Ra khỏi cửa quan Tham Hợp chính là địa giới của người Hồ.
Hoàng Hà cuồn cuộn chảy đến nơi này bỗng trở nên hiền hòa, bình nguyên Ba Ngạn Náo Nhĩ phì nhiêu được dãy Âm Sơn uốn lượn bao bọc. Đương thời điểm cuối đông đầu xuân, tuyết đã tan nhưng chồi chưa nảy, quang cảnh trông vẫn khá lạnh lẽo tịch liêu.
Mặt trời đã lên cao mà gió lạnh vẫn như lưỡi dao sắc cứa vào da thịt.
Một cậu nhóc người Hồ tuổi choai choai vai trái khoác tay nải to nặng, tay phải nắm tay một ông cụ đứng trong gió. Nhóc con quấn chặt áo da, hai chân giẫm liên hồi, không ngừng sụt sịt mũi vì lạnh.
“Sư phụ, hắn từng này tuổi rồi, người ta gặp hắn không bị đánh thì thôi, làm sao có khả năng ——”
Ông già vẫn không dao động, luôn miệng dặn dò như cũ: “Trường Ninh, lần này xuôi nam phải cẩn thận đấy.”
Thanh niên được gọi là “Trường Ninh” thân hình cao lớn đứng trước mặt hai người chỉ yên lặng gật đầu, đoạn hắn kéo cương ngựa xoay người nhảy lên, quay đầu ngựa, chân kẹp bụng. Con tuấn mã lập tức giương móng trước lên cao, hí dài một tiếng rồi lao nhanh về phía trước.
Thấy hắn đi rồi, cậu nhóc con không chịu nổi cái lạnh thấu xương nữa, vội nói: “Về thôi sư phụ, chúng ta về nướng chân dê ăn.”
Ông già vẫn đứng yên tại chỗ, mặt mày đầy vẻ lo lắng không yên. Bỗng dưng ở đầu bên kia, một người một ngựa mới chạy được hơn một dặm chợt dừng lại, sau đó ghìm ngựa quay về. Ông lão vui vẻ ra mặt, nở nụ cười nhăn nheo thì thầm: “Ôi chao, thằng nhóc này lần đầu tiên xa nhà, đừng nói không nỡ xa chúng ta đấy chứ…”
Cậu nhóc trợn mắt há mồm: “Chuyện này chắc phải sánh ngang với sự kiện dê đực sinh con —— chưa bao giờ gặp luôn ạ.”
Trường Ninh chớp mắt đã xuất hiện trước mặt hai người, một già một trẻ đều nhìn hắn chằm chằm, người trước tỏ vẻ an ủi, người sau như nhìn thấy ma.
Hắn cũng không xuống ngựa, chỉ vươn tay hạ giọng: “Đưa cho ta.”
Cậu bé mờ mịt hỏi: “Cái gì?”
Trường Ninh lời ít ý nhiều: “Bánh.”
Lúc này cậu bé mới kịp nhận ra rằng mình còn chưa đưa bọc lương khô cho hắn. Cậu vội vàng ném tay nải nặng trĩu cho đối phương, bên trong lèn chặt một chồng bánh Hồ mới nướng dày cộp kèm với rất nhiều thịt khô, một mình Trường Ninh mỗi lần có thể ăn hết năm sáu cái.
Trường Ninh vươn tay tiếp lấy tay nải treo bên yên ngựa, sau đó vội vàng phóng đi không nhiều lời thêm một chữ.
Ông lão hãy còn đang lau nước mắt, cậu nhóc giận dữ giậm chân: “Cái thùng cơm này, có khi hai chúng ta cộng vào còn không quan trọng bằng một miếng bánh đâu.”
Ngước mắt nhìn lên, một người một ngựa đã đi xa thật xa. Trời cao vạn dặm, bình nguyên mênh mông, phương xa chỉ còn là một đường vạch dài mảnh.
