Nhà sàn của quan tạo trong bản Man này cũng giống như mọi căn nhà sàn bình thường khác của người Man. Nghĩa là có hai cầu thang ở hai đầu hồi. Cầu thang chính ở bên quản(1), cầu thang phụ ở bên chan(2). Mái nhà lợp cỏ gianh, bên dưới có năm gian, đầy đủ sàn phơi, bếp núc bên trong. Hướng nhà làm quay vào trong bản, lưng dựa lên ngọn đồi nhỏ. Khác biệt duy nhất là trên ngọn đồi sau nhà có dăm ba hàng rẫy trống huơ trống hoác đã lên màu bạc phếch.
Nhật Duật biết người Man ở trên núi cao thường có tập tục du canh, du cư. Họ phát nương, làm rẫy ở một nơi trong khoảng ba tới năm năm, đến khi đất bạc màu thì lại đi nơi khác. Giờ nhìn vào mấy hàng nương rẫy của chủ nhà là đủ biết bản này ở cố định nơi đây đã lâu lắm rồi.
Mọi người lục tục đi theo cầu thang chính lên nhà. Trên nhà có treo đầy đủ cung, nỏ và khá nhiều đầu mèo, đầu hươu. Nhật Duật đoán rằng bản Man này lấy săn bắn làm chính, chứ không phải trồng trọt như những chỗ khác.
Chủ, khách chia làm hai bên rõ ràng rồi lần lượt ngồi xuống. Khi vẫn còn chưa ấm chỗ, Vi Ban đã sỗ sàng nói thẳng:
- Thầy Luông, mau trả lại vật mà ngày xưa ngươi lấy của phủ Cao Sơn!
Bốn trung niên ngồi hai bên quan tạo tỏ ra khó chịu, định phản ứng. Nhưng quan tạo đã kịp thời xua tay, ông cũng không đáp lời Vi Ban ngay mà chỉ lẳng lặng lấy chiếc ấm to treo trên bếp lửa xuống, rót thứ nước lá óng ả ra hơn chục chiếc bát gỗ xếp thành chồng ngay sát đó.
- Mau mang mời khách!
Quan tạo nói đoạn vẫy tay ra hiệu cho cô gái nhỏ đang trốn trong góc nhà từ khi mọi người ùn ùn kéo vào. Cô gái vội vàng đứng dậy, ra chỗ bếp lớn cuối nhà lấy cái khay gỗ rồi bê lại chỗ quan tạo, lẳng lặng xếp các bát nước vào khay.
- Các vị xin mời uống nước đã. Việc này không thể nói một, hai lời là xong được.
Vi Ban nghe thế thì cười nhạt một tiếng, không nói gì thêm. Lúc này, cô gái nhỏ mang chén nước đặt xuống trước mặt Nhật Duật. Chàng đột nhiên ngửi thấy mùi u hương, mùi lá thơm thoang thoảng trong không khí.
“Chà sao dạo này gặp lắm người đẹp thế, nhưng mà ai cũng kỳ dị”. Nhật Duật vừa tự nhủ thầm, vừa hớp một ngụm nước lá.
Chiêu Văn Vương tuy là người trân trọng cái đẹp và rất có hứng thú đối với các mỹ nữ, nhưng sự thận trọng có được từ kinh nghiệm phiêu lưu khắp chốn làm cho chàng hiểu được rằng những cô gái xung quanh hiện giờ đều không có ai đơn giản.
Cô gái nhỏ lẳng lặng mang hết toàn bộ chén nước lá cho tất cả mọi người, sau đó quay về sau lưng quan tạo ngồi yên ổn. Từ đầu đến cuối cô không hề hé răng một lời. Nhật Duật thấy cô gái mặt xoan tròn trịa, môi đỏ má hồng và sâu trong đáy mắt lại có nét láu lỉnh rất riêng. Cô gái biết Nhật Duật nhìn mình thì bất ngờ lè lưỡi ra trêu.
- Ban Mai sứ giả, các ngài để nhiều người nghe chuyện vậy chẳng hay là có ý giết người bịt miệng? - Quan tạo nét mặt bình tĩnh như không, cất giọng lạnh lùng hỏi.
