Tan Học Đừng Đến Văn Phòng Của Em

Chương 62

Cuộc trò chuyện trong bữa tối ấy khiến lòng người ta rung động, Sơ Trừng ăn xong về lại văn phòng rồi mà vẫn cảm thấy vùng da quanh cổ hơi nóng.

Nhưng cậu cũng đã nói gần đây công việc dồn dập nên không còn rảnh rỗi nữa, thế là thầy Sơ nhanh chóng điều chỉnh lại trạng thái và bắt đầu làm việc.

Cậu ôm một chồng bài văn lớn đặt ở góc bàn và ghi lời phê thật cẩn thận, sau đó dùng thời gian tự học buổi tối để gọi từng học sinh đến văn phòng để sửa lỗi trực tiếp như thường lệ.

Trong số các bài kiểm tra thì bài của Hàn Nhuế khiến người ta phải hài lòng từ trong ra ngoài.

Cô nhỏ viết chữ đẹp, bài văn hay với dẫn chứng đầy đủ, từ ngữ trau chuốt và tinh tế chứ không phải một đống những thứ hoa mỹ – muốn làm được điều này thì đòi hỏi một bút lực mạnh mẽ.

Đọc bài văn là biết đây là một đứa nhỏ đọc nhiều nên thế giới quan rõ ràng, thẳng thắn.

Sau khi sửa bài, Sơ Trừng ngẩng đầu lên nói với học sinh đang ngồi đợi bên cạnh: “Mai mốt thầy lấy bài của con để làm mẫu cho các bạn được không?”

Hàn Nhuế gật đầu rồi để lộ một cặp răng nanh nhỏ: “Dạ được chứ ạ.”

“Gần đây con luyện chữ cũng tốt đó, tiến bộ hơn rất nhiều.” Sơ Trừng vừa nói vừa dùng bút chì khoanh tròn vài chữ Hán trên giấy kiểm tra rồi tự mình đưa ra ví dụ: “Với những chữ có cấu trúc thế này thì con có thể viết gọn hơn.”

Thư pháp của thầy Sơ uyển chuyển như rồng bay, nét chữ trong sáng và tao nhã giống như chính cậu vậy.

Hàn Nhuế cúi đầu nghiêm túc nhìn, khiêm tốn nghe lời dạy: “Cảm ơn thầy, lần sau con sẽ chú ý hơn.”

“Ừ.” Sơ Trừng mỉm cười đưa lại bài văn cho cô, sau đó khéo léo chuyển chủ đề: “Còn một chuyện nữa, thầy nghe giáo viên Vật lí nói gần đây có vẻ con hay buồn ngủ trong giờ học, con có sao không? Có khó chịu ở đâu không?”

Hàn Nhuế không phủ nhận tâm trạng mình không tốt, cô cúi đầu nhìn ngón chân, thấp giọng đáp: “Chắc do con thức khuya…”

Nghe được đáp án, Sơ Trừng trong lòng cũng thấy đương nhiên, thực ra hôm nay cậu nói chuyện với Hàn Nhuế không phải ngẫu hứng.

Đứa trẻ này gần đây học tập quá mức, thậm chí thường xuyên thức đến tận sáng sớm. Thầy Dụ là người đầu tiên nhận ra sự bất thường này, nhưng vì cô nhỏ là cán sự của Sơ Trừng nên hắn giao việc cho phó chủ nhiệm đích thân tìm hiểu.

Sơ Trừng tựa lưng vào ghế giáo viên rồi nói: “Thầy nhớ con không phải người chủ trương thức khuya dậy sớm, sao bỗng nhiên con lại thay đổi thói quen vậy?”

Sơ Trừng từng tổ chức các buổi hùng biện trong mấy tiết Ngữ văn trước đây, cậu còn nhớ rõ quan điểm của Hàn Nhuế.

Nữ sinh im lặng, trong đôi mắt sáng có chút cảm xúc đan xen, sau đó cô ngập ngừng hỏi: “Thầy Sơ, thầy biết chuyện nhà con không?”

Sơ Trừng thành thật gật đầu.

Khi cậu với thầy Dụ tổ chức họp giao ban, cả hai người thường trao đổi về tình hình của học sinh. Hồi đầu năm lớp mười một, ba mẹ Hàn Nhuế tan vỡ và quyết định li thân, đây là điều cả hai thầy đều biết.

Khi đó cô bé đang cảm thấy chán nản nên đã chủ động trò chuyện với Dụ Tư Đình để trút bỏ cảm xúc, sau đó khóc rất nhiều, vì vậy mà Sơ Trừng hiểu lầm rồi viết thư nặc danh khuyên nhủ đại ca.