Ông lão cúi đầu dùng mũi giày gạt gạt phần đất lộ ra sau khi tuyết tan, một chút màu xanh đã xuất hiện bên dưới. Không bao lâu nữa, bình nguyên này sẽ biến thành một vùng biển xanh lục ngút mắt, bò dê hàng đàn.
“Lạnh muốn chết, lạnh muốn chết….” Cậu nhóc con càm ràm mãi không thôi.
Ông già nheo mắt, hơi nhíu mũi ngửi ngửi mùi hương trong gió, đoạn nhìn về thanh niên ở phía xa đã bé như hạt gạo, thở dài: “Mùa xuân đến rồi.”
Chạy thẳng một đường đến trước cửa quan, Trường Ninh xoay người xuống ngựa, khoác hành lý tay nải lên người rồi nhẹ nhàng vỗ vỗ cổ ngựa. Con tuấn mã toàn thân đen nhánh, bốn vó đạp tuyết hí vang mấy tiếng, nó dụi mặt vào mặt Trường Ninh, sau đó quay người rời đi.
Ngựa quen đường cũ sẽ tự trở về nhà, khuôn mặt Trường Ninh không lộ cảm xúc, cứ thế hòa vào dòng người hối hả nhập quan.
Đường xuôi nam càng đi càng ấm áp tựa như được đồng hành cùng mùa xuân, ở Kinh đô hoa lê rơi như tuyết, chẳng mấy chốc đã sắp tới tiết Thanh Minh.
Mùng một tháng ba, bên ngoài Thuận Thiên Môn ở thành tây, Kim Minh Trì và Quỳnh Lâm Uyển mở rộng cửa, ai nấy đổ xô đến vui chơi bất kể sĩ thứ sang hèn, mỗi người đều có thể tìm được chỗ vui thú tiêu khiển.
Nơi hấp dẫn khách khứa nhất đương nhiên là nhóm nhạc kỹ đang diễn tấu trên tòa lầu bên hồ nước. Nhạc kỹ đánh đàn thổi sáo sau một tấm rèm mỏng, gió xuân phất qua, lụa mỏng lay động vô tình để lộ một đoạn tay ngọc, nửa bờ môi đỏ cũng đủ khiến khách nhân ngẩn ngơ ngửa đầu nhìn ngắm.
Trời bắt đầu đổ mưa phùn nhưng lòng nhiệt tình của du khách vẫn không hề giảm, bọn họ tụ tập tốp năm tốp ba chen chân lên Tiên Kiều. Một người kéo du khách gần nhất tò mò hỏi “Có gì thú vị mà náo nhiệt thế?” lập tức bị đối phương đẩy ra như sợ chậm trễ, vừa rảo chân vừa giải thích: “Ngọc Chi nương tử chuẩn bị đứng trên lầu cao cạnh Tiên Kiều ném tú cầu đấy ——”
Đào Hoa Động có hơn mười tòa kỹ viện lớn nhỏ, trong số đó tên tuổi nổi danh nhất là Ngọc Chi.
Dưới chân tòa lầu phía nam Tiên Kiều hiện đã chật như nêm cối, toàn bộ đều ngẩng đầu hô tên Ngọc Chi. Vẫn chưa đến giờ lành, trên lầu trướng rủ màn che, chân màn được chặn kỹ nên gió không lay được, càng khiến người ta muốn nhìn lại nhìn nhiều thêm mấy lần.
Bên trong lầu, Ngọc Chi mặc váy đỏ thướt tha tôn lên làn da trắng nõn nà như ngọc. Nàng hơi xốc màn liếc nhìn xuống dưới một chút đã không ngăn nổi ý cười trên mặt, vội quay đầu ngọt ngào gọi với vào trong phòng: “Nhị gia đến xem này, nhiều người quá đi mất!”
Tạ Yến Hồng đang viết câu đố lên giấy hoa, Ngọc Chi gọi đúng lúc vừa viết xong, y liền gác bút, cao giọng hô lên: “Lấy tú cầu ra đây.”
