Kiều Vi không cảm thán nhiều như vậy. Vừa xuống xe, cô đã mua một tấm bản đồ tỉnh lị ở cửa sổ bán vé của nhà ga, tiếp đó hỏi thăm đường đến bệnh viện tốt nhất và nhà khách gần đó.
Ba thành viên nhà họ Nghiêm chưa cảm thán xong, Kiều Vi đã biết phải đi đâu: “Đi thôi mọi người, phải đi thêm một chuyến xe buýt công cộng nữa.”
Bệnh viện tốt nhất là bệnh viện Nhân Dân 1, tốt nhất nên ở nhà khách cạnh bệnh viện để chữa bệnh.
Người ở nhà ga đường dài thường bị hỏi mấy thông tin kiểu này, do đó ai cũng biết. Thêm vào đó, Kiều Vi còn hỏi bằng tiếng phổ thông tiêu chuẩn nên nhân viên nhà ga không dám coi thường cô.
Tuy nhiên, vừa lên xe buýt, bố con nhà họ Nghiêm mới đến thành phố, nhìn đâu cũng thấy mới lạ, không khỏi nói vài câu, người bán vé ngó qua, ánh mắt tỏ vẻ: “Người nhà quê.”
Lúc này, người bán vé xe buýt công cộng là đối tượng khinh thường dân quê nhất. Cũng có thể do tính chất công việc của họ tiếp xúc nhiều người đến từ các nơi hơn nên xác suất tiếp xúc với dân quê cao hơn.
Đây là thái độ xã hội bình thường. Kiều Vi cũng hết cách.
Thế nhưng khi kiểm tra vé, người bán vé bỗng khịt mũi lúc chen qua bên mẹ Nghiêm Lỗi: “Mùi gì thế?”
Cô ta nhíu mày quan sát mẹ Nghiêm Lỗi vài lần, sau đó chê ghét chen qua.
Mẹ Nghiêm Lỗi cúi gằm mặt, co ro như chim cút.
Kiều Vi không khỏi nhíu mày.
Cô lặng lẽ tới gần, khẽ hít vào.
Có mùi thật.
Mùi này là mùi cô ngửi thấy rõ nhất suốt chuyến xe đường dài. Cô còn tưởng đó là mùi trên xe.
Nhưng bây giờ xem vẻ đây là… mùi trên người mẹ Nghiêm Lỗi?
Mẹ Nghiêm Lỗi ngẩng đầu nhìn thoáng qua cô, lại co ro thêm chút nữa, tựa hồ rất lo lắng thấp thỏm khi cô đến gần mình.
Xe buýt đi ngang qua bệnh viện Nhân Dân 1.
Nghiêm Trụ líu lưỡi: “Bệnh viện lớn vậy ư.”
Khí thế tương đương với tòa ủy ban huyện và nhà ga xe lửa.
Bọn họ nhanh chóng xuống xe. Kiều Vi nghe được rằng nhà khách là tòa nhà gần bệnh viện nhất, đi bộ vài phút là tới bệnh viện.
Thư giới thiệu chính là thứ được dùng lúc mua vé và thuê chỗ ở.
Nhân viên đón tiếp của nhà khách nhìn thoáng qua bốn người lớn, hai nam, hai nữ, một đứa trẻ, từ ô cửa, tưởng là hai cặp vợ chồng, ỉu xìu nói: “Vợ chồng muốn thuê trọ phải xuất trình giấy đăng ký kết hôn.”
Kiều Vi khom lưng, tì cánh tay lên cửa sổ: “Chỉ có một cặp vợ chồng, chúng tôi tách nhau ra ở. Hai nam một gian, hai nữ một gian.”
Cô hỏi tiếp: “Ở đây có nước nóng không? Có thể tắm rửa không?”
Nhân viên tiếp tân nhìn thoáng qua đồng hồ: “Vậy phải nhanh lên, tám rưỡi sẽ cắt nước nóng.”
Kiều Vi khẽ gật đầu: “Hôm nay không tắm vậy, ngày mai rồi tắm sau.”
“Muốn tắm rửa phải mua vé tắm rửa.”
“Được, cảm ơn.”
“Vì nhân dân phục vụ.”
