Tan Học Đừng Đến Văn Phòng Của Em

Chương 38

“Sao vậy? Tôi thấy có vẻ em không chủ động đi họp với nó để quan sát và nghiên cứu, trông em như bị tạm giam ấy.”

Thầy Chung thấy Sơ Trừng ngồi trên sofa có chút lơ đãng thì đặt điện thoại xuống rồi vứt lõi lê đi, ông lại bắt chuyện với cậu: “Em với Dụ Tư Đình làm cùng lớp, thường thì nó áp bức em thế nào?”

Sơ Trừng đặt quả cam cậu nghịch nãy giờ xuống, nghiêm túc trả lời: “Dạ không có, thầy Dụ rất quan tâm em, thầy ấy cũng dạy em rất nhiều để em được đứng trên vai người khổng lồ.”

Thầy Chung nghe vậy rất vui mừng: “Haiz, thằng nhóc này lại thông minh, biết trước biết sau, nếu mà Dụ Tư Đình có chiêu trò đàn áp hậu bối thì có khi nó học từ tôi rồi chứ gì?”

Sơ Trừng mỉm cười, không nói nữa.

Thầy Chung nhìn đầu kia của ghế sofa, ông đương nhiên hiểu giáo viên mới thường lo âu về thành tích. Học sinh xuất sắc ở tất cả các môn khác trừ môn của mình thì khó có ai có thể chấp nhận được.

“Mặc dù tôi không còn ở Trung học phổ thông số Mười nhưng tình hình lớp nó thì tôi cũng biết, lớp nó đình công tới trên Sở còn nghe tiếng mà; em dạy Ngữ văn nên áp lực cũng đúng.”

Sơ Trừng đáp lại: “Dạ, nhưng chuyện đó xảy ra hồi em mới ra trường nên em không rõ lắm.”

Thầy Chung bình tĩnh duỗi cơ, ông thở dài.

“Làm giáo viên bây giờ không như xưa, ngành giáo dục ngày càng đòi hỏi nhiều hơn ở thế hệ giáo viên trẻ, vừa ra trường mà phải làm giáo viên lẫn làm gương, không chỉ tập trung dạy kiến thức mà còn phải dạy đạo đức; kết quả là nhiều giáo viên mới đi dạy lập tức chán nản vì vỡ mộng, phòng khách ở tầng dưới quanh năm suốt tháng tiếp nhận vô số trường hợp chuyển công tác và từ chức.”

Sơ Trừng khựng lại, cậu chỉ im lặng lắng nghe. Bản thân cậu chưa bao giờ nghĩ tới chuyện này, nếu cậu mà từ chức thì cũng đâu thể nghỉ hưu.

“Ban nãy tôi nói mấy đứa kia ấy, bây giờ thì nói cười vui vẻ nhưng làm sao tránh khỏi những lúc hoang mang? Ai cũng như vậy, không có ngoại lệ đâu.” Thầy Chung lại cầm túi đồ đệ mình mang tới và lấy thêm trái cây, sau đó ông nói thêm: “Dụ Tư Đình cũng thế.”

Sơ Trừng ngẩng đầu nói: “Thầy quen biết thầy Dụ sớm hơn em rất nhiều, thầy cũng đã thấy thầy ấy từ lúc trẻ dại rồi.”

“Nó mà trẻ dại hả? Ngày đầu đi làm đã lái Land Rover hai triệu.”

Thầy Chung cười và thầm nghĩ đây không phải là chuyện ông sẽ chủ động ra, chỉ là tại thầy Tiểu Sơ có hứng thú với Dụ Tư Đình thôi; những chuyện thằng nhóc ấy từng làm cũng xem như một nguồn tư liệu giảng dạy khá tốt.

Sơ Trừng nói đùa: “Đúng là làm giáo viên thì không thể phất lên nhanh chóng được.”

Thầy Dụ đã cực kì giàu có trước khi đi làm.