Không cần đến thị nữ, Ngọc Chi đã ân cần nâng quả tú cầu mình chuẩn bị lên. Tú cầu này được thêu thùa tinh xảo đẹp đẽ, huân hương thơm lừng, lại còn treo hơn mười cái chuông bạc kêu leng keng thanh thúy. Tạ Yến Hồng gấp tờ giấy hoa nhét vào bên trong cầu, hứng thú bừng bừng thúc giục: “Xong rồi, mau ném đi.”
Đây là trò chơi mà Tạ Yến Hồng rất thích nên lấy ra mách nước cho Ngọc Chi.
Các kỹ viện ở Đào Hoa Động đều xây lầu bên cạnh Kim Minh Trì, Ngọc Chi muốn cạnh tranh cùng các kỹ nữ khác phải xem dưới lầu nhà ai tập trung nhiều người ủng hộ nhất. Tạ Yến Hồng chỉ đảo mắt một cái đã nghĩ ra biện pháp này, nói chỉ cần bắt trúng tú cầu, đáp được câu đố thơ, dù là ai xuất thân thế nào cũng sẽ được mời lên lầu đối ẩm ba ly với Ngọc Chi cô nương.
Ai lại không muốn xem náo nhiệt miễn phí? Cứ nhìn dưới lầu chen chúc đông nghìn nghịt là biết ngay.
Thị nữ dời chân ngọc chặn mành đi chỗ khác, gió nhẹ vừa thổi, mành sa lững lờ phất để lộ thân hình Ngọc Chi yêu kiều diện váy đỏ. Du khách dưới lầu cực kỳ hưng phấn, lập tức sôi nổi vươn tay.
Đầu xuân se lạnh còn kèm thêm chút mưa bụi, Tạ Yến Hồng thích chưng diện nên chỉ mặc áo gấm mỏng manh, y đón gió một lát đã đánh cái hắt xì, bèn xoa xoa mũi tránh sang một bên xem náo nhiệt, vừa xem vừa chỉ trỏ.
“Dịch sang bên cạnh một chút… Bên trái… sang phải tí nữa…”
Theo đường di chuyển của tú cầu, dòng người bên dưới cũng chen chúc di chuyển theo. Ngón tay Ngọc Chi lửng lơ do dự, Tạ Yến Hồng mất kiên nhẫn bèn vươn tay khẽ chạm một cái, Ngọc Chi hô một tiếng, tú cầu liền rơi xuống. Một tràng tiếng chuông thanh thúy vang lên, tú cầu nảy lướt qua đỉnh đầu bao nhiêu người, hết lượn bên này lại đáp bên kia. Ngọc Chi nhìn mà không khỏi căng thẳng theo, nàng cầm quạt tròn che khuôn miệng há hốc, vừa nhìn chằm chằm vừa lẩm bẩm: “Ôi, người bên kia trông giống thư sinh lắm… Chết rồi! Sao lại bị cướp mất rồi!”
Tạ Yến Hồng cũng say sưa quan sát quả cầu lúc ẩn lúc hiện, bỗng nhiên trong đám người xuất hiện một thanh niên cao lớn. Tú cầu bay về phía đó, hắn chỉ cần vươn một tay lên đã vững vàng bắt được. Mọi người ồ lên, nhưng thấy vóc dáng hắn to cao vạm vỡ nên không ai dám ra mặt tranh cướp.
Ngọc Chi mừng rỡ ra mặt, cười nói: “Trông cao lớn tuấn tú thật đấy.”
Không còn trò vui để xem, Tạ Yến Hồng xoay người buồn chán rót trà uống một ngụm.
Những người bên dưới lầu đã tách ra một con đường nhỏ để người tiếp cầu thuận lợi băng qua, thị nữ chờ sẵn bên dưới móc tờ giấy hoa bên trong, đọc lên lanh lảnh:
“Vũ đả đăng nan diệt, phong xuy sắc canh minh. Nhược phi thiên thượng khứ, định tác nguyệt biên tinh.”*(Mưa rơi đèn không tắt, gió thổi ánh càng trong. Bay lên trời cao vút, hóa ánh sao kề trăng)
Câu này không khó, cho nên lập tức có người hô lên “Ta biết”, chỉ là mãi vẫn ngậm miệng không chịu nói, sợ tiện nghi cho người khác.
