Thập Lục Nương - Minh Nguyệt Điều Điều

Chương 2

2.

Cứ như vậy, năm ta mười ba tuổi, đánh bậy đánh bạ, trở thành nha đầu nhóm lửa nấu cơm của Ngụy gia ở Kinh thành.

Cũng nhờ Ngụy gia sụp đổ.

Nếu không, nguyên liệu nấu ăn quý báu thế này, với xuất thân hương dã của ta, đừng nói là nấu, ngay cả thấy thôi cũng chưa thấy bao giờ.

Ta phụ trách làm ba bữa cơm trong ngày, buổi sáng thì dễ hơn một chút, cũng chỉ làm một chút bánh bao, cháo loãng.

Hai bữa còn lại mới là phiền phức.

Phu nhân sức khỏe yếu, đã ăn chay nhiều năm nay, bà ấy không đồ mặn, hiện giờ ngã bệnh, mỗi ngày cần ăn một bát tổ yến, cái này ta không biết làm, may là Châu Nhi tỷ tỷ tự mình tới làm. Bên chỗ Đại thiếu gia bị thương, đương lúc cần bồi bổ sức khỏe, không cần quản gia dặn dò, ta cũng biết phải hầm canh gà, canh xương cho hắn.

Làm xong thức ăn cho chủ tử, còn phải làm cơm cho người hầu, về món ăn cũng phải có phân biệt.

Mỗi ngày ta đều dậy rất sớm, đầu tiên là hầm canh cho Đại thiếu gia, sau đó bắt đầu nấu cháo, làm cơm cho cả đại gia đình, không rửa bát thì lại nhặt rau, vội vàng đến độ chân không chạm đất.

Cũng chẳng biết có phải phu nhân và Đại thiếu gia đang bệnh nên khẩu vị kém đi không, ta nấu cơm mấy ngày nay cũng chẳng có ai kêu nấu không ngon. Chủ tử không lên tiếng, quản gia đương nhiên cũng lên tiếng, qua ba năm ngày, ta thấy quản gia Ngô thúc mãi mà không tới tìm ta, cũng không có ý định ra ngoài mua nha đầu, mới dần dần yên tâm.

Thôi Cửu tốt bụng, nếu có rảnh, sẽ tới giúp ta chẻ củi, gánh nước.

Hiện giờ hắn phụ trách quét tước sân viện, chỗ nào cũng phải đi, không như ta, chỉ lủi thủi trong căn bếp nhỏ này.

Hắn vào Ngụy gia đã hai năm, biết nhiều việc hơn ta nhiều.

Hắn bảo với ta, thuở trước khi Ngụy gia còn phong quang, khung cảnh quả thực là ngoài sức tưởng tượng. Mỗi ngày đều có những bậc quý nhân mang vàng đeo ngọc ra vào. Rất nhiều người cầu xin được gặp Đại thiếu gia, đôi khi chỉ cần dẫn đường cho những người ấy thôi, cũng có thể được thưởng cho một nắm hạt vàng.

Các chủ tử của Ngụy gia đều tốt bụng, không bao giờ tùy tiện đánh mắng người hầu, lương bổng cũng khá hậu hĩnh, phàm là làm ở Ngụy gia vài năm, chỉ cần biết để ý biết cách tích cóp, ít nhiều đều có thể giống như Chu ma ma, dành dụm được tiền, trở về ở cùng thân thích cũng được, mà về quê mở quán cũng được, dù là cách nào cũng hơn làm người hầu.

Nói đến đây, ta liền hỏi Thôi Cửu: "Vậy sao ngươi không đi?"

Thôi Cửu ấp úng, ậm ừ đáp: "Lão gia có ơn với ta, đương nhiên không thể không báo đáp rồi."

Còn cụ thể là ơn gì, Thôi Cửu không nói.

Hắn chuyển chủ đề, tiếp tục kể về những ngày tháng vinh quang của Ngụy gia.

Nhắc đến sự vinh quang của Ngụy gia, tất nhiên không thể không nói đến Đại thiếu gia. Đại thiếu gia Ngụy Chiêu, khôi ngô tuấn tú, tài trí hơn người, tiền đồ rộng mở. Khi trước hắn vốn có một mối hôn ước với tiểu thư của phủ Vĩnh Xương Bá.

Đó là một đối tượng nghị hôn xuất thân danh gia vọng tộc, dung mạo đoan trang, không có điểm nào có thể chê trách.

