Trung thừa thế đuổi đánh, quân Xuyên tan vỡ. Cánh quân Hoàng Trung cứu được Ngụy Diên, giết được Đặng Hiền, và đuổi mãi đến sát trước trại giặc. Lãnh Bào quay lại đánh nhau với Hoàng Trung, chưa đầy mười hiệp phía sau quân mà ùn ùn kéo đến, Lãnh Bào phải bỏ trại tả chạy về trại hữu. Khi về đến trại, thì thấy tinh kì khác cả. Bào giật mình, dừng ngựa lại xem, thấy có một đại tướng giáp vàng bào gấm. Chính là Huyền Đức, bên tả có Lưu Phong, bên hữu có Quan Bình.

Huyền Đức quát trong lên rằng:

- Trại của mày, ta đã cướp được rồi, mày còn chạy đi đâu nữa?

Nguyên Huyền Đức dẫn quân đến tiếp ứng, thừa thế cướp ngay được trại Đặng Hiền. Lãnh Bào thấy mất cả hai trại, không biết chạy đi đâu, liền đi tắt con đường nhỏ trong núi, định trốn về Lạc Thành. Đi chưa được mười dặm, bỗng đâu một toán phục binh ở trong đường hẻm đổ ra, câu liêm giơ lên tua tủa, bắt sống ngay được Lãnh Bào. Nguyên Ngụy Diên biết mình phạm tội, không biết ăn nói thế nào, liền thu thập hậu quân, sai quân Thục dẫn đường, phục sẳn ở đó. Tình cờ lại gặp Lãnh Bào chạy qua, mới trói lại dẫn về trại Huyền Đức.

Huyền Đức dựng một lá cờ xá tội, phàm những quân Thục xin hàng, tịnh không cho giết một người nào, ai giết nhầm thì phải đền mạng. Lại dụ bọn hàng binh rằng:

- Các ngươi là người Xuyên, đều có cha mẹ anh em cả; ai muốn hàng thì ở lại làm quân lính, ai không muốn ở lại thì cho về.

Vì thế, quân Xuyên mừng rỡ, reo hò rầm rĩ.

Hoàng Trung hạ xong trại, đến ra mắt Huyền Đức, thuật lại chuyện Ngụy Diên giải Lãnh Bào vào nộp. Huyền Đức nói:

- Ngụy Diên tuy phạm tội, nhưng được công thì cho chuộc tội ấy.

Lại sai Ngụy Diên đến tạ ơn Hoàng Trung cứu sống mình, mà dặn từ rày không được tranh nhau nữa. Diên cúi đầu nhận lỗi. Huyền Đức thưởng cho Hoàng Trung. Rồi sai điệu Lãnh Bào vào, cởi trói và cho uống rượu áp kinh, rồi hỏi rằng:

- Ngươi có chịu hàng không?

Lãnh Bào nói:

- Tôi đã đội ơn tha chết cho, còn gì mà chả hàng? Tôi với Lưu Hội, Trương Nhiệm, kết bạn sống chết với nhau. Nếu minh công tha cho tôi về, tôi xin bảo hai người ấy cùng ra hàng, và dâng Lạc Thành nhân thể.

Huyền Đức mừng lắm, ban cho cho mũ và ngựa cưỡi, sai về Lạc Thành.

Ngụy Diên thưa rằng:

- Nếu chúa công tha cho người này về, hẳn quyết không đến nữa đâu.

Huyền Đức nói:

- Ta lấy bụng tử tế đãi người, có đâu người lại phụ ta mà sợ?

Lãnh Bào được thoát, về đến Lạc Thành nói khoác với chúng rằng:

- Ta giết hơn mười người, cướp được ngựa, chạy trốn về đây.

Lưu Hội thấy núng thế, sai người về Thành Đô cầu cứu. Lưu Chương nghe tin mất Đặng Hiền, giật mình, vội vã hội cả các quan lại bàn bạc. Con trưởng là Lưu Tuần xin lĩnh quân ra giữ Lạc Thành. Chương nói:

- Con đi thì nên sai ai theo giúp?

Một người bước ra nói:

- Tôi xin đi!

