Thanh Cung Mười Ba Triều

Chương 154



Đáng lý ra Tôn là cha của đương kim hoàng đế thì không được vào quân cơ.

Đó là theo quy pháp của tổ tiên Thanh triều.

Nhưng đưa Tôn vào quân cơ, là có dụng ý của Tây thái hậu.

Để làm việc đó, Tây thái hậu hạ một đạo thýợng dụ nói nơi quân cơ có nhiều việc rất khẩn yếu, cần có Thuần thân vương Dịch Tôn mới giải quyết được.

Khi nào hoàng đế trưởng thành, đích thân tham chính, lúc đó sẽ có ý chỉ mới.
Ông Đồng Hoà thấy đạo thượng dụ, cho thế không thể được, liền bảo Tả thứ sử là Thịnh Dục tâu lên quyết liệt tranh đấu.
Thấy Dục cả gan như vậy, bọn Tả thứ sử Tích Quân và Ngự sử Triệu Nhĩ Tốn cũng vội dâng thư lên khuyên can, nói Thuần Thân Vương không nên tham dự vào việc quân cơ.
Từ Hi thái hậu đâu có chịu thua.

Bà xuống ngay một đạo dụ mới chỉ vỏn vẹn có bốn chữ: "Ưng vô dung nghị" (chớ có bàn bậy).

Bọn đại thần xem xong đành khoanh tay, câm miệng hến, không biết cách nào hơn.
Quang Tự hoàng đế vốn không hợp tính Thuần thân vương.

Cha thực của hoàng đế là Dịch Hoàn kia chứ đâu phải Dịch Tôn.

Khổ cái là Dịch Hoàn lại bất hoà với Tây thái hậu.

Câu chuyện lẹo tẹo giữa bốn người là như vậy.
Khi Quang Tự hoàng đế vào cung, bà phúc tấn, vợ Dịch Hoàn, rất không bằng lòng.

Hai bà kể là chị em dâu với nhau.
Bà Phúc tấn này biết tính Tây thái hậu điêu xảo gian quyệt ra sao, cho nên biết rằng con mình nếu để cho Tây thái hậu nuôi dưỡng thì sẽ khổ sở suốt đời.

Bởi thế, khi vua Quang Tự bước chân ra khỏi nhà, bà phúc tấn khóc lóc thảm thiết, bảo với mọi người là Tây thái hậu đã giết con bà rồi.

Không ngờ lời nói này lại lọt vào tai Tây thái hậu.

Từ đó Tây thái hậu ra mặt ghét vợ chồng Dịch Hoàn, và cũng vì vậy nên bà chẳng ưa gì Quang Tự hoàng đế.
Lần này Tây thái hậu lập Quang Tự làm hoàng đế lả có ý trả ơn Dịch Hoàn: đó là thâm tâm của Tây thái hậu.

Nhưng ơn gì vậy?
Nguyên lai khi Văn Tông hoàng đế còn sống, đối với Dịch Hoàn rất thân thiết.

Anh em hai người thường gặp mặt nhau ở trong cung Văn Tông, có tâm sự gì là thường hay cho Hoàn biết.

Việc quan trọng nhất hồi đó là Văn Tông thấy Tây thái hậu tỏ ra một người đàn bà lăng loàn quá sá, không biết an phận mình nên đã có ý phế bỏ địa vị phi tử để tránh chuyện ỷ thế cậy quyền sau này, và thường đem ý này ra bàn với Hoàn.

Nhưng Hoàn khuyên can năm ba lần, mong bảo toàn danh vị cho Tây thái hậu.

Ấy cũng vì chuyện đó mà Tây thái hậu cảm kích lắm, coi như một cái ơn, nên đưa con trai của Hoàn lên làm vua.
Y tốt của Tây thái hậu buổi đầu là vậy, nhưng không ngờ hai vợ chổng Dịch Hoàn lại không thích thế, thường hay phao lời nói xấu Tây thái hậu.