Thầy Chung mỉm cười, thở dài rồi không nhắc lại nữa.

Sơ Trừng muốn nghe thêm từ thầy nên tiếp tục hỏi: “Trong ấn tượng của thầy thì hồi năm năm trước thầy Dụ có vẻ trầm tĩnh với lạnh lùng như bây giờ không?”

“Không chỉ năm năm trước đâu, hồi lần đầu thầy gặp nó ở Trung học phổ thông số Mười nó mới hai mươi tuổi thôi. Khi đó nó chưa vào biên chế mà được trường đưa đi thực tập trước khi tốt nghiệp đại học.”

Thầy Chung kể lại rằng khi ấy mỗi Tổ Bộ môn sẽ nhận hai giáo sinh như thế. Bọn họ không có lớp cố định, cũng không được hướng dẫn phải làm bất kì công việc nào; bọn họ chỉ cần đi làm đúng giờ, giúp giáo viên chấm bài và hoàn thành báo cáo thực tập là được.

“Lúc đầu tôi không định nhận nó đâu nhưng nó ngồi cạnh bàn của tôi, suốt ngày cắm mặt vào laptop rồi gõ luận văn tốt nghiệm. Thầy còn nhớ tên đề tài của nó là ‘Ứng dụng phương pháp task-based (1) vào giảng dạy Toán ở bậc Trung học Cơ sở’. Nó viết lộn xộn kinh khủng.”

“Nội dung của luận văn là khái quát các phương pháp được ứng dụng trong lớp học bằng cách chia các học sinh cùng trình độ thành nhóm thí nghiệm và nhóm đối chứng (2), từ đó thu thập dữ liệu thành công…”

(1) Task-based Learning (TBL) là phương pháp dạy học thông qua việc áp dụng kiến thức để hoàn thành các bài tập hoặc hoạt động trong lớp.

(2) Trong nghiên cứu khoa học, khi so sánh hai nhóm đối tượng nghiên cứu, mẫu thử sẽ được chia làm hai nhóm là nhóm đối chứng (control group) làm cơ sở so sánh và nhóm thí nhiệm (experimental group) nhận được can thiệp của thí nghiệm.

Bây giờ nghĩ đến chuyện này, thầy Chung không khỏi nheo mắt lại.

Dạy học không bao giờ dễ dàng đến thế.

“Hồi tốt nghiệp đại học em cũng làm đề tài tương tự.” Sơ Trừng có thể tưởng tượng thầy Dụ – một người coi trọng tính ứng dụng hơn những diễn ngôn dài dòng, sẽ có thái độ thế nào với các bài viết học thuật.

Thầy Chung nói tiếp: “Nhưng tôi nói được gì nó đâu. Nhà giàu, tính nết lạnh lùng, mặt lúc nào cũng cau có, nhìn là biết nó không phải người kiên nhẫn, nó như kiểu xuống trần gian trải nghiệm cuộc sống ấy; bình thường ngoài mặt nó lịch sự với người bình thường đã là tốt lắm rồi.”

Sơ Trừng ngồi trên sofa hơi thay đổi tư thế: “Vậy tại sao sau đó thầy ấy lại đi theo thầy ạ?”

Thầy Chung đáp: “Giáo viên hướng dẫn thực tập cho Dụ Tư Đình lúc đó không lớn tuổi lắm, hôm đó người ta bận gì nên nhờ nó chuẩn bị bài tập; nói thẳng ra là soạn đáp án, nếu gặp bài khó thì ghi chú lại để giáo viên thấy là biết ngay.”

Sơ Trừng giật mình: “Làm như thế không hay lắm, tư duy mỗi người là khác nhau mà.”

Nếu ngồi không mà hưởng thành quả của người khác thì chẳng thà để Dụ Tư Đình làm trợ giảng.