Tất cả đám người thấy thế đều sực tỉnh. Quả thật vật mà phủ Cao Sơn tốn bao nhiêu công sức tìm kiếm sao có thể để cho nhiều người biết như vậy. Vi Ban không thèm chối bỏ mà chỉ cáu kỉnh quát lại:
- Chuyện này không khiến người phải quản. Rốt cục là ngươi có giao vật đó ra không?
Lời này của Vi Ban chả khác gì thừa nhận sự buộc tội của quan tạo. Bọn Trịnh Giác Mật liền nhao nhao chửi bới nhưng vì sợ tài phép của phủ Cao Sơn nên chưa dám động tay động chân.
- Chị Ban từ từ đã!
Vi Mai thấy tình hình không hay thì vội vàng lên tiếng. Giọng nàng nhỏ nhẹ, trong trẻo nhưng ngữ điệu dứt khoát nên khiến người khác phải chăm chú lắng nghe.
- Thầy Luông, từ khi vào bản tôi thấy tràn ngập mùi chết chóc, không biết có chuyện gì đang xảy ra vậy? - Nghe Vi Mai hỏi, bọn người trong bản tất thảy đều tái mặt.
Riêng quan tạo vẫn bình thản như không, đáp:
- Sứ giả có con mắt thật tinh tường.
Vi Mai biết mình đã đoán đúng. Nàng mỉm cười trấn an sự lo lắng đang xâm chiếm tâm trí bọn dân bản, rồi sau đó lại cất giọng nói tiếp:
- Nếu bản đang có chuyện thì nể tình thầy Luông cống hiến cho phủ Cao Sơn bao nhiêu năm, chúng tôi có thể giúp. Xong việc thầy Luông chỉ cần trả lại vật kia cho phủ, chúng ta coi như không ai nợ ai. Tội lỗi ngày xưa của thầy, phủ cũng sẽ không nhắc đến nữa. Còn việc giết người bịt miệng tôi đảm bảo không xảy ra. Xưa nay người của phủ bao giờ cũng giữ lời, thầy Luông thấy thế nào?
Quan tạo trầm ngâm hồi lâu. Phủ Cao Sơn tuy phép thuật ghê gớm, hành động nhiều lúc độc ác nhưng lời của người trong phủ nói ra thì lại rất đáng tin. Sau một hồi cân nhắc kỹ càng, quan tạo mới thở dài rồi đáp:
- Thôi được, tôi đồng ý. Nhưng các vị phải giúp bản tôi trước đã.
Vi Mai biết việc đàm phán sắp thành. Nàng tiếp tục hỏi về vấn đề trọng tâm đang đè nặng lên tâm tư của những người trước mặt.
- Được, vậy rốt cục bản này đang xảy ra việc gì?
- Bản tôi đang bị một con hổ tinh tàn sát.
Nghe nhắc đến hổ tinh, bọn Trịnh Giác Mật sợ hết cả hồn. Cả chủ lẫn tớ đều muốn chuồn khỏi cái bản đáng nguyền rủa này càng sớm càng tốt. Riêng Nhật Duật vốn ở chốn kinh thành từ bé nên ít khi được gặp hổ thường chứ đừng nói hổ tinh nên chàng chỉ thấy tò mò là chính.
Vi Mai khẽ cau mày. Hổ tinh tuy ghê gớm nhưng đối với cả bản đầy thầy phép thì không phải vấn đề quá lớn. Chắc chắn con yêu quái này không hề đơn giản. Nghĩ vậy nàng tiếp tục hỏi thêm, dù sao thì muốn trừ yêu diệt quái điều đầu tiên cần làm là thu thập đủ thông tin.
- Trình độ luyện bùa của mọi người không tệ, sao không đặt bùa chú xung quanh để phòng yêu?
- Bọn tôi đã đặt không biết bao nhiêu bùa phép nhưng đều bị hổ tinh phá hết. Cứ qua độ vài ba đêm là lại có một người trong bản bị nó bắt đi.
- Thế còn bùa cảnh báo thì sao?