Thanh niên cao lớn cũng giữ yên lặng như không có ý định trả lời. Mọi người đánh giá thấy hắn toàn thân bụi bặm, áo quần cũ nát, lưng còn đeo tay nải cao bằng một người, biết chắc hắn không thể đáp đúng bèn ồn ào lên: “Ném lại đi!”
Ngọc Chi ở bên trên nhìn quanh, nắm quạt mắng thầm: “Có đỏ mà chẳng có thơm* rồi…”
*
Câu gốc là 花木瓜空好看 (hoa mộc qua không hảo khán), câu tục ngữ chê trách người hay vật chỉ có vẻ bề ngoài chứ không có thực chất, tương tự câu ca dao “Có đỏ mà chẳng có thơm, như hoa dâm bụt, nên cơm cháo gì?” của VN.Tạ Yến Hồng mất sạch hứng thú, không thèm liếc cái nào nữa mà quay sang ra lệnh người hầu: “Ngươi sang bờ tây thấy có cá tươi mới bắt thì chọn một con thật ngon, đừng câu nệ giá cả, rồi làm cho ta một đĩa cá lát…”
Lời còn chưa dứt, phía dưới lại bắt đầu ồn ào.
Tạ Yến Hồng nghe gã người hầu đứng bên ngoài kinh hô: “Không được đi lên! Ngươi đang làm gì thế! Ui da!”
Thị nữ canh cửa sợ tới biến sắc, vội vàng nhấc váy chạy vào nói với Ngọc Chi: “Cô nương, người nọ sắp chen lên đây rồi!”
Ngọc Chi cũng bị dọa hoảng hốt: “Còn không mau ngăn cản?”
Thị nữ chưa kịp nói ra câu “Ngăn không được” thì màn cửa đã bị người xốc lên, thanh niên cao lớn đứng dưới lầu thật sự xông vào, người hầu gia đinh ở phía sau hắn ngả nghiêng đổ rạp đầy đất, ai nấy rên rỉ vì đau, không biết hắn đã làm thế nào để ra được cảnh tượng này.
Tạ Yến Hồng không mấy sợ hãi, vài ngày nữa Thánh Nhân sẽ ngự giá đến Kim Minh Trì, cạnh hồ hôm nào cũng có cấm quân qua lại diễn võ, chờ y gọi được cấm quân đến thì cho dù là ai cũng sẽ bị quét đi sạch sẽ.
Ngọc Chi không khỏi lùi về sau, Tạ Yến Hồng ngược lại tiến về phía trước, không có vẻ gì là sợ thanh niên cao hơn mình hẳn một cái đầu kia, chỉ chuyên tâm đánh giá trên dưới —— Dáng vẻ quả thật ngay ngắn chỉnh tề, làn da màu lúa mạch, mắt sâu mũi cao, mặt không biểu cảm, tay phải còn đang cầm quả tú cầu kêu leng keng.
Người nọ hạ giọng hỏi: “Ngươi là Tạ Yến Hồng?”
Tạ Yến Hồng sửng sốt, bản tính thiếu gia lập tức dâng lên. Ăn ngon mặc đẹp suốt mười sáu năm, ngoại trừ cha mẹ huynh trưởng ra, chưa ai dám nói chuyện với y bằng ngữ khí này. Y nâng cằm hừ lạnh, cười như không cười hỏi lại: “Còn ngươi là ai?”
Tạ Yến Hồng nhìn chằm chằm đối phương, hốc mắt hắn rất sâu, ánh mắt cũng sắc bén nhưng khi nhìn người lại có vẻ không mấy tập trung, tựa như hình ảnh chỉ hiện vào trong mắt chứ không đáp vào trong lòng.
“Rốt cuộc ngươi là ai?” Trong lòng Tạ Yến Hồng bực bội, lại cao giọng hỏi thêm lần nữa.
