Thanh Cung Mười Ba Triều

Chương 84



Vừa nghe lời Hoà Khôn nói xong, Bảo Thành ngồi ở phía dưới liền lên tiếng truyền cho nhà sư vào.

Bọn sai dịch tức thì đẩy nhà sư lên phía trước công đường.

Cậu bé nhìn thấy nhà sư liền giơ tay chỉ, vừa khóc vừa nói:
- Tôi vốn thực họ Lưu tại sao lại bảo tôi mạo nhận con cháu hoàng gia để hại tôi bị chém đầu?
Cậu bé lại kéo chéo áo nhà sư khóc lớn.

Mãi lâu, người ta chỉ thấy nhà sư tỏ vẻ hết sức ngạc nhiên và quái lạ rồi mới cất tiếng nói:
- Ngươi rõ ràng là một hoàng tôn mà? Tại sao hôm nay ngươi lại khai đổi khẩu cung? Trước đây ta bảo với mọi người rằng ngươi thuộc họ Lưu để che mắt thiên hạ, sợ người ta biết chuyện đó thôi.
Bảo Thành nghe xong, không để cho nhà sư nói thêm, giơ cao tay vỗ mạnh xuống công án, quát lớn:
- Yêu tăng đừng nói bậy! Thằng bé kia đã tự ý cung xưng và nhận tội, ngươi còn không chịu khai ra phải không?
Nói đến đây Thành lại quát lên một tiếng thật lớn nữa: "Dùng hình!".

Tức thì bọn sai nha túc trực hai bên tả hữu dạ ran rồi tay cầm nào côn sắt, nào roi thép loảng xoảng vang rền tiến sát bên nhà sư.

Cậu bé lại một phen hoảng hồn bạt vía, khóc rống lên nói:
- Bọn ta đi thôi! Tôi không muốn làm người nhà của hoàng đế nữa đâu.

Người nhà của hoàng đế gì mà chỉ bị doạ giết thế này?
Nhà sư mặt hầm hầm nổi giận, tay chỉ về phía công đường nói lớn:
- Lũ bay là một đám gian thần, trên thì dối vua, dưới thì ngược đãi bách tính.

Lũ bay đều ăn bổng lộc của Thanh triều, Vĩnh Thành Quận vương vốn là hoàng tử của đương kim hoàng đế có thù oán gì với lũ bay mà lại muốn diệt hết dòng dõi của người.

Ta chết rồi làm quỉ, thế nào cũng cùng với Quận vương bắt hồn lũ bay!
Viên Châu hoà thượng nói đoạn còn nghiến răng ken két chửi rủa bọn gian thần luôn mồm không ngớt, đến nỗi Hoà Khôn nổi máu nóng, quát lên một tiếng lớn:
- Đánh chết thằng giặc trọc đi!
Bọn sai nha đang tính động thủ thì Lưu Tướng quốc đã đứng dậy chạy tới chặn lại rồi nói:
- Hãy khoan! Nay bọn ta đánh phạm bắt cung, khiến thiên hạ chê cười là bất công.

Theo thiển ý của bản chức, thì bọn ta nên đi tìm con a đầu bế hoàng tôn ngày trước nhận xem phải hay không phải hoàng tôn, lúc đó mới nên định án.
Lúc đó trời đã về chiều, Hoà Khôn liền hô tạm nghỉ.
Ngay đêm hôm đó, Khôn vào cung, tâu rõ với Càn Long hoàng đế.

Hoàng đế bèn truyền chỉ phàm có a đầu già nào trong phủ quận vương đều phải tới công đường làm chứng.
Bọn a đầu già vốn được Xuân A Phi đối xử tất cho nên qua ngày hôm sau khi cậu bé được gọi lên công đường cho bọn này nhìn mặt thì tất cả đều nhất loạt bảo chẳng giống.

Chúng còn bẩm hoàng tôn ngày nọ gầy nhỏ mà mặt dài, trên cánh tay có nốt ruồi đỏ chứ đâu như đứa trẻ này.

Lại còn có một đứa cung rằng:
- Hoàng tôn chết năm nọ chính do tay tôi thu liệm.

Tại sao lại còn có một hoàng tôn xuất hiện nơi đây?
Một đứa khác lại cung:
- Tôi vốn là nhũ mẫu của hoàng tôn.

