Thiên Hạ Kiêu Hùng

Chương 868

Dương Nguyên Khánh đứng lên nhìn bốn phía, ruộng bạt ngàn mênh mông khắp nơi là nông dân đang tưới nước. Tuy nhiên cây lúa vẫn mọc rất gầy và bé, hắn khẽ cau mày:

- Cứ tiếp tục như vậy thì đến vụ thu một mẫu đất có thể thu hoạch được bao nhiêu?

Một gã nông dân già tiến lên đáp:

- Điện hạ, hạn hán năm Đại Nghiệp thứ sáu cũng không khác gì so với bây giờ, nhưng lúc ấy không chống hạn được, cuối cùng sản lượng giảm tám phần mười, hầu hết lúa đầu hỏng không có thu hoạch. Năm nay mọi người đều chống hạn rất tích cực, tuy mất mùa nhưng ít ra vẫn có thể bảo đảm thu hoạch được khoảng năm phần.

Chỉ thu hoạch được một nửa, mà đây còn là ở Thái Nguyên. Nếu ở địa phương khác chắc còn phải thấp hơn, càng không cần nói đến Thanh Châu chỗ Đậu Kiện Đức quản lí rồi.

Giờ cuối cùng Dương Nguyên Khánh đã hiểu tại sao Đỗ Như Hối lại lo lắng như vậy, đúng là sợ nạn dân bảy quận Thanh Châu ào ào tràn vào Hà Bắc và Trung Nguyên. Thanh Châu có thiên tai lớn lại thêm chiến loạn, nạn dân bùng nổ là điều không thể tránh.

Cuối cùng Dương Ninh vẫn không thoát được tâm tính của một đứa trẻ bảy tuổi. Khi trở về, cậu bé đang ôm trong ngực một chú thỏ con màu xám xinh xinh. Đây là món quà nhỏ của một lão nông dân tặng cho, mới sinh được nửa tháng.

Nhìn đứa con ôm con thỏ nhỏ vào lòng nâng niu như bảo bối, Dương Nguyên Khánh rất vui với tính trẻ con đó. Hắn yêu thương xoa đầu đứa con cười nói:

- Nếu bị tỷ tỷ thấy thì sợ sẽ mất luôn đó.

- Con sẽ không để chị thấy, cũng không cho mẹ thấy.

Dương Ninh ngẩng đầu hỏi phụ thân:

- Cha, con thỏ nhỏ này thích ăn cà rốt đúng không?

Dương Nguyên Khánh cười lắc đầu:

- Con thỏ này quá bé, chắc không gặm được cà rốt đâu. Con cho nó ăn rau non hoặc lá cây là được. Hơn nữa con thỏ này sợ lạnh lúc đêm, con còn phải làm ổ cho nó, lót một ít vải mềm bọc che linh tinh gì đó nữa.

- Vâng! Con định đóng một cái hộp gỗ nhỏ làm ổ cho nó, nhưng … sợ mẹ không cho nuôi.

Dương Ninh nhìn phụ thân như đang cầu viện, Dương Nguyên Khánh cười nói:

- Ta sẽ thuyết phục mẹ con, nhưng con không được bỏ bê việc học.

- Con sẽ không đâu!

Dương Ninh lập tức hưng phấn, bế con thỏ dụi dụi vào mặt.

Trước khi đoàn người về tới vương phủ, Dương Nguyên Khánh sai người đưa con về phủ, còn hắn thì mang mấy trăm kị binh tiếp tục chạy tới thành bắc. Không bao lâu, tất cả dừng lại trước cửa một tòa nhà lớn. Nơi này chính là phủ của Bùi Củ.

Cuộc sống của Bùi Củ rất có quy luật. Mỗi ngày đều sáng sớm rời giường luyện kiếm nửa canh giờ trong sân sau, tiếp đó rửa mặt ăn sáng rồi nghỉ ngơi hai canh giờ, ra ngoài tìm người nói chuyện phiếm hoặc câu cá trong vườn sau của phủ. Ăn xong cơm trưa thì ngủ trong chốc lát, dành thời gian suy nghĩ đọc sách.

Lúc này Bùi Củ mặc một bộ áo tơi đánh cá, đầu đội nón tre ngồi trên một tảng đá lớn ở vườn sau câu cá. Sau khi Bùi Củ về hưu mới dần thích câu cá. Theo lời lão, câu cá là dành thời gian để suy ngẫm.

Khi câu cá, lão thích mặc đồ thành ngư ông. Rõ ràng cạnh ao có đình câu cá nhưng lão không thích ngồi ở đó, chỉ muốn ngồi trên mấy tảng đá lớn để cảm thụ tự nhiên. Hôm nay vận may không tệ, hơn nửa canh giờ đã câu được hai con cá chép và ba con cá mè.