Mặt khác, Quang Tự hoàng đế lại hay chống đối Tây thái hậu.


Ngay từ hồi nhỏ hai bên đã có chỗ không hợp tính rồi.

Thấy thế, Tây thái hậu lại cho rằng vợ chồng Hoàn ngầm dặn con mình như thế, nên càng đề phòng gắt gao hơn.

Bà truyền dụ cho cung môn cấm không được cho phép vợ chồng Dịch Hoàn gặp mặt hoàng đế, chỉ trừ trường hợp có đặc chiếu.
Lại cũng vì cái lệnh khắt khe này, vợ chồng Hoàn càng thâm thù Tây thái hậu.

Nhiều lúc nhớ con, hai vợ chồng Hoàn chỉ còn biết ôm nhau khóc ròng mà thôi.
Hồi đó, Quang Tự hoàng đế đã định việc hôn nhân, chọn xong hoàng hậu.

Bà hoàng hậu đó là con gái Quế Tường và cũng chính là cháu gái của Tây thái hậu.

Tính tình của bà hậu này chẳng khác tính nết Tây thái hậu bao nhiêu.

Trớ trêu thay là Quang Tự hoàng đế lại không ưa bà hoàng hậu này, ngài chỉ yêu có một cô tên gọi Cẩn Phi.

Cẩn Phi người đã đẹp, tính nết lại thuận hảo, nhu hoà.

Quang Tự hoàng đế đã có ý lập người đẹp này làm hoàng hậu, nhưng Tây thái hậu quyết không chịu.

Vì thế, cái hố mâu thuẫn giữa hoàng đế và Thái hậu lại còn sâu thêm một tầng nữa.
Bọn cung nhân thái giám, bọn bầy tôi trong ngoài thấy Tây thái hậu không ưa hoàng đế và hai vợ chồng Dịch Hoàn, bèn đặt ra không biết bao điều vu khống đồn đại khắp nơi.
Chúng dựng lên một chuyện động trời.

Chúng phao tin ở bên ngoài Tây Vực môn kinh thành, trong Bạch Vân quán, có một vị đạo sĩ tên gọi Động Nguyên.

Nguyên có tài lạ là nhìn được rất xa.

Đêm nào cũng vậy, Nguyên đứng giữa sân nhìn ra xa, đều thấy trên nóc phủ của Dịch Hoàn luôn luôn có một đám mây phủ kín, trong đám mây có một con rồng vàng lúc ẩn lúc hiện, bay múa trong không gian.

Như thể e rằng Dịch Hoàn sẽ là chân mạng Thiên tử, không đề phòng không được.
Tây thái hậu nghe chuyện này, đã không cho là phỉ lý, lại còn lấy làm tin lắm.

Thế là bà cho Lý Liên Anh truyền gọi tên đạo sĩ Động Nguyên vào cung, đích thân dò hỏi.
Nguyên liền đáp:
- Phải! Trên nóc nhà có mây phủ, đó đúng là triệu chứng của chân mạng đế vương.

Nay Hoàng thái hậu hỏi tới kẻ tiểu đạo xin tới vương phủ xem xét kỹ rồi phúc chỉ sau.
Tày thái hậu chuẩn tấu, bèn phái thêm mấy tên tiểu thái giám nữa, ăn mặc giả làm người thường, đến trước cổng nhà Dịch Hoàn xem xét.
Động Nguyên đạo sĩ gật đầu luôn mấy cái, trong lòng đã có điều minh bạch, vội chạy về kinh tâu lên Thái hậu:
- Trong vưởng phủ có một cây bách già, Văn khí do đỉnh đôi cây cổ thụ đó bốc lên.

Nay chỉ cần chặt cây bách đó là phá được đất nhà nọ, có thế mới hết lo ngại.
Tây thái hậu nghe đoạn, truyền thưởng cho Nguyên một số tiền rồi cho về.

