Tào Tặc

Chương 443

Nghiệp lớn?

Có lẽ trong mắt của những người như Tào Bằng thì quận Hà Tây không đáng để nói đến, nhưng trong mắt Lý Kỳ, lão lại thấy rõ rằng mảnh đất Hà Tây chật hẹp nhỏ bé này sẽ có một tương lai phát triển chưa từng có. Có thể sau một trăm năm nữa, nơi này sẽ trở thành một nơi phồn hoa nhất.

Quận Hà Tây được thành lập, các chức quan lại đã được sắp xếp.

Từ quận thừa cho đến Huyện trưởng bốn huyện bên dưới, quan viênsớm đã được sắp xếp đâu vào đó. Chỉ còn duy nhất một chức vụ, vẫn giữ ở đó mà chưa quyết.

Quận úy!

Chức quan nắm giữ quân sự của Hà Tây.

Rất nhiều người đều cho rằng, chức vụ Quận úy Hà Tây này sớm đã được an bài, chỉ có điều là Tào Bằng không nói với ai mà thôi.

Nhưng lại không ai biết, trong lòng Tào Bằng, ứng viên xứng đáng nhất cho chức Quận úy Hà Tây, ngoài Lý Kỳ ra không còn ai khác.

Dù sao, Hà Tây cũng không giống như những nơi khác, ở đây người Hồ người Hán hỗn tạp, mối quan hệ giữa các bộ lạc với nhau vô cùng phức tạp. Ví như Hồng Trạch đó, giữa mười tám bộ lạc rốt cuộc là tồn tại những mối quan hệ như thế nào? Không ai có thể hiểu hết, trừ khi Tào Bằng bỏ ra rất nhiều sức lực đi chỉnh đốn, thì may ra mới có thể có được một đáp án. Chỉ có điều, đáp án đó liệu có hoàn chỉnh hay không, thì không ai dám chắc. Còn Lý Kỳ, tuy không phải là người bản địa ở Hà Tây, nhưng đã định cư ở khu chăn nuôi Hồng Trạch từ những năm Hi Bình.

Mới đó đã bốn mươi năm, đối với tình hình nội bộ của Hồng Trạch ông ta hiểu rõ như lòng bàn tay, thậm chí ngay cả Đậu Lan cũng không sánh bằng.

Đồng thời, với sự dày dạn kinh nghiệm của ông ta, thì sự hiểu biết về tình hình Hà Tây là không ai khác có thể sánh cùng.

Nếu nói ai là thổ địa ở đất Hà Tây này?

Không phải Đậu Lan, mà chính là ông già đang tuổi “cổ lai hi” đang đứng trước mặt Tào Bằng đây.

Ông ta có kinh nghiệm, có uy vọng, tuổi tác cũng xứng đáng, hơn nữa lại đã từng làm Giáo úy trong quân đội Hán. Xét trên tất cả các phương diện, thì chẳng có ai xứng đáng đảm nhiệm chức vụ Quận úy Hà Tây hơn ông ta. Sau khi thương nghị với Lý Nho, Tào Bằng bèn đi đến quyết định này.

Vì lẽ đó, thậm chí hắn còn nảy sinh tranh luận với bọn Bàng Thống, nhưng cuối cùng cũng đã thuyết phục được bọn họ.

- Ta dự định mời lão đại nhân xuất sơn, tạm thời giữ chức Quận úy Hà Tây.

Hà Tây, rồi đây sẽ đón nhận một cơ hội lớn chưa từng có, xin lão đại nhân đừng cự tuyệt, xin giúp cho tiểu bối một phen.

Tào Bằng, đường đường là một danh sỹ Trung Nguyên, đại danh đỉnh đỉnh Tào Tam Thiên.