Nhân viên tiếp tân ủ rũ, cuối cùng còn không quên thêm một câu như vậy.
Nhìn ra được phong trào vận động phát triển ở tỉnh lị bên đây mạnh hơn hẳn huyện Bác Thành.
Kiều Vi cầm chìa khóa, dẫn mọi người đi tìm phòng, sắp xếp chỗ trọ.
Thực ra phòng khá đơn sơ, gồm hai chiếc giường, hai chiếc tủ đầu giường, một chiếc bàn, một giá để chậu rửa mặt, hai chiếc chậu rửa mặt, hai đôi dép nhựa giống loại dép đi trong phòng tắm.
Vậy nhưng người nhà họ Nghiêm chưa từng thấy nên cảm giác rất mới lạ.
Kiều Vi đi tới xem đệm chăn.
Khô ráo, còn sạch sẽ. Cô rất hài lòng về điều này.
“Mẹ, gian này cho bố và Trụ Tử ở.” Kiều Vi nói: “Mẹ ở chung với con.”
Mẹ Nghiêm Lỗi do dự một thoáng.
Thế nhưng có hai nam hai nữ, Kiều Vi và Nghiêm Trụ lại không phải vợ chồng. Nếu ở như vậy liệu có phải thuê thêm một gian phòng nữa không?
Vừa nãy bà ấy nghe được rằng giá thuê phòng cả đêm phải cỡ 2 mao 5.
Nhìn chung vẫn tiếc tiền nhưng không dị nghị thành lời, đi theo Kiều Vi rời khỏi đây.
Người phục vụ đưa nước nóng tới. Mỗi khách được một bình nước nóng, hai người ở là sẽ có hai phích nước nóng.
Đồng thời chỉ cho họ vị trí phòng nước.
Kiều Vi rót nước nóng ra cốc rồi để nguội bớt. Cô lấy khăn mặt, bàn chải và kem đánh răng ra: “Chúng ta đi rửa mặt thôi mẹ.”
Mẹ Nghiêm Lỗi lần đầu đến chốn tỉnh lị, sợ sệt đủ đường, đi đâu cũng theo sát Kiều Vi, cô bảo sao thì là vậy.
Kiều Vi tiếp tục đi gọi hai bố con bên kia cùng đi rửa mặt.
Hai người kia gượng gạo rửa mặt theo.
Về phòng, Kiều Vi hỏi: “Ban nãy bố và anh cả sao vậy ạ? Nếu ngại ngùng hay bất cập ở đâu cứ nói với con. Để họ nói với mẹ rồi mẹ nói lại cho con.”
“Không sao, không sao.” Mẹ Nghiêm Lỗi vội nói: “Chỗ nào cũng tốt, còn có nước nóng nữa.”
Bà ấy thầm nghĩ: Ông nhà với con cả có bao giờ rửa mặt đánh răng buổi tối đâu? Đây chẳng phải cảnh tượng hiếm gặp có một không hai sao? Sao mà không gượng gạo cho được.
Chẳng qua con dâu khí phách quá, bây giờ ai cũng sợ con bé, hai người đàn ông nào dám nói ‘buổi tối không rửa mặt đánh răng, buổi sáng cũng chưa chắc đã đánh’. Đành phải rửa mặt cho có lệ.
Tuy nhiên, bà ấy nhìn đứa bé như Nghiêm Tương cũng nghiêm chỉnh rửa mặt là biết thói quen của những người thành phố như Kiều Vi là vậy. Thực sự không phải cố tình làm dáng trước mặt họ.
Vậy nghe con bé hết đi.
Sáng hôm sau, Kiều Vi dẫn bọn họ tới căng tin của nhà khách ăn sáng.
Nóng hôi hổi, ngon thì ngon thật… nhưng món nào cũng tốn tiền, còn phải bỏ ra phiếu thực phẩm.
Nghiêm Trụ tinh mắt trông thấy Kiều Vi rút phiếu thực phẩm, lặng lẽ nói với bố mẹ: “Toàn bộ đều là phiếu thực phẩm quốc gia.”