Quan tạo lắc đầu chán nản:
- Cũng đều bị nó dùng phép yêu phá nát, tôi có cảm giác con hổ tinh này phép thuật cao cường hơn chúng tôi rất nhiều. Nó chưa giết hết cả bản chỉ là vì muốn chơi trò mèo vờn chuột.
Vi Mai suy nghĩ một hồi, đoạn nói:
- Được, vậy mọi người có thể đặt bao nhiêu bùa cảnh báo thì đặt hết đi. Để chúng tôi xem con yêu này tài phép được bao lăm.
Lúc này, Vi Ban lại bất chợt chen vào đòi quan tạo phải giao vật mà hai nàng đang tìm ra trước thì mới đồng ý xử lý hổ tinh. Vi Mai biết điều kiện này khó mà khiến cho người đứng đầu bản Man chấp nhận, nàng liền khuyên can chị mình đổi ý. Mai lấy lý do là nếu con hổ tinh ghê gớm bọn họ còn đối phó được, thì ngại gì mấy người trong bản này. Quan tạo nhìn hai chị em họ trò chuyện qua lại thì biết đó chẳng qua là trò tung hứng đe dọa. Ông thấy trong lòng nguội lạnh, chỉ thở dài rồi nói:
- Các vị yên tâm, sau khi giải quyết được chuyện hổ tinh thì tâm nguyện cả đời tôi cũng tính là hoàn thành. Vật kia đã đến lúc trả về cho chủ cũ.
Vi Mai nghe vậy thì gật đầu:
- Thầy Luông nói thế là được rồi. Giờ cũng không còn sớm, phiền thầy Luông kêu mọi người đi đặt bùa thôi.
Quan tạo không ừ không hữ mà lẳng lặng đứng dậy, rồi chỉ huy cho bọn dân bản đi thực hiện công việc. Ánh nắng ban trưa chiếu qua cửa nhà, hợp cùng nền gỗ trên sàn tạo thành một vệt vàng rực rỡ.
Qua ba đêm liên tục, đêm nào đoàn người cũng thức rình hổ nhưng tuyệt không thấy bóng dáng con yêu đâu cả. Bọn Giác Mật ngày thì bị chôn chân, đêm thì phải thức trắng nên vô cùng chán chường và bực tức. Tuy nhiên, mỗi khi Mật định mở mồm kiếm cớ chuồn thì đều bị Vi Ban lườm cho cháy da. Gã cùng thuộc hạ đành câm nín chịu khổ.
Về phần Nhật Duật tuy chàng có lòng đề phòng với chị em Ban Mai nhưng Chiêu Văn Vương cũng là người rất đam mê gươm kiếm. Thấy Vi Mai có thanh gươm quý, Nhật Duật đứng ngồi không yên. Sau vài bữa đắn đo, Duật đánh bạo tìm Vi Mai hỏi về thanh gươm xanh. Mai ban đầu còn tỏ vẻ lịch sự với Chiêu Văn Vương, sau Nhật Duật được thể làm tới, cứ quấn lấy nàng đòi xem cho bằng được. Mai bị quấy rầy thì rất bực mình nhưng dù tìm đủ mọi cách vẫn không dứt Nhật Duật ra được. Cuối cùng không chịu nổi nữa, Mai đành phải rút gươm Thanh Bạch ra chẻ đôi một thân cây to từ ngọn xuống gốc, Duật mới chịu thôi.
Sang đến đêm thứ tư mà vẫn chưa thấy bóng dáng con hổ đâu, quan tạo đành chia mọi người vào các nhà trong bản để nghỉ ngơi, chỉ cắt cử lại từng ca gác bốn người để dễ báo động.
Giờ Tý(3) đêm đó là ca gác của Vi Mai, Trịnh Giác Mật và hai tên thuộc hạ. Tuy nhiên Nhật Duật kiên quyết đòi Giác Mật đổi ca này cho mình. Mật tự nhiên mất ca gác với người đẹp thì không cam lòng nhưng Chiêu Văn Vương có lời, gã đành nhăn nhó nghe theo.