Lại là cháu của Tào Tháo, Thái thú Hà Tây, Bắc Trung Lang Tướng, nắm giữ quyền lực không ai sánh bằng. Hắn có thể đích thân đến tận nơi, còn đem thái độ nhún nhường của kẻ dưới, mời Lý Kỳ xuất sơn. Vinh dự này, đủ khiến cho nhiều người lấy làm cảm động. Lý Kỳ lại không phải là Gia Cát Lượng phải đợi ba lần viếng lều cỏ mới chịu xuất núi, sao có thể cự tuyệt tấm lòng của Tào Bằng?

Cho dù ông ta không suy nghĩ cho mình, thì cũng phải suy nghĩ cho Lý Đinh.

Không nghĩ cho Lý Đinh, thì cũng phải nghĩ cho già trẻ lớn bé mấy trăm người nhà họ Lý ở khu chăn nuôi này.

Bất kể là xét dưới góc độ nào, Lý Kỳ cũng không có lý do gì để cự tuyệt. Nếu đã không thể cự tuyệt, thì Lý Kỳ cũng phải bày tỏ thái độ tương ứng...

Cho nên, Lý Kỳ phủ phục xuống nền tuyết, hai hàng lệ già nua giàn giụa, nói lời cảm kích.

- Công tử đã thịnh tình như vậy, sao lão hủ dám không quên mình mà phục vụ?

***

Cứ thế, Lý Kỳ đã nhận lời xuất núi, đảm nhiệm chức vụ Quận úy Hà Tây, minh ước của ba mươi sáu bộ lạc ở Hồng Trạch năm xưa hoàn toàn tiêu vong.

Cái tên Hồng Trạch, sẽ không còn tồn tại nữa.

Từ nay về sau, trên thảo nguyên chăn nuôi này, chỉ còn cái tên “huyện Hồng Thủy” và “Võ Bảo” mà thôi.

Sau khi Hồng Thủy Tập dẹp bỏ, sẽ hoàn toàn được cải tạo. Tào Bằng sẽ cho xây dựng huyện thành Võ Bảo trên cơ sở cũ của Hồng Thủy Tập.

Hơn nữa, diện tích của huyện thành này, sẽ rộng lớn hơn gấp đôi so với Hồng Thủy Tập khi xưa.

Tào Bằng tuyên bố, sẽ di dời một ngàn năm trăm hộ dân từ huyện Hồng Thủy đến Hồng Thủy Tập. Còn cư dân cũ của Hồng Thủy Tập vẫn có thể tiếp tục sinh sống ở đây. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn nhất, cư dân của Võ Bảo sẽ đạt tới con số hai mươi ngàn người. Đến lúc đó, Phượng Minh Bảo, Võ Bảo, Hồ Bảo và Liêm Bảo, sẽ cùng với huyện Hồng Thủy tạo thành một chỉnh thể hữu cơ.

Bất luận là xét trên trên góc độ quân sự hay chính trị mà nói, huyện Hồng Thủy thông qua bốn thành trấn này, thì có thể bao quát được cả quận Hà Tây. Sẽ có tầm ảnh hưởng rất lớn, thậm chí có thể kéo dài đến tận hai vùng đất Hưu Đồ Trạch và Võ Uy của người Khương Hồ.

Tào Bằng đã phác họa lên một bức tranh tươi đẹp cho người Hồng Trạch, người Hà Tây.

Lại thêm có Lý Kỳ đứng ra đảm nhận chức Quận úy nữa, thế là góp thêm một phần rất lớn để ổn định tâm tư của các bộ lạc ở Hà Tây...

Nói như lời của Tào Bằng là “một thời đại của Hà Tây mới hoàn toàn mới mẻ sắp đến rồi”.

Tầm ảnh hưởng của Lý Kỳ quả nhiên rất lớn.

Mùng sáu tháng chạp, Lý Kỳ xuất núi đảm nhiệm chức Quận úy.

Đến ngày mười tháng chạp, chỉ trong vòng có bốn ngày ngắn ngủi, Hồng Trạch có bảy bộ lạc thì cả bảy đến nhìn đầu nhập, biểu thị thái độ quy thuận với triều đình.