Chúng trông ra xem ai, té ra, người cậu là Ngô Ý. Chương nói:

- Được cậu đi thì tốt quá. Vậy ai có thể làm phó tướng?

Ngô Ý tiến cử Ngô Lan, Lôi Đồng làm phó tướng dẫn hai vạn quân mã ra Lạc Thành.

Lưu Tuấn, Trương Nhiệm tiếp đón, thuật lại đầu đuôi chuyện trước.

Ngô Ý nói:

- Quân giặc đến giáp thành rồi, khó lòng chống giữ nổi, các ngươi có mẹo gì không?

Lãnh Bào nói:

- Vùng này nằm sát con sông Bồ Giang, nước sông chảy xiết lắm. Trại Lưu Bị đóng ở chân núi, địa thế rất thấp. Tôi xin lĩnh năm nghìn quân mang theo cuốc xẻng ra khơi sông Bồi Giang, cho nước tràn vào trại, thì quân Lưu Bị tất chết đuối cả.

Ngô Ý nghe theo kế ấy, cho Lãnh Bào ra khơi sông, và sai Ngô Lan, Lôi Đồng đi tiếp ứng. Lãnh Bào vâng lệnh, về sửa soạn đồ dùng khơi sông.

Huyền Đức sai Hoàng Trung, Ngụy Diên mỗi người giữ một trại, mình thì về Bối Quan cùng với Bàng Thống bàn bạc. Chợt có tin báo Tôn Quyền bên Giang Đông liên kết với Trương Lỗ ở Đông Xuyên định tấn công vào cửa Hà Manh.

Huyền Đức thất kinh nói:

- Nếu mất cửa Hà Manh thì ta nghẽn mất đường về, tiến lên cũng dở mà lui về cũng dở, làm thế nào bây giờ.

Bàng Thống nói với Manh Đạt rằng:

- Ông là người trong Thục, quen biết đường đất, phiền ông ra giữ cửa ải Hà Manh cho.

Đạt nói:

- Tôi xin tiến cử một người đi thì chắc chắn giữ được.

Huyền Đức hỏi:

- Người nào?

Đạt nói:

- Người này là bộ hạ của Lưu Biểu đã từng giữ chức trung lang tướng, quê ở Chi Giang thuộc Nam Quận, tên là Hoắc Tuấn, tự Trọng Mạc.

Huyền Đức mừng lắm, liền sai hai người đi ngay.

Bàng Thống lui ra nhà khách nghỉ ngơi. Người coi cửa vào báo có khách lạ hỏi thăm. Thống ra tiếp vào, thấy người ấy mình dài tám thước, mặt mũi khôi ngô, tóc cum cúm xõa cả xuống cổ, quần áo mặc xộc xệch.

Thống hỏi:

- Tiên sinh tên họ là gì?

Người ấy làm thinh, bước thẳng lên nhà rồi ghé lưng nằm ngửa ở trên sập.

Bàng Thống ngờ lắm, hỏi gặng hai ba lần. Người ấy chỉ nói rằng:

- Khoan! Để thong thả sẽ kể việc lớn trong thiên hạ cho mà nghe.

Thống lại càng ngờ lắm, sai tả hữu bưng cơm rượu ra mời.

Người ấy trở dậy ăn ngay, không hề khách sáo gì cả, ăn uống rất khỏe, ăn xong lại ngủ liền.

Thống không biết ý tứ người ấy ra làm sao, sợ là kẻ gian liền mời Pháp Chính đến xem. Chính vội vàng đến, Thống ra tiếp, bảo Chính rằng:

- Có một người như thế, như thế...

Pháp Chính nói:

- Có lẽ là Bành Vĩnh Ngôn chăng?

Pháp Chính vừa vào đến thềm, thì người ấy choàng dậy, nói:

- Hiếu Trực lâu nay mạnh khỏe chứ?

Đó là:

Chỉ vì gặp được người quen cũ

Sóng gió sông Bồi dữ lại yên.

Chưa biết người ấy ra thế nào, xem đến hồi sau mới rõ.

Bình Luận (0)
Comment