Thế nhưng, bây giờ Đại thiếu gia đã xảy ra chuyện, tiền đồ hoàn toàn bị hủy, vết thương trên người chưa lành, ngay cả việc có thể đứng dậy đi lại được không vẫn còn là một ẩn số mang trên mình nguy cơ tàn phế, chuyện nay đã không bằng khi xưa.

Thôi Cửu nhìn xung quanh mấy lượt, rồi hạ giọng nói nhỏ: "Ta nghĩ mối hôn sự này có lẽ sẽ không thành. Vĩnh Xương Bá chắc sẽ không muốn gả đích tiểu thư vào đây nữa đâu."

Nghe hắn nói xấu sau lưng Đại thiếu gia, trong lòng ta căng thẳng, không khỏi hạ giọng theo, thì thào như kẻ trộm, hỏi: "Lẽ nào còn có thể từ hôn à?"

Từ hôn rồi, đúng là không phải gả cho đại thiếu gia nữa.



Nhưng nếu vậy, thanh danh của phủ Vĩnh Xương Bá sẽ khó nghe biết chừng nào. Đích tiểu thư lá ngọc cành vàng của họ từ hôn, sau này khó tránh khỏi bị người đời dèm pha.

Thôi Cửu dường như hiểu rất rõ thủ đoạn của các thế gia đại tộc này, hắn nói rất thần bí: "Nếu không phải vạn bất đắc dĩ, sẽ không từ hôn đâu, người đời đàm tiếu đáng sợ lắm. Ngươi nghĩ mà xem, đích nữ phủ Vĩnh Xương Bá thì chỉ có một hai vị, nhưng còn rất nhiều thứ nữ mà, chỉ cần đổi một người trong số đó cho đại thiếu gia cũng đâu có sao."

Ta hít một hơi lạnh: "Thế gả ư?"

Thôi Cửu không nói gì, chỉ giơ ngón trỏ lên, cẩn thận suỵt một tiếng ý bảo ta im lặng.

Ta cũng không dám nói thêm gì nữa.

Chỉ âm thầm suy nghĩ, người người đều nói Đại thiếu gia tài hoa xuất chúng, tuổi trẻ đã nổi danh. Giờ đây gặp cảnh khốn đốn, nếu phủ Vĩnh Xương Bá thực sự đổi một thứ nữ gả sang, với Đại thiếu gia mà nói e là còn sỉ nhục hơn cả từ hôn.

Có lẽ ban ngày ngồi nói chuyện nam nữ thành hôn với Thôi Cửu nhiều quá, đêm hôm đó, trong cơn mơ màng, ta mơ thấy Thu Sinh ca.

Cách kinh thành tám mươi dặm có một trấn gọi là Thanh Thạch.

Trong trấn Thanh Thạch, có một thôn tên là Bạch Vân.

Nhà ta là một hộ gia đình nho nhỏ ở trong thôn Bạch Vân đó.

Cha ta làm ruộng, mẹ ta ở bày sạp bán mì cắt ở đầu thôn.

Từ khi hiểu chuyện, ta đã ra sạp phụ giúp mẹ.

Ban đầu cuộc sống cũng khá ổn, cho đến khi mẹ ta qua đời.

Cha ta nhanh chóng cưới mẹ kế, rồi sinh thêm hai đệ đệ và một muội muội. Một mình ta phải gánh cả hai căn phòng phía nam, còn phải nuôi sống mấy miệng ăn, từ lúc ấy cha ta không còn để tâm đến ta nữa.

Thực ra họ đã lên kế hoạch sớm gả ta đi, nếu có thể làm thiếp cho Vương viên ngoại về quê dưỡng lão thì càng tốt.

Vương viên ngoại tuổi đã cao, rất thích các cô nương trẻ tuổi, trong phủ của ông ta có một đống tiểu thiếp, đều chỉ mười ba, mười bốn tuổi.

Cha ta và mẹ kế tính toán đợi ta có quỳ thủy là sẽ tìm cách để đưa ta ra mắt Vương viên ngoại, nếu ông ta ưng ý thì tốt, nếu không thì tính sau.

Còn về phần ta, ta không hề thích lão Vương viên ngoại ấy.

Ông ta còn lớn tuổi hơn cha ta.

Nếu nhất định phải gả chồng, ta muốn được gả cho người lớn lên cùng ta là Thu Sinh ca.

