Tên Của Đóa Hồng

Chương 44

KINH XẾ SÁNG

Tác giả: Umberto Eco

Adso tương tư đau khổ,

William mang đến bản viết của Venantius,

vẫn hết sức bí ẩn dù đã giải mã xong.

Tình thực, những biến cố kinh khủng tiếp sau cuộc gặp gỡ tội lỗi với cô gái đã khiến tôi hầu như quên mất sự kiện đó, và khi đã xưng tội với thầy William xong, tâm hồn tôi cảm thấy nhẹ nhõm, không còn ân hận như khi thức dậy sau cơn sa ngã của mình, như thể lời xưng tội của tôi đã trao hộ gánh nặng tội lỗi lên vai thầy. Nhưng không phải lòng tôi hoàn toàn thanh thản. Giờ đây, bước đi dưới ánh nắng yếu ớt, lạnh lẽo trong sáng mùa đông ấy; giữa dòng sinh hoạt sôi nổi của người và súc vật, tôi nhớ lại các trải nghiệm của mình theo một cách khác. Trong tâm trí nóng bỏng của tôi, chợt hiện lên bóng ma Berengar, thây chương phù những nước, và tôi rùng mình, nghĩ vừa thương vừa sợ. Như để xua đi hình ảnh kinh tởm đó, đầu óc tôi hướng về những hình ảnh khác vẫn còn tươi nguyên trong ký ức và trước mắt tôi lại hiện ra nhân dáng của thiếu nữ xinh đẹp và khủng khiếp như thiên binh vạn mã.

Tôi nhớ nàng. Xác thịt tôi đã quên đi những cảm giác khoái lạc tội lỗi và chóng qua trong cuộc giao hoan với nàng, nhưng linh hồn tôi chưa quên được gương mặt nàng và không tài nào tự cho rằng nỗi nhớ nhung này là sa đoạ, lòng tôi thổn thức như thể gương mặt ấy đã toả rạng tất cả niềm hạnh phúc của tạo hoá.

Lý trí tôi biết rằng nàng là kẻ cám dỗ tội lỗi, nhưng tâm hồn nhạy cảm của tôi lại hướng về nàng như nguồn cội của mọi ơn huệ. Thật khó diễn tả cảm xúc của mình. Tôi muốn viết rằng tôi vẫn còn nằm trong cạm bẫy của tội lỗi, vẫn còn khao khát mong nàng hiện ra bất cứ lúc nào. Tôi len lén ngó những người thợ đang làm việc, cố tìm thử xem quanh góc lều kia hay trong kho tối tăm nọ có xuất hiện hình bóng đã quyến rũ tôi hay không.

Tôi tin rằng cuộc yêu đương đêm qua chỉ là trò dâm dục, vì tôi muốn cô gái cho mình cái mà mình chưa hề có. Nhưng buổi sáng nay, tôi chẳng mong muốn gì ở nàng cả. Tôi chỉ mong nàng tốt đẹp, mong nàng được cứu thoát khỏi cảnh nghèo đói tàn nhẫn đã đẩy nàng đến cảnh bán thân nuôi miệng, mong nàng được hạnh phúc. Tôi cũng chẳng yêu cầu ở nàng điều gì hơn nữa, chỉ ước ao dược nghĩ đến nàng, được nhìn thấy nàng trong những con bò, con cừu, những tàng cây, trong ánh sáng dịu êm đang tắm đẫm khuôn viên tu viện trong hạnh phúc.

Giờ tôi nhớ lại lời những nhà thông thái nói rằng, tình yêu có thể gây tác hại cho người, nếu nó quá cuồng nhiệt. Tình yêu của tôi quá cuồng nhiệt. Tình yêu nồng nàn thời thanh xuân ấy của tôi là lầm lạc, nhưng sự thật buộc tôi phải nói rằng, khi đó, tôi cảm thấy nó vô cùng tốt đẹp. Hãy để điều này cảnh giác những ai có thể rơi vào chiếc lưới tình cám dỗ như tôi ngày đó.

Rồi một bản năng kỳ diệu đã đến cứu vớt tôi. Cô gái hiện lên trước mắt tôi qua hình ảnh thiên nhiên và những người lao động xung quanh. Nhờ bản tính vui tươi của mình, tôi cố thoát khỏi cơn ám ảnh cũ bằng cách nhìn ngắm mọi người làm việc. Tôi quan sát những người nuôi bò dẫn đàn ra khỏi chuồng, những người nuôi lợn cho lợn ăn, những người chăn cừu xua chó đi gom cừu về, những nông dân vác lúa mì và hạt kê đến cối xay, rồi mang ra những bao bột ngọt mịn. Tôi đắm chìm trong những suy nghĩ về thiên nhiên, cố xua đi mọi ưu tư bằng cách chiêm nghiệm các thực thể sống, nhìn ngắm họ để quên mình.