Tuy Bùi Củ không còn làm trong triều nhưng lão vẫn chú ý từng bước đi của triều đình. Vương gia bị tẩy trừ, anh em họ Vương bị tước chức thành bình dân, con cháu vì làm rượu riêng mà bị giết, trang viên và cửa hàng cũng bị quan phủ tịch thu, hai mươi mấy kẻ thuộc phe Vương đảng cũng bị giáng chức hoặc bãi miễn tẩy trừ khỏi triều.

Kết quả của Vương gia nằm trong dự liệu của Bùi Củ, đây cũng là nguyên nhân chính lão chủ động về hưu. Từ lúc triều Tùy mới thành lập, hai đảng Bùi, Vương chiếm hầu hết các chức quan quan trọng. Lúc đầu Dương Nguyên Khánh chỉ biết nhẫn nhịn.

Nhưng lúc triều Tùy dần mở rộng, Vương gia và Bùi gia muốn phát triển nên biết điều hơn. Tự lui xuống thì sẽ như Bùi gia, không biết điều chỉ có thể tẩy trừ, kết cục như Vương gia. Trong việc tranh đấu quyền lực, Dương Nguyên Khánh hoàn toàn vô tình độc ác. Đây mới là khí phái của một người dựng nước, vừa có lòng dạ rộng lớn bao dung, vừa phải lòng lang dạ sói, lãnh khốc vô tình, diệt trừ kẻ không tuân.

Hiện tại Bùi Củ rất nóng lòng muốn biết khi nào thì Dương Nguyên Khánh chuẩn bị lên ngôi.

Lúc này cần câu bỗng động đậy, có cá đã mắc câu. Bùi Củ định hãm cần thì quản gia vội chạy tới hô to:

- Lão gia! Sở Vương điện hạ tới.

Bùi Củ ngẩn ra, Dương Nguyên Khánh đến đây sao? Lão lập tức hỏi:

- Có ai đi cùng không?

- Ngũ Lang cũng đi cùng.

Ngũ Lang chính là Bùi Thanh Tùng. Bùi Củ gật đầu:

- Mời Sở vương điện hạ đến đây.

Quản gia thấy không ổn lắm, nhưng lệnh của lão gia gã không dám không nghe, đành đi sân trước. Bùi Củ chầm chậm ngồi xuống, trong lòng suy nghĩ ý đồ đến của Dương Nguyên Khánh. Nếu như không đoán sai thì có lẽ Dương Nguyên Khánh tới vì bước tiếp theo của quân cờ. Bùi Củ mơ hồ cảm giác Dương Nguyên Khánh có vẻ hơi do dự.

Lúc này lão đột nhiên phát hiện con cá vừa câu lên đã vùng thoát:

- May cho mày đó!

Bùi Củ cười mắng một câu.

Xa xa, Dương Nguyên Khánh đi theo quản gia tiến tới, Bùi Thanh Tùng theo sau. Mãi cho đến khi lại gần, Dương Nguyên Khánh mới phát hiện ông lão mặc áo tơi đầu đội nón tre ngồi ở bờ sông. Đây không phải là kẻ hầu dọn hồ nước nào đó mà chính là bản thân Bùi Củ. Cách ăn mặc này của Bùi Củ khiến Bùi Thanh Tùng hoảng sợ, không mưa không tuyết sao gia chủ lại mặc như thế?

Dương Nguyên Khánh khoát tay chặn Bùi Thanh Tùng lại. Hắn bước nhanh lên trước khom người thi lễ:

- Nguyên Khánh tham kiến tổ phụ!

Bùi Củ cười tủm tỉm nói:

- Nguyên Khánh, lại đây xem ta câu cá.

Dương Nguyên Khánh vui vẻ tiến đến, nhặt lên cái sọt đựng cá nhìn, cười nói:

- Thu hoạch không tệ, đã có năm con rồi.

- Hầy! Nếu mà ngươi không đến thì con thứ sáu đã mắc câu rồi.

Bùi Củ thở dài một tiếng, đưa cho hắn một cái ghế. Dương Nguyên Khánh ngồi bên cạnh Bùi Củ, nhìn chăm chú vào mặt nước rồi nói:

- Năm nay hạn hán, nhiều nơi cạn nước. Hồ nước này của tổ phụ vẫn còn tốt lắm.

Bùi Củ vuốt râu lắc đầu nói:

- Ít bớt một nửa rồi đó. Dưới hồ có con suối thông với hồ nước trong vương phủ của ngươi. Ban ngày gần như không chảy vào, đến buổi tối mới có chút nước bổ sung nên mới giữ cho không cạn. Năm nay đúng là hạn lớn thật!

