Tần Nhượng Thư

Chương 20

Mười ngày sau có một kỵ sĩ võ phục xanh, áo choàng cùng màu, nón tre rộng vành sùm sụp, từ đường quan đạo Đông Tây, rẽ phải về hướng bờ sông Lạc Hà.

Ngã ba này cách cửa Đông thành Lạc Dương bốn dặm, dẫn đến Toàn Chân đạo quán của Từ Phong chân nhân! Lão Quán chủ già nua lẩm cẩm ấy dường như thích chết đói về cõi tiên hơn là giàu sang, do vậy, đạo quán rộng thênh thang này thưa vắng bóng tín đồ.

Không người cúng dường, đền miếu tiêu điều tàn tạ, cỏ mọc đầy những khe gạch trên sân. Cả hàng rào mộc cẩn quanh đạo quán cũng không được cắt xén tỉa tót nên mọc um tùm, loạn xạ, chẳng mỹ quan chút nào cả.

Song chính vì vậy mà đạo quán là nơi rất thích hợp cho những kẻ muốn tránh né con mắt của người ngoài. Nếu không, thiên hạ sẽ thắc mắc vì sao chốn tu hành lại có ba ả giai nhân đang thơ thẩn ngắm những bụi cúc tháng chín, và thỉnh thoảng thở dài thườn thượt.

Cổng tam quan của đạo quán luôn khép chặt, cài then cẩn thận khiến chàng kỵ sĩ áo xanh thẫm kia phải đập cửa vào gọi vang :

- Lão Quán chủ! Đệ tử có việc xin cầu kiến!

Ba ả vú to kia vội vã chuồn ngay vào khu nhà phía sau đại điện của Đạo quán. Họ đi đến một phòng lớn, nơi có bốn lão nhân tuổi từ năm mươi mấy đến tám chục đang ngồi đàm đạo.

Người già nhất mặc đạo bào, râu tóc bạc như sương, da mặt nhăn nheo, mũi lân đỏ ửng vì thích rượu hơn thích trà. Ông ta chính là Từ Phong chân nhân Khúc Hoàn Sơn.

Ba lão còn lại là người quen của chúng ta: Ngọa Long Tú Sĩ, Triều Chân Thần Y và Dạ Quân Tử. Vậy thì ba thiếu phụ kia phải chăng là chị em nhà họ Điền?

- Thưa đúng thế! Uyển Xuân luôn nhanh nhảu, hớt hải nói :

- Khúc quán chủ! Có một gã đến đập cửa, gọi đích danh ông đấy!

Mã Lan tủm tỉm tiếp lời :

- Phải chăng lại là người đến đòi tiền rượu? Tiện nữ sẵn sàng trả hết giùm Chân nhân để đền ơn tương trợ.

Khúc Hoàn Sơn ngượng ngùng nói lầu bầu :

- Làm gì còn chủ nợ nữa! Hôm trước Mã thí chủ đưa bạc, bần đạo đã thanh toán xong xuôi cả rồi!

Ngọa Long Tú Sĩ cau mày :

- Lạ thực! Sao gã không xưng danh tính nhỉ! Đạo trưởng nên mang theo kiếm, bọn lão phu sẽ ẩn mình theo dõi, sẵn sàng tiếp ứng!

Từ Phong chân nhân nghe lời quân sư, về đạo xá lấy vũ khí, rồi mới ra mổ cổng.

Nhương Thư đã được Nghi Tuyệt miêu tả kỹ dung mạo của Khúc quán chủ nên yên tâm vòng tay nói :

- Bẩm Quán chủ! Đệ tử là Tần Nhật Phủ, bằng hữu của Hoàng Nghi Tuyệt! Y bảo Quán chủ là chỗ thâm giao với Đao Đế, có thể cưu mang đệ tử vài ngày!

Trong lúc chàng nói thì Chân nhân đã nhận ra cặp lông mày kép. Song ông vẫn không vồn vã mà lại lạnh lùng đáp :

- Bổn quán nghèo nàn, thùng gạo lại vừa cạn, chẳng dám chiêu đãi bậc quí nhân. Phiền công tử vào thành tìm khách sạn mà ở.

Nhương Thư đang ngớ người trước thái độ bất ngờ này thì Chân nhân hỏi bâng quơ :

- Sao bần đạo nghe lời đồn công tử và họ Hoàng đều đã bị Kỵ Ba Thần Quân giết chết ở Cưu Sơn?

Nhương Thư hiểu ngay lão sợ chàng là của giả, liền vui vẻ lột nón :

- Đệ tử chính thực Tứ Mi Ngọc Diện kiếm khách, xin đạo trưởng cứ kiểm tra lông mày khắc rõ!

Từ Phong chân nhân đang lưỡng lự thì có tiếng người vọng ra :

- Chân nhân kêu gã giao vũ khí rồi mới vào khách xá! Đấy là giọng nói của Ngọa Long Tú Sĩ, lão ta cùng hai người kia đã nấp trong gian mé hữu của Đại điện thờ Tam Thánh để quan sát. Đây cũng là nơi tiếp khách của đạo quán.

Nhương Thư nghe giọng quen quen nhưng không dám khẳng định, vội trao kiếm cho Khúc quán chủ, cột ngựa vào gốc đào già gần đấy, đi theo ông ta.

Khách xá rất tối vì cửa sổ đóng chặt còn cửa chính chỉ hé mở. Nhương Thư vừa bước chân vào thì bị một thanh kiếm đặt lên cần cổ.

Và cửa sổ được mở toang ra, giúp Nhương Thư nhận rõ ba người trong nhà. Chàng nghiêm nghị hỏi :

- Vì sao tam vị lại có mặt nơi này?

Ngọa Long Tú Sĩ bước đến giật đôi lông mày lệch của chàng, cào thử da mặt rồi thở phào :

- Tạ ơn Hoàng thiên! Công tử vẫn còn sống!

Dạ Quân Tử nghe vậy liền thu kiếm về, nhìn Nhương Thư bằng ánh mắt kỳ lạ. Lão chậm rãi nói :

- Lão phu vẫn không tin ngươi yểu mệnh!

