Tần Nhượng Thư

Chương 18

Hôm sau, Vô Ưu Cái đến gặp Nhương Thư, trao cho chàng một quyển bí kíp chép tay, ân cần dặn dò :

- Ðây là Phật Ðăng kiếm phổ! Tuyệt học làm lừng danh Tần Nhương Thư! Nay công tử thay y giáng ma, hãy nghiên cứu để tăng cường bản lãnh!

Quyển thủ lục này do Trác Thiên Lộc chép lại, bị Nhương Thư thu hồi, giao cho Vô Ưu Cái cất giữ. Chàng sợ tuyệt học của ân sư bị thất truyền nên ủy thác Hầu Mộ Thiên tìm người tài đức mà truyền lại, trong trường hợp chàng đoản mệnh.

Nhương Thư mừng rỡ cảm tạ họ Hầu. Chàng hy vọng qua việc học Phật Ðăng kiếm pháp mà khẳng định thân phận thực và dần dà khôi phục ký ức.

Chàng luyện Phật Ðăng kiếm pháp mười mấy năm ròng, chiêu thức in sâu vào tiềm thức, phép “Di Hồn đại pháp” chỉ che mờ được ý thức, khiến chàng tạm quên đi. Giờ xem lại khẩu quyết, tay hữu bắt kiếm ấn thực hành, Nhương Thư thi triển một hơi toàn pho, chẳng chút ngượng ngùng.

Nhương Thư thở dài, hoàn toàn xác định mình là ai. Trong những ngày sau đó, chàng ở rịt trong phòng, luyện đi luyện lại những chiêu kiếm, mắt nhắm nghiền để tâm trí thức dậy theo từng đường gươm quen thuộc. Phật Ðăng kiếm pháp chính là chiếc chìa khóa thần diệu mở dần cánh cửa dĩ vãng bị tà pháp khép chặt. Gương mặt hòa ái, từ bi của Phật Ðăng Thượng Nhân hiện ra trước tiên vì ông là người dạy kiếm cho Nhương Thư. Sau đó là phong cảnh chùa Phật Quang, núi Ngũ Ðài và thi thể lõa lồ của người mẹ bạc mệnh. Lần lượt, Nhương Thư khôi phục toàn bộ ký ức, kể cả việc bị Ải Thần Quân bắt sống. Chính lão đã dùng tài dao kéo biến chàng thành Tần Nhật Phủ.

Chàng có thể tiết lộ bí mật này cùng bọn Vô Ưu Cái truy tìm Ải Thần Quân, bắt lão trả lại chân diện mục. Nhưng nếu thế thì chàng không thực hiện được lời thề với Thúy Sơn. Ba người vợ họ Ðiền và ba chiếc bào thai chẳng cho phép chàng tự sát.

Kỷ niệm về họ cũng đã sống lại cùng tình yêu, điều này khiến Nhương Thư vô cùng bối rối. Chàng quyết định giữ kín lai lịch, chờ xem an nguy của Thúy Sơn thế nào. Nếu nàng sống sót đúng như lời Ngọa Long Tú Sĩ tiên đoán thì hạnh phúc sẽ vẹn toàn.

Dù không quen gian dối, Nhương Thư vẫn phải nói ngược lòng mình khi bị Vô Ưu Cái hỏi han. Chàng bảo rằng Phật Ðăng kiếm pháp uyên thâm vô lượng, chẳng thể luyện thành trong thời gian ngắn được. Chàng biết đây là mưu kế của Ngọa Long Tú Sĩ, kẻ đã khẳng định với Thúy Sơn về thân phận của chàng.

Vẻ thất vọng lóe lên trong đôi mắt già nua của Hầu Mộ Thiên, làm cho Nhương Thư đau lòng vô hạn. Vô Ưu Cái yêu thương chàng như ruột thịt, chắc đã rất thương tâm khi mất mát.

Tiết Trung thu đến mang theo toàn tin xấu. Thứ nhất, các Phân đà dọc hạ lưu Hoàng Hà báo về rằng không thể tìm thấy xác Thúy Sơn. Họ đã dọ hỏi dân cư dọc hai bờ, suốt chiều dài ngàn dặm, cũng chẳng có ai vớt được.

Tin thứ hai là việc Sơn Hải bang do Kỵ Ba Thần Quân đích thân thống lãnh đã vây hãm Cưu Sơn, tình thế bọn Hoàng Nghi Tuyệt vô cùng nguy ngập.

Vô Ưu Cái liền cho mời Nhương Thư lên sảnh. Chàng hơi ngạc nhiên khi thấy cả Mục Tử Lượng cũng được mời dự họp. Gã đã đến ở đây cùng lúc với chàng, song hai người ít khi gặp gỡ.

Hầu Mộ Thiên thông báo kết quả cuộc tìm kiếm Thúy Sơn trước. Nghe xong, Ngọa Long Tú Sĩ hớn hở nói ngay :

- Không thấy xác tức là quẻ bói của lão phu đã linh nghiệm! Có lẽ Thúy Sơn được chiếc thuyền nào đó vớt lên. Họ đi ngược về hướng Tây nên không biết việc chúng ta tìm kiếm!

