Thập Niên 60: Làm Giàu, Dạy Con

Chương 165

Sách tiếng Anh ở thời này cực kỳ hiếm.

Chủ yếu là vì nội dung của những cuốn sách này thường bàn về chủ đề mẫn cảm. Nếu cô nhớ không lầm thì năm đầu tiên khôi phục thi đại học không yêu cầu tiếng Anh. Hình như từ năm thứ 2 trở đi mới thêm môn tiếng Anh vào. Theo trí nhớ của cô là như vậy còn tình hình cụ thể thế nào cô không chắc lắm.

Bây giờ có thời gian rảnh rỗi nên cứ học trước, sách cao trung cô đã học hết rồi, giờ kiếm thêm vài cuốn sách tiếng Anh học thêm cũng không tồi.

Mạng lưới quan hệ ở chợ đen của cô tương đối rộng.

Chỉ cần chịu ra tiền, cho dù đồ vật nhạy cảm tới đâu cũng vẫn có cách moi ra.

Rất nhanh đã có kết quả, một chồng sách ngoại ngữ xếp trước mặt Lâm Thanh Hoà. Ngoài sách tiếng Anh còn có vài quyển tiếng Nga.

Cô loại những quyển tiếng Nga ra vì mù tịt có biết chữ nào đâu, Tiếng Anh còn biết một ít, tuy nhiên nhiều năm không đụng tới cũng quên tương đối rồi.

Lâm Thanh Hoà chọn mua những cuốn sách giáo khoa Tiếng Anh. Tổng cộng tốn 10 đồng. Đắt vãi!

Người bán giải thích loại hàng này quá nguy hiểm cho nên phải chịu giá cả cao hơn những mặt hàng khác.

Hoàn thành giao dịch, Lâm Thanh Hoà trực tiếp cất sách vào trong không gian riêng. Đồ này phải thật cẩn thận, lỡ may bọn nhóc con nhìn thấy rồi ra ngoài nói lung tung là to chuyện chứ chẳng chơi.

Xong việc, Lâm Thanh Hoà lại đi tới nhà bà khách quen để bán thịt heo.

Bà già tươi cười rạng rỡ: “Cô gái, thịt heo cháu bán toàn loại ngon.”

Lâm Thanh Hoà: “Cháu ưu tiên bà nhất đấy. Có miếng nào ngon là để riêng ra phần bà.”

Bà sung sướng, nụ cười kéo tận mang tai, vừa móc tiền trả vừa thì thầm: “Sắp tới cháu đừng lại đây nữa. Cả chợ đen bên kia cũng đừng đi nữa. Nên án binh bất động một thời gian. Hiện tại bên ngoài có chút bất ổn.”

Từ ngày quen biết cô gái bán thịt này, bữa cơm nhà bà được cải thiện đáng kể cho nên bà rất vui lòng bán nhân tình cho người này.

Không chỉ có thịt mà còn cả lương thực. Nhớ mùa đông năm ngoái, cô gái bán cho nhà bà mấy chục cân lúa mạch, còn có hơn 50 cân khoai lang, đây toàn là thứ khó mua được ở huyện thành.

Quý nhất là cô gái làm ăn rất đẹp, không chén ép nâng giá cho nên bà rất hy vọng có thể tiếp tục kéo dài mối quan hệ này.

Lâm Thanh Hoà gật đầu: “Cám ơn bà đã nhắc nhở.”

Sau khi thu tiền, cô đạp xe rời đi.

Hôm nay không cần mua bán thêm gì cho nên cô liền về thẳng nhà.

À, trên đường về tạt qua công xã một chút, tiện thể mua nửa rổ trứng gà.

Về tới đầu thôn, cô lặng lẽ lấy thêm một ít đồ đạc từ trong không gian riêng bỏ vào rổ.

Số trứng gà cô mang từ tương lai tới đã hết sạch, phải vất vả lắm mới gom được một rổ ở chợ đen. Bây giờ tình hình lại gắt gao hơn, ăn hết rổ này chỉ còn nước nhịn, đợi tới khai xuân, gà mái tiếp tục đẻ trứng thì mới mong có trứng gà mà mua thêm.

Về tới nhà, cô đi thẳng vào bếp nấu cơm.

Đầu tiên cô đập một quả trứng vào chén, chia làm hai phần, đổ nước sôi vào làm canh trứng hoa rồi ra cửa hô to.

Rất nhanh thằng nhóc Tam Oa đã chạy về.

Người thì bé nhất nhà nhưng kỹ thuật nịnh nọt sắp đạt tới trình độ thường thừa. Nó cười híp mắt: “Yeah! Mẹ về rồi, mẹ đi đường có vất vả không ạ?”

Mấy lần bị mẹ quở trách chỉ nhớ tới đồ ăn mà không biết thương mẹ cho nên nó đã rút kinh nghiệm. Hễ thấy mẹ đi đâu về là cái miệng dẻo quẹo hỏi han quan tâm mẹ trước.

Lâm Thanh Hoà gật đầu nói: “Ừ, rất vất vả đó con trai.”

Tam Oa cười toe toét: “Mẹ gọi con về có việc gì thế ạ?”

Lâm Thanh Hoà: “Hôm nay không có kẹo sữa, mẹ làm cho con chén canh trứng hoa, ăn không?”

“Dạ ăn.” Nô nãy giờ, da bụng dính cả vào da lưng rồi, tất nhiên là ăn chứ.