Năm người ngồ xuống quanh bàn. Nhương Thư thầm lo ngại khi thấy ba lão này không ở Tạ gia trang mà lại đến đây. Chàng trầm giọng bảo :

- Chuyện thoát chết của tại hạ rất dài, phiền chư vị nói sơ tình hình ở Tạ gia trang và Tổng đà Cái bang trước đã! Tần mỗ rất nóng lòng được biết!

Ngọa Long Tú Sĩ thở dài thườn thượt, nói với giọng thê lương :

- Hai nơi ấy đều bị Sơn Hải bang khống chế cả rồi! Vô Ưu Cái và ba người vợ góa của Tần Nhương Thư đều bị giết!

Nhương Thư giật bắn mình, mắt trợn ngược, người run lên bần bật. Hung tin này như sét đánh ngang tai khiến chàng không sao trấn tĩnh được.

Nước mắt úa ra và Nhương Thư bật khóc thành tiếng :

- Ôi Hầu lão ca! Ôi ba người vợ yêu của ta! Tần mỗ còn sống ngày làm gì nữa?

Bốn lão già nhìn nhau đắc ý, và Dạ Quân Tử lạnh lùng nói :

- Ba nàng ấy là vợ của Tần Nhương Thư chứ không phải là vợ của ngươi!

Nhương Thư chẳng còn giấu diếm làm gì nữa, mếu máo đáp :

- Quách lão ca! Tiểu đệ đây chính là Nhương Thư đây! Ải Thần Quân đã dùng tà pháp và thuật cắt da, đắp thịt biến tiểu đệ thành Tần Nhật Phủ. Nhờ Thúy Sơn mà tiểu đệ mới tỉnh táo, khôi phục lại ký ức!

Nhắc đến người yêu dấu đã vong mạng chàng càng đau đớn. Thê tử đền chết sạch, Nhương Thư điên dại gào lên :

- Vợ con ta đâu?

Khí huyết nghịch hành, Nhương Thư hộc máu, ngã ngửa ra sàn nhà mê man bất động!

Quách Tàn Bôi cuống lên, trách móc Ngọa Long Tú Sĩ :

- Mưu kế này của lão thực quá độc ác, liệu y có sao không?

Tạ thần y ngồi xuống thăm mạch, mỉm cười trấn an :

- Chẳng có gì đáng lo! Giờ ta cứ đưa gã vào giao cho ba ả họ Điền!

Thực ra thì ba nàng đã vác ngực ra đến. Giọng nói quen thuộc của chồng khiến họ giật mình, có cảm giác như Nhương Thư đang gọi. Họ không còn tin vào việc hồn ma của chàng hiện về gieo giống, mà tin lời Ngọa Long Tú Sĩ đã khẳng định: Nhật Phủ là Nhương Thư!

Ba ả nhận ra Nhật Phủ nằm trên sàn, ngơ ngác và lo lắng. Lỗ tú sĩ đắc ý giải thích :

- Lão phu giả đò báo rằng các nàng đã chết, thế là hắn khóc lóc thú nhận mình là Nhương Thư, bị Ải Thần Quân đổi xác.

Ba nàng mừng rỡ ngồi xuống xuốt ve mặt trượng phu, nước mắt tuôn dàn dụa.

Quách Tàn Bồi cằn nhằn :

- Để lão phu bồng gã về phòng cho các ngươi tha hồ ôm ấp!

Nửa khắc sau, Nhương Thư hồi tỉnh, nhìn ba gương mặt thân yêu, mơ màng nói :

- Thì ra ta đã đuổi kịp các nàng! Thế Thúy Sơn đâu? Chẳng lẽ lại đầu thai nhanh như vậy, không chờ đợi ta?

Uyển Xuân phì cười :

- Bọn thiếp còn sống chứ đã chết đâu! Chàng bị Ngọa Long Tú Sĩ lừa đấy!

Nhương Thư ngồi bật dậy, ôm chầm lấy họ, cảm nhận được hơi ấm và mùi hương da thịt mới tin là thực! Chàng ngượng ngùng nói :

- Ta thực có lỗi với các nàng!

Rồi chàng hôn hít họ để đền bù. Bạch Cúc bỗng nói :

- Dung mạo này xa lạ quá, khiến thiếp chẳng yên lòng! Tướng công mao tìm lão chết tiệt Ải Thần Quân, bắt lão ta trả lại gương mặt cũ!

Uyển Xuân cũng tức tối chửi um :

- Mả cha cái lão lùn độc ác, bày ra trò quái dị này!

Nhương Thư vội bịt miệng nàng và nghiêm giọng :

- Thực ra Thần quân chính là ân nhân của ta. Ông đã cứu ta thoát khỏi vực sâu, dốc túi truyền tuyệt học. Ta đã nhớ ra việc ông nhận ta làm nghĩa tử, xưng hô cha con suốt nữa năm trời! Còn trò tinh quái này hoàn toàn không có ác ý!

Mã Lan hiền lành nói :

- Tướng công dạy chí phải! Bọn thiếp sẽ tôn kính Thần quân như cha chồng!

Nhương Thư hài lòng xoa bụng nàng và hỏi :

- Con của chúng ta thế nào rồi?

Mã Lan đỏ mặt đáp lí nhí :

- Thai mới hai tháng, chưa có động tĩnh gì cả, song Tạ thần y bảo rằng chúng rất khỏe mạnh!

Uyển Xuân và Bạch Cúc cũng vén áo, phụng phịu bắt Nhương Thư áp tai nghe ngóng. Tất nhiên chàng chẳng thấy con mình lên tiếng, chỉ nóng mặt vì làn da mịn màng, nồng ấm!

Nhưng chàng nhớ đến Vô Ưu Cái, cau mày hỏi :

- Ba nàng không sao song Hầu lão ca thì thế nào?