Cảnh thiên nhiên trinh nguyên chưa nhuốm trí khôn sa đoạ của con người mới đẹp làm sao!

Tôi không nghĩ về cô gái ấy nữa, nói đúng ra, tôi cố biến mối tình nồng nhiệt tôi dành cho nàng thành niềm hạnh phúc và yên bình đầy thành kính sâu lắng trong lòng.

o0o

Lòng tôi còn đang thơ thới hân hoan như thế thì thấy thầy tôi tiến đến. Hóa ra nãy giờ cứ lê chân đi không hề nghĩ ngợi, tôi đã đi giáp một vòng tu viện và quay trở lại nơi thầy trò tôi chia tay nhau cách đây hai giờ. Điều thầy bảo bứt tôi ra khỏi dòng suy tư ban nãy và hướng đầu óc quay về những điều bí ẩn tối tăm trong tu viện.

Thầy William có vẻ đắc chí lắm. Tay thầy cầm bản viết của Venantius đã được giải mã xong. Chúng tôi về phòng thầy, tránh xa những đôi tai dỏng lên nghe ngóng, và thầy dịch tôi nghe những điều thầy đã đọc được. Sau câu viết bằng mẫu tự hoàng đạo: “Secretum finis africae manus supra idolum primum et septimum de quatuor ”, đoạn văn bằng tiếng Hy Lạp có nghĩa như sau:

“Độc dược khủng khiếp làm tẩy uế…

Vũ khí tốt nhất để tiêu diệt quân thù…

Dùng những kẻ hèn mọn, thô tục và xấu xí, nhìn thấy sự tật nguyền của họ mà khoái trá… Họ không thể chết… Không phải trong nhà của những người cao quí, quyền uy, mà từ những ngôi làng nông dân, sau những bữa ăn nhậu thừa mứa… Những thân hình phục phịch, gương mặt dị dạng.

Chúng hiếp gái trinh, và ăn nằm với điếm, không tội lỗi, chẳng sợ sệt.

Một sự thật khác, một hình ảnh sự thật khác…

Những quả vả đáng kính.

Viên đá nhục nhã lăn trên bình nguyên… Trước mắt.

Lừa đảo là cần thiết và ngạc nhiên trong lừa đảo, nói điều ngược với cái mình tin, nói một đằng ám chỉ một nẻo.

Đối với họ ve sẽ từ đất kêu vang lên”.

o0o

Thế là hết! Tôi nghĩ nó ngắn quá, hầu như chẳng chứa đựng điều gì hết! Lời lẽ như lời một người điên lảm nhảm, và tôi thưa với thầy như thế.

- Có lẽ, và chắc chắn do cách thầy dịch, nên nghe nó càng điên hơn. Thầy hiểu tiếng Hy Lạp còn ít quá. Thế nhưng, dù chúng ta có bảo Venantius điên, hay tác giả của quyển sách này là điên chăng nữa, đoạn viết này cũng không chỉ cho chúng ta biết tại sao lại có quá nhiều người mà không phải ai cũng điên cả, đã bỏ công cất dấu quyển sách này rồi lại moi nó ra…

- Nhưng có phải những câu viết ở đây trích từ quyển sách bí ẩn không?

- Chắc chắn đây là những câu do chính Venantius viết. Con thấy đó: đây không phải là bản da cổ xưa. Những dòng này chắc chắn không phải là các chú thích được ghi lại khi đọc sách, nếu không Venantius đâu có viết bằng tiếng Hy Lạp làm gì. Huynh ấy chắc hẳn đã sao chép lại và rút gọn những câu đọc được trong quyển sách lấy trộm từ “Finis Africae”. Huynh ấy mang sách xuống phòng thư tịch, vừa đọc vừa ghi lại những câu theo Huynh là quí giá. Rồi một việc gì đó xảy ra. Có thể Huynh ấy cảm thấy choáng váng, hay nghe có tiếng chân ai đi lên. Do đó, Huynh bèn đặt quyển sách cùng các ghi chú của mình xuống dưới bàn giấy, có lẽ định tối mai sẽ lên lấy lại. Dù thế nào đi nữa, trang giấy này là khởi điểm duy nhất có thể giúp chúng ta tái tạo bản chất của quyển sách bí ẩn đó, và chỉ nhờ hiểu được bản chất của quyển sách, chúng ta mới có khả năng suy ra bản chất của kẻ sát nhân. Vì trong mọi tội ác nhằm chiếm đoạt một vật gì đó, bản chất của vật thể đó sẽ cho chúng ta một ý tưởng, dù là rất mơ hồ, về bản chất của tên giết người. Kẻ giết người vì một nắm vàng sẽ là kẻ tham lam; kẻ giết người vì một quyển sách hẳn tha thiết muốn giành lấy cho mình các bí mật trong quyển sách đó. Thế nên chúng ta phải tìm cho ra quyển sách mà ta không có ấy xem nó nói điều gì.