Lâm Thanh Hoà nói: “Chạy đi gọi bà nội đi bảo bà bế em sang đây ăn, mẹ cũng làm cho Tiểu Thành một phần.”

Tam Oa liền nói: “Không cần đâu. Nó ăn canh khoai lang của bác cả gái rồi, làm gì còn bụng ăn thêm gì nữa.”

Lâm Thanh Hoà hỏi: “Ăn lúc nào?”

Tam Oa: “Ăn cùng lúc với con á.”

Lâm Thanh Hoà đánh giá chắc là lúc cô bắt đầu đi ra ngoài: “Cũng lâu rồi còn gì, chắc tiêu hoá hết rồi. Con cứ đi hỏi bà nội đi.”

Tam Oa liền chạy sang Chu gia. Lát sau đã thấy nó hồng hộc chạy về, phía sau là bà Chu ẵm Tô Thành.

Lâm Thanh Hoà đưa chén canh trứng hoa để bà Chu đút cho Tô Thành.

Bà Chu nói: “Nhà mình không còn nhiều trứng gà.”

Lâm Thanh Hòa thuận miệng đáp: “Không sao, con mới mua thêm một rổ nữa.”

Nói rồi cô bắt đầu ủ bột để tí làm mì.

Trưa nay sẽ ăn mì sợi trộn với sốt trứng.

Tô Thành đã ăn no, bà Chu để nó chơi với Tam Oa còn mình đi vào bếp hỗ trợ con dâu nấu nướng.

Bà Chu: “Thanh Hoà à, Đại Oa nhà mình năm nay mới lên 9 mà đã học lớp 5, liệu có nhanh quá không?”

Lâm Thanh Hoà: “Học kỳ sau lận, cũng không tính là quá nhanh.”

Năm nay đã là năm 73, tính cả năm nay thì chỉ còn 5 năm nữa là nhà nước cho khôi phục thi đại học.

Giờ Đại Oa đang học học kỳ hai năm lớp bốn. Còn 1 năm lớp năm, 2 năm sơ trung(), 2 năm cao trung(*). Nếu cứ theo đà này thì vừa kịp thi tuyển Đại học năm đầu tiên.

(*) Sơ trung: Cấp 2

(**) Cao trung: cấp 3

Lâm Thanh Hoà rất sát sao tình hình học tập của Đại Oa. Đặc biệt là mùa đông rảnh rỗi, ngoài những lúc ra ngoài tản bộ chơi đùa thì mấy mẹ con rất nghiêm túc học tập.

Mới đầu cô còn tính cổ vũ Đại Oa tiếp tục nhảy lớp tuy nhiên nghĩ đi nghĩ lại tuổi con còn nhỏ, dục tốc bất đạt nên thôi.

Năm đầu tiên khôi phục thi đại học, quy chế còn lỏng lẻo, không biết cô có thể thi chung trường với con trai không nhỉ?!

Nhóm thí sinh đầu tiên chắc chắn tuổi tác sẽ lớn hơn Đại Oa nhà cô rất nhiều, thậm chí họ có con trai bằng tuổi Đại Oa ấy chứ.

4-5 năm nữa, Đại Oa lên 13-14 tuổi, xét theo tình cách của nó thì ra đường không sợ bị người bắt nạt

tuy nhiên tâm tình bậc làm cha làm mẹ luôn lo lắng cho con cái, cô không muốn để con một thân một mình đi học xa xôi.

Bà Chu: “Mẹ thấy mấy đứa học lớp 5 toàn 15-16 tuổi thôi.”

Đây là lời nói thật, giáo dục thời này vẫn còn bị xem nhẹ, mười tuổi trở ra mới lục túc cắp sách tới trường, nói đâu xa Đại Ni nhà này chứ ai.

Nhưng mà nó nghỉ học rồi, chỉ theo học một năm đầu cho biết cái chữ với ngươi ta thôi, không học lên nữa. Nhà đông anh em nặng gánh, muốn đi học lắm nhưng lực bất tòng tâm!

Lâm Thanh Hoà trong lòng lo lắng nhưng ngoài miệng lại nói lời an ủi mẹ chồng: “Mẹ cứ yên tâm, dựa vào tính cách Đại Oa nhà mình, dù đi tới đâu thì cũng thuận lợi cả thôi.”

Bà Chu nghe con dâu nói vậy thì nhẹ lòng ngay, bà mỉm cười: “Mẹ chỉ lo học cao trung là phải lên tận trường trên huyện thành. Đường xá xa xôi, khổ thân thằng bé.”

“Cái này thì có gì đáng lo, thanh niên trai tráng càng rèn luyện càng cứng cỏi. Con nghe Thanh Bách kể hồi anh ấy bằng tuổi Đại Oa đã theo người lớn đi luyện thép rồi.” Nhắc đến ông xã, Lâm Thanh Hoà không tự chủ nở một nụ cười ngọt ngào.

Tuy rằng trong mắt cô việc đó chính là tốn công vô ích nhưng anh với cô không giống nhau. Anh mang chủ nghĩa tập thể cao quý. Cô xem trọng chủ nghĩa cá nhân tự tư tự lợi, tốt thì tới, xấu thì chạy, trời sinh xu lợi tị hại (*)

(*) xu lợi tị hại: Là một thành ngữ Trung Quốc ý chỉ thói đời, gặp việc lợi thì hăm hở chạy tới, thấy việc hại thì tránh cho xa.
Bình Luận (0)
Comment