Thiền Của Tôi

Chương 11

Sự u buồn của cô ấy Tôi có mười chín chàng trai, tôi vẫn cần thêm một người.

Tôi có mười chín người đàn ông, tôi vẫn cần thêm một người.

Nếu cho tôi thêm một người đàn ông, tôi sẽ để mười chín người này ra đi.

- Bessi Smith -

Mặt vẫn còn đắp mặt nạ ướt và trơn chuội, tôi lơ mơ ngủ trên chiếc giường nhỏ mềm mại của tiệm Eli Day Spa. Trong loa vang lên thứ âm nhạc rỉ rả như ru ngủ. Đèn đã được Natasha tiện tay tắt luôn lúc đóng cửa. Ngay phút đó, tôi nằm kề vai với thế giới bên ngoài, êm ả vô sự.

Natasha đến từ Liên Xô cũ. Năm mười bảy tuổi cô đã có một đứa con gái - năm nay đã hai mươi tư. Nhưng Natasha vẫn còn hấp dẫn, khi đi dự khiêu vũ với con gái còn bị bạn của con tưởng nhầm là chị gái bạn, cứ theo đuổi mãi. Cô thích vừa làm massage mặt cho tôi vừa kể chuyện. Câu chuyện trên chính do cô tự kể. Từ khi phát hiện tôi từ Trung Quốc tới, cũng có thói quen xấu hút thuốc lá như cô, thái độ của cô đối với tôi trở nên ấm áp hẳn.

"Cưng à", cô gọi tôi bằng giọng rất kiêu hãnh, "Coi như cưng tìm đúng đối tượng rồi nhé. Ba tháng sau, đảm bảo cưng sẽ thấy kỳ tishc trên mặt mình cho mà coi".

Trước đây, tôi còn ngờ vực về những tiệm thẩm mỹ do người phương Tây mở, luôn cảm thấy tay những người thợ thẩm mỹ phương Tây hẳn sẽ thô nặng, trong khi làn da của người phương Đông lại nhạy cảm và tinh tế. Mãi cho đến sau khi xảy ra nhiều chuyện không hay ở một tiệm thẩm mỹ do người Hồng Koong mở trong khu phố Tàu, và được một khách hàng nữ của Jimmy Wong giới thiệu, tôi mới tìm được tiệm Spa này ở Mahattan.

Câu hỏi đầu tiên khi tôi gặp Natasha là: "Cô có massage được làn da châu Á của tôi không?".

Cô cười phá lên, cười ngặt nghẽo, "Cưng ơi, không phải lo gì đâu, phàm là da người, tôi đều có cách chăm sóc hết".

Tôi để lại ấn tượng "đáng yêu", "ngọt ngào" cho Natasha. Nhưng từ những ngôn từ, hành vi của cô, trong mắt tôi, ngoài việc là một thợ massage giàu kinh nghiệm, cô có lúc còn giống hệt một Madam lão luyện. Cô hay cười ha hả, giọng khàn khàn, và những ngón tay thấm mùi thuốc lá khiến tôi nhớ lại cô bạn M thuở trước.

Từ khi rời Thượng Hải, tôi không còn liên hệ với cô ấy nữa. Nhưng từ bao tin đồn không ngớt từ đại lục chuyển tới, tôi được biết cô ấy đang kinh doanh nhập khẩu xe hơi đắt tiền. Thậm chí còn nghe nói cô đã đính hôn với một gã người Pháp ít hơn cô mười tuổi. Hỉ Nhĩ đã tận mắt được chứng kiến M tay trong tay với bạn trai người Pháp vào tiệm của cô ăn tối. Trên tay cô lồ lộ chiếc nhẫn đính hôn kim cương ba cara.

Một lần qua điện thoại, Hỉ Nhĩ nói với tôi là gã Pháp đó nom rất ngượng ngập, có phần giống D - một gã từng mê M như điên dại mấy năm trước. Anh bạn trai người Pháp này thường giúp cô đi lấy những bộ đầm dạ hội hiệu Valentinos hoặc Christian Dior từ các tiệm giặt khô.

Tuy không liên lạc với M nữa, nhưng tôi vẫn không kìm nổi niềm hứng thú về bất cứ thông tin gì liên quan tới cô. Đó là một người bạn thân từng khơi gợi nhiều linh cảm cho tôi khi sáng tác cuốn Búp bê Thượng Hải. Từ một gái điếm tới một quý bà, một mệnh phụ giàu có danh tiếng trong xã hội Thượng Hải, được hưởng một khoản di chúc kếch sù, M giống hệt một con cự giải với sức mạnh âm tính vừa u buồn vừa đáng sợ. Hình ảnh của cô đã chiếm giữ một khoảng không gian kí ức to lớn trong đầu tôi.