Nhương Thư buồn rầu lẩm bẩm :

- Một kẻ thọ chưởng thương, rơi xuống từ độ cao tám chín trượng, khó mà sống nổi với dòng nước dữ dội của sông Hoàng!

Lỗ Ðăng Hân bác ngay :

- Cát nhân chẳng thể chết yểu được! Trước đây nàng ta và Nhương Thư rơi xuống vực thẳm sâu vài chục trượng mà vẫn an toàn cơ mà!

Nhương Thư là người trong cuộc nên biết rất rõ, phần nào tin vào những kỳ tích phi thường.

Vô Ưu Cái bàn sang việc võ lâm, kể lại tình hình gay cấn ở Cưu Sơn. Nhương Thư xem Hoàng Nghi Tuyệt là bằng hữu chí thân nên khẳng khái nói :

- Tại hạ xin đi ngay Cưu Sơn để giải vây cho phe ta, đồng thời nhân cơ hội này mà giết Kỵ Ba Thần Quân, không cần chờ đến đại hội Minh chủ nữa!

Vô Ưu Cái gật gù :

- Hiện nay, Bất Trí thư sinh, Thiết Kình Ngư, Tô Châu ngũ tặc cùng hai trăm cao thủ Thiếu Lâm đã khởi hành đi Cưu Sơn. Tuy nhiên, trong lực lượng của chúng ta không ai đủ sức đương cự lại lão quỷ già Thành Vô Chiến. Vì vậy, Tần thiếu hiệp hãy đến đấy để cầm chân hắn!

Nhương Thư cau mày :

- Vì sao Bang chủ lại dùng chữ “cầm chân”?

Hầu Mộ Thiên thở dài :

- Vì bản lãnh của Kỵ Ba Thần Quân Thành Vô Chiến lợi hại hơn Âm Sơn lão tổ một bậc. Lão ta lại có bảo giáp da cá hộ thân, kiếm đâm không thủng!

Nhương Thư sực nhớ đến tấm bảo y mà Lã Tập Hiền đã mượn của Kỵ Ba Thần Quân, khi định giao đấu với chàng.

Ngọa Long Tú Sĩ tiếp lời họ Hầu :

- Không phải mình lão ta mà cả mười người đệ tử thân tín cũng mặc bảo y, đao pháp rất cao cường!

Tạ thần y bỗng than thở :

- Phải chi có được thanh Mạc Gia thần kiếm của Tích Bảo chân nhân thì mới mong giết được lũ tà ma đáng ghét kia!

Vô Ưu Cái hậm hực chửi :

- Mả cha cái lão đạo sĩ chuyên đào mồ thiên hạ! Bốn năm trước lão ta vớ được thanh thần kiếm trong một ngôi mộ cổ ở ngoại thành Lạc Dương, có mang đến khoe với lão phu, lão huyênh hoang rằng sẽ tìm bậc nhân hiệp mà tặng kiếm, sau đó ôm bảo vật biến mất tăm. Nếu lão ta thực lòng vì võ lâm thì đã sớm tặng cho Nhương Thư rồi. Còn ai xứng đáng hơn y nữa?

Chợt lão đổi giọng, quay sang ân cần với Mục Tử Lượng :

- Này Mục hiền điệt! Ðến lượt ngươi trưng của quí ra rồi đấy!

Họ Mục hân hoan gật đầu, trịnh trọng nhấc một túi lụa nhỏ trong lòng lên, đặt xuống bàn, miệng ấp úng vì xúc động :

- Bẩm chư vị! Vãn bối nhận được lệnh của Hầu bang chủ lập tức thức trắng chín ngày đêm, chế tạo ra được mười viên Lân Hỏa Thần Ðạn, theo đúng thiết kế của Lỗ tiền bối! Với loại vũ khí này, Tần thiếu hiệp có thể yên tâm đối phó với Kỵ Ba Thần Quân và bọn giáp sĩ!

Nói xong, Mục Tử Lượng đổ ra bàn những viên bi bằng vàng, lớn cỡ hột nhãn, hình cầu nhưng có sáu nốt lồi nhỏ xíu.

Nhương Thư cầm lên xem thử, ngơ ngác hỏi :

- Tác dụng của chúng thế nào?

Ngọa Long Tú Sĩ Lỗ Ðăng Hân tươi cười giải thích :

- Áo giáp da cá của thầy trò Kỵ Ba Thần Quân đều được tẩm dầu, tương tự như Ðằng Giáp của đám rợ phương Nam, từng bị Khổng Minh thiêu chết. Do vậy, lão phu đã nghĩ ra việc chế tạo Lân Hỏa Thần Ðạn, nhưng không có người đủ khéo kéo mà thực hiện. May thay, Mục hiền điệt đây sở đắc tài hoa của Tỏa Hầu, đã thành toàn ý nguyện của lão phu!

