Khi cô định mở cửa sân, thím Trần đang dìu bà Dung ra ngoài.
Nhìn thấy cô, thím Trần nói: "Hiểu Hiểu đã về rồi à, đúng lúc đấy, cháu có nghe thấy không? Kế toán Viên bảo các cháu qua đó một chuyến."
Trước đây, bà Dung không tham gia vào những việc này.
Dù bà muốn tham gia cũng không thể, vì mắt không nhìn thấy. Ở nhà thì bà có thể di chuyển tự do, nhưng một khi ra khỏi cửa, bà lại không tìm được hướng.
Vì vậy, phần lớn thời gian bà đều ở một mình trong nhà.
Bây giờ mắt bà đã tốt hơn.
Nghe thấy tiếng loa, bà Dung muốn đi một chuyến.
Lo sợ mình không tìm được đường, bà còn nhờ người chị em thân thiết dẫn đi cùng.
"Không cần đâu, mọi thứ cháu đã lấy về rồi."
Dung Hiểu Hiểu giơ lên chiếc phong bì trong tay, mở miệng, cuối cùng cũng nói: “Chuyện thư từ đã được làm rõ, những bức thư bị mất cũng đã tìm lại được một số, đây đều là những thư gửi cho ông nội."
"Bố cháu gửi thư suốt những năm qua à?" Bà Dung vội hỏi.
Dung Hiểu Hiểu dừng lại một chút: “Không chỉ có vậy, còn có bác cae nữa."
"Bác cả?!" Bà Dung mở to mắt, đột nhiên có chút khó thở.
"Bà chị đừng nóng vội, hãy hít thở đều." Thím Trần bị dọa một cái, cùng với Hiểu Hiểu đỡ người vào trong sân.
Vừa ngồi xuống, bà Dung đã nóng lòng nói: "Hiểu Hiểu, có tin tức từ bác cả của cháu sao? Ông ấy còn sống phải không?"
Không kịp quan tâm đến hơi thở gấp gáp, bà vội nói: "Hiểu Hiểu, cháu mở thư ra xem bên trong viết gì."
"Được, cô hai đừng quá lo lắng, chúng ta hãy uống chút nước trước, sau đó cháu sẽ đọc thư cho cô hai."
Dung Hiểu Hiểu nhận lấy cốc nước thím Trần đưa, cho cô hai uống nước rồi mới mở phong bì.
Các phong bì đều đã được mở ra.
Cô đổ những tờ thư ra, phát hiện bên trong còn có một con tem chưa sử dụng.
Rõ ràng là bác cả cố ý để vào đó, hy vọng có người trong nhà cũng gửi lại cho ông một lá thư.
Lo lắng người nhà không mua nổi tem, nên đã chu đáo gửi kèm một con.
Cô không mở tờ thư ra để đọc ngay.
Thay vào đó, cô lại xem xét hai lá thư khác, không ngạc nhiên khi từ bên trong cũng rơi ra hai con tem chưa sử dụng.
"Anh cả từ nhỏ đã là người lo lắng cho mọi người."
Bà Dung cũng hiểu, không khỏi thở dài: "Chỉ lớn hơn cô hai ba tuổi, đã cảm thấy mình có trách nhiệm chăm sóc cho em trai và em gái..."
Bấy nhiêu năm qua, bà vẫn nhớ rõ quãng thời gian chạy nạn đói kém.
Gia đình gần mười mấy người, cuối cùng chỉ có mình bà trở về thôn Hồng Sơn.
Những người lớn tuổi lần lượt qua đời, lại giữa chừng lạc mất em trai, quãng đường cuối cùng là anh trai luôn chăm sóc cho bà, thức ăn tìm được luôn là dành cho bà ăn trước, còn bảo vệ bà không bị người khác ức hiếp.
Thật đáng tiếc cuối cùng vẫn là lạc mất nhau.
Một lần lạc mất là gần ba mươi năm rồi.
Dung Hiểu Hiểu trước tiên xem qua ba bức thư.
Mỗi bức thư chữ viết đều không giống nhau, rõ ràng là bác cả đã nhờ người khác viết hộ.
Đợi xem xong, mới đọc cho cô hai nghe.
Nội dung trong thư không nhiều, chỉ sơ lược về hoàn cảnh của mình, sau đó hỏi thăm họ thế nào, và cuối thư mong chờ nhận được thư hồi âm.
Nhìn vào địa chỉ được đánh dấu nổi bật trên thư.
Bác cả đi xa hơn cả ba, chạy nạn đến phương Nam, sau đó an cư tại một nơi nhỏ.
Sau khi an cư lạc nghiệp, bác cả đã gửi bức thư đầu tiên.
Không nói chi tiết về những khó khăn trên đường đi, chỉ dùng một câu tóm lược, trên thư toàn là những lời an ủi gia đình.
Còn nói rằng mình may mắn, có thể an cư tại xứ người.
Nghe đến đây, trên mặt bà Dung không hề có chút nụ cười nào.
Rõ ràng cũng không tin những lời an ủi này, mà hỏi: "Hiểu Hiểu, địa chỉ bác cả cháu viết rõ không? Có thể gửi thư đến đó không?"
"Có thể." Dung Hiểu Hiểu gật đầu: “Có địa chỉ là có thể gửi, chỉ là..."
"Cô hiểu, cô hiểu." Bà Dung liên tục gật đầu, bà đâu không hiểu ý trong lời Hiểu Hiểu.
Thư có thể gửi đi, chỉ là không biết anh trai có nhận được không.
Bà khàn giọng nói: "Dù anh trai không nhận được, người nhà anh ấy cũng sẽ nhận được."
Dung Hiểu Hiểu tiếp lời: "Đúng, miễn là họ không chuyển nhà, thì dù sao cũng sẽ nhận được thư hồi âm."
Trong bức thư, bác cả nói rằng mình đã lập gia đình.
Chừng nào địa chỉ vẫn như cũ, rõ ràng là có thể nhận được thư.
Khoảng thời gian giữa ba bức thư khá dài.
Hai bức đầu cách nhau không đến một hai năm, có lẽ vì không nhận được thư hồi âm, nghĩ rằng nhà không còn ai nữa nên đã ngừng gửi thư.
Nhưng sau mười năm, bất ngờ lại nhận được một bức thư nữa.
Nội dung trong thư không khác gì trước đây, nhưng vẫn khiến người ta liên tưởng đến điều gì đó không tốt.
Tuy nhiên, Dung Hiểu Hiểu không hề biểu lộ điều này.
Cô mở lời: "Vậy cô hai bây giờ hãy viết thư hồi âm cho bác cả, chờ đến sáng mai cháu sẽ đi gửi thư ở thị trấn."