Thế Giới Mà Tôi Từng Đối Địch

Chương 24

Tình thương của cha với tôi mà nói luôn bí ẩn và xa lạ, là một nút thắt có vô số khả năng

From: Snoopy, 19 tuổi, thích nhấtcâu chuyện Charlie Brown và Snoopy

To Tôi của mười năm sau:

Hôm nay bố lại cãi nhau với mẹ, ầm ĩ vô cùng, cuối cùng ông ấy cầm cái bật lửa trên bàn ném về phía mẹ. Tôi chạy đến che trước mặt mẹ, mẹ một tay đẩy tôi ra, chỉ lo tôi bị thương.

Tôi nhịn không được vừa khóc vừa lớn tiếng mắng ông ấy. Ông ấy tức giận đến run rẩy, cả người đều là mùi rượu, ông chỉ vào cửa lớn bảo tôi và mẹ cút đi. Tôi lúc ấy lôi kéo mẹ sẵn sàng đi ra ngoài, mắng ông ấy: “Bố tưởng quý hoá lắm à! Con hận bố cả đời!” Tôi đã thật sự nghĩ tới chuyện từ nay về sau ân đoạn nghĩa tuyệt với ông ấy, nhưng mẹ một hai phải giữ chặt tôi, đẩy mạnh tôi vào phòng, bảo tôi ngủ cho tốt, đừng nghĩ nhiều nữa, tất cả cứ để bà lo.

Tôi thực sự không thể hiểu được sự yếu đuối của mẹ tôi, một cuộc hôn nhân, đến mức như vậy, ông ta đã chỉ ra cửa bảo chúng tôi cút ra ngoài, vì sao còn muốn mặt dày mày dạn ở lì nơi đây? Vì sao mẹ không thể thoải mái mà chấm dứt?

Dù sao trong mười mấy năm qua, thứ mà bà nhận được đều là bất hạnh.

Ông ấy không quan tâm tôi và mẹ tôi từ khi tôi còn nhỏ, mỗi ngày vừa tan ca là cùng đi uống rượu với nhóm bạn xấu, phải tới đêm khuya mới say khướt về nhà, ồn ào khiến tôi và mẹ chẳng tài nào ngủ được. Ông ấy không biết sinh nhật của tôi, không biết tôi học lớp nào, cũng chưa từng tham dự hội phụ huynh của tôi.

Tôi chưa từng gặp ai vô trách nhiệm hơn ông ta.

Tôi chưa từng đi dạo phố với ông ấy lấy một lần, chưa từng ăn đồ ăn ông ấy làm, chưa từng thấy ông ấy làm việc nhà, chưa từng chụp tấm ảnh nào với ông ấy.

Còn nhớ một năm tiểu học, trước sinh nhật tôi một buổi tối, bởi vì quá hưng phấn nên tôi ngủ không yên. Ông ấy uống rượu trở về, thấy tôi còn chưa đi ngủ, giơ tay lên cho luôn tôi một cái tát, tôi làm sai cái gì chứ? Tôi chỉ chờ mong sinh nhật của mình thôi mà

Còn có một lần mẹ đi công tác, giữa trưa tôi về đến nhà, cao hứng bừng bừng mà cho ông ấy xem bài thi điểm tối đa. Ông ấy lại không nói hai lời, cầm lấy giá phơi đồ một bên đánh tôi mà không có một lý do, tôi vừa khóc vừa kêu. Thế rồi tôi đẩy cửa chạy ra ngoài. Tới trường học thì cửa trường còn chưa mở. Tôi ngồi xổm ngay cổng trường cả một buổi trưa. Đến giờ giải lao đầu giờ chiều mới nhờ bạn bè cùng tôi đến nhà vệ sinh, vén quần áo ra thấy trên lưng đều là vết thương vừa tím vừa sưng.

Buổi tối mẹ về nhà, thấy vết thương của tôi, bà như điên lên, vứt hết việc nhà, chỉ biết ôm tôi khóc nói xin lỗi. Đến nay tôi còn nhớ dáng vẻ bi ai như muốn chết của mẹ. Tôi biết được nguyên nhân ông ấy đánh tôi, đó là bởi anh em ông ta bất ngờ qua đời, còn tôi lại vui cười xuất hiện trước mặt ông.

Ông như một người mắc bệnh trầm cảm, đóng kín bản thân trong thế giới của chính mình, không ai có thể đi vào.

Sau này lên cấp Hai, quan hệ của chúng tôi ngày càng tệ. Ở nhà, ông ta không nói lời nào, có nói chuyện, hỏi han ông ấy cũng không hề hé răng. Mẹ bèn đứng bên cạnh hỏi ông muốn ăn gì, có muốn mua giày mới hay không, hỏi mai có tăng ca hay không… Ông ta không đáp đến một lời.

