Bạch Nguyệt Quý vẫn luôn có một thắc mắc, đó là bố mẹ “cực phẩm” của cô trong thế giới tiểu thuyết này từ đầu đến cuối chưa từng xuất hiện trước mặt cô. Điều này khiến cô vô cùng kinh ngạc.
Kiếp trước, bố mẹ cô thì khỏi cần nói, yêu thương cô vô điều kiện. Cô lớn lên trong một môi trường đầy đủ, được bao bọc và chăm sóc rất tốt.
Nhưng kiếp này thì hoàn toàn khác.
Do nhân vật trong thế giới sách được thiết lập như vậy, họ tuy mang gương mặt giống hệt bố mẹ cô kiếp trước, dù gì cũng là em họ mô tả lại, nhưng Bạch Nguyệt Quý rất rõ, cả về lý trí lẫn cảm xúc, rằng… họ không phải bố mẹ cô.
Cho nên, để cô chủ động đến gần họ, điều đó là không thể.
Dĩ nhiên, nói thế nào thì họ cũng là người đã nuôi dưỡng cô ở thế giới này, điều đó không thể phủ nhận, nên Bạch Nguyệt Quý vẫn luôn chờ.
Hạt Dẻ Rang Đường
Chờ họ chủ động tìm đến, đến lúc đó sẽ nói chuyện rõ ràng.
Vì không thể thật sự vứt bỏ hoàn toàn được.
Dù sao họ có là “bố mẹ cực phẩm”, thì cũng có những chuyện không thể tuỳ tiện hành xử.
Nhưng điều khiến cô bất ngờ nhất là đã đến năm 2000 rồi, mà họ vẫn chưa một lần xuất hiện trước mặt cô.
Phải biết, năm 2000 là lúc danh tiếng của Chu Dã đã vang xa. Khi đó, anh đã thực sự là một ông trùm bất động sản đúng nghĩa.
Năm đó, tivi gần như đã phổ cập, anh cũng từng xuất hiện trên truyền hình rất nhiều lần trong các buổi phỏng vấn.
Dù bố mẹ cô có không biết mặt chàng rể ở quê, thì ít nhiều gì cũng sẽ nghe người khác nói đến.
Nhất là còn có nữ phụ độc ác Mã Quyên.
Tuy sau này hai mẹ con nhà cô ta như bốc hơi khỏi nhân gian, nhưng cô biết rõ, lúc đầu Mã Quyên từng mang con về quê.
Với tính cách của cô ta, sao có thể không kể với bố mẹ rằng Bạch Nguyệt Quý đã thi đậu đại học ở thủ đô?
Không thể nào!
Vì vậy suốt những năm qua, Bạch Nguyệt Quý vẫn luôn chờ họ đến.
Chờ xem họ sẽ đến thế nào, rồi lúc ấy sẽ có cách đối phó.
Kết quả là… họ thật sự không đến.
Dù hai người đó đã ly hôn, thì cũng không lý nào lại tuyệt giao đến mức này, hoàn toàn không hợp với thiết lập “bố mẹ cực phẩm” trong tiểu thuyết.
Mãi đến một lần nói chuyện với Chu Dã, cô nhắc đến chuyện này, Chu Dã mới không giấu giếm nữa mà nói thật.
Thì ra không phải bố mẹ “cực phẩm” đó chưa từng tìm đến cô.
Dù là bố hay mẹ, cả hai đều đã từng đến tìm.
Dù đã ly hôn, nhưng họ vẫn thống nhất một chuyện: muốn Bạch Nguyệt Quý chu cấp cho họ.
Thế là hai người cùng đến thôn Ngưu Mông để hỏi thăm.
Lúc đó là vào khoảng giữa những năm 80, trong nhà từ lâu đã lắp điện thoại, Chu Dã còn đặc biệt để lại một cái cho đội trưởng Lý.
Vì họ là bố mẹ ruột của Bạch Nguyệt Quý, mà họ đến hỏi, đội trưởng Lý sao nỡ không cho số điện thoại?
Ai mà chẳng biết Chu Dã phát tài là nhờ lấy được vợ giỏi, mà vợ anh ấy còn một hơi sinh liền bốn đứa con trai cho nhà họ Chu.
Chỉ riêng chuyện này thôi cũng đủ khiến người ta không thể làm ngơ, không thể không cho số điện thoại.
Có được số rồi, họ liền gọi tới.
Lúc đó Chu Dã tình cờ đang ở nhà, nhận được điện thoại liền bảo hai người họ chờ ở thành phố, anh sẽ quay về gặp mặt.
Còn về chuyện đến tận thủ đô ư? Không cần thiết.
Chu Dã hiểu rõ từ trong lời vợ mình, cô không thích cặp bố mẹ này. Từ lúc kết hôn đến giờ, trừ khi bắt buộc, cô chưa từng chủ động nhắc đến họ.
Nếu hai người đó tới tận nơi, e rằng sẽ khiến vợ anh khó chịu.
Thế nên anh bảo họ cứ chờ ở thành phố, anh sẽ quay về một chuyến.
Đi lên tận thủ đô, vừa tốn tiền tàu xe vừa mất thời gian, thế là hai người họ đồng ý chờ ở đó.