- Và, từ vài dòng này đây, thầy có thể hiểu được quyển sách đó là gì chăng?

- Adso ạ, những dòng này tựa như những lời kinh mà ý nghĩa vượt ra ngoài các con chữ. Buổi sáng nay, khi đọc những dòng này, sau cuộc nói chuyện với viên quản hầm, thầy rất ngạc nhiên thấy ở đây cũng đề cập đến những người phàm tục và nông dân như những người nêu cao một sự thật khác với sự thật của những nhà thông thái. Quản hầm nói bóng gió đến một tội đồng loã lạ lùng đã buộc Huynh ấy với Malachi. Malachi có thể đang cất giấu một bản văn dị giáo nguy hiểm mà Remigio đã uỷ thác chăng? Như thế, có lẽ Venantius đã đọc và chú giải vài chỉ thị bí ẩn, có liên quan đến một nhóm người thế tục, cục cằn đang nổi loạn chống lại mọi người, mọi thứ. Nhưng…

- Nhưng sao thầy?

- Nhưng có hai sự kiện chống lại giả thuyết của thầy. Sự kiện thứ nhất: Venantius có lẽ không chú ý tới những vấn đề loại như vậy; Huynh ấy là người dịch các bản viết tiếng Hy Lạp chứ không phải là nhà thuyết giảng về bọn dị giáo. Sự kiện thứ hai là giả thuyết này không giải thích được những câu về quả vả, viên đá và ve sầu…

Tôi đánh bạo nói: - Có lẽ đó là những câu đó chứa đựng một ý nghĩa khác. Hay thầy có một giả thuyết nào khác không?

- Có, nhưng còn lờ mờ lắm. Khi thầy đọc trang viết này, thầy nhớ dường như trước đây đã đọc vài từ ở đâu đó rồi, và một vài đoạn hầu như giống hệt thế này mà thầy đã thấy ở nơi khác hiện trở lại trong óc thầy. Quả thực, trang giấy này tựa như nói về một điều gì đó đã được nói đến nhiều trong những ngày vừa qua… Nhưng thầy chưa nhớ ra được. Thầy phải suy nghĩ lại. Có lẽ, thầy phải đọc những quyển sách khác.

- Tại sao? Để biết một quyển sách nói gì, thầy lại phải đọc những quyển sách khác à?

- Đôi khi như vậy đó. Sách thường nói về những quyển sách khác. Một quyển sách thường giống như một hạt giống sẽ trổ hoa thành một quyển sách nguy hiểm hay ngược lại, nó là quả ngọt từ một cây đắng.

- Đúng vậy. – Tôi kinh ngạc nói. Trước đây, tôi vẫn nghĩ mỗi quyển sách viết về những điều thiêng liêng hay phàm tục nằm bên ngoài sách vở. Bây giờ tôi nhận thức rằng sách cũng thường viết về sách: như thể chúng bàn luận về nhau vậy. Theo cách suy nghĩ này, Thư viện đối với tôi lại càng phức tạp hơn nữa. Như thế nó sẽ là nơi chất chứa những lời thầm thì đằng đẵng hàng bao thế kỷ, một cuộc đối thoại âm thầm giữa bản viết này với bản viết kia, một sinh vật sống, nơi ngự trị của những sức mạnh mà trí óc con người không thể chế ngự được, một kho báu đầy ắp những bí mật, phát sinh từ nhiều bộ óc lớn, những bí mật sống lâu hơn những học giả quá cố đã sản sinh ra hay truyền đạt chúng.

Tôi nói: - Thế thì cất giấu sách mà làm gì, nếu từ những quyển sách được tự do đọc, ta có thể tìm hiểu được những quyển sách cấm?

- Nếu qua nhiều thế kỷ thì chẳng có ích lợi gì. Nhưng trong khoảng thời gian vài năm hay vài ngày thì nó có tác dụng. Con thấy đấy, thực ra chúng ta bị hoang mang biết bao.

Tôi sững sờ hỏi: - Thế thì thư viện không phải là một công cụ để loan truyền sự thật, mà chính là nhằm trì hoãn sự xuất hiện của sự thật ư?

- Không nhất thiết và không phải luôn luôn như vậy. Trong trường hợp này thì quả đúng như thế.
Bình Luận (0)
Comment