Mục Tử Lượng sung sướng lên tiếng giải thích :

- Bẩm chư vị! Tuy bề ngoài đơn giản nhưng việc tạo tác lại cực kỳ khó khăn, phức tạp. Sáu nốt lồi nhỏ xíu như đầu tăm này chính là bộ phận kích hỏa. Khi Lân Hỏa Thần Ðạn chạm mạnh vào người đối phương sẽ phát nổ và bốc cháy. Lửa lân tinh rất dữ dội, không thể dập tắt được và bám rất chắc vào mục tiêu. Giao Bì giáp của Kỵ Ba Thần Quân tẩm dầu thì lão càng mau chết.

Cử tọa hết lời khen ngợi tài nghệ của Mục Tử Lượng khiến gã khoan khoái phi thường. Dương Châu Thần Thâu nói đùa :

- Sao ngươi lại hoang phí đến mức dùng vàng là ám khí? Ngươi muốn Hầu bang chủ sạt nghiệp hay sao?

Mục Tử Lượng gượng cười :

- Bạch huynh quả khéo đùa! Vàng là thứ kim loại thích hợp nhất vì có thể dát mỏng, kéo sợi dễ dàng, lại không rỉ sét! Nếu làm bằng đồng thì lượng thuốc nổ ít ỏi kia không phá vỡ nổi vỏ bọc!

Nhương Thư cắt ngang lời gã :

- Mục công tử có thể chế tạo Bạt Sơn Thần Lựu được không?

Mục Tử Lượng bẽn lẽn lắc đầu :

- Thưa không, đấy là nghề độc môn của dòng họ Tất, tại hạ chẳng dám so bì!

Lỗ tú sĩ xen vào :

- Lão phu đã nghiên cứu rất kỹ trái Bạt Sơn Thần Lựu cuối cùng của chúng ta, nhận ra nó được dồn một loại thuốc nổ đặc biệt nên sức công phá mới khủng khiếp như thế! Chỉ riêng phương pháp nén chặt thứ hỏa dược nhạy cảm ấy vào ống đồng cũng đủ làm cho cả thiên hạ phải nhức đầu!

Vô Ưu Cái xoa tay :

- Không khó thì đâu còn là Trượng Vương! Thôi thì có gì xài nấy! À! Tần thiếu hiệp có biết ném ám khí hay không?

Dưới ánh mắt sắc như dao của lão, Nhương Thư cố bình thản đáp :

- Tại hạ quen luyện Lục Mạch thần chỉ, có thể dùng chỉ phong bắn thần đạn đi được mà!

Câu trả lời nghe hữu lý, nhưng thực ra là chàng có luyện qua phép ném Thiết Niệm Châu.

Nhương Thư biết rõ bản chất “cẩn tắc vô ưu” của Hầu Mộ Thiên, dù biết chắc chín phần vẫn chờ sự xác nhận của chàng.

Vô Ưu Cái dịu giọng bảo Mục Tử Lượng :

- Hiền điệt hãy về nghỉ ngơi vài ngày rồi tiếp tục chế tạo thêm thần đạn! Vận mệnh của võ lâm tùy thuộc vào ngươi đấy!

Tuy biết bị đuổi khéo nhưng Mục Tử Lượng vẫn cao hứng về câu nói trịnh trọng của lão hồ ly họ Hầu.

Dương Châu Thần Thâu không chờ đuổi, giả đò rủ Mục Tử Lượng đi uống rượu. Trong sảnh giờ đây chỉ có bốn người, cả gã tiểu cái hầu trà cũng bị xua đi mất.

Lúc này, Vô Ưu Cái mới nghiêm nghị nói với Nhương Thư :

- Tần thiếu hiệp! Bọn lão phu đã điều tra cặn kẽ, biết rõ thiếu hiệp là người đã làm cho bụng của ba nàng họ Ðiền phưỡn ra! Lão phu không bắt lỗi, chỉ muốn ngươi thành thực thú nhận và lãnh trách nhiệm!

Nhương Thư chờ đợi câu hỏi này đã lâu, chua chát đáp :

- Nếu tại hạ nhận mình là cha những đứa bé kia thì đồng ý lấy ba vị phu nhân họ Ðiền, liệu họ có chịu không?

Vô Ưu Cái cười nhạt :

- Chắc chắn là không! Vì vậy, ý của lão phu là ngươi sẽ tự sát trước linh vị của Nhương Thư để tạ tội!

Lão định bắt bí để chàng lòi đuôi chuột, chịu nhận lại thân phận, nào ngờ Nhương Thư buột miệng đáp ứng ngay :

- Dám làm dám chịu! Giết xong Kỵ Ba Thần Quân và Âu Dương Lăng là tại hạ dâng đầu cho Bang chủ!

Dứt lời, chàng đứng phắt dậy trở về phòng. Ở đây, ba lão nhân nhìn nhau ngơ ngẩn. Hầu Mộ Thiên rầu rĩ than :

- Thế này là thế nào nhỉ? Nếu y là Nhương Thư sao không mở miệng thừa nhận mà lại chịu chết?