Thấy cậu gật đầu, Hàn Nhuế nhẹ nhàng thở dài rồi bắt đầu giải thích toàn bộ câu chuyện.

Hàn Nhuế sống với ba kể từ khi ba mẹ li thân. Ông thường bận rộn với công việc kinh doanh, đôi khi bỏ bê việc chăm sóc con gái, nhưng trong những ngày nghỉ lễ ông sẽ cố gắng gác lại công việc để đồng hành với cô. Bất kể chuyện gì thì ba cũng tôn trọng ý kiến ​​của con gái và để con tự quyết định, vì vậy Hàn Nhuế vốn là người nhạy bén, có tính kỉ luật cao, việc học tập của cô nhóc luôn dễ dàng và không bị áp lực.

Nhưng vì ông nội bệnh nặng cách đây không lâu, ba không đủ sức để chăm sóc con gái nữa nên đã gửi con sang cho mẹ.

Mẹ Hàn Nhuế lại luôn cảm thấy mình mắc nợ con, bà không chỉ ở bên con suốt ngày đêm mà còn tự mình làm mọi việc, dù là bữa ăn sáng hay một chai nước thì cũng không qua loa.

Hàn Nhuế tâm sự: “Con luôn cảm thấy nếu mình không cố gắng hơn thì sẽ xứng đáng với công sức của mẹ.”

Sự chăm sóc chu đáo quá mức của mẹ đã khiến cô bị áp lực tâm lí rất lớn. Sơ Trừng nghe xong cảm thấy nhẹ nhõm vì mọi chuyện không đến nỗi tệ như cậu tưởng, ba mẹ học sinh dù li thân nhưng vẫn yêu thương con gái.

“Tình yêu thương của ba mẹ được thể hiện theo nhiều cách khác nhau, nhưng sức nặng là như nhau.” Sơ Trừng kiên nhẫn giải thích: “Con không cần phải cảm thấy có lỗi vì mẹ con quá chu đáo. Tình cảm gia đình không phải là một vụ làm ăn, con không cần phải tính toán thiệt hơn kĩ càng như thế, mang theo quá nhiều áp lực sẽ chỉ khiến bản thân con kiệt sức mà thôi.”

Hàn Nhuế nói: “Nhưng con không muốn mẹ vì con mà vất vả như vậy. Ba mẹ khác…”

“Cũng như nhau cả thôi.” Tuy bản thân Sơ Trừng không phải một người ba nhưng từ sau khi trở thành giáo viên, cậu có thể hiểu được nỗi lòng sâu sắc của những bậc cha mẹ yêu thương con cái mình.

Cậu còn kể về thầy Dụ với tư cách là một người cậu cũng khổ tâm lắm khi phải dạy dỗ con nhỏ.

Cuộc sống thường ngày của hai cậu cháu nào đó đã khiến cô bé bật cười, áp lực tâm lí cũng được giải tỏa rất nhiều.

Sơ Trừng đề xuất: “Có lẽ vì rất quan tâm đ ến cảm xúc của con nên mẹ muốn trở thành người bạn tốt nhất, sao con không nói chuyện với mẹ giống như nói chuyện với thầy? Cứ thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ của mình về quan hệ giữa hai mẹ con dạo gần đây thì vấn đề sẽ biến mất thôi.”

Hàn Nhuế gật đầu và hứa sẽ từ từ điều chỉnh.

Sơ Trừng tin vào khả năng tự điều chỉnh cùng với khả năng chịu đựng căng thẳng của cô nhỏ, cậu bày tỏ mình không còn vấn đề gì để trao đổi nữa.

Hàn Nhuế lễ phép cúi chào, cô nhỏ đang định quay người rời đi thì lại dừng lại.

“Sao thế?” Sơ Trừng hỏi.

“Thầy ơi.” Đối phương nhìn cậu vài giây, sau đó lấy hết can đảm hỏi vấn đề mà lớp mình đang canh cánh: “Con nghe nói cô Vưu xin chuyển sang dạy khối Mười, vậy học kì sau thầy có ở lại dạy lớp mình không?”

Sơ Trừng không trực tiếp trả lời mà hỏi ngược lại: “Mấy đứa mong vậy à?”

Hàn Nhuế gật đầu: “Tất nhiên!”

Sơ Trừng mỉm cười: “Nếu thế thì thầy phải ở lại thôi.”

“Thật ạ?” Trên mặt cô nhỏ hiện lên một tia vui mừng không giấu được, cô không khỏi thốt lên: “Tuyệt vời quá.”

“Thầy cũng nghĩ vậy.” Sơ Trừng gửi lời chúc đến gia đình học sinh: “Mong ông của con sớm khoẻ nhé, về lớp gọi bạn tiếp theo giúp thầy.”

