Chương 493: Số sáu đường Severn 1
Khi Dịch Gia Di dẫn Từ Thiếu Uy đi phỏng vấn căn biệt thự số năm đường Severn thì Phương Trấn Nhạc theo vào cửa, anh mượn chủ nhà điện thoại gọi về cục cảnh sát Central hỏi tiến độ mới, manh mối mới sau khi làm khảo sát lần hai, rồi lại gọi điện về văn phòng tổ trọng án B Tây Cửu Long nhưng không ai nghe máy, xem chừng Tam Phúc và Gary vẫn đang tiếp tục tra tìm các tiệm bán chiếc áo tây trang kia.
Sau khi mượn dùng điện thoại, anh khoanh tay đứng bên cạnh sô pha nhìn Dịch Gia Di và Từ Thiếu Uy đặt câu hỏi, sau đó cũng không tham gia vào nữa mà quay người đi ra khỏi biệt thự, quan sát địa hình trước và sau khu cộng đồng biệt thự.
Khoảng hai mươi phút, Dịch Gia Di lại dẫn Từ Thiếu Uy đi vào căn biệt thự số sáu đường Severn.
Vẫn chỉ có nữ chủ nhân và hai người giúp việc nữ ở nhà, khi người giúp việc nữ mở cửa, bà Triệu đang vẽ tranh hoa cỏ trong sân, nhìn thấy các thám tử vào cửa, bà ta mới đứng dậy, đặt cọ vẽ tranh sơn dầu xuống, vừa nhận khăn tay ẩm mà người giúp việc nữ đưa cho mình để lau màu trên tay vừa ra đón hai vị thám tử.
Bà Triệu mặc một bộ sườn sám lửng tay màu gạo, khoác khăn choàng màu nhụy hoa nghệ tây, mái tóc dài xõa tung, là một người đẹp trưởng thành nhã nhặn.
Dịch Gia Di và Từ Thiếu Uy được mời vào trong phòng khách, căn phòng được phối giữa màu gạo nhạt và màu trắng có thể nói là nguy nga lộng lẫy, nhưng cũng tao nhã thoải mái và có quý khí.
Chỉ quan sát qua cách trang trí và sắp xếp vài lần, Dịch Gia Di đã xác định bà Triệu là một người rất có gu thẩm mỹ, hơn nữa điều hiếm có ở đây là trà mà nhà họ Triệu dùng để tiếp khách không phải hồng trà kiểu Anh mà là trà hoa tới từ đại lục, tuy rằng Dịch Gia Di đã rót đầy một bụng trà nhưng vẫn không nhịn được mà uống thêm vài hớp.
Hương hoa nhài phả vào mũi, khi uống vào miệng trong mùi thơm nhẹ còn lộ ra vị ngọt vô cùng nhẹ nhàng, sau đó mới nếm được vị đắng của trà, nhưng sau khi nếm cẩn thận lại có vị ngọt, thật đúng là trà ngon.
Sau khi hai bên ngồi xuống, Dịch Gia Di còn chưa lấy bức ảnh ra thì bà Triệu đã hơi nhíu mày, dẫn đầu mở miệng hỏi: “Có phải chồng tôi đã gây ra họa gì rồi không?”
Dịch Gia Di vừa nghe đã cảm thấy có biến, cô quay đầu đối diện tầm mắt với Từ Thiếu Uy một cái, sau đó đối phương lập tức rút bức ảnh ra đưa cho bà Triệu nhìn, cũng học theo cách hỏi trước đó của Dịch Gia Di mà lên tiếng hỏi: “Xin hỏi chiếc áo này là của ông Triệu sao?”
Bà Triệu nhìn vẻ mặt của Từ Thiếu Uy trước rồi mới nhận lấy bức ảnh và cúi mắt quan sát, sau khi nhìn cẩn thận, bà ta lại nâng mắt lên liếc nhìn Dịch Gia Di, khi ấy vẻ mặt đã nghiêm túc thậm chí là nặng nề hẳn đi.
Một chiếc áo khoác tây trang có vết máu và vết dao rạch chứng minh cho điều gì thì cũng không cần phải nói nhiều nữa.
“Đợi một chút.” Sau khi bà Triệu đặt tấm ảnh xuống bèn đứng dậy thuận theo cầu thang đi lên tầng hai, khoảng năm phút sau mới trở về, sắc mặt lại trở nên càng nặng nề hơn vài phần.
Bà ta đi đến bên cạnh bàn rồi ngồi về chỗ, cầm bức ảnh lên xác nhận lại một lần nữa, sau đó mới ngẩng đầu đáp: “Chồng tôi quả thật có một chiếc áo tây trang như thế, vừa rồi tôi đã kiểm tra qua tủ quần áo nhưng nó không nằm trong tủ nữa, rất có khả năng là được chồng tôi mặc đi rồi. Xin hỏi đã xảy ra chuyện gì sao? Chiếc áo này được phát hiện trên người chồng tôi hay là bị người khác mặc đi, hoặc là…”
Nói được một nửa, bà ta đã ý thức được đây chỉ là tự an ủi bản thân mà thôi. Loại áo như tây trang này vừa không có khả năng cho người khác mượn cho lắm, vừa không quá có khả năng bị cướp, nếu bên trên nó xuất hiện lỗ máu vậy đại khái chỉ có một loại khả năng.
“Xin hỏi sau năm giờ chiều hôm qua, ông Triệu đã ở đâu?” Dịch Gia Di ngồi thẳng người dậy, lập tức ra hiệu cho Từ Thiếu Uy làm ghi chép.
“Hai ngày trước tôi đi tới Stanley vẽ vật thực và ở khách sạn bên đó, chỉ có buổi sáng mỗi ngày sẽ gọi điện thoại về nhà. Một tiếng trước tôi mới về đây, chồng tôi cũng không có ở nhà.” Bà Triệu nói xong lại vẫy tay gọi một người giúp việc, mời đối phương ngồi xuống phối hợp lấy lời khai.
Tiếp sau đó, Dịch Gia Di và Từ Thiếu Uy tập trung lấy lời khai với hai người giúp việc nữ nhà họ Triệu, biết được mấy ngày gần đây gần như tối nào ông Triệu cũng không về nhà.
Tối hôm qua ngược lại ông Triệu có về nhà nhưng tầm đó một người giúp việc nữ đã ra ngoài đi chợ để chuẩn bị cho ngày kia chào đón bà chủ về nhà. Một người giúp việc nữ khác thấy trong nhà không có ai nên nhân cơ hội ra ngoài, xuống núi mua ít đồ rồi gửi bưu điện về quê cho người nhà.