Sau đó, bà cho bày giá, ngồi trên chiếc xe nhẹ, giảm bớt bọn tuỳ tùng, tức tốc ra khỏi cung, lẳng lặng kéo vào trong phủ đệ của Dịch Hoàn khiến hai vợ chồng Hoàn hoảng hồn bạt vía, vội vàng hè nhau chạy ra nghênh tiếp thánh giá.
Tây thái hậu thấy bộ mặt hớt hải của vợ chồng Hoàn, cười lên hô hố, cầm lấy tay vợ Hoàn nói:
- Bọn mình chị em với nhau, khách khí mà làm gì! Ở trong cung buồn như chấu cắn, tôi tính ra thàm hoa viên nhà muội muội một lát để thưởng thức cái cảnh u nhã nơi đây đó!
Nghe vậy, Dịch Hoàn vội sai người bày tiệc ngay trong vườn hoa để thết đãi.

Tây thái hậu vừa uống vừa xem hoa.
Cây bách già mọc ngay giữa vườn hoa, cành lá xum xuê, che kín cả mặt đất, ngọn thì thẳng vút mãi tận mây xanh.

Thái hậu nhìn cây bách, miệng tấm tắc khen lấy khen để:
- Trời! Cây bách cao lớn quá nhỉ! Tôi hiện đang xây cất Di Hoà viện, thiếu hẳn mất loại cây gỗ lớn này, thật đáng tiếc?
Dịch Hoàn đứng bên cạnh, tưởng lời nói đó là thật, vội tâu:
- Nếu vậy, thần nguyện xin dâng cây cổ thụ đó lên Lão Phật gia.
Lời nói trúng ý thái hậu, bởi vậy, đợi khi tiệc dùng xong, bà liền cho lệnh bọn thợ mộc trong phủ nhất tề cưa búa chặt ngay.

Chẳng bao lâu, cây bách già đã sáu bảy trăm năm đổ xuống cái rầm, nằm sóng sượt trên hoa viện dài đến mấy chục trượng.
Nhưng Tây thái hậu không ngờ khi cây vừa đổ xuống đánh rầm một cái thì bỗng từ trong cây lao vọt ra một đàn rắn to bằng bắp vế đến mấy chục con, mắt đỏ ngầu, vẩy vàng hườm như vàng y, xông bừa ra tứ phía, trông thật khủng khiếp.

Một con rắn bự nhất từ trong đàn xông thẳng tới chỗ Thái hậu nhe nanh, cất cao cổ, tính nuốt chửng bà.
Tây thái hậu giật bắn mình, hồn vía lên tận mây xanh, rú lên một tiếng, té ngửa ra sau ghế.

Dịch Hoàn cùng Lý Liên Anh, hai người đều đứng cạnh thấy Thái hậu đã ngất xỉu, vội vàng tìm cách đối phó với con rắn.

Lý Liên Anh nhảy vội tới ôm lấy Thái hậu, cố ý lấy thân che cho bà tránh con độc xà.

Còn Dịch Hoàn lúc này liều mạng với con rắn.

Hoàn tay không xông vào, múa tít song quyền, cứ nhè đầu con rắn đấm lia lịa.

Vô phúc cho con rắn, trúng một đấm của Hoàn, vật xuống đất, không cất cao được đầu lên như trước nữa.
Đau quá hoá khùng, nó quật ngược cái đuôi lên, quấn ngang bụng Hoàn đến mấy vòng như cái vành rổ.

Rắn càng quấn càng chặt.

Rắn càng xiết Hoàn càng thấy như tắc thở, Hoàn thở hắt ra ằng ặc… May thay lúc đó, bọn thợ mộc đã dừng tay, nghe la, chạy tới.

Thế là cả bọn nhất tề xông vào chia tay nhau ốp con rắn, gỡ tháo vòng xiết cho Hoàn.

Mấy phút sau, Hoàn đã thoát vòng xiết của rắn, nhưng lòng bàn chân đã bị rắn đớp cho đến mấy miếng, chất độc đã đủ thì giờ để ngấm vào máu.

