Tầng Phía Dưới Bầu Trời

Chương 8

Hai năm đã trôi qua, ngay cả Hi Văn cũng xem mọi thứ chỉ còn là quá khứ, thế mà tại sao tôi vẫn chẳng thể buông tay?

DĨNH NGÔN

Trong xe chỉ có mình tôi và Hi Văn, thế nên mọi thứ đều yên tĩnh đến lạ. Hi Văn vẫn chăm chú nhìn về con đường phía trước, thi thoảng lại quan sát chiếc điện thoại bên cạnh xem Khải Nam có gọi về không. Từ biểu hiện này, tôi mới hiểu anh ấy thật sự rất quan tâm đến Đường Phi.

Không phải tôi không lo lắng cho Phi, nhưng chẳng hiểu sao tôi vẫn cố tình làm ra vẻ mặt phớt lờ ấy. Có lẽ, cái nếp sống đơn độc suốt nhiều năm trời đã ăn sâu vào hành động của tôi, có lẽ vì tôi ghét biểu lộ cảm xúc của mình, hoặc cũng có lẽ đơn giản vì tôi biết, lần bệnh này của Phi chính là cơ hội hiếm hoi để tôi có thể ở riêng cùng Hi Văn

Thấm thoát đã hơn hai tháng chúng tôi sống cùng nhau. Dù ngôi nhà có đến bảy người nhưng trong mắt tôi dường như chỉ hiện hữu mỗi tôi và anh ấy. Tôi trông đợi hết tám tiếng làm việc mỗi ngày để trở về nhà gặp anh, dù chỉ để hoạnh họe rằng anh làm việc chưa tốt, rằng anh và những người khác khiến tôi nhàm chán, hoặc để anh bước ngang qua tôi trong dãy hành lang hẹp, và vai anh sẽ chạm khẽ vào vai tôi.

Nhiều lần tôi tự hỏi bản thân, tại sao lại phải hành hạ cả mình lẫn anh như thế. Sẽ đơn giản hơn nếu tôi hỏi anh câu hỏi vẫn đeo bám tôi suốt hai năm nay: “Tại sao hôm ấy anh không đến?”. Tôi biết anh sẽ trả lời thật, vì trong cái nhìn đau đáu mà anh dành cho tôi mỗi khi chỉ có hai chúng tôi, trong nụ cười gượng gạo lúc tôi cố gắng trêu ngươi anh, tôi biết anh vẫn còn yêu tôi lắm. Nhưng điều gì đã khiến chúng tôi sống trong ngục tù mấy tháng nay? Tôi không biết, cũng không đủ dũng khí để biết. Tôi sợ mình sẽ phải thất vọng.

Liệu có một lối thoát nào cho chúng tôi?

“Cô Dĩnh Ngôn”. Một học sinh trong lớp gọi khi tôi bước ra khỏi lớp.

Mặt trời lúc này đã đứng bóng hẳn, mấy tiết học buổi sáng trôi qua nhanh đến mức chính tôi cũng không nhận ra.

“Sao vậy em?”. Tôi cúi xuống nhìn con bé, cố mỉm cười.

“Em hỏi cô một vấn đề tế nhị có được không ạ?”.

“Em cứ hỏi, nếu được cô sẽ trả lời”. Tôi đáp đầy cảnh giác. Bọn trẻ tôi dạy chủ yếu đều chỉ mới sáu, bảy tuổi. Nhưng trẻ con thời nay thật sự trưởng thành rất nhanh, có những vấn đề rắc rối của bọn chúng mà tôi không thể nào đáp ứng nổi. Đó là chưa kể, trời sinh tôi ra đã không phải loại người dịu dàng biết chiều ý người khác gì.

“Cái anh đẹp trai đang ngồi trong căng tin kia là bạn trai của cô ạ?”.

“Không phải”. Tôi đáp, nghĩ đến Hi Văn sẵn bực dọc bèn nói thêm. “Em còn nhỏ, không nên hỏi chuyện của người lớn”.

“Em bảy tuổi rồi cơ mà”. Con bé ngang bướng cãi lại.

“Trẻ con cãi lời thầy cô là không ngoan, biết không? Giờ em về lớp đi”.

Nói xong tôi mới nhận ra là mình hơi lớn tiếng. Dù sao đó cũng chỉ là đứa trẻ thôi. Tôi loay hoay định tìm lời gỡ gạc lại, nhưng muộn mất, con bé đã quay đi khóc òa lên.