Đến ngày mười lăm tháng chạp, toàn bộ Hồng Trạch hoàn toàn quy thuận.

Các bộ lạc Khương Hồ khác, cũng dồn dập phái người đến đệ trình danh sách, tuyên bố chính thức quy phục.

Theo như khế ước Hồng Thủy, sau khi giao nộp danh sách, thì các bộ lạc không còn là dị tộc nữa, mà gọi chung là dân Hán. “Các người muốn tin vào điều gì thì cứ tin, Tào Bằng sẽ không ngăn cản. Nhưng, các người chỉ có thể xưng là dân Hán, không có lựa chọn nào khác...”

Việc này, liệu cũng có thể coi như là sự hòa hợp lớn các dân tộc?

Tháng mười hai năm Kiến An thứ tám, Tào Bằng dâng tấu chương lên triều đình, xin lập quận Hà Tây.

Đồng thời, gửi theo cả danh sách quan viên của năm huyện trực thuộc quận Hà Tây về Hứa Đô. Chỉ đợi công văn phê chuẩn của phủ Thượng thư, là có thể chính thức sử dụng ba chữ “quận Hà Tây”. Tuy nhiên, cũng không quan trọng, vì quận Hà Tây vốn là kết quả mà Tư Không phủ sớm đã thương nghị và quyết định xong, chuyện báo lên phủ Thượng thư chẳng qua chỉ là hình thức mà thôi. Ngay sau khi Tào Bằng vừa gửi công văn đi, thì hắn đã cho sử dụng chính thức tên gọi “quận Hà Tây” rồi. Từ Thứ đảm nhận chức vụ Chủ bộ quận Hà Tây, đồng thời kiêm nhiệm thêm chức vụ Huyện trưởng huyện Hồng Thủy nhiệm kỳ thứ nhất.

Chức Võ Bảo trưởng sẽ do Bàng Lâm đảm nhiệm, đồng thời bổ nhiệm Khương Tự làm Võ úy.

Trong khi đó Lương Khoan cũng đang hưng phấn chuẩn bị để đi đến Hồ Bảo, đảm nhiệm chức Hồ úy. Nếu tính toán ra, kể từ sau khi Tào Bằng đặt chân đến Hà Tây đến nay, những người quy thuận theo Tào Bằng lần lượt đều được phong thưởng. Phải nói là ai cũng có được một kết quả đáng vui đáng mừng.

Ngày hai mươi tháng chạp, sau khi tính toán, tổng số nhân khẩu có đăng ký trên sổ sách của Hà Tây là hơn hai trăm mười ngàn người.

Trong đó nhân khẩu người Hán ước tính khoảng chín mươi ngàn người, số còn lại đều là dị tộc người Hồ. Nếu tính theo tỉ lệ như thế này thì nhân khẩu người Hán và người Hồ tương đương nhau, về cơ bản là không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, có rất nhiều người Hán là vừa mới di dời đến, nên vẫn cần một giai đoạn thích ứng nữa... cho nên những mâu thuẫn và xung đột tất yếu giữa hai tộc Hán – Hồ, vẫn còn cần phải có thời gian để dần dần hóa giải.

Về tổng thể mà nói, thì tình hình tương đối tốt!

An Định Thái thú Trương Ký, Kim Thành Thái thú Hàn Toại, và Lương Châu Thứ sử Vi Khang, cả ba người đều phái đặc sứ đi tới quận Võ Uy.

Mục đích của ba người bọn họ hết sức đơn giản: Mã Đằng lui binh!

Sau trận chiến trên bãi Phượng Minh, Mã Đằng kẹt ở cách khu chăn nuôi của nhà họ Lý ngoài mười dặm, tiến thoái lưỡng nan.

