Thanh Cung Mười Ba Triều

Chương 119



Hàm Phong hoàng đế dặn bọn thái giám sưu tra trước hết bọn cung nữ trong cung của Tử Anh rồi đến phòng các nàng phi khác ở chung quanh.

Không một vết tích gì khả nghi! Băng Hoa quả là người kỹ lưỡng, hành động bí mật.
Bọn thái giám cũng như cung nữ dưới quyền đều được nàng đối đãi quá tử tế khiến không một ai dám mở mồm ra nói một câu nguy hiểm cho nàng.

Hoàng đế thấy điều tra mãi mà không ra đành thôi.
Ngài buồn chán âm thầm mỗi khi nhớ tới Quỳnh Nhi cũng như Tử Anh, hai người đẹp lúc nào cũng tươi vui, nhí nhảnh ríu rít như đôi chim oanh hân hoan mỗi độ xuân về.

Ngài càng nhớ càng thấy tê tái, nước mắt thánh thót rơi trên đôi gò má.
Từ ngày đó, ngài chẳng thèm triệu hạnh một bà hậu, một nàng phi nào nữa.

Ngài lủi thủi một mình trong Hàm Bích Sơn phòng, chỉ có bọn cung nữ và thái giám, hầu hạ hai bên mà thôi.
Nàng phi Băng Hoa từ hôm đầu độc chết Tử Anh rồi, ngày ngày mong ngóng hoàng đế triệu hạnh, nhưng chẳng thấy thánh chỉ.

Nàng chỉ còn biết thở vắn than dài trong cô phòng tịch mịch mà thôi.
Rồi Hàm Phong hoàng đế nhớ thương đôi cánh xuân hoa của ngài quá đến nỗi nhuốm bệnh, ngày đêm mê man như bất tỉnh.
Hàm Phong hoàng đế vốn tính nóng nảy, nay nhuốm bệnh, càng nóng nảy thêm.

Bọn cung nữ hầu hạ, nhiều khi bị ngài đánh chửi hung dữ.

Trong lúc bệnh hoạn, ngài vui buồn giận tức vô thường.

Có khi ôm chầm lấy con cung nữ nào đó rồi kéo sát vào lòng, có khi xô xấp xuống giường.

Có khi gian dâm như cuồng như loạn, lại cũng có khi nắm tóc kéo xềnh xệch trên mặt đất rồi ném ra ngoài cửa.

Nhất là lúc khùng lên, giận dữ quá độ về chuyện gì, ngài tuốt cây bội đao ra chặt phắt một nhát bay đầu con cung nữ.

Bọn cung nữ thật là vô cùng cơ khổ, không biết kêu cứu vào đâu được!
Ngự y xem mạch bốc thuốc mà vẫn bệnh nào tật nấy không chút thuyên giảm.
Tin này dần dần truyền tới cung Khôn Minh khiến Hiếu Trinh hoàng hậu hay biết.


Hậu vội vã phượng giá đích thân tới vườn Viên Minh đưa hoàng đế vào cung, rồi tự tay nâng giấc hầu hạ.
Hàm Phong hoàng đế vốn kính trọng Hiếu Trinh hoàng hậu, nay thấy bà tận tuỵ săn sóc cho mình thì cảm động lắm.

Nhờ đó sức khoẻ ngài càng khá, bệnh hoạn lui dần.
Cung Thân vương Dịch Cân là em ruột Hàm Phong hoàng đế.

Hai anh em ngày thường rất quý mến nhau.

Do đó, Hiếu Trinh hoàng hậu cho người đi mời vương vào cung.
Cung Thân vương vừa gặp Hàm Phong hoàng đế, bèn khuyên:
- Hiện nay quốc gia đa sự, cần nhờ đức hoàng thượng chấn chỉnh, hoàng thượng nên bảo trọng thân thể, khôi phục tinh thần, chăm lo việc nước, trên thì bảo vệ cơ nghiệp của tổ tông, dưới thì cứu vớt trăm họ ra khỏi cảnh nạn lớn mới phải.
Hàm Phong hoàng đế nghe em khuyên một hồi, bỗng tỉnh ngộ.

Từ đó, sức khỏe ngài khá dần.

Ngài truyền dụ toạ trào.
Các quan văn võ triều đình đã lâu không có buổi chầu nào, nghe nói hoàng đế toạ trào, ai cũng đều vui mừng hoan hô vạn tuế.