Bạch Cúc rầu rĩ đáp :

- Kỵ Ba Thần Quân oán hận Hầu bang chủ nhất nên đã rất nặng tay, biến Bang chủ Cái bang thành một kẻ si ngốc, ai nói gì cũng gật, suốt ngày cười nói huyên thuyên. Do vậy, Hầu lão ca mất chức Bang chủ, người thay ông ta là Truyền Công trưởng lão Thiết Thủ Cái Phùng Đông Tuân! Họ Phùng tính tình tham lam, từ lâu đã mê chức Bang chủ, nay hết lòng trung thành với Thành Vô Chiến để giữ ghế!

Tình tự, âu yếm hàng canh giờ, Nhương Thư hơi ngượng, rời phòng đi tìm các lão nhân. Ba cô vợ cũng sửa sang y phục, đi theo chẳng chịu rời!

Thấy nụ cười giễu cợt trên môi của Dạ Quân Tử, Nhương Thư hổ thẹn đánh trống lảng :

- Chẳng hay sức khoẻ bá mẫu thế nào mà Quách lão ca quay lại sớm vậy?

Quách Tàn Bôi cười đáp :

- Gia mẫu vẫn khang kiện! Ngươi hãy ngồi xuống đây, bọn lão phu nóng lòng muốn nghe kể lại chuyến đi Cuuu Sơn!

Nhương Thư tuân mệnh, thuật lại mọi sự, chỉ giấu diếm Đoan Mộc Anh suốt ngày lõa thể, nhỡn nhơ đây đó!

Song ba ả họ Điền nghe nói Anh nhi cưu mang chồng mình, liền tỏ lòng tri ân, rộng lượng. Uyển Xuân vui vẻ nói :

- Tội nghiệp cho Đoan Mộc Anh, chờ nàng đến bọn thiếp sẽ hết lòng chăm sóc, bù đắp cho tuổi thơ bất hạnh của nàng!

Bạch Cúc thì đánh phủ đầu :

- Nếu tướng công muốn có người bầu bạn lúc bọn thiếp thai nghén thì cũng chẳng sao!

Nào ngờ Nhương Thư tán thành ngay :

- Các nàng đã rộng lượng thì ta cũng không từ chối!

Bạch Cúc tức đến nghẹn họng, rủa thầm mình dại miệng nên se dây tự trói, sắc mặt lúc đỏ, lúc xanh trông rất tức cười!

Nhương Thư thản nhiên như không thấy, hỏi Lỗ Đăng Hân :

- Mong tiên sinh cho tại hạ rõ cục diện giang hồ hiện nay!

Chàng rất tin tưởng tài trí Tú sĩ và đã nghe Uyển Xuân kể lý do tại sao họ có mặt nơi này. Tối ngày hai mươi lăm tháng tám, Lỗ Đăng Hân nghe chim cú kêu, động tâm gieo quẻ, rồi quả quyết bắt cả nhà phải rời ngay Tạ gia trang. Lúc này các vị đại phu đã về quê thăm nhà vì không còn việc gì để làm, Dạ Quân Tử thì mới đến được hai ngày. Mười gã hóa tử hộ trang cũng đi theo họ.

Quách Tàn Bôi không tin tài tiên tri của họ Lỗ nên ẩn bên ngoài chờ đợi. Lát sau, lão hộc tốc chạy đến đạo quán báo tin Tạ gia trang đã bị một đội quân bịt mặt tấn công. Không gặp ai, chúng giận dữ phóng hỏa rồi mới chịu rút!

Trước đó vài khắc, Vô Ưu Cái đã bị Kỵ Ba Thần Quân ám hại nhờ nội ứng trong Tổng đà!

Nhắc lại, nghe Nhương Thư hỏi thế, Lỗ tú sĩ vuốt chòm râu đẹp, tư lự đáp :

- Giờ đây, chúng ta là những người duy nhất còn tự do. Cả đạo quân của Bất Trí thư sinh và Thiết Kình Ngư đi tiếp viện Cưu Sơn cũng bị Sơn Hải bang mai phục, bắt sống gần hết. Năm phái Bạch đạo hầu như bị thúc thủ vì Chưởng môn bị khống chế! Trước tình hình này, thiển ý của lão phu là phải giết cho được Kỵ Ba Thần Quân trong đại hội võ lâm. Nếu không làm được điều ấy thì chúng ta sẽ đi Sơn Tây tìm Ải Thần Quân. Chỉ có lão ta mới giải nổi Nhiếp Hồn thuật của lão quỷ. Khi cứu được hội đồng võ lâm rồi, chúng ta huy động lực lượng đệ tử năm phái tiến đánh Tế Nam!

Nhương Thư cùng họ thảo luận kỹ càng từng chi tiết của kế hoạch. Sau bữa cơn chiều lại bàn tiếp, tận cuối canh hai mới xong. Ba nàng góa phụ hụt nóng lòng được gần chồng nên chửi rủa thầm bốn lão già thiếu tế nhị kia!

Về đến phòng, Nhương Thư nằm xóng xoài trên giường, mắt lim dim ra chiều muốn ngủ. Uyển Xuân hờn mát :

- Tướng công không còn yêu thương bọn thiếp nữa sao?

Nhương Thư cười gượng :

- Các nàng đang thai kỳ mà!

Mã Lan hổ thẹn nói lí nhí :

- Tạ thần y có dạy rằng từ tháng thứ sáu mới phải kiêng cữ ái ân!

Nhương Thư mừng rỡ :

- May quá! Thế mà ta tưởng lại phải ngủ một mình!

Đêm ấy, khách xá của Toàn Chân đạo quán tràn ngập hương sắc tình yêu, bọn Mã Lan phỉ tình cá nước, không biết rằng Nhương Thư chẳng vui trọn vẹn vì thương nhớ Thúy Sơn!

Lần này đại hội võ lâm được tổ chức chân núi Tung Sơn. Trước kỳ hạn vài ngày, anh hùng hảo hán Tam Sơn Ngũ Nhạc đã tràn ngập huyện thành Đăng Phong, sáng rằm thánh chín tề tựu đông đảo trước lôi đài, tổng cộng con số lên đến nửa vạn người!

Khung cảnh đại hội đã quá quen thuộc nên tác giả chẳng miêu tả làm gì cho rườm rà, xin đi ngay vào cuộc!