Chính hoàng tôn đã chết ngay trong bọc tôi mà! Điều đó quyết không lầm được.
Bọn a đầu già, mỗi đứa mỗi câu, khiến nhà sư đảnh phải nín lặng không thốt được lời nào nữa.


Lưu Tướng quốc ngồi phía trên biết rõ nhà sư oan uổng nhưng nghĩ chả có cách gì cứu được Một lát sau bọn đại thần bàn tính định tội: Viên Châu hoà thượng lập tức đem chém còn cậu bé thì đày đi xứ Y Lê.
Hôm bị đem ra hành hình, Viên Châu hoà thượng chửi bới thậm tệ bọn hôn quân gian thần.

Còn cậu bé đày đi xứ Y Lê, dần dần lớn lên, tự biết mình đích thị hoàng tôn của đương kim hoàng đế bèn nói cho Y Lê tướng quân biết.

Vị tướng quân này lại giúp cậu bé tâu về triều.
Hoà Khôn thấy bản tấu chương, tới thông báo cho Xuân A Phi biết.

Thế là Xuân A Phi lại nũng nịu với Càn Long hoàng đế để ngài cách chức viên Y Lê tướng quân, cho người thân thích của Hoà Khôn là Tùng Quẩn tới thay thế.

Nàng cũng muốn Hoàng đế hạ chỉ chém ngay cậu bé nọ tại đất Y Lê.

Càn Long hoàng đế mê mệt Xuân A Phi, nhất nhất mọi điều ngài đều nghe nàng hết.

Đáng thương thay đường đường một vị hoàng tôn mà kết liễu cuộc đời chỉ vì miệng lưỡi đàn bà!
Trong cung cấm, Càn Long hoàng đế sủng ái Xuân A Phi càng ngày càng đội mãi nàng lên tận trời xanh.

Tuy rằng ngài trong cuộc tuần du Giang Nam có đem về hai nàng Quách Giai, và Tưởng Giai nhưng thực chẳng ai vượt khỏi Xuân A Phi.

Hai nàng Quách Giai và Tưởng Giai là người Tô Châu, tính tình hoà thuận, ăn nói lanh lẹ, lại đâm ra xu phụng Xuân A Phi.

Ngược lại Xuân A Phi cũng đối đãi tử tế với hai nàng.
Xuân A Phi vốn được nuôi dưỡng từ nhỏ tại nơi khuê các, chưa từng được nghe chuyện bên ngoài ra sao; nay nghe hai nàng Quách, Tưởng kể lể chuyện Giang Nam, nào là phố xá đẹp đẽ, nào là phong cảnh xinh tươi, nào là chợ búa náo nhiệt vui vẻ thì lòng cảm thấy như điên lên vì tò mò.

Từ đó nàng cứ nói ra nói vào ý muốn cùng hoàng đế du ngoạn Giang Nam một phen.

Hoàng đế bảo nàng:
- Trẫm mới vừa ở Giang Nam về.

Nay lại đi Giang Nam e bọn quần thuần dị luận chăng!
Về sau, Xuân A Phi nghĩ ra một kế.

Nàng mè nheo với Càn Long hoàng đế cho xây cất trong vườn Viên Minh một dãy phố buôn bán sinh hoạt theo kiểu Tô Hàng (hai tỉnh Tô Châu, Hàng Châu miền Giang Nam).

Nào là tiệm bán đồ cổ, tiệm cắt may y phục, nào là tửu lầu, trà điếm, tất cả hàng hoá đều bày đặt trong các quán tiệm đầy đủ không thiếu thứ gì.

Các chủ tiệm cũng đều đưa từ Tô Hàng tới.

Cả đến người bán hoa, người bán trái cây tươi, người bán dưa, cũng bưng giỏ đi dọc phố để rao hàng, y như thật.

Bọn thái giám trong cung, anh nào cũng bỏ tiền ra để được làm chủ điếm.

Các hoá phẩm đều do quản lý cửa Sùng Văn cất ở các tiệm bên ngoài thành đem vào.

Những hàng này đều được ghi rõ giá cả.

Hàng nào bán được thì cứ y theo giá biểu mà trả tiền.

Hàng nào không bán được thì hoàn lại chủ cũ.
Đến mồng một tháng giêng (Tết Nguyên Đán) mở cửa vườn, hoàng đế hạ dụ cho phép các đại thần Mãn cũng như Hán đều được vào vườn du ngoạn.

Bọn quan viên lũ lượt đi xem đường phố, thấy có thực vật, có trái cây tươi, vội giành nhau mua.