Hoàn trúng độc, cơ hồ té xỉu.
Lúc này Thái hậu đã được đưa vào trong hoa sảnh.

Gia nhân vội đưa Hoàn vào trong sảnh.

Mớ choàng mắt Hoàn thấy bóng Thái hậu rung rinh phía trước; nghĩ đến tội mình.

Hoàn vội bò mọp xuống đất; dập đầu lia lịa, nói:
- Nô tài tội đáng muôn thác.

Để Lão Phật gia phải một phen kinh hoảng, thật là tội của nô tài!
Lúc này, Tây thái hậu đã tỉnh lại, hoàn hồn rồi.

Cả một bọn thái giám chạy tung lên như chiếc đèn kéo quân bên cạnh.


Anh thì bóp vế, anh thì đấm lưng, anh thì mang nước sâm, anh thì đem bàn đèn, dọc tẩu, hộp thuốc phiện đến cho bà.
Bọn thái giám tung tăng như vậy một hồi lâu, khi khói thơm toả khắp căn phòng thơm phức, Thái hậu mới mở được miệng ra lệnh hồi cung.
Dịch Hoàn lại một phen quỳ mọp trước thềm, đưa tiễn thái hậu ra khỏi cổng phủ.

Đợi Thái hậu và đoàn tuỳ tùng ới xa rồi, Hoàn mới lóp ngóp bò dậy, lắc lư bước vào nhà, cho gọi gấp anh thầy lang châm cửu vào phủ châm mấy mũi kim vào đùi, uống luôn một hơi chén thuốc giải độc.
Suốt đêm đó, chất độc hoành hành.

Hoàn đau đớn nhức nhối, nhưng rồi ngày hôm sau cũng bớt đau dần, chỉ còn có đầu choáng mắt hoa, tim đập thình thình, tinh thần xem ra hết sức mệt mỏi.
Buổi trưa, đang chờ thang thuốc thứ nhì, bỗng Hoàn thấy Tây thái hậu sai Tiêu ngự y tới phủ chẩn mạch cho.

Hoàn vội bày hương án tạ ơn.

Chẩn mạch xong, viên ngự y không khai phương, chỉ lấy trong đẫy ra một ít thuốc cho Hoàn uống.
Thế rồi từ đó, viên ngự y tới nhà Hoàn ngày một, chẩn mạch cho Hoàn rồi lại cho uống thuốc chế sẵn, xong ra đi.
Nhưng có điều lạ là từ ngày uống thuốc của viên ngự y thì bệnh Hoàn càng ngày càng nặng thêm…
Trong phủ của Hoàn, tuy có nuôi mấy viên nội ngoại y sư đấy nhưng thấy ngự y tới săn sóc, còn ai dám cho đơn bốc thuốc nữa đâu.
Một hôm Tổng đốc Trực Lệ là Lý Thiếu Thuyên đích thân tới phủ thăm Hoàn.

Hoàn thấy mặt Thuyên bỗng ứa nước mắt nói:
- Xem ra bệnh tôi không thể khỏi nổi rồi! Tôi chỉ còn có mỗi "một khối thịt" lưu lại trong cung, khối thịt ấy hiện là hoàng đế của mọi người đó.

Tôi chết đi lòng thực không thể yên được.

Chỉ mong sao ngài Tổng đốc để ý giùm hoàng thượng nhiều cho.
Nói đoạn Hoàn quay hẳn về phía Thuyên, vòng tay xá một cái thật dài.

Thuyên vội vàng hồi tế và nói:
- Vương gia yên tâm.

Đạo thần tử, há lại dám bất trung với hoàng thượng? Song, xem ra bệnh tình của Vương gia không có gì gọi là nguy hiểm đâu?
Hai mắt Hoàn lúc đó nhìn không còn rõ nữa.