“Nó có để tâm đâu, cứ đồng ý thôi. Mãi đến chiều hôm đó các thầy cô mới biết nó giải bài bằng vi phân và tích phân, nhảy bước nhanh tới mức Thạc sĩ cũng bất ngờ; đỉnh nhất là nó dám thờ ơ hỏi lại ‘em tính sai ạ’ khiến giáo viên hướng dẫn giận điên người.”

Mặc dù thầy Chung đe dọa sẽ làm mất uy tín của đồ đệ của mình qua WeChat nhưng thực tế sau khi nghĩ lại thì hắn cũng chỉ có mỗi một lịch sử đen tối này.

“Thầy ấy dũng cảm đến vậy sao?” Sơ Trừng thán phục đến mức ngồi thẳng lên lên.

Quả nhiên đại ca từ khi mới vào làm đã có tiềm năng như thế.

“Em cũng đoán được tại sao nó rơi vào tay tôi rồi đấy, giáo viên kia mặc kệ nó luôn mà. Lúc đó tôi là Tổ trưởng Tổ Toán nên không thể đứng ngoài cuộc, vậy là tôi phải nói chuyện với bạn nhỏ này thôi. Lúc đó tôi nghiêm túc lắm, nói gì mà soạn bài cũng là nghiệp vụ của giáo viên, tuy nó sử dụng vi phân với tích phân cũng giải ra bài nhưng nó không thể dạy học sinh bằng phương pháp tương tự được.”

Sơ Trừng rất tò mò: “Thầy ấy đáp lại thế nào?”

“Nó không hề bày tỏ ý kiến ​​gì mà chỉ nói chuyện vui vẻ với tôi một lúc thôi.”

Cũng từ đó thầy Chung mới biết Dụ Tư Đình là một sinh viên rất ganh đua, hắn giỏi Toán và Vật lí, tư duy nhanh hơn người bình thường vài vòng.

Mặc dù không biết tại sao lúc trước thằng nhóc Dụ Tư Đình này lại chọn sư phạm nhưng thầy Chung chắc chắn rằng đến thời điểm đó, hắn vẫn chưa hề có ý định trở thành giáo viên.

Sơ Trừng hỏi tiếp: “Sau đó thì sao?”

“Lúc hết thời gian thực tập thì nó cần giáo viên hướng dẫn đánh giá trong báo cáo, vậy là nó đến gặp tôi. Bây giờ tôi quên mất mình đã khen ngợi nó thế nào trong báo cáo rồi, nhưng tôi vẫn nhớ những gì mình đã nói với nó.”

Thầy Chung thay đổi tư thế thoải mái rồi bắt đầu nhàn nhã nói chuyện.

“Tôi nói làm giáo viên là công việc xuất phát từ tâm chứ không đơn giản như viết báo cáo. Cho dù nó chỉ cần nửa tiếng để giải một đề thi đại học khó nhằn hay thuộc lòng câu hỏi bài thi thì việc nó cứ lạnh lùng, không muốn đến gần trái tim của học sinh là tuyệt đối không thể chấp nhận được. Ở trường học chỉ có hai loại đồng nghiệp: một là những người đam mê sẵn lòng hi sinh vì sự nghiệp giáo dục, hai là những người chỉ coi như đây là công cụ kiếm tiền, gác lại tình cảm, tôn trọng người khác và miễn là không thẹn với lòng là được. Nó không cần hạ mình đến mức này, nhà cửa giàu có cũng chẳng thiếu miếng ăn nên nó vốn không cần nhảy vào công việc này.”

Sơ Trừng thở dài một hơi: “Chắc hẳn lúc đó thầy nghĩ thầy ấy không hợp làm giáo viên.”

“Ừ, tôi vốn nghĩ mình sẽ không có cơ hội gặp lại nó, nhưng không ngờ lời mình nói lại phản tác dụng, mấy năm sau là nó quay lại.” Đến hiện tại mà thầy Chung vẫn cảm thấy khó tin.

Dụ Tư Đình không chỉ học Thạc sĩ ngành Giáo dục mà còn thi đậu vào Trung học phổ thông số Mười.

