Tát.
Kịch bản của Ấn Tây nằm rải rác ở mọi xó xỉnh, chủ yếu tiện cho y dễ dàng chỉnh sửa ngay khi có ý tưởng. Vì thế vào lúc này, Ấn Tây vừa nghiêng người để Lý Tùng Nhất và Trần Đại Xuyên vào phòng, vừa sẵn tay quơ bừa xấp kịch bản. Y ngồi xuống sô pha bắt tréo chân, dáng vẻ tự tin có thừa.
Lý Tùng Nhất không thể không tin Ấn Tây đã chờ họ từ lâu.
“Nói về cảnh đêm nay đi.” Ấn Tây mở kịch bản. Y chẳng phải là kẻ cuồng công việc, vẫn chừa thời gian cho các diễn viên nghỉ ngơi lại sức. Nhưng nếu Trần Đại Xuyên đã trao cơ hội, y còn không tạo áp lực thì chả xứng với cái danh đạo diễn hàng đầu tí nào.
Trần Đại Xuyên thình lình cau mày. Anh nhận ra chuyện không đơn giản, bèn nhìn về phía Lý Tùng Nhất: “Em ra ngoài có mang theo thẻ phòng không?”
“Có chứ.” Lý Tùng Nhất lấy thẻ phòng trong túi ra.
Trần Đại Xuyên hỏi: “Vậy sao đèn phòng em vẫn sáng?”
Nếu không có ai trong phòng khách sạn và thẻ phòng không cắm ở ổ điện cảm ứng, nguồn điện ắt bị cắt ngay lập tức, hơn nữa dấu hiệu chuông bên ngoài cũng mờ đi. Nhưng Trần Đại Xuyên vẫn ngây ngô bấm chuông suốt một giờ đồng hồ, ấy là do dấu hiệu chuông vẫn sáng. Bởi vậy anh chưa từng nghĩ tới khả năng, rằng Lý Tùng Nhất đã ra ngoài từ trước.
Lý Tùng Nhất cười khoái chí, giọng điệu đắc ý vô cùng: “Tôi nói cho hai anh biết, cơ sở vật chất của khách sạn này cũ rồi. Nhét giấy cứng vào ổ điện cảm ứng mà vẫn xài ngon trớn. Bão cát từ chiều đến giờ, quần áo không có chỗ phơi nên có mùi ẩm mốc. Tôi nhét giấy cứng vào ổ điện rồi bật điều hòa, phơi quần áo ngay chỗ phả gió, sáng mai về là khô hết.”
Ôi chao, thằng nhỏ thông minh lanh lợi chưa kìa.
Trần Đại Xuyên siết chặt tay, cảm tưởng mình lại nhảy xuống cái hố khác.
Ấn Tây cười tủm tỉm, đoạn nghiêm nét mặt: “Đang nói về kịch bản, đừng bàn mấy chuyện linh tinh.”
Quay cảnh đêm trên sa mạc dễ chịu hơn so với ban ngày, nhưng bù lại phải thức trắng cả đêm —— Điều này ít nhiều gì cũng ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần của diễn viên. May sao kinh phí đoàn phim dư dả và không cần chạy tiến độ, Ấn Tây bèn tập trung các cảnh đêm với nhau rồi cho các diễn viên nghỉ bù vào ban ngày.
Trần Đại Xuyên có cảm giác kể từ ngày đó, Lý Tùng Nhất bắt đầu chiến tranh lạnh đơn phương với anh. Mỗi ngày ngoại trừ khi quay phim, cậu chẳng nói với anh câu nào cả.
Khi vào vai, cậu vẫn là một Thu Lai sùng bái, tôn trọng và hết mực tin tưởng vị đội trưởng. Khi thoát vai, cậu lại trở về một Lý Tùng Nhất trưng ra bản mặt chằm dằm chù ụ với anh.