Hơn nửa tiếng sau, một mùi khói nhẹ xộc vào mũi tôi, Natasha đi vào phòng êm ru như một chú mèo. Chiếc đèn đối diện trước mặt tôi được bật lên. Có thể cảm thấy ngón tay mềm mại của cô ấy lượt trên mặt tôi để thử độ hút của chiếc mặt nạ dưỡng da.

"Cảm thấy thế nào?", cô thân mật hỏi, và bắt đầu bóc chiếc mặt nạ ra khỏi mặt tôi.

"Cảm giác rất tích cực", tôi đáp khẽ. Cô thợ thẩm mỹ của tôi chủ trương mỗi lần tới đây nằm massage, tôi đều phải bồi dưỡng một dạng tình cảm tích cực nào đó. Điều này sẽ giúp cho làn da tích cực hấp thụ mọi dưỡng chất. Thực ra bên khóe miệng tôi có một nốt trứng cá mới đang khiến tôi rất bực bội. Natasha chủ trương không động chạm vào nó. "Tốt nhất là cưng nên đến đây đúng thời kỳ rụng trứng, tức là thời kỳ giữa hai lần đế tháng", cô dặn, "Như vậy mọi độc hại của cơ thể có thể thoát ra được ở lần đến tháng sắp tới".

Tôi thích ý kiến này và cô hứng thú với mọi cách bài trừ chất độc, dù đã có không ít cặn bã do giới trẻ gây ra. Một trong ưu điểm của việc bài trừ chất độc chính là giúp bạn lần sau có lý do bỏ thêm độc vào một ít.

Trước khi ra về, tôi và Natasha hẹn giờ tuần sau làm wax.

Tôi, đương nhiên còn có cả Hỉ Nhĩ nữa, đều là những phần tử mê làm wax khủng khiếp. Chúng tôi đều quan tâm ghê gớm, tới mức không thể khống chế nổi tới số lông thừa trên người. Hầu như cứ cách mười ngày, tôi lại đến tiệm Spa để tỉa tót một lần, bất chấp mưa gió. Hỉ Nhĩ còn chăm hơn, cứ năm ngày một lần, nhưng cô ấy không đến tiệm, mà tự làm lấy. Cô ấy chưa bao giờ phô bày cơ thể trước mặt bất kỳ ai, kể cả lúc làm tình với đàn ông, cô cũng luôn làm trong bóng tối. Không có ánh đèn, cũng không có ánh nắng.

Hỉ Nhĩ vừa mê mẩn vừa khiếp sợ về cơ thể của chính mình. Cô nhất thiết phải chăm sóc tốt cơ thể mình, nỗ lực hơn người thường gấp nhiều lần. Cảm giác an toàn yếu ớt của tôi được bắt nguồn từ đó. Cảm giác tội ác nguyên sơ của cô cũng bắt nguồn từ đó.

Cơ thể cô chính là một tấm gương, phản chiếu tình cảm của cô đối với thế giới và đối với chính cô.

Sự trong sáng của cô, khát vọng của cô, nỗi khiếp sợ của cô, những giằng xé không sợ hãi của cô đối với cơ thể và vô số những thứ chưa xác định của thế giới xung quanh khiến Hỉ Nhĩ trở thành một người còn đàn bà hơn cả đám đàn bà. Cũng chính bởi vậy, tôi đâm yêu cô hơn.

Đúng vậy. Thứ tình cảm này đã vượt xa cả sự lý giải của chúng tôi. Không phải vừa bắt đầu đã như vậy. Chỉ từ khi cô làm phẫu thuật thay đổi giới tính và trở thành nhân vật công chúng nhất loạt nhận phải những lời bình phẩm, nhục mạ hoặc sùng bái của cả nước, tôi mới đột nhiên nhận ra được thứ tình cảm này.

Từ M nghĩ tới Hỉ Nhĩ, tôi chợt nhớ Thượng Hải đang nằm ở mặt kia của trái đất tới quay quắt. Nơi đó giờ hẳn đang là màn đêm với giấc ngủ say nồng. Ánh đèn ngoài Ngoại Than vẫn lấp lánh như đốm lửa. Và dưới ánh trăng, những ngõ nhỏ ngoằn nghèo mịt mùng trong thành phố bị úp chụp dưới bóng đêm tầng tầng lớp lớp.