Hoàng đế đã lâu không hỏi đến việc triều chánh, lúc này mới biết Nam Kinh đã thất thủ, Hàng Châu cũng mất, quân trú phòng ở các nơi đều không đánh mà lui cả.

Sau đó ngài lại tiếp được cấp báo của tổng đốc Lưỡng Quảng là Kỳ Anh nói quân Anh đánh vào thành Quảng Châu.
Hàm Phong hoàng đế nghe tin liền nói:
- Làm sao bây giờ? Làm sao bây giờ?
Văn võ bá quan trong triều miệng ngậm kín như hến, giương mắt nhìn, không nói được lời nào.

Mãi về sau, Thượng thư bộ hạ là Tiên Thuận mới quỳ tâu được mấy câu:
- Bọn Kỳ nhân chúng tôi đều hèn nhát chẳng ra gì, chỉ biết ngồi ăn bổng lộc triều đình nào có biết chiến trận.

Xin bệ hạ truyền chỉ xuống cho Tịch thị lang Tăng Quốc Phiên đem quân hương đoàn ra trợ chiến mới mong chiến thắng.
Một đạo chỉ dụ hạ xuống.

Cả bọn quan võ người Mãn đều thấy mất mặt, chỉ còn có cách độn thổ.
Ít hôm sau, tướng Hướng Vĩnh đem đại binh từ Hồ Bắc đánh thốc xuống, dồn quân tại Hiếu Lăng Vệ, gọi là Giang Nam đại doanh.

Mặt khác, Hương Kỳ Thiện cũng đem quân bản bộ đánh từ Trực Lệ, Thiểm Tây, Hắc Long Giang thẳng xuống Dương Châu, xưng là Giang Bắc đại doanh.

Hai lộ quân này bắt đầu đại chiến với quân Thái Bình Thiên Quốc.
Đông vương Dương Tú Thanh của Thái Bình Thiên Quốc thống lĩnh thần binh nghênh chiến.

Thế nào gọi là thần binh?
Đó là một đội quân ở phía trước có một số con trai độ mười hai, mười ba tuổi, mặc áo ngũ sắc, trang điểm như thiên thân cột trên ngọn cây tre, một tay phóng lửa khói còn một tay múa tít đao thương, khiến trận tiền mù mịt khói lửa, gọi là Thiên ma trận.

Phía sau Thiên ma trận, còn có một đội nữ binh, trang điểm hết sức cầu kỳ, có một cô gái người Quảng Đông tên gọi Tiêu Tam nương điều khiển.
Nữ tướng Tiêu Tam nương đầu đội mũ dắt ngọc châu, cặp tóc bằng ngọc báu, đi giày man hoá, mặc quần đỏ.

Nàng quả thật là đẹp.

Nàng xông ra trận tuyến, dùng mũi kiếm vẫy một cái, tức thì quân sĩ liều mạng xông lên.
Tướng Mãn Thanh là Kỳ Thiện cung xua quân liều chết xông lên.

Thiện nhớ tới chữ "hèn nhát" có ý muốn rửa nhục, nên chỉ huy trận chiến vô cùng hăng hái… Thiện đánh liền năm trận, thắng luôn năm trận.
Hồng Thiên hoàng thấy quân Thanh quá mạnh, liền bỏ dùng sức để dùng trí.

Hồng cho quân lên tới Hiếu Lăng Vệ, châm một mồi lửa đốt thiêu sạch Giang Nam đại đoàn, khiến quân Thanh chạy mảnh giáp không còn.
Liền đó tướng Lâm Phượng Tường đem quân Thái Bình xông ra, Giang Bắc đại doanh nghe tin Giang Nam đại doanh đã bị đại bại, hoảng hồn bạt vía, tức thì ồ ạt chạy như nước vỡ bờ.
Tướng Kỳ Thiện trong đám loạn quân, chẳng biết chạy ngả nào, vừa tức vừa giận vừa xấu hổ, bèn tuốt cây bội đao tự vẫn chết ngay trên lưng ngựa.
Quan Thái Bình Thiên Quốc tiến như sóng cồn.

Lâm Phượng Tường liền quay mũi dùi chuyển xuống đánh Giang Bắc.

Dương Tú Thanh cũng mang hai vạn quân đánh thẳng tới Hà Nam, Quý Đức, Phượng Tường lại bắt được một số tàn quân, vượt qua Hoàng Hà đánh tỉnh Sơn Tây.
Tin cấp báo bay như bươm bướm về kinh.