“Dạ, cảm ơn thầy Sơ!” Sau khi nhận được đáp án chắc chắn, Hàn Nhuế vui vẻ rời khỏi văn phòng.

Trước đây những đứa trẻ này chỉ sẵn lòng tìm đến đại ca khi gặp khó khăn, giờ đây Sơ Trừng cũng đã trở thành người có tư cách lắng nghe.

Chợt cậu hiểu ra lời thầy Dụ vừa nói ở căn tin, rằng nếu gặp vấn đề thì việc đầu tiên làm là tìm hắn để giải quyết – sự tin tưởng này đúng là khiến người ta hạnh phúc.

Nhìn theo bóng lưng nhẹ nhõm của học sinh, Sơ Trừng cũng cảm thấy thoải mái hơn, cậu cúi đầu tiếp tục sửa bài.

Hai phút sau có tiếng gõ cửa văn phòng Tổ Ngữ văn.

Sơ Trừng nói: “Mời vào.”

“Thầy Sơ, thầy đang tìm con ạ?” Một bóng người mảnh khảnh bước vào cửa – Lộc Ngôn uể oải nhìn tờ bài văn trải sẵn trên bàn, trong lòng hiểu ra rồi mở lời: “Ra là bài văn, về nhà giảng không được hả thầy?”

Cho dù là con trai lớn thì cũng phải tính toán rõ ràng.

Sơ Trừng liếc nhìn cậu: “Con đừng hòng bắt thầy xong tiết tự học tối mà vẫn phải tăng ca.”

Lộc Ngôn đoán được cậu sẽ nói như thế, cậu nhóc nhếch lên khóe miệng ậm ừ: “Nhưng hình như con bị cảm, mũi khó chịu và muốn hắt xì.”

“Chắc không phải cảm…” Sơ Trừng nghe vậy thì nhớ đến câu chuyện mình vừa kể Hàn Nhuế, trong lòng cậu cảm thấy có lỗi.

Lộc Ngôn nghe không rõ nên hỏi lại: “Hả?”

Sơ Trừng ho nhẹ để che giấu: “Đừng có ngó ngang ngó dọc nữa, nhanh lên đi, thầy còn phải gọi bạn tiếp theo.”

“Dạ.” Lộc Ngôn tự đẩy một chiếc ghế nhỏ ngồi bên cạnh thầy Sơ để lắng nghe.



Hết mùa xuân, nhiệt độ tăng dần, Đình Châu bước vào mùa hè với cây cỏ hoa lá tươi tốt.

Tháng Sáu có lẽ là khoảng thời gian bận rộn nhất trong nửa học kì sau.

Thi tháng, thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh cấp ba với thi đại học, hoạt động giảng dạy và nghiên cứu, đánh giá giáo viên… Đủ thứ công việc chồng chất khiến Sơ Trừng và Dụ Tư Đình vô cùng bận rộn.

Chiều hôm đó hai người cùng nhau tham dự buổi họp quay về lớp, thế nhưng chưa bước vào mà đã nghe thấy tiếng ồn ào bên trong.

Chẳng trách cấp trên nổi đoá trong cuộc họp vừa rồi, thời tiết càng ngày càng nóng, học sinh quả thực càng ngày càng nóng nảy hơn.

Dụ Tư Đình cố tình đi chậm lại, hắn đi dọc hành lang để cẩn thận xác định nguồn gốc của những âm thanh ồn ào trong lớp học.

Hắn im lặng vài giây rồi quay sang bên cạnh nhắc nhở: “Lát nữa có khi thầy phải bịt tai lại.”

“Hả? Ý thầy là sao?” Sơ Trừng không hiểu ý tứ sâu xa của hắn, cậu cho là đối phương chỉ là giễu cợt trật tự lớp nên không để ý nhiều.

Hai người song song bước vào cửa. Sơ Trừng theo thói quen đi đến bàn phía sau, nhưng cậu chưa đi được hai bước thì trên bục bên cạnh đã vang lên một tiếng động lớn.

Khoan nói đến những học sinh phía dưới, ngay cả phó chủ nhiệm Sơ chưa kịp chuẩn bị tinh thần cũng sợ hãi quay lại nhìn hắn.

Giây tiếp theo, trong phòng học vang lên tiếng răn đe của đại ca.

Dụ Tư Đình ban nãy nói chuyện nhẹ nhàng, dặn dò chu đáo bây giờ đã nhập vai giáo viên chủ nhiệm nghiêm khắc với khí chất mạnh mẽ, ánh mắt nhìn từ trên xuống, lời nói sắc bén và tràn đầy sự áp bức.

