Thiên Mã Hành Không

Chương 5



Trong cơn mơ màng, A Tử thấy nhột nơi mũi, bất giác nàng hắt xì, rồi tỉnh giấc. Khi mở mắt ra, dưới vầng sáng đèn, nàng thấy gã thiếu niên đó đang cầm một cọng cỏ chọc ngoáy vào lỗ mũi mình, mặt gã in một nụ cười tinh quái. A Tử ngồi nhỏm người lên, thét to:



- Mi làm gì vậy?



Gã thiếu niên đó nhảy lui ra sau một bước, ngoái ra ngoài cửa, gọi to:



- Bà nội ơi, bà vào đây mau lên, nha đầu thối tha đã tỉnh lại rồi kià!



Từ ngoài cửa, một bà lão bước vào, da mặt bà nhăn nheo, nhưng đôi mắt bà sáng và rất có thần. Thấy A Tử đang ngồi, bà giơ hai tay lên, nói to:



- Cám ơn trời đất, cuối cùng cô nương cũng đã tỉnh lại rồi. Trong lúc cô nương mê man, bọn ta thật đã chẳng biết làm sao đánh thức cô dậy! Thôn xóm này lại không có thầy thuốc, làm bọn ta lo quá sức!



Gã thiếu niên cười hì hì:



- Bà ơi, bà có thấy cháu giỏi không? Cháu chỉ cần lấy cọng cỏ chọc nhè nhẹ, cô ta ngồi nhỏm dậy tức thì!



Bà lão liếc xéo gã, mắng:



- Mày lại còn khoe giỏi! Nếu mày không lấy bùn đất ném vào cô ấy, thì người ta đâu có bị té ngựa, bị bịnh đến mê man như vậy chớ!



Gã thiếu niên đó giơ tay lên:



- Cô ta đã lấy roi ngựa đánh cháu, lại còn để ngựa xéo nát mấy luống cải của cháu, cháu chỉ đối phó, đánh trả lại thôi.



Bà già bảo:



- Mày lại còn cãi, người ta con gái nhỏ tuổi, mày là nam tử hán, đại trượng phu, lẽ ra phải nhường nhịn người ta chớ!



Gã thiếu niên thè lưỡi, làm mặt khỉ với A Tử, gã không dám đôi co với bà lão nữa.



A Tử tuy giận thiếu niên đã làm mình ngã ngựa, nhưng nàng nghe hai bà cháu nói chuyện, lại thấy nơi bàn tay gã còn dấu vết thương xậm mầu, trong lòng nàng bình tĩnh trở lại. Nàng ngước nhìn bà lão, hỏi:



- Thưa bà, đó là cháu nội của bà hả? Sao nó chẳng có lấy một chút hảo tâm nào của bà hết vậy?



Gã thiếu niên trợn mắt, la lớn:




-Ta mà chẳng có chút hảo tâm nào? Nếu ta chẳng giúp cô tỉnh lại, bây giờ liệu cô có còn ngồi đó nói lăng nhăng hay không? Hay sớm đã bị hoang cẩu nó làm thịt từ đời nảo đời nào rồi! Cô đừng tưởng có tướng mạo xinh đẹp là gạt được người ta nhé, ta biết tâm địa a đầu nhà cô xấu xa lắm ...!



Bà lão hét lên:



- Giang xuân Lam, cháu đừng ăn nói bậy bạ vậy!



Thiếu niên bị gọi tên Giang xuân Lam nhanh chóng ngậm miệng lại, bước lùi ra đàng sau.



A Tử vốn biết thiếu niên không ý xấu, và vốn nàng thường bị Tiêu Phong chê trách hành xử tàn ác, khi nghe gã bảo mình tâm địa xấu xa, nàng cũng không lấy đó làm giận, lại nghe gã có cái tên thật hay ho, nhìn cái mặt đầy vẻ kỳ quái của gã, nàng thấy thật đáng tức cười, liền bảo gã:



- Giang xuân Lam, tên ngươi là Giang xuân Lam, làm người ta nghe thấy mà tức cười muốn chết! Ngươi thử nhìn lại cái tinh quái của ngươi xem, có được điểm nào xứng với cái tên đó?