“Cô Ngôn dọa đánh con, cô Ngôn dọa đánh con”.

“Cái gì? Em còn bé mà nói dối thế hả? Cô dọa đánh em hồi nào?”. Tôi quát to lên. Trong lòng vốn đang phân tâm chuyện của Phi và Hi Văn, lại gặp thêm tình huống này. Nếu là mọi khi, tôi sẽ kiên nhẫn hơn với con bé một chút, thế nhưng chẳng hiểu sao vẻ mặt nó lúc này lại khiến tôi nhớ đến Dĩnh Hân, nhất thời phiền muộn không nói nên lời.

Con bé vẫn khóc nức nở, chẳng mấy chốc đã có vài học sinh khác tò mò kéo đến nhìn chúng tôi.

Vừa may, đúng lúc ấy Hi Văn bước vội đến, có lẽ anh đã nhìn thấy chuyện xảy ra. Vóc dáng cao lớn, nụ cười hiền hòa, chẳng mấy chốc chiếc bóng của anh đã bao phủ lên cô trò chúng tôi.

“Cô bé, sao lại khóc vậy?”. Anh nhẹ nhàng hỏi.

“Anh à, cô Ngôn dọa đánh em đấy”. Con bé lại nói, giọng mếu máo.

Sắc mặt tôi chẳng mấy chốc tái xanh. Gọi tôi là cô mà gọi Hi Văn là anh ư? Sao lại có sự phân biệt thế nhỉ?

“Cô Ngôn đùa thôi đấy, chứ mọi khi cô đều kể với anh về các em rất nhiều, còn bảo anh lần này ghé trường phải mua kẹo cho các em nữa”. Giọng Hi Văn vẫn rất dịu dàng, anh cúi thấp người xuống, nụ cười ôn hòa đến nỗi tôi có cảm giác anh không làm giáo viên tiểu học thật sự là một tổn thất cực lớn đối với các em nhỏ mà.

Anh lấy trong túi ra một túi kẹo, tiếp lời:“A, có phải lớp chúng ta có một cô bé tên Nhã Thi không nhỉ? Em có thể dẫn cô bé cho anh làm quen không?”.

Con bé lúc này còn đang nước mắt nước mũi tèm nhèm, vừa nghe đến đó bèn ngây ngốc nói: “Nhã Thi chính là em đấy ạ!”.

“A, thì ra em là Nhã Thi à? Thật trùng hợp. Cô Ngôn thường khen em trước mặt anh đấy, không ngờ em giống hệt như lời cô Ngôn nói, không những xinh xắn mà còn rất ngoan nữa”.

Giọng anh vẫn hiền hòa như thế, nhẹ nhàng trôi vào lòng tôi. Ánh mắt tôi vô định lại nhìn theo những tờ giấy bóng gói kẹo trong tay anh.

Những viên kẹo long lanh sắc cầu vồng.

Tâm trí tôi đột ngột xoay vòng. Hình ảnh Hi Văn trước mắt tôi dần mờ ảo, lẫn lộn với một Hi Văn khác, trẻ và có phần lãng tử hơn, nước da rám nắng chắc nịch –người đang cúi xuống nhìn tôi ân cần.

“Này, cô không sao chứ? Chúng bỏ chạy cả rồi”.

“Cám… cám ơn”. Tôi lắp bắp đáp.

Hôm ấy, có lẽ cũng là một ngày bình thường với một sinh viên ngoại quốc như tôi nếu tôi không nổi hứng đi tắt qua con ngõ vắng để về nhà nhanh hơn. Vài tên thanh niên vô gia cư đã lẽo đẽo theo chặn đường tôi. Tôi cũng không dám tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu Hi Văn không xuất hiện đánh đuổi chúng đi.

“Cô không ổn à?”. –Hi Văn hỏi lại lần nữa, ngập ngừng.

“Không… Chỉ là…”. Tôi ấp úng, thật sự không dám tiết lộ rằng mình vẫn còn sợ đến mức chưa hoàn hồn. Hai năm sống ở Anh, lần đầu tiên tôi mới gặp tình huống nguy hiểm như thế.

“Để tôi mời cô cái này. May quá, vẫn còn vài viên”.