Hoàn thì thào nói:
- Tôi mong được gặp hoàng thượng một lần lắm!
Lý Thiếu Thuyên nghe đoạn, đoán biết Hoàn ý muốn gặp con lắm.

Bởi thế sáng sớm ngày mai Thuyên vào triều tâu lên:
- Dịch Hoàn bệnh nguy, có ý muốn gặp đức Kim thượng một lần chót.

Đức Kim thượng tính thời chí hiếu, mà thân phụ bệnh tình lại như thế, ý hẳn trong lòng cũng khắc khoải nhớ nhung lo lắng.

Vậy mong cầu Hoàng thái hậu nghĩ tình cha con mà cho gặp mặt nhau một lần.
Từ Hi thái hậu xem tờ sớ xong lập tức đem vua Quang Tự cùng tới vương phủ thăm bệnh tình của Hoàn.

Hai người vừa tới nơi, giữa lúc Hoàn thần trí lơ mơ mê mẩn.

Nhưng vừa được thấy mặt Quang Tự, Hoàn bỗng tỉnh táo lại ngay, vội tụt xuống chân giường bò mọp xuống đất dập đầu kiến giá.

Quang Tự hoàng đế tuy tuổi còn nhỏ nhưng phụ tử tình thâm, khi thấy cha bịnh hoạn ốm o gầy còm, bỗng rưng rưng giọt lệ.

Sau cuộc viếng thăm, trở về cung Quang Tự hoàng đế còn cho nội giám đem mười cân nhâm sâm, một ngàn lạng vàng về gửi cho cha già bịnh hoạn.
Hồi đó, trong nha môn viên tổng đốc có một vị Thư Khải gia rất rành nghề thuốc.

Người nhà tổng đốc nếu có ai đau ốm, đều một tay lão sư gia này trông coi thuốc thang cho cả.
Bởi vậy, Lý tổng đốc liền đưa vị sư gia này tới vương phủ để mong giúp một tay thang trị liệu.

Nhưng cái khổ là, theo luật lệ trong cung hồi đó, nếu đã có ngự y chữa trị rồi thì thôi, các y sư khác dù có thần thông quảng đại tới đâu ba đầu sáu tay ghê gớm đến chừng nào đi nữa, cũng phải lo tỵ hiềm mà tránh ngay, ai bảo cũng chẳng dám chẩn bệnh bốc thuốc.
Vị Thư Khải sư gia ở trong vương phủ mấy hôm, chẳng có việc gì làm cả, chỉ thấy Thuần thân vương Dịch Hoàn mạnh mẽ vạm vỡ như thế mà uống riết thuốc của viên ngự y, bỗng quay ra chết.
Quang Tự hoàng đế ở trong cung được tin cha chết, oà lên khóc lóc thảm thiết.

Từ Hi thái hậu bèn sai Lý Liên Anh truyền dụ, khuyên hoàng đế bớt buồn, bảo trọng thân thể.

Bà căn dặn thêm cả Long Du hoàng thân tuỳ lúc an ủi khuyên can ngài.

Mặt khác, bà hạ dụ phủ tuất, phát của kho ra một vạn lạng để làm đám cho vương gia.
Từ khi Dịch Hoàn chết rồi, Từ Hi thái hậu trong lòng mới được yên, khỏi phải lo ngại điều gì.

Và cũng từ đó, bà đâm ra tín nhiệm tên đạo sĩ Động Nguyên quá đỗi.

Bà đích thân hạ dụ phong cho Động Nguyên đạo sĩ làm Tổng đạo giáo ty, song hành với Chính Át chân nhân núi Long Hố tỉnh Giang Tây.

Bà lại còn bỏ ra một vạng lạng để giúp Nguyên trùng tu Bạch Vân quán.
Bạch Vân quán xây cất tại phía ngoài cửa Tây trực môn thành Bắc Kinh, vốn là một ngôi miếu cũ kỹ, vắng vẻ quạnh hiu.

Biển quán treo ngoài cửa đã rơi rụng từ thuở nào.

