Thiên Mã Hành Không

Chương 102



Tiêu Phong còn bận đi tế mộ A Châu, không muốn la cà ở đây lâu, ông cất cao giọng bảo:



- Được! Bác Nhân Thuật, lần này ta tha, từ giờ trở đi, nếu ngươi còn dung túng thuộc hạ làm càn, ức hiếp bá tánh, ta sẽ không nhẹ tay nữa đâu!



Tân Nguyệt nói thêm:



- Bác Nhân Thuật, ngươi nghe rõ rồi đấy, trong lòng ngươi còn bất phục, ngay khi Tiêu tướng quân không quản đến, ta cũng sẽ không bỏ qua!



Bác Nhân Thuật không biết cô là ai, gã thấy cô cùng đoàn Tiêu Phong, chỉ đành đáp gọn:



- Dạ!



Chỉ Tân Nguyệt, Tiêu Phong nói:



- Ngươi chưa biết đây là ai, chắc hẳn cho là một cô nương bá vơ ... mà sao cũng đòi giáo huấn! Là người Mông Cổ, tại sao ngươi đã chẳng nhận biết công chuá Tân Nguyệt?




Bác Nhân Thuật thất kinh, gã định thần, nhìn kỹ lại Tân Nguyệt, thấy cô dung mạo diễm lệ, thân hình cao lớn, tuy mặc trang phục theo người Hán, nhưng cách ăn nói, cử chỉ rõ ràng một cô nương Mông Cổ! Gã nghĩ thầm "Công chuá Tân Nguyệt nổi danh đệ nhất mỹ nhân Mông Cổ, quả nhiên lời đồn không ngoa! Ta từng nghe công chuá Tân Nguyệt để ý Tiêu đại tướng quân, hôm nay xem chừng lời đó không sai!" Gã lập tức quỳ xuống, thưa:



- Bác Nhân Thuật thất lễ, cầu xin công chuá rộng lượng tha thứ.



- Đứng lên đi! - Tân Nguyệt nhạt giọng bảo - Chắc ngươi thường hay huy động quân binh đàn áp bá tánh, phải không? Bọn ta có vài ba người, mà ngươi đã đưa đến cả ngàn quân sĩ, chẳng biết phân biệt khinh trọng! Ngươi dòng dõi thế gia danh môn, chớ khá làm ô nhục tiền nhân!



Bác Nhân Thuật cố gắng đứng lên, gã cúi đầu thưa:



- Công chuá giáo huấn rất phải, đang lúc tập luyện sĩ tốt nơi giáo trường, mạt tướng nghe báo tin có kẻ võ công cao cường, ngang nhiên hành hung quân binh Đại Mông Cổ, do đó, mạt tướng đã đem toàn bộ quân số đến đây. Bác Nhân Thuật tội đáng chết, đã không hay biết công chuá cùng đại tướng quân giá lâm, cầu xin công chúa thứ tội!



Tiêu Phong chẳng muốn dây dưa lâu lắc với hắn nữa, ông phi thân lên ngồi trên ngựa, bảo:



- Ta đã nói những gì cần nói, ngươi cứ theo đấy mà làm!



Tân Nguyệt , Liễu Như Lãng cùng cả đoàn lục tục lên ngựa, chuẩn bị ra đi. Bác Nhân Thuật lớn giọng nói:



- Công chuá , đại tướng quân, xin thỉnh đại giá về nghỉ ngơi tại phủ lý Tín Dương!



Tiêu Phong đáp:



- Không cần, ta có việc gấp ở Tín Dương, ngươi hãy thu binh về, đừng nhiễu nhương cư dân nữa!



Bác Nhân Thuật nhìn đoàn họ lên đường, chắp tay nói:



- Mạt tướng đã hiểu, công chuá và đại tướng quân bận việc, mạt tướng đang phải chỉ huy quân binh, không theo tống tiễn được!