Có lúc họ mời mọc nhau thành một bọn kéo vào quán trà, tiệm rượu.

Mấy anh hầu bàn lăng xăng chạy đi chạy lại kêu gọi món ăn thức uống, chẳng khác gì các hàng quán trong thành.

Cũng có lúc hoàng đế mặc thường phục, sau lưng có mấy bà phi tần, vào phạn điếm ăn cơm.

Gặp bọn đại thần, hoàng đế cũng chỉ gật đầu, đưa mắt nhìn nhau ra hiệu chẳng khác gì bạn hữu bình thường, đem tiểu nhị qua lại đem đồ ăn, bưng rượu, tính tiền.

Trong quán náo nhiệt tưng bừng như có hội.

Hoàng đế cùng bọn phi tần nhìn thấy cảnh vui mắt đó, vô cùng hào hứng, bất giác cười vang.

Lại cũng có lúc hoàng đế viết thiếp mời một vài người khách.

Khách đó bất quá đều là những bậc đại thần tôn thất nhàn rỗi.

Họ vào quán Tây Thanh hầu rượu ngài.

Cả bọn tha hồ cười nói, múa tay rung đùi chẳng có chút gì là câu thúc bó buộc.

Bọn đại thần chè chén đến lúc hứng chí cũng bày trò thách rượu, cũng có lúc hoàng đế một mình ra ngoài du ngoạn.

Ngài vào quán rượu gọi đủ thứ, rồi cùng bọn gái thanh lâu cợt nhả bốc hốt.

Gặp khi chếnh choáng, hoàng đế bèn ôm bừa lấy mấy đứa dìu vào phòng ngủ, tha hồ đi gió về mưa, thẳng một lèo cho tới sáng, chẳng chịu về cung nữa.

Bọn thái giám chẳng biết làm sao, đành phải đánh "vân bản" om lên ngoài cửa phòng (Vân bản là những tấm ván đập vang lên để báo hiệu cuộc thị sát của các quan viên trong triều.

Theo qui củ trong cung thì khi nghe đánh vân bản, tức thì ai nấy phải đứng dậy rời đi chỗ khác).
Cũng có lúc hoàng đế mời thái hậu đi du ngoạn xem vườn.

Thái hậu cải trang như một người thường, thấy trong vườn nào bọn sơn đông mãi võ bán cao đơn hoàn tán, nào bọn thầy bói trải chiếu gieo quẻ, cũng sà vào đám đông mà xem bói xem diễn.

Xa xa bọn thị vệ lảng vảng đó đây để báo vệ bà.
Rồi từ ngày hai mươi ba tháng giêng cho đến ngày mười tám tháng sáu, ngày đó gọi là lễ "Đăng tiết", hoàng đế lại cho lệnh mở cửa vườn.

Ngài truyền dụ cho từ các quyến thuộc thần dân Hán cũng như Mãn đến vợ chồng kẻ dân quê đều được vào vườn du ngoạn với ý nghĩa "dân đều vui".

Những ngày đó, hoàng đế cũng đi qua dạo lại giữa đám quan quyền, dân chúng, cười đùa với đám gái quê, với bọn phu nhân vợ các quan viên, hết sức vui vẻ thân thiện.

Bọn thái giám muốn làm đẹp ý của hoàng đế nên thiết lập các phòng nhỏ, đặt bày các giường nệm để ngài tuỳ ý nằm ngồi.
Cuộc vui đại chúng ấy đang tốt đẹp, thì qua ngày thứ ba bỗng một tên đại hán xông vào trong phòng, tay cầm một con dao nhọn, xớn xác ra vẻ đang tìm kiếm ai đó.

Bọn thị vệ thấy thế, xông lên bắt được tên đại hán, giao lại cho nha môn xét hỏi.


Tên đại hán hầm hầm hất mặt nói: "Vợ con ta vào vườn du ngoạn, bị tên hôn quân dụ dỗ vào phòng gian dâm rồi! Ta mà tóm được hắn thì nhất quyết chẳng tha!".
Thẩm sát quan thấy tên đại hán miệng nói toàn điều quái gở, chẳng thèm cật vấn nữa, liền tống ngay vào nhà lao, qua hôm sau cho giết luôn.

