Thanh Xuân Gửi Hết Cho Anh - Chanh Mặc Mạt

Chương 4

Tiết trời tháng hai ở Nam Kinh không lạnh lẽo như Thượng Hải. Không biết có phải là do ảnh hưởng từ tâm lý hay không, lúc bước xuống xe buýt trong bộ đồng phục học sinh, vai đeo cặp sách, bước đi cùng các bạn học ở lớp mới, Tề Noãn Hạ bỗng nhiên cảm thấy ấm áp vô cùng. Đây là lần thứ hai cô tới đây dù cho lần nào cũng tới cùng nhóm lớp.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, vừa hoàn thành xong một đống bài tập về nhà, một học kỳ mới đã đến dù không được trông mong. Điểm duy nhất khác biệt so với thường lệ là vào thứ tư đầu tiên của học kỳ, nhà trường tổ chức một chuyến dã ngoại trải nghiệm thực tế sau khi đã tổ chức phân ban, mà địa điểm dã ngoại vừa hay lại là Nam Kinh. Trong mắt các thiếu nữ mười bảy, mười tám tuổi đang bước vào học kỳ hai năm hai trung học phổ thông, mỗi ngày không đến trường thì vẫn phải vùi đầu vào học, việc có một chuyến đi trải nghiệm xã hội thực tế như thế này chẳng qua cũng chỉ là một hình thức du lịch trá hình.

Dù đã tới Nam Kinh hai lần, Tề Noãn Hạ vẫn không khỏi cảm thấy háo hức. Buổi chiều được đi miếu Phu Tử và hoạt động tự do, cô vội gửi tin nhắn cho cô bạn thân cùng lớp cũ trước khi phân ban tên Triệu Du, hẹn cùng nhau đi ăn.

Lần đầu tiên cô tới Nam Kinh là vào kỳ nghỉ hè hồi năm thứ hai trung học cơ sở, khi đó, ấn tượng của cô về nơi này nếu không phải là khí trời cực nóng bức thì sẽ là vã mồ hôi như tắm. Đi tham quan Phủ Chủ tịch: lau mồ hôi, đến chơi ở quận Vũ Hoa Đài: lau mồ hôi, viếng thăm Đài tưởng niệm cuộc thảm sat Nam Kinh: vừa lau mồ hôi vừa quạt không ngừng nghỉ. Cho nên, đối với lần quay trở lại này, cô thực sự rất mong chờ, chẳng hạn như phố cổ cạnh miếu Phu Tử sẽ không còn ẩm ướt, khó chịu khiến người ta mất hứng ăn uống như hồi tháng tám năm ấy chứ?

Miếu Phu Tử nằm ở bờ bắc sông Tần Hoài, đi dọc về phía nam có một con phố ẩm thực ngon nức tiếng khiến Tề Noãn Hạ thèm nhỏ dãi. Trước khi tới đây, cô đã cẩn thận lên baidu tìm kiếm một lượt những địa điểm ăn vặt xung quanh miếu Phu Tử, ngay khi giáo viên hướng dẫn thông báo thời gian dành cho các hoạt động tự do, cô đã vội chạy ra đứng bên chiếc ghế đá, nhìn trái ngó phải ngóng chờ Triệu Du xuất hiện.

Triệu Du là bạn thân cùng bàn của cô từ hồi đầu năm cấp ba. Một năm rưỡi chung bàn, họ đã cùng nhau trải qua cảm giác hoang mang sợ hãi trước những truyền thuyết thời trung học rằng "bài thi khó nhằn siêu cấp vô địch”, rằng "thi được năm mươi điểm cũng là chuyện thường thôi”, họ cũng đã cùng chụm đầu thì thầm to nhỏ về những ngôi sao thần tượng mình yêu thích, cùng ngắm gái đẹp, cùng nắm tay dắt nhau ra vườn trường vào giờ nghỉ trưa, cùng uống trà sữa, ăn gà rán và đi dạo phố. Những dại khờ, ngô nghê, mơ mộng viển vông thời học sinh và cả sự nổi loạn của tuổi trẻ, họ đều đã cùng nhau trải qua, cùng nhau cảm nhận, cùng nhau san sẻ. Mãi cho đến hết học kỳ một năm thứ hai trung học này, nhà trường tổ chức phân ban xã hội và tự nhiên, cô chọn ban xã hội, còn Triệu Du chọn tự nhiên. Bắt đầu từ đó, một người bước vào học kỳ hai năm thứ hai cao trung ở lớp Văn 11-8 ban xã hội, người còn lại học ở lớp Vật lý 11-1 ban tự nhiên. Đợt phân ban chia được tất cả chín lớp, hai người họ vừa hay cậu đầu sông, tôi cuối sông.