Vi Mai đã thay trang phục người hầu bằng bộ váy áo của người Man. Áo nàng màu xanh lam, tuy không nổi bật như những chiếc áo màu đỏ hoặc màu trắng nhưng bộ cúc cánh bướm cùng vòng cổ, vòng tay bằng bạc kết hợp với chiếc khăn đội đầu, chiếc váy và thắt lưng với các đường may tỉ mỉ, họa tiết tinh tế làm nổi bật hẳn lên vẻ đẹp của mỹ nữ vùng sơn cước. Mai lại đột ngột xuất hiện cùng ảnh lửa đuốc bập bùng nên càng khiến cho bọn người chung ca với nàng ngơ ngẩn.
Trông thấy thái độ của mọi người nhất là Nhật Duật, Vi Mai chợt rùng mình lo sợ không biết tên Chiêu Văn Vương này có nổi hứng thích thú bộ y phục mới của nàng không. Nhỡ đâu gã lại si mê giống như với gươm Thanh Bạch, tiến lại gần sờ mó váy áo thì dù có làm hỏng việc lần này chắc nàng vẫn phải khoét lên người gã mấy lỗ lớn.
“Tốt nhất là phủ đầu”, Mai nghĩ xong liền trừng mắt quát:
- Bọn ngươi nhìn cái gì?
Hai tên thuộc hạ của Giác Mật bị mắng thì sợ sệt, ấp úng không nói lên lời. Chỉ có Nhật Duật là tỉnh bơ đáp lại:
- Không có gì, chỉ là tôi không ngờ thầy phép trên miền ngược lại có thể xinh đẹp như vậy.
Vi Mai thấy thái độ mặt trơ trán bóng của Chiêu Văn Vương thì cau mày, giọng nói có phần khó chịu:
- Đây là ca của Mật. Sao vương lại ra đây?
- Tôi đã đổi ca với hắn. - Nhật Duật tươi cười hớn hở, đáp lại lời nàng.
Vi Mai thấy thế thì sa sầm nét mặt, mắng ngay:
- Mấy ngày nay vương cứ cuốn riết lấy tôi, giờ đi gác cũng đòi bám theo. Nếu vương dám dở trò tà dâm thì đừng trách tôi độc ác.
Không ngờ Nhật Duật không hề tỏ ra e sợ mà lại nghiêm túc nói:
- Tôi có linh cảm tối nay con hổ tinh sẽ xuất hiện. Từ bé tới giờ linh cảm của tôi luôn vô cùng chính xác. Hồi nhỏ cứ lần nào tôi lẻn vào vườn thượng uyển trong Cấm Thành ăn trộm ổi là đều linh cảm thấy sẽ bị phụ vương cho ăn roi mây. Y như rằng đúng thế thật!
Vi Mai nghe vậy thì đang cáu kỉnh cũng phải cười phì ra một tiếng:
- Có mà do vương biết mình mắc tội to khó trốn được thì có.
Mai và Duật mải nói chuyện với nhau không để ý rằng bốn người đã đi ra khỏi phạm vi của bản, tới ngay đầu bìa rừng ở bên sườn núi. Một tên thuộc hạ người Man thấy cả bọn càng đi càng xa khỏi nơi đặt bùa thì cất giọng run run cảnh báo nên quay lại. Vi Mai thấy vẻ sợ hãi của tên này thì rất khinh thường, cứ mặc kệ bước tới. Tên thuộc hạ đành mặt mày nhăn nhó quay sang bàn tới với tên còn lại nên đi hay ở, dù sao đắc tội với sứ giả phủ Cao Sơn cũng rất có thể phải trả giá đắt. Cuối cùng nỗi sợ hãi mất mạng thắng thế, cả hai tên liền lấy hết can đảm cất giọng từ chối Vi Mai:
- Xin sứ giả thứ lỗi, nếu sứ giả muốn dạo bước vào rừng thì cứ tự nhiên. Bọn chúng tôi quay lại bản thôi.
- Tùy các ngươi!
Mai nói đoạn bước nhanh tới phía bìa rừng. Những kẻ nam nhi cao lớn mà hơi động tí chuyện đã tỏ ra hoảng loạn luôn làm nàng thấy chán ghét. Nhật Duật chạy đuổi theo nàng, bỏ lại hai tên thỏ đế ở đằng sau. Mai thấy Duật đi theo thì hỏi:
- Vương không sợ hổ tinh à?