Thế rồi, từ ngày nảy ra cái án quái gở đó, trong vườn cấm không còn bọn đàn ông được vào ra nữa.
Trong vườn Viên Minh, từ khi thiết lập cái phố buôn bán đó thì cứ mỗi đêm vào đầu tháng giêng, việc mở cửa cho dân chúng vào du ngoạn đã trở thành một cái lệ.

Hoàng đế cùng bọn phi tần cũng rong chơi trong vườn mãi cho hết ngày Đăng Tiết, sau đó mới thu dọn phố xá đi hết, Càn Long hoàng đế lấy cái ý "với dân cùng vui", nên gọi khu phố thương mại đó là Đồng Lạc viên.
Sau năm thứ nhì Đồng Lạc viên mở cửa, trong vườn lại xảy ra một vụ án phong lưu tuyệt thú.

Nguyên là tại kinh có một vị Lễ bộ thị lang họ Trang, tuổi đã tới lục tuần.

Chỉ vì bà vợ kết tóc xe tơ chết mất, quan thị lang bèn tới xóm thanh lâu lấy ngay một ả kỹ nữ về làm vợ.

Ả tên gọi là Lại Chiêu Quân, mặt mũi xinh đẹp ra sao chẳng cần tả mà làm gì, chỉ cần biết ả năm đó hai mươi bốn tuổi, tính tình ưa hoạt động nên rất thích ra ngoài lang thang du ngoạn.

Những nơi náo nhiệt như đền miếu, hội hè chỗ nào chẳng có vết chân Trang thị.

Quan thị lang còn có một đứa con gái với người vợ trước.

Đứa con gái này cũng đa tình lắm, lại rất ăn ý với người mẹ kế.

Mẹ con hai người thay nhau che mắt quan thị lang, suốt ngày lang thang hết phố lớn đến đường con.
Bọn ong ve bướm lượn suốt ngày lẽo đẽo sau gót hai mẹ con nhà này, chê đầu khen cẳng, chọc ghẹo thả cửa.

Lại Chiêu Quân tính cực dâm, chi thích cười giỡn với trai, thích được người khen mình đẹp, bởi vậy bọn làm công trong các tiệm buôn, các quán nhậu đều bỡn cợt với ả, miệng ghẹo tay sờ.
Cô gái vốn con nhà đại gia khuê các, lúc đầu thấy bà mẹ kế tính tình đĩ thoã quá, bất giác mắc cỡ xấu hổ lắm, nhưng về sau đâm quen cũng cười cợt thả cửa, chẳng còn kiêng cữ gì nữa.

Ả tên gọi Thu Quan, năm đó đúng mười tám tuổi.
Hai mẹ con Lại Chiêu Quân và Thu Quan chơi lang thang kinh thành mãi xem chừng đã chán, bỗng một ý tưởng mới lạ đến với họ, nghe đồn cứ một năm một lần mở hội Đồng Lạc viên ngay tại vườn Viên Minh, cho phép quan, dân, phụ nữ vào trong du ngoạn.
Đợi đến thời "Đăng tiết", hai mẹ con Thu Quan, dồi phấn thoa son cùng theo mọi người vào vườn dạo chơi, hết phố này đến chợ kia, thích lắm.
Bọn thái giám dò la được lai lịch của hai mẹ con nhà này, bèn đánh liều gợi ý gợi tình với Lại Chiêu Quân, cuối cùng cả bọn thị vệ và các bồi bếp cũng gọi nhau tới tán tỉnh.

Hai mẹ con nhà này đã chẳng lấy làm phiền mà lại còn đắc ý lắm.

Lại Chiêu Quân thích nhất là được nghe chuyện cung cấm.

Bọn thái giám và thị vệ đều chạy tới xúm xít quanh ả, khoe mình biết lắm, hiểu nhiều; nhất là chuyện hoàng đế phong lưu, đa tình ra sao.
Thu Quan vốn gái dậy thì, mới mẻ tươi mát, nên anh nào anh nấy đều mê thích, đổ xô lại tán tỉnh.

Thu Quan chẳng bao giờ giận, nhiều khi còn cố ý làm vui lòng mọi người là khác.
Có một hôm, Lại Chiêu Quân ngồi chuyện vãn với bọn thái giám trong tửu lâu.

Nàng bỗng bảo:
- Nét mặt hoàng thượng bọn tôi chỉ được nhìn phớt qua ngoài phố, chứ chưa bao giờ được rõ ràng.