Em ấy không hề mang cảm xúc cá nhân vào công việc, quả nhiên là một diễn viên bẩm sinh.Trần Đại Xuyên tự hỏi, liệu mình có nên khen tặng em ấy một câu không nhỉ?
Địa điểm quay phim dời đến Nguyệt Hồ.
Nguyệt Hồ là một trong những hình ảnh quan trọng nhất trong kịch bản. Nó là viên ngọc sáng giữa sa mạc hoang tàn, là chốn bình yên của dân chăn nuôi suốt những năm liền. Nhưng sau tất cả, mọi sự sống đã bị nuốt chửng bởi ngọn lửa hừng hực khi đội tiên phong xông vào.
Đúng như tên gọi của nó —— Nguyệt, vầng trăng. Bản thân mặt trăng không phát ra ánh sáng. Độ sáng, sự tĩnh lặng và bình yên của nó đều là những ảo ảnh ngắn ngủi chẳng thể chịu nổi thử thách của thời gian. Nó trông có vẻ biệt lập với thế giới, song vẫn liên quan mật thiết đến hưng vong của một nước.
Để lấy cảnh thích hợp, Trần Đại Xuyên và Ấn Tây đã bỏ khá nhiều thời gian cho việc tìm kiếm. Họ nhìn thấy vô vàn hồ du lịch nổi tiếng, đẹp thì có đẹp nhưng lại thiếu đi khí chất kỳ ảo và thanh tao. Sau khi hỏi thăm nhiều người, cuối cùng họ tìm được một hồ nước hẻo lánh nổi tiếng với người dân địa phương. Mặt hồ trong xanh, bao quanh là đồng cỏ màu mỡ hiếm có, tạo thành một ốc đảo nhỏ giữa lòng sa mạc.
Ấn Tây và Trần Đại Xuyên đã lái xe cả quãng đường dài. Và ngay khi bước xuống, hai người liền quyết định đây là “Nguyệt Hồ” trong kịch bản.
Vì Nguyệt Hồ cách xa trung tâm nên không thể đi về trong ngày, mọi người đành dựng lều và tận dụng chiếc RV như một căn nhà di dộng cốt ở tạm vài hôm.
Nhân viên tìm vui trong cái khổ, hò reo vì khi quay phim còn được tổ chức cắm trại.
Đoàn phim khởi hành vào trưa chiều, mãi đến tối muộn mới đặt chân vào Nguyệt Hồ.
Trần Đại Xuyên vừa xuống xe đã nghe thấy Lý Tùng Nhất lẩm bẩm: “Nguyệt Hồ sao lại tròn nhỉ?”
Trần Đại Xuyên nói: “Trăng cũng có tròn có khuyết.” Đâu thể vì gọi là Nguyệt Hồ nên bắt buộc mang dáng vẻ trăng non.
Lý Tùng Nhất hừ mũi, phớt lờ anh.
Ở Nguyệt Hồ, Lý Tùng Nhất và Trần Đại Xuyên có vài cảnh phối diễn. Hầu hết đều là những lần xung đột kịch liệt, song đêm nay thì tương đối đơn giản.
Dân chăn nuôi giải cứu đội tiên phong khỏi bờ vực cái chết, ngay cả quân nhân kiên cường nhất cũng cảm thấy vui mừng khôn tả.
Đêm nay, họ được ăn no mặc ấm. Đêm nay, họ chẳng cần màn trời chiếu đất. Bởi họ đã có thể nằm trong lều của dân chăn nuôi đánh một giấc ngon lành. Nhưng truyền thống có người gác đêm vẫn phải duy trì. Với tư cách là đội trưởng đội tiên phong, Cố Nhạn Thanh và Thu Lai nghiễm nhiên đảm nhận nhiệm vụ này.
Hai người đốt lửa trại gần lều. Trên mặt đất là áo choàng lông cáo dày cộp, thậm chí họ còn có thể nằm dài rồi ngắm sao. Đây là lần đầu tiên hai người gác đêm nhẹ nhàng và thoải mái đến vậy.
