Thà Là Ngọc Tỳ Vết - Cư Hữu Miêu

Chương 6

13

 

Hóa ra, đây là cách Tiểu Hắc thể hiện rằng nó thích ta.

 

Ta ngẩn ngơ, có chút không dám tin.

 

Lại đưa tay vuốt Tiểu Hắc, cảm giác thực sự khác hẳn.

 

Như vừa ăn một miếng bánh đường nóng hổi, lòng dạ ấm áp, ngọt ngào.

 

Nuôi mèo hóa ra có thể mang lại hạnh phúc đến thế.

 

Đang định quay lại cảm tạ ông lão, thì từ trong đám đông phía sau, một thanh niên mặc áo ngắn màu trà hớt hải chạy ra:

 

“Ban chủ, không hay rồi!”  (班主: ban chủ (chủ gánh hát, bầu gánh…))

 

Ông lão nổi giận:

 

“Thằng nhãi ranh, ta còn khỏe lắm đây!”

 

“Ây da, ban chủ.” Thanh niên kia giơ lên một bộ đồ loang lổ màu sắc:

 

“Bộ y phục biểu diễn hôm nay bị rách rồi!”

 

“Cái gì?!”

 

Ta thò đầu ra nhìn, đó là một bộ áo cung bào bằng gấm đỏ thêu họa tiết bươm bướm, vai áo có tua rua mây kết, được viền chỉ vàng thêu hình phượng xuyên hoa, trông cực kỳ lộng lẫy.

 

Đáng tiếc, giữa áo lại có một vết rách lớn, khiến bông mẫu đơn và chim phượng bị xé đôi.

 

Hóa ra nơi đây là hậu viện của một gánh hát, thảo nào lại náo nhiệt như vậy.

 

Khóe mắt ta khẽ giật, đường thêu bằng chỉ vàng này là song bàn thêu, nhìn quen thuộc, ta từng thấy qua khi sửa áo cho phu nhân viên ngoại họ Trương.

 

Lão ban chủ bật dậy như lò xo, ống điếu rơi cạch xuống đất:

 

“Cái, cái, cái này! Đây là bảo vật của gánh hát chúng ta, ta bỏ một số tiền lớn mua từ xưởng thêu tốt nhất kinh thành, sao lại rách được chứ?! Bây giờ, làm sao tìm được thợ thêu kinh thành mà vá?!”

 

Ta do dự một lúc, khẽ lên tiếng:

 

“Lão gia?”

 

Ông lão vẫn đang dậm chân:

 



“Hỏng rồi, hỏng hết rồi! Đây là buổi diễn chủ chốt của chúng ta, lát nữa là phải lên sân khấu, bao nhiêu người đang chờ xem. Giờ mà hỏng thì gánh Hỉ Xuân Ban bên kia sẽ cười đến vỡ bụng mất…”

 

Ta cố gắng nói lớn hơn:

 

“Lão gia!!!”

 

Lúc này cả lão ban chủ và thanh niên kia đều quay lại nhìn ta.

 

Cổ họng ta hơi khô, lấy hết can đảm, chỉ vào bộ y phục:

 

“Hay là, để ta thử xem?”

 

14

 

Ta khâu kín vết rách, rồi cẩn thận rút vài sợi chỉ vàng từ góc áo không dễ thấy, khéo léo vá lại mặt thêu.

 

Chỉ mất nửa canh giờ, ta thu kim xong việc.

 

Lão ban chủ cùng thanh niên kia cầm bộ y phục, lật qua lật lại ngắm nhìn, hồi lâu không nói một lời.

 

Ta bỗng chột dạ:

 

“Khâu không tốt, hay là để ta tháo ra làm lại…”

 

Lão ban chủ trợn mắt:

 

“Tốt! Ai nói không tốt? Khâu quá tốt!”

 

Thanh niên kia giơ cao hai tay:

 

“Tuyệt vời! Là tiên nữ dệt vải, chúng ta được cứu rồi!”

 

Tiểu Hắc cũng nhảy vào góp vui:

 

“Meo, meo, meo!”

 

Ánh nắng xuân rực rỡ, sáng trong và dịu nhẹ, phản chiếu lên y phục cung đình lấp lánh ánh vàng, những tia sáng nhỏ vụn rải khắp sân, khiến mọi thứ trở nên sáng sủa và ấm áp.

 

Một nữ tử trang điểm diễm lệ lao tới:

 

“Đến giờ lên sân khấu rồi, y phục sao còn chưa chuẩn bị xong? Thanh Dương, ngươi là người thúc giục hay kẻ lười biếng đây?”

 

“Không phải đâu, Tước Nhi tỷ, vừa rồi cung y bị rách một đường lớn…”

 

“Rách ở đâu? Rách chỗ nào? Đây chẳng phải lành lặn hoàn hảo sao?!”



 

Nữ tử cao ráo, nhanh chóng vòng tay ôm lấy bộ cung y, gật đầu với ta:

 

“Ban chủ tuyển người mới à? Ôi chao, còn mang theo cả mèo nữa! Hay lắm, ngày mai có thể diễn ‘Võ Tòng đả hổ’ rồi.”

 

Dứt lời, nàng kéo Thanh Dương vội vã chạy về phía sân khấu.

 

Lão ban chủ ngồi lại trên ghế dài, khoan khoái hút vài hơi thuốc, gương mặt đầy nếp nhăn cũng giãn ra.

 

“Lần này cảm ơn cô nương nhiều lắm. Phải rồi, lúc nãy cô nương bảo định tìm việc làm, hay là ở lại gánh hát Khánh Vân của chúng ta, chuyên phụ trách may vá, sửa chữa y phục? Mỗi tháng trả năm tiền bạc, được không?”

 

Ta bật thốt lên:

 

“Năm tiền bạc?!”

 

Thật nhiều quá!

 

Số tiền này gần bằng thu nhập của phu tử dạy học ở trấn Bạch Thủy.

 

Lão ban chủ bối rối xoa xoa tay:

 

“Ta biết, với tay nghề của cô nương, nếu ở kinh thành, tháng năm lượng bạc người ta cũng tranh nhau mời. Nhưng ở chỗ nhỏ này của chúng ta, hay là…”

 

Ông nhìn sang Tiểu Hắc:

 

“Thêm mười con cá khô nữa, được không?”

 

Ta lập tức nắm c.h.ặ.t t.a.y ông:

 

“Cứ quyết định vậy đi!”

 

15

 

Từ mây vai áo đến y phục biểu diễn, từ cờ hiệu đến các vật dụng cũ kỹ, ta đều sửa sang, giặt giũ lại một lượt, khiến cả gánh hát Khánh Vân từ trong ra ngoài bừng sáng hẳn lên.

 

Khách vừa bước chân vào cửa liền dừng lại, nhìn quanh ngỡ ngàng:

 

“Đây vẫn là gánh hát Khánh Vân sao?”

 

Thanh Dương đắc ý lắc lư cái đầu:

 

“Nhân tài ba ngày không gặp, phải nhìn bằng con mắt khác.”

 

Mọi người trong gánh cười vang, lại trêu chọc hắn mặt dày, lấy công lao của người khác mà dán lên mặt mình.
Bình Luận (0)
Comment