Ví thử được đối diện với hoàng thượng mà nói một câu chuyện hoặc chuốc một chén rượu, thì thật vinh hạnh biết mấy nhỉ!
Thu Quan cũng nói tiếp:
- Hoàng thượng có bộ râu đẹp lắm.

Giá tôi được vuốt một cái thì còn gì là vinh hạnh hơn!
Bọn thái giám nghe đoạn liền nói:
- Ồ! Chuyện đó khó gì.

Để khi hoàng thượng tới, bọn tôi xin giúp hai người, thông báo tên tuổi cho ngài tâu rằng hai nàng xinh đẹp tuyệt trần, thì thế nào ngài cũng triệu kiến ngay.
Trong bọn thái giám, lại còn có một tên đế vào:
- Tuy nói thế, nhưng hoàng thượng vào vườn chơi có định rõ ngày giờ nào đâu? Hôm thì đôi ba lần, nhưng lại có khi ba, bốn hôm mới tới một lần.

Như vậy, nếu hai mẹ con nàng muốn gặp ngài thì nên ở lại trong vườn mà đợi giá.

Nhưng có điều phiền là mỗi ngày ở lại trong vườn, tiền phòng tiền cơm tốn kém lắm, làm thế nào được?
Lại Chiêu Quân vốn tính tự ái.

Hơn nữa, chồng ả lại có tiền, cứ mỗi khi gặp ai có ý chê bai ả về chuyện tiền nong là ả nổi máu tự ái lên ngay.

Lúc này cũng vậy, ả nghe nói bèn thò tay vào trong bọc rút phăng một tập giấy bạc ném toẹt ngay ra giữa bàn, vừa bĩu môi bảo:
- Xài một tập này có đáng là bao.

Ngươi cầm chỗ bạc này đi! Bọn tôi ở lại mười hôm trong vườn liệu có đủ không?
Bọn thái giám thấy tập tiền, mặt bỗng tươi hẳn lên, mắc sáng rực.

Thế là chúng tung tăng chạy đi sửa soạn nào giường nào chăn nào gối nào rượu nào thịt để cung dưỡng hai mẹ con Lại Chiêu Quân.
Lại Chiêu Quân ở lại trong vườn với bọn thị vệ nô giỡn tối ngày sáng đêm.

Riêng Thu Quan vốn còn con gái nên không dám quá phóng đãng.

Thấm thoát đã năm ngày qua, hôm đó vào dịp Đặng tiết, ả Chiêu Quân bỗng thấy bọn thái giám hoảng hết chạy tới bảo:
- Vạn tuế gia tới rồi! Mau sửa soạn tiếp giá!
Lại Chiêu Quân vội kéo tay Thu Quan bước ra ngoài, thấy một người đàn ông cao lớn mặt có ba chòm râu, bệ vệ bước vào, phía sau có rất nhiều thị vệ đi theo.
Người đàn ông chậm rãi ngồi xuống, quay đầu ra hiệu, thế là cả bọn thị vệ ùn ùn kéo ra.

Bên trong điếm, tiểu nhị đưa rượu thịt lên.

Người đàn ông nâng ly, uống được vài tuần, lúc đó mới vẫy tay gọi tới hai mẹ con Lại Chiêu Quân đến ngồi cạnh.

Người đàn ông lên tiếng hỏi:
- Hai nàng là người thế nào?
Lại Chiêu Quân đáp:
- Hai chị em tôi bị kẻ gian lừa gạt, chẳng may lạc vào thanh lâu.
Câu nói vừa rồi của Lại Chiêu Quân thật ra là của bọn thái giám mách bảo trước chứ chẳng phải tự ý.

Người đàn ông uống ít rượu nữa thì đã ngà ngà say bèn giơ tay ra ôm lấy hai mẹ con Lại Chiêu Quân mà vuốt ve hôn hít.

Thế rồi đêm đó, cả hai mẹ con đều bị người đàn ông nọ giữ lại hầu hạ.
Lại Chiêu Quân nghĩ chắc đó là Càn Long hoàng đế, bèn đem hết bản lãnh phòng the ra hầu hạ, mãi tới đêm khuya mới hết những tiếng cười khúc khích trong phòng.
Càn Long hoàng đế cao hứng quá, làm luôn một hơi ba đêm liền, đến đêm thứ tư ngài đưa ra thưởng biết bao nhiêu là vàng ngọc lụa là.