Ngọa Long Tú Sĩ dù cơ trí như Khổng Minh, song không biết rõ sự việc trong mộc xá, cũng như lời nguyện đồng hành cùng Thúy Sơn về cõi âm của Nhương Thư, nên đâm ra bối rối. Lão bắt đầu nghi ngờ định kiến vững chắc trước đây của mình.

Tạ thần y lên tiếng phá tan bầu không khí nặng nề :

- Lão phu đã theo cách của Lỗ lão đệ, bấm vào huyệt Mi Tâm song họ Tần chẳng hề có biểu hiện đau đớn. Có thể kết luận gã không phải là Nhương Thư bị phép Nhiếp Hồn biến thành Nhật Phủ!

Vô Ưu Cái ôm đầu than :

- Chắc lão phu điên mất!

Sáng hôm sau là ngày mười sáu tháng tám, Nhương Thư lên đường đi Cưu Sơn. Chàng phải có mặt sớm để hỗ trợ Hoàng Nghi Tuyệt. Lực lượng chính phái ở đấy khá mạnh, chỉ thiếu cao thủ để đủ sức đối phó với Kỵ Ba Thần Quân. Với hơn chục viên Lân Hỏa Thần Ðạn vàng óng, xinh đẹp kia, Nhương Thư hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu ấy.

Cưu Sơn chỉ có một đỉnh và căn cứ Cưu bang lại nằm trên bình đài ở sườn Ðông, vì ba hướng còn lại là rừng cây rậm rạp, đầy ác thú, độc vật, không có lối ra vào.

Cũng chính vì thế mà quân Sơn Hải bang chỉ vây hãm đoạn chân núi hướng Ðông, chiếm lấy Lạc Pháp trấn.

Lực lượng của Hoàng Nghi Tuyệt đông độ năm trăm, đã rút cả lên bình đài, tuy an toàn nhưng lâu ngày sẽ chết đói.

Quân tiếp viện còn ở phía sau nhưng Nhương Thư phải có mặt thật sớm vì Kỵ Ba Thần Quân đang cho thủ hạ đóng một chiếc thang khổng lồ, cao mười trượng, rộng hai trượng.

Mặt trước của thang dựng đứng, lợp kín bằng ván dầy, mặt sau dốc và gồm những bậc ngang. Khi đóng xong, Sơn Hải bang sẽ dùng con lăn đẩy chiếc thang áp sát bình đài rồi tiến lên. Lúc ấy, bọn Hoàng Nghi Tuyệt sẽ phải bó tay.

Sơn Hải bang đã quét sách đệ tử Cái bang trong bán kính mười dặm quanh Cưu Sơn. May mà trạm truyền tin lại sớm nằm trên núi, nên Vô Ưu Cái và hội đồng võ lâm mới nắm rõ cục diện.

Nhiệm vụ của Nhương Thư là có mặt trên bình đài, chặn đánh Kỵ Ba Thần Quân lúc lão nhảy từ đầu thang sang. Thủ hạ của lão đã có bọn Hoàng Nghi Tuyệt phụ trách.

Nhưng chàng sẽ lên bằng cách nào khi chung quanh núi là vách đá dựng ngược? Kỵ Ba Thần Quân đã đích thân khảo sát toàn khu vực mà không tìm ra lối lên, đành phải đóng thang. Hơn nữa, hàng ngàn tổ ong độc không cho phép lão đưa quân vào rừng. Một người thì không sao nhưng nhiều người sẽ đánh động bầy ong dữ.

Ngày xưa, trong những cuộc chiến tranh, người Trung Hoa dựa vào thành lũy mà phòng thủ, vì thế, một vài công cụ phá thành đã ra đời. Trong số đó có loại thang dài thượt gọi là vân thê (thang mây) được làm bằng tre và khá đơn giản. Khi sử dụng vân thê, người ta phải phối hợp với cung tiễn để hỗ trợ, song không mấy có kết quả. Ða số quân cảm tử trèo lên thang đều bỏ mình vì bị xô ngã, hoặc bị dầu hôi trút xuống đầu.

Loại thang nặng nề, kiên cố của Kỵ Ba Thần Quân sáng tạo ra không dùng được trong chiến tranh vì quanh thành đều có đào hào sâu, khó mà đưa qua. Song Cưu Sơn không phải thành quách và đệ tử Cưu bang cũng chẳng có cung tiễn nên vân thê của Thành Vô Chiến mới có đất dụng võ.

Như đã nói ở trên, việc thông tin liên lạc giữa Cưu Sơn và Lạc Dương vẫn được duy trì, nên Nhương Thư có cách để lên núi.

Bọn Sơn Hải bang không mù nên đã thấy chim câu mang thư cầu viện bay đi. Vì vậy, họ đặt mai phục ở mọi ngã đường để chặn đánh, chủ yếu phòng ngự hướng Nam, nơi ấy có đường thông với quan đạo. Quân chính phái đến tiếp ứng Cưu Sơn bắt buộc phải đi lối này.