Ngay cả tôi cũng bị tra tấn điên rồi, kỷ lục là tôi suốt một tuần không nghe ông ấy nói một chữ, tôi làm sao không biết mẹ nhịn được.

Năm đó bà ngoại phản đối mẹ lấy bạn trai khi đó mà không có nguyên nhân gì, sau khi ép bà chia tay lại nhờ người giới thiệu mới tìm được bố tôi khi ấy mới đậu đại học, bèn ép bà lấy ông ta.

Khi đó bọn họ ở riêng, lúc sinh tôi cũng là mẹ tự mình đến bệnh viện, khi nằm trên giường bệnh mới phát hiện nước ối đã sớm vỡ rồi.

Ông ấy chưa từng dễ chịu với mẹ, hai người đến ảnh cưới cũng không chụp.

Tôi là mẹ một tay nuôi lớn, người cha này có hay không có thật sự không khác gì mấy, tôi thậm chí còn từng hâm mộ những bạn trong gia đình đơn thân, bởi họ chỉ thiếu tình cảm giữa cha mẹ với nhau, nhưng từng người vẫn yêu họ như cũ.

Mà tôi, chỉ có mẹ.

Những năm cấp Hai, có một lần tôi đánh nhau với nam sinh cùng lớp, rõ ràng là nó gây chuyện trước, vừa mắng vừa nhỏ nước bọt vào người nên tôi mới không nhịn được mà đánh lại. Cuối cùng giáo viên mời phụ huynh, ông ta không đến, tôi phải đứng trong văn phòng đến tận giờ tan học.

Tôi về đến nhà, ông ta mắng tôi, tôi cãi lại. Sau đó ông ta lại giơ tay lên muốn đánh tôi, tôi chạy về phòng mình khóa trái cửa, ông ta tức giận đến mức liên tục đá cửa, cuối cùng tìm đến dao phay chém cửa phòng tôi, tôi ở trong phòng sợ tới mức phát run, không dám khóc thành tiếng.

Tôi hận ông ta, tôi hận ông ta, tôi hận ông ta. Trong trí nhớ, mẹ luôn không ngừng khóc, giải thích với tôi, nói xin lỗi không thể cho tôi một gia đình hạnh phúc đầm ấm, tất cả đều là lỗi của bà mới khiến tôi chịu nhiều khổ cực như vậy. Nhưng đối với tôi mà nói, tôi tình nguyện mình không sinh ra trên thế giới này, cũng hy vọng mẹ chưa từng có gặp được ông ta. Sau đó nữa, tôi và ông ấy đã đạt tới nỗi hoàn toàn không nói với nhau lời nào, cả nhà không khí trầm lặng. Làm bộ ông ấy không tồn tại, tôi ngược lại càng thoải mái.

Lần tranh cãi cuối cùng là lúc tôi điền nguyện vọng thi Đại học. Cha mẹ khác đều gọi điện thoại khắp nơi giúp đỡ hỏi trường học hỏi chuyên ngành, ông ta chế giễu, mỗi ngày đi ra ngoài uống rượu, đoán chừng ngay cả tôi thi bao nhiêu môn cũng không biết.

Cuối cùng tôi quyết định rời tỉnh, đi Bắc Kinh học tập, tôi nghĩ kĩ rồi nên chọn học một ngành tuy rằng không quá thích nhưng thực sự phù hợp đi làm. Lúc học đại học thì bắt đầu làm việc tự mình tích tiền, tốt nghiệp tìm được công việc, để bọn họ ly hôn, tôi nuôi mẹ.

Sau khi ông ta biết lại giận tím mặt, nói tôi điền bừa nguyện vọng. Tôi nhịn không được trực tiếp nện bàn phím xuống mặt đất, hét lên với ông ta: “Chuyện của tôi không cần ông quản!”

Ông ta cười lạnh nói với mẹ tôi: “Đây là con gái ngoan mày nuôi đó hả.” Tôi nói: “Đúng vậy, dù sao không phải ông nuôi.” Những lời này có lẽ kích thích ông ta, ông ta lớn tiếng mắng tôi và mẹ, ném gạt tàn thuốc vỡ trên mặt đất.

Trong nháy mắt gạt tàn thủy tinh vỡ tung kia, tôi cuối cùng mở miệng nói: “Hai người ly hôn đi.” Mẹ khó tin quay đầu nhìn tôi. Tôi quỳ trên mặt đất, quỳ gối trên thủy tinh, vừa khóc vừa nói: “Con van xin hai người, hai người ly hôn đi.” Ông ta chỉ vào mũi của tôi rống to: “Cút! Mày cút đi!” Tôi nói: “Tôi cút cũng được, hai người ly hôn trước đi.” Tôi nhớ rõ, một câu cuối cùng ngày đó tôi nói với ông ta là: “Tôi hận ông”.

