Trần Nhật Duật ra khỏi trại của người Man một đoạn thì thấy trước mặt xuất hiện rừng người ngựa, cờ xí rợp trời. Giữa đám cung, tên, giáo, mác, có một lá cờ vàng lớn thêu ba chữ “Chiêu Văn Quân” tung bay trong gió. Đoàn quân nhác thấy bóng chàng thì reo to mừng rỡ. Từ trong đội ngũ rẽ ra một tướng trẻ diện mạo oai phong phi ngựa cấp tốc về phía trước. Cách phái đoàn chừng nửa trượng, viên tướng nhảy từ trên lưng ngựa xuống rồi chạy đến trước mặt Nhật Duật hành lễ:
- Đức ông, người đã bình an trở về. Thật may quá!
Nhật Duật vội vàng xuống ngựa đỡ viên tướng dậy, vỗ vai động viên. Viên tướng trẻ tên Lê Thạch, là phó tướng của Chiêu Văn Quân. Gã từng nhiều lần chứng kiến vị chủ tướng của mình tự thân đi vào sào huyệt của kẻ địch hung hãn, nhưng do vốn tính cẩn thận nên lần này vẫn hết sức lo lắng. Phải cho tới giờ, khi nhìn thấy chủ tướng hoàn toàn bình an, Lê Thạch mới đỡ thấp thỏm.
Duật nói chuyện với viên phó tướng thêm vài câu thì nhớ ra một việc, liền dặn:
- Ngươi mau truyền lệnh cho đội Báo Hoang rút lui đi. Nếu để bọn Giác Mật phát hiện ra thì không hay chút nào.
- Vâng, thuộc hạ xin làm ngay.
- À, ngươi mang thêm ngựa cho hai tên hầu này nữa. Để bọn chúng cưỡi chung một con hơi bất tiện.
Viên tướng trẻ nghe thế thì ngạc nhiên, mắt mở tròn xoe rồi thắc mắc:
- Bẩm đức ông, hai tên này chỉ là hầu, có ngựa cưỡi không phải chạy bộ đã là may lắm rồi. Sao lại phải tốn thêm ngựa cho chúng làm gì?
Nhật Duật làm bộ nghiêm mặt, mắng:
- Ta bảo thì cứ làm đi, Lê Thạch ngươi định cãi lệnh hả?
Viên tướng trẻ rụt đầu lẽ lưỡi vâng dạ luôn mồm rồi lật đật chạy đi.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, thoáng chốc Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đã lên trấn thủ đạo Đà Giang được hai năm. Trong hai năm đó, chàng đã vỗ yên các sắc dân tộc thiểu số ở dọc hai bên bờ dòng sông Đà. Đồng thời, chàng cũng giúp cho người Việt và người dân tộc sống hòa thuận, tôn trọng lẫn nhau.
Vào một tối mùa đông Nhâm Ngọ, Thiệu Bảo năm thứ tư (tức năm 1282 dương lịch), từ khu doanh trại của quân Đại Việt đóng tại trấn Đà Bắc, trấn thành thị xa nhất của Đại Việt về phía Tây, có vọng ra tiếng đàn du dương, thánh thót. Tiếng đàn da diết, trong trẻo, lúc thì như giọng hát của mẹ hiền ru con, khi lại giống tiếng thủ thỉ, nũng nịu của người thương vào một đêm trăng sáng.
Tiếng đàn xuất phát từ căn nhà sàn to nhất khu doanh trại, vốn là căn nhà của chỉ huy sứ đạo Đà Giang khi xưa giờ được sửa lại qua loa làm nơi ở cho Chiêu Văn Vương hai năm nay.
Bên trong căn nhà, vị vương gia trẻ đang ngồi gảy đàn một mình. Cây nguyệt cầm(1) là thứ duy nhất chàng mang theo từ Thăng Long, trừ đống trang phục cá nhân và thanh gươm quý luôn dắt bên người. Tối tối mỗi khi rảnh rang, chàng đều tranh thủ ngồi gảy đàn. Tiếng đàn là liều thuốc hữu hiệu giúp xoa dịu nỗi nhớ nhà, nỗi nhờ vùng đất kinh kỳ phồn hoa cùng bạn bè, cố nhân phải chia xa khi đi trấn thủ vùng miền ngược.