Ngày đầu tiên đi học lại sau kỳ nghỉ Tết, nhìn người bạn cùng bàn đổi từ Triệu Du thành một cậu bạn lạ hoắc, Tề Noãn Hạ vô cùng hoài niệm quãng thời gian ngồi cùng nhau lén lút làm việc riêng trong giờ, đọc trộm tiểu thuyết dưới ngăn bàn cùng cô ấy. Haiz, từ nay về sau sẽ chẳng còn ai đứng ra bảo vệ cô mỗi lần cô lơ đễnh trong giờ học, sẽ chẳng còn ai bí mật viết đáp án ra sách giáo khoa khi cô không trả lời được câu hỏi của giáo viên, cũng sẽ chẳng còn ai cùng cô nằm bò trên bậu cửa sổ lớp nhìn từng bạn học ra vào lớp hoặc đang đi bên ngoài hành lang, cùng nhau bình luận, cùng nhau cười đùa.

Chín chiếc xe buýt của chín lớp đi cách nhau một đoạn không xa không gần, điểm đến cùng là miếu Phu Tử, thế nhưng, cô đã đợi rất lâu rồi mà vẫn không thấy chiếc xe của lớp 11-1 tự nhiên ở đâu. Từng nhóm bạn học đi ngang qua đều mỉm cười với cô, có người còn hỏi thăm cô bằng biệt danh: “Tiểu Hoàn Tử, Tiểu Ngọc nhà cậu đâu rồi?”

Tề Noãn Hạ có gương mặt non choẹt như con nít, tóc mái lưa thưa, mái tóc ngắn ngang tai. Mỗi lần cô mặc bộ đồng phục của trường cấp ba trực thuộc đại học H, mọi người đều sẽ trêu chọc cô mặc trộm đồ của chị gái, bảo cô nhanh quay về trường cấp hai đi. Cũng bởi vậy, dần dần các bạn học trong lớp đều gọi cô bằng cái tên Tiểu Hoàn Tử. Triệu Du thì ngược lại. Cô ấy đeo một cặp mắt kính to bự có gắn hình con cú, dù đã học cấp ba nhưng vẫn thích thắt hai bím tóc xinh xinh dài tới xương quai xanh. Vì biệt danh của Tề Noãn Hạ là Tiểu Hoàn Tử nên các bạn học đều gọi cô ấy là Tiểu Ngọc.

Cũng hợp lý, bạn thân của Anh Đào Tiểu Hoàn Tử chẳng phải tên là Tiểu Ngọc sao?

Có một lần, lớp trưởng nhìn thấy Tề Noãn Hạ ngồi chống cằm, cau mày suy tư, tò mò hỏi cô: "Tiểu Hoàn Tử, cậu lại đang ngắm gái đẹp đấy à?”

Cô đỏ mặt, cướp hộp sữa trên tay lớp trưởng, vừa mở ra uống vừa cãi cố: “Lớp trưởng này, ngắm gái đẹp rửa mắt đấy, hiểu không?”

Cô thích ngắm gái đẹp, sở thích này bạn học trong lớp đều biết. Từng có lần trong tiết học chạy bền môn thể dục, cô nhìn thấy một cô gái rất xinh đẹp đang nhìn mình, sung sướng tới mức quên luôn việc nói chuyện với bạn học, một mình tăng tốc chạy vượt lên rồi cán đích đầu tiên, trở nên nổi tiếng trong trường.

Cảnh đẹp có thể khiến người ta ưng mắt, thế nhưng, lạ một điều, Tề Noãn Hạ chỉ thích ngắm gái đẹp. Thậm chí các bạn học từng nói đùa, có khi nào cả cô và Triệu Du có vấn đề về giới tính hay không, nếu không tại sao lại có thể hào hứng dắt tay nhau đi ngắm gái đẹp tới mức vui vẻ tít mắt như thế.

Đã mười phút trôi qua mà bóng dáng Triệu Du vẫn chưa xuất hiện. Tề Noãn Hạ móc trong cặp sách ra chiếc điện thoại được nhà mạng tặng vì đóng trước gói cước Internet, gửi cho cô ấy một tin nhắn: Bạn yêu dấu, tao sắp hóa thành hòn vọng phu tới nơi rồi mà sao vẫn chưa thấy mày lăn đến đây?