Có một điều mà một kẻ đầy thao lược như Thành Vô Chiến không nghĩ đến, là việc đối phương chỉ có một mình và đi từ Khai Phong đến chân phía Bắc núi Cưu. Ở hướng này, họ Thành chỉ rải vài tên trinh sát cho có lệ. Lão mang theo sáu trăm quân nhưng cũng chẳng đủ để rải hết một chu vi hàng chục dặm.

Kế trưa ngày mười tám, Nhương Thư có mặt trong một thôn nhỏ, cách xa Cưu Sơn khá xa. Chàng vào quán trọ nghèo nàn ở đầu thôn ăn thật no, gởi ngựa lại rồi xuất phát.

Cuối giờ Mùi, chàng đến khu rừng già chân núi, dễ dàng qua mặt một gã hải tặc đang ngủ gục dưới gốc cây, tiến vào rừng.

Mưa thu làm thảm rừng ẩm ướt, xông lên mùi lá mục, côn trùng sinh sôi nảy nở rất nhiều, chúng rỉ rả chào đón Nhương Thư, song thỉnh thoảng lại có những tiếng sột soạt đầy đe dọa.

Tiếng hổ gầm từ xa vọng lại không làm Nhương Thư nao núng. Cả những tổ ong nằm rải rác khắp nơi cũng chỉ khiến chàng mỉm cười. Hoàng Nghi Tuyệt từng kể rằng loài Hoàng Phong trong rừng Cưu Sơn rất độc và dữ tợn, ai bị chúng đốt là toi mạng ngay. Nhờ bầy ong và đàn hổ mà khu rừng nguyên thủy rộng mênh mông này vẫn chưa bị loài người tàn phá. Bọn tiều phu chỉ đốn củi ở bìa rừng chứ không dám vào sâu.

Chợt phát hiện một con mãng xà dài ngoằng, to lớn, ngoắt ngoẻo trên cành cây trước mặt, Nhương Thư đi chếch sang hướng khác để tránh. Không có gì nguy hiểm sao mặt chàng lại nặng nề và ánh mắt u buồn thế kia? Ðấy là bởi con vật đã gợi nhớ đến Thủy Xà Vương và người yêu bạc mệnh là Bạch Ngọc Tiên Tử Lâm Ðại Ngọc.

Chàng đã giết được Thiểm Bắc Thần Long và Âm Sơn lão tổ để trả thù, song đâu phải nhờ thế mà Lâm nương sống lại.

Nhương Thư cố nén đau thương, vung kiếm chặt cành mở lối, bước nhanh hơn. Càng đến gần chân núi thì thảm rừng càng nhiều đá tảng, song chỉ làm đường dễ đi đối với kẻ có khinh công cao siêu. Nhương Thư nhảy từ tảng đá này sang tảng đá khác, trông đẹp như cánh chim, khiến lũ tu hú đang quang quác trên cành cao phải ghen tỵ.

Ðường rừng hiểm trở, Nhương Thư liên tục chuyển hướng để tránh những trở ngại quá lớn, nên thỉnh thoảng chàng phải nhảy lên ngọn cây, quan sát đỉnh Cưu Sơn để định hướng cho đúng.

Không muốn đánh động lũ ong rừng hung dữ, chàng chỉ dùng kiếm chặt những cành gai khi cần thiết.

Trong rừng thường có suối, do nước tích tụ trên núi chảy xuống, và Nhương Thư đã gặp một trong những khe suối ấy.

Nhương Thư mừng rỡ cởi hết y phục, nhảy xuống giòng nước mát, trong veo, có màu xanh của lá rừng. Chàng gột rửa bụi bặm và xăm soi những chỗ kín trên cơ thể để tìm bắt loài ve nhỏ bé mà lì lợm. Chàng không sợ độc, song chúng lại không sợ chàng.

Ve rừng chẳng hề đáng yêu như loài ve sầu vẫn thường ngợi ca mùa hạ. Chúng chỉ nhỏ hơn hạt mè, thuộc hạng khát máu nhất trần gian. Chúng thích những vùng phủ lông như đầu, nách, hạ thể...và khi cắn ai thì chui luôn vào sâu da thịt, khiến nạn nhân phát sốt, đau đớn vô cùng. Ðáng sợ nhất khi chúng chui vào lỗ tai, hổ thì rống chạy cong đuôi, người thì kêu cha gọi mẹ, đau thấu trời.

Nhương Thư chợt nghe tiếng sột soạt, đảo mắt nhìn quanh mà chẳng thấy gì, khi đã chắc rằng chẳng còn kẻ thù nhỏ bé nào trên người, Nhương Thư khoan khoái lên bờ, mở tay nải nhỏ lấy bộ võ phục sạch thay. Bộ lúc nãy cũng đã dơ bẩn và bị gai góc móc toạc, chẳng tiếc làm gì. Và chàng cũng không đủ can đảm ngồi bắt lũ ve trong bộ quần áo ấy.