Giai điệu du dương đột ngột bị ngắt quãng bởi tiếng cười khẩy, cùng câu nói có phần mỉa mai:
- Không ngờ Chiêu Văn Vương oai võ là thế mà đêm nào cũng đàn địch mấy cái bài nhạc ẻo lả của bọn đàn bà.
Người vừa cất lời mi thanh, mục tú, khuôn mặt nhỏ nhắn, làn da tương đối trắng trẻo. Tuy y mặc quần áo người hầu nhưng giọng nói cao vút cùng dáng vẻ khinh bạc không hề giống như thái độ của kẻ nô bộc đối với chủ nhân.
Trần Nhật Duật chả ừ chả hữ, chàng lại gảy thêm nửa khúc đàn. Tiếng nhạc vang lên dặt dìu như kèm theo lời hát.
“Vắt tay nằm nghĩ canh dài
Phong lưu dễ được mấy người xưa nay
Gió trăng vô tận kho đầy
Những vui cảnh đẹp mà khuây lòng phiền.”(2)
Nhật Duật gảy xong buông đàn xuống, đoạn nói:
- Đã nửa năm rồi nàng mới quay lại thăm tôi. Nhân lúc đêm nay trăng thanh gió mát, hay là nàng cùng tôi hợp xướng một canh cho trọn ca ý.
Chàng vừa dứt lời đã thấy thanh dao găm chĩa vào trước mặt.
- Ngươi… ngươi dám kêu ta hát hầu ngươi như mấy con ả đào mua vui cho bọn đàn ông ư? Ta cho ngươi chết không toàn thây bây giờ!
Tên hầu nổi giận làm đôi mày cau vào, cuối mắt xếch lên, hiện ra vẻ ghê gớm đến độ tàn nhẫn. Nhật Duật đối phó với sự hung hãn đó bằng nụ cười nhẹ nhàng và vẻ mặt bình tĩnh như không.
Giữa lúc tình thế đang căng thẳng, chợt có giọng nói trong trẻo cất lên từ phía góc nhà:
- Chị Ban đừng nổi nóng, Chiêu Văn Vương chỉ đang đùa chị chút thôi mà.
Nhật Duật nhìn sang phía tay tả, thấy một tên hầu khác đã đứng đấy từ bao giờ. Chiêu Văn Vương nhác thấy nàng ta thì hồ hởi hẳn lên:
- Hóa ra cô Mai cũng tới. Cô Ban có vẻ không thích ca hát hay là cô Mai chịu khó ra đây tiếp kẻ thô lậu này vài canh giờ.
Tên hầu thứ hai nghe thế thì bước lại gần. Ánh nến bập bùng trên cột gỗ soi tỏ dáng vẻ tha thướt, khuôn mặt trái xoan, cùng ánh mắt long lanh như nước hồ thu. Nhật Duật trông rõ diện mạo tên hầu mới đến thì hít vào một hơi. Thật không ngờ miền sơn cước mà có người đẹp tới vậy. Dù không phải lần đầu gặp gỡ mà chàng vẫn thấy bất ngờ. Cũng may bộ quần áo của kẻ hạ tiện đã che dấu nét mỹ lệ đi nhiều, không thì dáng vẻ này sẽ dễ làm toàn quân đại loạn.
- Chắc Chiêu Văn Vương biết chúng tôi tới đây không phải để ca hát. Vốn vương bận nhiều việc, tôi cũng không dông dài. Chị em tôi nhận được tin Trịnh Giác Mật đã tìm ra kẻ kia nên đường đột xông vào đây để hỏi vương khi nào có thể lên đường?
Nhật Duật nghe vậy thì cười cười, đoạn chàng cúi xuống vừa so lại dây đàn, vừa thủng thẳng đáp:
- Quả là Giác Mật đã biết chỗ trốn của kẻ mà các nàng muốn tìm. Nhưng hắn ta ở một bản làng trong nơi thâm sơn cùng cốc tít trên núi cao. Nếu hai nàng muốn, tôi sẽ cho người báo Giác Mật mai xuất phát lên bản kia sớm.
Tên hầu thứ hai thấy thái độ bình thản của Chiêu Văn Vương thì biết những uy hiếp lúc trước của tên hầu đầu tiên không ăn thua gì. Nàng ta liền dùng một giọng khách sáo đáp lại:
- Vậy phải phiền Chiêu Văn Vương rồi. Có gì sáng mai lúc gà gáy chị em tôi sẽ quay lại đây và hộ tống vương tới tận trại của Giác Mật. Chị Ban, chúng ta về thôi để Chiêu Văn Vương nghỉ ngơi.