Mẹ của Thu Sinh ca bán trà lạnh, sạp của bà dựng ngay bên sạp của mẹ ta, cha của huynh ấy mất sớm, mẹ huynh ấy một tay nuôi huynh ấy nên người. Thu Sinh ca mắc bệnh suyễn bẩm sinh, không ồn ào như mấy đứa đệ đệ của ta, cũng không thô lỗ như những nam tử cùng tuổi, huynh ấy là một người rất trầm tĩnh.

Mẹ kế của ta luôn xem thường huynh ấy, bà ta thường lén chê anh nhát gan.

Ngoài mặt, ta không dám cãi lời mẹ kế, nhưng ở sau lưng, ta luôn nghĩ rằng trên đời này, có người dũng cảm thì sẽ có người nhát gan. Nhát gan thì sao chứ? Huynh ấy ngồi yên lặng ở đó, bảo ăn thì ăn, bảo uống nước thì uống nước, sau này chắc chắn sẽ không say rượu rồi đánh vợ giống những nam tử trong làng. Nếu gả cho huynh ấy, ta sẽ rất yên tâm.

Thu Sinh ca thì không bán trà lạnh, huynh ấy học nghề mộc từ một lão nhân trong làng, định làm thợ mộc. Ta từng thấy bàn ghế huynh ấy làm, bằng phẳng, vuông vức, không hề có gờ ráp nào.



Đêm hôm ấy ta nằm mơ thấy Thu Sinh ca.

Ta mơ thấy huynh ấy trở thành thợ mộc nổi tiếng trong vùng, mang theo hai con ngỗng lớn, mặt mày rạng rỡ đến nhà ta đề thân.

Trong mơ, ta khẩn cầu, mong cha và mẹ kế nể tình Thu Sinh ca làm việc có thành tựu mà gả ta cho anh ấy, đừng ép ta làm tiểu thiếp cho lão Vương viên ngoại.

Sau này ngẫm lại, hôi đó ta thực sự đã nghĩ quá nhiều.

Dù là Vương viên ngoại hay Thu Sinh ca, đều là con đường tốt, đâu đến lượt ta chọn lựa.

Cuối cùng, ta gặp phải con đường thứ ba, con đường mà không một nữ tử nào trên thế gian này muốn gặp phải.

Người đệ đệ nhỏ nhất của ta ăn phải đồ hư, mắc bệnh kiết lỵ.

Bệnh tới hung dữ, chỉ mấy ngày đệ đệ út đã gầy đi một vòng.

Đêm hôm đó cha ta đi mời lang y, do đường núi trơn trượt cha ta ngã gãy chân.

Cái nhà này, đệ đệ út là phải cứu, không có cha cũng không được.

Muốn cứu mạng người thì phải cần tiền gấp.

Mà tiền từ đâu ra?

Ngày ta nghẹn ngào đi theo người môi giới thì tình cờ gặp Thu Sinh ca. Huynh ấy ngồi trước cửa nhà, đang gọt một thanh tre. Huynh ấy ngẩng đầu lên, nhìn ta một cái, rồi vội vã tránh ánh mắt sang chỗ khác.

Đó là lần cuối cùng ta gặp huynh ấy.

Trong giấc mơ đêm nay, lâu lắm rồi ta mới mơ thấy huynh ấy.

Huynh ấy vẫn đang gọt thanh tre, không dám nhìn ta một lần.

Giữa biển người mênh mông, đã ly biệt là không biết bao giờ mới gặp lại. Lần cuối cùng ấy thế mà huynh ấy không dám nhìn ta.

Nhìn ta một lần thì sao chứ, ta đâu có cầu xin huynh ấy bán hết gia tài để mua ta, ta chỉ muốn chào từ biệt huynh ấy một cách tử tế mà thôi.

Mẹ kế nói đúng, huynh ấy nhát gan.

Nhát gan quá đỗi.

Tỉnh khỏi cơn mơ, ta đưa tay xuống gối, lấy ra một cái bánh bao cứng bang bang mà ta không nỡ ăn.

Đây là Ngụy gia ở Thượng Kinh.

Ta đã ký giấy bán mình, giờ là người hầu của Ngụy gia.

Có lẽ đời này ta và Thu Sinh ca ở thôn Bạch Vân không còn duyên gặp lại nữa.

 
Bình Luận (0)
Comment