Phiếu thực phẩm của các tỉnh không thông dụng, chỉ có phiếu thực phẩm quốc gia mới thông dụng. Đây là thứ người đi công tác cần, họ sẽ đổi đủ trước khi bắt đầu chuyến công tác.
Ở thời này, do khó kiếm nên phiếu thực phẩm quốc gia được xem như đồng tiền mạnh, đổi gì cũng dễ.
Thế nhưng một người ra ngoài công tác muốn thu thập nhiều phiếu thực phẩm quốc gia như vậy cũng rất khó.
Nghiêm Lỗi sợ cô không có đủ nên đổi nhiều nhất có thể.
Ăn bữa sáng xong thì tới bệnh viện. Mẹ Nghiêm Lỗi còn rất lo lắng: “Mình để hết đồ ở đó sao?”
Kiều Vi bật cười: “Mẹ đừng lo, con khóa cửa rồi.”
Đến bệnh viện, cô chọn khoa ngoại, y tá được chỉ định khám hỏi: “Tình trạng thế nào?”
Kiều Vi đáp: “Chắc là sỏi thận.”
Bỏ đi hai chữ “chắc là”. Từ đầu Kiều Vi đã biết là sỏi thận.
Bởi vì điều này lẽ ra đã được chẩn đoán khi Nghiêm Lỗi đưa Lâm Tịch Tịch về nhà thăm người thân vào nửa đầu năm nay, sau đó dẫn bố đi khám.
Góc nhìn thượng đế tiện lợi thật.
Tất nhiên bác sĩ sẽ không nghe lời từ một phía của cô, thực hiện các đợt kiểm tra xét nghiệm theo quy trình, cuối cùng chẩn đoán ra đúng sỏi thận, có mưng mủ nhiễm trùng, tạm chưa xác định được có biến chứng bệnh hay không.
Kiều Vi hỏi: “Phải chữa kiểu gì?”
“Phải phẫu thuật mới tốt.”
“Được, vậy hãy sắp xếp phẫu thuật.”
“Vậy chờ đến tháng sau.”
Kiều Vi nhíu mày: “Vì sao?”
Bác sĩ nói: “Tháng này kín lịch học tập và họp hành, không có thời gian phẫu thuật.”
Kiều Vi nói: “Bác sĩ cũng thấy đấy, tình hình của bố tôi đã rất nghiêm trọng, kéo dài ngày nào là đau đớn ngày đấy.”
Bác sĩ hơi thiếu kiên nhẫn: “Tôi cũng hết cách rồi. Cô có giỏi thì nói với viện trưởng đi. Nữ đồng chí nhượng bộ chút đi, đằng sau còn có người khác phải khám nữa.”
Người đằng sau cũng ồn ào: “Đồng chí khám xong chưa, chúng tôi cũng phải khám bệnh đây.”
Bác sĩ này vốn không phải người có thể đưa ra quyết định, dây dưa với ông ta cũng vô ích.
Kiều Vi đi ra trước, đứng trên hành lang.
Cô khó chịu ra mặt, người nhà họ Nghiêm cũng không dám nói năng gì.
Kiều Vi luôn rất khí phách. Nếu đến cô còn hết cách thì ba người nhà quê bọn họ càng không có cách nào.
Cha Nghiêm Lỗi và Nghiêm Trụ đưa mắt ra hiệu cho mẹ Nghiêm Lỗi. Mẹ Nghiêm Lỗi ở với Kiều Vi cả đêm qua nên quen thân hơn nhiều. Kiều Vi rất thân thiết với bà ấy, bà ấy không còn sợ như trước nữa, thử hỏi: “Kiều… Kiều Vi, con xem phải làm sao bây giờ?”
Không thể cứ ở đây tới tận tháng sau đâu nhỉ? Ngày nào cũng tiền tiền.
Kiều Vi bó tay, thở dài thườn thượt.
Thấy đến cô cũng thở dài, mẹ Nghiêm Lỗi đang định nói ‘Chi bằng ta về trước, tháng sau đến tiếp’, Kiều Vi bỗng lấy một đống thứ màu xanh lá ra từ túi xách đeo bên mình, sau đó cởi túi xách xuống đưa cho Nghiêm Trụ: “Anh cả, anh giữ giúp em một lát.”