Mã Đằng muốn lui binh, nhưng chỉ thiếu một cái cớ thích hợp. Vừa hay sứ giả của bọn người Trương Ký đến đúng lúc, mở cho Mã Đằng một con đường lui. Cho nên, vào đầu tháng chạp, sau khi cục thế ở Hồng Trạch đã ổn định, Mã Đằng bèn hạ lệnh: thế cục Hà Tây đã ổn định, triều đình đã diệt trừ được nghịch tặc, nay quyết đinh lui binh... trên thực tế, đây chỉ là một cái cớ, và ai cũng hiểu điều đó.

Cho nên, Tào Bằng còn dâng lên triều đình một bản tấu chương, nói rõ công lao thảo phạt nghịch tặc của Mã Đằng.

Mã Đằng uất nghẹn trong lòng!

Đại quân hai mươi ngàn người hùng dũng xuất chinh, một mũi tên cũng chưa bắn được ra, đã đành ỉu xìu quay về, trong lòng y làm sao có thể thoải mái cho được?

Nhưng vấn đề là, y vẫn nhất định phải dâng tấu chương lên triều đình, thỉnh công cho Tào Bằng.

Rằng, trong việc dẹp yên chiến loạn ở Hà Tây, Tào Bằng có công đầu, Mã Đằng y chỉ là hiệp trợ mà thôi...

Tóm lại, cú bạt tai này của Tào Bằng, khiến cho Mã Đằng mất mấy tháng cũng không nguôi ngoai được, suốt ngày ở trong Quận giải mượn rượu giải sầu, uống say rồi thì réo ầm lên chửi rủa Tào Bằng. Vẫn còn may, coi như y vẫn còn tỉnh táo, không xông ra ngoài mà chửi, chỉ ở trong nhà chửi rủa vậy thôi.

Băng Thành, vẫn đứng sừng sững bên dòng Hồng Thủy như xưa.

Lại là một ngày có tuyết rơi, những bong hoa tuyết to như lông ngỗng rơi xuống lả tả.

Nền móng thành trì của huyện Hồng Thủy đã được xây xong, tiếp theo sẽ là xây dựng tường thành.

Còn trong thành cũng đã được quy hoạch hoàn chỉnh, việc bố trí và thiết kế vị trí Quận giải, ví trí Huyện giải, khu dân cư, chợ, giáo trường, quân phủ... đều đã được sắp xếp đâu ra đấy cả. Trời giá rét đất khô lạnh, không cách gì thi công tiếp được. Cho nên, Tào Bằng hạ lệnh dừng việc thi công, đợi đến sau mùa xuân năm tới, sẽ vừa xây thành, vừa làm đồn điền, đảm bảo cho tất cả mọi người đều có thể vào ở nhà mới trong năm sau.

Đầy trời bông tuyết tung bay, Tào Bằng thả bộ ra ngoài đại doanh.

Quách Hoàn và Bộ Loan đi bộ cùng hắn dưới trời tuyết.

Hai con Tuyết Ngao (chó ngao) theo sát hai bên, vui vẻ chạy nhảy trên nền tuyết...

Theo phía sau bọn họ, Vương Song dẫn theo năm mươi tên cận vệ, đi lùi về phía sau chừng mấy chục mét, trong đám cận vệ còn có cả một cỗ xe ngựa.

- Phu quân, cảnh tuyết ở Hà Tây này thật đẹp.

Bộ Loan hà ra một ngụm hơi, hai gò má lạnh đến nỗi đỏ ửng cả lên, nhìn giống như hai quả táo chin đỏ.

Đây chẳng phải là lần đầu tiên nàng nhìn thấy tuyết rơi, cũng không phải là lần đầu tiên nhìn thấy tuyết ở Hà Tây. Cảnh tuyết rơi ở Hứa Đô tuy cũng đẹp, nhưng không thể so sánh với vẻ hùng tráng ở vùng tái bắc này.

Nàng vừa hà hơi vào lòng bàn tay, vừa phấn khích nói.