Giang xuân Lam không lấy thế làm giận, cười hì hì nói:



- Ông già ta đặt cho ta cái tên đẹp như vậy, cô không cần phải ganh tỵ!



Bà lão mắng:



- Xuân Lam, ăn nói phải có phép tắc, đừng gọi bố cháu là ông già này, ông già kia như vậy!



Rồi bà quay sang A Tử, nói:



- Cái tên đó vốn cha nó đặt cho, hy vọng nó ham thích đọc sách vở, làm người quân tử khiêm cung, đâu biết được nó lại hư đốn vầy. Nhà ta ít phúc phận, cha mẹ nó đều theo nhau qua đời, không người dạy dỗ, làm cho nó ngày nay ra tính tình như thế! Ài...



Bà thở dài, rồi tiếp:



- Nhưng được cái nó khác người, tâm tính không tệ, ăn ở cực kỳ hiếu đễ, dù tuổi chưa quá mười sáu, nhưng nó suốt ngày quần quật đồng áng, lo toan miếng ăn cho lão đây, ta về già còn có phước, nó chẳng để ta làm bất cứ việc nặng nhọc gì, thật tội cho nó quá!



Nói xong, trong mắt bà thấy long lanh giọt lệ.



Giang xuân Lam vội chạy đến bên, đưa tay áo lau mắt cho bà, nói:



- Bà ơi, bà đừng buồn như vậy. Cháu làm lụng vậy, nhưng rất vui vẻ, không nề hà gì đâu!



A Tử và bà lão nghe thế không nhịn được cười, A Tử bảo gã:



- Thằng quỷ nhỏ! Chỉ giỏi nói!



Bà lão thân thiết đưa tay vò đầu gã, cười nói:



- Thằng cháu của bà, chả có tài năng gì, chỉ giỏi chọc phá thiên hạ.



Giang xuân Lam đứng lên, thò đầu ra ngoài cửa sổ, nhìn nhìn, rồi nói:



- Bà à, trời tối rồi, mình sắp ăn chưa, cháu đói lắm rồi.



Bà lão vỗ tay, thốt:



- Ồ, ta quên mất, tối nay có nồi nấu cháo khoai lang, tính chờ cô nương đây tỉnh dậy rồi cùng ăn một thể! Xuân Lam, cháu hãy mau vào đem ra đây đi.



Giang xuân Lam đem nồi cháo hãy còn nóng hổi ra, bà lão múc cho A Tử một bát đầy, rồi cùng Giang xuân Lam ăn cháo. Bà cười cười, bảo:



- Nhà ta nghèo, chẳng có món ngon, cô nương dùng tạm.



A Tử ăn vài hớp cháo, đã thấy tỉnh người, nàng bèn đưa mắt nhìn quanh, thấy dưới ánh đèn, bốn bề vách đất, trong góc bày đồ nông cụ, có một cái bàn thấp, hai chiếc giường, vài món lặt vặt, ngoài ra không còn gì khác nữa, nàng nghĩ bụng: "Hai bà cháu này quả thật là nghèo!"



Bà lão thấy A Tử nhìn quanh, bèn cười nói:



- Chẳng sợ cô nương cười, toàn bộ gia sản bọn ta đều ở cả đấy!



A Tử thưa:



- Tên cháu là A Tử, xin bà đừng gọi cô nương này, cô nương nọ.



Giang xuân Lam bò lăn ra cười, bảo:



- Ta biết ngay mà! Tưởng cô có cái tên hay, đẹp thế nào, hóa ra trùng tên với con mụ điên trong làng!



A Tử nổi giận:



- Giang xuân Lam, sao dám bảo ta là con mụ điên?




Bà lão rầy:



- Xuân Lam, cháu chớ nói xàm, trong làng mình có ai tên A Tử đâu nào!