Rất nhanh đã nhận được tin nhắn phản hồi: Trời ơi cưng ơi, con xe khỉ gió này già lọm khọm rồi, một đoạn đường đi chet máy những ba lần. Má nó, tao ngồi trên xe trơ mắt nhìn năm con xe buýt khác chạy vụt qua đến tận khi khuất hẳn luôn đó. Mày không thấy được sắc mặt lớp trưởng lớp tao đâu, tái mét luôn. Đợt mới phân ban, cậu ta to mồm bảo không thể để lớp Lý 11-2 vượt mặt được, cái xong, đó, đến cả đường đi miếu Phu Tử mà còn thua kém.

Tề Noãn Hạ khoái chí, hí hoáy một trận trên bàn phím điện thoại: Lớp trưởng lớp mày nghiêm túc dữ vậy sao? Thế lỡ như điểm thi đầu kỳ không cao hơn điểm lớp 11-2 kia, chắc cậu ta ném bom khủng bố luôn ấy nhỉ?

Triệu Du: Xùy, phỉ phui cái mồm mày đi! Lớp tao năng lực có thừa, cái lớp 11-2 tí hin kia vượt mặt được chắc? À được rồi, có lẽ bọn tao cũng sắp tới nơi rồi đó, mày đi chậm đi trước đi, tao chân dài sẽ đuổi theo sau. Nhớ lấy, mua được đồ ngon cấm được ăn hết phần của tao!

Tề Noãn Hạ bĩu môi, nhìn xung quanh mình mỗi lúc một ít người mặc đồng phục trường, nhắn lại: Ô, wow, mới đó mà đã "lớp tao” rồi cơ đấy? Mới phân ban có ba ngày thôi mà? Tao hóa thành rùa, bò trong năm phút, nếu mày còn không mau lăn tới đây thì tao cóc để phần mày đâu đấy.

Tiện tay nhét điện thoại vào túi áo đồng phục bên phải, sau đó xốc lại cặp sách trên vai, Tề Noãn Hạ vui vẻ nhìn trái ngó phải, thực hiện đúng như những gì đã nói trong tin nhắn, bước chân thư thả, chậm rì chẳng khác gì một con rùa bò. Năm phút rồi mười phút, cô càng lúc càng gặp thêm được nhiều nhóm bạn học mặc áo đồng phục mùa đông sọc xanh nước biển của trường cô, xoay người lại, một lần nữa cô tìm kiếm bóng dáng Triệu Du giữa một biển người. Nhưng vì sao vẫn không thấy người đâu? Cô đã ăn hết ba chiếc bánh takoyaki, nửa xiên hồ lô ngào đường, một phần ba chiếc bánh hành nướng, đứng xem người ta thổi xong một cây kẹo tò he… Đã lâu như thế, cái người hứa sẽ sớm chạy tới đây đâu rồi?

Trên tay cô đang cầm túi lớn túi nhỏ toàn những đồ ăn vặt, cô đành phải chuyển hết túi từ tay phải sang tay trái, lấy điện thoại trong túi áo phải ra định gọi điện thoại cho Triệu Du. Ai ngờ, khi cô còn chưa bấm xong số điện thoại của cô ấy, một bàn tay ai đó đột nhiên giơ ra, nhanh như chớp cướp luôn điện thoại của cô. Lúc cô ngẩng đầu lên chỉ kịp nhìn thấy một bóng người mặc đồ màu nâu biến mất trong đám đông.

Lạy Chúa trên cao! Giữa ban ngày ban mặt vẫn ngang nhiên cướp giật vậy à? Quá càn rỡ rồi!

Tề Noãn Hạ lập tức bùng lửa giận, sải bước dài đuổi theo, lớn tiếng hô hoán bất chấp hình ảnh thục nữ: “Bớ làng nước ơi, thằng cha áo nâu kia dám cướp điện thoại của tôi!”

Bàn về sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, những cô cậu mười bảy, mười tám tuổi chính là người giàu nhất. Các bạn học trường trung học trực thuộc đại học H khi nhìn thấy một cô gái nhỏ tóc ngắn ngang tai, mặt búng ra sữa, xinh xắn đáng yêu, tay xách rất nhiều túi đồ ăn vặt, ba chân bốn cẳng chạy hớt hải về phía trước, miệng la lớn thì nỗi thù chung trỗi dậy, không một ai do dự, trong nháy mắt đều đuổi theo bóng người đàn ông mặc đồ màu nâu kia. Trước cổng miếu Phu Tử bỗng nhiên xuất hiện một cảnh tượng kích động như vậy khiến người qua đường bất giác phải dừng chân nhìn lại một tốp đông những cô cậu học sinh mặc một thân đồng phục cấp ba, cùng chạy về một hướng, vừa chạy vừa hét toáng lên "Ăn cướp!”. Ở một nơi thu hút đông khách du lịch như thế này, việc xảy ra các vụ cướp giật là điều đã xảy ra từ lâu, thế nhưng việc cả một tốp người, hơn nữa tất cả đều là học sinh, cùng đuổi theo một mục tiêu duy nhất với nhiệt huyết tràn trề là điều chưa từng có. Bởi cảnh tượng này quá kích động lòng người, thế nên trong đám đông người qua đường bắt đầu có người nhập hội đuổi theo tên cướp, lại có người tốt bụng báo cảnh sát, có người khác lớn tiếng hô hoán: "Mau bắt lấy tên áo nâu kia!”