Anh lục lọi trong túi rồi lấy ra bốn viên kẹo, chìa ra trước mặt tôi. Tôi vẫn nhớ như in bốn màu sắc ấy, vì anh ấy nói: “Chỉ là kẹo mật ong thôi. Ở đây tôi có bốn màu: xanh lá-hi vọng, đỏ - dũng cảm, vàng - chăm chỉ, lam – niềm tin. Tôi tặng hết cho cô. Bây giờ cô dùng viên màu đỏ thử xem, tôi hi vọng cô sẽ thấy bình tĩnh và dũng cảm hơn. Nghĩ lại chuyện vừa rồi cũng không thấy sợ nữa”.

Biết đó chỉ là trò dụ dỗ trẻ con, thế nhưng ánh mắt tin tưởng của Hi Văn vẫn khiến tôi thấy vững tin hơn rất nhiều. Đó cũng là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau.

Vài tháng sau, nhận ra Hi Văn ở trung tâm thương mại, tôi hồ như chạy bổ đi tìm anh. Hi Văn có dáng đi rất nhanh, may thay, cuối cùng tôi cũng có cái tên của anh trong danh bạ điện thoại. Hai tháng sau nữa thì chúng tôi chính thức trở thành người yêu của nhau.

Không ai hiểu tại sao một tiểu thư có gia tài thừa kế kếch xù như tôi, vốn từ chối hầu hết thương gia, công tử quyền thế khác lại chọn Hi Văn, lúc ấy chỉ là sinh viên với công việc làm thêm cả tháng cũng không bằng một ngày đi học của tôi. Hi Văn không hề biết gia thế của tôi cho đến ngày anh tình cờ đọc được tờ báo kinh tế về sự kiện ba tôi sang Mĩ, kèm theo ảnh bìa của ông là cái ảnh nhỏ xíu của tôi và Dĩnh Hân. Tuy vậy, chúng tôi vẫn yêu nhau trong suốt hai năm, đến ngày tôi ra trường.

Trước ngày lễ tốt nghiệp, mẹ tôi gọi điện báo rằng bà sẽ sang Anh thăm tôi. Tôi quyết định rằng hôm đó sẽ đưa Hi Văn đến gặp bà, dù ban đầu anh cương quyết từ chối.

Ngày hôm ấy, tôi đã ngồi ở sân trường suốt buổi sáng, thất vọng nhìn người thân của bạn bè rôm rả chúc mừng rồi chụp ảnh cùng họ.

Thế nhưng, cả Hi Văn lẫn mẹ tôi đều không đến.

“Alô”. Tôi bắt điện thoại hờ hững khi thấy đó là một số lạ.

“Alô, cô có phải là cô Dương Dĩnh Ngôn?”.

“Vâng, là tôi”. Tôi đáp uể oải, mắt vẫn dán vào dòng người đang dần thưa thớt, cố gắng níu kéo hi vọng rằng ai đó sẽ đến.

Ai mà ngờ được, những gì nghe được sau đó đã thay đổi cả cuộc đời tôi.

“Mẹ cô bị tai nạn giao thông. Bà đã qua đời cách đây nửa giờ tại bệnh viện X. Chúng tôi…”.

Chiếc điện thoại trên tay tôi rơi xuống.

Đó cũng là ngày tôi mất Hi Văn.

Tôi không bao giờ biết tại sao hôm đó Hi Văn lại không đến. Cảnh sát báo lại cho chúng tôi rằng, rất nhiều nhân chứng đã nhìn thấy xe mẹ tôi mất thắng lao vào đoàn xe lửa. Một trong số những nhân chứng đó đã đưa mẹ tôi đến bệnh viện, nhưng bà không thể qua khỏi.

Tôi đứng cả đêm trong bệnh viện. Nhận xác, làm thủ tục, thông báo cho ba, rồi lại trơ mắt nhìn người ta mang người mẹ tôi yêu nhất rời khỏi tôi. Suốt cả quá trình đó lại không rơi một giọt nước mắt nào.

Nhớ trước đây, có lần mẹ bảo tôi là đứa rất bướng bỉnh, nhưng cũng là đứa nhõng nhẽo nhất. Chỉ một vết dằm nho nhỏ cũng khiến tôi làm mình làm mẩy, khóc sướt mướt đến mấy ngày, thế nhưng chẳng hiểu sao vào thời khác tuyệt vọng nhất này, dường như nước mắt trong tôi đã cạn khô cả.

