Thầy Phong Thủy

Chương 90


Trên đường đi dù tôi có nói gì thì bố tôi vẫn nhất quyết đưa tôi về chỗ Nhị Cẩu.
Ông ấy cũng không giải thích tại sao lại tỏ thái độ như vậy với chúng tôi, chỉ nói ngày mai nhất định sẽ cho chúng tôi vào nhà.
Chân tôi đang bị thương nên thực sự không thắng nổi bố tôi, chỉ đành để ông ấy dìu tôi đi sang nhà Nhị Cẩu.
Trên đường tôi hỏi mấy câu, trong đó có việc tại sao mẹ biết tôi
trở về mà không hề ra đón tôi.
Nhưng bố tôi chỉ nhìn về phía trước, không trả lời bất cứ câu hỏi nào.
Chỉ một lát sau, hai chúng tôi đã tới cửa nhà Nhị Cẩu.

Bố tôi không gõ cửa mà đẩy luôn cửa bước vào, dìu tôi về phía căn buồng phía Đông.

Xong xuôi, ông ấy không nói không rằng mà quay lưng đi thẳng.
Trong lòng tôi vô cùng bất an, nhìn theo bóng lưng bố tôi đi xa dần, nhất thời không biết phải làm sao.
Những chuyện kỳ quái liên
tiếp xảy ra, nhưng tôi thì không có một chút manh mối nào.
Đang suy nghĩ mông lung thì đột nhiên tôi cảm thấy lạnh sống lưng, cảm giác như có ai đó đang nấp trong một góc âm thầm quan sát tôi.
Tôi lập tức quay đầu lại nhìn về phía sau.
Đằng sau lưng tôi chính là phòng ngủ của nhà Nhị Cẩu.
Mặc dù trăng đêm nay rất sáng nhưng trong góc căn phòng vẫn tối đen như mực, không nhìn rõ
gì cả.
Tôi nheo mắt lại một lúc nhưng vẫn chẳng nhìn thấy gì.


Hơn nữa hiện giờ tôi cũng không tiện vận động nên không thể đi tới kiểm tra được.
Tôi chỉ đành tự trấn an bản thân.
Có lẽ sau khi Nhị Cẩu về nhà vẫn chưa đi ngủ cho nên vẫn đang núp trong một góc đợi tôi về.
Nghĩ vậy, tôi khập khiễng mở cửa đi vào phòng.
Ba người trong phòng ngủ say như chết, đặc biệt là ông cụ Tôn đang ngáy khò khò, ngủ không biết trời đất gì.
Tôi thở dài, nằm lên chiếc giường gần cửa nhất.
Theo lẽ thường thì sau khi nghe những lời Nhị Cẩu nói, lại thêm việc cổ chân đau nhức thì chắc chắn tôi phải không ngủ được mới phải.
Nhưng thật kỳ lạ, tôi vừa nằm xuống là loáng thoáng nghe thấy tiếng gà gáy ở đâu đó, sau đó cảm giác buồn ngủ ập tới khiến tôi mơ màng thiếp đi mất.
Có lẽ là do quá mệt mỏi nên tôi ngủ thiếp đi luôn, ngủ say đến nỗi không mộng mị gì như thể bất tỉnh nhân sự vậy.
Mãi cho đến khi ông cụ Tôn lấy ngón tay chọt chọt xương sườn tôi, tôi mới mơ màng tỉnh dậy.
"Trương Ly, giờ này vẫn ngủ à? Mặt trời chiếu đến mông rồi".
Ông cụ Tôn sau khi đến thôn của tôi thì tính cách càng trở nên vui vẻ hoạt bát, suốt ngày nói đùa với tôi.
Tôi xoa xoa cái xương sườn bị ông cụ Tôn chọc đến nỗi đau nhói, mơ màng hỏi.
"Giờ là mấy giờ rồi?"
"Đã mười giờ rồi, không phải cậu nói hôm nay phải về nhà sao? Lẽ nào cậu định đợi đến giờ ăn cơm mới đi?"
Ông cụ Tôn vẫn còn băn khoăn suy nghĩ về việc tại sao hôm qua không được vào nhà tôi nên mới vội vã gọi tôi dậy xem tình hình thế nào.
Tôi cũng không ngờ mình lại đánh một giấc dài đến vậy, vội vã trở
mình ngồi dậy.
"Ơ? Sao lại không đau nữa?"
Tôi vừa vận động mạnh một cái thì đột nhiên phát hiện ra cổ chân hôm qua đã không còn đau chút nào.

Không chỉ có vậy, đến cả vết thương trước đó chưa khỏi hẳn cũng đã hoàn toàn bình phục sau một đêm.
Tôi hoang mang nhìn Tam Thanh đang ngồi tĩnh tâm luyện khí công ở bên cạnh.
"Sư thúc, sao thúc biết cổ chân tôi lại bị thương?"
Điều đầu tiên tôi nghĩ ra là Tam Thanh chắc hẳn lại vận khí trị thương cho tôi, nếu không thì làm gì có chuyện khỏi nhanh, lại còn khỏi triệt để như thế này.
Nhưng nghe tôi hỏi xong thì Tam Thanh còn có vẻ còn hoang mang hơn cả tôi.
"Cổ chân lại bị thương sao? Đêm qua cậu lại làm trò gì đấy? Ngủ thôi mà cũng làm cổ chân bị thương nữa sao?"
Hai chúng tôi mắt chữ o miệng chữ a nhìn nhau.
Không phải Tam Thanh sao? Vậy ai đã chữa vết thương cho tôi? Đang suy nghĩ mông lung thì cửa phòng "cạch" một cái rồi mở toang.