Các pho tượng tiên phật bên trong cũng đã đổ ngã xiêu vẹo gần hết.
Nhưng từ khi Tây thái hậu cho tiền sửa lại, Động Nguyên đạo sĩ đem hết tâm lực vào việc trùng tu.

Nguyên nhận lệnh của thái hậu phát tiền kho ra sửa miếu, bèn mở một cuộc lạc quyên trong số các vương gia đại thần.

Thế là từ các quan lớn Tổng đốc, Tuần phủ, xuống tới bọn tiểu lại trong các phủ huyện, anh nào anh nấy cũng phải lo một số tiền hiếu kính, để mong được y nói tết cho mình trước thái hậu.

Chi cần có một lần đó thôi mà Động Nguyên đạo sĩ đã quyên được tới sáu, bảy mươi vạn lạng bạc.

Nguyên tức tốc cho khởi công, nào đắp nền cắt gỗ, xây cất lại ngôi miếu ngay trên nền cũ.
Ngôi miếu cũ nhỏ hẹp, chỉ vỏn vẹn có hai sào vườn, nhưng nay đã có số tiền lớn trong tay, Nguyên bèn bỏ ra một số lớn mua thêm luôn một lúc đến bốn, năm trăm mẫu ở chung quanh, gồm cả nhà cửa ao chuôm của dân chúng nghèo địa phương.

Nguyên tự đặt giá đất, chỉ chi tiền có vài ba chục quan một mẫu.

Lân bang xóm giềng đều sợ Nguyên, ai cũng phải bấm bụng bán vội cho y.

Nguyên mua được đất rồi, cho người phá hết những nếp nhà cũ, vẽ cả một hoạ đồ xây cất mới đồ sộ vĩ đại kinh khủng.

Ngoài mặt tiền, điện gác cao ngất, rộng rãi thênh thang.

Bên trong, đình đài quanh co, hết dọc đến ngang, nào ao, nào hồ, nào cây, nào hoa, xen kẽ xếp đặt rất là ngăn nắp xum xuê.


Đứng bên ngoài nhìn vào ai cũng phải tấm tắc khen ngợi miếu đình quả có nguy nga đồ sộ, rộng lớn thiệt.
Đến ngày hoàn thành miếu, Động Nguyên đạo sĩ vào cung để cung thỉnh hoàng thái hậu giáng lâm, thay đức Bồ Tát khải quang khánh thành.

Tây thái hậu vốn là người tín ngưỡng Phật giáo, nghe Động Nguyên đạo sĩ cung thỉnh lấy làm khoái thích, hãnh diện lắm.

Bà liền hạ dụ chọn ngày rằm tháng giêng thánh giá thân lâm Bạch Vân quán để hành hương.
Tờ chỉ dụ vừa xuống, bọn văn võ đại thần nào còn thiếu tên phải một phen bực tức không biết đường nào mà lần nữa.

Thì ra chỉ tại trong tờ chỉ dụ của Tây thái hậu có chỗ nói là tất cả gia quyến bọn vương công đại thần đều phải theo giá tới miếu để cùng đi hành hương.
Gia quyến của bọn vương công đại thần bình nhật thường cấm cung ở nhà, hoạ hiếm lắm mới ra ngoài, nay gặp ý chỉ này đều phải sắm sửa gấp rút lên đường: thử hỏi kẻ nào dám chống, dám trái lại lệnh thái hậu, lại phải sắm sửa nào quần nào áo, nào phấn nào sáp, đủ thứ ăn chơi cho các bà vợ yêu chiều, các tiểu thư lả lướt hay mè nheo nữa chứ? Thực thế, hai tiếng "ăn mặc" lúc này đối với họ, nghe nó khủng khiếp quá! Các bà phúc tấn tóc đã hoa râm rồi, kể ra cách đối phó còn dễ, chứ mấy bà dì (thái thái) xồn xồn, mấy cô nương cách cách mới toanh, mấy trang tiểu thơ nước da trắng như trứng gà bóc thì quả là một việc mệt mỏi quá khi phải thoả mãn mọi đòi hỏi!
Mấy khi được tòng giá cạnh Hoàng thái hậu? Mấy khi được đủ thứ mắt, nào mắt xanh, mắt trắng đổ dồn về mình? Đúng là cơ hội ngàn năm có một! Các cô, các dì trẻ măng và các tiểu thư, các cách cách tươi như hoa, ai chả có chút hiếu thắng muốn hơn người, ít ra là hơn cái quần cái áo, nhất là lúc này? Nhưng than ôi! Chính cái hiếu thắng ấy đã làm cho các vương công đại thần điên cả đầu lên, đau nhói cả tim đó!
Quan đại thần ta ngồi đó, các cô tiểu thư, cô thì cha may cho con bộ áo gấm năm màu, cô thì mẹ mua cho hộp sáp của Tây phương.