Trước đây, hội đồng võ lâm dùng đại hội như kế sách giáng ma, thừa cơ tiêu diệt Âm Sơn lão tổ và Kỵ Ba Thần Quân qua bàn tay Tần Nhật Phủ. Vô Ưu Cái vẫn còn giữ túi chất độc thấm qua máu của Quảng Đông Thần Đao Cốc Hậu Nhan, kẻ đã chết ở Chính Khí trang, nên định thi hành kế dĩ độc công độc. Tứ Mi Kiếm Khách chỉ cần đả thương được hai lão quỷ là thành công!

Nay hội đồng võ lâm bị Thần quân khống chế dĩ nhiên tình hình đã khác, Nhương Thư phải đem thực tài ra để diệt ác, không trông chờ vào ai được nữa!

Ban giám đài vẫn là năm vị Chưởng môn Bạch đạo. Thiết Thủ Cái ngồi vào ghế của Hầu Mộ Thiên, gương mặt thịt nung núc, đầy vẻ tham lam, ti tiện kia tươi rói. Có lẽ lão là kẻ duy nhất của hội đồng không bị trúng tà nhãn Nhiếp Hồn và kỳ độc.

Chỉ có đệ tử năm phái mới biết rõ âm mưu sâu độc của Kỵ Ba Thần Quân, song chẳng được phép nói ra, vì ngay trong nội bộ từng phái cũng có người của Sơn Hải bang.

Sau khi chiếm được Cưu Sơn, biết được lộ trình quân tiếp viện, Thành lão quỷ đã bố trí phục binh bắt gọn đạo quân hai trăm người của Bất Trí thư sinh.

Những tù binh này nhanh chóng khuất phục bởi Nhiếp Hồn thuật, rầm rộ quay về căn cứ, báo rằng phòng tuyến Cưu Sơn không thể giữ được vì thiếu lương thực, họ phải phá vây đào tẩu.

Năm phái chưa kịp nghi ngờ giả chân thì bị đánh úp, Chưởng môn bị uy hiếp!

Tình hình chung là thế, giờ ta hãy nghe Thiết Thủ Cái cất giọng the thé khai mạc đại hội. Lập tức có người lên tiếng hỏi :

- Hầu Mộ Thiên đâu mà Cái bang lại đưa lão gà mái này ra?

Quần hùng ồ lên cười hưởng ứng, vì mấy ngày qua đã phong thanh biết được dã tâm của Kỵ Ba Thần Quân! Mười gã hóa tử bảo vệ Tạ gia trang đều là đồ đệ của Hầu Mộ Thiên nên không chịu bó tay, theo kế sách của Ngọa Long Tú Sĩ mà phục thù. Họ trút bỏ lớp ăn mày, trà trộn vào lực lượng hào khách, khéo léo rỉ tai bôi nhọ Sơn Hải bang!

Còn người dám xách mé tân Bang chủ Cái bang chính là Hồng Diện Tôn Giả Hoàng Huy Do. Lão ta đi Quỳnh Châu, Hải Nam mới vừa về đến, chưa biết ất giáp gì, kể cả cái chết của Thúy Sơn!

Thiết Thủ Cái Phùng Đông Tuấn giận tím mặt nhưng không dám phát tác, giả vờ buồn rầu đáp :

- Bẩm Hoàng tôn giả! Hầu đại ca bỗng nhiên phát cuồng, không còn năng lực lãnh đạo nên lão phu phải thay ông ta mà chấp chưởng Cái bang!

Hồng Diện Tôn Giả giật mình suy nghĩ, quay sang hỏi han những người đứng chung quanh. Họ nhao nhao tranh nhau thuật lại những điều mình biết khiến gương mặt đỏ như son của Hoàng lão tái mét.

Tôn giả đau đớn rú lên :

- Sơn nhi!

Nhưng không hiểu sao ông chợt sững sờ, miệng há hốc, đứng im không biểu hiện gì thêm, dường như đã có chủ ý!

Và khi nghe Kỵ Ba Thần Quân cho thủ hạ lên đăng ký thì Tôn giả cũng sang sảng bảo Thiết Thủ Cái ghi tên mình vào.

Đại hội ồn ào hẳn lên, mừng vì sẽ được chứng kiến cuộc so tài của hai đại nhân vật, một là bá chủ biển Đông, một là Vũ Nội đệ tứ thần!

Nhưng hai lão già bất tử ấy đã xuất hiện thì còn ai dám đăng ký nữa? Cho nên cử tọ xôn xao hẳn lên vì có một kẻ không sợ chết đã dũng cảm đối đầu với hai đại kỳ nhân.

Ông ta cao giọng tuyên bố :

- Lão phu là Cẩm Phàm kiếm khách Đoan Mộc Toàn xin được tham gia tranh cử!

Thế là những kẻ biết chuyện năm xưa trên chiếc thuyền buồm gấm xanh liền thao thao kể cho người chung quanh nghe về quá khứ của Đoan Mộc Toàn! Còn những người đứng gần thì lấm lét liếc nhìn gương mặt đoan chính, đầy xẹo của lão già áo đen đội nón rộng vành kia! Lũ thẹo xấu xí ấy chắc là dấu vết của quái bệnh năm nào!

Dũng khí của Đoan Mộc Toàn đã khiến cho tám chín cao thủ phương xa phấn khởi lên tiếng tham dự! Vậy là tổng số ứng viên chẵn mười hai!

Có lẽ ban giám đài, mà đại diện là Thiết Thủ Cái, làm theo ý của Kỵ Ba Thần Quân nên đã xếp Cẩm Phàm kiếm khách đánh trận khai mạc. Đối thủ Đoan Mộc Toàn là Thanh Hải Thiết Thương Mạc Lôi, tuổi độ ngũ thập!

Thần auân thượng đài sau cùng, và lại chẳng phải cặp với Hồng Diện Tôn Giả. Thành Vô Chiến muốn có lợi thế tìm hiểu võ công các ứng viên để dễ bề đối phó. Lão gian hùng như Tào Tháo, lại đa nghi không kém nên luôn thận trọng!

