Thập Niên 60: Làm Giàu, Dạy Con

Chương 106

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 106: Đều cho đi học

Ngoài mặt, Lâm Thanh Hoà luôn dạy Đại Oa không được đánh nhau, nhưng nó vẫn ngầm đánh, cô biết chứ nhưng giả đò không biết. Thứ nhất cô không muốn o ép con vào khuôn khổ quá mức, thứ hai cô hiểu con trai tuổi còn nhỏ rất thích đánh nhau phân cao thấp, thể hiện bản lĩnh “đàn ông”. Đánh nhau không gây thương tích thì cũng coi như một dạng vận động tăng cường sức khoẻ, phát triển cơ bắp, phóng thích năng lượng, giải toả căng thẳng.

Hơn nữa, Đại Oa trời sinh tính tình hào sảng, thành tích học tập rất tốt nên rất dễ kết giao bạn bè.

Vì thế đối với thằng nhóc này, cô không quá nghiêm khắc chỉ yên lặng quan sát từ xa.

Chị ba Chu liền nói: “Thật ra chị cũng có suy nghĩ cho Ngũ Ni nhà chị đi học.”

Lâm Thanh Hoà hơi bất ngờ rồi nói: “Tốt đấy.”

Nhóm cháu gái nhà họ Chu đều không có đứa nào được đi học. Ba đứa con gái nhà chị cả, hai đứa nhà chị hai và Chu Ngũ Ni nhà chị ba, tất cả đều không tới trường.

Cô biết nhưng không phải là con nhà mình nên rất khó mở miệng, cô chỉ có thể giáo dục chăm sóc thật tốt ba anh em Đại Oa thôi. Hôm nay nghe chị ba tâm sự, cô cực kỳ bất ngờ.

Chị ba Chu tìm sự đồng tình: “Thím cũng cảm thấy tốt hả?”

Lâm Thanh Hòa: “Tất nhiên là tốt rồi. Đọc sách sẽ giúp phát triển trí tuệ, bọn trẻ sẽ thông minh hơn. Tương lai sẽ rộng mở hơn, chứ không phải chỉ có duy nhất một con đường là cả đời bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Nói đâu trong thành chi cho xa xôi, chỉ nói độc trong Chu gia nhà mình thôi, ông bà nhìn trúng em làm dâu ngoài ngoại hình xinh xắn còn là vì nghe nói em biết đọc sách viết chữ đấy thôi.”

Chị ba Chu lại hỏi: “Thế một tháng học phí hết bao nhiêu?”

Lâm Thanh Hoà: “Không đắt, mấy đồng thôi. Chị với anh ba dư sức. Lo cho Ngũ Ni đi học đi, sau này nó trưởng thành nhất định sẽ cảm kích hai anh chị.”

Chị ba Chu cười nói: “Chị không cần nó cảm kích, chỉ mong sao nó sống tốt là chị vui rồi.”

Lâm Thanh Hoà gật đầu, đúng là thương thay tấm lòng cha mẹ, luôn hy vọng con gái sẽ được sung sướng, đương nhiên ngoại trừ ông bà Lâm.

Cuối cùng chị ba Chu quyết định cho Ngũ Ni đi học.

Khi Ngũ Ni nghe tin này nó sướng tới mức nhảy cẫng lên. Mà cũng chỉ có mình Ngũ Ni có được cái may mắn này thôi, các Ni khác trong nhà không được.

Chu Tam Ni mò về phòng tìm mẹ, chưa kịp mở lời đã bị chị hai Chu chặn họng: “Đọc sách viết chữ toàn là những thứ vô dụng. Nhìn xem trong thôn thiếu gì thanh niên trí thức đọc cho lắm sách vào rồi kết cục cũng phải xuống nông thôn trồng trọt đấy thôi?”

Một câu đủ sức phá nát chút tâm tư của Tam Ni.

Chị hai Chu quay qua oán than với chồng: “Vợ chú tư có tiền thích vẽ chuyện, giờ vợ chú ba cũng học theo, đây là cái thể loại gì không biết nữa?”