Sơ Trừng cũng ngạc nhiên: “Theo như lời thầy nói thì thầy Dụ lúc đầu dạy học không giỏi, sau này học cao học xong thì thầy ấy có khác gì không ạ?”

“Có chứ, ban đầu tôi đề nghị với trường cho nó dẫn dắt lớp chọn nhưng nó không chịu, nó chấp nhận làm đúng nhiệm vụ dạy Toán thôi. Nó là người rất kiêu ngạo, thế nhưng nó cũng rất dễ thích ứng.”

Khi thầy Chung nói đến đây, giọng điệu của ông có chút khác biệt, ông không có vẻ như đang trêu chọc đồ đệ của mình mà là đang khen ngợi và ngưỡng mộ.

“Học kì đầu tiên Dụ Tư Đình chỉ dạy một lớp, thời gian còn lại thì nó ngồi dự giờ, có lớp nhỏ quá thì nó lê lết cái thân gần một mét chín dời ghế ngồi cạnh giáo viên. Nó khiêm tốn học hỏi tất cả các thầy cô ở Trung học phổ thông số Mười, kể cả người từng gây hấn với nó trước kia.”

“Giai đoạn đó có lẽ là khoảng thời gian vừa cay đắng vừa đáng yêu nhất của nó, môi ngày cứ phải nói đi nói lại hai câu ‘sao mà không hiểu’ và ‘ủa thầy mới giảng rồi mà’.”

Quá thực tế.

Sơ Trừng nghe được lời này không khỏi cười khổ, đây chẳng phải là trạng thái của chính mình bây giờ sao?

Thầy Chung kể thêm: “Đặc điểm lớn nhất của Dụ Tư Đình là có con mắt tinh tường, nó không bỏ qua ưu điểm hay nhược điểm của người khác. Khả năng học hỏi lẫn hoàn thiện bản thân của nó cũng rất tốt, trình độ kiến thức lại càng vững vàng nên chỉ qua một học kì mà nó đã cải thiện điểm trung bình môn Toán các lớp khoa học tổng hợp lên mười lăm điểm.”

“Sau khi tôi được chuyển công tác thì nó lại tiếp tục dẫn dắt đội tuyển, làm chủ nhiệm rồi làm Tổ trưởng Tổ Toán. Khi đó tôi nhận ra thứ nó thích không phải môn Toán học, nó thích quá trình không ngừng gặp vấn đề và không ngừng nghĩ ra giải pháp, giống như giải một bài toán vậy.”

Thầy Chung luôn thở dài khi nói về người học trò do chính tay mình bồi dưỡng. Dụ Tư Đình là kiểu đồng nghiệp thứ ba mà ông chưa từng gặp: Không muốn làm, chứ không có chuyện làm không được; công việc của hắn nằm trong tầm kiểm soát của bản thân hắn.

Sơ Trừng vốn muốn nghe về quá khứ đen tối của đại ca độc miệng nhưng không ngờ cậu lại rơi vào im lặng.

Mỗi bước đi của người này đều chắc chắn và ổn định, đồng thời luôn luôn tuân thủ nguyên tắc.

Dụ Tư Đình ấy à, hắn quá xuất sắc.



Vào buổi tối, cuộc họp tổng kết công việc thường niên của Sở Giáo dục kết thúc.

Khách khứa giải tán, Dụ Tư Đình trao đổi vài câu với người quen rồi rời phòng họp rồi quay lại đón Sơ Trừng.

Hắn gõ cửa văn phòng thì thấy hai người bên trong đã uống hết một bình trà, vỏ hạt dẻ rải rác khắp bàn.

Dụ Tư Đình nhìn giáo viên phó chủ nhiệm của mình: “Trông có vẻ thầy chờ tới chán thật.”

Thầy Chung cầm thùng rác lên cười: “Cái này toàn là tôi ăn thôi.”