Thật ra, tôi biết, ông ấy yêu tôi. Có lẽ ông ta chưa từng yêu mẹ của tôi, chưa từng yêu gia đình này, nhưng tôi biết, ông ta yêu tôi. Tôi nhớ rõ có một năm mùa đông, ông ta đi nơi khác, mẹ đi làm, tôi một mình ở nhà.

Lúc tôi ra ngoài ăn cơm quên mang chìa khóa, bị khóa ở ngoài cửa, gọi điện thoại mẹ nó không thông, gọi điện thoại cho ông ta, khi ấy chắc là đang trên tiệc rượu, trong điện thoại tranh cãi cực kì ầm ĩ. Vừa nghĩ đến ông ta lại uống rượu, tôi liền vô cùng chán ghét, rõ ràng là người không mang cái chìa khóa, tôi lại thái độ mười phần ác liệt mắng ông ta. Ba tiếng sau, ông ấy gọi xe về, toàn thân đều là mùi rượu. Tôi khi đó đã mơ mơ màng màng tựa vào cạnh cửa ngủ, thấy là ông ấy, theo bản năng hỏi:

“Sao bố đã về rồi?”

Ông ấy nói: “Bởi vì con khóc trong điện thoại mà.” Bởi vì tôi khóc trong điện thoại, cho nên ông ấy bỏ qua chính sự, chạy trở về trước, tiền gọi còn nhiều hơn tiền lương một ngày của mình.

Còn có mỗi lần ông ấy uống rượu say rượu về nhà, đều chạy đến phòng của tôi bật đèn lên, thấy tôi ngủ lại tắt đèn trở về phòng. Bởi vì ngọn đèn chói mắt sẽ làm tôi tỉnh từ trong mộng, cho nên mỗi một lần ông ấy làm như vậy, tôi đều tức giận vô cùng, mắng to ông ấy.

Nhưng ông ấy chưa từng sửa đổi, mười mấy năm qua, mỗi buổi tối đều là như thế. Thật ra tôi biết, ông ấy chẳng qua là muốn nhìn tôi một cái, biết tôi ở đó. Là bởi vì biết ông ấy yêu tôi, cho nên tôi mới biết được, làm như thế nào tổn thương lòng ông ấy nhất. Tôi nói tôi hận ông ấy, tuy ông ấy sẽ không biểu hiện ra ngoài, nhưng tôi biết, ông ấy sẽ rất buồn. Tôi không có cách nào, khống chế không được mình muốn tổn thương ông ấy, giống như ông ấy tổn thương tôi và mẹ. Tôi biết, nếu ông ấy và mẹ thật sự ly hôn thì người có cuộc sống tồi tệ nhất định là ông ấy. Bởi vì ông ấy không biết làm gì, tôi thậm chí đoán là ông ấy ngay cả siêu thị cũng chưa từng đến.

Tôi chán ghét ông ấy, tôi muốnrời xa ông ấy, tôi thậm chí còn chán ghét trong cơ thể có gien của ông ấy. Nhưng lúc nhìn thấy ông ấy thật sự khổ sở, tôi mới nhớ tới mùa đông tuyết rơi kia, người đàn ông cả người tuyết phủ ôm lấy tôi đi vào trong phòng, nói với tôi: “Bởi vì con khóc trong điện thoại mà.”

Tôi không biết nên làm như thế nào, tôi thật sự không biết, bạn có thể nói cho tôi biết không?Reply from: Tôi của mười năm sau:

Bố của bạn thực sự không phải là một người đàn ông tốt, người chồng tốt, người bố tốt. Ông ấy hút thuốc uống rượu, lúc nào cũng thua tiền nhưng vẫn đánh bài, ông ấy không kiếm được nhiều tiền, không có thể cho bạn cuộc sống giàu có, ông ấy rất ít khi cười với bạn và mẹ của bạn, ông ấy thậm chí không tặng quà mẹ bạn trang sức gì, ông ấy và bạn trong lúc đó, cũng luôn cãi nhau và đánh nhau.

Thế nhưng, người này, là bố bạn.

Người cha mỗi đêm khuya về nhà sẽ bật đèn để nhìn thấy bạn.

Cuối cùng, ông ấy vẫn không ly hôn với mẹ. Hôn nhân của họ, có lẽ bạn nhìn không hiểu, bạn không thể lý giải, nhưng, bạn cũng không có tư cách chen vào. Sau khi lên đại học, bạn sẽ đi đến nơi khác, chỉ khi nghỉ đông và nghỉ hè mới có thể về nhà. Số lần gặp mặt ít đi, quan hệ cũng hơi dịu đi một ít. Tuy hai người vẫn rất ít khi nói chuyện cùng đối phương, nhưng ít nhất sẽ không cãi nhau kịch liệt nữa.