Khi đi ngang qua tiệm Barnes & Noble, tôi rẽ ngay vào. Sau khi vào toilet của gian sách tầng trệt, tôi ra trước kệ tạp chí, rút ra vài cuốn thời trang, lên lầu một của tiệm cà phê ấm cúng, kêu trà hoa cúc và mật ngon, ngồi xuống, lật loáng thoáng cuốn tạp chí. Cái hay của Barnes & Noble trước hết ở chỗ bạn có thể tùy ý sử dụng toilet (ở New York điều này không dễ đâu nhé). Tiếp đó là gian cà phê, bạn có thể ngồi ở đó bao lâu tùy ý. Nghe nói đây cũng là nơi một số người New York đi làm quen kết bạn với người khác giới.

Trên tạp chí luôn giới thiệu một số phim, CD và sách. Nhìn thấy trang giới thiệu sách, tôi luôn để ý ngó một chút. Có lần qua điện thoại, ông bố giáo viên của tôi có hỏi hiện giờ sách nào đang được ưa chuộng ở Mỹ, may mà tôi đang có một cuốn tạp chí thời trang rất thịnh hành ở trong tay liền lật ngay ra, nhìn thấy ngay hai cuốn, một là "Làm thế nào dể đàn ông phải làm những việc mà bạn muốn" và cuốn kia là "Làm thế nào để lấy được linh hồn".

Nghe xong, bố tôi sững lại ở đầu day bên kia, rồi nói với tôi sau khi suy nghĩ kĩ, "Thế thì xem ra sách của con sẽ có ảnh hưởng ở Mỹ".

Có lúc, bố tôi khiến người ta phải yêu thích như vậy đấy.

Từ tiệm sách ra, trời đã tối lắm. Trên đường đi kiểm tra điện thoại di động, phát hiện thấy tin nhắn của Muju, "Tối nay, anh phải làm thêm giờ. Có muốn tối mai tới nhà anh không? Đừng quên mang kem dưỡng da, dưỡng mắt và nước rửa kính áp tròng của em. Nhớ em".

Tối mai? Hình như phải nghe một bài giảng về Kinh kịch ở khoa Đông Á do một diễn viên Kinh kịch nổi tiếng từ Bắc Kinh tới giảng. Sau đó anh ta sẽ thị phạm hát mấy đoạn và sẽ công diễn chính thức ở Lincoln Center.

Liền gọi di động cho Muju. Không ai nghe. Máy đã được chuyển sang chế độ hộp tin nhắn bằng lời. Tôi liền nhắn lại một câu, nói rằng tối mai có thể tới được chỗ anh nhưng sẽ tới muộn.

Điện thoại reo, cứ ngỡ Muju gọi, không ngờ là Hỉ Nhĩ.

"Ôi, cậu đấy à", tôi nhìn đồng hồ. Thượng Hải giờ này phải là sáu giờ sáng. Một thời điểm rất kỳ lạ để gọi điện thoại. "Cậu khỏe không?", giọng tôi đầy ngờ vực. Nghe những tiếng ồn ào xung quanh, có lẽ cô đang ở quán bar.

"Cậu đang làm gì thế? Nói chuyện có tiện không?", Hỉ Nhĩ cười hi hi, có thể cảm thấy cô ấy uống khá nhiều rượu.

"Tất nhiên là tiện rồi... Cậu đang ở đâu thế?"

"Ở Mandy", cô nói, "Mandy là một quán bar hầm, đầy những loại nhạc thịnh hành nhất Thượng Hải, những loại rượu rẻ nhất và những đám người chán đời nhất. Quán này chỉ luôn có khách sau ba giờ sáng, luôn đông nghịt lúc năm, sáu giờ và mãi tới tận mười giờ sang, đám người còn luyến tiếc bóng đêm kia mới đành giã từ. Họ lảo đảo đi dưới ánh nắng mà họ hằng khiếp sợ, chậm rãi bỏ đi mất hút, như một cái bong bóng bị vỡ tung".

"Cậu thức suốt đêm đấy à?", tôi kinh ngạc hỏi. Cô luôn ngủ đủ mười tiếng mỗi ngày vì tin rằng càng ngủ nhiều càng đẹp. Ngủ là tôn giáo của cô ấy.

"Chẳng có tâm trạng nào để ngủ cả", giọng Hỉ Nhĩ thật u uất. Một lúc sau lại nghe thấy tiếng cô sụt sịt nữa.

"Sao? Rốt cuộc có chuyện gì?", tôi giật mình, dùng tay trái bịt chặt tai trái. Một chiếc xe cảnh sát kêu inh ỏi vừa chay ngang.

"Bây giờ chẳng có ai yêu mình cả", cô vẫn sụt sịt, thở dài.

"Mình yêu cậu mà", tôi vội vã hỏi, như thể nếu không nhanh chóng thốt ra ba từ này, cô sẽ nhảy lầu tự tử mất. Nhưng trong lòng tôi đã thầm đoán được cô vừa gặp phải rắc rối gì.