Hơn nữa, sau mấy tháng đóng vai chàng công tử phong lưu Tần Nhật Phủ, Nhương Thư đã nhiễm thói quen sạch sẽ và chỉnh tề. Chàng không muốn xuất hiện trước mặt Hoàng Nghi Tuyệt và Từ Thanh Huệ với một bộ dạng rách rưới khó coi.

Giờ đây, Nhương Thư chỉ cần đi dọc bờ suối là sẽ đến được chân núi. Tất nhiên là phải ngược dòng.

Nhưng vừa đi được một đoạn, chàng chợt nghe phía sau vọng lại những âm thanh kỳ lạ. Tiếng kêu ấy đầy vẻ giận dữ, pha lẫn sự sợ hãi và dường như là cầu cứu vậy. Chúng trong trẻo và đúng là tiếng nữ nhân.

Không kịp tự hỏi vì sao chốn hiểm địa hoang vu này lại có đàn bà, Nhương Thư quay ngoắt lại, lao vút đi như tên bắn. Khi đến đoạn suối lúc nãy, chàng phát hiện trên bờ Tây có một con mãng xà, thân to bằng bắp đùi người lớn, đang quấn chặt một nhân vật tóc dài. Người này đang dùng hai tay xiết cổ con mãng xà, cố ngăn không cho cái miệng rộng hoác, đầy răng ngược kia nuốt gọn đầu mình.

Loài trăn lợi hại nhất là ở những vòng xiết chết người, lực đạo mạnh đến mức xương nai già cũng phải gãy răng rắc.

Ðã từng bị rơi vào hoàn cảnh ấy, Nhương Thư chẳng dám chần chừ, lướt đến vung kiếm chém bay đầu con trăn. Thân nó lỏng ra và nạn nhân kia thoát chết, nhún chân rời xa con mãng xà đang quằn quại,đứng nhìn Nhương Thư với ánh mắt biết ơn, miệng cười toe toét, nhe hàm răng nhọn hoắt, trắng nhỡn, gương mặt y chỉ lem luốc chứ không xấu xí, song toát ra vẻ man rợ, hoang sơ. Tuổi tác y chỉ độ mười sáu, mười bảy.

Nhương Thư đỏ mặt tía tai, chẳng dám nhìn vì y hoàn toàn lõa thể, và lại là giống cái. Nàng ta chẳng phải loài khỉ vượn vì trên làn da đen đúa kia không phủ lông mao, trừ những chỗ mà đàn bà ai cũng có. Nhưng cơ thể ấy đầy những bắp thịt thon dài, rắn rỏi, nhất là ở tứ chi. Ðấy có lẽ là kết quả của cuộc sống leo trèo hái trái, hay săn đuổi thú rừng.

Nhương Thư bối rối, quay gót bỏ đi. Nhưng cô gái rừng rú kia chỉ nhún chân một cái đã bay vèo qua mặt chàng chặn lại, hai tay giang rộng, mắt đầy vẻ van xin, lưu luyến.

Nhương Thư chột dạ nghĩ thầm :

- “Chết ta rồi! Hay là con bé này định giữ ta lại làm chồng?”

Chàng ngượng ngùng hỏi thử, dù chẳng biết đối phương có biết nói hay không.

- Dám hỏi cô nương là ai, vì sao lại một mình lạc lõng chốn này?

Cô gái lại cười và lắc đầu, tỏ vẻ không hiểu, và bập bẹ :

- Mày... nói gì?

Thì ra nàng ta chỉ biết tiếng Hồ Nam, trong khi Nhương Thư hỏi bằng tiếng Bắc Kinh.

Ðại loại, nước Trung Hoa tuy rộng lớn, mỗi vùng một thứ tiếng, song vẫn chỉ gồm khoảng tám phương ngữ ở tám khu vực.

Phương ngữ miền Bắc lấy tiếng Bắc Kinh là căn bản, phân bố theo khu vực cư trú của những thị tộc Bắc Hán. Từ sông Hoàng Hà qua Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Vân Nam, Quí Châu. Người sử dụng phương ngữ này đông đảo nhất, chiếm độ bảy phần mười dân số.

Phương ngữ của vùng giáp ranh Giang Tô, Triết Giang, lấy tiếng Thượng Hải làm đại biểu, đại bộ phận tập trung ở Triết Giang.

Phương ngữ của vùng Hồ Nam, dùng ngôn ngữ Trường Sa làm cơ sở.

Phương ngữ của Khách Gia là ngôn ngữ của người Hán di cư từ lưu vực sông Hoàng Hà xuống phía Nam, tập trung ở các tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Giang Tô. ở Hồ Nam, Tứ Xuyên cũng có một số ít người nói tiếng Khách Gia.

Phương ngữ Phúc Kiến. Phân bố chủ yếu ở Phúc Kiến và một bộ phận ở Ðài Loan.

Phương ngữ vùng Giang Tây, Hồ Bắc, lấy tiếng Nam Xương là chủ.