Từng lời hắn nói đều không có mục tiêu rõ ràng nhưng lại khiến ai cũng nghĩ là mình, học sinh trong nháy mắt im lặng và không ai dám nhìn hắn.

Sơ Trừng còn chưa kịp bình tĩnh lại để ghi chép thì buổi quản lí kỉ luật lớp học đã kết thúc.

Sau đó người đứng trên bục truyền đạt nội dung cuộc họp ở trường một cách ngắn gọn, hắn không nói lời vô nghĩa, chỉ cần nói qua mấy ý là có thể khiến học sinh phải lắng nghe.

Vừa kỉ luật lớp được một lúc thì Dụ Tư Đình cảm thấy điện thoại trong túi rung lên.

Hắn đưa tay chạm vào nó với vẻ mặt lạnh lùng, khi nhìn thấy nội dung tin nhắn thì lông mày hắn hơi giãn ra.

[Mạnh quá…]

Dụ Tư Đình ngẩng đầu nhìn về phía hàng ghế cuối cùng.

Bóng dáng một fanboy đang ngồi đó, cậu tựa tay chăm chú theo dõi và học tập, trong ánh mắt cậu ánh lên câu nói ‘huấn luyện viên, tôi cũng muốn học cái này’.

“Đây là tiết tự học phải không?” Giọng nói của Dụ Tư Đình vẫn trầm thấp, mang theo vẻ phẫn nộ mà hắn vừa ép sau khi phát hoả

“Dạ…” Có mấy đứa học sinh đáp lại thôi, cả lớp cũng không dám tùy tiện khiêu khích hắn.

“Làm nửa bộ đề Vật lí, lát nữa thầy giảng.” Dụ Tư Đình ngẫu nhiên lấy một bộ đề từ tủ bài kiểm tra dưới gầm bàn đưa cho lớp trưởng.

Lớp học rất trật tự, thỉnh thoảng có tiếng bấm bút đan xen với tiếng lật trang giấy kiểm tra.

Brrr.

Điện thoại di động của Sơ Trừng trên bàn rung lên.

[Dụ Tư Đình: Đợi kiếp sau đi, bây giờ thầy không có cơ hội.]

[Hả?]

Sơ Trừng bối rối đánh máy trả lời, cậu tưởng mình bị giễu cợt nhưng đối phương lại nghiêm túc giảng giải.

[Dụ Tư Đình: Ý tôi là đã quá trễ rồi.]

[Dụ Tư Đình: Đừng nghĩ lúc nào mình tử tế với mấy đứa nó rồi đến lúc giữ kỉ luật mới nghiêm khắc, từ trước đến giờ thầy cười nói quá nhiều rồi, không kịp rút lại nữa đâu.]

Sơ Trừng nhất thời không tìm được lí do để phản bác nên chỉ thể đưa ra một lời cam đoan vô vị.

[Tôi không cười nữa… Thầy giúp tôi lấy lại hình tượng được không?]

Dụ Tư Đình từ trên bục liếc nhìn cậu rồi tiếp tục gõ phím.

[Dụ Tư Đình: Lỡ thầy không làm được thì sao đây?]

Sơ Trừng nghiến răng nghiến lợi.

[Trừ tiền.]

[Dụ Tư Đình: Thôi đi, lương của thầy không đủ đâu.]

[Đủ mà… Thầy chốt kèo đi!]

Sơ Trừng đột nhiên thu hồi nụ cười, cậu nhìn chằm chằm vào giáo viên chủ nhiệm với vẻ mặt nghiêm túc.

[Dụ Tư Đình: Đối mặt với tôi thì không tính đâu.]

Đọc tin nhắn này mày Sơ Trừng không khỏi cong lên khóe miệng, đôi mắt cười trong suốt cong lên, trông vừa trong sáng vừa hiền lành.

“Thầy Sơ.” Giọng học sinh chợt vang lên.

“Hả?” Sơ Trừng đi theo tiếng động quay người lại, cậu vẫn mỉm cười.

Các bạn học nhìn cậu mà giật mình, không biết chuyện gì đã lại khiến phó chủ nhiệm vui như vậy.

Tin nhắn WeChat trên điện thoại Sơ Trừng nhấp nháy.

[Dụ Tư Đình: Trừ một trăm.]

[…]

Vẻ mặt của người vừa bị trừ tiền cứng đờ.

Không phải chứ tên này quá đáng rồi đó!



Tác giả có lời muốn nói

Dụ Tư Đình: Nói không đủ thì không tin, bị tịch thu lương thì cũng không phải tại anh!
Bình Luận (0)
Comment