Lửa trại với áo choàng lông cáo đã sẵn sàng, Lý Tùng Nhất cùng Trần Đại Xuyên khoác phục trang nằm xuống. Trước hết Ấn Tây cho người làm trống khu vực xung quanh, lấy nhiều cảnh quay trên không với ý nghĩa tượng trưng về vị thế nhỏ bé của con người trước thiên nhiên hùng vĩ. Sau đó y trải ray trượt, bắt đầu cho cảnh quay cận cảnh.
Khi trải ray trượt, Trần Đại Xuyên và Lý Tùng Nhất nằm yên tại chỗ nhằm tránh lệch bố cục màn ảnh.
Camera-man đẩy máy quay trên ray trượt để xem hiệu ứng.
“Action.” Ấn Tây xác nhận mọi thứ đã vào chỗ thông qua camera giám sát.
Cố Nhạn Thanh thảy cành cây khô vào đống lửa, tiếng phần phật vang vọng trong màn đêm tĩnh mịch.
“Thu Lai, đệ có nghĩ ông trời định sẵn cho chúng ta sống sót không?” Cố Nhạn Thanh hỏi.
Trần Đại Xuyên chờ hồi lâu vẫn chẳng nghe tiếng ai trả lời, bèn đưa mắt nhìn sang Lý Tùng Nhất.
Lý Tùng Nhất nhắm mắt, hơi thở đều đều, lồng ngực phập phồng nhịp nhàng. Hóa ra, cậu đã ngủ thiếp.
Trần Đại Xuyên thoáng sững sờ, con tim bất chợt nhoi nhói.
Khoảng thời gian này, việc đóng phim quả tình vất vả.
Ở sa mạc từ sáng sớm đến tối muộn, đôi khi cả đoàn khởi hành lúc bốn giờ sáng và trở về khi chín giờ tối. Thời tiết khô nóng, làm việc gì cũng không chịu nổi; chưa kể họ phải quay đi quay lại những cảnh phơi nắng với bộ giáp nặng trịch trên vai. Hai, ba tháng liên tiếp, mọi người âu cũng đã kiệt sức.
Các thành viên còn lại trong ê-kíp thì vẫn ổn. Khi Ấn Tây tổ chức tuyển dụng, họ ưu tiên tìm những người đã có kinh nghiệm quay phim trên sa mạc. Chỉ có điều, đây là lần đầu tiên đối với Lý Tùng Nhất. Cậu còn non kinh nghiệm, tuy ban đầu khá lúng túng nhưng sau này đã quen dần và học cách tránh gió, không để cát bay vào tai. Nhưng mệt mỏi, thì chẳng cách nào quen được.
Ngày nào Trần Đại Xuyên cũng trông thấy Lý Tùng Nhất nhắm mắt xuống lầu, mơ mơ màng màng bước vào chiếc RV; đôi khi còn ngủ quên, mặc cho chuyên viên tạo hình sửa soạn phục trang. Đến khi Ấn Tây gọi tập hợp, Lý Tùng Nhất lại lập tức mở to mắt. Cậu dùng một giây để đưa bản thân vào trạng thái tốt nhất, bước vào màn ảnh với tinh thần phấn chấn của một diễn viên chuyên nghiệp.
Tình huống ngoài ý muốn, người quay phim bèn ngẩng đầu nhìn đạo diễn. Nhưng Ấn Tây vẫn nhìn chằm chằm vào màn hình giám sát, ra hiệu đừng dừng lại.
Người quay phim hiểu ý, đẩy máy quay lấy một cảnh đặc tả cho Trần Đại Xuyên và Lý Tùng Nhất.
Cố Nhạn Thanh nhìn Thu Lai – thuộc hạ trung thành với mình và không hề thốt ra bất kỳ lời ai oán nào, đang say giấc. Một người thường ngày lạnh lùng bất cận nhân tình như hắn, lại khó tránh khỏi đau lòng vào giây phút này.