Lúc đó tôi mới hiểu trên thế gian này, luôn có những nỗi đau chẳng thể nào biểu đạt được.

Tôi gọi điện cho Hi Văn, gọi điên cuồng. Lần đầu tiên sau bấy nhiêu năm chạy trốn, tôi mới cảm thấy sợ hãi với đất nước xa lạ này đến thế. Tôi cần lắm một bờ vai, một cái ôm ấm áp, hoặc thậm chí chỉ là một câu an ủi ngắn ngủi từ anh. Thế nhưng đầu dây bên kia mãi cũng chỉ là những tiếng tút dài, sau đó chìm vào thinh lặng.

Trong hành lang bệnh viện dài lạnh lẽo, cuối cùng thứ tôi có thể ôm lấy cũng chỉ có thể là bản thân mình.

Phải mất hai ngày sau đó ba tôi mới có thể đáp máy bay đến Anh. Lần chạm trán đầu tiên sau mấy năm gặp lại, ông kéo tôi vào lòng, khẽ khàng nói: “Dĩnh Ngôn, đừng sợ, đã có ba ở đây”.

‘Có ba ở đây’ - chỉ bốn chữ ngắn gọn này thôi đã khiến cảm xúc giam hãm tôi bao ngày qua như nước lũ tràn bờ. Tôi khóc rống lên trong vòng tay ông, còn ông chỉ dịu dàng ôm lấy tôi, liên tục vỗ bàn tay lớn lên tấm lưng mảnh mai kia.

Bỗng chốc tôi như trở lại những năm còn thơ ấu. Mỗi khi tôi gây lỗi lầm, ông vẫn luôn nhẹ nhàng an ủi tôi như thế. Ấy vậy mà vừa trưởng thành, tôi đã vội vã rời khỏi vòng tay ông, mù quáng chạy theo một người đàn ông khác.

Đến cuối cùng, lúc xảy ra chuyện, vẫn chỉ có ông ở bên tôi…

Tôi hoàn toàn mất liên lạc với Hi Văn. Chẳng ai ngờ được, sau hai năm yêu nhau nồng nhiệt, duyên phận của chúng tôi lại mỏng manh đến thế.

Cuối cùng thì tôi cũng bỏ cuộc, quyết định quay về nước theo đề nghị của ba. Ít lâu sau đó qua báo chí, tôi biết được tin Hi Văn cũng đã trở về, thế nhưng kiêu hãnh trong tôi không bao giờ cho phép mình đến gặp anh ấy lần nữa.

Tôi tưởng mình đã có thể lí trí đến cùng.

Nhưng…

“Dĩnh Ngôn”.

Tiếng gọi khiến tôi giật mình sực tỉnh. Lấy lại tinh thần mới nhận ra Hi Văn đang ở trước mặt tôi, gương mặt anh hơi cúi xuống, nhìn tôi lạ lẫm.

Hóa ra, rốt cùng, cũng chỉ có mỗi tôi sống trong hồi ức của chính mình.

“Nam vừa gọi đến báo, tình hình của Phi đã ổn định rồi”. Hi Văn nói. “Nhưng cậu ấy và Luân vẫn sẽ ở lại để trông chừng. Lát nữa chúng ta đi ăn tối bên ngoài rồi tạt ngang qua đó đón Chí Bân và Dĩnh Hân nhé”.

“Sao cũng được”. Tôi đáp, bỗng thấy hối hận vì mình đã quên bẵng Đường Phi suốt cả ngày hôm nay.

Chúng tôi dùng bữa trong nhà hàng ở gần trường học. Tôi ăn được vài miếng, rồi thẫn thờ nhìn Hi Văn tấn công tới tấp đĩa cơm thịt bò, nhất thời không kìm được thắc mắc trong lòng.

“Làm sao anh biết tên con bé là Nhã Thi?”.

Động tác xúc cơm của Hi Văn chẳng dừng lại chút nào, anh nhanh nhẹn xắt thịt ra từng miếng nhỏ rồi ngẩng đầu nhìn tôi, thản nhiên đáp: “Trên phù hiệu có ghi mà. Em không phải cô giáo sao? Việc thế này cũng đi hỏi anh?”.

“…”.

Tôi cứng họng. Lừa gạt con nít trắng trợn thế mà anh vẫn giương vẻ mặt vô lại đó ra được sao?