Phương ngữ vùng phía nam Phúc Kiến, có ở cả Ðông Bộ tỉnh Quảng Châu, một phần đảo Hải Nam, Ðài Loan dùng nhiều nhất (Ðài ngữ).

Phương ngữ Quảng Châu, lấy tiếng Quảng Ðông làm chủ, tập trung ở Lưỡng Quảng.

May thay thân mẫu của Nhương Thư là người Hồ Nam, dĩ nhiên bà đã dạy cho con trai ngôn ngữ của quê hương. Chàng yêu mẹ nên yêu cả những gì gợi nhớ đến bà, bất giác có hảo cảm với cô gái man rợ này. Nhương Thư vui vẻ dùng tiếng Hồ Nam lập lại câu hỏi. Nàng ta cười tít mắt đáp một cách chậm chạp và ngọng nghịu, vì có lẽ đã nhiều năm không dùng đến.

- Ối chà! Té ra.... mày cũng.... biết nói tiếng.... của cha tao ư? Nhưng.... “cô nương” là cái gì vậy?

Trong tiếng Hán, hai từ Nhĩ, Ngã được dùng để xưng hô cho mọi vai vế, muốn dịch sao cũng được. Ðiều này đã bị các bậc túc nho đất Giao Chỉ chê bai rằng Hán ngữ thiếu sự phong phú và phân minh. Cha con, ông cháu mà cứ “Ni - Ngộ, Lư - Wa, Ní - Mờ” thì còn thể thống, lễ giáo gì nữa.

Do vậy, trong trường hợp này, tác giả dịch hai từ “Nhi - Ngã” của cô gái ở lõa thể kém văn minh kia bằng “mày - tao” chắc là thích hợp hơn. Nhưng nếu thế thì hơi chói tai, đổi là “ta - ngươi” dễ nghe hơn.

Nhương Thư phì cười giải thích :

- Cô nương tức là “mày” đấy!

Trong lễ nghĩa Trung Hoa, khi nói chuyện, Nhương Thư luôn phải nhìn vào mặt đối phương. Song thị hướng của mắt người khá rộng nên nhãn tuyến chàng bao quát luôn cả bộ ngực thanh tân, mun múp cao của cô gái. Chàng thầm hổ thẹn và nhớ Thúy Sơn vô hạn.

Nữ sơn nhân kia vui vẻ nói :

- Lúc nãy, ta đang tắm thì nghe tiếng chân của ngươi, vội ẩn vào bụi rậm trên bờ. Ta mải mê xem ngươi tắm nên không để ý đến con trăn! Ngươi đi khỏi thì nó quấn lấy ta!

Nhương Thư xấu hổ đến mức chỉ muốn độn thổ, cúi gầm mặt xuống thì ánh mắt lại vướng phải cái gò nhỏ xum xuê lau lách, càng thêm lúng túng. Chàng cuống lên :

- Thôi ta đi đây!

Và chàng quay gót bước nhanh. Song cô gái rừng rú kia đã hoảng hốt, lướt theo với một tốc độ kinh người, từ phía sau ôm chặt lấy Nhương Thư, miệng van xin :

- Ðừng đi! Cha ta chết đã năm mùa tuyết rơi, và kể từ ấy ta chưa gặp được người nào cả!

Giọng nói khẩn thiết thê lương kia khiến Nhương Thư rùng mình, tưởng tượng ra cảnh tịch mịch đáng sợ của một con người, giữa rừng già chỉ toàn dã thú và cây cối lặng câm. Chàng là kẻ từ bi, nhân hậu, lẽ nào lại để cho một đồng loại phải sống trong cảnh sơ khai, mất dần tính người này.

Nhương Thư bâng khuâng tưởng nhớ ân sư, lòng thanh thản với quyết định của mình, dịu giọng bảo :

- Nàng hãy buông ta ra, đưa ta về nhà xem sao!

Cô gái không hiểu ý, vẫn xiết chặt vòng tay mạnh mẽ, lực đạo lên đến mấy trăm cân. Xem ra nàng ta có sức khỏe thật khác thường.

Cô gái rừng rú ngơ ngẩn hỏi :

- Nhà là gì?

Nhương Thư rầu rĩ đáp :

- Nhà là nơi mà ngươi và thân phụ thường ở đấy!

Cô gái gật gù :

- Té ra cái hang đá còn được gọi là nhà!

Nàng ta buông Nhương Thư ra, nắm tay chàng lôi đi :

- Hãy theo ta!

Ðến lượt thân sau mượt mà với chiếc eo thon lẳn, bờ mông chắc nịch, tròn trịa làm xốn xang đôi mắt Nhương Thư. Chàng chịu hết nổi, giữ cô gái lại, mở bọc hành lý lấy ra bộ y phục cuối cùng, dịu dàng bảo :

- Nàng hãy xuống suối tắm và rửa sạch đất cát rồi mặc quần áo vào!

Cô gái hân hoan nhận lấy, cười khanh khách :

- Cha ta cũng có một bộ màu xanh thẫm giống như vậy! Song ông ta đã mặc khi chết, ta chẳng dám lột ra!