Cũng khó trách, kể từ khi nàng và Quách Hoàn đến Hà Tây, gần như chưa từng có dịp ở cùng bên Tào Bằng một cách đúng nghĩa, giống như hồi còn ở Hứa Đô vậy, cùng nhau đi dạo, nhấm nháp một chút tay nghề của nàng. Tào Bằng suốt cả ngày đều bận rộn với việc quân chính đại sự, căn bản là chẳng có thời gian để nghĩ đến tình riêng. Nhưng, dù như thế đi chăng nữa, Bộ Loan và Quách Hoàn cũng đã cảm thấy mãn nguyện lắm rồi!

Chí ít ra, bọn họ mỗi ngày đều có thể nhìn thấy phu quân của mình, có thể tự tay chuẩn bị bữa cơm tối cho chàng.

Cho dù là có phải đợi đến nguội lạnh, thì bọn họ cũng có thể đun nóng lại...

Còn Hoàng Nguyệt Anh và Hạ Hầu Chân ở tận Hứa Đô xa xôi thì chỉ có thể ôm khuê phòng vò võ mà thôi. Nếu so sánh với nhau, thì hai người bọn họ còn hạnh phúc hơn nhiều.

- Phu quân, khi nào chúng ta sẽ trở về Hứa Đô?

Tào Bằng cười nói:

- Sao, muốn về rồi sao?

- Không phải vậy... chỉ có điều thiếp cảm thấy Nguyệt Anh tỷ tỷ và Chân tỷ tỷ ở Hứa Đô, không được đoàn tụ với phu quân thì sẽ buồn lắm.

Nhắc đến Hoàng Nguyệt Anh và Hạ Hầu Chân, khiến trong lòng Tào Bằng dâng lên một nỗi buồn.

Thoáng cái, thế mà đã một năm rồi.

Kể từ khi hắn rời khỏi Hứa Đô vào đầu năm, đến nay đã gần một năm.

Chắc là Tào Oản đã biết đi rồi... còn Tiểu Long, đứa con yêu quý của hắn, cũng sắp một tuổi rồi!

Cha mẹ, tỷ tỷ, bọn họ có được khỏe không?

Còn Đặng Cự Nghiệp, Hồng Nương Tử bọn họ nữa, bây giờ đang làm gì?

Thật nhớ bọn họ quá!

Trong mắt Tào Bằng thoáng có chút rơm rớm ướt.

Nhưng ngay lập tức, hắn hít sâu vào một hơi, kiềm chế tình cảm yếu mềm trong lòng xuống. Đây là Hà Tây, là phương Bắc, không nên để tình cảm nhi nữ vấn vương... “đợi đến khi ta gầy dựng xong cơ sở cho nơi này rồi, đó sẽ là ngày cả nhà ta được đoàn tụ”.

Nghĩ đến đây, tinh thần hắn chợt rúng động.

- Đúng rồi, hai ngày nữa ta sẽ phái người về nhà, các nàng có muốn cùng về thăm nhà không?

Bộ Loan và Quách Hoàn hai miệng đồng thanh đáp:

- Không muốn!

Lời nói vừa thốt ra, hai người đồng thời đưa mắt nhìn nhau, không hẹn mà cùng bật cười...

Nghe thấy tiếng cười trong trẻo như tiếng chuông bạc của hai nàng, nỗi buồn trong lòng Tào Bằng cũng vơi đi ít nhiều. Nhìn cảnh tuyết tráng lệ, làm trỗi dậy trong lòng hắn một tình cảm hào hùng vô hạn, bất chợt co giò phóng chạy. Hai con Tuyết Ngao vừa sủa vừa đuổi sát ngay theo phía sau hắn.

Tiếng cười, tiếng chó sủa, vang vọng giữa đất trời tuyết phủ trắng xóa.

Tào Bằng ngửa cổ hú vang!

Hắn thật muốn hét lớn lên thành tiếng: “Tam Quốc, ta đến đây...”
Bình Luận (0)
Comment