"Fred không yêu mình", cô lại khóc, "Anh ấy nói rất ghét làm tình trong bóng tối, đã chán ngán chất nữ tính quá đậm trên người mình, chán ngán...". Tôi không nghe rõ cô nói tiếp những gì.

"Hắn là thằng lưu manh", tôi bực bội nói. Ở đầu dây bên kia, bạn tôi vẫn khóc.

Tiếng khóc của cô lẫn hơi rượu như mãi không chịu ngừng. Một vị đắng chát chợt xộc lên đầu lưỡi tôi. Dạ dày tôi như mở toang, khắp người rét run. Phụ nữ khóc vì đàn ông như thể một tia magie tự bùng cháy màu xanh lam. Phụ nữ khóc vì đàn ông như kiểu Hỉ Nhĩ lại giống như một đống tro tàn sau khi bùng cháy.

Tôi phải nỗ lực ngăn chặn mớ cảm giác u buồn này trong đầu tôi, cố gắng gửi tới cô bạn đang không người giúp đỡ ở đầu dây bên kia một đốm nắng. "Bạn yêu quý", tôi nói, "Fred chỉ là một trong số ba tỷ đàn ông trên trái đất này. Hắn không yêu cậu không đồng nghĩa với việc những người đàn ông khác không yêu cậu". Đầu dây bên kia im ắng, chứng tỏ cô đang nghe.

"Hơn nữa, tục ngữ có câu, Cũ không đi, mới làm sao tới. Có đi mới có được người mới tốt hơn chứ. Trước đây, mình cũng không tin, nhưng bây giờ ngẫm lại, mình đã tìm được Muju. Anh ấy gần như hoàn hảo". Cô nghe, vẫn im lặng. Tôi nhận ra được lúc này lôi bạn trai của mình ra không hề khích lệ được dũng khí cho cô ấy, trái lại chỉ càng làm cô thêm đau buồn.

"Còn nhớ một năm trước, ông thầy tử vi giỏi nhất nói gì không?", tôi vội vã chụp lấy một cọng rơm cứu mạng khác, "Ông ấy nói hai bọn mình cuối cùng cũng tu thành chính quả, chỉ có điều trước mắt phải trải qua một số kiếp nạn".

Chiêu này có vẻ hiệu quả. Cô thở dài, giận dự nói, "Không biết mình còn phải chịu bao nhiêu kiếp nạn nữa đây?".

"Đừng lo, cậu sẽ được đền bù xứng đáng", tôi nói bằng giọng vui vẻ, nhưng lòng lại tự nhủ, "Trời ạ, mình đang nói cái gì thế này?".

Nhưng lời tôi nói xem ra vẫn có tác dụng. Khi con người trở nên yếu đuối, những thứ như thầy bói, báo ứng... rõ ràng vẫn có sức hấp dẫn phi thường. Số phận đã trở thành một thứ chỉ có thể lý giải, chứ không tôi hể khống chế được.

Hỉ Nhĩ có vẻ ngượng về tâm trạng suy sụp ban nãy. "Mình say quá", cô chống chế. "Thực ra ngay từ đầu, mình đã thấy Fred không hợp với mình". Cô ho hắng vài tiếng, "Cậu nói đúng, không tiễn người cũ đi, người mới làm sao đến nổi. Thượng Hải chẳng phải quá nhiều đàn ông đó sao?". Cô nói thêm bằng giọng ngây thơ và cung kính: "Như thầy tử vi đã nói, số mình vừa nhiều tiền vừa có đàn ông yêu".

Gió buốt từng trận. Luồng hơi phả ra từ tiệm giặt đồ bên đường khiến tôi thấy ấm áp lạ. Trên đường bốc lên từng luồng khói trắng. Hai thứ này thường khiến tôi có cảm giác như đang trong phim, đậm một ý thơ mơ màng, dù cho chúng là những cảnh tượng rất quen thuộc thường ngày trên đường phố New York.

Một chiếc máy bay xẹt trên không trung, không biết đi về hướng nào.

Tôi phát hiện thấy mình đang đi về hướng con phố Bowery nơi có khu phố Tàu. Nhà hàng Hỉ Lâm Môn ở đó từng nổi tiếng với món cháo và mỳ. Nghe nói Yoko Ono cũng có lúc tới đó. Tôi quyết định tối nay chỉ cần một bát cháo trắng và một quả trứng muối.

Suốt cả ngày nay, Thượng Hải và bạn bè ở Thượng Hải cứ ùa vào đầu tôi như sóng biển, khiến tôi không tài nào kháng cự nổi. Giờ đây, tôi chỉ muốn ăn một bữa cơm Trung Quốc đơn giản và truyền thống.

_________________
Bình Luận (0)
Comment