Tiêu Phong giật cương giục ngựa nhắm hướng Tiểu Kính hồ, Liễu Như Lãng, A Tử, Tân Nguyệt và Tiểu Nhạn theo sát đàng sau, Một số người bàng quan đã sớm lẩn xa, lúc họ thấy Bác Nhân Thuật cùng đại quân Mông Cổ kéo đến, bây giờ khi Tiêu Phong đi đã xa, Bác Nhân Thuật hoàn hồn, đang huơ tay, ban lệnh thu binh, kéo nhau đi. Những người đi đường khác cũng dần dà giải tán, trong đầu họ còn mang đậm ấn tượng một đại tướng Mông Cổ, hãy còn tính người, có danh hiệu Đông Liêu đại tướng quân .



Trăm năm trước, Tiêu Phong mang máng biết Tiểu Kính hồ toạ lạc phía tây bắc phủ Tín Dương. Ông còn nhớ rõ, lúc đó ông cùng A Châu vào quán rượu hỏi thăm đường đất. Gã tiểu nhị trong tửu điếm nói vòng vo cả nửa buổi, cuối cùng bảo Tiểu Kính hồ ở cách đấy tổng cộng ba mươi tám dặm rưỡi. Bấy giờ, A Châu lấy từ trong túi ra ba mươi chín tiền, đem một đồng tiền bẻ thành hai mảnh, đưa cho tiểu bảo ba mươi tám tiền rưỡi. Trong tai Tiêu Phong mường tượng còn âm vang tiếng cười ròn rã của A Châu, khi cô bảo gã tiểu nhị:



- Mỗi dặm đường là một tiền, ta đã định thưởng ngươi bốn mươi tiền, nhưng xem chừng con số đó không chính xác, vậy để ta tính lại. Một lần tám là tám, hai tám mười sáu, ba tám hai mươi bốn, bốn tám ba mươi hai, năm lần tám là bốn mươi... Bốn mươi trừ đi một dặm rưỡi, vị chi ba mươi tám tiền rưỡi!




"Ba mươi tám tiền rưỡi, ba mươi tám tiền rưỡi!". Tiêu Phong miên man nhẩm thầm, hình dáng má lúm đồng tiền của A Châu vụt hiện lên rực rỡ trong đầu óc nóng bừng bừng của ông, bất giác tay cương ông giục ngựa phóng nhanh hẳn lên. Từ phiá sau, A Tử gọi với theo:



- Tỷ phu, tỷ phu, chờ muội ... Để muội chỉ đường!



Tiêu Phong bừng tỉnh, ông kìm cương, đưa ngựa vào một lối mòn, theo hình ảnh ông còn ghi trong ký ức. Ngựa A Tử, Tân Nguyệt và Tiểu Nhạn do Quách phủ cung cấp, sức chạy kém ngựa Tiêu Phong đang cưỡi, vốn nó là con tuấn mã Lâm yên Bích từ Chiết Quế cư cưỡi lên bắc. Các cô tha hồ thúc ngựa, không sao theo kịp Tiêu Phong. Duy con ngựa tốt của Liễu Như Lãng khả dĩ theo kịp, Tân Nguyệt cao giọng nói:



- Liễu đại ca, huynh chạy sát theo Tiêu đại ca, khuyên can huynh ấy, người chết thì đã chết rồi, huynh ấy chớ quá đau lòng!



Liễu Như Lãng nhanh chóng phóng ngựa đi, nói:



- Được, các cô yên tâm, thong thả theo sau!