Tên hầu đầu tiên không được bình tĩnh như tên hầu thứ hai. Nàng này tính nóng nảy hơn, bốp chát phản đối:
- Sao lại đi dễ vậy? Tên Chiêu Văn Vương này nhiều mưu kế lắm, có khi sáng mai hắn lại dở trò.
Tên hầu thứ hai biết chị mình lỗ mãng nên không hiểu được có những lúc các lời đao to búa lớn chỉ làm cho đối phương coi thường. Tuy nhiên nàng không nói thẳng ra, chỉ lắc đầu rồi nói:
- Chiêu Văn Vương ở nơi miền ngược đã được một thời gian, vương chắc hiểu rõ có một số việc và một số người không nên đùa cợt.
Tên hầu thứ hai vừa dứt lời, Nhật Duật tự dưng thấy mát lạnh trước trán, rồi một lọn tóc của chàng không hiểu bị thứ gì chém đứt rơi ngay xuống cây đàn nguyệt đang ôm trong lòng. Nhật Duật khẽ giật mình nhưng lấy lại vẻ bình thản rất nhanh. Tuy nhiên thái độ của chàng đã lọt vào mắt tên hầu đầu tiên, nàng ta cười lên “ha ha” mấy tiếng rồi bước lại chỗ tên hầu thứ hai:
- Mai, ngươi cắt có một tí tóc của hắn thì ăn thua gì? Để ta khoét cho hắn vài lỗ trên người rồi đốt nến châm vào cho hắn đau đớn ba ngày, ba đêm. Lúc đó xem hắn có dám đùa bỡn chúng ta nữa không?
Tên hầu thứ hai nghe vậy thì lại lắc đầu:
- Những việc thừa thãi thì đừng nên làm, chị Ban chúng ta đi thôi.
Tên hầu đầu tiên tỏ ra hậm hực, quay sang chất vấn cả kẻ cùng phe:
- Mai, ngươi là em sao cứ ra lệnh cho ta mãi thế!
- Chị Ban, chúng ta cùng nhau làm nhiệm vụ, làm gì có ai ra lệnh cho ai. Chiêu Văn Vương lắm mưu nhiều kế, như lần trước đi dụ hàng Giác Mật, vương giả vờ tới một mình nhưng đằng sau lưng thì cho đội quân tinh nhuệ Báo Hoang mai phục tại ngọn núi bên trên, sẵn sàng đột kích vào trại khi có biến. Với một người đảm lược như thế, nếu hai chị em ta không hỗ trợ cho nhau thì sẽ dễ bị vương lừa gạt lắm.
Tên hầu thứ hai đã quá quen với tính cách của người chị. Nàng kiên trì giải thích. Tên hầu đầu tiên chẳng coi lời khuyên này vào đâu, chỉ cười gằn một cách hung ác rồi nói sẵng:
- Hừ, những kẻ dám lừa gạt Vi Ban này đều phải chịu kết quả thảm khốc.
Nàng ta nói xong thì vung tay lên. Chỉ nghe “phập” một tiếng, chiếc đầu hươu trang trí trên cột nhà đã bị ném một thanh dao găm vào cắm ngập tới tận chuôi.
- Ta gửi tạm thứ này thay cho lời cảnh cáo!
Nói dứt lời, nàng ta theo chân tên hầu thứ hai bước ra khỏi cửa. Hai cô gái nhanh chóng biến mất vào nơi màn đêm đen bao phủ.
Chiêu Văn Vương nhìn theo một lúc rồi đặt đàn xuống, thở dài đứng dậy. Chàng tiến lại chỗ cột gỗ giữa nhà, lấy tay gõ vào đó ba phát. Lát sau, tấm phiên che cầu thang hậu của căn nhà sàn được dịch sang một bên, viên tướng trẻ Lê Thạch vội vã bước lên:
- Thưa đức ông, bọn chúng đến chưa?
Trần Nhật Duật cười buồn, đáp:
- Đã đi được một lúc rồi.
Lê Thạch nghe thế thì giật mình, hoảng hốt kêu lên:
- Sao có thể thế được? Thuộc hạ đã cho đội Báo Hoang canh gác rất kỹ. Bọn họ không hề phát hiện ra động tĩnh gì.