Anh hai Chu nghĩ sao nói vậy: “Nhà mình có phải không có tiền đâu, thừa sức nuôi Tam Ni với Lục Ni đi học mấy năm.”

Anh cũng nghĩ đi học không có tác dụng gì mấy nhưng cho mấy đứa con gái đi học mấy năm cũng được, ít nhất biết được cái chữ.

Chị hai Chu nhảy dựng lên: “Một đứa tôi còn không nghĩ cho đi, thế mà anh lại muốn cho cả hai đứa đi. Anh tưởng tiền từ trên trời rơi xuống hả. Cả cái thôn này có con gái nhà nào được đi học đọc sách không?”

Năm trước phân gia, bà Chu chia cho bao nhiêu tiền, chị hai Chu giữ chặt trong lòng bàn tay, đừng hòng ai lấy được một đồng một cắc nào.

Cái gì? Cho con gái đi học? haha. Chuyện nực cười, quá bằng đốt tiền, con gái nhà cô cứ ở nhà làm việc là được rồi, không có học hành cái gì hết.

Anh hai Chu thấy vợ nổi điên lên thì lại im lặng cho xong việc.

Chị cả Chu kiếm chị ba Chu âm thầm hỏi tại sao lại có ý tưởng cho Ngũ Ni đi học?

Chị ba Chu thật thà chia sẻ: “Có lần em thấy mẹ Đại Oa ở nhà tự đọc sách viết chữ. Em cảm thấy con gái mà biết được cái chữ cũng rất tốt.”

Thú thực là cô cực kỳ hâm mộ mẹ Đại Oa, chữ viết thanh thoát đẹp đẽ, nét nào ra nét đó, lại còn biết đọc bao nhiêu là sách. Cho nên từ lúc Đại Oa tới trường, lòng cô đã bắt đầu dao động rồi. Nhưng mà thời điểm đó cha mẹ chồng chưa cho phân gia cô không dám nói. Bây giờ đã phân gia ra rồi, cô làm đương gia, tất nhiên sẽ đưa con gái tới trường học lấy cái chữ.

Chị cả Chu bối rối cực kỳ: “Đi học có lợi như thế hả?”

Chị ba Chu: “Cái này thì em cũng không rõ, nhưng em đã hỏi qua mẹ Đại Oa rồi. Thím ấy nói cho con gái đi học biết chữ, sau này cũng dễ gả vào một nhà chồng tốt.”

Lời này thì chị cả Chu tán đồng, ngẫm lại con gái nhà cô cũng đã lớn, nếu bây giờ biết đọc sách viết chữ, sau này nhà chồng chắc chắn sẽ coi trọng con bé vài phần.

Chị cả Chu nói: “Thế chị đưa Đại Ni, Nhị Ni, Tứ Ni tới trường cùng học có được không?”

Ừhmm…Cái này….hơi khó nha, chị ba Chu đành nói: “Hay là chị đi hỏi mẹ Đại Oa đi.”

Chị cả Chu cũng cảm thấy thím tư có kiến thức hơn người cho nên đợi ngày hôm sau lúc Lâm Thanh Hoà sang Chu gia dùng máy may, liền nhân cơ hội hỏi thăm một chút.

Lâm Thanh Hoà cười: “Được chứ, cho mấy đứa Đại Ni đi học quá tốt ấy chứ. Nhưng mà anh chị tính toán cho mấy chị em nó đi học mấy năm?”

Chị cả Chu cười: “Biết được cái chữ là tốt rồi.”

“Vậy thì cứ cho học hai, ba năm trước đi. Chỉ cần lúc học tập trung chăm chỉ thì vẫn có thời gian đỡ đần công việc nhà cho cha mẹ.”

Chị cả Chu vui mừng rạng rỡ: “Mẹ Đại Oa, thím cũng tán thành hả?”

“Em tán thành hay không tán thành đều không quan trọng. Mấu chốt là phải xem chị cả nghĩ thế nào. Nhưng theo quan điểm của cá nhân em, em luôn ủng hộ việc con gái đi học. Hồi nhỏ em không có điều kiện nên phải chịu. Bây giờ nhà chị đã phân gia ra rồi, chị chính là đương gia.” Câu cuối cùng tất nhiên phải đè thấp giọng chỉ hai người nghe thấy.