Đây, mới là một Cố Nhạn Thanh chân chính. Hắn chưa bao giờ là kẻ ích kỷ lẫn máu lạnh. Hắn son sắt một lòng đối với quân vương và Lê quốc. Đây là tình cảm trung quân ái quốc mãnh liệt nhất, thuần túy nhất đến tự đáy lòng. Một kẻ ích kỷ sẽ chẳng bao giờ dám đưa mình vào chỗ chết như hắn.
Hắn đã giết kẻ đào binh – những người từng là anh em vào sinh ra tử, từng bảo vệ hắn, từng tôn sùng hắn. Chẳng phải Cố Nhạn Thanh lạnh nhạt vô tình với họ, mà bởi hắn không còn lựa chọn nào khác. Chỉ có thủ đoạn tàn nhẫn nhất mới có thể kiềm chế bản tính sợ sệt, trốn tránh, hèn nhát trước cái chết của con người.
Họ buộc phải hoàn thành nhiệm vụ để đổi lấy cuộc đời bình yên của hàng vạn bá tánh.
Nhưng vào lúc này đây, nhìn khuôn mặt đang yên giấc của Thu Lai, Cố Nhạn Thanh thấy rõ sự tàn phá của chiến tranh đối với con người như chưa từng được thấy.
Ấn Tây không kêu dừng lại, Trần Đại Xuyên cũng hiểu y muốn làm gì. Kỹ năng diễn xuất tinh vi khiến nỗi đau trong mắt anh thể hiện với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, nào là tội lỗi, bất lực, bối rối, mê mang, bi ai… Sau tất cả những cảm xúc ấy, những gì đọng lại là một nhân vật Cố Nhạn Thanh trung trinh với quân vương, với Lê quốc và với lý tưởng của mình.
Không còn lựa chọn nào khác. Đối mặt với chiến tranh, ngoài việc tiến lên và giành chiến thắng, Cố Nhạn Thanh chưa bao giờ có quyền lựa chọn. Và, con người cũng vậy.
Đôi mắt của hắn nom như Nguyệt Hồ bên cạnh. Nhánh cây bị cháy sém rơi xuống hồ, thoắt cái mặt nước đã gợn sóng lăn tăn. Bóng lửa lắc lư, như muốn vỡ tan rồi vụt tắt. Chỉ là chẳng bao lâu, mọi thứ lại lắng dịu. Ngọn lửa vẫn rực cháy, vẫn hừng hực, vẫn nguy hiểm như nanh vuốt của loài thú dữ.
“Thu Lai à.” Cố Nhạn Thanh gọi tên y trong đêm.
Một phút sai sót, lại vô tình đắp nặn nhân vật trở nên hoàn thiện. Và nó, đã trở thành một cảnh kinh điển được người hâm mộ bàn tán say sưa về sau.
“Ừm?” Lý Tùng Nhất tỉnh giấc, thoáng ngượng ngùng. Nhác thấy camera vẫn đang quay, còn xung quanh yên tĩnh như chốn không người, cậu lập tức nhận ra đạo diễn không kêu dừng lại.
Y ngồi dậy, mỉm cười xin lỗi với Cố Nhạn Thanh.
Cố Nhạn Thanh lặp lại câu hỏi trước đó: “Đệ có nghĩ ông trời định sẵn cho ta sống sót, định sẵn chuyến đi này nhất định thành công không?”
Thu Lai huơ tay trên đống lửa nhằm sưởi ấm, đoạn nói khe khẽ: “Chính đứa bé chăn cừu kia đã cứu chúng ta.” Dáng vẻ uể oải sau khi tỉnh dậy, thoạt trông lại tựa như rệu rã vì kiệt sức. Và trong phút giây mỏi mệt ấy, y đã bộc lộ những suy nghĩ chân thành nhất.
Kỳ thực Thu Lai đã buông bỏ tất thảy. Y không còn tin vào ông trời, y chỉ tin vào sự giúp đỡ của những người trước mặt.