- Ngươi nhìn kia kìa!
Nhật Duật nói đoạn chỉ vào chiếc đầu hươu bị cô gái tên Ban ném dao vào lúc trước. Chỉ thấy giữa trán hươu, nơi con dao găm cắm ngập có rỉ ra dòng nước đen. Dòng nước đó không những đốt cháy một mảnh da thú mà còn chảy xuống sàn nhà, khoét thành cái lỗ to tướng.
- Đức ông… thứ này…
Nhật Duật cau mày suy tư. Sau một hồi tính toán, chàng mới thở dài rồi quyết định:
- Cả đội Báo Hoang cũng không phát hiện ra nổi các nàng. Xem ra lần này ta nên đi một mình.
Lê Thạch nghe vậy thì hốt hoảng can ngan, nêu lý do kẻ địch vô cùng ghê gớm, đức ông không cần thân chinh mạo hiểm nữa. Nhưng Nhật Duật đối với ý tốt của gã chỉ vỗ vai ghi nhận, rồi nói:
- Lê Thạch, ngươi quên là ta có thứ pháp bảo thần kỳ do đích thân đức quan gia tặng cho ư? Đức quan gia còn dặn nếu thấy chuyện kỳ lạ, cổ quái gì, đều phải đích thân đi điều tra cho kỹ. Và thứ pháp bảo kia sẽ khiến cho bọn ma quỷ không thể hại đến ta, huống hồ là bọn họ. Chắc ta lại phải phiền ngươi quản lý Chiêu Văn Quân một thời gian rồi.
Lê Thạch nghe thế thì đành cúi đầu “vâng, dạ”. Gã hiểu quá rõ tính tình vị chủ tướng của mình. Chiêu Văn Vương tuy còn trẻ tuổi nhưng võ công cao cường, đảm lược lại lớn. Vương từng có lúc một mình cưỡi voi, xông thẳng vào phá tan hang ổ bọn cướp gốc Chiêm ở ngoài thành Thăng Long. Ngay như lần này khi vừa nhận được nhiệm vụ lên trấn thủ xứ Đà Giang, vương liền đóng giả kẻ lang thang, tự đi vào ở bản Man hai tháng để tìm hiểu về ngôn ngữ và tập tính của bọn họ. Nhờ vậy đợt trước vương mới có thể chiêu hàng Giác Mật dễ dàng. Và dù chỉ là phó tướng, nhưng Lê Thạch đã quen việc quản lý Chiêu Văn Quân thay cho vị chủ tướng liều lĩnh. Lần này Chiêu Văn Vương đã quyết định đi một mình thì ngay cả thượng hoàng và quan gia còn không cản được, Lê Thạch dù có khuyên can đến đâu cũng chỉ vô ích.
Trần Nhật Duật dặn dò thêm Lê Thạch vài điều rồi cho viên phó tướng lui xuống để đi chuẩn bị đồ đạc ngày mai lên đường. Chiêu Văn Vương tính vốn đơn giản, chỉ cho vài bộ trang phục vào tay nải. Sau đó chàng mang thanh gươm báu ra lau chùi cho cẩn thận. Lau gươm chán chê đến tận khi đêm đã rất khuya, chỉ còn tiếng côn trùng rả rích từ các bụi cỏ cao xung quanh nhà vọng lên, Nhật Duật mới lôi từ trong đáy tay nải ra một vòng tràng hạt đen:
- Tống Thiết Phật Châu, ta lại phải trông cậy vào ngươi rồi!
Chiêu Văn Vương vừa nói vừa giơ vòng tràng hạt ra ngắm dưới ánh nến. Chỉ thấy từng hạt của chiếc vòng nặng chịch, không hiểu làm bằng chất liệu gì mà đen sẫm, đầy vẻ cổ kính.
Ở ngoài cửa, tiếng côn trùng vọng vào càng lúc càng dầy hơn, báo hiệu cho việc trời đất sắp chuyển mình bước sang ngày mới.
Chú thích:(1) Nguyệt cầm: tức cây đàn nguyệt.
(2) Lời bài thơ “Mối tơ tình”, khuyết danh tác giả.
(Để tri ân tác giả, mời các bạn vào facebook gõ "Thần Chiến triều Trần" và like fanpage của truyện. Xin chân thành cảm ơn!)