Hàm Phong hoàng đế lập tức triệu tập bọn đại thần các bộ tại ngự tiền hội nghị.

Ngài hạ chỉ phái tổng đốc Trực Lệ là Nỗ Nhĩ Kinh làm khâm sai đại thần chuyên biện quân vụ tỉnh Hà Nam, một mặt thúc giục Tăng Quốc, chiêu mộ bọn hương dũng đi tiễu giặc ở Hồ Bắc.
Tăng Quốc Phiên và Trương Lượng Cơ lập ra thuỷ trận tại sông Trường Giang, chặn đứng được quân của Thái Bình Thiên Quốc.
Hàm Phong hoàng đế sau khi nghe lời khuyên can của Cung Thân vương, đem lòng yêu quý vương.

Điều đáng chú ý là ngài trước đây, do hiếu sắc quá độ cho nên thân thể đã suy.

Quân vụ hồi này lại quá nhiều, quá gấp, ngài chẳng còn đủ sức khỏe để giải quyết mọi việc.

Cho nên, việc quân cơ đại sự ngài đều giao cho Cung Thân vương toàn quyền.

Ngài sợ vương ra ngoài vất vả, bèn giữ lại trong cung, ngủ luôn trong đó.

Vương ở trong cung đến hơn mười ngày.
Không ngờ lúc đó, người con trai của vương ở nhà, gây ra một án tình rắc rối.
Con trai cả của Cung Thân vương tên gọi là Trưng bối lặc.

Ông bối lặc này tứ đổ tướng đều giỏi hết, chuyên tụ tập với bọn ma cô, du đãng, tối ngày hết gái đến cờ bạc, hết đá gà đến đua ngựa, không ngón chơi nào là không rành.
Trưng bối lặc quá quen về món gái làng chơi, nên bọn mụ dầu hoặc em út khắp kinh thành Bắc Kinh, ai cũng biết danh.
Người ta gọi Trưng là đại gia.

Trưng đại gia có tính rất kỳ cục.

Nhà thiếu gì tiền, nhưng Trưng lại không muốn chơi theo lối quang minh chính đại bằng cách bỏ tiền ra hỏi cưới mấy nàng hầu.

Trưng bối lặc lang thang suốt năm ngoài chợ, ngoài xóm chơi bời phóng đãng, theo kiểu lêu lổng, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể.

Trong nhà Trưng chỉ có mỗi một bà phúc tấn, chẳng có vợ hai, vợ ba nào cả.

Bà bối lặc tính lại không hợp với chồng, suốt năm suốt tháng ở lỳ bên nhà cha mẹ, không thèm về phủ.
Trưng bối lặc lang thang đây đó chơi bời, rút cuộc bị lậu, có lẽ cả giang mai nữa.

Cung Thân vương biết chuyện, liền bắt nhốt kỹ trong phủ, cho đi mời thầy thuốc tới chữa.

Trưng bối lặc bị nhốt luôn đến nửa năm, bệnh lúc đó mới hết.

Cung Thân vương thả ra, Trưng bối lặc, tính nào tật ấy, lại chuồn ra ngoài chơi bời phóng đãng như cũ.
Hồi đó, vào giữa tháng sáu, trời nóng bức hết sức khó chịu, trai thanh gái lịch thành Bắc Kinh đều tới bể Thập Phân để hóng mát.

Bể Thập Phân này rất rộng, bốn mặt đều có hồ sen, hoa nở nào trắng, nào hồng, thơm ngát cả một vùng rộng rãi vây quanh.

Dọc bờ bể có rất nhiều phòng trà, quán nước, có bọn chị em tiếp khách, đánh trống ngâm thơ.

Du khách tới đây, có người thích ngắm hoa, có người lại thích nghe ngâm thơ, cũng có người thích uống trà hóng mát.

Rồi lại cũng có cả những chỗ mà bọn trai gái mặc sức nô đùa, cười cợt tình tứ, diễn đủ trò đồi phong bại tục.
Một hôm, Trưng bối lặc đem bọn đàn em tới một phòng trà uống chơi.

Ông nhìn qua bên hàng hiên, thấy một thiếu phụ mặc đồ Kỳ trang (quần áo theo kiểu người Mãn Châu) ngồi đó từ lúc nào, cũng đang uống trà.

Người thiếu phụ ngồi có một mình, mặt mũi xinh đẹp, mi thanh mắt tú, dạ trắng như trứng gà bóc, môi điểm chút son hồng, mình mặc chiếc áo lụa trắng mỏng, lộ rõ thân hình nhỏ nhắn với bộ ngực nở đầy.