Nghiêm Trụ nghe lời nhận lấy, hai tay đưa ra, trông giống hệt một chiếc móc treo quần áo.
Kiều Vi giữ vật trong tay ra rồi choàng lên vai… thì ra đó là một bộ quân phục màu xanh lá.
Kiều Vi xỏ cánh tay vào tay áo, trên tay áo còn có phù hiệu đỏ.
Cài cúc xong xuôi, cô rút mũ quân đội ra từ túi xách, đội lên đầu, sau đó rút tiếp một chiếc thắt lưng vũ trang, thắt quanh eo rồi gài nút.
Ba người nhà họ Nghiêm trợn mắt há hốc miệng, đã biết vì sao chiếc túi xách quân đội Kiều Vi đeo hôm nay lại hơi phồng lên.
Trong chớp mắt, Kiều Vi đã ăn vận chỉnh tề.
Đây là cách cuối cùng cô dự phòng. Vốn đang mong sẽ không phải dùng đến, vậy mà cuối cùng vẫn phải áp dụng.
Cô lấy lại chiếc túi xách quân đội, đeo chéo bên người, đẩy Nghiêm Tương tới bên cạnh mẹ Nghiêm Lỗi: “Ngoan ngoãn đợi với ông bà nội, đừng chạy lung tung nhé.”
Cô nói tiếp với bố mẹ chồng và anh chồng: “Mọi người ở đây chờ con một lát, con đi xíu rồi về.”
Kiều Vi mặc bộ quân phục xanh lá, đầu đội mũ quân đội, eo đeo thắt lưng vũ trang, trên cánh tay áo có phù hiệu đi dọc hành lang đến một chỗ khác.
Người ở hành lang thấy vẻ ngoài này của cô đều vô thức nhường đường.
Ba người nhà họ Nghiêm nhìn nhau.
“Kiểu ăn mặc này của em dâu… hình như…” Nghiêm Trụ nhỏ giọng nói.
Hình như cùng kiểu dáng với những người thuộc phái tuyên truyền. Bọn họ đã bắt gặp ở cả huyện lẫn tỉnh lị.
“Con bé… con bé làm gì thế?” Mẹ Nghiêm Lỗi thấp thỏm lo âu.
Cha Nghiêm Lỗi nhỏ giọng: “Dù là làm gì, tôi cũng nghe con bé.”
Chỉ một lát sau, Kiều Vi đã trở lại.
Cô nói: “Chúng ta về nhà khách trước.”
Mẹ Nghiêm Lỗi hỏi: “Vậy chuyện khám bệnh phải làm sao đây?”
Kiều Vi nói: “Ta tới không gặp núi thì để núi tự tới tìm ta.”
Tiếc rằng không ai trong số ba người nhà họ Nghiêm nghe hiểu được.
Kiều Vi mặc bộ đồ này về nhà khách, dọa hoảng cả nhân viên tiếp tân ở nhà khách.
Quả như dự đoán của Kiều Vi. Quay lại nhà khách trưa tới hai tiếng, núi đã tự động tới tìm Kiều Vi.
Cửa bị gõ vang, Kiều Vi mặc nguyên bộ quân phục ra mở cửa.
Ngoài cửa là một người đàn ông trung niên dẫn theo vài người, vừa thấy cách ăn mặc của Kiều Vi đã biết mình tìm đúng người rồi.
“Chào đồng chí, tôi là viện trưởng bệnh viện số 1. Tôi họ Trương.” Viện trưởng Trương ân cần vươn tay nắm lấy tay Kiều Vi: “Thưa đồng chí, đều do chúng tôi không làm tròn trách nhiệm công việc, lỗi nằm ở chúng tôi. Chúng tôi đã tiếp thu sự phê bình của đồng chí, chắc chắn sẽ sửa đổi.”
“Đồng chí, bản thảo kia… vẫn… vẫn chưa được gửi đi đúng không ạ?” Viện trưởng Trương run run hỏi.
Ông ta đang họp ở bên ngoài, bệnh viện lại gọi điện thoại cho, kêu ông ta về nhanh nhanh.
Về đến nơi mới biết có nữ đồng chí cách mạng xông thẳng vào văn phòng viện trưởng, đập thẳng một áng bản thảo lên bàn.