Kết thúc cảnh quay, Ấn Tây vỗ đùi đen đét. Kiểu linh cảm như sao băng xẹt qua thế này hiếm khi xảy ra, song một khi biết cách tận dụng thì chắc chắn là một thước phim xuất sắc.
“Hai cậu hợp rơ ghê.” Ấn Tây cười tít mắt, nói với Trần Đại Xuyên. “Tôi muốn nói câu này lâu lắm rồi. Đây là lần đầu tiên tôi thấy có diễn viên hòa hợp với nhịp điệu của cậu. Hồi đó toàn là cậu khống chế nhịp điệu và thích ứng với người khác thôi.”
Diễn xuất chưa bao giờ là việc của một người. Đây là bộ môn nghệ thuật đòi hỏi bổ sung lẫn nhau —— Bạn dẫn tôi vào cảm xúc của bạn, tôi đưa bạn tiến vào tâm trạng của tôi. Một bức tranh hài hòa nói lên câu chuyện của đôi ta, phải cần đến sự giúp đỡ từ hai phía.
Kỹ năng diễn xuất của Trần Đại Xuyên trên cả tuyệt vời. Ngoại trừ một ít diễn viên gạo cội, anh thường là người dẫn dắt và khống chế nhịp điệu trong cảnh quay, hiếm có ai thực sự “phối diễn” với anh. Nhưng Lý Tùng Nhất lại có thể bắt kịp nhịp điệu, chẳng cần Trần Đại Xuyên điều chỉnh và thích ứng với mình. Sau khi Trần Đại Xuyên dẫn Lý Tùng Nhất vào trạng thái, cậu thậm chí có thể cho anh một phản ứng bất ngờ, và đưa Trần Đại Xuyên thăng hoa hơn cả.
Đó là một trải nghiệm diễn xuất vô cùng kỳ diệu.
Trần Đại Xuyên nghe vậy, bèn thoáng nhìn Lý Tùng Nhất.
Lý Tùng Nhất hất tóc, hỏi Ấn Tây: “Tôi siêu giỏi, đúng không? Vừa trẻ vừa đẹp vừa diễn hay, sắp sửa đè bẹp ảnh đế nào đó càng ngày càng già rồi.”
Trần Đại Xuyên dở cười dở mếu.
Ấn Tây cười khan, không dại gì xen vào tình thú giữa hai người. Y đi vào trọng điểm: “Tối mai có một cảnh tương đối nặng. Thu Lai phản đối việc Cố Nhạn Thanh tàn sát dân chăn nuôi, sau đó Cố Nhạn Thanh tát vào mặt Thu Lai một cái. Tôi muốn tát thật, hai cậu có ý kiến gì không?”
Là người tát, Trần Đại Xuyên dĩ nhiên không có ý kiến.
Lý Tùng Nhất vừa tự sướng, thành ra không tiện ý kiến ý cò: “Tát thật, tát thật chứ. Mượn góc còn gì hay!”
Cố Nhạn Thanh sầm nét mặt, giọng lạnh tanh: “Đệ đang nghi ngờ mệnh lệnh của ta?”
Ánh mắt Thu Lai thoáng buồn và thất vọng, nhưng giọng điệu lại kiên định chưa từng có: “Cố đại ca, huynh nói cho ta biết đi, tại sao chúng ta phải ra trận giết địch?”
“Vì quốc gia thái bình thịnh trị, vì bá tánh an cư lạc nghiệp.”
“Vậy mấy người đó không phải bá tánh ư?” Thu Lai chỉ vào lều trại phía xa.
Cố Nhạn Thanh bình tĩnh rằng: “Bọn chúng là kẻ địch.”
“Họ cứu chúng ta! Thời điểm chúng ta rơi vào hiểm cảnh vì mấy kẻ mà mình bảo vệ bằng cả tính mạng, họ là người đã cứu chúng ta! Họ cho chúng ta cái ăn cái mặc, huynh không nhớ à? Ta không thể nào trơ mắt nhìn huynh tàn sát người vô tội bằng mấy suy nghĩ thiếu căn cứ đó!”