Có một năm mùa thu, ông ấy ngồi tàu đến thăm bạn, chỉ nói cho bạn là đến làm việc, thuận tiện đến thăm mà thôi. Hai người cùng đi ăn bữa cơm, chọn bốn món ăn mặn hai cái món ăn chay, bạn nói ông ấy lãng phí, ông ấy không hé răng.

Sau đó, ông ấy phải đi, bạn mua cho ông ấy chút đồ ăn để ông ấy ăn trên tàu, ông ấy không cần, bạn liền tức giận bắt ông ấy nhận lấy. Ông ấy vẫn không chịu, bạn tức giận giật túi lại, quay về phòng ngủ.

Sau đó, bạn gọi điện nói chuyện với mẹ mới biết rằng lần ấy ông đặc biệt đến thăm bạn. Đó là sinh nhật thứ bốn mươi bảy của ông, ông không tổ chức ở nhà mà mua vé tàu đến. Không có giường nằm, ông ấy đã đứng 34 tiếng đồng hồ để đến thăm bạn.

Ở đầu kia điện thoại, bạn nhịn không được khóc nức nở.

Bạn trách ông ấy rất nhiều. Bạn trách ông ấy chẳng bao giờ chịu xuống bếp, không chịu làm việc nhà, không chịu đúng giờ về nhà, không chịu từ bỏ thuốc lá rượu chè, không chịu cố gắng kiếm tiền, không chịu đối tốt với mẹ bạn, không giống cha người khác hiền từ mà nhìn xa trông rộng.

Nhưng thật ra bạn không có tư cách trách ông ấy, bạn ngay cả sinh nhật ông ấy cũng không biết cơ mà.

Tốt nghiệp đại học, bạn tìm công việc ở quê hương, ở lại nhà. Bạn gõ cửa, thế mà lại nhìn thấy dáng vẻ tươi cười của ông ấy. Lúc này bạn mới biết thật ra ông ấy cũng biết cười.

Trước khi nhận chức, mỗi ngày bạn chỉ làm tổ ở nhà lướt mạng. Mấy ngày sau, ông ấy lại bắt đầu kiếm chuyện hục hặc, mắng bạn không có chí tiến thủ, bảo bạn dọn ra ngoài mà sống. Hai người lại ầm ĩ một trận, nhưng bạn phát hiện mình không còn tức giận như trước kia nữa.

Ông ấy vẫn sẽ uống đến mức toàn thân đầy mùi rượu, khi về đã thần trí không rõ, vẫn sẽ lùa cơm lớn tiếng khiến bạn thấy mất mặt, vẫn sẽ đi dép lê, mặc đại quần cộc rồi ra khỏi nhà, vẫn sẽ ngồi hút thuốc ngay phòng khách mặc cho người khác thế nào, vẫn sẽ không biết làm gì.

Có tranh cãi nữa cũng không thể biến ông ấy thành người ôn tồn lịch sự, hài hước anh tuấn, sự nghiệp thành công, yêu chiều bạn hết mực như bạn hằng mong. Trên đời có nhiều người như thế, nhưng họ đều không phải bố bạn.

Có một buổi tối mùa hè, ngoài trời đổ mưa to, trong nhà thì mở điều hòa, ông ấy vẫn muốn chạy đến bên cửa sổ, mở ra rồi chốc chốc lại nhìn ra bên ngoài. Bạn lớn tiếng nói: “Đóng cửa sổ lại, không thấy điều hòa đang mở sao?”

Mẹ ở bên cạnh lắc đầu với bạn, bà nói: “Ông ấy không phải đang ngắm trời mưa, mà đang lo nhỡ mưa to quá thì mai không đi xe điện đến chỗ làm được đấy.” Khoảnh khắc ấy, bạn bỗng bật khóc. Đó chỉ là một người đàn ông bình thường đến không thể bình thường hơn, ông có một gia đình bình thường, ngày mai còn phải mạo hiểm đi xe điện đến chỗ làm. Ông không nỡ mua vé máy bay đắt tiền, chỉ có thể đứng trên tàu ba mươi bốn tiếng để gặp bạn. Ông ấy cũng hâm mộ những người đàn ông đi siêu xe, tây trang giày da đường hoàng. Ông chỉ là một người đàn ông bình thường giữa vài tỷ người trên thế giới. Nhưng ông là bố của bạn. Cô gái thân yêu à, cô có thể tha thứ cho ông không? Bởi ông cũng là lần đầu đóng vai “bố”, ông cũng sẽ mê mang, căng thẳng, sẽ buồn bã, sẽ phạm sai lầm. Ông không dùng cách bạn muốn để yêu bạn, cũng như bạn đã không dùng cách ông muốn để đối xử với bạn đấy thôi. Nhưng tình yêu là thật, nước mắt cũng là thật. Ông yêu bạn, cũng như bạn yêu ông vậy.
Bình Luận (0)
Comment