Có ai đó đã đẩy cho cửa mở từ bên ngoài.
Nhị Cẩu mặt trắng bệch lao vào.
"Trương Ly, không hay rồi! Nhà cậu có chuyện rồi!"
Nhị Cẩu hoảng hốt gào lên khiến bầu không khí lập tức trở nên vô cùng căng thẳng, tim tôi như thể nhảy vọt lên tận cổ họng vậy.
"Có chuyện gì?"
Tôi sợ hết hồn hết vía nhìn Nhị Cẩu hỏi.
"Mẹ cậu mất rồi".

Bốn chữ này như sét đánh ngang tai, khiến tôi chết lặng.
Mẹ tôi mất rồi? Vậy người mà đêm qua Hắc Bạch Hỷ quỷ khiêng đi thực sự là mẹ tôi sao? Tôi không còn tâm trạng để nghĩ đến những việc khác nữa, nhảy phốc từ trên giường xuống đến giày cũng không kịp đi, chân đất chạy về nhà mình.
Vừa chạy tôi vừa nhớ lại những lời mẹ đã nói với tôi khi ở trong quan tài.
"Mau chạy đi!"
...
Trương gia thôn hôm nay ồn ào huyên náo khác hẳn với sự im lặng tĩnh mịch đêm qua, đặc biệt là ở chỗ cửa nhà tôi.
Lúc này cửa nhà tôi mở to, xung quanh vây kín những người dân trong thôn tò mò tới xem.

Họ vừa đứng thăm dò vừa xì xào bàn tán.
Vừa thấy tôi tới, tất cả mọi người tự giác dạt sang một bên nhường đường.
Chân tôi run rẩy, bước vào trong nhà.
Vừa vào đến sân, tấm vải trắng đang treo trên khung cửa đập vào mắt khiến lòng tôi quặn thắt.
Ở chính giữa phòng khách có một cỗ quan tài rất lớn, giống hệt cỗ quan tài đêm qua Hắc Bạch Hỷ quỷ khiêng đi.
Có điều cỗ quan tài này đã được đậy nắp.
Tim tôi như bị ai xé.
Mẹ tôi đã được nhập liệm rồi? Vậy bà ấy mất từ lúc nào? Tôi nhìn sang bố tôi đang ngồi trước quan tài đốt tiền vàng.
"Anh nói xem, sao người nhà Trương Kinh ai cũng cổ quái như vậy? Năm đó Thúy Nga treo cổ tự vẫn, Trương Kinh nhất quyết không cho ai đến dọn thi thể về, để mặc vợ mình treo lơ lửng ở đó rồi thối rữa, sau đó xác bị chó ăn mất.

Trương Thiên Lâm này cũng kỳ quặc chẳng kém, vợ chết mà lại mặc đồ tang của con cháu?"
Những tiếng xì xào ngoài cửa vọng tới tai tôi.
Người tên Thúy Nga mà họ nhắc tới chính là bà nội tôi.
Tôi loạng choạng bước tới bên cạnh bố.
Quả đúng như người trong thôn nói, trên cánh tay bố tôi buộc một tấm băng trắng, bên trên viết chữ "Hiếu" màu đen.
Bộ tang phục này chỉ dành cho con cháu mặc khi có một bậc trưởng bối trong nhà qua đời.
Nhưng bố mẹ tôi là phu thê, tại sao bố tôi lại mặc loại tang phục này chứ?
"Bố?"

Tôi nhỏ tiếng gọi, nhưng hụt hơi chưa kịp nói tiếp thì hai hàng nước mắt đã lăn dài trên má.
"Quỳ xuống".
Nghe tiếng tôi, bố tôi chẳng buồn ngẩng đầu lên, mặt không cảm xúc tiếp tục ném tiền vàng vào trong chậu than để đốt, sau đó đáp vỏn vẹn hai chữ.
Đầu gối tôi mềm nhũn ra, quỳ sụp xuống trước quan tài.
Sau khi nhập liệm thì sẽ đến nghi lễ phúng viếng.

Nhưng có lẽ người trong thôn thấy gia đình tôi khá kỳ quặc và đáng sợ nên ngoài một số họ hàng ra, chẳng ai dám vào viếng mẹ.
Lúc này, mấy người sư phụ tôi cũng chạy tới.
Liễu Nguyệt Như tay còn đang cầm giày cho tôi.

Ba người họ vừa bước vào, nhìn thấy cỗ quan tài kia thì nét mặt như đông cứng lại.
Lúc này tôi đang chìm trong đau khổ và tuyệt vọng nên cũng chẳng quan tâm được tới họ.
Liễu Nguyệt Như bước tới giúp tôi xỏ giày, sau đó im lặng quỳ xuống bên cạnh.
Sư phụ tôi nghiêm mặt lại đi tới trước mặt bố tôi nói: "Người mất cũng đã mất rồi, xin hãy nén bi thương.

Hay là để bần Đạo giúp tụng kinh siêu độ cho người đã khuất".
Nói rồi, sư phụ tôi lấy trong tay nải ra vài món pháp khí dùng để tụng kinh cầu siêu.
Từ lúc tôi bước vào trong nhà đến giờ, bố tôi như chết lặng, chẳng có phản ứng gì.

Nhưng khi nghe sư phụ tôi nói câu này thì đột nhiên ông ấy vươn tay, giữ tay sư phụ tôi lại....

Bình Luận (0)
Comment