Nhật Duật cười giòn tan, nửa thật, nửa đùa đáp:
- Nàng phép thuật cao siêu, còn lợi hại hơn cả hổ. Tôi không sợ nàng thì thôi xá gì con yêu kia.
Vi Mai lườm chàng một cái nhưng không tỏ thái độ gì, chỉ tiếp tục bước tới coi như một sự đồng ý ngầm cho Nhật Duật đi cùng. Hai người điệu bộ thong thả như một đôi tâm đầu ý hợp nhàn nhã ngắm trăng nhưng thực ra bước chân lại rất mau. Sau một hồi cả hai đã kiểm tra hết khu bìa rừng gần bản, bắt đầu tiến vào sâu hơn. Đi được một lúc, Nhật Duật cất tiếng:
- Tôi có thắc mắc canh cánh trong lòng, luôn muốn hỏi nàng.
- Vương cứ nói đi!
- Tại sao hai năm trước nàng và Ban lại đến chỗ tôi, bắt tôi phải đi tìm kẻ gọi là “thầy Luông” kia cho các nàng? Rõ ràng các nàng có thể đi đến chỗ Mật, trực tiếp bắt ép hắn làm điều này?
Vi Mai nghe thế thì thở dài, đáp:
- Ban đầu bọn tôi cũng định đến thẳng chỗ Giác Mật để bắt hắn đi tìm người. Vì Giác Mật là chúa đạo cả vùng rộng lớn, lại có mối quan hệ với nhiều bản làng. Nhưng sau khi suy tính kỹ, chúng tôi e rằng Mật khi vừa nghe đến ba từ “phủ Cao Sơn” là sợ hãi, hoảng loạn. Tôi có thể ép hắn và đám thủ hạ làm việc cho mình, nhưng bọn chúng không như người dưới xuôi, không giỏi che dấu. Việc đi tìm người hộ sẽ dễ dàng bị lộ, như vậy chẳng khác nào đánh rắn động cỏ. May thay lúc đó vương lại đến tìm Giác Mật để dụ hàng. Bọn tôi tính nếu bắt được vương đi nhờ Giác Mật thì sẽ hiệu quả hơn, cuối cùng đúng thế thật.
Nhật Duật hiểu ra, gật gù đồng tình:
- Các nàng tính toán thật chu đáo. Mà quan tạo kia đã làm gì khiến phủ Cao Sơn truy tìm ráo riết vậy?
- Quan tạo tên thật là Bạc Luông. Trước đây ông ta cũng là một thầy phép thuộc phủ và được gọi là thầy Luông, nhưng sau đó ông ta dám ăn cắp vật báu của phủ rồi bỏ trốn. Bọn tôi tìm Bạc Luông chính là để đòi lại vật đấy.
- Đấy là vật gì?
Vi Mai cau đôi mày lá liễu lại rồi ném cho Nhật Duật một cái nhìn lạnh lùng:
- Vương biết càng ít chuyện về phủ Cao Sơn thì càng sống lâu hơn đấy.
Nhật Duật nghe nàng đe dọa thì đành cười giả lả, không biết nói gì thêm. Vi Mai thấy không khí có vẻ căng thẳng liền chuyển đề tài:
- Từ nãy đến giờ vương có phát hiện được điều gì lạ lùng không?
Nhật Duật nghe vậy thì nhăn trán rồi chậm rãi gật đầu. Tuy mải trò chuyện với Mai suốt từ đầu nhưng tính cách của một kẻ ưa mạo hiểm khiến Duật không hè lơi lỏng việc quan sát xung quanh. Câu hỏi của Mai đến đúng lúc những hồ nghi trong lòng chàng càng lúc càng trở nên rõ ràng.
- Kể ra cũng thật kỳ quái. Khu rừng này cảm giác qua thì rất yên bình nhưng chính vì yên bình quá lại thành đáng sợ. Tôi cứ có cảm tưởng nó là một khu rừng chết.
- Sao vương lại nói vậy?
