Lâm Thanh Bách mở mắt ra: "Em xem thử ở trong khu tập thể này có ai có cùng hướng đi với em không, việc này quá lớn, một mình em không dễ làm."
Hứa Nam Nam biết, một cái bánh lớn thì phải nhiều người cùng ăn, một người ăn sẽ nuốt không nổi. Lại còn làm mất cân bằng nữa. Đôi lúc lợi nhuận phải phân chia đồng đều thì mới duy trì lâu dài được. Nhưng cô lại không muốn chia sẻ cái bánh này cho ai cả.
"Em dự định đợi các nhà máy trong khu công nghiệp kiếm được tiền, tới lúc đó sẽ đầu tư phát triển khắp trên cả nước, hỗ trợ các thị trấn nội địa ngày một giàu có. Còn những nơi khó khăn thì số tiền này cũng có thể dùng tới. Tiền này để trong tay của chúng ta còn có thể làm nên việc lớn, chia cho bọn họ em lo là sau này họ sẽ chỉ biết chỉ tay năm ngón, lấy tiền để hưởng thụ." Cô làm việc này không phải là để một mình cô được hưởng lợi. Cô không thiếu tiền để tiêu. Với chức vụ của Lâm Thanh Bách thì cô cũng đã định sẵn là sẽ không có cuộc sống giàu sang như những người giàu nhất Châu Á hay giàu nhất thế giới này nọ. Số tiền đó sau này dĩ nhiên phải dùng vào chuyện thực tế. Quốc gia vẫn còn đang thiếu rất rất nhiều tiền.
Về phần những đứa con của cô, sau này chúng có đủ tiền để dùng là được, không cần phải để lại cho chúng tài sản gì cả. Cô không bao giờ muốn nuôi ra mấy người con lười biếng không biết làm gì.
Lâm Thanh Bách tập trung nghĩ ngợi một hồi: "Vậy em hãy viết chi tiết những kế hoạch em vừa nói, sau đó gửi lên cấp trên đi. Sau này những sản nghiệp mà khu công nghiệp có được, bao nhiêu phần là chia cho thu nhập tài chính của quốc gia, bao nhiêu phần là em dùng cho kế hoạch đầu tư và làm từ thiện của em. Hợp tác với nhà nước thì hạng mục khu công nghiệp của em sẽ càng được đảm bảo hơn rất nhiều."
"Được, mấy ngày này em sẽ suy nghĩ thật kỹ."
Hứa Nam Nam lại nhốt mình trong thư phòng hai ngày, viết tường tận ra một bản kế hoạch về ý tưởng của bản thân, sau đó gửi cho cấp trên thông qua người phụ trách.
Ý tưởng của cô là, mỗi một đồng tiền giao lên cho cấp trên đều phải dùng vào mục đích chính đáng, không thể để cho một cá nhân nào được hưởng lợi riêng.
Bản kế hoạch nộp lên cấp trên sang ngày thứ hai đã có phản hồi. Người phụ trách xúc động nói: "Đồng chí Vu, vị ấy năm đó nói không sai, cô đúng là một đồng chí tốt, là một người phụ nữ giỏi giang của đảng. Lần này thủ trưởng có tặng cô vài chữ."
Hứa Nam Nam lấy ống giấy được cuốn lại đó về nhà rồi mới cùng Lâm Thanh Bách mở ra xem.
"Lòng Mang Quốc Gia."
Bốn chữ tràn đầy khí thế.
Hứa Nam Nam treo bức chữ này cùng với bức chữ "Ông Trời Tác Hợp" trước kia mình nhận được ở trong thư phòng, còn giấy khen thì cô trưng trong tủ kính.
Ba đứa trẻ cùng hiếu kỳ nhìn món đồ mới xuất hiện trong thư phòng nhà mình hôm nay. Bọn chúng đã đi học cả rồi, cũng đã biết chữ, ai cũng rất quen thuộc con dấu ở phần đề chữ trên bức chữ đó.
Các cậu kinh ngạc nhìn cha mẹ mình.
Hứa Nam Nam dặn dò tụi nó không được nói ra ngoài. Đại Bảo hỏi: "Tại sao lại không được nói ạ, vinh quang không phải là phải để cho tất cả mọi người cùng biết sao ạ?"
Hứa Nam Nam nói: "Vinh quang là đặt ở trong lòng chúng ta. Nếu như con nói ra tức là sẽ trở thành người thích khoe khoang. Chúng ta có thể tự hào nhưng tuyệt đối không thể kiêu ngạo."
"Con biết rồi, kiêu ngạo sẽ làm cho con người ta thụt lùi." Nhị Bảo nói.
"Đúng vậy, cho nên là mỗi ngày các con có thể đến xem để biết về sự vẻ vang của nhà ta. Đây là vinh dự của cha mẹ, mai mốt các con cũng phải tự nỗ lực để có được sự vẻ vang của riêng mình, rồi sau này để lại cho con cái của các con xem."
Ba đứa trẻ nghe mà mù mờ nhưng dường như cũng hiểu được gì đó.