Chị cả Chu gật gù, thím tư nói rất có lý.

Lúc còn bé, cha mẹ nghèo khổ chỉ mong có bữa ăn no là hạnh phúc rồi làm sao dám nghĩ tới chuyện đi học. Nhưng bây giờ cuộc sống đã khá giả hơn, nên tạo điều kiện cho con cái tới trường học đọc học viết cho bằng với người ta.

Lâm Thanh Hoà: “Đại Ni không còn nhỏ, đi học biết chữ chính là người có giáo dục có văn hoá. Về sau cũng có thể gả vào nhà có điều kiện tốt một chút.”

Chị cả Chu càng nghe càng thấy đúng. Sau đó liền đưa ra quyết định cho cả ba đứa con gái đi học. Nhưng mà vẫn phải giúp đỡ những chuyện lặt vặt, thỉnh thoảng vẫn phải đi đánh cỏ heo kiếm chút công điểm.

Nghe mẹ tuyên bố, Chu Nhị Ni, Chu Tứ Ni mừng muốn chết, riêng Chu Đại Ni lại có chút chần chờ: “Mẹ, tuổi con lớn thế này rồi liệu có đi học được không?”

Chị cả Chu: “Lớn gì mà lớn, năm nay mới mười bốn tuổi đầu. Đi học hai năm cho mẹ.”

Cô đã tính toán cả rồi, Đại Ni đi học hai năm, sau đó ở nhà bốn-năm năm là vừa hay tới tuổi xuất giá.Ngày đầu tiên của học kỳ mới, Đại Oa liền dắt các chị họ tới trường báo danh nộp học phí.

Tất nhiên Chu Thanh Bách phải đi theo để giải quyết vấn đề nhảy lớp của Đại Oa.

Cái gì? Con trai lớn nhà Chu Thanh Bách biết chữ? Nhỏ như thế mà đã đi học á? Lại còn nhảy lớp? Học lớp ba luôn????

Tin tức chấn động này rất nhanh lan ra khắp nơi, đi đâu cũng nghe người ta xì xào bàn tán.

Chu Đại Oa đắc ý dạt dào.

Vừa về đến nhà đã bị mẹ già giội ngay cho một gáo nước lạnh: “Cứ ở đó mà vênh váo đắc ý đi. May mà vượt qua khảo sát đậu lớp ba, nếu năm học này thành tích giảm sút. Để xem bây giờ có bao nhiêu người hâm mộ con, tới lúc đó có bấy nhiêu người cười nhạo con thối đầu.”

“Nhất định con sẽ đạt thành tích tốt!” Đại Oa nâng cao tinh thần, nói xong liền vào bàn giở sách nghiêm túc học.

Sau khi học thuộc lòng còn mang sách lại nhờ mẹ dò bài giúp. Không thể không công nhận, trí nhớ của thằng nhóc này tốt thật. Cả một bài văn dài như thế mà nó tập trung đọc bốn, năm lần là thuộc làu làu.

Không hổ danh tương lai trở thành nhân vật làm mưa làm gió.

Học thuộc văn, Đại Oa chuyển qua làm bài tập toán. Xong hết bài tập mới chạy đi chơi.

Lâm Thanh Hoà không cản, trước khi ra cửa còn cho nó một cái màn thầu táo đỏ ăn lót dạ.

Chu Nhị Oa vừa ăn màn thầu táo đỏ, vừa thở dài: “Mẹ, tới khi nào con mới được đi học ạ?”

Lâm Thanh Hoà biết ba thằng nhóc nhà này đều rất thông mình, không dễ lừa gạt nên chỉ có thể nghiêm túc trả lời: “Sang năm. Năm nay con ở nhà học theo anh trai đi, cái gì không hiểu thì hỏi anh, biết đâu đầu năm khảo sát con có thể trực tiếp nhảy lên lớp 2.”

“Dạ.” Chu Nhị Oa gật đầu cái rụp, hai mắt ánh lên sự quyết tâm.
Bình Luận (0)
Comment