Nghe gọi tên, Cẩm Phàm kiếm khách lột nón rộng vành và tay nải trên vai, trao cho ả đệ tử trẻ tuổi đứng bên cạnh.

Ả này khá xinh đẹp, nước da đen dòn, mắt láo liên luôn ánh lên vẻ thích thú, tò mò, cứ như kẻ quê mùa được lên chốn đô hội vậy.

Đoan Mộc Toàn cởi cả chiếc áo choàng, nãy giờ khép kín ngực, để lộ tấm kim bài lừng danh, lớn cỡ bàn tay. Và thanh kiếm có vỏ bằng bạc nạm lam ngọc, chuôi khảm vàng kia chính là Thiên Cương thần kiếm!

Đoan Mộc Toàn chậm rãi bước lên lôi đài, trông oai phong lẫm liệt nhưng thật đáng thương vì gương mặt lồi lõm những vết sẹo. Ai đó buông tiếng thở dài như tiếc cho một kẻ ngày xưa đã từng nổi tiếng mỹ nam tử!

Vẻ xấu xa lồ lộ đã khiến thiên hạ không chú ý đến đôi thùy châu đầy đặn của Đoan Mộc Toàn! Thực ra, đôi tai ấy cũng đã được che giấu khéo léo bằng vài món tóc mai lòa xòa cạnh thái dương. Thảng hoặc có người nhìn thấy thì cũng chẳng lấy làm lạ, vì họ không nhớ rõ dung mạo của một kẻ thất tung gần ba chục năm!

Tướng Phật nhĩ không hiếm nên không ai nghi ngờ Đoan Mộc Toàn là Tần Nhật Phủ, hoặc Tần Nhương Thư.

Hai gã có tướng trường thọ này đã yểu mệnh chết sạch rồi! Kỵ Ba Thần Quân cũng tin như thế!

Giờ chúng ta quay sang quan sát bá chủ đất Thanh Hải, vùng cao nguyên phía Tây của Trung Hoa, nơi phát nguyên hai con sông vĩ đại là Hoàng Hà, Trường Giang và có hồ nước mặn lớn nhất nước!

Thanh Hải Thiết Thương Mạc Lôi có thân hình cao lớn nên mới dám chọn trường thương làm vũ khí. Lão cao hơn Cẩm Phàm kiếm khách hần một cái đầu!

Về dung mạo thì cũng đủ tai, mắt, mũi, miệng. Song tất cả đều lớn hơn người thường vì đầu lão khá to, xứng với thân hình.

Chiếc mũi lân của họ Mãc lộ rõ những gân máu, kết quả của một đời làm bạn với Tửu Thần. Song, ở nơi giá lạnh như Thanh Hải, ai cũng uống rượu cả, cho nên chẳng có gì đáng trách!

Thanh Hải rộng mênh mông, chỉ toàn núi đồi và đồng cỏ, dân cư thưa thớt, gồm nhiều bộ tộc thiểu số như : Tạng, Hồi, Thổ, Mông, Tác Ta, Mông Cổ, Ca Dắc... người Hán thì ít!

Và dường như Mạc Lôi có mẹ là người thổ thì phải, vì mắt của lão to mà sâu! Hôm nay, Thanh Hãi Thần Thương mặc võ phục màu trắng viền chỉ bạc, bó sát thân hình lực lưỡng, cuồn cuộn những bắp thịt. Xem ra, lão ta còn oai vệ hơn Cẩm Phàm kiếm khách một bậc.

Chốn thị thành lắm kẻ gian ngoa nhưng đất thô lậu thường chỉ sản sinh những kẻ thực thà chất phát, Mạc Lôi ồm ồm nói :

- Này Đoan Mộc Toàn! Ta trẻ hơn lão mười mấy tuổi, lại to con hơn nên nhường lão xuất thủ trước!

Câu này nghe có lý nhưng lại đi ngược với quy củ võ lâm Trung Nguyên, cũng như lễ tôn trưởng vì thế quần hùng phá lên cười sằng sặc!

Thiết Thủ Cái mau miệng can thiệp vào vui vẻ giải thích cho họ Mạc nghe :

- Túc hạ sai rồi! Người trẻ tuổi hơn luôn phải ra tay trước để tỏ lòng tôn kính tuổi tác, và tránh cho đối phương cái tiếng ỷ già hiếp trẻ!

Thiết Thương ôm bụng cười hô hố :

- Lão ngu quá! Càng già càng yếu, gân cốt nhão nhoẹt, đến vợ còn chê, làm sao ăn hiếp những người trẻ tuổi được? Bằng chứng là ta đây hồi trẻ có bốn vợ mà còn chê ít, giờ chỉ đủ sức cho một mà thôi!

Họ Mạc còn quay xuống hỏi cử tọa :

- Dám hỏi chư vị, ta nói thế có đúng không?

Khách giang hồ phần lớn đều có tính thích ồn ào, hiếu sự, liền cười vang và đồng thanh khen phải!

Thiết Thủ Cái bị gã quê mùa họ Mạc chê là ngu, lại đưa ra lý sự cùn, liền bực bội nói :

- Ngươi mới là kẻ dốt nát! Người luyện võ, càng già công lực càng thâm hậu, làm sao thua đám thanh niên được?

Thanh Hải Thiết Thương trợn mắt sừng sộ :

- Này lão chết tiệt kia! Lão chê ai là dốt nát? Ta nói có sách, mách có chứng, bằng cớ xác thực đàng hoàng! Lần này Mạc mỗ vào Trung Nguyên sớm vài tháng, đi du ngoạn khắp nơi, nghe kể về hai gã trai trẻ là Tần Nhương Thư và Tần Nhật Phủ. Họ chưa đến ba mươi mà thay nhau tiêu diệt toàn là những lão già khú đế. Gần đây nhất là việc Tần Nhật Phủ một mình một kiếm giết Âm Sơn lão tổ, đấy không phải là trẻ mạnh hơn già hay sao?

Thiết Thủ Cái cứng họng trước lập luận vững chắc và bằng chứng hiển nhiên của Thiết Thương. Còn đám hào kiệt trẻ tuổi thì hoan hô như sấm dậy đồng thanh gọi vang hai cái tên Tần Nhương Thư và Tần Nhật Phủ.