Cố Nhạn Thanh lắc đầu, cười khẩy: “Trong chiến tranh, chỉ có kẻ địch, không có người vô tội.”
Thu Lai bật cười: “Để bảo vệ mấy kẻ nào đó, chúng ta phải đi giết người khác. Sau đó dùng danh nghĩa chống đỡ để giảm bớt tàn nhẫn?”
Cố Nhạn Thanh nói: “Đệ đang nghĩ chúng ta đang kêu oan cho sự tàn nhẫn của mình? Không bao giờ. Chúng ta có thể làm bất cứ điều gì để bảo vệ non sông, đó gọi là hy sinh. Khi hầu hết mọi người đang sống vì nó, đệ không thể dễ dàng phán xét đó là tốt hay xấu, là tàn nhẫn hay nhân từ.”
“Quốc gia và bá tánh trong miệng huynh đang dồn chúng ta vào chỗ chết! Nhưng kẻ địch, lại cứu chúng ta!” Thu Lai gằn từng tiếng. “Ta không quan tâm lẽ phải nữa, ta chỉ biết mình không thể nhìn họ chết! Trừ phi huynh giết ta, chứ đừng hòng ta khoanh tay đứng nhìn.”
“Đệ muốn làm phản?” Cố Nhạn Thanh trầm giọng.
“Ta chỉ làm theo trái tim thôi.” Thu Lai toan rời đi.
“Trái tim kêu đệ phản bội quốc gia sao?!” Cố Nhạn Thanh tát vào mặt Thu Lai.
Lý Tùng Nhất rốt cuộc đã có đáp án cho câu hỏi: ngón tay thon dài, lòng bàn tay dày rộng khi tát vào mặt đau đến cỡ nào.
Ấn Tây dặn Lý Tùng Nhất cắn một túi máu nhỏ trong miệng, khi Trần Đại Xuyên tát vào mặt thì cắn nát nó. Kết quả là Lý Tùng Nhất chưa kịp làm gì, một cái tát trời giáng đã làm vỡ túi máu. Phải nói rằng, dòng máu chảy ra từ khóe miệng nom vô cùng sống động tự nhiên.
Vì muốn cho mỗi người một cảnh đặc tả và kết thúc bằng thước quay trung cảnh đến viễn cảnh, thành ra phân đoạn này được quay ba lần. Lý Tùng Nhất chịu ba cái tát liên tiếp, má trái đã bắt đầu tê rần.
Đội ơn trời đất các diễn viên đều kính nghiệp, không hề có NG.
Trầy da tróc vảy mới kết thúc cảnh đêm hôm nay. Lúc này đã ba giờ khuya, còn cách bình minh không xa.
Lý Tùng Nhất vừa oải vừa buồn ngủ, hai bên má còn có chút khó chịu. Cậu vội vàng tẩy trang, cởi mũ sắt và áo giáp rồi lau người trong xe RV, muốn dùng tốc độ nhanh nhất cốt vào lều đánh một giấc thật ngon.
Trần Đại Xuyên thấy Lý Tùng Nhất hấp ta hấp tấp nhưng có mục đích rõ ràng, thì biết ngay cậu chẳng để tâm đến ba cái tát vừa nãy.
Chậc, đi quay phim mà chẳng dẫn theo trợ lý. Rốt cuộc em có biết chăm sóc bản thân không hả?Trần Đại Xuyên đành ghé đội y tế lấy tuýp thuốc mỡ và viên giảm đau chống sưng, đoạn vén cửa lều của Lý Tùng Nhất.
Lý Tùng Nhất đang chuẩn bị vào giấc, vừa thấy anh đã nóng máu: “Tới kiểm tra nữa hả?”
Trần Đại Xuyên giơ tuýp thuốc mỡ trong tay: “Mặt em cần bôi thuốc, không khéo sáng mai lại sưng.”