Tuy rằng có không ít người mặc áo nâu nằm không cũng dính đạn, và tuy rằng cảnh đuổi bắt trên đường phố rất hỗn loạn, nhưng không một ai lên tiếng trách tội một nhóm học sinh đoàn kết, đồng tâm hiệp lực mang theo sức trẻ nhiệt huyết đuổi theo đòi lại chiếc điện thoại của một nữ sinh bị cướp trắng trợn. Rất nhanh, tên cướp điện thoại của Tề Noãn Hạ đã bị đám đông học sinh và cả người qua đường tóm gọn. Gã đàn ông bốn mươi tuổi ấy có lẽ không bao giờ ngờ được cái kết này. Hắn lựa chọn ra tay cướp đồ trắng trợn giữa ban ngày là bởi cô gái nhỏ xinh xắn như búp bê Nga này thoạt trông có vẻ dễ bắt nạt, không có khả năng tìm người giúp đỡ, nhưng hắn làm sao biết cô gái ấy sau khi bị cướp lại có thể khiến cả một đám đông hợp sức lại đuổi theo hắn, hắn đã chạy tới sức cùng lực kiệt mà người đuổi theo phía sau mỗi lúc một đông. Tay chân hắn bị nhiều người cùng khống chế, hắn bực bội vung vẩy chiếc túi đựng điện thoại di động cướp được như muốn trút giận.

Tề Noãn Hạ chạy hồng hộc đến đứng trước mặt hắn không phản ứng kịp, chỉ có thể trơ mắt nhìn chiếc điện thoại màu hồng nhạt cô mới đổi thay cho chiếc máy nhắn tin cũ bay một vòng ra ngoài. Lòng cô chùng xuống, nghĩ bụng, nếu nó bị rơi vỡ, chắc chắn ba mẹ cô sẽ không mua cái mới cho cô, liệu cô có thể tới trung tâm viễn thông xin đổi cái khác hay không? Cô buồn muốn điên lên được, chạy hết hơi, đuổi theo bằng được, cuối cùng cái kết cũng chẳng khác bị cướp mất hẳn là bao.

Cũng may, chiếc điện thoại màu hồng nhạt của cô không bị rơi vỡ tan tành trên đất, nó may mắn được một bàn tay sạch sẽ bắt được. Lúc ấy, Tề Noãn Hạ đã rất chán chường không thể ngờ tới, giữa một đám đông không kịp phản ứng lại xuất hiện một người mặc đồng phục trường cấp ba trực thuộc đại học H nhanh tay cứu được chiếc điện thoại của cô một mạng. Cô ngẩng đầu nhìn, chàng trai trẻ ấy đứng trong đám đông, vẻ mặt hờ hững, tay cầm chiếc điện thoại của cô, vài sợi tóc rũ xuống trước trán theo động tác cúi đầu của anh, che khuất đôi mắt. Cô bước nhanh đi tới trước mặt anh, vẫn còn đang thở hổn hển, mồ hôi ướt dính trên trán, dáng vẻ hơi chật vật nhưng vẫn mỉm cười: "Cảm ơn anh.”

Anh đứng trước mặt cô, ngẩng đầu lên, đôi mắt sáng lên dưới ánh mặt trời, khuôn mặt góc cạnh, biểu cảm hờ hững nhưng lại khiến cô thoáng ngạc nhiên. Cô ngẩn ngơ nhận lại điện thoại, trước khi chàng trai ấy xoay người rời đi, cô vẫn kịp nghe được một câu nói khách khí từ anh: "Không có gì.”

Có lẽ mỗi một cô gái ít nhiều đều sẽ có một hoặc nhiều những cảm xúc khó nói về những người anh hùng. Vào một ngày nắng đẹp như hôm nay, cô không thể nhớ rõ mặt những bạn học cùng lớp, cùng trường hay những người qua đường đã tốt bụng tham gia đuổi bắt tên cướp để đòi lại điện thoại cho cô, chỉ riêng chàng trai trẻ với biểu cảm hững hờ, giọng nói dễ nghe đã trao lại chiếc điện thoại này thì cô nhớ rất rõ. Kể từ đó, cô nhớ tới tận mười năm. 

 
Bình Luận (0)
Comment