Hai cao thủ bạc mệnh ắt đều là thần tượng của giới trẻ. Họ đã nung đúc hào khí cho những mái đầu xanh mới tập tễnh dấn bước giang hồ!

Chẳng cần nói chư vị độc giả chắc cũng biết Cẩm Phàm kiếm khách là do Tần Nhương Thư giả dạng. Sự có mặt của tay cao thủ dịch dung là Dạ Quân Tử Quách Tàn Bôi đã khiến Ngọa Long Tú Sĩ nghĩ ra mưu kế này!

Nhương Thư thấy mến vị bá chủ ngốc nghếch đất Thanh Hải, quyết định nhẹ tay với lão. Chàng sẽ đả bại họ Mạc chứ không gây thương tích. Từ ngày Thúy Sơn thiệt mạng, Nhương Thư xuất thủ tàn nhẫn hơn trước bội phần.

Không muốn kéo dài cuộc cãi cọ vui vẻ nhưng vô nghĩa này, Nhương Thư lên tiếng :

- Mạc túc hạ đã nói thế thì lão phu xin phép ra tay trước!

Thanh Hải Thiết Thương hớn hở gật đầu :

- Có thế chứ! Thì ra tôn giá có đầu óc hơn cái lão ăn mày dốt nát, ngoan cố kia! Xin mời!

Thiết Thủ Cái tức điên người, nhưng không thể đối đáp vì cuộc chiến đã bắt đầu.

Cẩm Phàm kiếm khách rút nhanh thanh Thiên Cương thần kiếm đen trùi trũi, lừng danh nhờ độ bền chắc, chặt vào đá cũng không gãy, không mẻ! Có điều nó nặng gấp rưỡi kiếm thường, phải là người có công lực thâm hậu mới dám dùng.

Nhương Thư đã ngày đêm nghiên cứu pho Thiên Cương kiếm pháp, và làm quen với thanh kiếm mới. Chàng không nhất thiết phải đạt đến tinh tuý mà chỉ cần nắm bắt lộ số để che mắt thiên hạ. Khi giao đấu, chàng sẽ thi triển Phật Đăng kiếm pháp và Huyền Không kiếm pháp là chủ yếu.

Giờ đây, Nhương Thư xông vào tấn công Mạc Lôi bằng một chiêu kiếm đơn giản, ít biến hóa nhưng nhanh và cực kỳ mãnh liệt.

Họ Mạc mỉm cười khinh thị, múa cây thương sắc dài nửa trượng một xích, giải phá chiêu kiếm của đối thủ bằng chín thế điểm tựa sấm sét. Cũng hư kiếm, trường thương lợi hại nhất ở những thức đâm.

Sắt chạm sắt, Thiết Thương nghe hai cánh tay chấn động, thầm kinh ngạc trước sức mạnh của Cẩm Phàm kiếm khách, tự hỏi chẳng lẽ đúng là “Gừng càng già càng cay”.

Song không phải vì thế mà ngán sợ, kẻ cứng đầu đất Thanh Hải hùng hổ ra sức phản kích, trường thương vù vù xé gió, vun vút bay lượn trong gió thu, công thủ đều có đủ.

Người đánh trường thương thường cầm vũ khí bằng hai tay, ra đòn bằng lực đạo của song thủ và cả sức của vai, lưng nên động tác uyển chuyển trông rất dũng mãnh và đẹp mắt. Những bước tiến thoái, tọa tấn của họ Mạc nhanh nhẹn và vững chắc, biểu hiện một bản lãnh đã dầy công rèn luyện. Lão lại có sức khỏe phi thường của gân cốt và những bắp thịt to lớn hộ trợ nên càng lợi hại!

Quần hào vô cùng thán phục đường trường thương của vị khách thô lỗ miền Tây, vỗ tay hoan hô ầm ĩ. Họ tin rằng Thiết Thương sẽ thắng vì Cẩm Phàm kiếm khách chỉ vờn quanh ngoài tầm thương, không sao áp sát được. Thương dài kiếm ngắn, không nhập nội thì làm sao Đoan Mộc Toàn đả thương được đối phương? Ngược lại, Mạc Lôi hoàn toàn có thể trạm vào người kẻ địch!

Tiếng sắt thép va chạm liên hồi, hòa với tiếng quát tháo thị uy của họ Mạc. Lão tên Lôi nên thích những âm thanh đầy tính đe dọa!

Nhưng dù đã trổ hết nghề, quát tháo khô cả cổ mà Thiết Thương vẫn không sao phá thủng được lưới kiếm của đối phương. Cẩm Phàm kiếm khách cứ ung dung, nhởn nhơ như cánh bướm, đánh bạt những đường thương hiểm hóc và vũ bão của đối thủ. Dường như Đoan Mộc Toàn muốn dùng kế Dĩ Dật Đãi Lao, chờ Mạc Lôi kiết sức mới phản công!

Sau ba khắc quay cuồng múa may, biểu diễn thương pháp, Mạc Lôi nghe hai cánh tay mỏi nhừ, đòn ra bắt đầu chậm hơn, mồ hôi ướt sũng bộ võ phục bằng gấm đắt tiền. Nhưng chẳng lẽ mở miệng nhận bại khi chưa ai rách áo hay thọ thương, Mạc Lôi cắn răng cầm cự đến cùng!

Cẩm Phàm kiếm khách bắt đầu phản công, bảo kiếm bay vun vút, tạo nên màn sương đan mờ mù mịt. Tiếng vũ khí va chạm giờ đây gấp gáp, rượt đuổi nhau tạo cảm giác như chỉ là một chuỗi ngân dài. Mạc Lôi kinh hoàng nhận ra mũi thương của mình đã bị trường kiếm phong tỏa. Và khi lão nỗ lực thọc một đòn chí mạng vào ngực Đoan Mộc Toàn thì đối phương xoay người lẹ như chớp, tránh khỏi đường thương hiểm ác, rồi ập đến.