Sơ Trừng ngẩng đầu lên: “Họp tổng kết xong chưa? Có cần họp với mấy thầy cô ra đề không?”

Dụ Tư Đình lắc đầu: “Không họp được vì không đủ người.”

“Hai thầy trò chuyện một lát.” Sơ Trừng nói rồi nhích vào trong để nhường chỗ trên chiếc ghế sofa cậu ngồi đến ấm áp.

“Tôi và thằng này làm gì có chuyện để nói.” Thầy Chung xua tay phủi vỏ hạt dẻ trên bàn rồi cầm áo khoác lên: “Có vợ có con có giường ấm, người ta lại mới nấu cá trích với sườn chua ngọt cho tôi. Hôm nay là thứ Sáu, trừ những người trẻ độc thân như mấy đứa thì ai lại không chạy nhanh về nhà?”

Sau đó ông không quên mang theo túi trái cây chưa ăn hết: “Lê này ngon đấy, mang về cho ‘sư nương’ của em ăn thử, tôi tan ca đây.”

“Mình cũng đi nhé?” Sơ Trừng nhìn Dụ Tư Đình và thấy đối phương cũng gật đầu.

Cả hai chào tạm biệt thầy Chung, cùng nhau đi ra ngoài.

Trước khi bọn họ kịp nhận ra thì bầu trời bên ngoài đã rất tối, vầng trăng lưỡi liềm lặng lẽ len lỏi vào màn đêm.

Sơ Trừng rùng mình vì lạnh, nhanh chóng quấn áo khoác rồi leo lên xe thầy Dụ.

Trong sân vẫn còn nhiều xe cộ. Chiếc SUV của Dụ Tư Đình đậu rất sát hai chiếc xe bên cạnh, hắn nhìn kĩ vào gương chiếu hậu rồi đánh tay lái. Chợt từ khóe mắt hắn thấy ánh mắt của Sơ Trừng.

“Nhìn tôi cái gì?”

Sơ Trừng mỉm cười nói ra điều mình vừa nghĩ khi bị gió lạnh đánh trúng một giây trước: “Trưa ăn chưa đủ, bây giờ tôi đói bụng, chỉ muốn ăn một tô tonkotsu ramen nóng thôi. Thầy ở đây lâu rồi, có gợi ý chỗ nào không?

Dụ Tư Đình suy nghĩ một chút rồi nói: “Lần trước đi qua chợ đêm tôi có nhìn thấy một quán khá đông khách, chắc là ăn ổn đó.”

Sơ Trừng hỏi: “Đi ăn thử không? Tôi mời.”

“Thầy mời tôi đi ăn tối à?” Dụ Tư Đình nhếch môi: “Hôm nay là ngày hai mươi lăm phải không?”

Sơ Trừng không hiểu ý của hắn: “Ừ, thầy có việc phải làm hả?”

“Không.” Dụ Tư Đình cuối cùng cũng lái xe ra khỏi sân, quay đầu ra đường rộng, hắn cười khẽ, bồi thêm một câu: “Tôi muốn xem lương về chưa ấy mà.”

Sơ Trừng: …

Cảm thấy như mình đang bị cười nhạo nhưng không có bằng chứng.

“Thầy có muốn đi không? Hay là tôi về nhà đặt đồ ăn?!” Thầy Sơ trợn mắt nằm xuống, dựa lưng vào ghế mềm quay lưng về phía hắn.

Dụ Tư Đình liếc ngang rồi điều hướng đến phố chợ đêm, hắn mỉm cười dỗ dành: “Đi chứ, đi chứ, để tôi lái xe.”



Tác giả có lời muốn nói

Sơ Trừng (sổ tay): Số lần đại ca xúc phạm em: n + 10086 + 3.1415926

Dụ Tư Đình (vừa xem sổ vừa họp): Thôi, anh đã ăn xong bữa tối thầy Sơ mời.
Bình Luận (0)
Comment