Cô cầm giống cây, cậu bé nâng giúp, cô trồng cây, cậu bé lấp đất giúp.
Dù chỉ là giả vờ nhưng cũng thu hút được rất nhiều fan hâm mộ.
Mọi người đều nói đừng thấy đứa bé này không thích nói chuyện, nó chu đáo lắm, nó còn chu đáo ấm áp hơn cả con gái nữa.
Con trai nhà ai được như thế?
Khám Yến Nhi bĩu môi, thì thầm với Vương Liên Hoa: “Không thích nói chuyện như thế, chắc là kẻ ngốc.”
Vương Liên Hoa lén nhìn Mạc Như, Trương Thúy Hoa và những người khác, nhìn xem trong phạm vi này có bị nghe thấy hay không mới nói nhỏ: “Không ngốc đâu, biết thổi kèn đấy.”
Mạc Như mua kèn Harmonica, Tiểu Bát rất thích cầm chơi, không ai dạy thì cứ thổi đại một hơi.
Khám Yến Nhi hừm một tiếng, trợn tròn mắt.
Mạc Như ở bên kia bận một lúc rồi cúi đầu nhìn con trai của mình ở dưới đất, để tránh cậu bé lại bất cẩn cắm đầu vào hố trồng cây như lúc trước.
Đứa trẻ này bảo ở nhà chơi với chị thì không chịu, cứ đòi đến đây cho bằng được. Đến thì sang một bên chơi cũng được, cứ đòi giúp đỡ.
Rõ ràng là lười biếng không muốn cử động, nhưng giờ lại biểu hiện rất siêng năng.
Nói chung thì ngoan hơn chị gái nhiều, ít nhất là sẽ không chơi bời lêu lổng, đào hộ tự chôn mình.
Cô dịu dàng hỏi: “Con trai, có nóng không?”
Cô thấy con trai phơi nắng toát mồ hôi.
Tiểu Bát ngẩng đầu nở nụ cười ngọt ngào với cô: “Mẹ, không nóng.”
Khuôn mặt đơ nở nụ cười ngọt ngào, còn nói hai chữ giòn tan, Mạc Như cảm thấy trái tim như tan chảy, giơ tay xoa đầu cậu bé: “Sang bên đó nghỉ ngơi đi, trong ấm trà có thức uống ngon lắm.”
Tiểu Bát nhìn mẹ, sau đó chầm chậm đi đến, từ trong sọt lấy ra ấm trà bắt đầu uống nước ép trái cây.
Trong ấm trà là nước trái cây đủ loại do cô dùng cối xay xay ra, ngọt lịm, giải khát và có dinh dưỡng, Tiểu Bát rất thích uống.
Dù sao chỉ cần là mẹ cho thì cậu bé đều thích ăn hết.
Khám Yến Nhi đi đến, cười nói: “Tiểu Bát, cháu uống gì đấy, cho cô uống một miếng.”
Tiểu Bát không chút phản ứng như thể không nghe thấy gì.
Khám Yến Nhi không chịu đựng được việc bị coi thường, cô ấy ngồi xỏm kéo cậu bé: “Nói chuyện với cháu đấy?”
Tiểu Bát nhanh chóng uống ừng ực hết nửa ấm trà, sau đó lau miệng, cho ấm trà vào trong giỏ, rồi bò lên đi tìm mẹ, từ đầu đến cuối không thèm nhìn Khám Yến Nhi.
Khám Yến Nhi: Đây tuyệt đối là kẻ ngốc.
Mạc Như thấy con trai lại chạy đến quấn mình, cô cười với cậu bé, nắm bàn tay nhỏ xíu tiếp tục hướng dẫn người khác trồng cây.
Cô và Chu Minh Dũ đã lên kế hoạch từ lâu, có loại giống có thể trồng chung, có loại thì không được.
Chẳng hạn như cây lê và cây táo không thích hợp trồng chung, cây đào tốt nhất là trồng riêng một góc, còn cây hạnh và hạnh mơ, lê thì có thể trồng chung được.
Thực ra có rất nhiều điều cấm kỵ không thích hợp trồng chung, chủ yếu là sâu bọ có hại gây rối, Mạc Như có thể kiểm soát không thành vấn đề, ngoài ra còn có các vấn đề cần được xem xét như thời kỳ thụ phấn và kích thước cây.
Bởi vì Mạc Như và bọn trẻ thích ăn quả anh đào và quả đào vàng nên Chu Minh Dũt trồng một vùng lớn hai loại quả này, sơn tra có thể bảo quản được lâu và rất thích hợp làm đồ đóng hộp nên cũng cần trồng nhiều.
Rồi những loại trái cây như táo, táo tàu có giá trị kinh tế cao… cần trồng thành từng vùng, còn lại chỉ là để tự bán nên có thể trồng ít hơn, chẳng hạn như hạnh, hạnh mơ, mận, hồng gì đó.
Mạc Như và Chu Minh Dũ phụ trách kiểm tra các xã viên có lấy sai giống cây ăn quả hay không, có trồng giống cây ăn quả theo đúng như vị trí đã quy định hay không.
Đang bận rộn thì cô thấy Thất Thất và Cúc Hoa từ xa chạy đến, Đại hoàng đi theo sau cô bé, trên cổ có đeo một cái vòng hoa, bọn trẻ còn cầm xẻng, mấy đứa trẻ lớn thì xách giỏ, có đứa cũng mang vòng hoa.
Chu Thất Thất mặc chiếc áo khoác màu hồng, phía dưới là quần màu be, chân mang đôi giày vải màu be do Trương Thúy Hoa tự làm. Cô bé bện tóc hai bên, được thắt bằng cái nơ bướm đan bằng dây thừng màu đỏ mà Liễu Tú Nga đã tặng, làm cho khuôn mặt trắng như tuyết của cô bé càng thêm hồng hào và trắng nõn, đôi mắt to đen láy của cô bé nhìn ngó xung quanh.
Cô bé không đội vòng hoa.
“Mẹ… Tiểu Bát!” Cô bé gọi từ xa.
Mạc Như bỏ công việc của mình dẫn theo Tiểu Bát chạy đến đón, thấy bọn chúng đứa nào cũng mồ hôi ướt đầm đìa nên cô cầm khăn tay lau cho chúng: “Các con làm gì thế? Hôm nay không đi học à?”
Trong những ngày mùa bận rộn, đối với những đứa trẻ không giúp đỡ, không làm việc, còn nghịch ngợm cần người khác trông trẻ giúp thì các xã viên trong thôn nhất trí yêu cầu không cho bọn chúng được nghỉ ngơi, cho bọn chúng ở trong trường để giáo viên trông chừng.