Gương mặt xấu xí ghê rợn của Cẩm Phàm kiếm khách lù lù hiện ra trước mặt khiến Mạc Lôi thất kinh hồn vía. Sau đó lão nghe hai huyệt Kiên Tĩnh trên vai, hai huyệt Phục Thố trên đùi đau nhói. Nhưng quan trọng là hạ nang cũng lạnh toát và đau ghê rợn.

Kẻ học thức còn giải khuây bằng cầm, kỳ, thi, họa, hoặc đọc sách, còn người thô mạng, dốt đặc như Mạc Lôi thì chỉ có hai thú vui duy nhất là rượu và đàn bà!

Rượu thì lão bắt đầu hạn chế vì lục phủ ngũ tạng không cho phép, chỉ có khoản lăn lóc trên giường là xem ra trường cửu, an toàn nhất!

Mạc Lôi lại vừa lấy thêm người vợ thứ năm trẻ trung và hấp dẫn nên mới dắt vào Trung Thổ du ngoạn, sẵn hưởng tuần trăng mật luôn! Tình cờ gặp Đại hội võ lâm, lão đưa Ngũ phu nhân đến xem, bỗng nổi hứng khoe tài với người đẹp, để chứng tỏ mình còn rất khoẻ mạnh anh hùng! Giờ đây nếu bị thương vào chỗ nghiệt thì còn gì đời trai nữa? Không những vợ mới bỏ lão mà cả bốn mụ vợ cũ cũng sẽ đay nghiến chê bai. Hơn nữa, họ Mạc chưa có con trai nối dõi!

Nói thì dài nhưng thực ra tất cả những viễn cảnh tối rắm ấy hiện ra trong khoảnh khắc, Mạc Lôi sợ đến nỗi rú lên thảm khốc, cứ như bị đâm thủng ngực vậy.

Huyệt Kiên Tĩnh trúng đòn thì hai tay không cầm nổi Thiết Thương. Huyệt Phục Thố bị điểm thì song cước nhũn ra, và Mạc Lôi quỵ xuống, ngã sấp mặt xuống sàn lôi đài.

Lão là người chất phác, thẳng như ruột ngựa nên chẳng che giấu nỗi tuyệt vọng, bật khóc ồ ồ :

- Thế là toi đời ta rồi! Chẳng thà lão đâm chết ta đi chứ sao lại đánh vào chỗ ấy? Ngọc hành bị vỡ thì ta tuyệt tự và bị vợ bỏ ngay! ôi Ngũ nương ơi! Ta quả là ngu dại khi không chịu nghe lời nàng, thượng đài cho khổ thân!

Quần hùng phá lên cười nhưng cũng có một số phẫn nộ chửi vang :

- Thật là đê tiện! Sao lại có thứ võ công đánh vào hạ thể thế này? Thật là nhục nhã cho Trung Thổ?

Và người vợ thứ năm của Mạc Lôi đã trèo lên được mộc đài, ôm chồng khóc ngất :

- Tướng công ơi! ông không nghe lời thiếp nên mới khổ thế này! Tuần trăng mật chưa qua mà tướng công nỡ để thiếp rơi vào cảnh có chồng cũng như không thì tội cho thiếp lắm!

Mạc Lôi nghe lời than khóc ấy cũng thập phần thống khổ rống lên như cha chết!

Chợt lão phát hiện huyệt Kiên Tĩnh trên vai phải đã mở, liền thò xuống bụng dưới sờ nắn thử. Thấy của quý vẫn nguyên vẹn, chẳng đứt, chẳng vỡ, lão mừng đến phát cuồng, thét vang :

- Ngũ nương ơi! Nó vẫn an toàn, không sứt mẻ gì cả!

Hai huyệt Phục Thố ở chân cũng đã mở, Mạc Lôi lồm cồm đứng lên, miệng cười toe toét, tay lần cởi giải quần :

- Này bà nó cứ xem lại, đừng than khóc nữa!

Mấy ngàn khách quan chiến ôm bụng cười lăn lóc, cười đến nôn ruột. Và ai đó còn hối thúc :

- Ngươi cởi quần thì ta thưởng cho trăm lượng!

Thiết Thủ Cái sợ lão ngốc vùng sơn dã kia cởi thực liền quát lớn :

- Mạc Lôi không được làm càn!

Họ Mạc tỉnh ra, cười hề hề thắt lại giải quần, nhặt thương sắt, dắt cô vợ trẻ hạ đài. Vừa đi lão vừa nói với nàng :

- Về khách điếm cái đã, ở đây đông người quá!

Bỗng lão sực nhớ ra, quay lại vái Cẩm Phàm kiếm khách :

- Cảm tạ lão huynh đã nương tay! Ơn này ta chẳng dám quên, khi nào có dịp ghé thăm Thánh Đức Linh Cáp, nhớ đến Mạc gia trang để ta báo đáp!

Nhương Thư tủm tỉm đáp :

- Lão phu sẽ đến!

Chàng cũng hạ đài, mừng vì sự tình kết thúc vui vẻ. Nãy giờ chàng cũng lo ngay ngáy, tưởng mình đã lỡ tay, mới luyện vài ngày nên Nhương Thư đánh chiêu “Thiên Cương Ngũ Điểm” không được chuẩn xác. Đúng ra, nhát kiếm thứ năm nhắm vào huyệt Khí Xung phía trên hạ thể.

May mà chàng chỉ dùng kiếm kình để điểm huyệt nên trúng đâu cũng chẳng sao. Bởi ngọc hành là chỗ nhậy cảm nên Mạc Lôi bị đau nhiều, tưởng mình bị thiến!

Nhương Thư đã luyện kiếm đến mức chân khí lú ra khỏi mũi kiếm một ngón tay. Giá chàng có đủ hoa giáp công lực thì kiếm kình hóa kiếm khí, dài đến cả gang!

Trên lôi đài, Thiết Thủ Cái đã tuyên bố Đoan Mộc Toàn thắng trận và mời cặp thứ hai thượng đài.

Trận đấu này diễn ra giữa Xích Phong Thần Đao Ô Mã Cách, cao thủ nội Mông với Tháp Thành Quỷ Trượng Lỗ Xích, người Tây Vực!

