Đây không phải là nơi sinh ra cô, nhưng là nơi cô được tái sinh.
Thôn họ Hứa giống như tất cả những gì mà Hứa Linh đã nói, những ngôi nhà được lợp gạch ngói đỏ, quần áo mà người dân trong thôn mặc cũng không còn rách rưới nữa. Trẻ con ai cũng có thể mặc những bộ quần áo mua từ vùng khác về, trên đầu của những bé gái cài những bông hoa nhí chơi đùa vui vẻ ở trong thôn.
Bọn họ không trở về thôn, mà đi bộ trên cánh đồng gần thôn.
Hứa Nam Nam kể cho các con của mình nghe chuyện ngày xưa, bắt đầu hồi tưởng lại cuộc sống cực khổ trước kia rồi nhớ đến cuộc sống hạnh phúc hiện tại.
"Ngày xưa lúc mẹ bằng tuổi các con đã phải ra đồng kiếm công điểm rồi. Lúc đó ăn không no, lại còn nhỏ, thường xuyên bị đói. Có một lần bị đói đến ngã xuống." Hứa Nam Nam chỉ vào một mảnh đất: "Chính là ở chỗ đó."
"Sau đó thì sao ạ?"
"Rất lâu sau đó mẹ mới tỉnh lại. Giống như được sống lại vậy." Hứa Nam Nam thở dài: "Các con phải biết rằng không dễ gì có được cuộc sống như bây giờ. Có biết bao nhiêu người không thể sống cuộc sống như giờ đấy. Các con có thể hưởng thụ cuộc sống như thế này đều là nhờ mồ hôi nước mắt của những người đi trước. Sau này cho dù các con làm nghề nghiệp gì, làm công việc gì, cũng cần phải làm nên những điều xứng đáng với đất nước này, xứng đáng với thế hệ sau của các con. Giống như trồng hoa màu, người trước đã gieo hạt rồi, việc các con cần làm là để hạt giống mọc rễ và nảy mầm, lâu dần sẽ phát triển mạnh mẽ và tươi tốt hơn."
Ba đứa trẻ nghe xong thì đầy vẻ đăm chiêu. Mỗi người một cách nghĩ riêng.
Bỗng dưng một trận gió thổi qua, xen lẫn mùi hương bông lúa thoang thoảng. Mấy đứa trẻ nhìn qua, hoa màu đã bắt đầu trổ bông rồi, không bao lâu nữa có thể chín muồi. Mẹ nói rằng hoa màu chín muồi thì người dân có hy vọng.
Mười lăm năm sau, đất nước phát triển thay đổi hoàn toàn.
Hứa Nam Nam cảm thấy bản thân không có gì để hối tiếc trong cuộc đời này. Có chồng có con, thành công trong sự nghiệp, cái gì cũng có.
Điều thật sự đáng tiếc phải nói đó là cuộc sống của bà thiếu một chiếc áo bông nhỏ.
Đối với Hứa Nam Nam có ba đứa con trai thì con gái giống như là trăng trong gương, nhìn thì được nhưng không thể chạm vào. Nếu như để bà sinh thêm, bà cũng không muốn. Lỡ như sinh thêm một đứa con trai thì làm sao, bà đã lớn tuổi rồi, bà cảm thấy bản thân chịu không nổi đả kích nữa.
Thế là bà đặt hy vọng vào các con trai của mình. Bà có ba đứa con trai nên không tin rằng không có người nào là không sinh ra được con gái. Không thể có chuyện ai cũng sinh ra con trai đúng không, bà thấy vận may của mình sẽ không thể kém đến thế được.
Đại Bảo và Nhị Bảo đến tuổi thanh niên quá lứa thì cuối cùng mới cưới vợ. Vợ của Đại Bảo là bạn chơi chung lúc nhỏ ở Nam Giang, là chiếc áo bông nhỏ của nhà Chương Lỗi. Vợ chồng Chương Lỗi được chuyển sang tổng tham mưu thủ đô cách đây năm năm trước. Cô gái này và Đại Bảo học trường quân sự cùng nhau, bây giờ hai vợ chồng đều làm việc trong quân đội.
Vợ của Nhị Bảo là con gái của giáo sư đại học thủ đô, tính cách khá hiền lành, theo suy nghĩ của Hứa Nam Nam thì là phản ứng hơi chậm nhịp. Theo như Nhị Bảo nói, cô gái này nhìn có vẻ vô hại. Anh vừa nhìn là đã chọn ngay. Hứa Nam Nam cảm thấy thằng nhóc này đã bị cách hai vợ chồng Lâm Thanh Tùng sống với nhau dọa sợ rồi.
Sau khi vào cửa, Hứa Nam Nam đã tiến hành một cuộc trò chuyện thắm thiết và vui vẻ với hai cô con dâu.
"Sinh con thì nhất định phải sinh con gái đấy, con gái càng nhiều càng tốt nhé, vừa đáng yêu vừa nghe lời, lại còn hiếu thảo. Các con đừng có trọng nam khinh nữ nhé, gia đình chúng ta lại không có ngai vàng để kế thừa, vậy thì sinh con trai làm cái gì?"