Vương gia tuy nằm đó nhưng hồn còn để mãi tận đâu đâu.

Mua đâu được cho dì hai nó cái quần hạng tuyết phẩm ấy nhỉ? Sắm đâu được cho cái con cách cách khó tính ấy cái chuỗi hột xoàn đáng vạn lạng nhỉ? Các vị vương gia, các bậc đại thần quả được thêm một dịp tốt đua nhau vắt óc kiếm tiền…
Rồi cái ngày phải đến tất đến: đó là ngày rằm tháng Giêng.

Sáng sớm tinh sương, bà nào, cô nào cô nấy, tất cả đều bận quá mức, nào trát một tảng phấn trắng bệch như vôi lên má, nào bôi một cục son đỏ như máu cá lên môi, nào mặc lên một bộ quần áo màu cổ cứng ngập lấp cả đôi tai, nào đóng một cái quần ống thẳng tắp dài quét sạch mấy hè đường.
Các bà các cô ùn ùn leo lên xe nhà riêng của phủ mình.

Xe lọc cộc ra đi.

Xe trực chỉ phía ngoài cửa Tây trực môn, trước Bạch Vân quán, chờ đây đón giá.
Tất cả bọn phải đợi một lúc lâu.

Bỗng người ta thấy cờ quạt rợp trời từ xa ùn ùn kéo tới.

Khói lò hương bốc trầm thơm lên nghi ngút, quyện lại trên cao như một đám mây xanh theo gió dần tan.

Rồi cả một đoàn người ngựa đưa rước Hoàng thái hậu tới, uy nghi như một đám rước thần.
Bọn đại thần đã xốc lại áo, xách lại quần, sửa soạn từ nãy, để bò mọp xuống mặt đường đón tiếp thánh giá.

Chẳng mấy phút, đoàn người ngựa qua đi; bọn đại thần vương công lúc đó chẳng ai báo ai, lần lượt lên ngựa, lên xe, tìm đường đất phóng chạy như bay, mong tới Bạch Vân quán trước mấy phút để kịp quỳ đón thánh giá lần nữa tại nơi đây.
Ngự xa của Hoàng thái hậu, Hoàng thượng và Hoàng hậu tiến thắng vào mãi giữa sân mới đỗ.

Hai bên đường đi vào sâu trong miếu lúc đó có đông đủ gia quyến bọn vương công quỳ mọp để đón giá.

Thôi thì trâm ngọc, xuyến vàng lóng lánh, áo quần xanh đỏ khoe màu, người ta chỉ thấy đầy sân xuân sắc.
Hoàng thái hậu đưa cặp mắt đuôi lươn (tuy tuổi tác lúc này đã luống nhưng vẫn còn rớt lại đôi lần tình tứ) quanh một lượt khắp sân, bất giác để lộ trên cặp môi tô đỏ chót một nụ cười vẫn còn đượm vẻ xuân tình.
Tây thái hậu, mặt đầy vẻ kiêu hãnh, thong thả cất bước vào trong điện.