Thực ra dấu tay bên má trái của Lý Tùng Nhất đã nổi lên, thoáng xanh thoáng tím, thoạt nhìn có vẻ rờn rợn. Trần Đại Xuyên đã cố khống chế lực tay, nhưng trong ngữ cảnh Cố Nhạn Thanh đang điên tiết thì dẫu kiềm chế tới đâu cũng chẳng có khả năng nhẹ nhàng, huống chi còn ăn ba cái tát liên tục.
Lý Tùng Nhất sờ mặt, tặng cho anh cái lườm sắc lẹm: “Tại anh chứ gì nữa.”
“Nên tôi mới ở đây.” Trần Đại Xuyên bước vào, vặn nắp thuốc ra. “Em nằm yên, tôi thoa thuốc cho em.”
Lý Tùng Nhất lầm bầm gì đấy, song vẫn nghe lời nằm im thin thít.
Trần Đại Xuyên nửa quỳ bên cạnh Lý Tùng Nhất. Anh bóp một ít thuốc lên ngón trỏ, đoạn thoa lên những vệt hằn đỏ cách cẩn thận. Lý Tùng Nhất chẳng những không đau, còn cảm nhận được chút lành lạnh của thuốc mỡ.
Trần Đại Xuyên thoa thuốc chậm rãi, bỗng nói: “Tôi xin lỗi.”
Lý Tùng Nhất biết, rằng lời xin lỗi này không phải dành cho ba cái tát vừa rồi. Đây là kịch bản, đây là diễn xuất, đây là điều không thể tránh khỏi. Anh đang xin lỗi, vì đã quở trách cậu trước mặt mọi người ở lần trước.
Lý Tùng Nhất cười thầm.
“Tha thứ cho anh đó.” Lý Tùng Nhất hất cằm, bày ra dáng vẻ bao dung độ lượng.
Trần Đại Xuyên bật cười, cảm tưởng mình đúng là cả nghĩ. Lý Tùng Nhất rõ ràng rất dễ dỗ, sao anh kéo dài đến tận bây giờ mới xin lỗi chứ?
Chẳng biết em ấy đã thầm rủa anh bao lâu.
Trần Đại Xuyên khẽ lướt ngón tay trên má Lý Tùng Nhất, thuốc mỡ đã thấm nhưng anh hãy còn nán lại thêm chốc lát. Cảm giác ấm áp lan từ đầu ngón tay đến bàn tay, rồi nhảy nhót điên cuồng trong lòng như thể đã tìm thấy cấm địa nào đó.
Trần Đại Xuyên hít sâu, bấy giờ mới biết cảm giác ấm áp đó nguy hiểm đến nhường nào. Anh thử lướt ngón trỏ đến cằm Lý Tùng Nhất, đoạn lần lượt áp các ngón khác lên. Anh nhẹ nhàng nâng mặt cậu, khiến cậu nhìn mình từ góc độ bên dưới.
Bầu không khí bỗng chốc trở nên mập mờ, nong nóng.
Và rồi anh nhận được một ánh mắt cảnh giác, hoảng sợ lẫn nghi ngờ của Lý Tùng Nhất.
Trần Đại Xuyên rút tay về như chưa từng có gì xảy ra, đoạn đưa thuốc mỡ cho cậu: “Sáng mai nhớ bôi thêm lần nữa.”
Trần Đại Xuyên bước ra khỏi lều, hướng ánh mắt về phía màn đêm đen kịt bao trùm Nguyệt Hồ, vẻ mặt bình tĩnh ban nãy thoắt cái đã ảo não không thôi.
Lý Tùng Nhất sững sờ hồi lâu, sau đó vùi khuôn mặt đỏ bừng vào chăn.
Hồi nãy Trần Đại Xuyên tính làm gì?
Anh chỉ vô tình? Ám chỉ? Hay… quấy rối tình dục?
Hết chương 62