Hai lão ngang tài, ngang sức lại có đấu pháp thận trọng nên cuộc chiến kéo dài lê thê, đến tận giờ Ngọ cũng chưa phân thắng bại. Quần hùng chán ngán và đói bụng nên la ó um sùm, chê bai hai đấu sĩ là chết nhát.

Khách giang hồ thường biết nhiều ngôn ngữ, có kẻ dùng tiếng Mông, tiếng Duy Ngô Nhĩ thóa mạ thậm tệ, khiến hai vị anh hùng sơn dã kia bực bội bãi chiến, quay xuống chửi lại. Cuối cùng họ cũng vì đói khát mà bỏ cuộc, rời Đại hội, một không quay trở lại nữa!

Chiều hôm ấy cặp thứ ba thượng đài, tái diễn tình trạng buổi sáng, song khá hơn vì giữa giờ Thân có một ứng viên tự nhận bại.

Thế là mất toi một ngày mà chỉ tổ chức được ba trận đấu. Để khỏi làm mất thì giờ của chư vị, tác giả xin đi ngay sang ngày thứ tư, khi mà chỉ còn ba đại cao thủ là Kỵ Ba Thần Quân, Hồng Diện Tôn Giả, và Cẩm Phàm kiếm khách. Họ vẫn chưa chạm trán lần nào, do sự sắp xếp của ban Giám Đài.

Sáng mười tám tháng chín, Thiết Thủ Cái bang sang sảng mời Kỵ Ba Thần Quân Thành Vô Chiến và Hồng Diện Tôn Giả Hoàng Huy Do thượng đài.

Thần quân đánh giá cao Tôn giả, xem thường Cẩm Phàm kiếm khách nên muốn dồn sức lực đả bại cường địch trước, lỡ lão có bị thọ thương thì hôm sau cũng đủ sức thanh toán kẻ yếu là Đoan Mộc Toàn.

Hội đồng võ lâm như lũ rối, răm rắp tuân lệnh Thần quân!

Thành Vô Chiến kém Hồng Diện Tôn Giả một tuổi, không có vinh dự đứng trong hàng ngũ Tứ thần vì hùng cứ biển Đông, ít khi vào Trung thổ. Giang hồ gọi lão và Ải Thần Quân là Võ Lâm nhị quân!

Có thể trước đây võ công của Thành Vô Chiến chẳng bằng Hoàng lão, song kẻ sĩ ba ngày không gặp đã khác, thì sau bốn mươi năm lại càng khó biết hơn thua!

Vô Ưu Cái đã cho điều tra, loáng thoáng biết được việc Thần quân tìm được kỳ hoa dị quả trên một hòn đảo hoang, công lực tăng tiến vượt bậc, râu bạc hóa đen mun. Tiếc rằng kỳ trân kia không làm mọc lại được mái tóc trên chiến đầu hói bóng. Vài sợi còn sót lại chắc cũng hồi xuân song nham nhở như lông chó, vì thế Thần quân đã cạo quách chúng đi.

Lạ thay, với chiếc đầy trọc lóc và bộ râu rồng rậm rạp, đen nhánh, trông họ Thành càng oai vệ, đẹp lão. Râu đen thì chân mày cũng phải đen, cứ như hai lưỡi kiếm xếch ngược lên góc trán. Thần quân có thêm một tướng tốt là chiếc mũi Huyền Đảm, tựa trái mật treo giữa mặt. Tiếc rằng, miệng lão lại nhỏ xíu, môi mỏng tanh, khiến kẻ ác mồm gọi là cái đít vịt!

Hôm nay, Kỵ Ba Thần Quân ăn mặc rất thanh lịch. Thân hình dong dỏng cao, khá rắn chắc, được tôn vinh bởi bộ trường bào xám bằng gấm thượng hạng may rất khéo, cùng chiếc áo choàng lưng dầy màu vàng nhạt.

Hồng Diện Tôn Giả thì xuề xòa với chiếc áo thụng, nửa giống tăng bào, nữa giống đạo bào, có màu của tơ tằm mới chưa nhuộm. Hai ống tay áo dài thượt như chạm đất kia chính là vũ khí của ông. Tuy y phục giản dị nhưng thân hình khôi vĩ, gương mặt đỏ như son và màu trắng đáng kính của râu tóc đã tạo cho Tôn giả một thần khí phi phàm.

Hoàng Huy Du cười bảo :

- Này lão đầu quả dưa kia! Sao lão không tiếp tục vùng vậy ngoài biển rộng bao la, vào mảnh đất chật hẹp này để làm gì?

Cử tòa cười ồ vì nhận ra đầu của Kỵ Ba Thần Quân rất giống một quả dưa gang!

Thành Vô Chiến gian hùng cái thế, thâm trầm như biển cả, chẳng hề bị khích nộ, cười nhạt đáp :

- Lão phu là người Trung Thổ, lúc già nhớ cố hương nên quay về, có gì là lạ!

Tôn giả bỗng thở dài, mặt buồn thiu :

- Người già mà nhớ quê là điềm sắp chết rồi đấy! Thành lão đệ mau về Quảng Đông sắp xếp hậu sự, còn chần chừ ở đây làm gì nữa? Lão phu xin đưa tiền điếu trước để lão đệ có lộ phí mà đi đường!

Cái vẻ “mèo khóc chuột” tinh quái của Tôn giả đã khiến quần hùng cười nôn tuột, và làm cho Kỵ Ba Thần Quân biến sắc. Họ Thành lạnh lùng gắt :

- Đánh đi! Đừng nói nhảm nữa!

Về qui cũ thì Thần quân nhỏ tuổi hơn mới là người được phép ra táy trước. Song Hồng Diện Tôn Giả đã bất ngờ muối mặt, lao vào tấn công như sấm sét.

Ông xuất ngay chiêu “Cẩm Tụ Tế Thiên” (Tay áo gấm che trời). Đôi ống tay áo dệt nên màn tụ ảnh mờ mờ, tụ kình mãnh liệt như thác lũ chụp lấy đối phương!
Bình Luận (0)
Comment