Và cũng từ đêm đó không thấy ngài tới nữa.
Hai mẹ con Lại Chiêu Quân cúng thu xếp về nhà, khi nhìn tới số tiền chi phí lên tới hơn cả vạn lạng bạc, ả bất giác giật mình, mặt xảm ngắt lại, vội hỏi bọn thái giám, mới được biết rằng tiên ăn, ở tại đây đắt hơn cả trăm lần bên ngoài.


Ả chỉ còn cách đem vàng ngọc châu báu của hoàng đế vừa cho đề bù vào chỗ thiếu.

Nào ngờ khi đem vàng ngọc châu báu đó ra trị giá mới biết đều là đồ giả cả.
Về sau khi hai mẹ con Lại Chiêu Quân về tới nhà rồi quan thị lang họ Trang (chồng Lại Chiêu Quân) mới phát giác ra một tờ văn tự nợ trong mình vợ.

Ông vội tra hỏi, ả bèn đem tài mồm loa mép giải ra để che đậy, bảo phải mang nợ vì lo chạy chọt cho ông được thăng quan tiến chức.

Ả kể lể rằng có nhờ bà Phúc tấn nọ nói giùm với vị vương gia kia để được đưa tới trước Vạn tuế gia.

Ả đã vui lòng đáp ứng nên phải vay mượn để tạ lễ vị vương gia đó.

Thế rồi cứ mồm mép đó, Lại Chiêu Quân nói trời nói đất, thêu dệt đủ chuyện để lấp liếm cho qua.
Trang thị lang không còn biết cách nào hơn, mặt đành cứ thộn ra mà nghe.

Nhưng Trang thị lang lại có người em thứ tư, trong nhà thường gọi là "chú Tư".

Chú Tư thấy anh mình lấy đĩ về làm vợ đã có ý không bằng lòng, nay điều tra lại được biết chị dâu với cháu gái mình có bao nhiêu chuyện bỉ ổi trong Đồng Lạc viên liền viết một tờ đơn tố cáo gửi tới nha môn Kinh Triệu Doãn.
Kinh Triệu Doãn thấy đơn tố ngay chính Hoàng đế, hoảng hồn bạt vía, chẳng dám thụ lý.

Nhưng việc tố giác đã đồ bể tùm lum ra.

Một vị ngự sử họ Giang nghe được chẳng cần xét rõ trắng đen gì, tức thì viết ra một tờ sớ tâu lên Càn Long hoàng đế, kết án bọn thái giám lừa gái cướp vàng, tội chẳng nên tha.
Càn Long hoàng đế xem xong tờ sớ, hết sức giận dữ.

Ngài ngầm sai gọi Hoà Khôn vào cung, giao cho Khôn điều tra và xử vụ án.
Hoà Khôn lãnh chỉ lập tức sai bắt bọn thái giám bịp bợm tới, mặt khác cũng cho đòi bắt mẹ con Lại Chiêu Quân vào hầu.
Hôm thẩm vấn, Hoà Khôn cho mời các quan đại thần Mãn cũng như Hán, gọi cả Kinh Triệu Doãn cùng đến công đường hội thẩm nghe cung.

Lại Chiêu Quân khai hết mọi việc đã qua.

Ả kể rõ nào là hoàng đế gian dâm hai mẹ con ả ra sao, phá hoại đời con gái Thu Quan thế nào và cả vụ vàng ngọc giả kia nữa.

Bọn đại thần nghe thấy ả khai ngay đích danh hoàng đế, anh nào anh nấy giật nấy mình, mặt biến sắc.

Hoà Khôn vội sai người đưa Lại Chiêu Quân ra ngoài.

Song ả vốn gái lầu xanh, mồm loa mép giải đã quen đâu có chịu, bèn bù lu bù loa lên, ngoác mãi mồm ra bảo chính hoàng đế đã gian dâm cả hai mẹ con mệnh phụ.

Còn Thu Quan ở bên canh, chỉ cứ khóc ròng.
Bọn đại thần và Hoà Khôn bèn tính bịa ra một cái tội để trừng phạt Lại Thu Quân, bọn thái giám mấy tên thì đem giết đi để bịt miệng còn Trang thị lang thì gán cho cai tội vu khống.

Trong khi cả bọn tính như vậy tưởng như xong chuyện, nào ngờ quan đại thần Lưu Thống Huấn không chịu, ông nói:
- Chuyện này thiết tưởng không nên vội vã.

Trước hết, bọn ta nên vào tâu để xem ý hoàng thượng ra sao đã.