Liễu Như Lãng dõi theo Tiêu Phong, thấy phong cảnh hai bên đường mỗi lúc một hoang lương, cây cối rậm rạp, lối mòn quanh co. Hốt nhiên, gã thấy Tiêu Phong kìm cương, dừng ngựa, ông xuống đứng kế bên một cây cầu đá nhỏ, dáng trầm tư ... thật lâu. Thân hình cao lớn của ông sừng sững nơi đấy, hệt một pho tượng đá, duy nhất vạt áo phất phơ trong gió. Liễu Như Lãng lẳng lặng đến đứng cạnh ông. Gã chợt phát hiện, đại ca của gã, trước giờ hiện trong mắt là một đấng anh hùng thừa can đảm, dám liều thân vì bằng hữu, thật sự ông là một người hết sức cô độc! Tấc lòng đại ca dành hết cho người vợ đã chết, dẫu quanh ông đông đủ bạn bè thân quen, tấc lòng đó vẫn không làm ông nguôi ngoai niềm cô quạnh hằng bám víu theo ông đi khắp nơi. Cô quạnh nghĩ mãi về người đã khuất, nghĩ đến lẽ âm dương cách trở. Liễu Như Lãng không sao biết nội tâm Tiêu Phong lúc đó, mắt ông nhìn cây cầu đá, trong lòng rộ biết bao mối buồn thương. Liễu Như Lãng làm sao hiểu được những tan nát trong con tim ông, bên cây cầu đá, một chưởng giết đi người yêu quý nhất đời của mình, một chưởng xoá tan bao lời ước nguyền, một chưởng biến tất cả thành hư không ... chuyện quá khứ .... là một ác mộng!



Liễu Như Lãng lặng yên nhìn bóng dáng sau lưng Tiêu Phong, gã tự hiểu, thời khắc đó, trong thân hình khôi vĩ phía trước, quá nhiều đợt sóng tình cảm đang dâng tràn. Họ Liễu không dám khuấy động thế giới riêng tư đó của ông, gã lẳng lặng chia sẻ những nhu tình, những cảm giác của một anh hùng cô độc.



Các cô A Tử, Tân Nguyệt và Tiểu Nhạn cuối cùng cũng theo đến, họ thấy Tiêu Phong và Liễu Như Lãng đứng lặng yên bên cây cầu đá, hai người như đang trong trạng thái nhập định. A Tử xuống ngựa, cô chạy đến cạnh Tiêu Phong, giật giật tay áo ông, nói nho nhỏ:



- Tỷ phu, tỷ phu đừng đau lòng nữa!.



Đôi mắt nhoà lệ, Tiêu Phong đang sống lại cảnh mưa gió tơi bời, sấm chớp ầm ầm, khi A Châu trúng chưởng của ông, trên môi nàng còn đọng nét cười. Giật mình khi bị A Tử níu tay áo, ông quay nhìn, qua màn nước mắt, tưởng A Châu đang đứng đấy, ông mừng rỡ, định dang tay ôm nàng vào lòng. Bỗng đâu một tiếng sấm nổ vang dội trong đầu "A Châu đã chết! A Châu chết từ lâu rồi!". Ông giật mình, bừng tỉnh, rụt nhanh tay về, nước mắt tuôn trào như suối. "Không sai! A Châu đã chết, tại nơi đây, nàng trúng một chưởng của ta, đã chết lâu rồi". Lòng chua xót như dao cắt, ông đau đớn khôn cùng! Từ lúc A Châu mất đi, dù không khi nao nguôi ngoai nỗi nhớ, nhưng hiếm khi ông đổ lệ trước người khác. Hiện tại, bên cây cầu đá năm xưa, mọi hình ảnh âm thanh dĩ vãng kéo nhau trở về, trong đêm mưa to gió lớn đó, hạt mưa quất ràn rạt vào má, hoà lẫn nước mắt của ông ròng ròng tuôn chảy, ông đã ôm nàng thật chặt trong lòng, miệng không ngớt kêu gọi tên nàng. Nhưng trong vòng tay ông, nhìn đôi mắt chan chứa nhu tình của nàng đang vĩnh viễn khép lại, huyết lệ từ trong mắt ông không ngớt tuôn ra, năm ấy ... bây giờ ... không khác nhau chút nào!