Giang xuân Lam vỗ bụng, trả lời:



- Bà nội không biết đấy thôi, làng mình có một mụ cứ gặp đàn ông con trai thì gọi bằng chồng, mụ chuyên môn vận quần áo rách nát mầu tím, không ai biết tên thực của mụ là gì, bèn đặt cho mụ cái tên A Tử!



Gã vừa nói, vừa cười cợt nhìn A Tử.



A Tử nổi xung, đưa tay ra vả Xuân Lam. Giang xuân Lam né tránh, chạy trốn vào sau lưng bà lão. A Tử đặt bát cháo xuống bàn, đứng dậy, rảo bước về phía đàng sau bà lão. Giang xuân Lam lòn mình chui xuống dưới bàn. Hai người rượt đuổi nhau quanh bàn. Bà lão chợt dang hai tay ra, mỗi người bị bà nắm chặt, đều bị chặn đứng lại.



Bà lão cười, nói:



- Đừng chạy náo động, làm ta hoa mắt! Cháo đang nguội cả rồi kìa, mau ăn đi.



A Tử nói:



- Bà ơi, bà thấy đó, nó tìm cách khác chọc phá cháu kìa, cháu phải trị nó mới được!



Bà lão cả cười:



- Ừ ... Thì trị nó! Xuân Lam, mau xin lỗi chị A Tử đi.



Xuân Lam cười hì hì, đùa cợt:



- Cháu chẳng chọc phá gì cô ấy cả, cô ấy nhào ra đánh cháu, cháu phải chạy trốn, cháu có cách gì khác đâu?



A Tử trước giờ chỉ chuyên quậy phá thiên hạ, chưa hề bị người khác bỡn cợt mình! Lúc đó, nàng nổi giận toé khói, giãy giụa muốn vùng thoát khỏi bà lão để vả vào miệng Xuân Lam, nhưng thân trên nàng bị bà lão kềm chặt như đóng đai sắt, không vùng vẫy thoát ra được, nàng nhủ thầm: "Bà lão này coi vậy mà tay khoẻ gớm, chẳng phải như mấy bà nhà quê bình thường ..."



Lại nghe bà lão mắng:



- Xuân Lam, cháu mà còn ăn nói bậy bạ nữa, ta vả vào miệng bây giờ. Còn không mau xin lỗi đại tỉ A Tử ngay đi?



Giang xuân Lam thè lưỡi, nói nhỏ:



- Xú ... Xin lỗi ...



A Tử giỏng tai, nghe không rõ, nàng bực tức hét lên:



- Mi nói gì? Ta chẳng nghe tiếng nào hết!



Giang xuân Lam thấy dung nhan nàng kiều diễm, nghĩ bụng, gọi ả là chị cũng chẳng thiệt thòi gì, cuối cùng gã nhìn nàng, nói:



- Tỉ tỉ A Tử, đệ xin lỗi!.



A Tử mỉm cười:



- Giỏi, tự giờ trở đi phải nghe lời tỉ tỉ dạy, nghe chưa!



Xuân Lam trừng mắt nhìn nàng, bỏ đi.



Bà lão buông tay, nhìn A Tử ngập ngừng định nói gì đấy, cuối cùng bà bảo:



- Ăn cháo đi!



A Tử nói với bà:



- Bà ơi, bà có đôi tay khoẻ quá, bà níu chặt làm con đau!



Bà lão vuốt tay A Tử, cười bảo:



- Nhà ta ai nấy đều mạnh tay cả, ta làm đau cô nương, thật lỗi quá!



A Tử thoạt đầu định dò hỏi lai lịch của bà, nàng thấy bà có ý giấu, lại nghĩ bà đối đãi với mình từ ái, không chút ẩn ý xấu, bèn thôi không nghĩ đến chuyện hỏi han nữa.



Ba người dùng bữa xong, ngồi chuyện vãn một lúc, bà lão sợ A Tử tinh thần mỏi mệt, bèn giục mọi người đi ngủ sớm.



