[Thập Niên 70] Tiểu Thợ May Xinh Đẹp

Chương 16

Ông thợ may cũng lười nói nhiều, ông bắt đầu giảng từ cách xuyên kim, cũng không ngừng nghỉ giữa chừng để người ta có thời gian tiêu hóa và ghi nhớ. Trên tay vừa thao tác vừa giải thích đơn giản, nói nhiều thêm một chữ cũng không chịu.

"Luồn chỉ như thế này, dùng sợi chỉ bên trên để dẫn sợi bên dưới ra khỏi lỗ kim, xếp thẳng lại hai sợi chỉ trên dưới rồi đưa vải muốn may vào, sau đó hạ tấm ép xuống. Xoay bánh xe bên phải, đồng thời dùng chân đạp bàn đạp, máy may sẽ bắt đầu xoay. Lúc quay bánh xe thì chỉ có thể đẩy lên, không thể lùi ngược lại, nếu không sẽ bị đứt đường chỉ.”

Dạy xong, ông ấy cũng không hỏi Nguyễn Khê có nghe hiểu không, có nhớ không. Ông ấy trực tiếp rút hết chỉ trên máy may ra, đứng sang một bên nói: "Tới nào, vua trâu bò thông minh tuyệt đỉnh.”

Nguyễn Khê: "..."

Cô thành vua trâu bò rồi?

Cô khẽ nín thở, không so đo nhiều với lão thợ may, trực tiếp đi tới ngồi trước máy may, nắm đầu sợi chỉ rồi luồn qua, sau khi luồn qua thì dễ dàng rút ra được sợi bên dưới, lại đặt một miếng vải vụn lên rồi buông tấm ép xuống, giẫm ra một đường may thẳng tắp.

Ban đầu vẻ mặt của ông thợ may cũng không bằng lòng lắm, ông ấy đoán Nguyễn Khê sẽ không học được. Nhưng nhìn thấy Nguyễn Khê rút ra được sợi chỉ bên dưới rồi giẫm ra được đường may, biểu cảm trên mặt ông ấy chậm rãi cứng đờ, thậm chí còn nheo mắt lại.

Ông ấy đã dùng phương thức như vậy để dạy không ít học trò, trong mười học trò thì có ba người không nhớ được cách luồn chỉ, có năm người không rút ra được sợi bên dưới, có chín người vừa giẫm lên bàn đạp đã đứt chỉ, còn lại một người thì không giẫm ra được một đường may ngay ngắn ổn thỏa.

Ông ấy là một người thiếu kiên nhẫn, tính cách lại xấu, vì vậy chưa dạy ra được một học trò nào.

Ông ấy không chịu nổi sự lóng ngóng của bọn họ, cũng không có kiên nhẫn cầm tay chỉ bảo, những người đó thì không chịu được cái miệng cay nghiệt và tính cách kì lạ vô cớ của ông ấy. Dạy học không tốt thì thôi, trong miệng còn không nói được một câu dễ nghe.

Ông ấy nghĩ Nguyễn Khê cũng giống như những người đến bái thầy lúc trước, nhưng không ngờ cô thật sự xem một lần là học được.

Ánh mắt ông ấy toát lên vẻ nghi ngờ: "Có phải con nhóc nhà con đã học qua rồi không?”

Nguyễn Khê thẳng lưng nhìn ông ấy, ánh mắt lộ ra ý cười: "Đương nhiên là chưa ạ, núi Phượng Minh chỉ có một tiệm may này, chỉ có mình thầy là thợ may, và cũng chỉ có một cái máy may này, con học với ai chứ?”

Nói cũng đúng, tuy nói núi Phượng Minh có mười mấy thôn, nhưng chỉ có một mình ông ấy làm thợ may.

Tay nghề may của ông ấy là do tổ tiên truyền lại, trước khi cải cách đã dựa vào nghề này để kiếm cơm, nhưng không có ai nghiêm túc mở cửa tiệm. Sau khi cải cách, ông ấy thương lượng với công xã để chính thức mở một tiệm may. Cửa tiệm này xem như là của Nhà nước, nhưng do một mình ông ấy quản lý, dù sao người khác cũng không hiểu.

Thấy ông ấy không nói lời nào, Nguyễn Khê cười hỏi: "Thế nào? Con thông minh đúng không?”

Ông thợ may hừ cười một tiếng: "Còn không phải nhờ thầy dạy tốt à.”

Nguyễn Khê mỉm cười không nói gì.

Mặt trời lặn về phía tây, ngọn núi ngược chiều ánh sáng.

Bóng người bị kéo dài dưới nắng chiều trên con đường nhỏ chật hẹp.

Đạt được mục đích, Nguyễn Trường Quý đón Tôn Tiểu Tuệ về nhà, vừa leo núi vừa nói với bà ta: "Cha mẹ đồng ý cho chúng ta chia nhà rồi, hôm nay đã tìm Cao Võ tới xây bếp. Khi nào bếp xây xong thì đặt nồi, bát, bàn ghế vào, rồi lại chia những thứ khác cho chúng ta một nửa, chia nồi ăn cơm.”

Trong lòng Tôn Tiểu Tuệ vô cùng vui vẻ, ngoài miệng thì nói: "Tôi đã trở thành tội nhân nhà ông rồi, không biết cha mẹ ông nói sau lưng tôi thế nào nữa. Nhưng để mẹ ông bắt được nhược điểm, trước kia đã không muốn gặp tôi, sau này sẽ lại càng không có sắc mặt hòa nhã cho tôi nhìn.”

Nguyễn Trường Quý không để ý: "Bà cứ xem như không thấy là được rồi.”
Bình Luận (0)
Comment