“Đôi khi với trẻ con cũng không nên thật thà quá”. Anh xem lại đồng hồ, tiếp tục bằng giọng đều đều. “Đợi anh ăn xong chúng ta cùng về bệnh viện. Không nên để Hân chờ quá lâu”.

Tôi cắn môi, muốn nói lại thôi. Thật sự tôi nghĩ thái độ của chúng tôi thế này cũng vẫn còn tốt hơn cả tháng trời qua. Thế nhưng, đã có thể bình thản đối đãi với tôi như vậy, liệu có phải anh đã thật sự không còn để ý đến tôi nữa rồi không?

Ý nghĩ này khiến tôi có phần phiền não, lại không muốn anh nhìn thấy sắc mặt khó coi của mình bèn mượn cớ đi thẳng vào nhà vệ sinh.

Tôi quan sát gương mặt xanh xao của mình trong gương, không khỏi chán nản. Hai năm đã trôi qua, ngay cả Hi Văn cũng xem mọi thứ chỉ còn là quá khứ, thế mà tại sao tôi vẫn chẳng thể buông tay?

Nực cười thật, chẳng lẽ tôi vẫn còn hi vọng chúng tôi có thể quay lại từ đầu sao? Đừng quên, Hi Văn là loại người không uống nước hai lần trên một dòng sông, huống chi hiện giờ giữa chúng tôi còn có…

Vướng mắc này, cuối cùng tôi cũng không thốt ra được.

Rửa tay xong, tôi chỉnh trang lại cổ áo, vừa định xoay người bước ra ngoài thì đã nhận thấy hai gã hộ pháp mặc vest đen đứng ngay ngưỡng cửa, tôi thoáng giật mình.

“Này, toa- let nam ở bên kia kìa”.

Tôi nói, trỏ tay ra ngoài cho hai gã thấy. Nhưng hai gã này vẫn lạnh lùng tiến về phía tôi, gương mặt tràn đầy sát khí. Tôi hơi rụt cổ lại, dù ngốc đến đâu cũng hiểu có điều gì đó không bình thường đang diễn ra.

“Hi Văn!”.

Tôi thét lên, định chạy vụt qua gã đầu tiên để hướng về phía cửa. Thế nhưng tên còn lại vẫn đứng chắn ngay đó, tôi không tránh kịp, tông thẳng vào bức tường thịt cứng như thép của hắn.

Thôi rồi. Tôi mắc kẹt thật rồi.

“Hi Văn…”.

Tôi cố hét lên lần nữa, giọng lạc đi khi tên đứng ở ngưỡng cửa ấn tay vào miệng tôi, dùng sức đẩy tôi vào tường. Tôi lại cố la lên, song cái phát ra được chỉ là những tiếng ư ư vô nghĩa. Trong lúc quýnh quáng, tôi tung chân đạp vào chỗ hiểm của gã.

Có lẽ không ngờ tôi sẽ chống cự mãnh liệt đến vậy, gã trúng ngay một đòn của tôi, ôm lấy vùng dưới rên rỉ đau đớn. Lợi dụng cơ hội đó, tôi đẩy gã ra, nhưng tên còn lại đã đứng trước mặt tôi từ lúc nào.

Vừa lúc này, cánh cửa toa- let đổ ầm xuống, đè lên người gã. Liền sau đó một cánh tay túm lấy tay tôi.

“Chạy!”.

Hi Văn nói ngắn gọn rồi lôi tôi theo sau. Chúng tôi lướt qua đám đông thực khách đang hỗn loạn bên ngoài lẫn vài nhân viên nhà hàng đi ngược về phía nhà vệ sinh để xem chuyện gì vừa xảy ra. Tôi nhác thấy ánh đèn lóe lên.

“Bên này”.

Chúng tôi rẽ vào khoảng sân vắng mà Hi Văn để xe, nơi đó khá xa với ga- ra của nhà hàng, có thể sẽ tránh sự chú ý hơn. Nhưng trước mắt chúng tôi lúc này đã là năm, sáu tên đứng chờ sẵn cạnh xe, hết thảy chúng đều bận vest đen như hai tên lúc nãy trong nhà vệ sinh.

Hi Văn lùi lại, kéo tôi chạy ngược trở ra. Song cũng đã có bốn năm tên đứng chặn ở đó.

Giữa con đường đã bị vây kín không còn kẽ hở, cánh tay Hi Văn lại càng siết chặt lấy tôi hơn.
Bình Luận (0)
Comment