Tân Nguyệt định đến khuyên lơn Tiêu Phong đôi câu, khi cô thấy ông âm thầm đổ lệ, bất giác trong cô vụt đau đớn, đôi mắt bỗng đỏ ửng, cô không sao nói lời nói ra khỏi cửa miệng. Cô xuất thân làm công chúa Mông Cổ, từ nhỏ cô được chăm sóc ân cần chu đáo, khiến cô có tính tình thiện lương, giản dị như đa số thiếu nữ Mông Cổ, rất nhiều nét ôn nhu, do đó, cô đã thường bị Hốt tất Liệt trêu chọc cô đầu thai nhầm cửa, thay vì xuống Trung Nguyên, lại đi lạc lên Mông Cổ.



Liễu Như Lãng đến kế bên Tiêu Phong, khẽ nói:



- Đại ca bớt bi thương! Trời gần tối, mình còn phải tảo mộ nữa, để đại ca còn khấn khứa đại tẩu!



Tiêu Phong gật đầu, ông đưa tay áo gạt lệ, chuyển mình, đem buộc ngựa vào một thân cây gần đấy, nói:




- Đường phía trước không cưỡi ngựa được, mình phải đi bộ đến đấy!.



Mọi người bèn đem buộc ngựa buộc vào gần cây cầu.



Thấy vẫn còn một cây cầu nhỏ bằng gỗ kế bên chiếc cầu đá, Tiêu Phong bèn rảo bước đi lên trên ấy, nó cũng còn vững chãi. Qua hơn trăm năm rồi, vật đổi sao dời, thế gian này tưởng chừng vẫn vậy, đời nọ tiếp nối đời kia, cây cầu gỗ này không phải cây cầu gỗ năm nào, huynh đệ hiện thời không phải huynh đệ thưở xưa. Vật, người có khác, năm tháng có trôi qua, duy mối tình nghĩa trong ông nó chẳng thay đổi, nó cứ sống động, cứ quấn chặt trong tim.



Mặt đường mòn mỗi lúc một hẹp, cỏ mọc dưới chân mỗi lúc một rậm rạp hơn. Đi được chừng nửa thời thần, họ chợt thấy mở ra thoáng đãng, nước hồ bình lặng như mặt gương hiện ra phía trước. Liễu Như Lãng tự nhủ chắc hẳn là Tiểu Kính hồ. Ven hồ, trúc mọc thành rừng, lá trúc xanh tươi mơn mởn bạt ngàn. Liễu Như Lãng quan sát kỹ thân trúc, thấy nó không giống loại trúc thông thường, trúc ở đây xanh bóng mảnh mai, từ thân cây, lá trúc mọc ra từng lá dài riêng rẽ, nom tựa các ngón tay thiếu nữ thanh mảnh.



A Tử đến bên Tiêu Phong, nói:



- Tỷ phu, để muội đưa huynh đi.



Tiêu Phong trầm giọng trả lời:



- Không cần! Ta hãy còn nhớ đường.



Trúc mọc dầy đặc quanh hồ, khắp nơi, đâu đâu cũng một mầu xanh của trúc, người đi trong rừng trúc, căn bản không nhận biết phương hướng đông tây nam bắc. Nhưng năm đó, Tiêu Phong tự tay đào mộ chôn nàng, đường đi nước bước vẫn còn ghi khắc sâu trong óc, hiện thời, cảnh vật cũng đã chẳng mấy thay đổi, ông càng bước đi, càng thấy khơi dậy trong lòng những tình tự trăm năm về trước. Ông có cảm tưởng đang trở về cố hương, những âm hồn đâu đây mường tượng đang dẫn đường đưa lối cho ông.



A Tử trầm trồ:



- Tỷ phu giỏi quá! Bao lâu rồi, vẫn còn nhớ đường rành mạch!



Tiêu Phong lặng im không nói, ông bước nhanh hơn, cảm giác mộ phần hiện ra đâu đó trong màu xanh um của rừng trúc. Đột nhiên, ông dừng bước, khi đưa mắt nhìn kỹ, ông thấy giữa đám cỏ xanh mơn mởn, bên cạnh mộ, một đoá đỗ quyên đang nở rộ, mang màu đỏ rực như lửa!



---- Xem tiếp hồi 103 ----


Bình Luận (0)
Comment