“Nói cho viện trưởng của các anh chị biết, tôi ở phòng số 16 nhà khách ngay bên cạnh.”
“Hôm nay không gặp được ông ta thì ngày mai bản thảo này sẽ được đăng báo.”
Viện trưởng Trương khẩn cấp quay về, cầm bản thảo đọc một lượt mà toát cả mồ hôi.
Đây là một bài viết chỉ trích hệ thống chữa bệnh và ban lãnh đạo của bệnh viện. Phần tên bệnh viện bỏ trống. Bằng tu dưỡng chính trị của viện trưởng Trương, không khó để nhận ra đây là một bản thảo đã được chuẩn bị sẵn, muốn báo bệnh viện nào thì cứ ghi tên bệnh viện đó vào là được.
Xui xẻo thay, họa này rơi trúng đầu ông ta.
Tình hình hiện nay chính là vậy. Đánh bại được người cấp càng cao thì công lao càng lớn.
Lối hành văn của bản thảo này quá cao siêu, sử dụng những câu từ khiển trách sắc lẹm, am hiểu sâu sắc tinh thần trung ương. Nó khác với những tờ báo X lớn được dán ngoài kia, nhìn là biết người đặt bút thuộc nội bộ thể chế. Một khi gửi tới tòa soạn, dẫu là tòa soạn nào thì cũng sẽ bị tranh giành đăng lên.
Thời này, ngòi bút là lưỡi đao, có thể giết người.
Viện trưởng đổ mồ hôi, liên tục hỏi người trong văn phòng đã gây sự với ai.
Trái lại, Kiều Vi có để lại thông tin. Thư ký nói: “Người nhà cô ấy bị sỏi thận, cần phải phẫu thuật. Cô ấy nói cô ấy đang chờ tại nhà khách. Hôm nay không đợi được thì mai sẽ đăng báo luôn.”
Viện trưởng lập tức dẫn người tới tìm.
Ông ta nắm tay Kiều Vi, rưng rưng nước mắt: “Chúng ta không cần đăng báo. Phẫu thuật đúng không? Bọn tôi sẽ thu xếp ngay!”
Cha Nghiêm Lỗi và Nghiêm Trụ ở phòng 15 bên cạnh sớm đã nghe được tiếng mở cửa, ngó dáo dác.
Chẳng mấy chốc, Kiều Vi đã đi ra.
“Cha, anh cả, mang theo đồ đạc đi theo con.” Cô nói với vẻ mặt bình thản: “Bây giờ chúng ta có thể vào nằm viện rồi.”
Cha Nghiêm Lỗi và Nghiêm Trụ không dám thốt tiếng nào ra khỏi cổ họng.
Khó khám bệnh tại bệnh viện lớn, bị khinh thường vì là người nhà quê tại tỉnh lị đều nằm trong dự đoán của họ.
Nhưng việc viện trưởng của bệnh viện lớn tại tỉnh lị đích thân tới đón lại vượt hẳn khỏi tầm nhận thức.
So với bí thư thôn trước đó thì cấp bậc của viện trưởng bệnh viện tỉnh lị còn cao hơn.
Viện trưởng bệnh viện tỉnh nắm tay bố Nghiêm Lỗi, nói rất đỗi thân thiết: “Lão đồng chí, anh yên tâm! Tôi đã sắp xếp chuyên gia giỏi nhất phẫu thuật cho anh. Lão đồng chí năm nay nhiêu tuổi rồi?”
Hỏi ra mới biết bố Nghiêm Lỗi trẻ hơn viện trưởng hai tuổi.
“Ồ… ha ha… ha ha…” Viện trưởng đành cười gượng: “Người anh em nông dân vất vả rồi, an toàn lương thực quốc gia dựa vào các anh.”
Những lời ông ta nói bố Nghiêm Lỗi và Nghiêm Trụ đều chẳng hiểu gì, dù sao cứ đi theo là được.
Thu xếp cho phòng bệnh một người, còn có một chiếc giường cho người nhà. Hôm nay thực hiện các loại kiểm tra, ngày mai sắp xếp phẫu thuật.
Viện trưởng đích thân phân công các hạng mục công việc.