Cặp mắt đen lay láy liếc về phía Trưng làm cho Trưng đại gia hồn vía lên mây.
Người đẹp trước mắt như miếng mồi ngon, Trưng đại gia làm sao mà bỏ qua cho đặng, phóng luôn mấy cái liếc đưa tình.

Người đẹp đã không giận mà lại còn mỉm cười, nhìn đáp lại Trưng đại gia sướng điên lên, tim như muốn phá vỡ cả lồng ngực mà chui ra.
Giữa lúc đó, có một thằng bé lưng đeo sọt bắp sen, ngó sen, miệng rao bán inh ỏi.

Người thiếu phụ giơ tay ngoắc lại hỏi mua.

Thấy vậy, Trưng đại gia liền bảo một tên gia nhân bước sang trả tiền thay cho người đẹp và bảo:
- Bắp sen này, đại gia đã mua rồi, xin biếu cô nương.

Đại gia tôi có lòng quý mến, muốn nói vài câu chuyện với cô nương, chẳng biết cô nương có vui lòng cho phép hay không?
Người thiếu phụ nhoẻn miệng cười tình, mắng yêu:

- Đại gia ngươi quý mến ai thì mặc xác hắn! Ai thừa hơi mà trò chuyện với đại gia ngươi?
Người thiếu phụ vừa nói, vừa bóc bắp sen ăn.

Trưng đại gia cởi chuỗi ngọc đang đeo đưa sang tặng nàng, có ý thực lòng.
Người thiếu phụ thấy vậy bèn nói:
- Gia đình ta người đông, tai mắt nhiều lắm.

Cùng trò chuyện với đại gia thật bất tiện.

Bảo đại gia ngươi tìm một nơi thanh tịnh vắng vẻ mà gặp nhau thì hơn.
Trưng đại gia nghe câu nói đó, lòng sung sướng, liền đứng dậy, sai gia nhân đưa người đẹp ra bãi bể Thập Phân, rồi vào trong một tửu quán tên là quán Tràng Xuân.

Trưng đại gia thường uống rượu ở đây.

Điếm tiểu nhị biết ông là một vị bối lặc, hôm nay lại có thêm một người đàn bà, vội đưa vào ngay mật thất.

Hai người lập tức lên giường.
Người thiếu phụ thực quả thuộc hạng phong lưu tình tứ.

Rượu ngà ngà say rồi, nàng càng đẹp, càng duyên dáng, khiến Trưng đại gia lòng càng yêu quý hơn.

Ông nhìn ngắm nàng như ngây như dại.

Người thiếu phụ bật cười nói:
- Nhìn cái gì mãi vậy? Ngủ với nhau cả một đêm mà vẫn chưa nhận ra ta là cô ruột của ngươi ư?
Trưng bối lặc nghe nói giật mình đánh thót một cái, vừa lạ vừa nghi hoặc.

Ông để ý hơn, quả cũng thấy mặt quen quen, hình như có gặp ở chỗ nào.

Ông nghĩ mãi không hiểu tại sao nàng lại bảo là cô ruột mình.

Ông cật vấn, nhưng nàng chỉ che miệng cười, không chịu nói.
Trưng bối lặc không nản, càng hỏi dồn.

Lúc đó nàng mới bảo:
- Trước hết ngươi hãy quỳ xuống làm lễ bái kiến đi đã, rồi ta hãy nói chuyện thân quyến.
Trưng đại gia đã bị tửu sắc làm cho mê loạn, nhất nhất theo lệnh người đẹp.

Nàng đỡ Trưng dậy, bảo:
- Tội nghiệp thằng cháu của tôi! Để ta nói hết cho mà nghe.

Ngươi có còn nhớ năm ngươi cướp vợ không? Năm đó ta có tới phủ người dự tiệc cưới, ngươi cứ gọi ta là bà cô Tiểu Lan đó mà.
Trưng bối lặc đến lúc này mới sực nhớ ra, bèn nói:
- Chồng cô có phải là Lan đại gia không?
Người thiếu phụ gật đầu đáp lại, Trưng đại gia liền vỗ tay đánh đét một cái rồi bảo:
- Chuyện này hỏng bét.

Bà chính là cô ruột của tôi rồi.

Mới năm năm xa cách mà nhớ mãi mà không ra.

Hôm qua gặp mặt tại sao cô không cho biết?.


Bình Luận (0)
Comment