- Quả thật tình hình hạn hán năm nay rất nghiêm trọng. Hà Đông, Hà Bắc, Quan Trung, Trung Nguyên, Lũng Hữu đều gặp hạn lớn. Đây là thiên tai lớn nhất từ năm Đại Nghiệp thứ sáu tới nay. Buổi sáng con thị sát đồng ruộng ngoài thành, sản lượng bị giảm là không thể tránh khỏi. Nếu cố gắng chống hạn có thể thu hoạch được một nửa.

- Vậy triều đình còn tồn bao nhiêu lương thực?

Bùi Củ thản nhiên hỏi. Lão biết Dương Nguyên Khánh đến là để xin ý kiến nên không hề khách khí, nói thẳng luôn.

- Từ khi lấy được năm mươi ngàn tấn lương thực bồi thường chiến tranh của triều Đường thì chúng ta có tổng cộng một trăm ngàn tấn lương thực.

- Vẫn không ít, nhưng đã suy xét đến nạn dân đói có khả năng bùng phát tại Thanh Châu chưa?

Bùi Củ không hổ là lão tướng quốc vài chục năm, ánh mắt tinh tế già đời, nghĩ cái liền thấy được nguy cơ. Dương Nguyên Khánh không thể không bội phục, quả là gừng càng già càng cay.

- Vấn đề bây giờ đúng là nạn đói ở Thanh Châu, lương thực không đủ cung ứng. Thật là đau đầu. Chính vì thế nên hôm nay con mới đến để xin ý kiến tổ phụ, xem người có đề nghị nào tốt không.

Dương Nguyên Khánh bất đắc dĩ thở dài.

Bùi Củ chăm chú nhìn phao câu trên mặt nước, chậm rãi nói:

- Cũng không phải không có cách nào, ví như tiến hành mậu dịch với thảo nguyên, trao đổi vải vóc lá trà, những mặt hàng nhẹ với dê bò của người Đột Quyết. Tuy nhiên cách này chỉ có thể giải quyết lương thực thiếu trong nhất thời. Nếu muốn có được nhiều lương thực thì phải đoạt được từ chiến tranh đối ngoại, từ xưa đến nay đều là vậy.

Dương Nguyên Khánh giật mình, vội nói:

- Gần đây con cũng đang suy nghĩ tấn công triều Đường hay Quan Nội hoặc Kinh Tương. Lần này quân Tùy lấy được quận Hội Ninh, con thấy quân Tùy hoàn toàn có thể cướp luôn Quan Nội hoặc Hà Tây.

- Cướp Hà Tây? Ngươi muốn chặt đứt nguồn ngựa chiến của quân Đường sao?

Bùi Củ hỏi.

Dương Nguyên Khánh gật đầu:

- Tấn công quận Hội Ninh đương nhiên là để cướp tài nguyên khoáng sản, nhưng một mặt cũng là đặt bàn đạp chuẩn bị cho việc cướp Hà Tây. Ngựa chiến của triều Đường hầu hết đều lấy từ Hà Tây, chiếm lĩnh Hà Tây cũng sẽ như cắt đứt nguồn ngựa chiến của triều Đường.

Bùi Củ thở dài một tiếng:

- Nguyên Khánh, vấn đề lớn nhất của ngươi chính là làm cái gì cũng suôn sẻ, nên cứ nghĩ triều Đường là quả hồng mềm mặc cho ngươi bóp. Nhưng ngươi có bao giờ nghĩ đến việc này chưa, khi mà chiến tuyến của ngươi kéo dài từ Hoàng Hải đến hành lang Hà Tây thì sẽ cần bao nhiêu quân đội đến duy trì? Kẻ thù sắp tới của ngươi là triều Đường, Đậu Kiến Đức, Triều Tiên, Đông Tây Đột Quyết, thậm chí cả hai kẻ bụng dạ khó lường Lý Mật và Vương Thế Sung nữa. Có thể nói là địch vây tứ phía, vậy mà ánh mắt của ngươi chỉ nhìn chằm chằm vào quân Đường. Chẳng lẽ những kẻ kia sẽ khoanh tay đứng chờ ngươi hốt xong triều Đường rồi tiếp tục đối phó với bọn chúng sao?

Dương Nguyên Khánh im lặng một hồi. Thật ra lúc hắn cướp quận Hội Ninh, lan cuộc chiến đến tận Quan Nội thì trong Tử Vi Các đã có ý kiến phản đối, cho rằng như vậy chiến tuyến sẽ kéo quá dài. Chỉ bởi vì quận Hội Ninh có lợi từ mỏ đồng và mỏ bạc rất lớn nên mới gạt được những tiếng phản đối.
Bình Luận (0)
Comment