Nhìn cách nói chuyện và khí chất của người đàn ông này, ai cũng hiểu: người này không dễ dây vào.
Chu Dã vừa xuất hiện, chưa cần nói nhiều, đã đủ khiến đôi vợ chồng kia bị áp đảo hoàn toàn.
Trải qua rèn giũa ở miền Nam, lăn lộn ở Tây Bắc, Chu Dã không phải là loại tiểu thương dễ bị dắt mũi.
Nếu không phải vì họ là bố mẹ của vợ anh, anh thật chẳng buồn tốn lời.
Nhưng dù sao họ cũng là người đã sinh và nuôi dưỡng vợ anh, nên vẫn phải có chút trách nhiệm.
Chỉ là — muốn biến anh thành “con bò béo” để vắt đến tận xương tủy thì đừng mơ.
Lương của người bình thường là bao nhiêu, thì mỗi tháng anh cũng chỉ chu cấp cho họ đúng chừng ấy.
Vào giữa những năm 80, mức lương trung bình khoảng năm sáu chục đồng một tháng, nên mỗi tháng Chu Dã sẽ gửi cho mỗi người trong hai “phụ huynh cực phẩm” sáu mươi đồng tiền sinh hoạt phí.
Vì bận rộn, không có thời gian chạy đi chạy lại, nên anh một năm sẽ thanh toán một lần, đưa đủ luôn cả năm.
Về sau những năm khác cũng đều làm như vậy.
Còn nếu muốn đòi nhiều hơn? Không có đâu. Hoặc nếu định mò lên thủ đô để gây chuyện, thì cứ thử xem có dám làm loạn ở đây được không?
Khi họ đến quê, cũng đã cẩn thận dò hỏi về người con rể này là hạng người gì rồi, người từng vào tù ra tội, đâu phải loại dễ bắt nạt?
Thế nhưng dù là như vậy, nghĩ rằng họ sẽ từ bỏ hay chịu yên thân sao? Không đời nào.
Tất nhiên, mấy năm đầu thì quả thực họ khá yên phận.
Khi mức lương xã hội tăng lên, Chu Dã cũng điều chỉnh khoản chu cấp tương ứng cho họ.
Chính vì thế, sau khi mỗi người lập lại gia đình riêng, cuộc sống cũng khá ổn.
Dù sao thì mỗi năm Chu Dã cũng đưa cho họ một khoản lớn tiền chu cấp một lần, số tiền đó thật sự rất đáng kể.
Nhưng rồi thời thế thay đổi, đến giai đoạn làn sóng sa thải công nhân tràn đến.
Hai người họ sau khi ly hôn đều đã có gia đình mới, dù họ có “không màng vật chất”, thì trong nhà cũng có người khác, mà khi thói quen tiêu xài đã hình thành, làm sao có thể dễ dàng hài lòng với mức chi tiêu cũ?
Ban đầu, nhờ có tiền lương cộng với khoản trợ cấp của con rể, cuộc sống còn rất khá.
Nhưng giờ bị sa thải, thu nhập giảm mạnh, mọi chuyện thay đổi hoàn toàn.
Huống hồ, họ còn đi điều tra xem rể quý có kiếm ra tiền không.
Kết quả đúng là kiếm ra rất nhiều, kiếm cực kỳ nhiều.
Thế là họ lại gọi điện.
Phải biết, đứa con gái “bất hiếu” đó của họ cũng quá đỗi giỏi giang, một lần sinh liền hai cặp song sinh, bốn đứa cháu ngoại!
Nếu ngày xưa giữ lại ở nhà làm rể thì tốt biết bao?
Vậy mà con bé đó lại xuống nông thôn, mấy chục năm qua chưa từng về thăm lấy một lần.
Đối với người ngoài thì tốt lắm, nhưng với bố mẹ ruột lại tàn nhẫn đến thế!
Chu Dã là người thế nào chứ?
Vừa nghe giọng là biết ngay họ định nói gì, nên lần đó cũng tăng thêm một khoản nữa.
Lúc đó đã là đầu thập niên 90, anh đang bận kiếm vàng ở đảo Hải Nam, làm gì có thời gian tranh cãi với họ?
Với anh lúc đó, mấy đồng tiền ấy chẳng đáng là bao, nên anh hào phóng cho thêm.
Cũng chính vì vậy mà hai người đó lại tưởng anh dễ bị bắt nạt.
Lúc thì hớn hở nhận tiền, miệng hứa sẽ không làm phiền nữa, vậy mà chưa đến nửa năm sau lại nhắn tin qua máy nhắn tin để… đòi tiền tiếp.
Phải biết, lần trước Chu Dã đã chu cấp theo mức lương gấp đôi.
Lương bình quân đầu thập niên 90 là khoảng 100 đồng/tháng, một năm là 1.200. Anh trả gấp đôi là 2.400 đồng/năm/người.
Hai người là 4.800 đồng.
Mà vào thời đó, đây tuyệt đối là một khoản tiền khổng lồ.
Thế mà chưa tới nửa năm sau đã lại tìm đến vòi thêm.