Qua hôm sau, A Tử cáo từ xin đi, bà lão bảo:



- Cô nương còn yếu, sao không ở lại nghỉ thêm vài hôm nữa, nhà lão tuy nghèo, nhưng cũng có trà lạt, cơm hẩm đỡ cô ít hôm?




A Tử thưa:



- Càm ơn bà, cháu còn phải đi tìm tỉ phu cháu gấp, chẳng thể ở lại lâu hơn được!



Vừa hay lúc ấy, Giang xuân Lam gánh về một gánh rau, A Tử nhìn qua, thấy trong giỏ có một ít rau bị mình cho ngựa dày xéo hôm trước. Giang xuân Lam đặt gánh cạnh giếng, kéo lên một gầu nước rửa rau, rồi gã quay qua hỏi bà lão:



- Bà à, cháu nhặt rau héo khô này, đem về nuôi heo còn hơn để bị thối uổng, bà thấy được không?



Bà lão cười:



- Tốt lắm!



A Tử thấy vậy, nàng móc trong bọc ra một đĩnh bạc, đưa bà lão, nói:



- Cháu vô ý làm nát rau của nhà ta, giờ xin cho cháu được bồi thường!



Bà lão vội nhét đĩnh bạc trở lại vào tay A Tử, bảo:



- Cô nương cất tiền đi, một chút rau đó có đáng gì! Cô còn phải du nhập giang hồ, rất cần món ngân lượng đó.



A Tử đành cất đĩnh bạc vào bọc.



Giang xuân Lam thấy A Tử chuẩn bị bao phục, hỏi:



- Tỷ đi bây giờ à?



A Tử gật đầu. Giang xuân Lam bèn vào trong đem ra một gói, đưa cho A Tử và bảo:



- Bà nội thấy tỷ tỷ lương khô ít ỏi, bà sợ tỉ đòi đi sớm, hôm qua đã có sai đệ ra chợ mua thêm cho tỷ một ít lương khô nữa, để tỉ dùng đi đường.



A Tử vô cùng cảm động, nàng đưa mắt nhìn bà lão, nhất thời nghẹn ngào chẳng nói nổi lời tạ ơn!



Bà lão cười hiền hoà, bảo cô:



- Hài tử, cầm lấy đi, lúc nào hàng quán đóng cửa thì nó tiện dụng lắm. Xuân Lam, cháu vào dắt ngựa ra cho cô ấy đi.



Giang xuân Lam trao gói lương khô cho A Tử, ra ngoài dắt ngựa vào, đặt dây cương tận tay A Tử:



- Đệ thấy cưỡi ngựa của tỷ không dễ dàng như cưỡi bò! Nguyên sáng nay, đệ định cưỡi nó đi chợ, nó vừa thấy đệ lại gần, đã giơ chân đá, quẫy đuôi xua đuổi, không cho đệ chạm vào nó, làm đệ phải cưỡi bò đi chợ.



A Tử không nhịn được cười:



- Tại nó thấy đệ tinh quái, nó sợ đệ còn hơn sợ bị ruồi muỗi chích.



Giang xuân Lam cười hì hì:



- Vậy nó để tỷ cưỡi dễ dàng, chẳng phải nó coi tỷ quen như ruồi muỗi ư?



A Tử đưa tay gõ vào đầu hắn:



- Thằng tiểu quỷ này, cái miệng lách chách thật lợi hại, coi chừng ta lại lấy roi ngựa quất cho bây giờ!



Nói xong, nàng dắt ngựa đi qua cổng, rồi ngước nhìn bà lão, nàng nói:



- Bà ơi, tiểu quỷ ơi! Mọi người bảo trọng, ngày sau còn gặp lại!



Dứt lời, nàng nhảy lên mình ngựa, ra roi nhắm hướng đường làng quanh co rong ruổi.



--- Xem tiếp hồi 6 ---


Bình Luận (0)
Comment