Động Nguyên đạo sĩ đã phủ phục ngay tại mấy bực thềm ngoài cửa từ lúc nào.

Thấy Tây thái hậu bước gần tới, Nguyên hô lớn:
- Hoàng thái hậu, hoàng thượng vạn tuế! Vạn vạn tuế!
Hoàng thái hậu bước tới trước Phật toà, thấy một pho tượng kim thân cao một trượng hai ngồi ngay chính giữa, nhận biết đó là tượng Ngọc hoàng thượng đế.

Lý Liên Anh đem hương ngự tới và dâng lên.

Hoàng thái hậu, hoàng đế và hoàng hậu nhất tề quỳ xuống bệ gạch lót nệm gấm, lạy mấy lạy.

Phía sau, dưới mái hiên điện hai, ba trăm vị đại thần đều một loạt quỳ lên trên bồ đoàn lạy Phật.
Khung cảnh toàn miếu lúc này im phăng phắc gần như không có tiếng động.

Bỗng tiếng chuông trống nổi lên vang dậy, bên đông khua thì bên tây đánh, bên tây đánh thì bên đông khua.

Tiếp sau đó, người ta mới bắt đầu nghe những tiếng xủng xoảng của vòng ngọc, của xuyến vàng đeo bên mình các bà, các cô trong các gia đình quý tộc giàu sang và những tiếng leng keng, lích kích của những đồ trân châu, tô điểm óng ánh trên thân hình các ông lớn, mặt đang ửng lên vì vinh dự! Tất cả những âm thanh lạ tai đó hoà trộn lẫn nhau, tạo thành một tiếng ồn ào vĩ đại nhưng kỳ thú, khiến cảnh chùa miếu thanh vắng ngày nọ trở thành ầm nhộn nhịp phi thường…
Cuộc dâng hương đã xong.

Bọn đại thần rút lui ra ngoài.

Tây thái hậu truyền dụ Động Nguyên đạo sĩ tới, bà cho Nguyên được phép đi trước dân đường thăm viếng khắp nơi.
Động Nguyên đạo sĩ toàn thân ăn vận y phục đại lễ, tinh thần tỏ vẻ đắc ý, hãnh diện lắm, xun xoe đi trước, rũ đôi vai xuống một chút, khum cái lưng xuống một tí, cầm đầu cả đám đông đang lần lượt theo sau như nước chảy.
Tây thái hậu đi xem đã qua mấy lần điện, thấy tượng đắp đều là thiên thần, thiên tướng.

Bà đi quanh ra một cửa tò vò Một khu vườn hoa xây cất, trồng trọt khúc chiết, quanh co vô cùng khéo léo tinh vi.

Trong vườn, tuỳ từng chỗ đặc biệt, Nguyên cho nuôi nào hạc, nào hươu sao, nào công, nào gà gô, nào thỏ bạch… Có con từ trên bãi cỏ xanh rờn, lại có con ẩn núp trong các động rỗng núi giả sờn.
Hoàng thái hậu càng xem càng khoái.
Bà đi tiếp một chút nữa, qua mấy dãy hành lang bên trái viện, lúc đó mới thấy ngôi nhà chính, xây thành một dãy dài chín gian chính sảnh, nhưng lại năm nhô ra và bốn thụt vào.
Trong chính sảnh, người ta thấy Động Nguyên đạo sĩ đã cho bày biện bàn trà từ lúc nào.

Đối diện với chính sảnh này, là một cái sân khấu diễn tuồng, căng màn kết hoa, đỏ rực cả một góc trời.
Đầy nhà, lúc này, đã được lên đèn, ánh sáng lấp lánh trông như sao trời đêm.

Sân khấu đang sửa soạn mở màn.
Hai bên nhả chính sảnh, còn có mấy dãy nhà nhỏ, cửa màn kín đáo.

Đó là những phòng để Hoàng thái hậu thay áo..


Bình Luận (0)
Comment