Nàng hớn hở đặt lên tảng đá cạnh bờ rồi xuống suối tắm táp, kỳ cọ. Dĩ nhiên Nhương Thư quay đi, chẳng dám nhìn.

Lát sau, cô gái rừng lúp xúp trong bộ quần áo rộng thùng thình, hiện ra trước mặt chàng. Hai vạt áo vẫn mở toang, còn lưng quần thì được kéo lên đến tận dưới vú, vì cô gái thấp hơn Nhương Thư một cái đầu. Chàng cắn răng khép nhanh hai vạt áo, giật lấy dải thắt lưng, quấn chặt cho nàng ta.

Nhương Thư thoáng giật mình khi thấy dung mạo nàng có nét giống Bạch Ngọc Tiên Tử Lâm Ðại Ngọc, tuy không đẹp bằng. Chàng nghe lòng quặn đau, thở dài nói :

- Ta tên Tần Nhật Phủ, còn nàng tên gì?

Cô nàng nhăn mặt, gãi đầu suy nghĩ trông rất khổ sở :

- Lúc còn sống, phụ thân gọi ta là Anh nhi, còn họ thì ta quên béng mất rồi. Chẳng nhớ Triệu, Ngụy, Tề, Lỗ, Tống gì cả!

Nói xong, Anh nhi mau mắn dẫn Nhương Thư đi về hướng Ðông. Ðộ vài chục dặm thì đến một khách xá cao chừng mười trượng, dường như là sườn Tây của một nếp đất đột ngột nhô cao do địa chấn. Tuy nói là đi nhưng thực ra làm gì có đường xá. Anh nhi di chuyển bằng cách đu dây lêo hay quăng mình từ cành này sang cành khác. Ðộng tác nhanh nhẹn, nhẹ nhàng chẳng thua loài khỉ vượn. Nhương Thư không chịu kém, bắt chước làm theo lòng rất thích thú.

Nhà của Anh nhi là một động khẩu lớn, cao đến hai trượng và rộng cũng chừng ấy. Khu vực trước cửa động là một bãi cỏ phẳng phiu, thưa thớt cây cối nên ánh dương quang lọt được vào trong, khiến khung cảnh thạch động sáng sủa, chẳng đến nỗi âm u.

Nhờ vậy, Nhương Thư sớm nhận ra hai con hổ vằn to lớn đang nằm chễm chệ trên sân động, nhìn mình với ánh mắt nghi hoặc và đầy đe dọa.

Anh nhi thấy chàng giật mình, bèn cười khanh khách :

- Ðừng sợ! Tiểu Thư và Tiểu Hùng là vật nuôi của ta đấy!

Rồi nàng vui vẻ bảo hai con hổ một lớn một nhỏ :

- Hắn chính là khách của ta! Hai ngươi đi ra ngoài để ta tiếp khách!

Hai con ác thú ngoan ngoãn đứng lên, lừng lững đi ra. Lúc ngang qua Nhương Thư, chúng khẽ gầm gừ để thị uy.

Anh nhi đắc ý giới thiệu :

- Con lớn là Tiểu Hùng, cũng giống đực như ngươi vậy! Còn Tiểu Thư là giống cái nên nhỏ hơn! Ba năm trước ta giết cha mẹ chúng rồi bắt chúng về nuôi cho vui!

Nhương Thư nghe nhắc đến đực - cái, chột dạ nhớ lúc mình tắm suối, bị con bé thổ tả này rình. Chàng ậm ừ cho qua chuyện rồi bước vào sâu quan sát.

Trong động không hề có vật dụng gì ngoài hai chiếc phản gỗ thô sơ, xấu xí, một phủ đầy bụi, có lẽ là của người đã chết. May mà Anh nhi không ăn thịt sống vì giữa động có một bếp than, cạnh cắm hai chạng ba nhỏ dùng để gác thanh sắt nướng thịt.

Nhương Thư bước đến vách tường Bắc vì nơi đây có đặt một cỗ quan tài bằng thân cây nguyên vỏ. Nó được xẻ đôi khoét rỗng ruột, đặt tử thi vào rồi trám lại bằng nhựa cây. Với loại gỗ long não này thì chẳng loại mối mọt nào hủy hoại được.

Trên vách đá hai bên linh cữu có khắc đôi liễn, nét bút cứng cáp, hùng mạnh :

Huy ngô bửu kiếm tỳ hưu viễn tích nam san!

Tạm dịch :

“Ta dương buồm gấm, cá dữ dạt ra biển Bắc.

Ta múa gươm thiêng, ác thú chạy tít núi Nam!”

Hai câu đối ngang tàng, cao ngạo này rất quen thuộc với Nhương Thư. Chàng đã thầm đoán ra lai lịch thân phụ của Anh nhi. Ông chính là Cẩm Phàm kiếm khách Ðoan Mộc Toàn, bá chủ Ðộng Ðình hồ và một đoạn sáu trăm dặm sông Trường Giang.
Bình Luận (0)
Comment