- Nàng cứ để ý mà xem, rừng bình thường dù có yên bình đến đâu thì ban đêm vẫn là thời điểm kiếm mồi của đa số các loài nên vô cùng nhộn nhịp. Đằng này khu rừng này tiếng chim không có, tiếng thú mất tăm, đến cả tiếng côn trùng rả rích cũng không sao nghe thấy được. Bản thân rừng không khác gì một tòa thành thu nhỏ, khu rừng này lại như một ngôi thành bỏ hoang.
- Vương nói đúng lắm!
Vi Mai gật đầu xác nhận, đoạn lại nói tiếp:
- Phép thuật của con hổ tinh này thật đáng sợ, chỉ riêng khí ma trên người nó toát ra mà đã làm các loài thú nhỏ quanh đây chết hết rồi. Còn một điều nữa tôi cũng muốn nói cho vương hay, bình thường hổ về bản bắt người ăn thịt, dù bắt ít hay nhiều vẫn có những oan hồn vất vưởng quanh bản. Nhưng con hổ tinh này bắt hơn chục người mà tôi tuyệt không tìm thấy dấu vết của bất kỳ oan hồn nào. Nếu tôi đoán không lầm, đây ắt hẳn là một con Hổ Trành.
- Hổ Trành ư?
Nhật Duật nghe vậy liền kêu lên kinh hãi. Vi Mai ngạc nhiên hỏi lại:
- Vương cũng biết loài này?
- Tôi hay nghe bọn đạo sĩ trong quán Thái Thanh nói, đẳng cấp yêu ma dưới Thần thì là Trành. Chỉ có điều Trành rất hiếm, duy có loài hổ mới hay tu theo kiểu này. Trành không những thích ăn thịt người mà còn hút luôn cả linh hồn của nạn nhân để tăng cường phép thuật.
Vi Mai gật đầu rồi giảng giải thêm:
- Yêu gồm có bốn loại là Tinh, Phục, Trành và Thần. Tinh là loại cơ bản nhất do thú hoặc đồ vật hấp thu linh khí trời đất hàng trăm năm tu thành. Một con yêu tinh lại phải tu thêm hàng trăm năm nữa mới trở thành Thần. Phục lại khác biệt hẳn, là do các thầy phép hàng phục, huấn luyện và làm tay sai cho thầy phép. Phục dù có yêu lực mạnh mẽ không thua kém gì Trành hay Thần nhưng vẫn luôn bị yêu tinh khác coi thường vì là bọn tay sai. Trành thì gần giống Tinh nhưng cách tu của Trành không những hấp thu linh khí từ trời đất mà còn nuốt luôn cả linh hồn của người chết để tu luyện. Vì thế từ trước đến nay tu thành Trành chủ yếu chỉ có hổ. Trành không những phép thuật thâm hậu mà còn ma mãnh, tàn ác hơn Tinh gấp trăm lần.
Hai người đang mải trò chuyện thì đột nhiên nghe thấy tiếng kêu thảm thiết. Trong khu núi rừng tĩnh lặng, ánh trăng bàng bạc nhuộm vẻ âm u lên cả vùng rậm rịt thì tiếng gào xuất hiện chẳng khác nào tiếng sấm giữa trời quang, khiến cho bất kỳ kẻ nào nghe thấy đều phải giật mình kinh hãi. Vi Mai và Nhật Duật đều thuộc loại can đảm và từng trải nên khi nghe thấy tiếng gào không đến nỗi hốt hoảng. Nhưng hai người đều biết là có chuyện xảy ra, liền vội vã chạy nhanh về phía nơi phát ra tràng âm thanh thống thiết đó.
Chú thích:- (1) & (2): Bên quản và bên chan tức là hai bên trong căn nhà sàn của người Man. Bên quản là bên chính là nơi sinh hoạt và tiếp khách của cánh đàn ông trong khi bên chan là bên phụ gồm bếp núc, sàn phơi, gian trang điểm của phụ nữ.
- (3) Giờ Tý: từ 11h đêm đến 1h sáng.
(Để tri ân tác giả, mời các bạn vào facebook gõ "Thần Chiến triều Trần" và like fanpage của truyện. Xin chân thành cảm ơn!)