Lúc đó, nêu vụ án có chỗ đã xác đáng, thì nên trả số tiền nọ lại cho Trang thị lang và đem tên thái giám phát vãng sung quân.

Còn nếu cái án này không có dính líu gì với hoàng thượng thì trước hết đem chém đầu mấy tên thái giám, rồi sau tịch biên hết sản nghiệp của bọn này mà trả lại cho Trang thị lang, sau nữa mới bắt tội Trang thị lang trị gia bất nghiêm.
Hoà Khôn đã có chủ ý từ trước nên có ý không chịu.

Thế là Lưu Thống Huấn tự mình đi thẳng vào cung điện tâu trình.
Càn Long hoàng đế nghe có người tố cáo mình gian dâm cả hai mẹ con mệnh phụ, bèn nói:
- Trẫm tuy rằng bất đức nên mười mấy năm trời nay có nhiều xì xèo này nọ, nhưng thực cũng chưa dám làm điều gì bại hoại gia phong đến thế.

Cái án mẹ con Lại thị cần phải xét hỏi cho ra đầu đuôi cớ sự.

Vậy trẫm giao cho các vị đại thần Mãn cũng như Hán, lấy lẽ công mà luận án định tội, chớ có e ngại chuyện gì.
Lưu Thống Huấn được thánh chỉ liền đem bọn thái giám ra thẩm vấn.

Bọn chúng chịu cực hình không nổi bèn khai ra tất cả.

Thì ra thấy mẹ con Lại thị nhiều tiền chúng bèn đem một hoàng đế giả đến để lừa gạt.

Khi hỏi tới hoàng đế giả đó là ai, thì bọn thái giám cho biết đó là tên chưởng quỹ ở Tây Đại Nhái phường Lô Mã ngoại thành.

Lưu Thống Huấn liền cho đi bắt về thẩm vấn, hắn nhất nhất đều cung khai không dám giấu.
Lưu Thống Huấn định tội, đem tên chưởng quỹ và bọn thái giám ra chém đầu đồng thời hạ định tịch biên gia sản của bọn này để bồi thường lại cho Trang thị lang.

Lưu Thống Huấn lại phát lệnh cho hai mẹ con Lại Chiêu Quân vào nhà các công thần làm đầy tớ.
Vụ án này xảy ra xong, từ đó trong Đồng Lạc viên không còn cho phụ nữ dân gian ra vào du ngoạn nữa.
Tháng giêng qua, Càn Long hoàng đế chẳng có việc gì làm, bèn cùng với Xuân A Phi, Quách Giai thị, Tướng Giai thị, ba người nô giỡn hú hí trong thâm cung suốt ngày.
Về sau Quách thị bèn tâu:
- Bệ hạ từ khi ở Giang Nam về, tìm kiếm được bao nhiêu là vàng ngọc châu báu, hơn nữa, lại thường tưởng nhớ tới phong cảnh hữu tình miền Giang Nam, tại sao bệ hạ không y theo thắng cảnh miền này mà kiến trúc ngay tại trong vườn Viên Minh này, cho trưng bày hết những châu báu vàng ngọc đó ở trong vườn, rồi bọn tiện thiếp được hầu hạ bệ hạ, suốt ngày du ngoạn, một là để bệ hạ khuây khoả nỗi tưởng nhớ miền Giang Nam, hai là để bọn tiện thiếp như là đã được trở về quê hương xứ sở vậy.
Càn Long hoàng đế nghe xong cao hứng nổi lên, bèn truyền dụ cho Nội vụ phủ cùng bọn nhân viên cung phụng trong Tây Thành quán, đem những thắng cảnh danh lam miền Giang Nam vẽ lên giấy hết để trình cho ngài xem.
Thánh chỉ vừa ban xuống, tức thì bọn cung phụng nhân viên bắt tay vào việc ngay.

Ngày này qua ngày khác, họ vẽ hết bức này qua bức khác gần như tất cả: nào phong cảnh Tây Hồ, nào phong cảnh Kim Sơn, nào phong cảnh Tô Châu.
Cứ mỗi nơi một bức hoạ.

Lúc đó hoàng đế cùng với ba vị phi tử lựa chọn mãi, lấy bốn mươi bức giao lại cho Hoà Khôn, bảo y cai quản việc xây dựng và khởi công ngay tức khắc..


Bình Luận (0)
Comment