Người nọ nhíu mày như thể Tạ Yến Hồng vừa hỏi ra một câu cực kỳ ngu ngốc.
“Trường Ninh.” Hắn đáp, “Ta là Trường Ninh.”
Không biết là gã quái nhân nhảy ra từ xó xỉnh nào, Tạ Yến Hồng chơi không đủ còn bị quấy rầy hứng thú nên không hề thoải mái, thậm chí không có tâm trạng ăn cá lát nữa. Không cần biết hắn là trường hay là đoản, Tạ Yến Hồng phất phất tay với người hầu Lục An ở bên cạnh, ra hiệu mau đuổi người này đi.
Lục An đáp lại nhưng vẫn co đầu rụt cổ không dám manh động, phía sau đầy người nằm rạp kia kìa, ai mà dám động đậy.
Tạ Yến Hồng xoay người muốn bỏ đi, Trường Ninh lại đột ngột tiến lên giữ chặt tay y. Tạ Yến Hồng không ngờ hắn dám ra tay thật, mày nhướn cao tít quay đầu vung mạnh một cái, thế nhưng bàn tay Trường Ninh cứng chắc như gọng kìm, vung mãi mà không gạt ra được.
“Buông tay!” Tạ Yến Hồng quát lớn.
Trường Ninh lại im lặng không đáp, chỉ túm tay Tạ Yến Hồng quay đầu muốn kéo theo y xuống lầu, Tạ Yến Hồng làm sao nghe theo bèn liều mạng giật trở về. Chẳng biết Trường Ninh kia là thần thánh phương nào mà sức lực vô cùng lớn, dù y lôi kéo cỡ nào vẫn bị đối phương nửa lôi nửa kéo đi mất.
Một vòng người vây xung quanh không ai dám động đậy, Lục An căng thẳng túa mồ hôi, chỉ biết lẽo đẽo theo sau Tạ Yến Hồng chứ không biết làm gì cho phải.
Tạ Yến Hồng tức giận hô to: “Đồ ngu! Mau sang chỗ cấm quân gọi Nhan tam gia của ngươi qua đây!”
Tạ Yến Hồng bị Trường Ninh túm xuống lầu một đường, sĩ diện vì thân phận nên y sẽ không làm ra hành động la lối khóc lóc. Thế nhưng bên dưới bao nhiêu con mắt đang nhìn, nếu cứ như vậy bị người lôi ra ngoài, về sau mặt mũi Tạ nhị gia y còn biết để vào đâu nữa?
Y sốt ruột đến đổ mồ hôi bèn nhấc chân đá lên người Trường Ninh.
Dường như sau lưng Trường Ninh có mắt, hắn lập tức buông lỏng tay né tránh cú đá của Tạ Yến Hồng, người bên này cũng bất chấp bàn tay đau nhức, cất bước muốn bỏ chạy.
Không thể trêu chẳng lẽ còn không cho trốn?
Không ngờ Trường Ninh chỉ cần duỗi tay một cái là tóm được cổ áo Tạ Yến Hồng như mèo bắt chuột. Tạ Yến Hồng chạy nhanh, gặp cổ áo bị kéo mạnh một cái suýt nữa ngất luôn tại chỗ.
Cứ như vậy, nhị công tử nhà Định Viễn hầu nổi danh ăn chơi trác táng khắp kinh đô bị một thanh niên không biết từ đâu tới túm cổ áo xách ra khỏi tòa lầu ở Đào Hoa Động của Ngọc Chi cô nương.
Chuyện này lập tức trở thành câu chuyện trà dư tửu hậu của bá tánh khắp Kinh đô suốt mùa xuân năm đó.Lời tác giả:
Cổ phong chính kịch, lần đầu tiên thử phong cách này nên hy vọng có thể viết xong.
Bối cảnh hư cấu; nhân văn, lịch sử, tôn giáo, địa lý pha trộn giữa nhiều triều đại, hoan nghênh mọi người bình luận chỉ ra lỗi sai.